Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 12. Kinh Lăng Già giải nghĩa

09/01/201920:51(Xem: 5042)
Bài 12. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

6). NHỮNG CẢNH HUYỂN HÓA:

1. SAI LẦM DO CHẤP:

- Đại Huệ! Nếu có Sa Môn, Bà La Môn muốn khiến nhân quả của sự hữu chủng (1), vô chủng, và sự vật thời gian có sở trụ... và những cái do chấp ấm, giới, nhập (2) nơi sinh và trụ biến hiện, như sự vật hoặc sanh hoặc hữu, hoặc Niết Bàn, hoặc đạo, hoặc nghiệp, hoặc quả, hoặc chân lý, hoặc thường trụ, đều là đoạn diệt luận; tại sao?, vì những sự việc kể trên vốn là vô thỉ, nên hiện tiền đều bất khả đắc (3).

- Đại Huệ! Ví như cái bình bể chẳng dùng được, như hạt giống cháy chẳng thể nảy mầm; như thế, nếu tánh ấm, giới, nhập đã diệt, nay diệt, sẽ diệt điều do kiến chấp vọng tưởng của tự tâm vô nhân mà có, thì sự sinh khởi chẳng có thứ lớp.

- Đại Huệ! Nếu lại nói cái thức Vô Chủng, Hữu chủng do ba duyên kiến, tướng, thức (4) hòa hợp sanh khởi, thì con rùa nên mọc lông, ép cát phải ra dầu, tông họ (5) ắt phải tự hoại, vì trái với nghĩa quyết định (6). Cái thuyết hữu chủng, vô chủng có lỗi như thế, nếu theo đó kiến lập sự nghiệp đều hư dối vô nghĩa.

- Đại Huệ! Cái thuyết ba duyên hợp sanh của ngoại đạo, lập ra phương tiện nhân quả tự tướng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai, tưởng hữu chủng, vô chủng từ xưa đến nay đã thành sự thật, giác tưởng (tưởng biết) xoay chuyển, thừa kế với nhau, là do lỗi tập khí (7) tự sinh kiến chấp mà thuyết như thế.

- Đại Huệ! Phàm phu ngu si, say mê tà tưởng, trí huệ bị ác kiến nuốt mất, đem cái thuyết vô trí lại vọng xưng là Nhất Thiết Trí (8).

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Chủng tử: S: bīja; là mầm sống, hạt mầm, cũng có nghĩa là năng lực, năng lực thúc đẩy vạn vật hiện hữu, 

(2) Ấm, giới, nhập: Là ba yếu tố hiện hữu tạo thành mọi chúng sinh, Ấm là năm ấm (hay năm uẩn), Nhập là sáu nhập, Giới là mười tám giới, như sau:

- Năm ấm gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

- Sáu nhập là mối quan hệ tiếp xúc giữa căn và trần. Khi sáu căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn hiệp nhập với sáu trần gồm hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp (đối tượng của ý) thì tạo thành sáu nhập là sắc nhập, thanh nhập, hương nhập, vị nhập, xúc nhập và pháp nhập, gọi chung là sáu nhập (lục nhập).

- Mười tám giới tức mười tám chỗ sinh khởi vọng niệm, bao gồm sáu căn ở trong (lục căn nội giới), sáu trần ở ngoài (lục trần ngoại giới) và sáu thức ở khoảng giữa (lục thức trung giới); sáu thức gồm nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

     Trong Phật học cần có sự phân biệt giữa Ý căn và Ý thức với Tâm hay Tâm Thức nói chung, được dùng để chỉ năng lực tinh thần có khả năng kiểm soát Ý thức và tất cả các thức khác; vì thế, sự tu tập phải dựa trên nền tảng của Tâm Thức chứ không phải Ý thức, tức là không phải ở sự phân biệt sự thức. Tâm Thức với ý nghĩa: Tâm là không, không hình tướng, không số lượng, vô sở trụ; Thức là Thức tinh, là Chân thức, biết rõ sáng suốt, trong Tông Kính Lục, quyển 3 nói: Bồ Đề Niết Bàn từ vô thủy vốn là thanh tịnh, thì nay chính ở nơi ông, Thức tinh trong sáng có năng lực sinh ra các duyên, nguồn gốc của Thức.

