Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 04. Kinh Lăng Già giải nghĩa

16/11/201821:14(Xem: 5424)
Bài 04. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

45. Tăng Già có mấy loại?

Thế nào phá hoại Tăng?

Y Phương Luận là gì?

Bởi do nhân duyên gì,

46. Sao lại Phật Thế Tôn,

Thuyết những lời như thế:

"Ca Diếp (Phật), Câu Lưu Tôn (Phật),

Câu Na Hàm (Phật) là Ta? ".

47. Cớ sao nói đoạn thường?

Có ngã và Vô Ngã?

Sao không tất cả thời,

Đều diễn chân thật nghĩa?

48. Mà lại vì chúng sanh,

Phân biệt thuyết Tâm lượng?

Tại sao cõi Ta Bà,

Núi Kim Cang, Thiết Vi.

49. Đủ thứ báu trang nghiêm

Tất cả đều sung mãn,

Như trái Yêm Ma La?

Thế Tôn nói vì con!

 

KỆ PHẬT ĐÁP:

 

   Phật nghe bài kệ hỏi về Đại Thừa và diệu tâm Chư Phật,

Ngài liền đáp:

 

1). ĐÁP THỨ NHẤT:

VẠN PHÁP KHÔNG TỰ TÁNH:

 

1. Lành thay những câu hỏi,

Nay Ta vì các ngươi,

Theo thứ lớp giải đáp,

Đại Huệ hãy lắng nghe:

2. Pháp sinh và bất sinh (1),

Các loại đến Niết Bàn,

Sát na (2) chẳng tự tánh.

Từ Phật tử, ngoại đạo,

3. Thanh Văn (3) và Duyên Giác (4),

Bồ Tát Ba La Mật (5),

Và hạnh cõi Vô Sắc (6),

Mỗi mỗi việc như thế.

4. Núi Tu Di (7), biển cả,

Các bộ châu, quốc độ (8),

Tinh tú và nhật nguyệt (9),

Cõi trời A Tu La (10);

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Tự tánh): Tự tánh là bản thể tâm, bản tính vạn pháp.

(2) Pháp sinh và bất sinh: Là vạn vật được sinh ra, nhưng thực ra không có cái gì tự sinh ra cả, mà do nhân duyên hòa hợp sinh ra; thật tướng của các pháp không có sinh diệt nên đồng nghĩa với vô sinh diệt. Sự tồn tại của các pháp vốn không có thật thể, do nhân duyên mà thành, nên có thể nói rằng không có sinh diệt; tuy nhiên, hạng phàm phu mê lầm lý vô sinh này, nên khởi lên lo lắng buồn phiền về sống chết (sinh diệt), vì vậy bị lưu chuyển sinh tử. Nếu nương theo kinh luận, lý giải như trên, quán lý vô sinh và thực hành thì có thể trừ được phiền não sinh diệt.

(3) Sát na: Tiếng Phạn Sanskrit: Kwaịa. Pàli: Khaịa, cũng gọi Xoa noa. Hán dịch: Tu du, Niệm khoảnh. Từ ngữ chỉ đơn vị thời gian cực ngắn nhanh như chớp mắt, chớp nhoáng. Theo luận Câu xá quyển 12 thì: 1 ngày đêm (24 giờ) bằng 30 mâu hô lật đa (muhùrta), 1 mâu hô lật đa bằng 30 lạp phược (Lava), 1 lạp phược bằng 60 đát sát na (Tat-kwaịa), 1 đát sát na bằng 120 sát na. Tóm lại 1 giây đồng hồ = 30x30x60x120 / 24x60x60 = 75 sát na.

Xem một sát na chỉ bằng một phần bảy mươi lăm của 1 giây (1/75 giây), một giây chỉ trong tíc - tắc thôi, 1/75 vô cùng ngắn, biến đối mau lẹ quá mức như thế thì tất cả vạn vật, vạn pháp làm sao có tự tánh được; vì nếu là tự thể của bản tính thì phải trường tồn bất biến, nên Phật nói “Sát na chẳng tự tánh” là vậy.

(4) Thanh Văn: Từ chữ Phạn Sanskrit: Zràvaka, Pàli: Sàvaka. Hán dịch: Đệ tử; chỉ các đệ tử xuất gia nghe âm thanh thuyết pháp của Phật mà chứng ngộ. Có 3 cách giải thích về ý nghĩa tên gọi Thanh văn, đó là:

1. Giải thích theo nhân duyên đắc đạo: Nghe âm thanh thuyết giáo của Phật mà tỏ ngộ được đạo, gọi là Thanh văn.

2. Giải thích theo pháp môn được quán xét như nói: Ngã, chúng sinh... chỉ có tên suông, gọi là Thanh (tiếng), nhờ Thanh mà được tỏ ngộ, gọi là Thanh văn.

