Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ Nhứt

15/01/201621:13(Xem: 3261)
Quyển Thứ Nhứt

 

Phật lịch 2539 – (1995)

Phật nói Kinh

Chánh Pháp Đại Bửu Tích

Hỏi Ngài Ca Diếp

Việt dịch:    THÍCH HUYỀN-VI

 

Tập I

 

QUYỂN  THỨ  NHỨT

            Tôi nghe như vầy:  Một thuở nọ Đức Phật ngự trên pháp hội Linh-Sơn gần thành Vương Xá cùng các chúng đại tỳ kheo tám nghìn vị (8000), hàng Bồ Tát một muôn sáu nghìn (16000) và các vị còn một đời chứng đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nhiều ngài ở các cõi  Phật khác đều đến nhóm họp.

            Lúc bấy giờ tôn giảĐại Ca Diếp ở trong đại chúng , an tường mà ngồi.  Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Đại Ca Diếp rằng: “Có bốn pháp thường phá hoại trí tuệ Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Bốn pháp ấy, nghĩa nó như thế nào?”.

            -“Bốn pháp ấy là:  Một, đối với giáo pháp của Phật sanh lòng khinh mạn; hai, đối với các vị pháp sư, sanh tâm ganh ghét; ba, che giấu chánh pháp, không cho người đời nghe biết và bốn, người khác muốn nghe giáo pháp tìm cách cản ngăn, giận tức rồi che giấu các việc tốt lành, cuống hoặc chê bai kẻ khác, chỉ muốn cầu lợi lạc cho mình.  Ca Diếp!  Bốn pháp như thế, gọi là pháp hoại diệt trí tuệ của Bồ Tát tân học”.Tôi nay muốn rõ thêm ý trên, nên nói bài kệ rằng:

            “Nếu ai khinh pháp Phật,

            Ganh ghét các pháp sư,

            Che dấu các pháp cao,

            Chướng ngại người cầu pháp,

            Giận tức đoạn căn lành,

            Giấu pháp không muốn nói,   

            Ưa vui cuống hoặc người,

            Hằng cầu lợi cho mình,

            Tôi nói bốn pháp nầy,

            Đoạn diệt huệ Bồ Tát.

            Bốn pháp như thếđó,

            Các ông cần phải biết…”.

            -Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp quán tối thượng, thêm lớn đại trí cho Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch Phật rằng: “Nghĩa lýấy như thế nào?”.

            -“Bốn pháp quán ấy là:  Một, đối với giáo pháp vô thượng của Phật, sâu xa sinh lòng tôn trọng; hai, đối với các vị pháp sư, không bao giờ dám sanh lòng khinh mạn; ba, như có ai muốn được nghe pháp, phải hết lòng vì họ mà giải nói, khởi tâm chánh trực, không cầu tất cả lợi dưỡng

;bốn, khen ngợi những người nghe học nhiều, trí tuệ thêm lớn, một bề chánh tâm y theo sự nghe biết mà thọ trì, thật hành hạnh chân thật, mà không dối trá.  Ca Diếp! bốn phép quán nầy làm thêm lớn đại trí tuệ của Bồ Tát tân học”. Tôi nay muốn cho rõ thêm, nên nói bài kệ rằng:

            “Lòng tôn trọng Phật Pháp,

            Và các pháp sưkia,

            Nghe, vì người khác nói,

            Không cầu sự lợi dưỡng.

            Cùng không muốn xưng khen,

            Một bề cầu nghe pháp,

            Nghe nhiều sanh trí tuệ,

            Hiểu đúng pháp thọ trì,

            Rồi y pháp phụng hành,

            Vì xứng pháp chơn thật,

            Y theo pháp sư dạy,

            Miệng, ý, không hư vọng.

            Bốn pháp đáng làm thầy,

            Đặng đại trí tuệ Phật”.

