Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bồ Tát Đại Trí Văn Thù nói về Cảnh Giới Bất Tư Nghì của Phật

18/12/201211:01(Xem: 10498)
Bồ Tát Đại Trí Văn Thù nói về Cảnh Giới Bất Tư Nghì của Phật

BoTatVanThu
VĂN THÙ SƯ LỢI
NÓI VỀ CẢNH GIỚI BẤT TƯ NGHỊ CỦA PHẬT

Hán dịch:  Đường Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chí

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Chứng nghĩa: Tỳ kheo Thích Đổng Minh.

---o0o---

 

QUYỂN THƯỢNG

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ kheo là một ngàn vị và Bồ tát là mười ngàn vị, lại có chư Thiên tử của Dục giới, chư Thiên tử của Sắc giới và Thiên tử của trời Tịnh Cư, cùng với quyến thuộc của họ nhiều vô lượng trăm ngàn đang bao quanh để cúng dường cung kính, nghe Phật nói pháp.

Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Này đồng tử! Ngươi có biện tài, khéo có thể khai diễn. Nay ngươi nên vì đại chúng Bồ tát tuyên dương diệu pháp.

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật:

-Thưa Thế Tôn! Nay Phật bảo con nói những pháp gì?

Đức Phật nói:

- Này đồng tử! Nay ngươi nên nói rõ về cảnh giới của chư Phật.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Cảnh giới của Phật chẳng phải cảnh giới của mắt, chẳng phải cảnh giới của sắc, chẳng phải cảnh giới của lỗ tai, chẳng phải cảnh giới của tiếng, chẳng phải cảnh giới của lỗ mũi, chẳng phải cảnh giới của hương, chẳng phải cảnh giới của lưỡi, chẳng phải cảnh giới của thân, chẳng phải cảnh giới của xúc, chẳng phải cảnh giới của ý, chẳng phải cảnh giới của pháp. Không có các cảnh giới sai biệt như vậy, đó mới chính là cảnh giới của chư Phật.

Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn có ý muốn ngộ nhập vào cảnh giới của Phật thì không thể ngộ nhập được, nhưng phải nhờ phương tiện mới có thể ngộ nhập.

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai có bao nhiêu cảnh giới mà được thành Bồ đề?

Đức Phật dạy:

- Này đồng tử! Ta ở nơi cảnh giới Không mà được Bồ đề, vì các kiến bình đẳng vậy. Cảnh giới Vô tướng mà được Bồ đề, vì các tướng bình đẳng vậy. Cảnh giới Vô nguyện mà được Bồ đề, vì ba cõi bình đẳng vậy. Cảnh giới Vô tác mà được Bồ đề, vì các hành bình đẳng vậy.

Khi ấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại bạch Đức Phật :

- Bạch Thế Tôn! Vô vi là cảnh giới gì?

Đức Phật dạy:

- Này đồng tử! Vô vi là cảnh giới không nghĩ lường được.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Cảnh giới không nghĩ lường được là cảnh giới của Phật. Vì sao vậy? Vì trong cảnh giới không nghĩ không lường thì không có văn tự. Vì không có văn tự nên không có biện thuyết. Vì không có biện thuyết nên dứt bặt các ngôn luận. Vì dứt bặt ngôn luận nên đó là cảnh giới Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Này đồng tử! Phải cầu cảnh giới chư Phật ở đâu?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Cảnh giới của chư Phật phải cầu ở trong phiền não của tất cả các chúng sanh. Vì sao vậy? Nếu chơn chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh, đó chính là cảnh giới của Phật vậy. Sự chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh này là cảnh giới của Phật, đó chẳng phải là chỗ sở hành của tất cả Thanh văn, Bích Chi Phật vậy.

 Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với Bồ tát

 Văn Thù Sư Lợi:

- Này đồng tử! Nếu cảnh giới của Phật phải cầu ngay trong phiền não của tất cả chúng sanh, vậy cảnh giới của chư Phật có đến có đi chăng?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Chẳng phải vậy, thưa Thế Tôn. Cảnh giới của chư Phật không đến không đi.

Đức Phật nói:

- Này đồng tử! Nếu cảnh giới của chư Phật không đến không đi, vậy tại sao nói:  “Nếu chơn chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh thì đó chính là cảnh giới của Phật”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn, giống như cảnh giới của chư Phật không có đến không có đi, tự tánh của các phiền não lại cũng lại như vậy, không có đến không có đi.

Đức Phật bảo:

- Nầy đồng tử! Sao gọi là tự tánh của các phiền não?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn, tự tánh cảnh giới của Phật chính là tự tánh của các phiền não. Bạch Thế Tôn! Nếu tự tánh cảnh giới của Phật khác với tự tánh của các phiền não thì Đức Như Lai chẳng phải bình đẳng chánh giác. Vì không khác cho nên đối với tất cả pháp bình đẳng chánh giác mới gọi là Như Lai.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Này đồng tử ! ngươi có thể hiểu rõ pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai chăng?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu rõ.

Đức Phật nói:

- Này đồng tử! Sao gọi là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Sao gọi chỗ khởi lên tham sân si của tất cả phàm phu chính là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn, tất cả phàm phu đối với trong pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, khởi lên tham sân si, cho nen chỗ khởi lên tham sân si của tất cả phàm phu chính là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai.

Đức Phật bảo:

- Này đồng tử! Với cái không, há lại có pháp mà nói ở trong đó có tham sân si sao?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn, không là có nên tham sân si cũng là có.

Đức Phật nói:

- Này đồng tử! Tại sao không là có? Lại vì sao tham sân si là có?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không, vì dùng lời nói (diễn đạt) cho nên có; tham sân si cũng vì dùng lời nói diễn đạt cho nên có. Như Đức Phật nói với Tỳ kheo: “ Hữu không sanh, không khởi, vô tác, vô vi, chẳng phải các pháp hành ấy, chẳng phải chẳng có. Nếu là không có thì nó phải đối với pháp sanh khởi, tác vi các hành, thì lẽ đáng phải không xuất ly. Vì có cho nên nói là không xuất ly vậy”. Điều này cũng vậy, nếu không có không, thì đối với tham sân si không có sự xuất ly được. Vì có không cho nên nói lìa tham ... các phiền não.

Đức Phật nói:

- Này đồng tử! Như vậy, như vậy! Như điều ngươi nói, tham sân si ... tất cả phiền não, chẳng có cái nào mà chẳng ở trong cái không.

 Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu người tu hành xa lìa tham sân si ... mà cầu nơi không, nên biết người đó chưa khéo tu hành, không thể gọi là người tu hành được. Vì sao vậy? Vì tham sân si ... tất cả phiền não tức là không vậy.

Bấy giờ đức Thế tôn lại bão Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Nầy đồng tử! Ngươi đã đối với tham sân là đã xa lìa hay chưa xa lìa?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Tánh của tham sân si tức là bình đẳng. Con thường trụ nơi bình đẳng như vậy, cho nên con đối với tham sân si chẳng phải đã xa lìa, cũng chẳng phải chưa xa lìa. Bạch Thế Tôn! Nếu có Sa môn, Bà la môn nào tự thấy mình xa lìa tham sân si, đó tức là nhị kiến. Sao gọi là nhị kiến? Đó là đoạn kiến và thường kiến. Vì sao vậy? Nếu thấy tự thân mình xa lìa tham sân si tức là đoạn kiến. Nếu thấy người khác có tham sân si tức là thường kiến. Bạch Thế tôn, người như vậy không phải là chánh trụ. Nếu là người chánh trụ, không nên đối với mình thấy hơn, còn người khác là thua.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Nầy đồng tử! Nếu đúng như vậy, thì trụ ở nơi nào mới gọi là chánh trụ ?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Hễ là chánh trụ thì không có trụ tại nơi nào cả. Trụ nơi vô trụ, đó mới gọi là chánh trụ.

Đức Phật bảo:

- Nầy đồng tử! Há không phải lấy sự trụ nơi chánh đạo là chánh trụ sao? 

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu trụ nơi chánh đạo thì đó là trụ nơi hữu vi. Nếu trụ nơi hữu vi thì không trụ nơi pháp tánh bình đẳng. Vì sao ? Vì pháp hữu vi có sanh diệt vậy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Nầy đồng tử! Vô vi là pháp số chăng?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vô vi không phải là pháp số. Bạch Thế Tôn, nếu vô vi là pháp rơi vào các con số, vậy thời hữu vi chẳng phải là vô vi.