3. Giải thích theo phương diện hóa tha: Như phẩm Tín giải trong kinh Pháp Hoa quyển 2 nói: Dùng âm thanh Phật đạo khiến tất cả đều nghe, nên gọi là Thanh Văn.  

     Trong 3 cách giải thích trên, 2 giải thích đầu là Thanh Văn, còn giải thích thứ 3 thì thuộc Bồ Tát; Thanh Văn vốn chỉ cho các đệ tử lúc đức Phật còn tại thế, về sau, đối lại với Duyên Giác, Bồ Tát mà trở thành 1 trong 3 thừa. Thanh Văn là những người quán xét lí của Tứ Đế, tu 37 phẩm trợ đạo, dứt trừ Kiến hoặc (chấp thấy sai), Tư hoặc (có tư tưởng, tình cảm chấp sai), lần lượt chứng được 4 quả Sa Môn, chờ vào Niết Bàn vô dư.

(5) Duyên Giác: Từ chữ Phạn Sanskrit: Pratyeka-buddha, Pàli: pacceka-buddha. Dịch âm: Bát Lạt Y Ca Phật Đà, Tất Lặc Chi Để Ca Phật, Bích Chi Ca Phật, Bích Chi Phật; cũng gọi Độc Giác, Duyên Nhất Giác, Nhân Duyên Giác; là một trong ba thừa. Chỉ cho người tu hành thành bậc Thánh ở đời không có Phật, không thầy chỉ dạy, một mình ngộ đạo, ưa sự vắng lặng, không thích thuyết pháp giáo hóa; Thanh Văn và Duyên Giác gọi là Hai Thừa (Nhị Thừa), nếu cộng thêm Bồ Tát nữa là Ba Thừa (Tam Thừa).

(6) Bồ Tát Ba La Mật: Phạn: Pàramità, Pàli: Pàramì hoặc Pàramità. Tức là từ bờ sống chết cõi mê bên này mà đến bờ Niết Bàn giải thoát bên kia, còn gọi là Ba-la-mật-đa, Ba-la-nhĩ-đa; dịch ý là Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực, Độ, Sự cứu kính. Thông thường, nói về sự tu hành của Bồ Tát, đại hạnh của Bồ Tát có khả năng hoàn thành tất cả mọi việc lợi mình lợi người một cách mĩ mãn rốt ráo, cho nên gọi là Sự cứu kính. Làm theo hạnh lớn ấy mà có thể từ bờ sống chết bên này đến được bờ Niết Bàn bên kia, cho nên gọi là Đáo bỉ ngạn.

(7) Và hạnh cõi Vô Sắc: Hạnh cõi Vô Sắc có 4 loại là:

1.     Hành giả vượt qua được tất cả sự tưởng nhớ các dục tính (dục tưởng) các hình sắc (sắc tưởng), không nhớ nghĩ (suy niệm) bất cứ loại tưởng nhớ nào; nghĩa là quán phá cái nghĩ tưởng có dục, có hình sắc trong và ngoài, diệt cái có đối đãi như phải trái, đúng sai, có không v.v…, tất cả chỉ là không. Tu tập, tu tập nhiều, sẽ nhập vô lượng Không, nhất tâm thanh tịnh, thành tựu an trú Vô Lượng Không Xứ, còn được gọi là Không Vô Biên Xứ.

2.     Hành giả vượt qua tất cả Vô Lượng Không Xứ; nghĩa là hành giả quán xét cho rằng có cái Không xứ là sai, mà nó phải là một cái gì khác, đó là Thức; hành giả suy niệm về vô lượng thức, tu tập, tu tập nhiều sẽ nhập vô lượng thức, được niệm thanh tịnh định, nhất tâm thanh tịnh, thành tựu an trú Vô Lượng Thức Xứ, còn gọi là Thức Vô Biên Xứ.

3.     Hành giả vượt qua tất cả Vô Lượng Thức Xứ; nghĩa là hành giả quán xét cho rằng có cái Thức Xứ là sai, mà thực ra chẳng có cái gì gọi là thức cả; hành giả suy niệm về tất cả không có thức, là vô sở hữu thức, tức là vị ấy vượt qua trạng thái không thức quán và tâm sở hữu; tu tập, tu tập nhiều sẽ nhập vô sở hữu, nhất tâm thanh tịnh, thành tựu an trú Vô Sở Hữu Xứ.