            -Đức Phật bảo Đại Ca Diếp: “Có bốn pháp đủ đầy mê chướng tâm giác ngộ của Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào gọi là bốn pháp mê chướng tâm giác ngộ?.

            -“Bốn pháp ấy là:  Một, có các bậc A Xà Lê (Quỷ Phạm Sư) và bạn lành, những vị đức hạnh đáng tôn trọng lại sanh tâm chê bai hủy báng; hai, chúng khéo léo tăng thêm lòng phá hoại hủy diệt các bậc đạo hạnh kia; ba, nếu các chúng sanh thật hành hạnh đại thừa, không khen ngợi mà lại còn dối trá chê bai; bốn, trái bỏ chánh tâm, phân biệt tà vọng.  Như thếđó, Ca Diếp! bốn pháp nầy mê chướng tâm giác ngộ của Bồ Tát”.  Tôi nay muốn cho rõ thêm, nên nó bài kệ rằng:

            “Xà Lê sư, bạn lành,

            Đức hạnh nên tôn trọng,

            Không đem tâm cung kính

            Lại sanh lòng khinh chê.

            Lòng xấu thêm hừng thạnh,

            Phá hoại diệt trừ xấu,

            Người tu đại giác ngộ,

            Khinh mạn và hủy báng,

            Trái bỏ tâm chơn chánh,

            Cứ phân biệt tà vọng,

            Bốn pháp xấu như thế,

            Mê chướng giác ngộ Phật.

            Thế nên bốn pháp nầy,

            Xa lìa Vô Thượng Giác,

            Ai không bốn lỗi nầy,

            Đặng giác ngộ tối thượng”

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp đầy đủ khiến các Bồ Tát tân học, sanh ra bất cứ chỗ nào, phát tâm bồ đề dễ dàng, thẳng đến mục tiêu giác ngộ, thường ngồi chốn đạo tràng, không bị chướng ngại”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào gọi là bốn pháp?”.

            - “Một, là không vì thân mạng mà làm theo tà kiến, nói dối, nói lời thêu dệt; hai, là trừ bỏ tất cả hư vọng phân biệt của chúng sanh; ba, là vì Phật tánh của chúng sanh khiến phát khởi chủng tướng bồ đề, danh xưng như thật, lưu khắp bốn phương; bốn, làđã có tất cả chúng sanh được giáo hóa khiến được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mỗi người nói nay đã đặng.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, đầy đủ cho các Bồ Tát tân học.  Tất cả chỗ nào được sanh ra đều phát khởi sự giác ngộ, trong thời ấy không bị mê mờ, ngồi tòa đạo tràng, thẳng đến chỗ giác ngộ”.

            Tôi nay muốn rõ thêm nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:

            “Không vì thân mạng mình,

            Nói tà và vọng ngữ,

            Tâm hằng thương chúng sanh,

            Trừ vọng và biếng nhác,

            Làm sứ giả Như Lai,

            Và làm thầy chúng sanh,

            Rõ phát hạnh bồ đề,

            Tiếng đồn khắp bốn phương,

            Giáo hóa các chúng sanh,

            Khiên thành Vô Thượng Giác,

            An trụ trong pháp nầy,

            Tâm giác ngộ không thoái…”

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp đầy đủ khiến các Bồ Tát tân học đã sanh, chưa sanh pháp lành, đều làm cho dứt hết, hằng không tăng trưởng”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào gọi là bốn pháp?”.