Đức Phật nói:

- Nầy đồng tử! Tất cả thánh nhân được pháp vô vi, vậy không có số chăng?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải các thánh nhân chứng pháp số mà đã được xuất ly các pháp số.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Nầy đồng tử! Ngươi thành tựu thánh pháp, hay thành tựu chẳng phải thánh pháp?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không thành tựu thánh pháp, cũng không thành tựu chẳng phải thánh pháp. Bạch Thế Tôn như có người hóa nhân, vậy người ấy có thành tựu thánh pháp hay thành tựu chẳng phải thánh pháp ?

Đức Phật bảo:

- Này đồng tử! Hóa nhân không thể nói là thành tựu thánh pháp, cũng không thể nói là thành tựu chẳng phải thánh pháp.

 Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đức Phật há không nói rằng: “Tất cả các pháp đều như huyễn hóa” sao?

Đức Phật nói:

- Đúng vậy.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Con cũng như vậy, sao có thể nói là thành tựu thánh pháp hay thành tựu chẳng phải thánh pháp ?

Bấy giờ đức Thế Tôn lại nói với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Này đồng tử! Nếu đúng như vậy thì ngươi được cái gì?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con đắc được cảnh giới vô tự tánh bình đẳng của Như Lai.

Đức Phật nói:

- Này đồng tử! Ngươi được cảnh giới của Phật sao?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:

- Nếu Đức Thế Tôn đối với cảnh giới của Phật mà có sở đắc thì con cũng đắc cảnh giới của Phật.

Bấy giờ trưởng lão Tu Bồ Đề hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Này Đại sĩ, Đức Như Lai không đắc cảnh giới Phật sao?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Này Đại đức! Ngài có được cảnh giới của Thanh văn chăng?

Tu Bồ Đề đáp:

- Này Đại sĩ! Thánh tâm giải thoát không có cảnh giới, cho nên nay tôi không có cảnh giới có thể được.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói:

- Này Đại đức! Đức Phật cũng như vậy. Tâm Ngài giải thoát không có cảnh giới, sao có thể gọi là Phật có sở đắc?

Tu Bồ Đề nói:

- Này Đại sĩ! Nay Ngài thuyết pháp có thể không đưa đến sự che chở tâm kẻ sơ học chăng?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:  

- Này Đại đức! Nay tôi hỏi Ngài, tùy ý trả lời. Như có vị lương y muốn điều trị bệnh nhân, vì muốn che chở tâm của bệnh nhân nên không cho những vị thuốc có vị cay, chua, mặn, đắng thích ứng với con bệnh. Vậy có thể làm cho người bệnh được lành bệnh, được an lạc chăng?

Thưa rằng:

- Không thể được.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói:

- Này Đại đức! Điều này cũng như vậy. Nếu vị Thầy thuyết pháp vì muốn che chở tâm kẻ học nên giấu kín pháp thậm thâm không nói ra, mà tùy theo ý muốn kẻ ấy, chỉ diễn nói ý nghĩa thô thiển để làm cho kẻ học giả ra khỏi khổ sanh tử, đến cái vui Niết bàn, điều đó không bao giờ có.

Khi Bồ Tát thuyết pháp ấy có năm trăm Tỳ kheo Tăng ở trong chúng, vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, tâm được giải thoát, tám trăm các Thiên tử xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Lại có bảy trăm các Thiên tử nghe sự biện tài của Ngài, sanh lòng tin thích sâu xa. Họ đều phát tâm A Nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

Bấy giờ Tu Bồ Đề lại hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Thưa Đại sĩ! Vả lại Ngài cũng đối với Thanh văn thừa mà sanh lòng tin hiểu. Lại dùng pháp của thừa này mà cứu độ chúng sanh chăng?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói:

- Này Đại đức! Tôi đối với tất cả thừa đều sanh tâm tin hiểu. Đại Đức! Tôi tin hiểu Thanh văn thừa, cũng tin hiểu Bích Chi Phật thừa, cũng tin hiểu Tam miệu Tam Phật đà thừa.

Tu Bồ Đề thưa:

- Này Đại sĩ ! Vậy Ngài là Thanh Văn, là Bích Chi Phật, hay Tam miệu Tam Phật đà?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói:

- Này đại Đức! Tôi tuy là Thanh Văn, nhưng không theo người khác để nghe. Tuy là Bích Chi Phật nhưng không bỏ tâm Đại bi và Vô sở ý. Tuy đã thành Chánh đẳng giác nhưng đối với tất cả việc cần làm, chưa bao giờ dừng nghỉ.

Tu Bồ Đề lại hỏi:

- Này Đại sĩ ! Vì sao Ngài là Thanh Văn?

Đáp rằng:

- Tôi thường vì hết thảy chúng sanh thuyết những pháp họ chưa nghe, cho nên tôi là Thanh Văn.

Lại hỏi:

- Vì sao Ngài là Phật Bích Chi?

Đáp rằng:

- Tôi có thể hiểu rõ tất cả các pháp đều từ duyên khởi, cho nên tôi là Phật Bích Chi.

Lại hỏi:

- Vì sao Ngài là Tam miệu Tam Phật Đà?

Đáp rằng:

- Tôi thường giác ngộ tất cả các pháp thể tướng bình đẳng, cho nên tôi là Tam miệu Tam Phật đà.     

Bấy giờ Tu Bồ Đề lại hỏi:

- Này Đại sĩ! Ngài quyết định trụ nơi địa nào? Là Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa, hay Phật địa?        

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp :  

- Này Đại đức! Ngài nên biết tôi quyết định trụ tất cả địa.

Tu Bồ Đề hỏi:

- Này Đại sĩ! Ngài cũng có thể quyết định trụ cả Phàm phu địa sao?

Đáp rằng:

- Đúng vậy. Vì sao? Vì tất cả các pháp và chúng sanh, tánh nó là quyết định chánh vị. Tôi thường trụ ở chánh vị này. Cho nên tôi nói quyết định trụ ở Phàm phu địa.

Tu Bồ Đề lại hỏi:

- Nếu tất cả pháp và chúng sanh chính là quyết định chánh vị, vậy sao lại kiến lập sự sai khác các địa? Nói đây là Phàm phu địa, đây là Thanh Văn địa, đây là Bích Chi Phật địa, đây là Phật địa?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Này Đại đức! Thí như thế gian vì có ngôn thuyết nên ở trong hư không kiến lập mười phương. Cái gọi là: Đây là phương Đông, đây là phương Nam, cho đến đây là phương trên, đây là phương dưới. Tuy hư không không có sai biệt, mà các phương có như vậy. Các thứ sai biệt như vậy, ở đây cũng thế. Đức Phật Như Lai đối với tất cả các pháp quyết định ở trong chánh vị. Vì phương tiện khéo léo mới lập ra các địa. Cái gọi là: Đây là Phàm phu địa, đây là Thanh Văn địa, đây là Bích Chi Phật địa, đây là Phật địa, tuy chánh vị không có sai biệt, nhưng các địa có sai biệt.

Bấy giờ Tu Bồ Đề lại bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Thưa Đại sĩ! Ngài đã nhập chánh vị rồi chứ? 

            Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:  

- Đại đức! Tôi tuy đã nhập nhưng cũng lại chẳng nhập.

Tu Bồ Đề hỏi:

- Này Đại sĩ! Sao là đã nhập mà chẳng nhập?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:  

- Đại đức nên biết, đây là trí huệ thiện xảo của Bồ tát. Nay tôi sẽ nói cho Ngài một ví dụ. Những người có trí tuệ, nhờ ví dụ mà được hiểu rõ. Này Đại đức! Như có người bắn cung, kỹ nghệ siêu tuyệt. Anh ta chỉ có một người con trai mà anh rất yêu mến. Đồng thời anh có một người hết sức oán thù, đến nỗi tai anh không muốn nghe tên người ấy, mắt anh không muốn thấy người ấy. Có lúc người con anh ra khỏi nhà rong chơi, đang đứng một bên đường ở một chỗ xa, người cha từ xa trông thấy, cho rằng đó là kẻ thù, mới lấy cung, bỏ tên vào nhắm bắn. Khi mũi tên phóng đi, anh mới hay đó là con mình. Anh liền khóc lóc, chạy thật nhanh để bắt mũi tên lại. Mũi tên chưa đến nơi, anh chụp lại được. Nói người bắn tên là dụ cho Bồ tát vậy. Người con là dụ cho chúng sanh. Oan gia là dụ cho phiền não. Nói mũi tên là dụ cho trí huệ của Thánh. Đại đức nên biết, Bồ tát ma ha tát dùng Bát nhã ba la mật quán tất cả pháp là vô sanh, chánh vị, đại bi, thiện xảo, nên không tác chứng đối với thật tế, nên trụ địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, thệ nguyện dẫn dắt, hóa độ tất cả chúng sanh đi đến Phật địa.

