Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 28. Kinh Lăng Già giải nghĩa

28/09/201913:03(Xem: 4428)
Bài 28. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

MỤC 7:

PHÁP TÁNH KHÔNG:

 

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Cúi xin Thế Tôn vì chúng con thuyết tất cả pháp tánh không, lìa tướng tự tánh vốn Vô Sinh bất nhị, khiến chúng con và chư Bồ Tát giác ngộ, lìa hai thứ vọng tưởng Có và Không, Vô Sinh, bất nhị và lìa tướng tự tánh.

1). BẢY THỨ KHÔNG:

     Đức Thế Tôn bảo:

- Đại Huệ! Nói sơ lược có bảy thứ không là: Tướng không (1), tự tánh không (2), hành không, vô hành không, tất cả pháp lìa ngôn thuyết không, Đệ Nhất Nghĩa Thánh Trí Đại không và Bỉ bỉ không.

1- Thế nào là TƯỚNG KHÔNG? Ấy là tự tướng cộng tướng của tất cả pháp không, vì tướng tự tha và cộng đều chẳng thể sinh, do vọng tưởng phân biệt đối đãi với nhau tích tụ mới có. Nếu quán sát phân tích thì cứu cánh là vô tánh, vì vô tánh nên tánh chẳng trụ, nên nói tất cả tánh tướng không, gọi là Tướng Không.

2- Thế nào là TÁNH TỰ TÁNH KHÔNG? Ấy là tự tánh của chính mình vốn Vô Sinh, tức là tự tánh của tất cả pháp không, nên nói Tánh của Tự Tánh Không.

3- Thế nào là HÀNH KHÔNG? Ấy là hành ấm lìa ngã, Ngã sở, do tác nghiệp sở thành, nghĩa là từ nhân duyên hòa hợp mà sinh, ấy gọi là Hành Không.

4- Thế nào là VÔ HÀNH KHÔNG? Duyên nhau sinh khởi theo Hành Không như thế này, tự tánh vốn vô tánh, ấy gọi là Vô Hành Không.

5- Thế nào là TẤT CẢ PHÁP LÌA NGÔN THUYẾT KHÔNG? Vì vọng tưởng tự tánh chẳng có ngôn thuyết nên tất cả pháp lìa ngôn thuyết, ấy gọi là Tất Cả Pháp Lìa Ngôn Thuyết Không.

6- Thế nào là TẤT CẢ PHÁP ĐỆ NHẤT NGHĨA THÁNH TRÍ ĐẠI KHÔNG? Vì người đắc Tự Giác Thánh Trí thì tất cả kiến chấp tập khí đều không, ấy gọi là Tất Cả Pháp Đệ Nhất Nghĩa Thánh Trí Đại Không.

7- Thế nào BỈ BỈ KHÔNG? Nghĩa là ở nơi kia chẳng có cái không kia, gọi là Bỉ Bỉ Không. Đại Huệ! Ví như người mẹ của Lộc Tử là nữ cư sĩ Tỳ Xá, vì xây dựng Tịnh xá cho Tỳ Kheo ở, chẳng nuôi voi, ngựa, trâu, dê v.v... Nay nói Bỉ Không, chẳng phải nơi kia không có chúng Tỳ Kheo, cũng chẳng phải Tịnh xá trống rỗng không, cũng chẳng phải Tỳ Kheo tánh không, cũng chẳng phải chỗ khác không có voi, ngựa, nghĩa là tự tướng của tất cả pháp, cái kia, ở nơi kia chẳng có cái kia, ấy gọi là Bỉ Bỉ Không. Nói chung trong bảy thứ Không, Bỉ Bỉ Không là cái không rất thô, ngươi nên xa lìa.

GIẢI NGHĨA:

(1) Tướng không:  Vô tướng: S, P: animitta; Sự vô tướng, tính Không (s: śūnyatā) của tất cả các Pháp (s: dharma), dấu hiệu của tuyệt đối không phân biệt.

