Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9-8. Thọ dược, thuyết tịnh và phân vật

22/04/201317:24(Xem: 7422)
9-8. Thọ dược, thuyết tịnh và phân vật

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

TOÀN TẬP

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

TẬP 2

LUẬT TỲ KHEO

YẾT MA YẾU CHỈ

Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ Soạn

CHƯƠNG TÁM

THỌ DƯỢC, THUYẾT TỊNH VÀ PHÂN VẬT

TIẾT MỘT

THỌ DƯỢC

I. CÁC LOẠI DƯỢC

Thuốc là danh từ chỉ chung tất cả các loại đồ ăn, thức uống cùng các thứ thảo mộc mà thế gian coi là dược liệu. Đấy là hiểu theo định nghĩa cơ bản của Luật tạng. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa phổ thông thì tất cả đồ ăn thức uống của năm chúng xuất gia đều được coi là thuốc. Luật phân chia tất cả các loại này thành bốn, theo thời gian thọ dụng chúng.

1. Thời dược

Thuốc được dùng trong thời gian chính thức. thời gian chính thức là từ sáng sớm, khi minh tướng xuất hiện,([1])cho đến giữa trưa đứng bóng. Ngoài thời gian đó gọi là phi thời. Thời dược có hai loại chính.

a) Bồ xà ni, phiên âm từ phosanìyacủa tiếng Phạn, dịch là đạm thực, nghĩa đen là: cái để ăn" hay "thưởng thức", chỉ các vật thực chủ yếu, gồm năm thứ như bột, cơm, cơm khô, cá, thịt. Nói chung, các thứ mễ cốc và cá thịt làm món ăn chính trong các bữa ăn của người đời.([2])

b) Khư đà ni, phiên âm từ khàdanìya, dịch là tước thực, nghĩa đen là"cần phải nhai" hay "cần phải cắn", chỉ các thứ trái cây, lá cây, hoặc hoa màu dùng làm thức ăn chung với mễ cốc các thứ.([3])

Nói chung, tất cả những loại thực phẩm, những thứ dùng để ăn hoặc uống hằng ngày gồm các loại cây, cỏ, thảo mộc v..v.. nếu không được dùng làm thuốc để trị các thứ bịnh thì đều thuộc loại thời dược. Những thứ này, nếu quá giữa trưa đứng bóng mà dùng phạm ba dật đề.([4])

2. Phi thời dược

Cũng gọi là gia phần dược, hoặc canh dược, loại thực phẩm không đúng thời, tức được dùng từ giữa trưa đứng bóng trở đi cho đến sáng hôm sau trước khi minh tướng xuất hiện. Luật nhiếp ([5])liệt kê có tám loại phi thời dược này:

a) Chiêu giả tương, phiên âm từ cocapánacủa tiếng Phạn, tức nước dừa hay nước cốt dừa.

b) Mao giả tương, phiên âm từ mocanàna, nước chế biến từ chuối. Phần ghi chú của Luật nhiếp nói: "Lấy một ít hồ tiêu rắc lên quả chuối rồi khuấy thật nhiều cho thành nước ấy không phải là loại nước chế bằng cách làm cho chuối lên men, nếu lên men, có chất say như rượu, không được phép dùng.

c) Cô lạc ca tương, nước cô lạc ca, với ghi chú hình dạng giống như tắc chua. "Nhưng đây là phiên âm từ Kolaka, chỉ cho hạt tiêu.

d) A thuyết tha tử, Phạn: áscat, thông thường gọi là cây bồ đề vì đức Thế Tôn ngồi dưới đó mà thành đạo. Theo luật nhiếp; hạt của nó có thể chế làm nước uống.

e) Ô đàm bạt la tương, thường âm là ưu đàm bát la, Phạn: Udumbara, chỉ cây sung hoặc vả; trái của nó chế làm nước uống.

f) Bát lỗ sái tương, Phạn: parùsaka; ghi chú của Luật nhiếp nói là quả của nó giống như nho tức loại trái thuộc họ Nho. Đích thực không rõ là thứ cây gì. Có lẽ là một loại cây mà quả mọng của nó được dùng làm nước mát.

g) Miệt lật trụy tương, Phạn ardvì, chỉ quả nho. Đây là thứ nước do ghiền nát quả nho rồi hòa với nước, sau đó được lọc bỏ xác, tức là nước nho tươi. Nó không phải là nước nho đã lên men dùng làm rượu.

h) Khát thọ la tương, Phạn: Aharfùen: chỉ loại nước lấy từ quả chà là.

Tứ phần 42 ([6])lại có một bản liệt kê tám thứ nước trong đó một số không đồng nhất với liệt kê trên:

a)Nước trái lê

b)Nước trái diêm phù (quả hồng táo)

c)Nước táo chua

d)Nước mía

e)Nước trái thị

f)Nước xá lâu già (Phạn: saluke) nước ngó sen

g)Nước trái bà lâu sư, tức bát lỗ sái, như đã dẫn trên.

h)Nước nho

Truyền thống Thượng tọa bộ Pàli cũng kể có tám thứ nước thuộc phi thời dược như sau: ([7])

a)Nước trái am ma lặc, tức quả xoài

b)Nước trái diêm phù, như Tứ phần

c)Nước cốt dừa, như Luật nhiếp

d)Nước quả chuối, như Luật nhiếp

e)Nước mật ong, nghĩa là mật ong hòa tan với nước.

f)Nước trái nho, như Luật nhiếp: hoặc trái thị, như trái thị, như Tứ phần.

g)Nước ngó sen, tức xá lâu già, như Tứ phần

h)Nước trái ba lậu sư, tức bà lâu sưtheo âm của Tứ phần, hoặc bát lỗ sái theo âm của Luật nhiếpđã nêu trên.