            - “Một, là thế gian đã có ngã kiến sâu xa chấp trước; hai, là quán sát chủng tộc, trụ trước lợi dưỡng, làm việc phí sức; ba, là giận tức các Bồ Tát tân học, chỉ ca ngợi Phật giáo mà không khen ngợi tất cả; bốn, là chưa nghe khó thấy kinh pháp, nghe rồi sanh nghi hủy báng.  Như thếđó, nầy Ca Diếp! đủ bốn pháp ấy, khiến cho chúng sanh, đã sanh chưa sanh pháp lành, thảy đều dứt hết, hằng không thêm lớn”.  Với ý nầy, tôi nay nói thêm bài kệ:

            “Do đó chấp ngã kiến,

            Đều khiến hết pháp lành,

            Quán sát các chủng tộc,

            Chú thuật cầu lợi dưỡng,

            Hủy phạm giáo Bồ Tát,

            Mà không khắp xưng khen,

            Chưa nghe kinh pháp cao,

            Nghe rồi sanh nghi báng,

            Hành đủ bốn pháp nầy,

            Không lâu hết pháp lành,

            Thế nên Bồ Tát mới,

            Hành đủ bốn pháp nầy,

            Xa rời Phật bồ đề,

            Ví như trời cùng đất”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp đầy đủ, khiến Bồ Tát tân học không hoại diệt pháp lành, được pháp tăng thắng”.

            - Ca Diếp bạch Phật: “Thế nào gọi là bốn pháp?”.

            - “Một, là nguyện nghe việc lành, không muốn nghe điều dữ; muốn thật hành sáu pháp ba la mật và Bồ Tát tạng; hai, là trừ bỏ ngã chấp, tâm thật hành pháp bình đẳng, khiến tất cả chúng sanh đặng pháp lợi hoan hỷ; ba, là lià tà mạn được thánh tộc hoan hỷ, không nói tội thật hay không thật của kẻ khác, cũng chẳng cần thấy lỗi của kẻ khác phạm; bốn, là nếu pháp nhiệm mầu nầy tự trí không thấy, nhưng không hủy báng Phật Như Lai kia, như thế mà thấy, như vậy mà biết, tôi không thể biết trí Phật vô biên, các thứ vô ngại.  Như Lai vì các chúng sanh diễn nói pháp nầy.  Như thếđó, nầy Ca Diếp! đủ bốn pháp nầy khiến các Bồ Tát tân học, pháp lành không dứt, được sự vật tăng thắng”.  Tôi nay đối với pháp nầy, lập lại nói bài kệ rằng:

            “Nguyện nghe các pháp lành,

            Không muốn nghe các pháp ác,

            Thường hành sáu độ thoát,

            Mà cầu Bồ Tát tạng,

            Đoạn trừ các ngã kiến,

            Thật hành tâm bình đẳng,

            Khắp độ các chúng sanh,

            Đặng lợi vui pháp kia,

            Sống còn, mạng trong sạch,

            Hằng gặp chủng tộc Phật,

            Tội kia thật, không thật,

            Trọn  không qua lời nói,

            Dù nhìn các lỗi phạm,

            Như đồng không nghe thấy,

            Pháp nầy rất sâu kín,

            Trí kém không thể biết,

            Chỉ Phật hiểu rõ ràng,

            Nhưng không sanh nghe báng,

            Trí Phật rộng vô biên,

            Như Lai vì chúng nói,

            Ai hành bốn pháp nầy,

            Pháp thắng trí không cùng

            An trú trong pháp nầy,

            Rất dễ được giác ngộ”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp sanh tâm bất chánh, xa lìa hạnh Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào gọi là bốn pháp?”.

            - “Một, nghi lầm giáo pháp của Phật tâm chẳng ưa vui; hai, ngã mạn cống cao, giận tức loài hữu tình; ba, người khác đặng lợi dưỡng, tham ái ganh ghét; bốn, đối với Phật Bồ Tát, không sinh tâm tín kính, cũng không xưng khen, mà lại hủy báng.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, sanh tâm bất chánh, xa lìa hạnh Bồ Tát tân học”.  Tôi nay đối với các việc trên, nói thêm bài kệ rằng:

            “Nghi ngờ pháp chư Phật,

            Khởi tâm không ưa thích,

            Thêm cống cao ngã mạn,

            Giận tức các chúng sanh.