Bấy giờ Tu Bồ Đề lại hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Đại sĩ! Những Bồ tát nào có thể hành được hạnh này?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Đại đức, nếu Bồ tát thị hiện việc làm ở thế gian, nhưng không bị pháp thế gian làm ô nhiễm; hiện đồng như thế gian nhưng không khởi kiến đối với các pháp. Tuy là đọan trừ các phiền não của hết thảy chúng sanh nhưng siêng năng tinh tấn mà nhập vào pháp giới, không thấy tận tướng. Tuy không trụ vào hữu vi, cũng không được vô vi; tuy ở trong sanh tử nhưng cũng như dạo chơi nơi viên quán; dù bổn nguyện chưa mãn nhưng cũng không cầu mau chứng Vô thượng Niết-bàn. Tuy biết sâu về vô ngã nhưng luôn hóa độ chúng sanh. Tuy quán tự tánh các pháp giống như hư không, nhưng siêng tu công đức, thanh tịnh quốc độ của Đức Phật. Tuy nhập vào pháp giới, thấy pháp bình đẳng, nhưng vì trang nghiêm thân, khẩu, ý của Phật nên không bỏ tinh tấn. Nếu Các Bồ tát đầy đủ hạnh như vậy mới có thể hành được.

Bấy giờ Tu Bồ Đề lại bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Đại sĩ! Nay Ngài nói sở hànhcủa Bồ tát này chẳng phải là pháp các thế gian có thể tín thọ được.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Đại đức, nay tôi vì muốn khiến cho các chúng sanh vĩnh viễn ra khỏi thế gian nên nói về hạnh các Bồ tát biết rõ thế pháp để xuất ly.

Tu Bồ Đề thưa:

- Đại sĩ, thế nào là pháp thế gian? Thế nào là xuất ly?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Đại đức, pháp thế gian là năm uẩn. Sao gọi là năm? Đó là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Các uẩn như vầy: Sắc như đám bụi, thọ như bọt nước, tưởng như bóng nắng, hành như thân cây chuối, thức như huyễn hóa. Cho nên ở trong đó không có thế gian, cũng không có các uẩn, cho đến ngôn thuyết danh tự như vậy. Nếu hiểu được như vậy, tâm mới không tán loạn. Nếu tâm không tán loạn, liền không nhiễm pháp thế gian. Nếu không nhiễm pháp thế gian tức là xuất ly pháp thế gian.

Lại nữa, này Đại đức! Các pháp ngũ uẩn, tánh của nó vốn không. Vì tánh không nên không có hai. Vì không có hai nên không có ngã và ngã sở. Vì không có ngã và ngã sở nên không có gì để nắm giữ, đắm trước tức là xuất ly pháp thế gian.

Lại nữa, này Đại đức! Pháp ngũ uẩn do nhân duyên mà có nên không có năng lực. Vì không có năng lực nên không có chủ thể. Vì không có chủ thể nên không có ngã và ngã sở. Vì không có ngã và ngã sở nên không có thọ thủ. Vì không có thọ thủ nên không có chấp trước và cạnh tranh. Vì không chấp trước, cạnh tranh nên không có tranh luận. Vì không có tranh luận nên đó là pháp của Sa môn. Vì pháp của Sa môn là biết tất cả pháp như tiếng vang trong không trung. Nếu có ai hiểu rõ tất cả các pháp như tiếng vang trong không trung, tức là xuất ly khỏi pháp thế gian.

Lại nữa, Đại đức! Pháp của ngũ uẩn này đồng với pháp giới. Pháp giới chẳng phải giới. Trong cái chẳng phải giới thì không có nhãn giới, không có sắc giới, không có nhãn thức giới. Không có nhĩ giới, không có thinh giới, không có nhĩ thức giới. Không có tỉ giới, không có hương giới, không có tỉ thức giới. Không có thiệt giới, không có vị giới, không có thiệt thức giới. Không có thân giới, không có xúc giới, không có thân thức giới. Không có ý giới, không có pháp giới, không có ý thức giới. Trong đó cũng không có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, hư không giới, và thức giới. Cũng không có dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Cũng không có hữu vi giới, vô vi giới, ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả ...

Như vậy, tất cả đều vô sở hữu, quyết định bất khả đắc. Nếu ai nhập vào được nghĩa sâu bình đẳng này, cùng tương ứng với vô sở nhập, tức là xuất ly ra khỏi pháp thế gian.

Khi Bồ tát nói pháp này, hai trăm Tỳ kheo ở trong hội vĩnh viễn chấm dứt các lậu, tâm được giải thoát. Tất cả đều cởi áo đang mặc trên thân, dâng lên Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, thưa rằng:

- Nếu có chúng sanh được nghe diệu pháp sâu xa này nên sanh tâm tín thọ. Nếu họ không sanh lòng tin mà cầu chứng ngộ thì không bao giờ có được.

Bấy giờ trưởng lão Tu Bồ Đề nói với các Tỳ kheo:

- Các vị đã đắc gì, đã chứng gì?

Các Tỳ kheo thưa:

- Đại đức! Không đắc không chứng là pháp của Sa môn. Vì sao vậy? Nếu có sở đắc, tâm liền loạn động, nếu có sở chứng tự mình kiêu căng, tự phụ. Nếu có loạn động, kiêu căng, tự phụ liền đọa vào ma nghiệp. Nếu có người tự nói: “ Tôi đắc”, ““Tôi chứng”, nên biết người ấy là tăng thượng mạn.

Đức Phật dạy:

- Này các Tỳ kheo! Các ngươi có biết ý nghĩa của tăng thượng mạn chăng?

Các Tỳ kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn! Theo ý chúng con, nếu có người nói: “ Tôi có thể biết khổ “, thì kẻ ấy không biết tướng khổ mà tự nói “Tôi biết” “Tôi có thể đoạn tập, chứng diệt, tu đạo”, kẻ ấy không biết tướng tập, diệt, đạo. Cho đến nói rằng: “Tôi có thể tu đạo”, nên biết người đó là tăng thượng mạn vậy. Vì sao? Nếu là tướng của khổ thì tức là tướng của vô sanh. Tướng của tập, diệt, đạo chính là tướng của vô sanh. Tướng của vô sanh tức là phi tướng, bình đẳng tướng. Đó là các thánh nhân đối với tất cả pháp được tướng giải thoát, trong đó không có sự biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo. Có thể chứng đắc những tướng như vậy. Nếu có chúng sanh nghe ý nghĩa tất cả các pháp đều bình đẳng mà sanh lòng sợ hãi, nên biết kẻ ấy là tăng thượng mạn.

Khi ấy Đức Thế Tôn liền bảo:

- Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ kheo! Như lời các ngươi nói, đúng vậy, đúng vậy! Này Tu Bồ Đề, các ngươi nên biết, các Tỳ kheo này ở trong thời quá khứ của Phật Ca Diếp, theo đồng tử Văn Thù Sư Lợi được nghe pháp thậm thâm như vậy. Nhờ nghe pháp nên mau được thần thông. Nay lại được nghe pháp, tùy thuận, không chống trái. Này Tu Bồ Đề! Nếu lại có người đối với trong pháp của ta được theo nghĩa này, sanh tâm tin hiểu, kẻ ấy đời sau sẽ thấy được Phật Di-Lặc. Nếu ai chưa phát tâm Đại thừa, đối với trong ba cõi đều được giải thoát. Nếu đã phát tâm Đại thừa, thì sẽ được đứng trên địa vị kham nhẫn.

Bấy giờ Thiên tử Thiện Thắng bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Đại sĩ! Ngài thường đối với trong cõi Diêm Phù để thuyết pháp cho chúng sanh. Nay ở cõi Trời Đâu Suất có các Thiên tử, thời quá khứ đã gặp vô lượng Đức Phật, cúng dường, cung kính, trồng các căn lành, nhưng vì thọ sanh ở cõi trời, tham đắm cảnh giới, không thể đến pháp hội này để nghe được pháp. Xưa họ đã trồng căn lành, nay lại thối thất. Nếu được mong nhờ sự dạy bảo dẫn dụ của Ngài, chắc họ lại được tăng trưởng. Cúi mong Đại sĩ đến Thiên cung giây lát, vì các Thiên tử ấy rộng tuyên pháp yếu.