(2) Tánh không:Không tính: S: śūnya (tính từ), śūnyatā (danh từ), nghĩa là trống rỗng;một quan niệm quan trọng cao siêu và trừu tượng nhất của đạo Phật, trong đó mọi sự vật đều là giả hợp, coi như không có nên trống rỗng.

 

     Đức Phật giảng 7 thứ Không, đại ý là:

1. TƯỚNG KHÔNG:

     Là bản thể của tất cả các pháp tướng riêng và chung (tự tướng cộng tướng) đều không, vì hình dạng của các pháp chẳng thể tự nó sinh, chẳng thể sinh ra bởi cái khác, chẳng thể cùng với cái khác sinh ra (tướng tự, tha và cộng đều chẳng thể sinh), mà do vọng tưởng phân biệt đối đãi với nhau tích tụ mới có. Nếu quán sát phân tích tướng thì rốt cuộc (cứu cánh) là tính chẳng thật (vô tánh), vì tính chẳng thật nên tính chẳng hiện diện (chẳngtrụ), nên nói tất cả tính tướng không, gọi là “Tướng Không”.

2. TÁNH TỰ TÁNH KHÔNG:

     Là bản thể tâm của chính mình vốn Không sinh, là bản thể của pháp có vật hoặc không vật, tự thể tướng chân thật; là bản thể của tất cả các pháp vốn Không sinh, tức là bản thể (tự tánh) của tất cả pháp đều Không, nên nói “Tánh Tự Tánh Không”.

3. HÀNH KHÔNG:

     Là Hành ấm lìa cái ta và cái của ta (ngã, ngã sở), vì nương vào nhân tạo tác của nghiệp mà khởi, do nghiệp lực tác động mà có hành (tác nghiệp sở thành), nghĩa là nghiệp gây nên nhân duyên hòa hợp mà sinh, chứ không phải do hành mà có tạo tác, đây gọi là “Hành Không”.

4. VÔ HÀNH KHÔNG:

     Chẳng phải có hành hay không hành, vì tất cả đều do nghiệp gây nên nhân, duyên nhau sinh khởi Hành Không hoặc Vô Hành Không, vì bản thể tâm (tự tánh) vốn Không tính, Niết Bàn vốn không tạo tác (không hành), đây gọi là “Vô Hành Không”.

 

5. TẤT CẢ PHÁP LÌA

NGÔN THUYẾT KHÔNG:

 

     Vì bản thể tâm vọng tưởng (vọng tưởng tự tánh) chẳng có ngôn thuyết, tức là các pháp chẳng phải từ ngôn thuyết hay không ngôn thuyết, nên tất cả pháp lìa ngôn thuyết, đây gọi là “Tất Cả Pháp Lìa Ngôn Thuyết Không”.

 

6. TẤT CẢ PHÁP ĐỆ NHẤT

NGHĨA THÁNH TRÍ KHÔNG:

 

     Vì người đắc Tự Giác Thánh Trí thì tất cả kiến chấp thói quen (tập khí) đều không, nghĩa là tự thân chứng Thánh trí pháp không, lìa khỏi các tà kiến huân tập, đây gọi là “Tất Cả Pháp Đệ Nhất Nghĩa Thánh Trí Đại Không”.

7. BỈ BỈ KHÔNG:

     Nghĩa là ở nơi kia chẳng có cái không kia, tức là ở nơi kia pháp kia Không pháp này Có, hoặc pháp kia Có pháp này Không, vì vậy nên nói là Bỉ Bỉ Không. Đức Phật nêu ví dụ người mẹ của Lộc Tử là nữ Cư sĩ Tỳ Xá, vì xây dựng Tịnh xá cho Tỳ Kheo ở, chẳng nuôi voi, ngựa, trâu, dê v.v... Nay nói Bỉ Không, chẳng phải nơi kia không có chúng Tỳ Kheo, cũng chẳng phải Tịnh xá trống rỗng không, cũng chẳng phải Tỳ Kheo tính không, cũng chẳng phải chỗ khác không có voi, ngựa; nghĩa là bản chất (tự tướng) của tất cả pháp, cái kia, ở nơi kia chẳng có cái kia, ấy gọi là Bỉ Bỉ Không. Tóm lại, ý Đức Phật dạy là bản tính (tự tánh) của tất cả các Pháp đều là Không; nói chung trong bảy thứ Không, Bỉ Bỉ Không là cái không thô, ngưi tu nên xa lìa chấp Có chấp Không.