            Kia, họ được lợi dưỡng,

            Tham ái khởi ganh ghét,

            Với Phật cùng Bồ Tát,

            Tâm không sanh tín thọ,

            Bốn tâm bất chánh nầy,

            Xa lìa hạnh Bồ Tát”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp khiến các Bồ Tát tân học được tướng nhu nhuyển”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn?”.

            - “Một, làđã được sám hối (A Bát La Đế), được rồi phát lồ, không che giấu một tội nào và xa lìa các lỗi lầm; hai, là đối với người khác phải chơn thật, nói đúng chơn lý, thà rằng mất hết ngôi vua, phá hoại sự giàu sang, mất hết tài lợi, bỏ cả thân mạng, trọn không nói dối, cũng không bao giờ bảo người khác nói lời hư vọng; ba, là không phát ra lời nói ác, chê bai hủy báng khinh miệt tất cả chúng sanh, cho đến thiện cùng bất thiện, đấu tranh đã phá, ràng buộc gông cùm, các lỗi như thế cũng không nói năng….sợ tự thành tội, mắc nghiệp quả báo; bốn, là nương

theo lòng tin kia, thật hành tin tuởng các lời giáo huấn của chư Phật, tâm ý được thanh tịnh.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, khiến các Bồ Tát tân học, đặng tướng như nhuyển”.  Tôi nay muốn nói lại bài kệ:

            “Đã được phép sám hối,

            Sợ thành nhiều tội lỗi,

            Không dám tự che dấu,

            Rửa lòng mà trình bày,

            Dụng ý muốn chơn thật,

            Nói lời phải thành tín,

            Thà bỏ ngôi quốc vương,

            Xả mạng, phá của cải,

            Không nói lời vọng ngữ

            Trái bỏ hạnh chơn thật,

            Cũng chẳng dạy người khác,

            Khiến làm việc hư vọng,

            Lại không nói chê bai,

            Khinh khi tất cả người,

            Kẻ thiện cùng bất thiện,

            Cho đến việc đấu tranh,

            Trọn không nói kẻ khác,

            Sợ mình mắc nghiệp báo,

            Tâm giữ hạnh thanh tịnh,

            Tin ưa Phật, bồ đề,

            Bốn này, Phật tuyên dương,

            Chúng sanh nên cẩn thận!”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp khiến các Bồ Tát tân học tâm ý cang cường”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào là bốn pháp ấy?”.

            - “Một, làđã nghe thắng pháp tối thượng, tâm không ưa thật hành; hai, là đối với pháp và phi pháp, tuy biết nhiểm tịnh, pháp tịnh không hành mà lại hành phi pháp; ba, là không thân cận bậc quỷ phạm sư, và pháp sư v..v. tín thọ vọng ngữ, không biết chỗăn chỗở; bốn, là thấy các vị Bồ Tát, đầy đủ thắng đức, đều không cung kính, chấp ngã, khinh mạn.  Ca Diếp! bốn pháp như thế khiến các Bồ Tát tân học, tâm ý cang cường”.  Đối với các việc trên, tôi lập lại một bài kệ:

            “Nghe pháp tối thượng kia,

            Tâm ý không thích làm,

            Pháp tịnh nhưng không tu,

            Phi pháp sanh ưa thích,

            Trái bỏ Quỹ Phạm Sư,

            Không kính các Pháp sư,

            Chẳng biết nơi hư thực,

            Tin làm theo vọng ngữ,

            Bồ Tát có thắng đức,

            Không sanh tâm tôn trọng,

            Hạ liệt, ngã kiến tăng,

            Tâm cang cường khinh mạn,

            Bốn pháp nầy, Phật nói,

            Ta thường phải xa lìa”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp khiến các Bồ Tát tân học hiểu biết rõ ràng”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn pháp?”.