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi dùng sức mạnh thần thông, liền ngay chỗ đứng bỗng nhiên hóa thành Thiên cung Đâu Suất, đầy đủ các thứ, chẳng thiếu vật gì khiến cho đồng tử Thiện Thắng và tất cả các Thiên nhân trong hội này đều cho là đang ở trên Trời Đâu Suất. Họ thấy cõi Trời ấy đầy đủ các thứ trang nghiêm, vườn, rừng, ao cá, cây cối từng hàng, cung điện, lầu gác, đòn dông, mái hiên giao nhau, cây trụ chạm trổ nối liền sàn nhà, các cửa sổ điêu khắc ở giữa nhà, khoét đấu kê cột đôi, nhiều lớp trụ ngắn trên xà nhà, phân bố nhiều đá nhỏ, cây báu làm đài, trang nghiêm đẹp đẽ. Đài ấy rất nhỏ, chỉ có bảy tầng, hoặc tám tầng, chín tầng, cho đến cao hai mươi tầng. Cứ trên mỗi đài, nơi nơi đều có cấp bậc, tất cả đều có các Thiên nữ, tuổi đang sung thịnh, sắc đẹp, tay chân mềm mại, trán rộng, mi dài, mặt mắt thanh tịnh, như cái lưới vàng, thường có ánh sáng, cũng như hoa sen lìa các bụi dơ, phát ngôn hàm tiếu, đi đứng uyển chuyển, cử động hợp với oai nghi, quan hệ có phép tắc thí như trăng rằm, ai cũng thích nhìn. Họ sử dụng đàn không hầu, cầm sắc, ống tiêu, ống sáo, chuông trống, hoặc ca hát, âm tiết hòa nhịp. Các kỹ nữ đẹp đứng thành từng hàng, chia nhau đứng trên sân cùng múa. Những việc như vậy bỗng nhiên đầy đủ.

Bấy giờ đồng tử Thiện Thắng thấy cung điện mình và các quyến thuộc vui chơi như vậy, trong lòng sanh ra nghi hoặc, bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Lạ thay, Đại sĩ! Làm sao mà Ngài có thể khiến cho con và đaị chúng trong nháy mắt mà được đến đây?

khi ấy Trưởng lão Tu Bồ Đề nói với đồng tử Thiện Thắng:

- Thiên tử! Ban đầu tôi cũng cho rằng chư đại chúng đều đến cõi Trời cung Đâu Suất Đà, nhưng nay mới biết xưa nay bất động, chưa từng có việc cùng đến cõi Trời ấy. Những điều đã thấy như vậy đều do thần thông Tam muội của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hiện ra.

Bấy giờ đồng tử Thiện Thắng bạch Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hết sức hy hữu mới có thể dùng sức thần thông Tam muội bất tư nghị khiến cho chúng hội này không rời khỏi bổn xứ mà cho rằng đã đến cõi Trời Đâu Suất Đà ấy.

Đức Phật bảo:

- Này Thiên tử! Ngươi chỉ biết được chút ít sức thần thông biến hóa của đồng tử Bồ tát Văn Thù Sư Lợi mà thôi, nhưng ta thì biết thần thông của vị ấy nhiều vô lượng.

Này Thiên tử! Dùng sức thần thông của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, giả sử các quốc độ của Phật nhiều như cát sông Hằng thảy đều trang nghiêm tốt đẹp, mỗi mỗi không đồng, có thể đối với trong một cõi Phật thảy đều làm cho rõ. Lại dùng các quốc độ của Phật như hằng hà sa tập hợp lại một chỗ giống như một bó mạ, chẳng có khó gì. Lại dùng các quốc độ của Phật nhiều như hằng hà sa số các biển lớn trong các quốc độ ấy đem đặt trên một sợi lông, nhưng khiến cho chúng sanh trong đó không hay không biết, không bị xúc chạm. ... có các Tu Di Sơn Vương, đem các hòn núi ấy nhét vào một hòn núi. Lại lấy hòn núi ấy lại nhét vào trong một hạt cải, mà khiến cho tất cả chư Thiên đứng trên hòn núi ấy mà không biết không hay, cũng không bị trở ngại.

Lại dùng các quốc độ của Phật như cát sông Hằng, trong đó có năm đường chúng sanh đặt trong bàn tay mặt, lại lấy tất cả nhạc cụ trong các quốc độ này, mỗi mỗi chúng sanh đều đem cho hết, bình đẳng không sai biệt. Lại đem các quốc độ của Phật như cát sông Hằng ... , lúc kiếp tận, bị thiêu rụi, tất cả những ngọn lửa lớn ấy chỉ như một ngọn đèn, những ngọn lửa vẫn không sai khác.

Lại như các quốc độ Phật như hằng hà sa ... ,tất cả các mặt trăng, mặt trời ở trong đó, hoặc lấy một sợi lông thu ánh sáng mặt trời mặt trăng ấy, làm cho ánh sáng chúng bị che khuất không hiện.

Này Thiên tử! Ta ở trong một kiếp, hoặc hơn một kiếp nói về sức Tam muội thần thông biến hóa của đồng tử Văn Thù Sư Lợi không thể nào hết.

Bấy giờ Ma Ba Tuần tự biến thân thành hình của một Tỳ kheo, ở trong hội, ngồi qua một bên, bạch Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nay con nghe nói năng lực thần thông của đồng tử Văn Thù Sư Lợi, không sao tín thọ được. Cúi mong Đức Thế Tôn khiến ở trước con bảo vị ấy hiện thần lực để cho con được thấy.

Khi ấy Đức Thế Tôn biết đây là ác ma biến làm Tỳ kheo, muốn khiến cho chúng tăng trưởng thiện căn, cho nên Ngài bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Ngươi nên tự hiện sức thần htông, khiến cho vô lượng chúng sanh trong hội đều được thiện lợi.

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI NÓI VỀ CẢNH GIỚI BẤT TƯ NGHỊ CỦA PHẬT   Hết quyển thượng

 

 

 

 

 

QUYỂN HẠ

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vâng lời Phật dạy xong, liền nhập thần thông Tam muội, tâm tự tại đối với tất cả pháp. Nhập vào Tam muội này xong, khởi sức thần thông, hiện các việc thần biến như đã nói ở trên, hiển nhiên rực sáng, thảy đều hiện tiền, như lời Phật dạy không thêm không bớt, làm cho những người dự trong hội ấy không ai mà không thấy được.

Bấy giờ đại chúng thấy thần lực này đều khen là chưa từng có, đồng thanh xướng lên:

- Lành thay Lành thay! Chư Phật Như Lai vì chúng sanh nên xuất hiện ở thế gian. Lại có vị Đại sĩ thiện xảo như vậy đồng xuất hiện thế gian mới có thể hiện ra sức thần thông bất khả tư nghị này!

Bấy giờ ác ma thấy các thứ thần biến này xong, vui mừng, nhảy nhót, lạy dưới chân Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, chấp tay cung kính hướng về Đức Như Lai thưa rằng:

- Đồng tử Văn Thù Sư Lợi rất là hy hữu mới có thể hiện thần thông biến hóa bất khả tư nghị này. Các người nghe thấy ai mà không kinh ngạc hồ nghi. Nếu có chúng sanh nghe được việc này có thể sanh tâm tín thọ, dù cho ác ma nhiều như các sông Hằng, muốn làm não hại kẻ ấy thì không bao giờ hại được.

Bạch Thế tôn, con là ác ma thường ở chỗ Phật, rình rập chờ cơ hội, tâm thích não hại tất cả chúng sanh. Nếu có người siêng năng tu tập điều lành thì con dùng oai thần của con làm chướng ngại họ.

Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay con phát tâm tuyên thệ sâu xa rằng: Chỉ cần người nào đem pháp môn này hoằng dương ở đâu, ở trong đất nước, thành ấp, tụ lạc trong một trăm do tuần, thì có con ở trong đó ( để hộ vệ ), thí như người mù chẳng làm gì được, không thể đối với chúng sanh ấy sanh tâm não hại. Nếu con thấy có người thọ trì, đọc tụng tư duy, giải thích kinh này, liền sanh tâm tôn trọng, cung cấp cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Bạn đảng của chúng con thích gây lưu nạn cho Phật pháp. Nếu thấy có người tu hành thiện pháp, họ liền gây thêm sự áp bức, cản trở, khiến cho phải thối thất. Nay con vì đoạn trừ những ác sự như vậy nên nói Đà la ni ( thần chú ) này.