 

(3) Bất khả đắc: Nghĩa là Không thể nắm bắt được, không thể đạt được, không thể hiểu được, không thể biết được, dù nhọc công tìm kiếm như thế nào.

 

(4) Kiến, Tướng, Thức: Kiến là thấy do mắt, tức là Nhãn Căn; Tướng là hình sắc, là Trần, tức là Sắc Trần; Thức là Nhãn Thức.

(5) Tông họ: Tông: phái, ngành khác nhau, họ là các giáo lý căn bản; Tông họ là giáo lý khác nhau của các phái.

 

(6) Quyết định: Là nhất thiết tất nhiên, là kiên quyết chắc chắn; là phán quyết, giải quyết, xác định.

 

(7)Tập khí: Chữ Phạn Sanskrit: vāsanā: Nghĩa là ấn tượng, tưởng tượng, sự thúc dục, tập khí chỉ thói quen, những bản năng, bản tính tiềm tàng có thể hiện lên bất cứ lúc nào; những tập khí được tích tụ trong cuộc sống, tập khí được xếp vào loại Phiền não chướng.

 

(8) Nhất thiết trí: Từ chữ Phạn S: sarvajñatā, sarvākārajñatā: Là Trí toàn vẹn, hiểu biết tất cả; chỉ trí huệ của một vị Phật. Nhất thiết trí là trí huệ hiểu biết tất cả các Pháp và thể tính thật sự của nó là Không. Trí này hay được xem là đồng nghĩa với Bát-nhã (s: prajñā). 

 

     Tiểu đoạn 1, Đoạn 6, Mục 1, Quyển 1 này, Đức Phật giảng: “- Đại Huệ! Nếu có Sa Môn, Bà La Môn muốn khiến nhân quả của sự hữu chủng, vô chủng, và sự vật thời gian có sở trụ... và những cái do chấp ấm, giới, nhập nơi sinh và trụ biến hiện, như sự vật hoặc sanh hoặc hữu, hoặc Niết Bàn, hoặc đạo, hoặc nghiệp, hoặc quả, hoặc chân lý, hoặc thường trụ, đều là đoạn diệt luận; tại sao?, vì những sự việc kể trên vốn là vô thỉ, nên hiện tiền đều bất khả đắc”.

 

      Nghĩa là ngoại đạo muốn có nhân qủa về những cảnh huyển hóa của hạt mầm, những năng lực thúc đẩy vạn vật hiện hữu (hữu chủng, vô chủng), và sự vật có thời gian hiện diện (sở trụ); và những cái do chấp ba yếu tố tạo thành chúng sinh (ấm, giới, nhập), sinh tồn rồi tiêu diệt (biến hiện), như sự vật hoặc sinh hoặc có, hoặc không (Niết Bàn), hoặc hành đạo, hoặc do nghiệp, hoặc thành qủa, hoặc chân lý, hoặc trường tồn (thường trụ) v.v... Tất cả những thứ này đều là đoạn diệt luận, vì những sự việc kể trên vốn không có khởi đầu (vô thỉ), ví dụ như con gà và trứng gà đầu tiên, thứ nào có trước? Không trả lời được, nên nó là vô thủy. Do đó, hiện tại không thể hiểu biết được (bất khả đắc), tức không thể nắm bắt được dù có nhọc công tìm kiếm như thế nào cũng vậy thôi.

 

    Ngài cho ví dụ: “Ví như cái bình bể chẳng dùng được, như hạt giống cháy chẳng thể nảy mầm; như thế, nếu tánh ấm, giới, nhập đã diệt, nay diệt, sẽ diệt, đều do kiến chấp vọng tưởng của tự tâm vô nhân mà có, thì sự sinh khởi chẳng có thứ lớp”. Nghĩa là như cái bình bể chẳng thể dùng được, như hạt giống cháy chẳng thể nảy mầm, như thế nếu Căn, Trần, Thức (ấm, giới, nhập) đã diệt, nay diệt, sẽ diệt đều do chấp thật (kiến chấp) vọng tưởng của tâm, không nhân mà có thì sự sinh khởi thành ra lộn xộn.