            -“Một, là nghe việc lành ưa làm, nghe việc dữ thích tránh, biết pháp chân thật, trái bỏ tà ngụy, thật hành chánh đạo; hai, là xa lìa hủy báng, tương ưng các việc thuàn thiện; ba, là gần gủi thầy dạy, biết chỗăn mặc kia, điều phục các căn, giới định không bao giờ gián đoạn; bốn, là tự mình được giác ngộ, không bỏ chúng sanh, thật hành lòng từ mẩn chơn thật, khiến chúng sanh ưa vui theo chơn đức rộng lớn.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, khiến cho Bồ Tát tân học hiểu biết rõ ràng”.  Tôi nay sẽ nói thêm bài kệ:

            “Nghe việc lành muốn làm,

            Nghe ác, tâm không thích,

            Nghiệp trái, nhân tà ngụy,

            Thọ hành đường bát chánh,

            Hằng xa lìa hủy báng,

            Nghiệp thiện được tương ưng,

            Lưu bố lời nói lành,

            Khiến chúng sanh kính trọng,

            Gần gủi nơi thầy dạy,

            Biết chỗkiaăn ở,

            Điều phục các căn cảnh

            An trụ nơi giới định,

            Dùđược Phật, BồĐể,

            Không bỏ cõi hữu tình,

            Hành đức chân thật kia,

            Khiến cầu đức vô thượng,

            Bốn pháp Phật đã nói,

            Chóng đặng quả Thiện Thệ”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Bồ Tát tân học có bốn thứ vi phạm”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn pháp?”.

            -“Một, là tín căn của chúng sanh chưa thuần thục, mà đến họ giáo hóa, Bồ Tát tân học bị vi phạm; hai, là chúng sanh hạ liệt bị tà kiến, rộng nói giáo pháp của Phật, Bồ Tát tân học bị vi phạm; ba, là vì chúng sanh tiểu căn, nói giáo pháp đại thừa, Bồ Tát tân học bị vi phạm; bốn, làkhinh mạn chúng sanh chánh hạnh, trì giới, nhiếp thọ chúng sanh tà hạnh phạm giới.  Ca Diếp! bốn thứ như thế, Bồ Tát tân học bị vi phạm”.  Tôi nay muốn nói thêm bài kệ

            “Chúng sanh tin chưa đúng,

            Mà đến giáo hóa họ,

            Hạng hạ liệt tà chấp,

            Vìkia rộng nói pháp.

            Ở chỗ Thinh Văn kia,

            Phân biệt pháp đại thừa,        

            Khinh mạn người chánh hạnh,

            Nhiếp thọ kẻ phá giới,

            Biết bốn vi phạm nầy,

            Bồ Tát phải xa lìa,

            Y bốn pháp hạnh nầy,

            Bồ đề không thành tựu”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp thành đạo Bồ Tát”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào gọi là bốn pháp?”.

            -Một, là đối với tất cả chúng sanh phải thật hành tâm bình đẳng, hai, là đối với tất cả chúng sanh dùng trí Phật giáo hóa; ba, là đối với tất cả chúng sanh, diễn nói giáo pháp nhiệm mầu; bốn, là đối với tất cả chúng sanh thật hành phương tiện chánh yếu.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, thành tựu được đạo hạnh Bồ Tát”.  Tôi nay lập lại bằng một bài kệ:

            “Với các chúng sanh kia,

            Thường hành tâm bình đẳng,

            Dắt dẫn chúng hữu tình,

            Khiến vào trí Như Lai.

            Thường nói pháp nhiệm mầu,

            Cứu vớt tất cả người,

            An trú trong chơn thật,

            Ấy gọi chánh phương tiện.

            Bốn pháp bình đẳng nầy,

            Phật tử hằng tuyên nói,

            Y lời dạy làm theo,

            Thành tựu đạo Bồ Tát”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp làm cho Bồ Tát tân học bị oan hận mà không thể nào tiến hành”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn pháp ấy?”.