So sánh ba bản liệt kê trên thì thấy rằng giữa ba truyền thống, tức Luật nhiếp của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ, Tứ phần của Đàm Vô Đức, và Thượng tọa bộ Pàli, mặc dù đồng nhất với nhau rằng có tám thứ nước trái cây thuộc phi thời dược, nhưng không đồng nhất với nhau về một số trái cây được phép xay nghiền nát để lọc lấy nước. Đó là do tính chất địa phương của các loại thổ sản, nhưng có thể nói rằng, nguyên tắc chung là các thứ trái cây được dùng làm nước để giải khát đều có thể chế biến làm phi thời dược.

Các loại phi thời dược này chỉ được phép dùng nội ngày không được cất chứa qua đêm.

3. Thất nhật dược

Thuốc được phép cất chứa trong bảy ngày để dùng; qua ngày thứ tám, khi minh tướng xuất hiện, mà còn cất chứa và dùng, phạm ni tát kỳ ba dật đề ([8])Loại này có năm thứ:

a) Sanh tô, do sữa dê hoặc sữa bò đun sôi để nguội, nhưng chưa đến độ đông đặc; tức một loại sữa bò lỏng.

b) Thục tô, cùng cách chế biến như sanh tô, nhưng đông đặc hơn, tức một loại bơ đặc.

c) Du, các loại dầu ép từ các thứ hạt có chất dầu như vừng, lạc v.v…

d) Mật, tức mật ong.

e) Thạch mật, tức đường phèn, do mật mía để cho cô đặc lại, cứng như đá. ([9])

4. Tận hình dược hoặc tận thọ dược

Loại thuốc dùng cho đến hết đời. Có ba thời hạn của ý nghĩa tận hình ở đây ([10])dùng cho đến hết bịnh; nếu hết bịnh thì không được phép dùng. Thứ hai, hết đời của thuốc. Sau cùng, hết đời của người dùng. Nhưng ý nghĩa chính là nghĩa sau cùng, nghĩa là được phép cất chứa cho đến trọn đời mình, để khi nào có bịnh thì đem dùng. Loại này gồm có năm thứ: rễ, cọng, là, hoa và trái cây; nhưng là những thứ mà người đời không coi là thức ăn, chỉ để dùng làm thuốc. Ngoài ra, những thứmặc dù thuốc bản chất là thời dược nhưng nếu được đốt cháy thành than thì trở thành tận hình dược.

II. THỂ THỨC THỌ

1.Thọ thời dược: Theo luật chế, tỳ kheo thọ phần thức ăn và ăn mà không có ngưới mời, phạm ba dật đề. ([11])

2.Thọ phi thời dược: Đối trước một tỳ kheo mà thọ. Văn bạch như sau:

Đại đức nhất tâm niệm. Tôi tỳ kheo… vì nhân duyên bịnh khát; đây là nước (nói tên trái cây) là loại phi thời dược, muốn dùng trong phi thời. Nay đối trước đại đức thọ.(nói ba lần)

3.Thọ thất nhất dược: cũng đối trước một tỳ kheo mà thọ. Người muốn thọ để thuốc trong lòng bàn tay trái, lấy bàn tay phải úp lên,([12])và bạch.

Đại đức nhất tâm niệm. Tôi tỳ kheo… vì nhân duyên bịnh(tên bịnh), muốn cất(tên thuốc) này là loại thất nhất dược, muốn cất chứa bên mình để dùng. Nay đối trước đại đức thọ trì. (nói ba lần)

4.Thọ tận hình dược:

Cũng như trên, văn bạch:

Đại đức nhất tâm niệm. Tôi tỳ kheo… vì nhân duyên bịnh; đây là (tên thuốc), là loại tận hình dược, muốn cất chứa bên mình trọn đời để dùng, nay đối trước đại đức thọ trì.(nói ba lần)

--------------------------

TIẾT HAI

THUYẾT TỊNH

Theo luật chế, tỳ kheo chứa y dư hoặc vải quá hạn, nếu không tịnh thí, phạm ni tát kỳ ba dật đề. Thuyết tịnh, tịnh thí, tác tịnh ([13])theo nghĩa chính xác là "sự hợp thức hóa", nói cách khác, đây là sự cho làm phép, hoặc cho tượng trưng. Sau khi làm phép, được đem về dùng như là một sở hữu của mình. Người được thọ cũng chỉ nhận theo tính cách tượng trưng, không được hiểu là cho theo nghĩa đen, cụ thể, mà chiếm lấy làm của mình.

I. PHÂN LOẠI TỊNH THÍ

Có hai cách tịnh thí:

1.Triển chuyển tịnh thí: Sự cho tượng trưng bằng cách gián tiếp. Tức là, người nhận hiện tiền chỉ là người trung gian để chuyển đến một tỳ kheo khác, là người chính thức chủ của sự tịnh thí.

2.Chân thật tịnh thí,([14])tịnh thí trực tiếp, không qua trung gian, trái với trường hợp kể trên.

Có cả hai trường hợp, người nhận dự tịnh thí là sở hữu chủ tượng trưng của vật được tịnh thí. Chừng nào vật ấy chưa xả, người ấy vẫn còn là sở hữu chủ tượng trưng. Nếu người ấy qua đời, trong khi vật được tịnh thí chưa xả, cần phải tịnh thí đến một vị khác nữa. Nói tóm lại, mặc dù người có y dư vì nếu chứa thì phạm luật nên phải biểu tượng trưng cho người khác, nhưng trên thực tế thì mình dùng với ý nghĩ là vật mượn tạm.

II. TÁC PHÁP TỊNH THÍ

Về tác pháp, có hai loại, là đối thủ thuyết tịnh, và tâm niệm thuyết tịnh, chung cả hai cách tịnh thí.

1. Đối thủ thuyết tịnh

a) Triển chuyển tịnh thí: Văn tác bạch (về oai nghi là tiếp theo như pháp tỳ kheo, ở đây không đề cập chi tiết) người thuyết tịnh bạch:

Đại đức nhất tâm niệm. Tôi tỳ kheo… có y dư này chưa tác tịnh. Nay vì tác tịnh nên gởi nơi đại đức để triển chuyển tịnh thí.