 

2). PHÁP VÔ SINH, BẤT NHỊ,

    LÌA TƯỚNG TỰ TÁNH.

 

     Sao gọi Pháp Vô Sinh (1), pháp Bất Nhị (2), pháp lìa tướng tự tánh?

- Đại Huệ! Nói CHẲNG TỰ SiNH chẳng phải Vô Sinh, ngoài trụ chính định ra, gọi là Vô sinh, nghĩa là lìa tự tánh tức là Vô Sinh. Sự lưu chú (3) tương tục từng sát na vốn lìa tự tánh và tánh dị thục (lúc sau chín mùi) hiện ra tất cả tánh đều lìa tự tánh, cho nên nói tất cả tánh lìa tự tánh.

- Sao nói BẤT NHI? Vì tất cả pháp như âm, dương, dài, ngắn, trắng, đen v.v... đều là nhị, vì các tướng làm nhân với nhau mới có, chẳng phải ngoài Niết Bàn có sanh tử, chẳng phải ngoài sanh tử có Niết Bàn, sanh tử Niết Bàn chẳng có tướng trái nhau: tất cả pháp cũng như thế, nên gọi là Bất Nhị. Cho nên pháp Không, pháp Vô Sanh, pháp Bất Nhị, pháp lìa tướng tự tánh cần nên tu học.

     Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ:

Ta thường nói pháp Không,

Xa lìa nơi đoạn thường.

Sanh tử như mộng huyễn,

Mà nghiệp tánh chẳng hoại.

Hư không và Niết Bàn,

Tịch diệt cũng như thế.

Phàm phu chấp vọng tưởng,

Bậc Thánh lìa hữu vô.

     Khi ấy, Thế Tôn lại bảo Đại Huệ rằng:

- Đại Huệ! pháp Không, pháp Vô Sanh, pháp Bất Nhị, pháp lìa tự tánh v.v... đều có ghi vào kinh giáo của Phật, tất cả kinh điển đều thuyết nghĩa này; vì tùy thuận tâm hy vọng của chúng sanh mà phương tiện phân biệt thuyết để hiển bày nghĩa lý chẳng phải ở nơi ngôn thuyết có sự chân thật. Như bầy nai khát nước, mê hoặc đuổi theo dương diệm (ánh nắng mặt trời phản chiếu) cho là nước, nhưng dương diệm chẳng phải nước thật; các pháp sở thuyết của Phật ghi trong kinh điển cũng như thế. Vì muốn khiến phàm phu phát tâm hoan hỷ, tinh tấn tu hành, chẳng phải có Thánh Trí thật ở nơi ngôn thuyết; cho nên phải nương theo nghĩa, chớ chấp ngôn thuyết.

GIẢI NGHĨA:

(1) Pháp vô sinh: Vô sinh tức vô thủy, vô thủy tức vô sinh, như con gà với trứng gà đều chẳng có sự bắt đầu, tức là hiển bày nghĩa vô sinh, có hai nghĩa:

1. Thật tướng của các pháp không có sinh diệt, đồng nghĩa với vô sinh diệt, hoặc vô sinh vô diệt.

2. Sự tồn tại của các pháp vốn không có thật thể, do nhân duyên mà thành, là không, nên có thể nói rằng không có sinh diệt. Tuy nhiên, hạng phàm phu mê lầm lý vô sinh này, nên khởi lên phiền não về sinh diệt, vì vậy bị lưu chuyển sinh tử; nếu nương theo kinh luận, quán lý vô sinh thì có thể trừ được phiền não sinh diệt. 

