Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 78: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

02/04/201808:24(Xem: 4695)
Bài 78: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

2- THỌ LỤC GIAO BÁO:

Sao nói Lục Giao Báo?
- A Nan! tất cả chúng sanh, lục thức tạo nghiệp, chiêu cảm ác báo, đều từ lục căn mà ra.
- Sao nói ác báo từ lục căn mà ra?
- Một là Kiến Báo chiêu cảm ác quả. Khi kiến nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy lửa hồng cháy khắp mười phương, thần thức người chết bay rơi theo khói, vào ngục A-Tỳ, phát minh hai tướng: Một là thấy sáng, khắp thấy mọi thứ hung dữ, sanh khiếp sợ vô cùng; hai là thấy tối, mịt mù chẳng thấy gì, sanh hoảng hốt vô cùng.
- Như vậy, thấy lửa đốt thính giác thì thành chảo dầu sôi, nước đồng chảy; đốt khứu giác thì thành khói đen, lửa đỏ; đốt vị giác thì thành viên sắt cháy; đốt xúc giác thì thành tro nóng, lò than; đốt ý thức thì thành hoa lửa rưới khắp, rung động cả hư không.
- Hai là Văn Báo chiêu cảm ác quả. Khi văn nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung trước hết thấy sóng cuộn chìm ngập trời đất, thần thức người chết theo dòng nước trôi vào ngục A-Tỳ, phát minh hai tướng: Một là nghe rõ các tiếng ồn ào, tinh thần rối loạn; hai là điếc hẳn, lặng lẽ chẳng nghe gì, thần thức chìm lịm.
- Như vậy, nghe sóng chảy vào thính giác, thì thành sự trách hỏi, chảy vào thị giác thì thành sấm sét và khí độc; chảy vào khứu giác thì thành mưa và sương mù, rưới sâu độc vào đầy khắp cơ thể; chảy vào vị giác thì thành mủ, huyết và các thứ nhơ nhớp; chảy vào xúc giác thì thành súc sinh, ma quỷ và đại tiểu tiện; chảy vào ý thức thì thành điện chớp, mưa đá, đập nát tâm phách.
- Ba là Khứu Báo chiêu cảm ác quả. Khi khứu nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy hơi độc đầy dẫy xa gần, thần thức người chết từ dưới đất trào lên, vào ngục A-Tỳ, phát minh hai tướng: Một là ngửi thông bị các hơi độc xông vào, nhiễu loạn tâm thần; hai là nghẹt thở, hơi thở chẳng thông, làm chết giấc dưới đất.
- Như vậy, ngửi khí xông vào khứu giác thì thành thông, nghẽn; xông vào thị giác thì thành lửa, đuốc; xông vào thính giác thì thành chìm đắm, nước sôi; xông vào vị giác thì thành mùi thiu, thúi; xông vào xúc giác thì thành nứt, nát, thành núi thịt lớn có trăm ngàn mắt, hút ăn không cùng; xông vào ý thức thì thành tro, chướng khí và cát đá bay, đập nát thân thể.
- Bốn là Vị Báo chiêu cảm ác quả. Khi vị nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy lưới sắt phát lửa bừng cháy, che khắp thế giới; thần thức người chết sa đọa mắc lưới, treo ngược đầu xuống, vào ngục A Tỳ, phát minh hai tướng: một là hít hơi vào, kết thành băng giá, làm nứt nẻ thân thể, hai là thở hơi ra, bay thành lửa hồng đốt cháy xương tủy.
- Như vậy, nếm mùi qua vị giác thì thành nhận chịu; qua thị giác thì thành kim thạch nung đỏ; qua thính giác thì thành binh khí sắc bén; qua khứu giác thì thành lồng sắt lớn, che khắp quốc độ; qua xúc giác thì thành cung, tên, nỏ, súng; qua ý thức thì thành sắt nóng, bay từ trên không rưới xuống như mưa.
- Năm là Xúc Báo chiêu cảm ác quả. Khi xúc nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy núi lớn từ bốn phía hợp lại, chẳng còn đường ra; thần thức người chết thấy Thành Sắt lớn, rắn lửa, cọp, sói, sư tử, ngục tốt (người gác ngục) đầu trâu, La Sát, đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục A Tỳ, phát minh hai tướng: Một là hợp xúc, núi hợp lại ép thân, xương thịt tuôn máu; hai là lìa xúc, dao gươm đâm chém, tim gan bị cắt xẻ.
- Như vậy, hợp xúc qua xúc giác thì thành con đường địa ngục, gặp Diêm La Vương xử án; qua thị giác thì thành đốt cháy, nung đỏ; qua thính giác thì thành đánh, đập, đâm bắn; qua khứu giác thì thành tóm, đựng, khảo, trói; qua vị giác thì thành cày, kìm, chém, chặt; qua ý thức thì thành rơi, bay, nấu nướng.
- Sáu là Tưởng Báo chiêu cảm ác quả. Khi tưởng nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy gió bão thổi nát quốc độ; thần thức người chết bị thổi lên hư không, xoay rơi theo gió, đọa ngục A-Tỳ, phát minh hai tướng: Một là chẳng giác, mê muội vô cùng, bỏ chạy không thôi; hai là chẳng mê, hay biết các khổ, bị đốt cháy không cùng, đau đớn khổ sở.
- Như vậy, tà tưởng kết vào ý thức thì thành phương sở; kết vào thị giác thì thành gương soi, bằng chứng; kết vào thính giác thì thành đại hợp băng giá, sương mù, đất bùn; kết vào khứu giác thì thành xe lửa, thuyền lửa, củi lửa; kết vào vị giác thì thành tiếng la hét, than khóc; kết vào xúc giác thì thành lớn nhỏ, nghiêng ngửa, muôn lần sống đi chết lại trong một ngày.
- A Nan! Thập tập nhân và lục giao báo của địa ngục kể trên, đều do chúng sanh mê vọng tạo ra. Nếu chúng sanh lục căn đồng tạo ác nghiệp thì vào ngục A Tỳ, trải qua vô số kiếp, chịu khổ vô cùng; nếu lục căn mỗi mỗi tạo riêng, với nghiệp sở tạo, gồm cả căn trần, thì người ấy vào khu 8 ngục A-Tỳ; nếu cả thân khẩu, ý, tạo nghiệp sát, đạo, dâm,thì người ấy đọa vào khu 18 địa ngục; nếu không gồm cả ba nghiệp, hoặc trong ấy chỉ tạo nghiệp sát hay nghiệp đạo, thì người ấy vào khu 36 địa ngục; nếu chỉ có một căn riêng tạo một nghiệp, thì người ấy vào khu 108 địa ngục.
- Mỗi chúng sanh dù riêng tạo biệt nghiệp, nhưng cùng vào chỗ đồng phận trong thế giới, ấy đều do vọng tưởng sanh ra, chẳng phải vốn sẵn có.