Liền nói chú rằng:

- Đát điệt tha A ma lê, Tỳ ma lê, Sĩ đá đáp tỳ, A yết bà nể thị đa thiết đốt lộ, thệ duệ, thệ da mạt để, thâu bà mạt để, Thiểm mê phiến để, A phổ mê, Phổ phổ mê, địa rị, A khế, mạc khế, khư khế, nhị lý la, A già mê, Phổ la, Phổ la phổ la, Thâu mê thâu thâu mê, địa rị, địa rị, A na bạt để, sĩ đá đáp tỳ, Ngật lý đa yết thê, Ngật lý đa tỳ đề, tỳ lô chiết đảm, Tát đạt ma Bà nổ câu, yết tả tô đát la ta 3 đà lộ ca, A bạt la mục đa y bà tô lý da.

Bạch Thế Tôn! Đà la ni này ủng hộ vị Pháp sư, hay khiến cho vị ấy dũng mãnh, tinh tấn, biện tài vô đoạn. Tất cả các ác ma không lợi dụng được. Lại khiến cho ma ấy sanh tâm hoan hỷ, lấy y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc thang, các nhu cầu cần thiết để cúng dường.

Bạch Thế Tôn, nếu có thiện nam, thiện nữ nhân thọ trì chú này, ngày đêm liên tục sẽ được tất cả Thiên, Long, Càn tháp bà, A tu la, Ca câu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhân và Phi nhân ... thường hộ vệ, tất cả kẻ oán thù thì không hại được.

Đức Phật nói với ma:

- Lành thay! Lành thay! Nay ngươi nói Đà la ni này, khiến cho vô lượng hằng hà sa thế giới sáu thứ chấn động. Ma vương nên biết, sự biện tài của ngươi là do thần lực của Văn Thù Sư Lợi đồng tử tạo ra.

Khi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi dùng thần lực khiến cho ma Ba Tuần lúc nói thần chú này làm cho ba vạn người trong chúng đều phát tâm A Nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi làm sự biến hóa ấy xong, thâu nhiếp thần lực, liền bảo đồng tử Thiện Thắng:

- Này Thiên tử! Nay ta muốn đến cõi Đâu Suất Đà, ngươi hãy về trước bảo Thiên chúng tụ tập.

Khi đồng tử Thiện Thắng nghe lời ấy xong, cùng với quyến thuộc đi nhiễu bên phải của Đức Phật và Bồ tát, đại chúng như Văn Thù Sư Lợi ... ở trong hội biến mất, trong khoảnh khắc đi đến Thiên cung. Đến Thiên cung xong, khắp bảo Thiên chúng:

- Các ngươi nên biết! Bồ tát ma ha tát Văn Thù Sư Lợi vì thương xót chúng ta nên muốn đến đây. Tất cả Thiên chúng hãy nên lìa bỏ các sự vui chơi phóng dật, cùng đến tụ tập ở đây để nghe pháp.

Khi đồng tử Thiện Thắng nói lời ấy xong, kiến lập đạo tràng ở trong Thiên cung rất rộng, thanh tịnh, trang nghiêm đẹp đẽ, làm bằng các ngọc báu như ý của trời, Đông, Tây rộng ba vạn hai ngàn do tuần. Tây- Bắc một vạn sáu ngàn do tuần. Lại ở trong đạo tràng ấy đặt vô lượng trăm ngàn tòa sư tử, tòa ấy cao rộng, các thứ trang nghiêm, dùng y báu cõi trời phủ lên trên.

Lúc đồng tử Thiện Thắng trang nghiêm đạo tràng và tòa sư tử xong, cong mình chấp tay từ xa hướng về Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa rằng:

- Con đến Thiên cung chuẩn bị mọi việc đã xong, mong Ngài giáng lâm, nay đã đúng lúc.

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và các Bồ tát một vạn hai ngàn người, Đại Thanh Văn một ngàn năm trăm người, ngoài ra có vô lượng trăm ngàn Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, ... từ tòa đứng dậy đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu bên hữu ba vòng, ở trước Đức Như Lai biến mất. Trong khoảnh khắc đến cõi trời Đâu Suất Đà, đi vào trong đạo tràng, ngồi trên các tòa đã soạn sẵn.

Khi ấy các vị Trời Tứ Thiên Vương, Tam Thập Tam, Dạ Ma, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại, và các chúng Phạm thiên trong cõi Sắc giới, cùng nhau thông báo rằng:

- Hiện nay Bồ tát Văn Thù Sư Lợi ở tại cõi Trời Đâu Suất Đà muốn thuyết đại pháp. Chúng ta nên cùng nhau đến chỗ ấy để nghe những pháp chưa được nghe, và để thấy những việc hy hữu.

Họ nói như vậy xong, các chúng Thiên tử nhiều vô lượng vô số ở trong dục giới, sắc giới, trong một khoảnh khắc đều từ chỗ ở của mình đến tập hội tại cung trời Đâu Suất. Nhờ sức oai thần của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi khiến cho đạo tràng dung chứa tất cả mà không trở ngại.

Bấy giờ Thiên tử Thiện Thắng bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Thưa Đại sĩ! Nay đại chúng này đều đã đến tập hội, mong Ngài sử dụng biện tài để khai sáng giáo pháp.

Lúc ấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi khắp bảo Thiên chúng:

- Các nhân giả! Nếu các Bồ tát trụ trong bốn chủng hạnh thì có thể thành tựu tất cả thiện pháp. Những gì là bốn? Một là trì giới. Hai là tu Thiền. Ba là thần thông. Bốn là điều phục. Nếu Bồ tát hay trì giới thì thành tựu đa văn. Nếu hay tu Thiền thì thành tựu Bát-nhã. Nếu được thần thông thì thành tựu thắng trí. Nếu biết điều phục thì có thể thành tựu tâm không phóng dật. Vì vậy ta nói: “ Các Bồ tát trụ nơi bốn hạnh thì có thể thành tựu tất cả thiện pháp”.

Này các nhân giả! Nên biết trì giới thì đầy đủ tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Thân hành đoan trực

2/ Các nghiệp thuần tịnh

3/ Tâm không ô uế

4/ Chí khí kiên trinh

5/ Tự nuôi sống bằng chánh mạng

6/ Đầu đà tri túc

7/ Xa lìa các tướng dối trá, hư ngụy không thật.

8/ Luôn luôn không bỏ mất tâm Bồ đề.

Đó gọi là trì giới có tám thứ thanh tịnh.

Lại nữa, này nhân giả! Nên biết, đa văn cũng dùng tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Kính thuận Sư trưởng

2/ Hàng phục kiêu mạn

3/ Siêng năng ghi nhớ thọ trì 

4/ Chánh niệm không nhầm lẫn

5/ Thuyết pháp và giải thích không mệt mỏi

6/ Không tự kiêu căng, khoe công

7/ Quán sát như lý

8/ Theo lời dạy mà tu hành

Đó là đa văn có tám thứ thanh tịnh

Lại nữa, này các nhân giả! Nên biết thiền định cũng nhờ tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Thường ở chỗ vắng vẻ, tịch tịnh tư duy

2/ Không cùng mọi người tụ hội, đàm thuyết

3/ Đối với cảnh giới bên ngoài không có tham trước.

4/ Cả thân lẫn tâm đều xả bỏ các sự vinh hoa tốt đẹp.

5/ Ăn uống thiểu dục 

6/ Không có tâm phan duyên.

7/ Không thích trau chuốt âm nhạc, văn tự.

8/ Khuyên bảo người khác làm cho đều được cái vui của bậc thánh.

Đó gọi là thiền định có tám thứ thanh tịnh.

Lại nữa, này các nhân giả! Nên biết Bát-nhã cũng nhờ tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Khéo biết các uẩn

2/ Khéo biết các giới   

3/ Khéo biết các xứ

4/ Khéo biết các căn

5/ Khéo biết ba giải thoát môn

6/ Vĩnh viễn chặt đứt tất cả căn bản phiền não

7/ Vĩnh viễn ra khỏi tất cả các hoặc ngăn che trói buộc.

8/ Vĩnh viễn xa lìa tất cả các sở hành của các kiến

Đó gọi là tám thứ thanh tịnh của Bát-nhã.