(2) Bất nhị: S: advaya: Không hai, cũng là nghĩa vô trụ, chẳng có cái “hai” của tương đối mà cũng chẳng phải là “một”. Trong thế giới hiện tượng này sinh khởi đủ loại sự vật, hiện tượng, như âm dương, dài ngắn, trắng đen v.v... đều là hai, vì các tướng làm nhân với nhau mới có, chẳng phải ngoài Niết Bàn có sinh tử, chẳng phải ngoài sinh tử có Niết Bàn, sinh tử Niết Bàn chẳng có tướng trái nhau, tất cả pháp cũng như thế, nên gọi là “Bất Nhị”. Tuy nhiên, các cặp phạm trù đối lập này không có thực thể tồn tại độc lập, không cố định, mà trên cơ sở của Không (s: śūnya, p: suñña), Vô Ngã (s: nirātman, nairātmya, p: anattan), Bất Nhị là cách nói khác của Không về mặt quan hệ. 

(3)Lưu chú tương tục: Là dòng nước chảy chẳng ngừng, để nói pháp hữu vi sinh diệt từng sát na không dứt, hoặc phiền não vọng tưởng liên tục bất tận.Chỉ cho thế giới chủ quan khách quan biến hóa vô thường, âm thầm trôi chảy theo nhau không dứt; nếu có thể nhìn thẳng vào dòng thác tư duy suy nghĩ ấy mà cắt đứt được thì chứng đắc “trí viên minh”, đạt đến cảnh giới tự tại.

 

     Đoạn 2, Mục 7, Quyển 1 này, đại ý Đức Phật giảng về:

 

1. PHÁP VÔ SINH:

Đức Phật giảng: “Sao gọi Pháp Vô Sinh? Nói CHẲNG TỰ SINH chẳng phải Vô Sinh, ngoài trụ chính định ra, gọi là Vô sinh, nghĩa là lìa tự tánh tức là Vô Sinh. Sự lưu chú (3) tương tục từng sát na vốn lìa tự tánh và tánh dị thục (lúc sau chín mùi) hiện ra tất cả tánh đều lìa tự tánh, cho nên nói tất cả tánh lìa tự tánh”.Nghĩa là các pháp chẳng phải không sinh mà là chẳng tự sinh, ngoài thiền quán chân chính để giữ tâm khỏi tán loạn, kiên cố nhiếp trì, lặng ngưng an trụ, nhất tâm tam muội, gọi là không sinh, tức là dứt bặt tâm (lià tự tánh) là Không Sinh. Pháp hữu vi sinh diệt từng sát na liên tục không ngừng vốn lià tâm và tính của qủa báo (tánh dị thục), cho nên nói tất cả tính lià tâm. 

 

2. PHÁP BẤT NHỊ:

Ngài giảng tiếp: “- Sao nói BẤT NHI? Vì tất cả pháp như âm dương, dài ngắn, trắng đen v.v... đều là nhị, vì các tướng làm nhân với nhau mới có, chẳng phải ngoài Niết Bàn có sanh tử, chẳng phải ngoài sanh tử có Niết Bàn, sanh tử Niết Bàn chẳng có tướng trái nhau: tất cả pháp cũng như thế, nên gọi là Bất Nhị. Cho nên pháp Không, pháp Vô Sanh, pháp Bất Nhị, pháp lìa tướng tự tánh cần nên tu học”. Ở đây, Ngài giảng pháp đối đãi Không Hai (Bất Nhị), pháp lià tướng của tâm (tướng tự tánh) đã rõ ràng, xin miễn giải nghĩa.

 

     Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa mà thuyết kệ:

1. Ta thường nói pháp Không,

Xa lìa nơi đoạn thường.

Sanh tử như mộng huyễn,

Mà nghiệp tánh chẳng hoại.

2. Hư không và Niết Bàn,

Tịch diệt cũng như thế.

Phàm phu chấp vọng tưởng,

Bậc Thánh lìa hữu vô.