GIẢI NGHĨA THỌ LỤC GIAO BÁO:


   
 Đức Phật giảng tiếp với ý nghĩa rằng: tất cả chúng sinh, do Năm Căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân), tiếp xúc với Năm Trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc) sinh ra Năm Thức (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức), Năm Thức này phối hợp với sự so đo phân biệt của Ý Thức (Thức thứ Sáu) và sự chấp trước dính mắc của Ý Căn (Thức thứ Bảy), khiến cho Sáu Thức tạo nghiệp, chiêu cảm ác báo, vì vậy cho nên Đức Phật nói “Tất cả chúng sanh, lục thức tạo nghiệp, chiêu cảm ác báo, đều từ lục căn mà ra”, được diễn tả như sau:

1. NHÃN CĂN:

Do Mắt Thấy (Nhãn Căn), Nhãn Thức tạo ác tự gây nghiệp dữ.

      Khi Mắt Thấy sinh ác thì gây Nghiệp dữ, ví như khi thấy của cải tiền bạc của người sinh tâm trộm cướp, lúc sắp chết họ thấy lửa cháy rực trời khắp nơi. Thần thức của người này bay lên theo khói lửa rồi rơi xuống sa vào địa ngục A-Tỳ, ở nơi địa ngục thần thức chỉ còn thấy hai tướng sáng và tối:

- Khi sáng thì thấy những cảnh kinh hoàng, bạo ác, mọi thứ hung dữ, sinh khiếp sợ vô cùng. Như: thấy lửa đốt Tai (Nhĩ căn) thì thành chảo dầu sôi, nước đồng chảy; thấy lửa đốt Mũi (Tỵ căn) thì thành khói đen, lửa đỏ. Thấy lửa đốt Miệng Lưỡi (Vị căn) thì thành viên sắt cháy đỏ; lửa đốt Thân thể (Xúc căn) thì thành tro nóng bỏng, than hồng; lửa đốt Đầu (Ý căn) thì thành mũi tên lửa bắn khắp, rung động cả hư không.

- Khi tối thì chỉ thấy một màu đen im lìm, mịt mù chẳng thấy gì, sinh lo âu sợ hãi cùng cực.