Lại nữa, này các nhân giả! Nên biết Thần thông cũng nhờ tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Thấy tất cả sắc không bị chướng ngại

2/ Nghe tất cả tiếng không bị giới hạn

3/ Biết khắp ý nghĩ trong tâm chúng sanh

4/ Nhớ nghĩ về đời trước không bị chướng ngại, không đắm trước.

5/ Thần túc du hành trong khắp các nước Phật.

6/ Sạch hết tất cả lậu mà không sai thời

7/ Rộng tập căn lành mà lìa các sự tán loạn, náo động.

8/ Như lúc phát lời thệ nguyện, luôn vì các thiện hữu mà rộng độ chúng sanh.

Đó gọi là tám thứ thanh tịnh của thần thông.

Lại nữa, này các nhân giả! Nên biết, với trí cũng có tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Trí về khổ khắp biết năm uẩn

2/ Trí về tập, vĩnh viễn đoạn trừ các ái

3/  Trí về diệt, quán các duyên khởi rốt ráo không sanh.

4/ Trí về đạo, có thể chứng công đức của hữu vi vô vị.

5/ Trí về nhân quả, biết nghiệp cùng với việc làm không chống trái.

6/ Trí quyết định rõ biết vô ngã, vô chúng sanh ...

7/ Trí tam thế, khéo hay phân biệt sự luân chuyển của ba đời.

8/ Trí nhất thiết trí, đó là Bát-nhã ba la mật, đối với tất cả xứ không chỗ nào mà không chứng nhập.

Đó gọi là tám thứ thanh tịnh của trí.

Lại nữa, này các nhân giả! Nên biết sự điều phục cũng nhờ tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Bên trong luôn luôn tịch tịnh

2/ Bên ngoài gìn giữ hành động

3/ Không bỏ ba cõi

4/ Tùy thuận duyên khởi

5/ Quán sát các pháp bản tánh của chúng không sanh.

6/ Quán sát các pháp không có tác giả

7/ Quán sát các pháp bổn lai vô ngã

8/ Rốt ráo không khởi tất cả phiền não.

Đó gọi tám thứ thanh tịnh nhờ điều phục.

Lại nữa, này nhân giả! Nên biết, không phóng dật cũng dùng tám pháp mà được thanh tịnh. Những gì là tám?

1/ Không ô uế giới hạnh

2/ Hằng tịnh đa văn

3/ Thành tựu các định

4/ Tu hành Bát-nhã

5/ Đầy đủ thần thông

6/ Không tự mình cống cao

7/ Tiêu diệt các điều tranh luận

8/ Không thối chuyển đối với các thiện pháp.

Đó gọi là tám thứ thanh tịnh của sự không phóng dật.

Này chư nhân giả! Nếu các Bồ tát an trụ không phóng dật thì không mất ba thứ vui. Những gì là ba? – Đó là vui các cõi Thiên, vui thiền định, vui Niết- bàn.

Lại được giải thoát ba ác đạo. Những gì là ba? Đó là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ.

Lại không gị ba thứ khổ bức bách. Những gì là ba? Đó là khổ về sanh, khổ về già, và khổ về chết.

Lại được xa lìa vĩnh viễn ba thứ sợ hãi. Những gì là ba? Đó là sợ không sống, sợ tiếng ác, sợ oai đức của đại chúng.

Lại được siêu xuất ba thứ hữu. Những gì là ba? Đó là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

Lại được tẩy trừ ba thứ cấu uế. Những gì là ba? Đó là cấu uế tham dục, sân nhuế và ngu si.

Lại được viên mãn ba thứ học. Những gì là ba? Đó là học về giới, học về tâm và học về huệ.

Lại được ba thứ thanh tịnh. Những gì là ba? Đó là thân thanh tịnh, ngữ thanh tịnh và ý thanh tịnh.

 Lại được đầy đủ ba thứ tạo thành phước. Những gì là ba? Đó là thí thành phước, giới thành phước, và tu thành phước.

Lại có thể tu ba giải thoát môn. Những gì là ba? Đó là không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, và vô nguyện giải thoát môn.

Lại khiến cho ba thứ chủng tánh vĩnh viễn không đoạn tuyệt. Những gì là ba? Đó là Phật chủng tánh, Pháp chủng tánh và Tăng chủng tánh.

Này chư nhân giả! Hạnh không phóng dật có năng lực như vậy, cho nên các ngươi nên cùng nhau tu hành.

Lại nữa chư nhân giả! Bồ tát thực hành sáu Ba la mật, mỗi mỗi có đủ ba sở tri chướng. Nếu trụ pháp bất phóng dật thì mau chóng có thể đoạn trừ. Những gì là ba? Đó là tự mình không bố thí, không muốn người khác thí, sân hận với người bố thí. Tự mình không trì giới, không muốn người khác trì giới, sân hận với người trì giới. Tự mình không nhẫn nhục, không muốn người khác nhẫn nhục, sân hận người hay nhẫn nhục. Tự mình không tinh tấn, không muốn người khác tinh tấn, sân hận với người hay tinh tấn. Tự mình không tu định, không muốn người khác tu định, sân hận với người hay tu định. Tự mình không có trí tuệ, không muốn người khác có trí tuệ, sân hận với người có trí tuệ. Như vậy, Bồ tát thực hành lục độ, mỗi mỗi có đủ ba chướng sai biệt, nhưng nhờ không phóng dật mà được đoạn trừ.

Lại nữa, này chư nhân giả! Bồ tát thực hành sáu Ba la mật đều dùng ba pháp mà được thành tựu viên mãn. Ba pháp này đều nhờ không phóng dật mà có. Những gì là ba? Đó là:
Bố thí có ba, nghĩa là: Hay xả tất cả, không cần quả báo và hồi hướng Bồ đề;
Trì giới có ba, nghĩa là: Hết lòng kính thọ, hộ trì không sót, và hồi hướng Bồ đề;
 Nhẫn nhục có ba, nghĩa là: Nhu hòa khoan dung, tự bảo vệ và bảo vệ kẻ khác, hồi hướng Bồ đề;
Tinh tấn có ba, nghĩa là: Không bỏ gánh nặng thiện, không có tưởng khứ lai, hồi hướng Bồ đề;
 Thiền định có ba, nghĩa là: Khắp nhập các định, không bị phan duyên, hồi hường Bồ đề;
 Bát nhã có ba, nghĩa là: Trí sáng chiếu khắp, diệt các hý luận, hồi hướng Bồ đề.
Như vậy gọi là Bồ tát tu Lục độ, mỗi mỗi độ đều có ba thứ, có thể thành pháp viên mãn, nhờ hạnh không phóng dật mà được sanh trưởng.

Lại nữa, các nhân giả! Tất cả Bồ tát nhờ không phóng dật nên mau thành tựu ba mươi bảy Bồ đề phần ... mà có thiện pháp, chứng được Vô thượng Bồ đề của chư Phật. Vì sao mau thành pháp Bồ đề phần? Đó là các Bồ tát nhờ không phóng dật, tu tứ niệm xứ, không trải qua sự cần khổ, mau thành viên mãn.

Tu thế nào? Đó là quán thân-xứ là vô sở hữu, quán thọ-xứ là vô sở hữu, quán tâm-xứ là vô sở hữu, quán pháp xứ là vô sở hữu. Đối với tất cả pháp đều vô sở đắc. Như vậy gọi là Tu Tứ Niệm Xứ.

Lại nữa, các Bồ tát nhờ không phóng dật nên tu bốn Chánh cần mau được viên mãn. Tu tập thế nào? Đó là các Bồ tát tuy luôn quán sát tất cả các pháp bổn lai là vô sanh, vô sắc, vô khởi, vô tác giả, giống như hư không, nên tất cả các pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến cho không sanh, nhiếp tâm chánh trụ, cần hành tinh tấn. Tuy tin hiểu tất cả pháp là không, vô sở hữu, nhưng vì các pháp thiện chưa sanh, muốn khiến cho sanh cho nên nhiếp tâm chánh trụ, cần hành tinh tấn, tuy biết các pháp bổn lai là tịch tịnh những đa sanh các pháp thiện, muốn khiến cho an trụ, không bị thối thất, càng thêm tăng trưởng, nên nhiếp tâm chánh trụ, cần hành tinh tấn.

Đó là các Bồ tát tuy luôn quán sát tất cả pháp là không có sở tác, không có năng tác, thể tướng bình đẳng, trong đó không có một chút pháp nào có thể được hoặc sanh hoặc diệt, nhưng thường tinh tấn tu tập không xả, đó gọi là tu tập chánh cần.