Đại ý nói Đức Phật thường nói tất cảcác pháp đều Không chân thật, nên xa lià chấp hai bên đối đãi như chấp đoan diệt thường hằng, chấp sinh tử, tất cả chỉ là giả như ảo mộng, nhưng tính của nghiệp thì chẳng hoại.Hư không và Niết Bàn cùng tịch diệt cũng như thế, phàm phu chấp thật sinh vọng tưởng, còn bâc Thánh không chấp nên lià bỏ có không

 

Khi ấy, Thế Tôn lại bảo Đại Huệ rằng: “- Đại Huệ! pháp Không, pháp Vô Sanh, pháp Bất Nhị, pháp lìa tự tánh v.v... đều có ghi vào kinh giáo của Phật, tất cả kinh điển đều thuyết nghĩa này; vì tùy thuận tâm hy vọng của chúng sanh mà phương tiện phân biệt thuyết để hiển bày nghĩa lý chẳng phải ở nơi ngôn thuyết có sự chân thật. Như bầy nai khát nước, mê hoặc đuổi theo dương diệm (ánh nắng mặt trời phản chiếu) cho là nước, nhưng dương diệm chẳng phải nước thật; các pháp sở thuyết của Phật ghi trong kinh điển cũng như thế. Vì muốn khiến phàm phu phát tâm hoan hỷ, tinh tấn tu hành, chẳng phải có Thánh Trí thật ở nơi ngôn thuyết; cho nên phải nương theo nghĩa, chớ chấp ngôn thuyết”.

 

Nghĩa là, tất cả pháp không sinh (Vô Sanh), tránh chấp đối đãi hai bên (bất nhị), lià tâm dính mắc (lià tự tánh); tất cả đều đã được Đức Phật nói trong Kinh giáo. Người tu không nên chấp lời, mà chỉ nên hiểu nghĩa theo đó tinh tấn tu hành, thì sẽ đạt Thánh trí vậy.

 

 

 

 

QUYỂN THỨ NHÌ

 

MỤC 1:

NHƯ LAI TẠNG:

 

1). NHƯ LAI TẠNG VÀ

CHÂN NGÃ NGOẠI ĐẠO:

 

     Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Pháp sở thuyết trong kinh Phật nói tự Tánh của Như Lai Tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh, vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất, nên bị cấu bẩn vọng phân biệt tham, sân, si sở ô nhiễm, giống như bảo vật vô giá ẩn trong áo dơ. Mà ngoại đạo có cái thuyết ''Chân Ngã là kẻ tác giả thường trụ, lìa nơi y chỉ, tự tại chẳng diệt''; vậy, cái nghĩa “Như Lai Tạng'' của Phật sở thuyết, há chẳng đồng như cái thuyết ''Chân Ngã'' của ngoại đạo ư?

     Phật bảo Đại Huệ:

- Ta nói ''NHƯ LAI TẠNG'', chẳng đồng với cái thuyết ''Chân Ngã'' của ngoại đạo. Đại Huệ! Ta có lúc nói Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, như thật tế, Pháp tánh, Pháp thân Niết Bàn, lìa tự tánh, bất sinh bất diệt, bổn lai tịch tịnh, tự tánh Niết Bàn v.v... dùng những danh từ này để thuyết Như Lai Tạng, ấy là vì Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác muốn đoạn dứt sự e sợ danh từ Vô Ngã của phàm phu, nên nói cảnh giới lìa vọng tưởng, Vô Sở Hữu là Như Lai Tạng.