4.     Hành giả vượt qua tất cả Vô Sở Hữu Xứ; nghĩa là hành giả quán xét tất cả “tưởng” là sai, tất cả “không tưởng” cũng sai luôn. Hành giả thấy tưởng như bệnh, như mụn nhọt, như gai, thấy vô tưởng như ngu si. Hành giả tu tập, tu tập nhiều sẽ nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng, được niệm thanh tịnh định, nhất tâm thanh tịnh, thành tựu an trú Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ, còn gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, là hành nghiệp lưu dư cao nhất trong sự “có”.

(8) Núi Tu Di: Từ chữ Phạn: Sumeru, âm dịch là Tô Mê Lô, Tu Di Lâu, ý dịch là Diệu Cao Sơn. Trong quyển 2 Trường A-Hàm, trang 385 ghi: “Trên đỉnh núi chúa Tu-Di có thành Tam thập tam Thiên (Trời 33), cũng gọi là Trời Đao Lợi. Núi Tu-Di cao 168,000 do tuần, rộng 84,000 do tuần”, (mỗi do tuần khoảng từ 15 – 20 cây số), vị Thiên chủ tức là Thích-Đề Hoàn-Nhân, cũng gọi là Đế-Thích, người đời gọi là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế”. Ở 4 phương của núi Tu Di có 4 vị Thiên Vương quản trị Thần Qủy; ngoài ra còn có Thiên Long Bát Bộ nữa.

(9) Các bộ châu quốc độ: Có sách giải thích châu Diêm Phù Đề là trái đất, còn các châu khác là những hành tinh khác, nhưng theo Trường A Hàm của Đại Tạng Kinh, quyển 2, trang 203, thì có thể giải thích các bộ châu đều thuộc qủa đất, gồm: Châu Diêm-Phù-Đề (Ấn Độ, Tây Á châu), châu Phất-Vu-Đãi (Phi châu và Âu châu), châu Câu-Da-Ni (Đông Á, Úc châu), châu Uất-Đan-Việt (Mỹ châu). Quốc độ: Từ chữ Phạn Kwetra. Hán dịch: Độ, Sát độ, chỉ đất đai, lãnh thổ hoặc chỗ ở của chúng sinh; Quốc độ có Tịnh độ và Uế độ khác nhau.

(10) Tinh tú và nhật nguyệt: Mặt trăng mặt trời, các Tinh tú là các ngôi sao cũng là các mặt trời vì ở xa nên thấy nhỏ bé.

(11) Cõi trời A Tu La: Từ chữ Phạn: Asura, gọi tắt là Tu la, là một trong sáu đường (Trời, Người, Thần (A Tu La), Ngạ qủy, Súc sinh, Địa ngục). Còn gọi là A tác la, A tố la, A tu luân. Dịch ý là Phi thiên, Phi đồng loại, Bất đoan chính. Có 4 loại sinh:

1. A Tu La Qủy: Noãn sinh, sinh ra hình Qủy từ trứng, ở trong hư không, loại Thần Qủy này thường hộ trì Phật pháp.

2. A Tu La Người: Thai sinh, từ cõi Trời Dục Giới bị đọa sinh ra hình Người do bào thai, ở lưng chừng núi Tu Di.

3. A Tu La Trời: Hóa sinh, tự nhiên sinh ra, ở chung quanh núi Chúa Tu Di, có sức mạnh vô cùng, lại có tâm sân hận ganh tị, thường tập trung các loài A Tu La chiến đấu chống lại các vị Trời Dục Giới.

4. A Tu La Súc Sinh: Thấp sinh, do ẩm ướt sinh ra, ở dưới đáy biển, trong hang nước sâu, ban ngày bay trên hư không, ban đêm ngủ dưới nước.

     Tất cả 4 loài Thần A Tu La đều vô hình, đối với mắt thịt của loài người không thể nhìn thấy; họ có nghiệp nhân là thường bất mãn và nghi kị, tuy nhiên họ cũng có nhiều phúc đức nên sinh vào loài thần.

 

     Kệ Đáp thứ nhất, Quyển 1, 16 câu kệ đầu, từ 4 câu kệ đầu tới 4 câu thứ tư, đại ý Đức Phật bảo Bồ Tát Đại Huệ hãy lắng nghe Ngài giải đáp rằng tất cả vạn vật chúng sinh, từ hữu hình, vô hình, cho tới Niết Bàn đều “chẳng có tự tánh”, nghĩa là chẳng có bản thể tính (vạn vật), chẳng có bản thể tâm (chúng sinh), tất cả đều biến đổi không ngừng; nói chi tiết hơn từ sông biển, các đại lục, tới mặt trăng mặt trời, cho đến A Tu La và các cõi Trời cũng đều như thế cả.

 

2). ĐÁP THỨ HAI:

THIỀN ĐƯỢC GIẢI THOÁT:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]