Vị tỳ kheo nhận sự tịnh thí đáp:

Trưởng lão nhất tâm niệm. Ngài có y dư này chưa tác tịnh. Nay vì tác tịnh nên gởi nơi tôi. Tôi nay thọ nhận. Vậy ngài muốn tịnh thí đến vị nào?

Vị thuyết tịnh nói:

Tôi tịnh thí đến(tên người chủ tiếp nhận sự tịnh thí).

Vị tỳ kheo làm trung gian nhận sự tịnh thí nói:

Trưởng lão, ngài có y dư này chưa tác tịnh, vì tác tịnh nên gởi nơi tôi. Tôi đã thọ nhận. Ngài muốn gởi y này đến (tên người nhận)đã sở hữu. Ngài hãy vì(người chỉ tịnh thí)mà khéo hộ trì, tùy nhân duyên mà dùng.

b) Chân thật tịnh thí:

Người thuyết tịnh nói:

Đại đức nhất tâm niệm. Tôi tỳ kheo… có y dư này chưa tác tịnh. Nay vì tác tịnh nên xả và biếu cho Đại đức, để chân thật tịnh thí. Đại đức đã nhận. Nay tôi vì đại đức mà hộ trì y này, tùy nhân duyên mà dùng.([15])

2. Tâm niệm thuyết tịnh

Trong trường hợp không có ai ở gần để tác pháp đối thủ thuyết tịnh, thì có thể tâm niệm thuyết tịnh. Văn bạch:

Tôi tỳ kheo… y dư này tịnh thí đến(tên người chủ tịnh thí, trong năm chúng xuất gia đều được cả), tôi sẽ lấy dùng từ vị ấy.

Thuyết tịnh xong, được phép dùng như thường. Nhưng cứ sau mười ngày lại phải thuyết tịnh một lần. Văn bạch các lần sau:

Tôi tỳ kheo… y dư này được lấy về dùng từ(tên người được gửi tịnh thí).

Sau mười ngày nữa, cũng lại phải thuyết tịnh như trước:

Tôi tỳ kheo… y dư này đã tác tịnh, được tịnh thí đến… nay lấy để dùng từ vị ấy.

Như vậy, cứ sau mười ngày, lại thay đổi thuyết tịnh một lần, cho đến khi nào vật tịnh thí được xả.

---------------------------
TIẾT BA

PHÂN VẬT

I. PHÂN LOẠI SỞ HỮU

Đời sống của một tỳ kheo hoàn toàn y cứ trên bốn Thánh chủng, ([16])nghĩa là, sống không gia đình, không sở hữu bất cứ thứ gì thuộc sở hữu vật chất. Tuy nhiên, trong thực tế, những nhu yếu cần thiết để duy trì sự sống không thể không có; cho nên, bản chất của bốn Thánh chủng là thiểu dục, tri túc, tức chỉ sở hữu những gì tối cần thiết cho sự sống. Để cụ thể hóa dữ kiện, có thể nói, vật dụng tối cần thiết mà một tỳ kheo không thể thiếu, có sáu thứ: ba y, bình bát, đãy lọc nước và tọa cụ. ([17])Thêm nữa, các vật dụng cần thiết này cũng cần có một số vật phụ khác, như ba y hay tọa cụ cần có kim và chỉ để khâu vá mỗi khi chúng rách. Vá rồi, kim chỉ lại cần có ống để đựng. Ngoài sáu vật dụng được coi là cần thiết bậc nhất và những thứ phụ tùy của chúng, cũng có thể kể thêm một số vật dụng cần thiết bậc nhì, chúng có hay không có không tất yếu đối với sự sống của tỳ kheo. Đó là dao cạo, nhíp nhổ râu, đồ cắt móng tay, gậy hay tích trượng, các thứ linh tinh.

Mặc dù các vật dụng vừa kể là những tư cụ cần thiết cho mỗi cá nhân, nhưng xét về bản chất, chúng không phải là sở hữu cá nhân, bởi vì một tỳ kheo không được phép sở hữu bất cứ tài sản vật chất nào dù lớn hay nhỏ. Cho nên, khi một tỳ kheo còn sống, những thứ ấy thuộc về sở hữu riêng của mình nhưng khi tỳ kheo ấy tịch, chúng hoàn toàn thuộc về sở hữu tập thể, tức của tăng, và Tăng có quyền tuyệt đối trao chúng cho bất cứ ai có đủ tư cách để thừa hưởng như pháp.

Trừ những người bị Tăng diệt tẩn, họ không còn là tỳ kheo. Do đó, khi chết, sở hữu của họ không thuộc về Tăng. Các thân quyến có quyền sở đắc chúng và tùy ý họ xử lý.

Nói tổng quát, xét về bản chất, không có vật dụng nào là sở hữu cá nhân của một tỳ kheo, dù là vật mà đàn việt dâng cúng riêng biệt cho. Tất cả đều là sở hữu tập thể. Nhưng xét về hình thái, tất cả sở hữu vật chất này được chia làm hai loại: loại có thể phân chia và loại không thể phân chia. Nói cách khác, chúng thuộc về hai loại tăng: chiêu đề tăng hay thuộc cả bốn phương, ([18])không nhất định giới hạn trong bất cứ trú xứ hay tăng già lam, tự viện nào. Thứ hai, thuộc về hiện tiền tăng, tức các tỳ kheo đang hiện diện trong một trú xứ, tức trong phạm vi đại giới của một trú xứ. Những thứ thuộc chiêu đề tăng là những tăng vật không được phép phân chia; tất cả tỳ kheo trong bốn phương đều có thể thọ dụng chung. Ngoài nó ra là những tăng vật có thể phân chia giữa hiện tiền Tăng, nghĩa là các tỳ kheo hiện diện, khi tăng vật được phân chia, ([19])