Lại nữa, các Bồ tát nhờ không phóng dật nên tu tứ Thần túc mau được viên mãn. Tu tập thế nào? Đó là tất cả các Bồ tát tuy đã vĩnh viễn đoạn trừ dục tham mà vẫn luôn không từ bỏ thiện pháp, muốn thân hay tâm thường tu thiện hạnh. Tuy quán các pháp là không, vô sở đắc mà vì hóa độ chúng sanh nên thường hành tinh tấn. Tuy rõ biết tâm lực như huyễn như hóa mà vẫn luôn không xả, đủ các Phật pháp, thành tâm chánh giác. Tuy biết các pháp không y cứ, không tạo tác, không thể thủ trước, mà hằng tùy theo các điều nghe được, như lý tư duy. Như vậy gọi là tu tập Thần túc.

Lại nữa, các Bồ tát nhờ không phóng dật nên tu Ngũ căn mau thành viên mãn. Tu tập thế nào? Đó là các Bồ tát tuy nương vào tự lực mà giác ngộ, không nghe theo người khác, để giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ rõ biết, phát sanh niềm tin sâu xa. Tuy không có ý tưởng đến, cũng không có ý tưởng đi, nhưng siêng tu tất cả các nhất thiết trí hạnh. Tuy đối với cảnh giới không nghĩ, không nhớ, nhưng ở trong đó không quên, không ngu. Tuy dùng ánh sáng trí tuệ hiểu rõ các pháp, nhưng luôn chánh định, tịch nhiên không động. Tuy thường an trụ bình đẳng pháp tánh nhưng đoạn trừ các chướng uế, phân biệt hý luận. Như vậy gọi là tu tập Ngũ căn.

Lại nữa, các Bồ tát nhờ không phóng dật nên tu tập Ngũ lực mau được viên mãn. Tu tập thế nào? Đó là các Bồ tát khi tu tín lực thì tất cả hý luận ngoại đạo không thể làm cho họ khuynh động. Khi tu tinh tấn lực thì tất cả ác ma không thể làm trở ngại, phá hoại được. Nhờ tu niệm lực nên không rơi vào địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật. Nhờ tu định lực nên mau được xa lìa ngũ cái phiền não. Nhờ tu huệ lực nên vĩnh viễn không thủ đối với các cảnh giới thấy được. Đó gọi là tu tập Ngũ lực.

Lại nữa, các Bồ tát nhờ không phóng dật nên tu Thất giác phần mau được viên mãn. Tu như thế nào? Đó là các Bồ tát đối với tất cả các thiện pháp luôn không quên mất, đó là tu Niệm giác phần; đối với các duyên khởi thường thích quán sát, đó là tu Trạch pháp giác phần; khi hành đạo Bồ đề, vĩnh viễn không thối chuyển, đó là tu Tinh tấn giác phần; biết pháp vốn đủ, chẳng có mong cầu, đó là tu Hỷ giác phần; xa lìa thân tâm tán động, đó là tu Khinh an giác phần; nhập không, vô tướng, vô nguyện giải thoát, đó là tu Định giác phần; lìa tâm sanh khởi học tập, đó là tu Xả giác phần. Như vậy gọi là tu pháp Thất giác phần.

Lại nữa, các Bồ tát nhờ không phóng dật nên tu Bát thánh đạo mau được viên mãn. Tu tập như thế nào? Đó là nhờ xa lìa đoạn kiến, thường kiến, gọi là tu tập Chánh kiến; lìa dục giác, nhuế giác và hại giác, gọi là tu tập Chánh tư duy; xa lìa sự bất bình đẳng của mình và người, gọi là tu tập Chánh ngữ; lìa tưởng dua nịnh, hư ngụy, không thật, gọi là tu tập Chánh mạng; lìa bỏ việc làm thân tâm khiếp nhược gọi là tu tập Chánh nghiệp; xa lìa tâm tự kiêu căng, khinh mạn người khác, gọi là tu tập Chánh tinh tấn; xa lìa các sự hôn trầm, ngu si gọi là tu tập Chánh niệm. Dứt hết các sự phân biệt, gọi là tu tập Chánh định. Đó gọi là tu tập Bát thánh đạo phần.

Này các nhân giả! Tôi lấy cái nghĩa đã nói như trước nên bảo các Bồ tát nên trụ không phóng dật, được thành tựu ba mươi bảy thứ Bồ đề phần ... tất cả thiện pháp, chứng được Vô thượng Bồ đề của chư Phật.

Chư nhân giả! Bồ tát không phóng dật này đã nhập vào Bồ đề phần như vậy rồi thì ra khỏi tất cả các bùn lầy ứ đọng của sanh tử, đã ra khỏi sanh tử rồi, đối với tất cả pháp, hoàn toàn không có cái thấy. Vì không có cái thấy nên chẳng có gì để nói. Vì không có gì để nói nên được nhập vào tất cánh tịch tịnh.

Sao gọi là tất cánh tịch tịnh? Vì tất cả pháp chẳng phải sở tác nên không thể nắm giữ. Vì không thể nắm giữ nên không có công dụng. Vì không có công dụng nên không thể an lập. Vì lấy đó làm hữu nên biết chính là tất cánh tịch tịnh.

Khi Bồ tát nói pháp này, có một vạn hai ngàn Thiên tử ở trong hội xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ Thiên tử Thiện Thắng lại bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Đại sĩ! Sao gọi là tu hành Bồ tát đạo?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Thiên tử! Bồ tát tuy không bỏ sanh tử mà không bị các điều ác của sanh tử ô nhiễm. Tuy không trụ ở vô vi mà hằng tu công đức. Tuy tu hành đầy đủ sáu Ba la mật mà thị hiện hạnh Thanh Văn và Bích Chi Phật. Đó gọi là tu hành Bồ tát đạo.

Lại nữa, này Thiên tử. Hoặc Bồ tát tuy đối với Không, thanh tịnh mà khéo thị hiện các cảnh, cũng không nắm giữ cảnh, tuy đối với vô tướng thanh tịnh mà khéo nhập các tướng, cũng không chấp nơi tướng; tuy đối với vô nguyện thanh tịnh mà khéo hành nơi Tam giới, cũng không đắm trước cảnh giới; tuy đối với vô sanh vô diệt thanh tịnh mà khéo nói sanh tử, cũng không thọ sanh tử. Vì sao vậy? Đó là Bồ tát điều phục tâm. Tuy rõ biết tất cả pháp là không, vô sở hữu, nhưng vì các chúng sanh trong cảnh giới mà sanh kiến trước, nhưng vì kiến trước nên tăng trưởng phiền não. Bồ tát muốn khiến các chúng sanh đoạn trừ các kiến trước nên mới thuyết pháp, khiến cho chúng sanh biết rằng tất cả cảnh giới là không. Như đã nói về không, vô tướng, vô nguyên thì với vô sanh vô diệt đều cũng như vậy. Đó gọi là tu hành Bồ tát đạo.

Lại nữa, Thiên tử! Có đi có lại, gọi là tu Bồ tát đạo. Sao gọi là có đi có lại? Đó là quán tâm ưa thích điều dục của các chúng sanh, gọi là có đến đi tùy theo sự ưa thích của họ mà thuyết pháp, nên gọi là lại. Tự nhập Tam muội gọi là đi, khiến các chúng sanh đạt được Tam muội gọi là lại. Tự hành thánh đạo gọi là đi, mà hay giáo hóa tất cả phàm phu gọi là lại. Tự được vô sanh pháp nhẫn gọi là đi, khiến cho các chúng sanh đều được nhẫn này, gọi là lại. Tự dùng phương tiện ra khỏi sanh tử gọi là đi, khiến cho chúng sanh đều được xuất ly, gọi là lại. Tâm thích tịch tĩnh gọi là đi, thường ở tại sanh tử giáo hóa chúng sanh gọi là lại. Tự siêng quán sát hành qua lại gọi là đi, vì các chúng sanh thuyết pháp như vậy gọi là lại. Tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát gọi là đi, vì khiến cho chúng sanh đoạn trừ ba tâm giác quán mà thuyết pháp gọi là lại. Phát lời thệ nguyện kiên cố gọi là đi, tùy theo thệ nguyện, cứu vớt chúng sanh gọi là lại. Phát tâm Bồ đề, nguyện ngồi đạo tràng gọi là đi, tu đủ các hạnh Bồ tát phải làm gọi là lại. Đó gọi là con đường của Bồ tát đi và lại.

