Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh 300 năm cùng nhân dân mở đất, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội

23/04/201318:28(Xem: 12594)
Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh 300 năm cùng nhân dân mở đất, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh 300 Năm Cùng Nhân Dân Mở Đất, Bảo Vệ Tổ Quốc, Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội

Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên
Nguồn: Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên


Tiến Sĩ PHAN LẠC TUYÊN (*)

“Những gì chúng tôi làm cho Đạo pháp nghĩa là làm cho Dân tộc, những gì chúng tôi làm cho Dân tộc là làm cho Đạo pháp”

Lời của Hòa thượng Thích Trí Thủ

Ngay từ khi mở mang đất nước về phương Nam, các vị sư Phật giáo (PG) cũng theo các đoàn dân di cư từ các nơi đến Đàng Trong, ngược lại đã cùng với đám lưu dân từ các tỉnh khác của Nam Kỳ ngược về sinh sống ở vùng Sài Côn-Gia Định, nơi mà chính quyền Việt Nam đã được tổ chức vững chắc. Kể từ năm 1698 mà sự buôn bán nhờ dân Minh Hương (người Hoa) đã định cư ở đó từ trước, và qua người Minh Hương, tàu bè nước ngoài tới lui buôn bán sản xuất. Lúc đó, ở chùa Đại Giác tại Đại Phố, Đồng Nai, thuộc dinh Trấn Biên (nay là Cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), có Hòa thượng (HT) Thành Đẳng trụ trì. Năm 1744, khi chúa Nguyễn mở mang vùng Sài Côn-Gia Định thì nhiều người từ Đồng Nai về Sài Côn-Gia Định làm ăn. HT Thành Đẳng thấy rõ việc phát triển làm ăn vùng đất mới có nhiều dân trụ ở đó làm ăn nên cử Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc đi cùng dân lưu cư về vùng Sài Côn mở mang Phật pháp. Dọc đường, nhà sư đã gặp một Tăng lữ cùng lứa tuổi (chưa tìm được thế danh và pháp danh), hai người rất mến nhau, họ cùng đến thôn Tân Lộc (Chợ Đũi, quận 3 ngày nay) khai hoang mở ruộng, trồng rau, vào rừng đốn củi, hái trái cây. Một tháng chia hai, nửa tháng làm ruộng, trồng trọt, tích lũy thức ăn, nửa tháng tụng kinh niệm Phật. Họ dựng một am tranh làm nơi tu hành. Dần dần, dân ở đó cảm thấy đức độ tu hành và lao động của hai vị Thiền sư nên ngày Rằm và mùng Một, họ đến am tranh nghe thuyết pháp và tụng kinh. Sau hơn mười năm tu hành, hai Thiền sư với sự giúp đỡ cúng dường của bà con trong vùng, đã dựng được một ngôi chùa gạch lợp ngói với tên là chùa Từ Ân. Gần đó cũng có một ngôi chùa mới lập được đặt tên là Khải Tường. Chùa Từ Ân ở vào khoảng Chợ Đũi và chùa Khải Tường ở góc đường Lê Quý Đôn-Võ Văn Tần ngày nay.

Trong những biến động lịch sử ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hai chùa này đã trở thành chứng tích lịch sử. Trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và triều đại Tây Sơn, thời gian từ 1788-1801, trong khi bôn ba, Nguyễn Ánh với các tướng sĩ đóng quân ở chùa Từ Ân, còn gia đình Nguyễn Ánh ngụ tại chùa Khải Tường; và khoảng năm 1791, Hoàng tử Đảm (sau này là Minh Mạng) do bà thứ phi họ Trần sinh ra ở đây. Sau khi lên ngôi, Gia Long phong sắc cho hai chùa này, cấp tiền và mọi chi phí cho các vị tu hành ở đó. Do đấy nhân dân gọi là “chùa Quan”.

Khi thực dân Pháp vào xâm lược Việt Nam, đánh chiếm Sài Gòn-Gia Định (1859-1861), chúng đã đốt phá chùa Từ Ân. Chùa Khải Tường thì bị chiếm đóng làm đồn binh do tên quan ba Barbé làm trưởng đồn, nên sau này người Pháp gọi là pagode Barbé (chùa Barbé). Thật mỉa mai và láo xược thay ! Thực dân Pháp cũng đem pho tượng Phật Di Đà tạc bằng gỗ do vua Minh Mạng cúng dường về trưng bày tại Viện Bảo tàng Sài Gòn mà cho tới nay chúng ta còn thấy trong đó.