2. NHĨ CĂN:

Do Tai Nghe (Nhĩ Căn), Nhĩ Thức tạo ác tự gây Nghiệp dữ.

     Khi Tai Nghe sinh những ác độc, ví như nghe nói những điều trái tai sinh tâm giận dữ tìm cách hại người, lúc sắp chết nghe và thấy sóng cuồng nhận chìm tràn ngập trời đất. Thần thức người chết bị cuốn trôi theo dòng nước vào địa ngục A-Tỳ; ở nơi địa ngục thần thức chỉ còn nghe hai hiện tượng: nghe rõ âm vang khủng khiếp và chẳng nghe (điếc):

- Khi nghe rõ thì nghe những tiếng ầm ầm khủng khiếp làm cho thần thức rối loạn sợ hãi cùng cực. Như khi nghe sóng dội vào tai thì thành sự nhiếc mắng đủ điều; nghe sóng ập vào mắt thành sấm sét và hơi độc cay; sóng dồn vào mũi thành mưa tuôn ào ào. Nghe sóng xô vào miệng thành máu mủ và các thứ nhơ nhớp; sóng tràn vào thân thể thành sâu độc rắn rết; sóng táp vào đầu thành bão tố tên bắn mưa đá sét đánh làm toàn thân tan nát.
- Lúc chẳng nghe như bị điếc đặc thì im lìm trong màn hoang vu nơi cõi chết, khiến cho thần thức cực kỳ kinh hãi.

 

3. TỴ CĂN:

Do Mũi Ngửi (Tỵ Căn), Tỵ thức tạo ác tự gây nghiệp dữ.

      Khi Mũi Ngửi sinh ra ác độc, ví như yêu thích mùi thơm, vì muốn có nên sinh tâm ác độc, lúc sắp chết cảm thấy mùi độc khí khắp mọi nơi. Thần thức người chết tự thấy từ đất trổi lên, rồi lại rơi vào địa ngục, ở nơi địa ngục thần thức cảm nhận hai hiện tượng: thông và nghẽn.

- Khi th thông thì hít phải toàn khí độc gây ngột ngạt sặc sụa, thần thức vô cùng đau khổ không yên. Như khi khí xông vào mắt thì thành đuốc lửa đốt; khí xông vào tai thì thành sóng lớn nhận chìm; xông vào miệng thì thành nước xôi. Khi khí xông vào thân thể thì thành núi đồi ép thân thể; xông vào đầu thì thành tên bắn sỏi đá đập nát toàn thân.

- Lúc nghẹt mũi thì không thể thở nên lăn lộn vật vã chết giấc, sống không được mà chết cũng không xong.

4. THIỆT CĂN:

Do Miệng Lưỡi Ăn (Thiệt Căn), Thiệt Thức tạo ác tự gây nghiệp dữ.

      Khi Ăn Uống sinh ra ác độc, ví như những thức ăn do tàn hại giết chóc sinh vật, thì lúc sắp chết thần thức thấy khắp không gian bao trùm lưới sắt nóng đỏ rực. Thần thức người chết từ dưới đất vọt lên, bị vướng lưới lộn đầu rơi xuống sa vào địa ngục, thần thức nhận biết có hai hiện tượng: nuốt hơi vào và ợ hơi ra:

- Khi hơi vào thì cảm thấy lạnh tê tái như băng giá, nứt nẻ cả thân thể. Khi hơi vào mắt thành sỏi đá nóng đỏ bắn vào; hơi vào tai thành binh khí sắc bén chém chặt; hơi vào mũi thành lồng sắt bao trùm khắp; hơi vào thân thể thành mũi tên đạn bay cùng khắp; hơi vào đầu thành sắt nóng đỏ từ trên không rơi xuống .
- Lúc ợ mửa hơi ra thì thành lửa dữ phừng phực bay ra tự đốt cháy thân thể của mình.

 

5. THÂN CĂN:

Do Thân Thể (Thân Căn) tiếp xúc, Thân Thức tạo ác gây nghiệp dữ.