Về tăng vật thuộc chiêu đề tăng, đại thể có năm loại: ([20])

1. Trú xứ địa: Đất của trú xứ, bao gồm vườn tược và những thứ trực thuộc v.v…

2. Phòng xá, nhà cửa, phòng ốc và những thứ trực thuộc như giừơng nằm, ghế ngồi, đệm lót v.v…

3. Tu dụng vật: Tức các vật nhu yếu, được dùng chung cho tập thể, như xe cộ, trâu ngựa, ghè nước, bồn tắm v.v…

4. Cây ăn trái.

5. Trái cây: Luật Tứ phần25 nói, đây là những thứ thọ dụng chung của trú xứ, ai đến cũng được dùng. Ai đem bán đem chia cho người khác, phạm tội thâu lan giá, nghĩa là tội trọng chỉ ở dưới mức ba la di. Ngoài năm loại trên, còn lại thuộc hiện tiền tăng, là những tăng vật có thể phân chia cho những người hiện diện.

Đấy là phân loại tổng quát về sở hữu tập thể, những gì đáng chia và những gì không thể chia.([21])Nhưng trong thực tế cần phải có sự phân biệt đâu là căn cứ mức khinh và trọng của chất và lượng mà phân chia. Thí dụ, tất cả các loại sắt không được phép phân chia; nhưng những vật dụng làm bằng sắt mà dung lượng không quá hai đấu, có thể được phân chia; các loại đồ gỗ, đồ tre cũng vậy.([22])Những vật dụng như vậy được liệt kê khác nhau tùy theo mỗi bộ luật ở đây không tiện dẫn hết. Dù vậy, tiêu chuẩn phân biệt chung vẫn như nhau.

II. THỂ THỨC PHÂN CHIA

1. Nguồn gốc tăng vật

Có hai nguồn gốc của tăng vật, do đàn việt cúng và do tỳ kheo, hoặc tỳ kheo ni, hoặc thức xoa ma na, hoặc sa di ni đã từ trần để lại.

Tuy nhiên, nói chung, tất cả tăng vật đều có nguồn gốc chủ yếu từ sự dâng cúng của đàn việt. Vật đáng chia hay không đáng chia không hoàn toàn căn cứ vào chất hay lượng của nó, mà căn cứ theo ý muốn của người dâng cúng. Nếu đàn việt tỏ ý dâng cúng cho chiêu đề tăng, nó thuộc chiêu đề tăng; nếu đàn việt tỏ ý dâng cúng cho một tỳ kheo nào đó, một tỳ kheo ni, hay thức xoa ma na, hay sa di ni chúng đều thuộc về những vị này, không được phép phân chia. Nếu đàn việt không nói rõ họ muốn dâng cúng cho ai, cho đối tượng nào, thì bấy giờ Tăng sẽ quyết định chia hay không chia, căn cứ trên hình thái và thời gian tính của vật ấy.

Còn nếu là vật dụng của một vị trong năm chúng xuất gia đã viên tịch, vật dụng ấy hoàn toàn thuộc thẩm quyền phân chia của Tăng, Tăng sẽ căn cứ theo giá trị của vật dụng mà trao cho từng loại đối tượng ưu tiên thích hợp.

2. Đối tượng phân chia

Có ba loại đối tượng của sự phân chia vật của Tăng:

a) Lưỡng bộ tăng

Tăng gồm hai bộ tỳ kheo và tỳ kheo ni. Trong đó, sa di thuộc về tỳ kheo; thức xoa ma na và sa di ni thuộc về ni. Như vậy, lưỡng bộ tăng bao gồm tất cả năm chúng xuất gia đệ tử Phật. Những gì đàn việt nói là dâng cúng cho cả hai bộ tăng, thì chúng phải được chia làm hai phần đồng đều, chứ không tính theo lượng nhân số của mỗi bộ. Cho đến như tăng bộ tỳ kheo có nhân số đông, trong khi tăng bộ tỳ kheo ni chỉ còn có một sa di ni, thì tăng vật cũng phải phân chia thành hai phần ngang nhau. Phần thuộc tăng bộ tỳ kheo ni thì sa di ni kia được thọ nhận.

b) Biệt bộ

Nghĩa là hai bộ tăng riêng biệt, không kể chung. Trong mỗi bộ, tăng vật được phân chia đều tính theo nhân số. Sa di phân nửa hoặc phần ba của tỳ kheo; các tịnh nhân tăng già lam phần tư. Nhưng nếu Tăng không đồng ý chia cho thì không được chia. Nếu có đàn việt dâng cúng các vật dụng mà sau đó nội bộ Tăng chia làm hai, thì các vật dụng ấy cũng được phân thành hai cho mỗi bên. Những người đang hành biệt trú, ý hỉ, đang bị yết ma trách, yết ma tẩn xuất v.v… cũng được phân chia như các tỳ kheo khác, nhưng vật chia phải để xuống đất hoặc sai tịnh nhân đưa cho, chứ Tăng không được trực tiếp trao tay.

c) Cá thể

Tăng vật được chia riêng cho những người ưu tiên, không theo tiêu chuẩn đồng đều mỗi người một phần như thuốc cho người bịnh; y che ghẻ cho người bịnh ghẻ v.v… Nếu là tăng vật do người trong chúng xuất gia chết để lại, thì ưu tiên trước hết cho những người chăm sóc bịnh của người chết; kế đó, ưu tiên cho những người có liên hệ với người chết như Hòa thượng, A xà lê v.v… vật dụng ưu tiên được kể là các vật dụng tùy thân của tỳ kheo. Những thứ còn lại, thuộc loại có thể chia, thì chia đều trong tăng. Nếu giá trị không đồng nhất, thì xét theo ưu tiên, (22) Tiêu chuẩn đã được ưu tiên là tác phong đạo đức, và kế đó là sự thiếu thốn.