Về mặt quan hệ truyền bá PG của Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong nước, phái Lâm Tế của Đại thừa (Mahayana) đã từ Phú Xuân và Bình Định là chủ yếu. Và các vị HT như Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch (gốc người Trung Quốc) và các đệ tử là: Phật Ý-Linh Nhạc lập chùa Từ Ân và Khải Tường ở Gia Định và những đệ tử trụ trì ở nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gòn-Gia Định như chùa Giác Lâm, Long Thạnh. Trong số học trò này còn có Sư Phật Chiếu-Linh Quang lập chùa Phước Tường (Thủ Đức), Sư Thiệt Thoại-Tánh Tường lập chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức); việc xây dựng những chùa chiền ở vùng cư dân mới tại Sài Gòn-Gia Định có ảnh hưởng đến phong tục tập quán, tín ngưỡng và cuộc sống nơi đây. Vào năm Canh Dần (1770), khoảng tháng Giêng âm lịch có cọp về hại người và súc vật ở khu chợ Tân Kiểng (lúc đó thuộc trấn Phiên An, Sài Gòn), mọi người hoảng sợ, lo lắng. Có hai nhà sư ở đó biết chuyện đã đến đánh nhau với cọp, giết được nó nhưng cũng bị nó cắn làm trọng thương, sau đó thì chết. Nhân dân cảm động và biết ơn nên đã phụng thờ làm Phụ Thần Hoàng ở đình Tân Kiểng (nay thuộc quận 5, TP Hồ Chí Minh).

Nhìn chung, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa để nương thân, tránh việc có thể bị Trịnh Kiểm giết thì những đời chúa Nguyễn kế tiếp thường dựa vào giới PG, và những khi trốn tránh sự truy nã của quân Tây Sơn đều ẩn náu tại các chùa chiền. Tháng 11 năm 1776, trong lúc lưu vong, tướng sĩ nhà Nguyễn đã họp ở chùa Kim Chương để tôn Nguyễn Phước Thuần làm Thái thượng vương và lập Nguyễn Phước Dương làm Tân chính vương, để chống lại quân Tây Sơn. Sau này, chùa Kim Chương được nhà Nguyễn phong “Sắc tứ Phổ Quang tự”. Trớ trêu thay, vào tháng 3-1777, quân Tây Sơn vào đánh Gia Định, Thái thượng vương Nguyễn Phước Thuần bị bắt tại Long Xuyên và bị quân Tây Sơn đem về giết tại chùa Kim Chương, nơi mà mười tháng trước đó, ông đã được các tướng sĩ tôn phong! Vấn đề chính trị cũng tác động mạnh đến tôn giáo, sau khi thực dân Pháp đã đặt ách thống trị tại Việt Nam, ban hành luật bắt mọi nhà, kể cả chùa chiền, miếu mạo, đền tự đều phải chứng minh chủ quyền đất đai đang ở, nếu không có cơ sở, giấy tờ thì phải tự xuất tiền mua đóng cho nhà cai trị hành chính lúc đó. Do đó, không ít chùa chiền phải nộp tiền mua đất tại chính nơi mình đã có công khai phá và dựng chùa một cách hết sức nực cười, trong số chùa đó có Phụng Sơn tự, một chùa được lập ra từ lâu đời.

Năm Ất Dậu 1885, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hóc Môn chống thực dân Pháp bùng nổ, có sự tham dự của một số đông tín đồ PG và một số nhà sư. Theo một số nhà nghiên cứu thì cuộc khởi nghĩa này do tông phái Minh Sư Phật Đường khởi xướng và Phan Công Hớn lãnh đạo cùng với Thiền sư Minh Hòa-Hoan Hỷ. Vị Thiền sư này tu tại chùa Long Thạnh (Bà Hom) cùng thầy là Hòa thượng Tiên Cần-Từ Nhượng.