Khi Bồ tát nói đến pháp này có năm trăm Bồ tát ở trong hội đều được vô sanh pháp nhẫn. Bấy giờ Thiên tử Thiện Thắng lại bạch Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- Đại sĩ! Tôi từng nghe có tất cả các công đức của thế giới Quang Minh. Thế giới như vậy ở chỗ nào? Tên của Đức Phật ở đó là gì mà Ngài đang thuyết pháp tại đó?

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:                                                                                       

- Thiên tử! Ở trên phương này trải qua hai mươi lăm hằng hà sa cõi Phật có thế giới tên là Nhất Thiết Công Đức Quang Minh, hiệu của Phật là Phổ Hiền Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Ngài ở trong cõi đó diễn nói chánh pháp.

Thiên tử Thiện Thắng thưa:

- Đại sĩ! Tâm con muốn thấy được thế giới và Đức Như Lai cõi ấy. Cúi mong Ngài xót thương làm cho con được thấy.

Khi ấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi liền nhập Tam muội, Tam muội này gọi là Ly Cấu  Quang Minh. Từ trong thân Ngài phóng ra vô số ánh sáng. Ánh sáng này trên thấu đến mười hai hằng hà sa cõi Phật, thẳng tới thế giới Nhất Thiết Công Đức Quang Minh. Vô số sắc quang chiếu khắp nước ấy. Các Bồ tát xứ ấy thấy hào quang này nên được điều chưa từng có, liền chắp tay cung kính bạch Đức Như Lai Phổ Hiền rằng:

- Bạch Thế Tôn, nay luồng ánh sáng này từ đâu chiếu đến ?

Đức Phật Phổ Hiền đáp :

- Thiện nam tử! ở phương dưới trải qua mười hai hằng hà sa cõi Phật có thế giới tên là Ta Bà, Đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Chánh đẳng giác, hiện nay Ngài đang thuyết pháp. Ngài có vị Bồ tát tên là Văn Thù Sư Lợi, trụ bất thối chuyển nhập Tam muội Ly Cấu Quang Minh. Trong thân vị ấy phóng ra vô số ánh sáng, ánh sáng xa đến mười phương vô lượng a tăng kỳ thế giới, mỗi mỗi thế giới hào quang đều trùm khắp. Cho nên bây giờ có ánh sáng này.

Các Bồ tát kia lại thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nay chúng con đều mong được thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi của thế giới Ta Bà.

Bấy giờ Đức Như Lai Phổ Hiền liền phóng luồng ánh sáng lớn trong bàn chân tướng có bánh xe ngàn căm, hào quang ấy rất sáng, chiếu xa mười hai hằng hà sa cõi Phật ở phương dưới, nhập vào thế giới Ta Ba, hào quang bao trùm tất cả.

Các Bồ tát ấy nhờ hào quang của Đức Phật, không ai mà không thấy Phật Thích Ca Mâu Ni và các Bồ tát ... ở cõi Ta Bà. Các Bồ tát ở cõi Ta Bà cũng thấy Đức Như Lai Phổ Hiền và chúng Bồ tát ở cõi kia.

Bấy giờ Đức Như Lai Phổ Hiền bảo các Bồ tát rằng:

- Ở thế giới Ta bà Đức Phật luôn nói Đại pháp. Các ngươi ai có thể đến để nghe và thọ trì pháp?

Trong chúng có một vị Bồ tát tên là Chấp Trí Cự, từ tòa đứng dậy, bạch Đức Thế Tôn:

- Nay con mong được nương theo thần lực của Phật để đến thế giới của Ta Bà. Cúi xin đức Như Lai dũ lòng thương xót chấp thuận.

Đức Phật  Như Lai Phổ Hiền nói:

- Này thiện nam tử! Nay đã đúng lúc, mau đến cõi đó.

Bấy giờ Bồ tát Chấp Trí Cự cùng mười ức Bồ tát cúi đầu đảnh lễ Đức Như Lai Phổ Hiền, chấp tay cung kính nhiễu bảy vòng quanh phía hữu, liền biến mất ở cõi đó. Thí như khoảnh khắc lực sĩ co duỗi cánh tay, đến cung trời Đâu Suất của thế giới Ta Bà, khéo an trụ trong lầu quán, phía trước chúng hội của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, cúi đầu chấp tay đảnh lễ dưới chân Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, bạch rằng:

- Thưa Đại sĩ! Ngài đã phóng hào quang đến nước chúng tôi. Đức Thế Tôn chúng tôi là Như Lai Phổ Hiền, Ứng Chánh đẳng giác, cho phép chúng tôi đến thế giới này để ra mắt, đảnh lễ, chiêm ngưỡng và nghe pháp của Đại sĩ.

Bấy giờ Thiên tử các cõi Dục giới, Sắc giới, các Bồ tát nước kia đến, họ đều nói rằng:

- Lành thay! Lành thay! Không thể nghĩ lường. Hết sức hy hữu! Hết sức hy hữu! Chỉ có Đại sĩ quyền xảo Văn Thù Sư Lợi mới có sự thần thông biến hóa như vậy. Ngài dùng sức Tam muội phóng luồng hào quang này mới có thể đến được thế giới phương trên kia, khiến các Bồ tát đến đây nhanh như vậy.

Khi ấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại vì đại chúng rộng tuyên diệu pháp. Có bảy mươi hai Na do tha các chúng Thiên tử ở trong hội sanh tâm tín giải sâu xa, phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ đề.

Bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi ở Cung Trời Đâu Suất, sự việc đã hoàn mãn, cùng với các Bồ tát, Thích, Phạm, Tứ thiên vương ... vô lượng chư Thiên và các Bồ tát đi đến từ quốc độ Nhất Thiết Công Đức Quang Minh, không rời khỏi tòa, biến mất khỏi cung trời, trong khoảng một niệm đi đến chỗ Đức Phật, đều từ tòa đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, chấp tay cung kính, nhiễu bên hữu bảy lần. Khi nhiễu quanh Đức Phật xong thì Bồ tát Chấp Trí Cự cùng mười ức vị đến trước bạch Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đức Phật Như Lai Phổ Hiền có lời hỏi thăm Ngài, thân thể có khỏe mạnh, ít bệnh ít não, an lạc chăng?

Bấy giờ Thế tôn như pháp an ủy, hỏi thăm các Bồ tát xong, khắp xem các đại chúng mới đến, bảo mọi người ngồi xuống, rộng rãi thuyết pháp, làm cho không ai mà không hoan hỷ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo đại chúng:

- Các người nên biết! Đồng tử Văn Thù Sư Lợi và Bồ tát Chấp Trí Cự này vì muốn thành thục vô lượng chúng sanh, mới hiện việc thần thông biến hóa này. Đây là hai vị trượng phu mới có thể thành tựu các thứ phương tiện, đạt lý sâu xa, trí huệ biện tài, đã ở trong vô lượng a tăng kỳ kiếp thi hành Phật sự, vì chúng sanh mới sanh ở thế gian. Nếu có chúng sanh nào được thấy hai vị Bồ tát này, nên biết liền được sáu căn tự tại, vĩnh viễn không vào cảnh giới ác ma.

Bấy giờ Bồ tát Chấp Trí Cự và các chúng Bồ tát mới đến, vào quốc độ này được thấy Thế Tôn, nhờ được nghe pháp nên chứng được Vô sanh nhẫn. Khi được nhẫn này xong, nhiễu phía bên hữu Đức Phật, kính lạy dưới hai chân Ngài.

Ngay lúc ấy, thế giới ba ngàn đại thiên chấn động. Các Bồ tát này ngay khi ở trước Đức Phật biến mất không hiện, chỉ trong khoảnh khắc quay về bổn quốc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão A-Nan:

- Ngươi nên phụng trì pháp môn này, rộng thuyết cho mọi người.

Tôn giả A-Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Pháp môn này tên gọi là gì? Phụng trì như thế nào ?

Đức Phật dạy:

- Pháp môn này gọi là “Văn Thù Sư Lợi nói về cảnh giới bất tư nghị của Phật”: Phải phụng trì như vậy.

Đức Phật nói kinh này xong, Thiên tử Thiện Thắng, Trưởng lão A-Nan và hết thảy Thiên, Nhân, A tu la, Càn thát bà ... ở thế gian đều hết sức hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

 

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI

 NÓI VỀ CẢNH GIỚI BẤT TƯ NGHỊ CỦA PHẬT

Quyển hạ-Hết. 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567