 

     Đức Phật giảng: “- Đại Huệ! Nếu lại nói cái thức Vô Chủng, Hữu chủng do ba duyên kiến, tướng, thức (4) hòa hợp sanh khởi, thì con rùa nên mọc lông, ép cát phải ra dầu, tông họ (5) ắt phải tự hoại, vì trái với nghĩa quyết định (6). Cái thuyết hữu chủng, vô chủng có lỗi như thế, nếu theo đó kiến lập sự nghiệp đều hư dối vô nghĩa”.

 

     Nghĩa là nếu nói cái thức có năng lực hạt mầm (hữu chủng) hoặc chẳng có năng lực hạt mầm (vô chủng) đều do căn, trần, thức (kiến, tướng, thức) hòa hợp sinh khởi thì con rùa nên có lông, ép cát phải ra dầu, các giáo lý căn bản của các tông phái (tông họ) ắt phải tự hoại, vì trái với nghĩa xác định. Cái thuyết hữu chủng, vô chủng có lỗi như thế, nếu theo đó kiến lập sự việc thì đều là hư dối, vô nghĩa. Như các Tông phái như Mật tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông v.v..., với cái học như “Ba cửa giải thoát” (Không, Vô tướng, Vô nguyện) để đạt Niết Bàn, “Ba môn học” (Giới, Định, Tuệ), “Ba thời Phật” (quá khứ, hiện tại, vị lai) v.v…; tất cả không còn giá trị gì mà phải tự tiêu diệt mất, tại sao? Vì trái với nghĩa xác định chắc chắn, cho nên cái thuyết có năng lực hạt mầm hay chẳng có năng lực hạt mầm sai lầm, nếu theo đó thiết lập sự việc liên quan tới con người (kiến lập sự nghiệp) đều vô lý và không đúng.

 

     Ngài giảng tiếp: “- Đại Huệ! Cái thuyết ba duyên hợp sanh của ngoại đạo, lập ra phương tiện nhân quả tự tướng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai, tưởng hữu chủng, vô chủng từ xưa đến nay đã thành sự thật, giác tưởng (tưởng biết) xoay chuyển, thừa kế với nhau, là do lỗi tập khí (7) tự sinh kiến chấp mà thuyết như thế”.

 

     Nghĩa là cái thuyết “Ba nhân duyên hợp sinh” của ngoại đạo lập ra phương tiện “nhân qủa tự tướng”, tức là lập ra thuyết nói về tự nó sinh ra cái khác, ví như Thượng Đế sinh ra muôn loài trong qúa khứ, hiện tại, tương lai; rồi sự lập thuyết ấy in vào tâm tưởng về năng lực hạt mầm (chủng t) và không năng lực hạt mầm (vô chủng) từ xưa đến nay trở thành hiển nhiên của tưởng biết (giác tưởng), và cứ thế luân chuyển thừa kế với nhau hết đời này qua đời khác thành tập khí thói quen, từ tập khí tự sinh chấp thật (kiến chấp) mà thuyết như thế.

 

     Đức Phật dạy: “- Đại Huệ! Phàm phu ngu si, say mê tà tưởng, trí huệ bị ác kiến (8) nuốt mất, đem cái thuyết vô trí lại vọng xưng là Nhất Thiết Trí (9)”. Nghĩa là người ngu si say mê tà tưởng (sai mà tưởng đúng), do trí tuệ bị sai lầm (ác kiến) che mất như thế, rồi lại đem cái thuyết vô trí sai lầm ấy tự phong cho là trí tuệ toàn vẹn nhất (Nhất Thiết Trí).

2. TU XA LÌA CHẤP THẬT:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]