Mối quan hệ giữa PG ở Sài Gòn-Gia Định lúc đó, rất có thể thông qua người Minh Hương đã ở đây từ lâu nên khá chặt chẽ. Năm Nhâm Thìn (1892), một nhà sư là Lão sư Lưu Đạo Nguyên đã từ Trung Quốc tới Đàng Trong, ở Qui Nhơn một thời gian rồi vào Sài Gòn giảng kinh kệ của phái Minh Sư Phật Đường với đường lối chính trị là “phản Thanh, phục Minh”. Tông phái này xây điện Ngọc Hoàng ở Đa Kao để làm nơi trụ trì và giảng đạo. Sau đó, phái Minh Sư Phật Đường xây thêm chùa Phổ Tế Phật Đường ở vùng Chợ Đệm và từ đó phát triển rộng rãi ra các vùng Chợ Lớn, Tân An, Gò Công và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy chưa có thể khẳng định được vì còn thiếu những tài liệu gốc, nhưng những ảnh hưởng của phái Minh Sư Phật Đường đã chứng tỏ ảnh hưởng giao lưu của phái này đối với một số đạo giáo ở đồng bằng sông Cửu Long như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo... Đồng thời, Minh sư Phật đường có tham gia tích cực vào phong trào Duy Tân và Đông Du.

Qua những sự kiện này, thực dân Pháp có luật lệ cứng rắn đối với PG. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer ra nghị định, những người tu hành ở chùa phải có giấy chứng nhận và mỗi khi làm đàn chay cúng kiến phải xin phép.

Một vấn đề khác có tác động đến sự liên hệ giữa PG và bọn thực dân Pháp là nhà cầm quyền cai trị lúc đó thông qua cơ quan ngôn luận Lục tỉnh tân văn đả kích đạo Phật và tín ngưỡng dân gian. Tờ báo này, trong một số ấn hành khoảng tháng 11-1907, có bài nói về phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo có câu viết: “Trả PG cho Chà Và (Ấn Độ) và Quan Công cho Chệt (Trung Quốc)”.

Vào năm 1922, một số binh lính người Việt trong quân đội thuộc địa Pháp đóng tại Sài Gòn có hùn hạp tiền bạc làm công quả xây một ngôi chùa có tên là Quán Thế Âm tại vùng Phú Nhuận mà giới bình dân gọi là chùa Mạch Lô (matelot: lính thủy).

Nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn-Gia Định bắt đầu trực tiếp cho tay chân can thiệp vào PG thông qua ông Cò-mi Chấn (Commis) là chức Tham tá làm việc ở bộ máy cai trị của Thống đốc Nam Kỳ. Ông này được Thống đốc Nam Kỳ là Kautreimer cho phép lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và ấn hành nguyệt san Từ Bi Âm. Thống đốc Nam Kỳ được mời làm Hội trưởng danh dự cùng một số công chức cao cấp người Pháp và Việt là hội viên danh dự. Tháng 9 năm 1933, Cò-mi Chấn tố giác với bọn mật thám thực dân Pháp là một số nhà sư hoạt động cộng sản đã khiến cho một số vị tu hành bị mời lên Sở Mật thám điều tra. Chùa Sắc tứ Linh Thứu bị lục soát, kinh sách bị tịch thu và HT Huệ Tâm bị bắt cầm tù tại trại giam Côn Đảo.

Mối quan hệ giữa PG ở Sài Gòn-Gia Định đối với một số quốc gia có tín đồ PG đông đảo như Campuchia và Lào được dần dần chặt chẽ. Năm 1936, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (trụ sở tại Sài Gòn) có cử một đoàn do HT Huệ Pháp làm trưởng đoàn, mang kinh sách sang tặng cho Hội PG Campuchia và Lào, đoàn đã được đón tiếp nồng hậu. Vào khoảng tháng 6 năm 1936, có HT Karlis Feunisons và Tăng sĩ Frédéric N.Lustig sang thăm các chùa ở Sài Gòn. Ngoài ra, khoảng năm 1935, một vị sư là Minh Tinh từ Sài Gòn đã hành hương sang Ấn Độ và có thỉnh được xá lợi ngọc đem về khiến giới Phật tử phấn khởi, vui mừng.

