Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Tứ Thập Nhị Chương có phải là cuốn kinh đầu tiên được dịch tại Trung Quốc?

05/04/201319:50(Xem: 6628)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương có phải là cuốn kinh đầu tiên được dịch tại Trung Quốc?

lotus-21aKinh Tứ Thập Nhị Chương có phải là cuốn kinh đầu tiên được dịch tại Trung Quốc?

Cư sĩ Hạnh Cơ

Nguồn: Cư sĩ Hạnh Cơ

Tứ Thập Nhị Chương là tựa đề của một cuốn kinh gồm có 42 chương, ghi vắn tắt các giáo nghĩa cơ bản của đạo Phật, được dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ rất sớm, có thể từ thế kỉ đầu Tây lịch. Nội dung toàn cuốn kinh gồm những lời giáo huấn dành cho người xuất gia, nhưng không theo một chủ đề tổng quát nào; mà mỗi chương đều nói về một đề tài khác biệt, chú trọng vào các yếu nghĩa như: các nghiệp lành dữ, mạng sống vô thường, xa lìa tham dục, v.v... Các chương dài ngắn không đồng đều; dài nhất là hai chương 1 và 34, gồm 124 chữ (Hán), ngắn nhất là chương 9, chỉ gồm 18 chữ(1). Nội dung và hình thức của kinh này không giống với bao nhiêu kinh điển khác. Kinh có 42 chương, nhưng chương 1 không phải là chương mở đầu, mà chương 42 cũng không phải là chương kết thúc. Vì vậy có thể nói, đây là một cuốn kinh đã được trích dịch từ nhiều cuốn kinh tiếng Phạn khác nhau;(2) từ đó suy ra, tựa đề kinh – "Tứ Thập Nhị Chương" – đã được dịch giả đặt ra sau khi tuyển dịch xong; và trong Phạn điển đã không hề có một cuốn kinh nào có tên như vậy.
Trải qua thời gian, kinh này đã được in đi in lại nhiều lần. Và cứ mỗi lần in là mỗi lần có sự thêm bớt, sửa đổi từ văn từ cho đến nội dung; kết quả, bản dịch gốc tuy chỉ có một, nhưng đã có nhiều dị bản. Chủ yếu có ba dị bản: 1) Bản được giữ trong Tống Tạng, Nguyên Tạng và Cao-li Tạng, mang hình thức xưa nhất của kinh bản; 2) Bản do Chân Tông (đời Tống) chú thích, được giữ trong Nam Tạng của nhà Minh; 3) Bản do Thủ Toại (đời Tống) chú thích, là một trong bộ Phật Tổ Tam Kinh của Thiền tông, được lưu hành rộng rãi hơn cả, các nhà chú sớ ở các triều Minh, Thanh, như Ngẫu Ích, Liễu Đồng, Đạo Phái, Tục Pháp, v.v... đều dùng bản này làm lam bản. Bản sau cùng này cũng là bản được lưu hành rất phổ biến ngày nay, văn từ đẹp đẽ, thêm nhiều tư tưởng cao siêu của giáo pháp đại thừa, khác nhiều so với bản kinh nguyên thỉ, lúc mới được tuyển dịch.(3) Bản kinh này hiện nay cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng để lưu hành trên thế giới, như Việt, Nhật, Hàn, Pháp, Anh, v.v...
Về nội dung thì kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng không khác gì với bao nhiêu kinh điển khác, nhưng về phương diện lịch sử thì thật là quan trọng; vì đó là cuốn kinh duy nhất (trong số mấy cuốn kinh) được dịch từ Phạn văn ra Hán văn đầu tiên, còn lưu hành cho đến ngày nay. Vậy, một câu hỏi được đặt ra: "Kinh này đã được dịch vào lúc nào? Tại đâu?"
Để trả lời câu hỏi này, từ trước đến nay, các sách sử của Phật giáo Trung-quốc đều khẳng định rằng, kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được dịch tại Lạc-dương (kinh đô nhà Hán), Trung-quốc, vào đời Hiếu Minh hoàng đế (58-75 TL), nhà Hậu Hán (25-220). Sự khẳng định này là do y cứ vào một truyền thuyết:
Vua Hán Minh Đế, vào măm thứ 3 niên hiệu Vĩnh-bình (tức năm 60 TL), một đêm kia nằm mộng thấy một người vàng, đầu có ánh sáng như mặt trời, bay đến trước điện. Sáng dậy, vua đem việc ấy hỏi quần thần. Quan thái sử Phó Nghị(4) tâu: "Thần nghe nói ở Tây-vức có vị thần, gọi là Phật. Người vàng mà bệ hạ thấy trong mộng, chắc là vị thần ấy." [......] Niên hiệu Vĩnh-bình thứ 7 (tức năm 64 TL), vua Minh Đế bèn sai lang trung Thái Âm(5), trung lang tướng Tần Cảnh, bác sĩ Vương Tuân, v.v..., cả thảy 18 người, đi về hướng Tây tìm cầu Phật pháp. Tới Ấn-độ, họ thỉnh được Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapamatanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa), dùng ngựa trắng chở kinh, đem cả xá lợi và họa tượng Phật. Phái đoàn về đến Lạc-dương vào năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh-bình (năm 67 TL). Vua rất mừng, xây chùa Bạch-mã, dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương. [......] Phật pháp khởi thỉ được truyền vào Trung-quốc từ thuở đó...(6)