      Khi Thân Thể tiếp xúc sinh ra ác, ví như tiếp xúc khoái cảm sinh tâm chiếm đoạt rồi làm ác, lúc sắp chết thần thức thấy núi lớn bốn mặt ép vào mà không có lối thoát. Lại thấy ở trong thành sắt lớn có đầy chó rắn, cọp beo, lang sói, sư tử lửa, hung dữ đang xông tới vồ chộp cắn xé; lại thấy quỷ ngục đầu trâu, mặt ngựa, tay cầm gươm giáo lùa đẩy thần thức (người chết) tống vào địa ngục; ở nơi địa ngục, thần thức chỉ còn thấy hai hiện tượng hợp và lià:

- Khi hợp (tiếp xúc) thì thấy núi ép toàn thân, khiến xương thịt nát tan, lại gặp Diêm La Vương dữ dằn xử án tra hỏi, khiếp sợ vô cùng. Khi hợp qua Mắt thành đốt cháy đỏ rực; qua Tai thành đánh đập đâm bắn; qua Mũi thành bắt trói tra khảo; qua Miệng thành trâu cày lưỡi, kìm kẹp, chém chặt; qua Đầu thành mưa sắt nóng đỏ bay rơi.

- Lúc lià (không tiếp xúc) thì thấy giáo kiếm đâm khắp, khiến thân thể ruột gan nát tan.

6. Ý CĂN:

Do Ý Nghĩ (Ý Căn), Ý Thức tạo ác tự gây nghiệp dữ.

      Khi Ý Nghĩ (Ý Căn) suy nghĩ đến Pháp Trần (là những hình dáng, âm vang lời nói, mùi vị, cảm giác, do Năm Căn tiếp xúc Năm Trần đã ghi lại trong tâm tư), sinh ra Ý Thức. Khi Ý Thức tạo tư tưởng ác, ví như nhớ đến cái yêu thích khởi tâm muốn có, rồi làm ác để chiếm đoạt. Lúc nửa sống nửa chết, người ấy thấy cuồng phong tàn bạo thổi cảnh vật tan tành, thần thức người chết bị thổi bay lên không, cuốn xoáy theo bão lốc, rồi rơi xuống sa vào địa ngục.

Bấy giờ thần thức chỉ còn cảm nhận hai hiện tượng mê sảng và tỉnh biết:

- Lúc mê sảng thì kinh hoàng sợ hãi, chạy cuồng loạn không ngừng nghỉ; - Khi tỉnh biết lại bị đốt cháy liên tục đau đớn cùng cực, sống khổ sở, chết không được.

     Như vậy, Tà Tưởng kết vào Ý Thức thành phương hướng nơi chỗ. Khi kết vào Mắt (thị giác) thành gương soi bằng chứng; kết vào Tai (thính giác) thành đại băng lạnh buốt mù mịt; kết vào Mũi (khứu giác) thành xe lửa, thuyền lửa, cháy đỏ rực; kết vào Miệng (vị giác) thành tiếng kêu khóc la hét; kết vào Thân thể (xúc giác) thành biến đổi thân thể to lớn nhỏ bé, muôn lần chết đi sống lại không ngừng.

      Đức Phật dạy rằng: Mười nguyên nhân gây nghiệp và sáu quả báo (Thập Tập Nhân, Thọ Lục Giao Báo) ở địa ngục là do mê vọng của chúng sinh tạo ra; do Sáu Căn, con người tạo ác nghiệp mà Thần Thức bị đọa. Nếu Sáu Căn cùng tạo ác nghiệp về một tội thì đọa vào địa ngục A Tỳ, trải qua vô số kiếp chịu khổ vô cùng; nếu Sáu Căn, mỗi căn tạo nghiệp riêng khác, thì người ấy vào khu 8 ngục A-Tỳ. Nếu cả Thân Miệng Ý, tạo nghiệp giết hại (sát), trộm cướp (đạo), tà dâm (dâm), thì người ấy đọa vào khu 18 địa ngục; nếu chỉ tạo nghiệp sát hại, hay nghiệp trộm cướp, hay tà dâm thì người ấy đọa vào khu 36 địa ngục. Nếu chỉ có một căn riêng tạo một nghiệp, thì người ấy vào khu 108 địa ngục nhẹ hơn; mỗi chúng sinh dù tạo biệt nghiệp, nhưng cùng vào chỗ chung phận trong thế giới, đều do vọng tưởng sinh ra chẳng phải vốn như vậy.

     Tóm lại, 10 nhân ác và 6 thức là những nguyên nhân gây ra vô vàn tội ác, nó thành thói quen trong cuộc sống không có ý thức phản tỉnh hay trau dồi đạo đức. Nhân xấu ác thì không thể có quả an vui, những ác nhân ấy không phải tự nhiên, mà do thân miệng và ý của con người tạo ra.

      Những ác quả khổ đau cùng cực trong các địa ngục dù khác nhau, nhưng tất cả đều chỉ là những hình ảnh phản chiếu trung thực của ba nghiệp Căn, Trần, Thức. Đó là "tòa án lương tâm" hành xử chức năng “chí công vô tư", tuyệt đối, vốn có của chính con người.

 

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]