Do ở gần nhau nên PG Tiểu thừa ở Campuchia và PG Đại thừa ở Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn, thường có những giao lưu liên lạc với nhau, đặc biệt ở Nam Kỳ, số người Việt gốc Khmer rất đông, chùa chiền sư sãi nhiều, ngay cả tại Sài Gòn-Gia Định, chùa chiền, sư sãi, tín đồ PG Tiểu thừa không ít. Năm Canh Thìn (1940), ông Nguyễn Văn Hiếu đại diện một số đông cư sĩ PG tại Sài Gòn lên Phnom Penh thỉnh Sư Hộ Tông đã theo học đạo tại Phnom Penh về lập chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Đức. Cũng bắt đầu từ đây, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập và chùa Bửu Quang là ngôi chùa đầu tiên của PG Nguyên thủy ở Việt Nam.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua được một sự kiện lịch sử quan trọng có liên hệ với PG, hoặc vì hoàn toàn đặt sự kiện đó trong lịch sử cách mạng ở Nam Bộ. Ở đây không khai thác khía cạnh thuộc phạm trù lịch sử cách mạng mà chỉ muốn nêu rõ trong quá trình PG tồn tại trong xã hội, trong nhân dân Việt Nam ở Nam Bộ, những quan hệ, tác động qua lại không phải chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, là đạo pháp, tôn giáo, mà những tác động dội lại của xã hội, lịch sử, chính trị đã xuất hiện những cái nhìn mới mẻ và rộng rãi hơn. Nếu thường tình, người tín đồ PG hay nói: “Đạo cứu Đời” thì tác động của Đời sẽ làm Đạo đẹp hơn. Do đó, khi cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra ngày 23-11-1940 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hàng vạn nông dân và những người yêu nước ở khắp Nam Bộ, đặc biệt là Hóc Môn, Bà Điểm và vùng Cai Lậy, Chợ Bưng, Tam Bình đã nổi dậy dưới lá cờ đỏ búa liềm để giành chính quyền. Sau một thời gian cướp chính quyền ở nhiều nơi, cuộc khởi nghĩa bị bọn thực dân Pháp và tay sai đàn áp tàn khốc dã man bằng súng đạn, đốt phá, chém giết, tù đày. Trong số những chiến sĩ cách mạng, có nhiều tín đồ và nhà tu hành PG bị chém giết, bị bắt bớ tra tấn tù đày mà ta còn nhớ được như HT Đạt Thanh (chùa Long Quang ở Hóc Môn), Yết ma Pháp Long (chùa Thiên Quang ở Hóc Môn), Lão sư Đinh Đạo Ninh (Khánh Nam Phật đường), Sư Phước Trí (chùa Thiền Lâm, Hóc Môn). Đây chỉ là nói ở vùng Hóc Môn mà thôi.

Tiếp tục những liên lạc với cách mạng, ngay từ năm 1943, chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm đã là nơi hội họp của những nhà sư yêu nước và những cán bộ cách mạng. Đồng thời, chùa này cũng là một trong những cơ sở hậu cứ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại vùng Sài Gòn-Gia Định.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày 2-9-1945 Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Tổ quốc Việt Nam, trong cuộc mít-tinh tại trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố), hàng ngàn tín đồ PG và các nhà tu hành dưới sự hướng dẫn của các HT Hồng Từ (chùa Giác Lâm), HT Hồng Kề (chùa Sùng Đức), HT Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) đã tới tham dự và trưng nhiều biểu ngữ hoan hô cách mạng thắng lợi và đề nghị PG được gia nhập Mặt trận Việt Minh.

Từ đây trở đi, trong vận hội mới của Tổ quốc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh, ánh sáng vàng của PG Việt Nam lại càng thêm phần rực rỡ.