            -“Một, làưa thật hành hạnh tự lợi nhỏ hẹp; hai, là làm theo cách thức thiển cận của hàng độc giác; ba, là tùy thuận thế gian làm theo chú thuật, kỹ nghệ; bốn, là dùng trí thông minh biện bác của đời, làm theo những phương pháp hư vọng không lợi ích chung.  Ca Diếp! bốn pháp như thế làm cho vị Bồ Tát tân học oán hờn, không thể nào tiến triển được”.

            Tôi nay muốn nói thêm bài kệ cho rõ nghĩa trên:

            “Nếu hành Thanh Văn thừa,

            Xuất gia muốn tự lợi,

            Và hành theo Độc Giác,

            Chứng ngộđạo lý cạn,

            Chạy theo nghề thế gian,

            Kỹ thuật, chú trớ thảy…

            Lại đem trí đời làm,

            Hành theo việc bất lợi,

            Cuống hoặc các chúng sanh,

            Không đạt lý thật tế,

            Làm bốn phương pháp nầy,

            Căn lành bị tổn giảm,

            Oán gia không chuyển nổi,

            Phật bảo phải xa lìa”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn phương pháp làm bạn lành của Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào gọi là bốn pháp?”.

            -“Một, là người đã có cầu đạo bồ đề, là bạn lành của Bồ Tát tân học; hai, là làm đại pháp sư là bạn lành của Bồ Tát tân học; ba, là người dùng văn huệ, tư huệ, tu huệ, sanh ra tất cả căn lành, là bạn lành của Bồ Tát tân học; bốn, làở chỗ Phật, Thế Tôn cầu tất cả giáo pháp của các ngài ấy, là  bạn lành của Bồ Tát tân học.  Ca Diếp! bốn pháp như thế là bạn lành của Bồ Tát tân học”.  Tôi nay lập lại các điểm trên, nói lại bài kệ rằng:

            “Ai cầu thành bồ đề,

            Con Phật gần bạn lành,

            Làm Pháp Sư nói pháp,

            Phát rõ văn, tư, tu,

            Giáo hóa các chúng sanh,

            Sanh ra năm căn lành,

            Hằng làm con Thiện Thệ,

            Sẽ đặng đạo chánh giác,

            Phật nói bốn pháp nầy,

            Không mê nơi chánh hạnh,

            Khiến đặng đại bồ đề,

            Ấy là bạn lành thiệt”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn phương pháp làm ảnh tượng của Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì lá bốn?”.

            -“Một, là vì lợi dưỡng, khộng vì chánh pháp; hai, là vì muốn xưng dương khen ngợi mà không vì giới đức tu hành; ba, là muốn tự lợi cầu an, không làm lợìích cho chúng sanh đang đau khổ; bốn, là đối với thật, đức, năng, không sanh tâm phân biệt ưa muốn.  Ca Diếp! bốn pháp như thế làm ảnh tượng cho Bồ Tát tân học”.  Tôi nay đối với việc nầy, nói bài kệ rằng:

            “Rộng tìm sự lợi dưỡng,

            Không vì nghe, thọ pháp,

            Ưa thích người xưng khen,

            Xả bỏ nơi đức nghiệp,

            Một bề tìm an thân,

            Không thương chúng sanh khổ,

            Với thật, đức, năng kia,

            Không thích, chẳng phân biệt,

            Bốn phương pháp như thế,

            Phật nói làảnh tượng,

            Ông và chúng Bồ Tát,

            Mỗi pháp phải xa lìa”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp làm thật đức cho Bố Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì làbốn ?”.