3. Phương pháp chia

Tùy theo sự hiện diện của nhân số, có bốn cách chia.([23])

a) Tăng sai người chia

Nếu tăng gồm từ năm tỳ kheo trở lên cần yết ma sai người chia và tiếp theo đó yết ma giao người chia. Người được Tăng sai phải có đủ năm đức tính: không thiên vị, không hay giận hờn, không ngu si, không sợ hãi và biết rõ người đã chia hay chưa chia.

b) Chia trực tiếp

Nếu tăng số chỉ bốn tỳ kheo, thì cùng tác pháp yết ma rồi phân chia trực tiếp chứ không sai người chia.

c) Đối thủ

Nếu chỉ hiện diện ba hay hai tỳ kheo, các vị này lần lượt đối thủ tác pháp, rồi phân chia với nhau.

d) Tâm niệm

Nếu chỉ một tỳ kheo duy nhất, thì sự tác pháp bằng tâm niệm và miệng nói, rồi thọ dụng.

III. TÁC PHÁP PHÂN VẬT

Vì có hai nguồn gốc tăng vật khác nhau, tức do đàn việt cúng dường và do năm chúng xuất gia tịch để lại, cho nên sự tác pháp cũng có hai loại khac nhau.

1. Vật do đàn việt cúng

Trường hợp này gồm có bốn phương pháp chia như đã nêu trên.

a) Tăng sai người chia

Tăng số năm tỳ kheo, trong đó một vị được chọn làm tăng sai. Sự phân chia này gồm hai phần: yết ma tăng sai người chia và yết ma giao vật chia.

Yết ma tăng sai người chia:

Tập họp về tác tiền phương tiện như thông lệ.

Hỏi: Tăng nay hòa hiệp để làm gì?

Đáp: Yết ma chia tăng vật.

Vị yết ma bạch tăng:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với tăng, Tăng nay sai tỳ kheo…. Vì Tăng phân chia tăng vật. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tăng nay sai tỳ kheo… vì Tăng phân chia tăng vật. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay sai tỳ kheo… vì Tăng phân chia tăng vật thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận sai tỳ kheo… vì Tăng phân chia tăng vật, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Yết ma giao vật chia:

Tiếp theo, Tăng tác pháp giao tăng vật cho tỳ kheo tăng sai để phân chia giữa Tăng. Vị yết ma bạch Tăng:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Trú xứ này được (nói tăng vật v.v…) nên chia hiện tiền Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay đem (tăng vật)này trao cho tỳ kheo, tỳ kheo này sẽ phân chia giữa Tăng. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Trú xứ này nhận được (tăng vật) nên chia hiện tiền tăng. Tăng nay đem (tăng vật)này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo sẽphân chia giữa tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay đem (tăng vật)này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia giữa Tăng thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận Tăng nay đem (tăng vật)này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia giữa Tăng, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Kế đó, người thọ sai bước ra nhận tăng vật và phân chia.

b) Chia trực tiếp

Tăng số chỉ gồm bốn tỳ kheo, không có tăng sai người chia. Chỉ có yết ma phân chia trực tiếp giữa bốn vị.

Tập họp và tác tiền phương tiện như thông lệ.

Hỏi: Tăng nay hòa hiệp để làm gì?

Đáp: Yết ma chia tăng vật?

Vị yết ma bạch Tăng:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng nay chấp thuận, trú xứ này nhận được (tăng vật)nên chia hiện tiền tăng. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Trú xứ này nhận được (tăng vật)nên phân chia hiện tiền tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay phân chia (tăng vật) này thì im lăng. Ai không chấp thuận thì hãy nói.

Tăng đã chấp thuận Tăng nay đem (tăng vật)này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia giữa tăng, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Kế đó, người thọ sai bước ra nhận tăng vật và phân chia.

b) Chia trực tiếp

Tăng số chỉ gồm bốn tỳ kheo, không có Tăng sai người chia. Chỉ có yết ma phân chia trực tiếp giữa bốn vị.

Tập họp và tác tiền phương tiện như thông lệ.

Hỏi: Tăng nay hòa hiệp để làm gì?

Đáp: Yết ma chia tăng vật.

Vị yết ma bạch tăng:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng nay chấp thuận, trú xứ này nhận được (tăng vật)nên chia hiện tiền tăng. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Trú xứ này nhận được (tăng vật)nên phân chia hiện tiền tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay phân chia (tăng vật)này thì im lặng. Ai không chấp thuận thì hãy nói.

Tăng đã chấp thuận chia (tăng vật)này, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

c) Tác pháp đối thủ

Nếuchỉ có ba, lần lượt từng vị thay nhau tác bạch rồi chia. Văn tác bạch như sau:

Bạch hai đại đức, nhất tâm niệm. Trú xứ này nhận được (tăng vật)nên phân chia hiện tiền tăng, nay đây không đủ túc số tăng, nên thuộc về chúng ta. (nói ba lần)

Nếu chỉ có hai tỳ kheo, văn bạch tác pháp cũng như trên nhưng bỏ tiếng hai.

d) Tâm niệm tác pháp

Nếu có một tỳ kheo, vị ấy tâm niệm và miệng nói như vầy:

Trú xứ này nhận được (tăng vật) nên chia hiện tiền tăng. Nay đây không có tăng (tăng vật) này thuộc về tôi.(nói ba lần)

2. Vật do năm chúng qua đời để lại

Nếu người viên tịch là tỳ kheo hay tỳ kheo ni, thì tăng tác pháp để giao và chia. Nếu là của sa di hay thức xoa ma na, thì các vật ấy thuộc về Hòa thượng hay A xà lê. Nhưng nếu không có Hòa thượng hay A xà lê để nhận bấy giờ tăng sẽ tác pháp để giao và chia.