- Đại Huệ! Bậc Bồ Tát vị lai, hiện tại, chẳng nên sinh ngã kiến chấp trước; ví như thợ gốm nơi một đống đất dùng phương tiện nhân công, nước, cây, bánh xe quay để làm ra các món đồ gốm, thì Như Lai cũng như thế; ở nơi pháp Vô Ngã lìa tất cả tướng của vọng tưởng, dùng đủ thứ trí huệ, phương tiện khéo léo, hoặc thuyết Như Lai Tạng, hoặc thuyết Vô Ngã. Do nhân duyên này, nên cái thuyết Như Lai Tạng của ta chẳng đồng với cái thuyết chân ngã của ngoại đạo. Vì khai mở cái trói chấp ngã của các ngoại đạo, nên có cái thuyết Như Lai Tạng, khiến họ lìa vọng tưởng ngã kiến chẳng thật, ngộ nhập cảnh giới ba cửa giải thoát (1), mong họ chóng được Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác phải thuyết Như Lai Tạng như thế. Nếu chẳng như vậy, ắt đồng với ngoại đạo; cho nên, Đại Huệ! Vì lìa kiến chấp của ngoại đạo cần phải y theo pháp Vô Ngã của Như Lai Tạng mà tu học.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Nhân Ngã và ngũ ấm,
Nhân duyên với vi trần.
Tự tánh vốn tự tại,
Duy tâm vọng phân biệt.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Ba cửa giải thoát: Là: Không (ngã, pháp đều trống rỗng), Vô tướng (các pháp bình đẳng không thật), và Vô nguyện (vì khổ, không, nên không mong cầu).

 

     Đoạn 1, Mục 1, Quyển 2 này, Bồ Tát Đại Huệ thưa Phật đại ý: Trong kinh Phật nói bản thể tâm (tự Tánh) của A Lại Da (Như Lai Tạng) vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt nơi thân của chúng sinh. Vì chấp trước dính mắc của Sáu Căn, Sáu Trần và Sáu Thức (áo nhơ ấm, giới, nhập) che khuất, nên bị cấu bẩn vọng tưởng phân biệt tham, sân, si nơi ô nhiễm, giống như bảo vật vô giá ẩn trong áo dơ. Mà ngoại đạo có cái thuyết ''Chân Ngã là kẻ tác giả thường trụ, lìa nơi y chỉ, tự tại chẳng diệt''; vậy, cái nghĩa “Như Lai Tạng'' của Phật thuyết, có giống như cái thuyết ''Chân Ngã'' của ngoại đạo không?

     Đức Phật giảng với nghĩa: A Lại Da (NHƯ LAI TẠNG), chẳng giống với cái thuyết “Cái ta chân thật (Chân Ngã) của ngoại đạo. Ngài có lúc nói Như Lai Tạng là không có bản thể (Không), là tướng giả dối không thật (Vô Tướng),là không cầu (Vô Nguyện), là như thật tế, là thể tính của các pháp (Pháp tánh), là Pháp thân Niết Bàn. Như Lai Tạng lìa bản thể tâm (tự tánh), không sinh không diệt, nguyên chất gốc (bản lai) tịch tịnh, bản thể tự tánh Niết Bàn v.v... Ngài dùng những danh từ này để thuyết về Như Lai Tạng, đây là vì Ngài muốn đoạn dứt sự e sợ danh từ “Vô Ngã” của phàm phu, nên nói cảnh giới lìa vọng tưởng, không có tướng chân thật mà trống rỗng (Vô Sở Hữu) là Như Lai Tạng.

     Thuyết “Như Lai Tạng” hoặc thuyết “Vô ngã” của Phật khác với thuyết “Chân ngã” của ngoại đạo chấp vào ngã. Do ở pháp Vô ngã lìa tất cả tướng của vọng tưởng, lià tất cả ngã kiến chấp thật vì cái thấy ngã chẳng thật, sẽ ngộ nhập cảnh giới Không, Vô tướng, Vô tác, thì được vô thượng Bồ Đề.Ngoại đạo chấp vào Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức (năm ấm) mà chấp thấy biết ta, người, chúng sinh, đời sống tiếp nối, tăng trưởng việc làm lành, dùng tình thức từ nét dáng đến cách cư xử, cử chỉ hành động v.v..., cho như thế là giải thoát. Lại nghe lời thuyết pháp của ngoại đạo, cho tất cả tánh đều có kẻ làm; đối với pháp Vô Ngã chẳng có phần, nên họ không thể giải thoát. Vì khai mở cái trói chấp ngã của các ngoại đạo, nên Đức Phật nói thuyết “Như Lai Tạng”, khiến họ dứt vọng tưởng, lià ngã kiến chẳng thật, ngộ nhập cảnh giới “Ba Cửa Giải Thoát” và mong họ chóng được giải thoát.