            -“Một, là vào không môn giải thoát, tin nghiệp báo không tự tánh; hai, là vào cửa vô ngã, vô nguyện, dù được niết bàn, hằng khởi tâm đại bi, ưa cứu độ chúng sanh; ba, làở trong đại luân hồi, khéo thi thiết phương tiện; bốn, làở trong các chốn hữu tình, dù thật hành cấp thí, không cầu quả báo.  Ca Diếp! bốn pháp như thế là thật đức của Bồ Tát tân học”.  Tôi nay đối với vấn đề, nói lại bài kệ rằng:

            “Vào cửa giải thoát kia,

            Tin, quán nghiệp tánh không,

            Cửa vô ngã, vô nguyện,

            An trụ hạnh từ mẫn,

            Dù chứng niết bàn không,

            Ưa cứu độ chúng sanh,

            Ở trong luân hồi kia,

            Khéo lập các phương tiện,

            Rộng giúp các quần sanh,

            Không mong cầu phước báo”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp làm kho tàng cho Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn?”.

            -“Một, là đối với các đức Phật, thân tâm thường cung kính cúng dường; hai, là thường thật hành sáu phương pháp độ thoát đến chỗđại ba la mật; ba, là tôn trọng cung kính các vị pháp sư, tâm không bao giờ thoát động; bốn, làưa ở chỗ tùng lâm thanh tịnh, tâm không bao giờ tạp loạn.  Ca Diếp! bốn pháp như thế là kho tàng quý báu của Bồ Tát tân học”.  Tôi nay lại muốn nói lại ý trên, nên giảng thêm bài kệ:

            “Ở chỗ các đức Phật,

            Cúng dường tất cả vị,

            Trong sáu độđại thặng,

            Hành đến chỗ rốt ráo,

            Tôn trọng pháp sư nói,

            Vâng, thờ tâm không thoái,

            Thường ở trong cảnh vắng,

            Thanh tịnh không tạp loạn,

            Nói bốn thiện thệ này,

            Là kho tàng của Phật”.

            -Đưc Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp, xa lìa đường ma của Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp thưa rằng: “Những gì là bốn pháp?”.

            -“Một, là ra làm các việc, không lìa tâm bồ đề; hai là đối với tất cả chúng sanh, tâm không não hại; ba, là đối với tất cả sự vật, rõ ràng thông suốt, bốn, là đối với tất cả chúng sanh, không sanh tâm khinh mạn.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, xa lìa con đường ma của Bồ Tát tân học”.  Tôi nay muốn rõý trên, nên nói thêm bài kệ:

            “Ra làm các hạnh lành,

            Không lìa tâm bồ đề,

            Đối với các chúng sanh,

            Không bao giờ não hại,

            Thông suốt các pháp thiện,

            Dứt trừ các khinh mạn,

            Nói bốn thiện thệ nầy,

            Xa lìa các đường ma,

            Ai y theo hạnh nầy,

            Được vào chơn-tếkia”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp nhóm hợp tất cả căn lành của Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Bốn pháp đó là bốn pháp gì?’.

            -“Một, làưa ở trong chốn rừng núi, vắng lặng yên ổn; hai, là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, nhiếp hóa các chúng sanh; ba, làưa tìm pháp nhiệm mầu, xả bỏ thân mạng; bốn, là nghe nghĩa lý kinh pháp không bao giờ cho làđủ, nhóm các căn lành, siêng năng thật hành đạo lý, tinh tiến mãi mãi.  Ca Diếp! bốn pháp như thế, hay tập trung tất cả tướng lành cho Bồ Tát tân học”.

Tôi nay đối với việc trên, nói thêm bài kệ rằng:

            “Ưa trụ chỗ thanh vắng,

            Yên lặng lìa ồn ào,

            Bốn cách nhiếp chúng sanh,

            Khiến lên con đường giác,

            Siêng cầu pháp nhiệm mầu,

            Xả bỏ thân mạng nầy,

            Tinh tiến nhóm căn lành,

            Nghe pháp tâm không chán,

            Phật nói bốn hạnh nầy,

            Lưu xuất thiện không ngằn”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp làm sanh vô lượng phước đức cho Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Thế nào là bốn pháp?”.