Từ năm 1954 đến 1963, Diệm-Nhu đã đàn áp PG dữ dội, hàng vạn Tăng Ni bị khủng bố ở Sài Gòn như vụå thủ tiêu Sư Thành Đạo chùa Phật Ấn; Yết ma Thiền Nghi ở chùa Đức Lâm, bắt đày ra nhà tù Côn Đảo; Sư Minh Giác ở chùa Long Vân; Sư Huệ Chi ở Phật học đường Chợ Lớn. Năm 1963, vào ngày Phật Đản ở Huế, Diệm-Nhu đã cho binh lính, xe thiết giáp đàn áp Phật tử khiến nhiều người chết và bị thương. Tăng Ni, Phật tử ở Huế đã vào Sài Gòn để tổ chức phối hợp đấu tranh. Trong khi đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTDTGPMNVN) ra tuyên bố ủng hộ năm điểm đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử tại Sài Gòn và các tỉnh. HT Thích Thiện Hào, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN, đã tố cáo với thế giới tội ác của bọn Diệm-Nhu đối với PG và gửi điện cho Ban Thư ký thường trực Hội PG Thế giới tố cáo tội ác của bọn chúng. Ngày 11-6-1963, HT Thích Quảng Đức đã tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu-Cách Mạng Tháng Tam). Ngay sau đó, hơn hai chục ngàn sư sãi ở Phnom Penh xuống đường biểu tình phản đối trước các cơ quan đại diện của Ngô Đình Diệm. Tại một số các nước như Sri Lanka, Lào, Ấn Độ, Miến Điện (Myanmar), Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên... đã nổ ra những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối sự kỳ thị tôn giáo và tội ác của Diệm-Nhu. Tại khu giải phóng miền Nam Việt Nam đã có buổi truy điệu HT Thích Quảng Đức do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Chủ tịch đoàn tổ chức long trọng. Đêm 20-8-1963, Diệm-Nhu lại tiến hành đàn áp đẫm máu tại nhiều chùa ở Sài Gòn như chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Quang...

Nhân dân ta vô cùng căm phẫn. Ngày 25-8-1963, khoảng 50.000 đồng bào ta tại thủ đô Hà Nội đã xuống đường biểu tình phản đối tội ác đàn áp đẫm máu sư sãi và Phật tử ở Sài Gòn, Huế và các tỉnh. Ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh cả nước, đã phát biểu lời tuyên bố: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại xảy thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật... Tội ác dã man của chúng, trời đất không thể dung. Hành động hung tàn của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình” (1).

Dù có bày vẽ những kịch bản hòng che giấu tội ác, Diệm-Nhu và tay sai cuối cùng cũng bị lột trần bộ mặt hung ác, tàn bạo của chúng là xâm phạm tự do tín ngưỡng đối với sư sãi Tăng Ni và Phật tử ở Sài Gòn, Huế và các tỉnh ở miền Nam Việt Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được thực hiện nghiêm túc như Hiến pháp Việt Nam ghi rõ : Tôn trọng tự do tín ngưỡng, luật pháp bảo vệ những cơ sở tôn giáo hợp pháp.

Ngày 7-8-1975, để thống nhất những việc hoằng pháp của các Tăng Ni, các vị tu hành và các tín đồ trong tình hình đất nước đã thống nhất, để tích cực đóng góp vào công việc xây dựng đất nước, Ban Liên lạc PG Yêu nước TP. Hồ Chí Minh được thành lập; HT Thích Minh Nguyệt, một nhà tu yêu nước, đã được bầu làm Chủ tịch, trụ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Trong mối giao lưu với các tôn giáo khác ở ngoài nước, PG đã có những hành động thân hữu. Ngày 8-5-1977, một phái đoàn Giáo hội Ky-tô thế giới được HT Thích Minh Nguyệt tiếp tại chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó đã có những tiếp xúc giữa Ban Liên lạc PG Yêu nước TP. Hồ Chí Minh với phái đoàn Vô tuyến truyền hình Mỹ NBC ngày 13-2-1977; phái đoàn truyền hình Pháp đến thăm một vài ngôi chùa trong thành phố ngày 2-5-1977, phái đoàn PG Nhật Bản đến thăm Ban Liên lạc PG Yêu nước TP.Hồ Chí Minh và một số phái đoàn PG ở các nước lần lượt tới thăm thành phố và tiếp xúc với Ban Liên lạc PG Yêu nước TP. Hồ Chí Minh.