2). ĐẠI PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH:

     Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát quán chúng sanh đời vị lai, lại thỉnh Thế Tôn:

- Cúi xin Thế Tôn thuyết về đại phương tiện tu hành chẳng gián đoạn của Chư Đại Bồ Tát.

     Phật bảo Đại Huệ:

- Đại phương tiện tu hành của bậc Đại Bồ Tát phải thành tựu bốn pháp. Thế nào là bốn?

1. Khéo phân biệt tự tâm hiện.

2. Quán ngoài tánh phi tánh.

3. Lìa kiến chấp sanh trụ diệt.

4. Được sự an lạc của đắc Tự Giác Thánh Trí.

     Ấy gọi là thành tựu bốn pháp Đại phương tiện tu hành của bậc Đại Bồ Tát.

- Thế nào là Khéo Phân Biệt Tự Tâm Hiện của bậc Đại Bồ Tát? Ấy là quán ngằn mé duy tâm của tam giới (1), lìa ngã, ngã sở, chẳng lay động, chẳng khứ lai, biết do tập khí hư ngụy huân tập từ vô thỉ, kiến lập thân (ngã), tài (ngã sở), tùy theo vọng tưởng trói buộc hiện đủ thứ sắc hành của tam giới, ấy gọi là khéo phân biệt tự tâm hiện của Đại Bồ Tát.

- Thế nào là Khéo Quán Ngoài Tánh Phi Tánh? Là nói quán tự tánh của tất cả tánh do vọng tưởng tập khí hư ngụy từ vô thủy làm nhân mà thành, tất cả tánh đều giống như dương diệm, mộng huyễn v.v...; Đại Bồ Tát khéo quán như thế, gọi là Khéo Quán Ngoài Tánh Phi Tánh.

- Thế nào là Đại Bồ Tát Khéo Lìa Kiến Chấp Sinh, Trụ, Diệt? Nói tất cả tánh như mộng huyễn, tự tánh, tha tánh và cộng tánh vốn chẳng sanh, liền được vào cảnh giới Vô sanh của tự tâm, liễu tri ngằn mé của tự tâm qui vô sở đắc nên chẳng lìa mà tự lìa; đã rõ ngằn mé của tự tâm, nên quán được ngoài tánh phi tánh, tất cả pháp sinh ở nơi tam giới trong ngoài đều bất khả đắc. Quán được pháp sinh lìa tự tánh, thì kiến chấp về pháp sanh phải diệt; vậy, khéo biết tự tánh của các pháp như huyễn thì chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn (2). Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn xong thì lìa kiến chấp sanh trụ diệt; ấy gọi là Đại Bồ Tát khéo phân biệt Lìa Kiến Chấp Sanh, Trụ, Diệt.

- Thế nào là Đại Bồ Tát Đắc Sự An Lạc Của Tự Giác Thánh Trí? Vì Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi thì trụ nơi Bồ Tát Đệ Bát Địa (3), được lìa tâm, ý, ý thức, năm pháp tự tánh (4) và hai tướng Vô Ngã (5), chứng đắc Ý Sanh Thân.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Tam giới: Là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

(2) Vô sinh pháp nhẫn: Nhẫn là thể nhập, Thật tướng Chân như xa lìa hẳn các tướng sinh diệt, gọi là “vô sinh pháp”; chân trí tuệ an trú nơi không xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn” hay “vô sinh nhẫn”. Bồ-tát dùng trí tuệ siêu việt quán chiếu thấy rõ tự tánh của các pháp vốn là không, cho nên các pháp không hề sinh khởi; Bồ-tát không xao động gọi là “vô sinh pháp nhẫn”.

(3) Bồ Tát Đệ Bát Địa: Là Bồ Tát bậc thứ 8, là Bất động địa.

(4) NĂM PHÁP TỰ TÁNH: Là bản thể tâm đối với năm pháp là:Tướng, danh, phân biệt, chánh trí và như như.

(5) Hai pháp vô ngã: Nhân vô ngã và pháp vô ngã.