            -“Một, là hằng thật hành pháp thí, tâm không lẫn tiếc; hai, là khởi tâm đại bi, cứu hộ những chúng sanh phá giới; ba, là giáo hóa các loài hữu tình, phát tâm bồ đề; bốn, là đối với kẻ hạ liệt, người ác, nhẫn nhục cứu hộ người.   Ca Diếp! bốn pháp như thế, sanh ra vô lượng phước đức cho Bồ Tát tân học”.   Tôi nay đối với nghĩa trên, nói thêm bài kệ:

            “Nói rộng các pháp mầu,

            Không tiếc, tâm thanh tịnh,

            Hủy cấm các hữu tình,

            Cứu hộ dũ lòng từ,

            Khiến các chúng sanh kia,

            Phát tâm trong tịnh giác,

            Cứu các người ác liệt,

            Nhẫn nhục cứu hộ người,

            Bồ Tát cùng chư Phật,

            Đồng hành bốn hạnh nầy”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp hay pháý đồ vô minh phiền não của Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn pháp ấy?”.

            -“Một, là thật hành giới hạnh đầy đủ không phạm; hai, là thọ trì giáo pháp nhiệm mầu, thân tâm không biết mõi mệt; ba, là theo thánh ý giải truyền, thí cho pháp đăng vô tận; bốn, làđem hết lòng chí thành lễ kính, xưng dương tán thán công đức chư Phật.  Ca Diếp! bốn pháp như thế hay phá hoại ý đồ vô minh phiền não của Bồ Tát tân học”. Tôi nay muốn rõ lại nghĩa trên, nên nói thêm bài kệ:

            “Kiên trì giới đầy đủ,

            Ý đồ không khuyết phạm,

            Pháp mầu hằng thọ trì,

            Ngày đêm tâm không mõi,

            Hiểu rõ lời Phật dạy,

            Tùy ý thí pháp đăng,

            Khen ngợi tất cả Phật,

            Thành tâm cung kính lạy,

            Người trí hành bốn pháp,

            Hay dứt lướí vô minh,

            Các đức Phật, Bồ Tát,

            Nương đây được giác ngộ”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Có bốn pháp sanh ra trí tuệ vô ngại cho Bồ Tát tân học”.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Những gì là bốn pháp?”.

            -“Một, là thường xuyên bố thí pháp báu; hai, là thụ trì giáo pháp nhiệm mầu; ba, là không bao giờ làm hại kẻ khác; bốn, là cũng không khinh mạn một ai.  Ca Diếp! bốn pháp như thế xuất sanh được trí tuệ vô ngại cho hàng Bồ Tát tân học”.  Lúc ấy Thế Tôn nói thêm bài kệ:

            “Thật hành pháp thí tốt,

            Khiến người được thọ trì,

            Không ghét chúng sanh học,

            Tôn trọng sự trì giới,

            Bốn pháp trừ tội trước,

            Được thành tối thượng giác,

            Y đây, đặng giác ngộ,

            Sanh ra trí vô ngại,

            Riêng hành mười hai hạnh,

            Người trí được bồ đề,

            Thành tựu vị cam lồ,

            Chỗ nào có chúng sanh,

            Đều đầy đủ pháp nhãn,

            Giải nói đọc tụng trì,

            Phật nói các người đó,

            Đặng phước không có lường,

            Nhiều như cát sông Hằng,

            Cõi nước Phật rất nhiều,

            Trong đó đầy bảy báu;

            Cúng dường tất cả Phật,

            Phước kia cũng vô lượng,

            Nếu ai nghĩ pháp nầy,

            Bài tụng đủ bốn câu,

            Phước đức hơn của báu,

            Lại nữa, Ca Diếp Ba!

            Nếu trì bốn câu nầy,

            Ai chưa gọi Bồ Tát,

            Thì được gọi Bồ Tát,

            Hành được bốn pháp nầy,

            Đầy đủ mười hạnh lành,

            Y pháp tâm bình đẳng,

            Thế nên gọi Bồ Tát”.

 

 

Hết Quyển Nhất

Pd Phuong An

           

 

 

 

.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]