Vật của người qua đời để lại hoặc là vật hiện tiền, hoặc vật đã được ký thác cho một người nào đó, hoặc vật mà người khác nợ vị ấy, hay vị ấy nợ người khác.

Trước hết, Tăng cần phải hỏi người nuôi bịnh, hoặc những người thân cận vị qua đời về các món nợ, tùy theo di chúc,([24])hoặc theo sự hiểu biết của những người ấy. Nếu người chết có vay mượn ai vật gì chưa trả, thì những vật ấy cần được trả cho chủ nợ. Hoặc lấy những thứ trong số di vật có giá trị tương đương mà trả. Hoặc bán một số di vật tương đương món nợ để trả. Tùy theo sự thỏa thuận của người trái chủ. Nếu người đó không nhận, các vật ấy thuộc về Tăng.

Trường hợp vị ấy qua đời có những vật mà người khác vay mượn, cần cho đòi về để phân chia. Nhưng nếu có di chúc là nhượng hẳn cho người vay mượn thì khỏi phải đòi.

Đối với vật mà người qua đời đã ký thác cho một ai đó cũng vậy, riêng vật ký thác, nếu người được ký thác đang ở tại trú xứ nào khi hay tin người ký thác qua đời, thì vật ấy thuộc về sự phân chia của Tăng tại trú xứ mà người được ký thác đang ở.

Sau khi đã thanh toán các món vay mượn, và các vật được ký thác, Tăng tác pháp để phân chia. Trước hết, những vật có giá trị hay những vật dụng tùy thân, được ưu tiên cho người nuôi bịnh. Nếu người nuôi bịnh đồng ý các vật ấy hoàn toàn thuộc tăng chứ mình không nhận riêng, thì Tăng phân chia như là vật do đàn việt cúng.

Người nuôi bịnh, hoặc nếu không có thì người nuôi thân cận và có mặt khi vị ấy lâm chung, mang những sở hữu của vị ấy ra trình trước Tăng.

Thể thức phân chia, ở đây cũng gồm bốn phương pháp tùy theo phân số hiện diện, nhưng nội dung tác pháp có khác. Ngoài ra, còn có thêm tác pháp để tưởng thưởng người nuôi bịnh.

a) Tưởng thưởng người nuôi bịnh

Tăng tập họp và tác tiền phương tiện như thông lệ.

Hỏi: Nay Tăng hòa hiệp để làm gì?

Đáp: Yết ma phân chia di vật của người qua đời.

Người nuôi bịnh bấy giờ bước ra giữa Tăng, trình bày các di vật của người qua đời, cùng những khoản vay mượn ký thác các thứ. Sau đó, một số vật dụng tùy thân của người qua đời, hoặc một số vật có giá trị khác được trích riêng để tưởng thưởng người nuôi bịnh. Vị yết ma bạch Tăng:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Những vật dụng tùy thân của tỳ kheo ấy nên phân chia hiện tiền tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng nay chấp thuận đem các vật dụng tùy thân ấy cho tỳ kheo nuôi bịnh. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Những vật dụng tùy thân của tỳ kheo ấy nên phân chia hiện tiền. Tăng nay đem các vật dụng tùy thân ấy cho tỳ kheo… là người nuôi bịnh. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai đem các vật dụng tùy thân ấy cho tỳ kheo… là người nuôi bịnh thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận tăng nay đem các vật dụng tùy thân ấy cho tỳ kheo… là người nuôi bịnh, thì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

b) Tăng sai người chia

Trước hết, tác pháp yết ma sai người chia. Vị yết ma bạch:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay sai tỳ kheo… vì tăng phân chia Tăng vật. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tăng nay sai tỳ kheo… vì Tăng phân chia tăng vật. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai tỳ kheo… vì tăng phân chia tăng vật thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận sai tỳ kheo… vì Tăng phân chia tăng vật, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Tiếp theo, tác yết ma giao tăng vật. Vị yết ma bạch:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Những vật dụng của tỳ kheo ấy để lại nên phân chia hiện tiền tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng trao các vật dụng ấy cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia các vật dụng ấy giữa Tăng. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Các vật dụng tỳ kheo ấy để lại nên phân chia hiện tiền tăng. Tăng nay trao các vật dụng ấy cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia các vật dụng ấy giữa Tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay đem các vật dụng ấy trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia các vật dụng ấy giữa Tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay đem các vật dụng ấy trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia các vật dụng ấy giữa Tăng thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận đem các vật dụng ấy trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ phân chia các vật dụng ấy giữa Tăng, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Sau đó người thọ sai nhận vật và phân chia.

c) Chia trực tiếp

Vì tăng số chỉ có bốn tỳ kheo, không có yết ma tăng sai mà chỉ tác yết ma phân chia trực tiếp. Vị yết ma bạch:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Các vật dụng của tỳ kheo ấy để lại nên phân chia hiện tiền tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng nay phân chia các vật dụng này. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Các vật dụng của tỳ kheo ấy để lại nên phân chia hiện tiền tăng. Nay phân chia các vật dụng này cho hiện tiền tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay phân chia hiện tiền tăng các vật dụng mà tỳ kheo… vừa mệnh chung để lại thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận phân chia các vật dụng này, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

d) Đối thủ phân chia

Chỉ hiện diện ba tỳ kheo. Từng vị một lần lượt thay nhau tác bạch:

Bạch hai Đại đức xin ghi nhận. Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Các vật dụng của tỳ kheo ấy để lại nên phân chia hiện tiền tăng. Nay đây không có Tăng, các vật dụng ấy thuộc chúng ta, (nói ba lần)

Nếu chỉ hiện diện hai tỳ kheo, văn bạch như trên, nhưng bỏ tiếng hai.

c) Tâm niệm thọ nhận

Nếu chỉ có một tỳ kheo, vị ấy tâm niệm miệng nói:

Tỳ kheo… vừa mệnh chung. Các vật dụng của tỳ kheo ấy để lại nên phân chia hiện tiền tăng. Nay đây không có Tăng, các vật dụng ấy thuộc về tôi.(nói ba lần)

Luật dạy, tại trú xứ có tỳ kheo vừa viên tịch, khi tác pháp phân vong vật, tỳ kheo nào bước ra khỏi đại giới của trú xứ, không được nhận phần lại phạm đột kiết la; trái lại có tỳ kheo nào từ ngoài vào trong đại giới của trú xứ đó ngay trong lúc đang tác pháp yết ma vẫn được nhận một phần như các tỳ kheo hiện có trong trú xứ.