 

     Đoạn 2, Mục 1, Quyển 2 này, Bồ Tát Đại Huệ thỉnh Phật nói về phương tiện tu hành chẳng gián đoạn của Bồ Tát và chúng sinh đời vị lai. Đức Phật bảo phải thành tựu 4 pháp là:

1- KHÉO PHÂN BIỆT TỰ TÂM HIỆN:

Đây là quán sát trong giới hạn (ngằn mé) duy tâm của ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc (tam giới), lìa cái ta (ngã) và cái của ta (ngã sở), thấy chẳng khứ lai trong thanh tịnh (chẳng lay động). Biết do thói quen (tập khí) hư ngụy huân tập từ vô thỉ kiến lập cái ta (thân) và cái của ta (tài), tùy theo vọng tưởng trói buộc hiện đủ thứ hình sắc tạo tác (sắc hành); đây gọi là “Khéo phân biệt tự tâm hiện” của bậc Đại Bồ Tát.

 

2- QUÁN NGOÀI TÁNH PHI TÁNH:

     Là quán sát bản th (tự tánh) của tất cả tính do vọng tưởng thói quen từ lâu đời (vô thủy) làm nhân mà thành, quán tất cả tính đều là ảo huyển, giống như không khí óng ánh nơi sa mạc trong nắng chói (dương diệm) tưởng là nước, như giấc mộng trong lúc ngủ mơ v.v...; đây gọi là khéo quán sát lià ý niệm bản tính cố hữu là một nhận thức sai lầm (Ngoài Tánh Phi Tánh).

3- LÌA KIẾN CHẤP SINH TRỤ DIỆT:

     Là quán tính ảo huyển không thật của vạn pháp, quán bản thể tâm (tự tánh) không thật, quán cái khác sinh ra (tha tánh) không thật và quán nhiều thứ chung sinh ra (cộng tánh) chẳng thật, liền được vào cảnh giới Vô sinh của bản tâm. Hiểu rõ (liễu tri) sự giới hạn (ngằn mé) của bản tâm trở về không có chỗ được (qui vô sở đắc) nên chẳng lìa mà tự lìa; đã rõ giới hạn của bản tâm, nên quán được lià ý niệm bản tính cố hữu là một nhận thức sai lầm (ngoàitánh phi tánh), tất cả pháp sinh ở nơi ba cõi (tam giới) trong ngoài đều không thể được (bất khả đắc). Quán được pháp sinh lìa bản thể tâm, thì chấp sai (kiến chấp) về pháp sinh phải diệt; khéo biết bản tính của các pháp (tự tánhcủa các pháp) như huyễn không thật, thể nhập lý không sinh không diệt, đạt chân trí tuệ không xao động, thì chứng đắc thật tướng chân như (Vô Sinh Pháp Nhẫn); đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn xong thì lìa kiến chấp sinh trụ diệt;đây gọi là “khéo phân biệt Lìa Kiến Chấp Sanh, Trụ, Diệt” của Đại Bồ Tát.

 

4- ĐƯỢC SỰ AN LẠC CỦA

ĐẮC TỰ GIÁC THÁNH TRÍ:

     Khi đạt Thật tướng chân như (Vô Sinh Pháp Nhẫn) rồi thì trụ nơi Bồ Tát Đệ Bát Địa là Bất động địa, được lìa tướng các hiện tượng vạn vật thế giới (lià tâm), lià khởi niệm liên tục (lià Ý), lià so đo phân biệt (lià Ý thức), được bản thể tâm lià hình dạng (Tướng), lià tên gọi (Danh), lià nhận xét (Phân biệt). Hiểu rõ sự lý (Chính trí), thể nhập bản thể của tự tính cùng khắp không gian thời gian, chẳng động chẳng tịnh, chẳng biến chẳng dời, chẳng sinh chẳng diệt (Như như) (năm pháp tự tánh) và được dứt chấp ngã pháp (lià hai tướng Vô Ngã), chứng đắc “Ý Sinh Thân”.

 

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]