Chức sắc giới PG thuộc Ban Liên lạc PG Yêu nước cũng như sau này của Giáo hội PG Việt Nam đã được chính quyền tạo điều kiện đi thăm viếng giao lưu với PG quốc tế như đoàn của HT Bửu Chơn thăm hữu nghị Phnom Penh (Campuchia) và dự lễ Đôn-ta ở đó; ngày 17-9-1978, đoàn của HT Thích Minh Châu tham dự Hội nghị PG ở Anh quốc ngày 19-9-1978 và sau đó sang thăm chùa Trúc Lâm được xây dựng ở ngoại ô Paris do HT Thích Thiện Châu trụ trì, đoàn của HT Thích Trí Thủ sang Moskva dự Hội nghị các nhà hoạt động tôn giáo chống nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ 10-5 đến 14-5-1982; đoàn của HT Thích Minh Châu tham dự Hội nghị lần thứ V thuộc Tổ chức Tôn giáo và Hòa bình thế giới họp tại Úc tháng 1-1989 và tại một số nước khác.

Về các hoạt động giao lưu đóng góp với công việc xây dựng đất nước, giới tu hành PG đã được phép ra tờ báo Giác Ngộ (1-1-1976), lập các trường Cơ bản Phật học và Cao cấp Phật học cơ sở II, tới năm 1997 thì đổi là Học viện PG Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Khóa học khai giảng năm 1997 là khóa thứ IV của chương trình đào tạo theo chủ trương “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội PG Việt Nam. Một điểm đáng chú ý nữa là không ít các bậc cao tăng, Đại lão HT, Thượng tọa (TT) , các vị tu hành và tín đồ PG ở thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia cách mạng dưới nhiều hình thức tại thành phố Sài Gòn (trước 30-4-1975) và tại các địa phương các tỉnh như các HT Thích Minh Nguyệt, HT Thích Trí Thủ, HT Thích Thiện Hào, HT Thích Minh Châu, HT Thích Trí Quảng, TT Thích Giác Toàn, Ni trưởng Huỳnh Liên... Khá nhiều người khác đã hy sinh và bị tù đày trong các trại giam của ngụy quyền Sài Gòn. Sự quan hệ mật thiết không chỉ hạn định trong việc quan hệ giới tu hành PG với xã hội, cuộc đời, giữa thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương và nước ngoài mà còn có một nội dung khác rất đáng chú ý. Đó là ngay trong các lớp Phật học, đặc biệt là tại Trường Cao cấp Phật học trước đây hay Học viện PG Việt Nam hiện nay (kể từ 1997), trong giáo trình bốn năm học đã có hai phần : nội điển (kinh, luật, luận của giáo lý PG) và ngoại điển (triết học Mác - Lê-nin và những kiến thức cơ bản về tổ chức Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân tộc học, tôn giáo học, văn học Việt Nam, mỹ học, lịch sử Việt Nam, văn minh Việt Nam...). HT Tiến sĩ Thích Minh Châu vừa là Viện trưởng Học viện PG Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa là đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ cho tới Quốc hội khóa này. Tăng Ni sinh của Học viện đều đã học các lớp Phật học cơ bản, trung cấp và bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp lớp 12 trung học. Học viện ở thành phố Hồ Chí Minh chiêu sinh đều phải thi tuyển. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học, một số Tăng Ni đã được phép của Giáo hội và Nhà nước, đi du học ở Ấn Độ và một vài nước khác.

Như vậy, những người tu hành còn được đào tạo để hiểu biết trách nhiệm đối với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đối với xã hội, dân tộc, đồng bào mà trong giáo lý PG đã nói tới: Ân đối với quê hương đất nước, ân đối với tổ tiên cha mẹ, ân đối với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Tóm lại, thời đại Hồ Chí Minh, trong sự phát triển của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, PG tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước đã có sự chấn hưng rõ rệt, không những chỉ trong phạm vi công tác xã hội hay nghĩa vụ công dân, mà còn được mở rộng ra cả trong phần nhận thức luận về nội dung giáo lý tu hành và hoằng pháp trong một thời đại mới.
1998




CHÚ THÍCH
* Hiện đang công tác tại Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, Giáo sư thỉnh giảng của Học viện PG Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và TP Huế.
(1) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Hà Nội, 1966, tập II, tr. 354.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]