[1]Minh tướng, xem cth.6, ch II

[2]Luật nhiếp (đại 24, tr. 569c), ngũ chánh thực: 1. Sao, 2 phạn, 3 mạch đậu phạn, 4. Nhục, 5. Bính. Xem Tứ phần 42 (đại 22, tr. 866a).

[3]Tứ phần 42, khư xà ni gồm các thức ăn bằng rễ, bằng cọng, bằng lá, bằng hoa và bằng quả.

[4]Tứ phần giới bổn, ba dật đề 37.

[5](Đại 24, tr. 569c).

[6](Đại 22, tr. 873c): Tám thứ nước này là thức uống của Vô dục tiền nhân thuở quá khứ.

[7]Đại phẩm 6 (Nam truyền đại tạng kinh 3, tr. 431)

[8]Tứ phần giới bổn, ni tát ba dật đề 36, gọi nó là tàn dược nhưng không nên hiểu là thuốc dư tàn hay thuốc thừa mà cần hiểu là thuốc được phép cất và dùng dài hạn, trong khoảng thời gian nhất định là 7 ngày. Thập tụng, ni tát kỳ 30 gọi nó là hàm tiêu thực: loại tạng thuốc để tiêu hóa. Pàli, ni tát kỳ 23, Nam truyền đại tạng kinh 1 (Luật tạng, Kinh phân biệt) tr. 425, định là thực vi dược: loại thuốc nguyên là thức ăn, nghĩa là thức ăn thường ngày nhưng cũng dùng làm thuốc để trợ tiêu hóa.

[9]Luật nhiếp 8 (đại 24, tr. 596c) tô du, sa đường và mật.

[10]Hành sự sao, quyển hạ 2 (đại 40, tr. 117): tận dược hình tận bịnh hình và tận báo hình.

[11]Tứ phần, ba dật đề 39, Pàli, ba dật đề 40.

[12]Chi tiết này theo Luật nhiếp 8 (đại 24, tr. 571c) văn trong đoạn này còn thêm: cách thọ canh dược, tức phi thời dược, và tận hình dược, chuẩn theo đây (tức thọ nhất dược) mà làm.

[13]Nghĩa Tịnh dịch là phân biệt, do tiếng phạn vikalpacó nghĩa là phân biệt, như trong từ vọng tưởng phân biệt, cũng có nghĩa là pháp thức hay nghi qũy như trong Văn Thù nghi quỹ. Đây hiểu là tác tịnh: hợp thức hóa hay hợp pháp hóa.

[14]Hoặc gọi là đối diện thí.

[15]Đoạn sau này không có ghi trong Tùy cơ yết ma (đại 40, tr. 502c) Đây theo thêm vào căn cứ Luật Nhiếp (đại 25, tr. 553c).

[16]Xem trên, ch II, tr 61, 82, 112.

[17]Thập tụng 28 (đại 23, tr. 202c) Phạm Võng Bồ tát tâm địa giới, tội khinh cấu thứ 37 (đại 24, tr. 1008a) kể có 18 vật dụng thường tùy thân: 1. Nhành dương (để chùi răng, súc miệng); 2. Thác đậu hay xà bông. 3. Ba y; 4. Bình hay chai đựng nước; 5. Bát; 6. tọa cụ; 7. Tích trượng; 8. lò hương; 9. đãy nước; 10. khăn tay; 11. dao con; 12. đá lửa (hay diêm quẹt); 13. cái nhíp để nhổ râu; 14. giường dây; 15. kinh; 16. luật; 17. tượng phật; 18. tượng bồ tát.

[18]Chiêu đề tăng (caturdesa-samgha) hoặc tứ phương tăng xem trên, ch. I, tr. 4.

[19]Gọi là Tăng man vật (Phạn samghamikhi) hay hiện tiền tăng vật, tức vật thuộc tăng gồm những tỳ kheo hiện diện.

[20]Thập tụng 28 (đại 23, tr. 203b).

[21]Ngũ phần 25 (đại 22, tr. 168). Tứ phần 41 (đại 22, tr. 859). Những vật thuộc tứ phương tăng không thể phân chia gồm thuộc về Tăng các thứ vườn, ruộng, cây ăn trái, phòng riêng và vật dụng trang bị trong phòng riêng bình bằng đồng, chậu đồng, cái búa, cái đục, các loại vật nặng, giường dây, giường gỗ, đệm ngồi, đệm nằm, gối y lê diên đà mạo ra (Phạn: aineya-vàra, chân bằng lông sơn dương), mạo mạo ra (Phạn: pravàra, chăn thường cù lũ thảm lông). Những vật được phép chia: dao cạo, y bát, tọa cụ, ống đựng kim. Tăng kỳ 28 (đại 22, tr. 454b) 10 là loại thuốc hiện tiền tăng: thuốc đúng thời, thuốc phi thời, thuốc bảy ngày, thuốc trọn đời, vật dụng của tỳ kheo qua đời, thí như trú xứ đại hội, phi thời y, tạp vật và thỉnh thực.

[22]Tứ phần 40 (đại 22, tr. 858c): nên giao thẻ để chia: tức chia bằng cách bốc thăm.

[23]Tứ phần 40 tr. 859a. Bốn cách chia khác. Thập tụng 28 (đại 23, tr. 201c); 1. Tú thọ thân, nếu chỉ một tỳ kheo tâm niệm tự phân và tự thọ, như Tứ phần; 2. Triển chuyên phân: chỉ có hai tỳ kheo, chia làm hai phần, một người chỉ vào mỗi phần: "Y này các ngươi vì Tăng mà bố thí, là vật dụng Tăng cần chia. Phần chia này có bấy nhiêu thuộc về tôi. Phần chia kia có bấy nhiêu chia cho Trưởng lão. Phần ấy thuộc về Trưởng lão.” Trường hợp hai tỳ kheo cũng có thể chia theo thứ tự thọ phân; 3. Đọa trù phân: chia bằng cách giao thẻ, tức bốc thăm, nếu có ba tỳ kheo (cũng có thể chia theo thứ tự thọ phân, hoặc triển chuyên phân) tổng số vật được chia làm ba phần cho ba người rồi nói "Phần này thuộc Thượng tọa, thì phần kia thuộc Hạ tọa. Phần này thuộc Hạ tọa, thì phần kia thuộc Thượng tọa." Sau đó giao thẻ, và chỉ giao một thẻ mà thôi. Người giao thẻ không được nhìn thấy thẻ; 4. Yết ma phân, bốn tỳ kheo trở lên, chia bằng tác pháp yết ma; cũng có thể chia theo lối tự thọ, triển chuyên hoặc đọa trù.

[24]Nghĩa là vật thuộc về nợ thì cần trả hay không cần trả; vật dụng khác, hoặc muốn để lại cho ai.

THƯ MỤC THAM KHẢO

TRƯỜNG: Trường A hàm kinh, 22 quyển, Hậu Tần, phật Đà Da Xá và Trúc phật Niệm dịch, Đại tạng kinh sách 1, số hiệu 1.

TRUNG: Trung A hàm kinh, 60 quyển, Đông Tấn, Cù Đàm Tăng Già Đề Ba dịch, Đại tạng kinh sách 1, số hiệu 26.

TẠP: Tạp A hàm kinh, 50 quyển, Lưu Tống. Câu Na Bạt Đà La dịch, Đại tạng kinh sách 2, số hiệu 99.

TĂNG: Tăng nhất A hàm kinh, 51 quyển, Đông Tấn, Cù Đàm Tăng Già Đề Bà dịch, Đại tạng kinh sách 2, số hiệu 125.

NGŨ PHẦN LUẬT: Di sa tắc bộ hòa hô ngũ phần luật, 30 quyển, Lưu Tống, Phật Đà Thập và Trúc Đạo Sanh dịch, Đại tạng kinh sách 22, số hiệu 1421.

TĂNG KỲ LUẬT: Ma ha tăng kỳ luật, 40 quyển, Phật Đà Bạt Đà La và Pháp Hiển dịch, Đại tạng kinh sách 22, số hiệu 1425.

Tứ phần luật: 60 quyển, Diêu Tần, Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch, Đại tạng kinh sách 22, số hiệu 1428.

Đàm Vô Đức tạp yết ma: 1 quyển Tào Ngụy, Khang Tăng Khải dịch, Đại tạng kinh sách 22, số hiệu 1432.

Thập tụng luật: 61 quyển, Hậu Tần, Phất nhã đa la và La Thập dịch, Đại tạng kinh sách 23, số hiệu 1435.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da: 50 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại tạng kinh sách 23, số hiệu 1442.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bí sô ni tỳ nại da: 20 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại tạng kinh sách 23, số hiệu 1443.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da xuất gia sự: 4 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại tạng kinh sách 23, số hiệu 1444.

Căn bản thuyết nhất hữu bộ tỳ nại da an cư sự: 1 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại Tạng kinh sách 23, số hiệu 1445.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tùy ý sự: 1 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại tạng kinh sách 23, số hiệu 1446.

Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sư: 40 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại tạng kinh sách 24, số hiệu 1451.

BÁCH NHẤT YẾT MA: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết ma, 10 quyển, Đường, Nghĩa Tịnh dịch, Đại tạng kinh sách 24, số hiệu 1453.

MINH LIỄU LUẬN: Luật nhị thập nhị minh liểu luận, 1 quyển, Phất Đà Đa La Đa soạn, Trần, Chân Đế dịch, Đại tạng kinh sách 24, số hiệu 1453.

THIỆN KIẾN: Thiện kiến luật tỳ bà sa, 18 quyển, Tiêu Tề, Tăng Già bạt Đà La dịch, Đại tạng kinh sách 24, số hiệu 1462.

Tỳ ni mẫu kinh: 8 quyển, khuyết danh dịch, Đại tạng kinh sách 24, số hiệu 1463.

Tỳ nại da: 10 quyển, Diêu Tần, Trúc Phật Niệm dịch, Đại tạng kinh sách 24, số hiệu 1464.

Tứ phần luật san phiền bổ khuyết hành sự sao: 12 quyển, Đường, Đạo Tuyên soạn, Đại Tạng kinh sách 40, số hiệu 1804.

Tứ phần luật hành sự sao tư trì ký, 16 quyển, Tống, Nguyên Chiếu soạn, Đại tạng kinh sách 40, số hiệu 1805.

TÙY CƠ YẾT MA: Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma, 2 quyển, Đường, Đạo Tuyên tập, Đại tạng kinh sách 40, số hiệu 1808.

Tăng yết ma: 3 quyển, Đường, Hoài Tố tập, Đại tạng kinh sách 40, số hiệu 1809.

Ni yết ma: 3 quyển, Đường, Hoài Tố tập, Đại tạng kinh sách 40 số hiệu 1810.

Yết ma chỉ nam: 12 quyển, Thanh, Chiếu Minh soạn, bản in gỗ Hà Nội.

 

PHẬT HỌC VIỆN TRUNG PHẦN

QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM

PL.2544-200

--- o0o ---


Source:www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567