Truyền thuyết này thấy xuất hiện đầu tiên trong sách Lí Hoặc Luận của Mâu Tử (160?-230?). Mâu Tử là người Hán, tinh thông cả Lão và Khổng học. Vì đất Hán nhiều loạn lạc nên đã phải bỏ quê nhà là Thương-ngô, đem mẹ xuống Giao-châu (Việt-nam) lánh nạn. Tại đây, ông được đọc kinh điển Phật giáo, vì nghiệm thấy giáo lí ấy cao sâu và thực tiễn, vượt hẳn Khổng, Lão, nên quyết chí theo Phật, trở thành một Phật tử tinh thông cả ba giáo. Ông viết sách Lí Hoặc Luận để giải tỏa những điều nghi hoặc về Phật giáo của những người Hán theo Khổng giáo và Đạo giáo, cũng đang sống tị nạn ở Giao-châu vào thời đó. Truyền thuyết về kinh Tứ Thập Nhị Chương như trên, đã được nói tới trong chương 21 của sách Lí Hoặc Luận.(7)
Trong sách Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam 1, bằng những luận cứ xác đáng, giáo sư Lê Mạnh Thát khẳng định rằng, Mâu Tử đã viết Lí Hoặc Luận vào khoảng năm 198, tức cuối thế kỉ thứ 2 TL. Vậy chắc chắn là kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được lưu hành ở thế kỉ thứ 2, hoặc sớm hơn, là từ thế kỉ đầu TL.
Nhưng kinh ấy đã được phát xuất từ đâu? Theo truyền thuyết trên, kinh ấy đã do Ma Đằng và Pháp Lan dịch tại Lạc-dương (kinh đô nhà Hán) vào năm 67 TL. Điều này không có gì là chắc chắn để chúng ta tin tưởng. Nhưng trải qua gần 20 thế kỉ, nó đã được coi như là thuyết chính thức cho sự du nhập Phật giáo vào Trung-quốc, cũng như cho sự xuất hiện của dịch bản kinh Tứ Thập Nhị Chương. Nhưng gần đây, với sự khám phá của hai vị giáo sư thạc học của Phật giáo Việt-nam là Nguyễn Lang và Lê Mạnh Thát, chúng ta thấy sự thực trở nên khác hẳn.
Trước hết, về hai vị được cho là "dịch giả" của Kinh Tứ Thập Nhị Chương: Truyền thuyết về vua Hán Minh Đế mộng thấy người vàng vừa nêu trên, được thấy xuất hiện trong tài liệu chữ Hán xưa nhất viết về Phật giáo là sách Lí Hoặc Luận của Mâu Tử (được viết vào cuối thế kỉ thứ 2 TL tại Giao-châu), nhưng trong sách này đã không hề nói tới danh tánh của hai "nhân vật dịch giả" là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Chương 21 của sách Lí Hoặc Luận chép:
"... Do thế vua hiểu, sai trung lang Thái Hâm, vũ lâm lang trung Tần Cảnh, bác sĩ đệ tử Vương Tuân, tất cả 18 người đến xứ Đại Nguyệt Chi(8) chép kinh Phật 42 chương, cất tại gian 14 nhà đá Lan Đài..."(9)
Điều này chứng tỏ, hai vị cao tăng Thiên-trúc là Ma Đằng và Pháp Lan, chưa chắc đã có mặt tại Lạc-dương trong thời vua Hán Minh Đế. Đời Lương (thời Nam-triều), ngài Tăng Hựu (445-518) soạn Xuất Tam Tạng Kí Tập, có nói tới kinh Tứ Thập Nhị Chương do sa môn Trúc Ma Đằng dịch, nhưng cũng không nói gì về tiểu sử của Trúc Ma Đằng. Điều đó chứng tỏ, lúc soạn sách, tuy Tăng Hựu có "nghe nói" về truyền thuyết kia, nhưng không có gì chắc chắn về sự có mặt của nhân vật "Trúc Ma Đằng", nên đã không đề cập tới nhân vật này.
Thứ đến, về dịch phẩm Kinh Tứ Thập Nhị Chương: Đời Đông Tấn, ngài Đạo An (314-385) soạn sách Tông(10) Lí Chúng Kinh Mục Lục, là cuốn sách mục lục về Phật điển đầu tiên của Phật giáo Trung-quốc, đã không ghi tên kinh Tứ Thập Nhị Chương. Cuốn sách kinh lục ấy đã thất truyền, nhưng dấu tích của nó còn tìm thấy trong sách Xuất Tam Tạng Kí Tập của ngài Tăng Hựu (445-518), ra đời hơn một trăm năm sau đó:
"Tứ Thập Nhị Chương Kinh, 1 quyển, Cựu Lục nói Hiếu Minh Hoàng Đế Tứ Thập Nhị Chương. Bản mục lục do An pháp sư soạn thiếu kinh này..." (11)
Sự việc trên chứng tỏ rằng, khi soạn sách Tông Lí Chúng Kinh Mục Lục, ngài Đạo An đã không biết tới kinh Tứ Thập Nhị Chương này. Theo giáo sư Nguyễn Lang:
"Không những Đạo An bỏ sót kinh Tứ Thập Nhị Chương, ông lại bỏ sót luôn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử nữa. Theo Đạo An, những kinh sách đầu tiên bằng Hán tự được dịch tại Lạc-dương. Đạo An người miền Bắc, đã từng ở Lạc Dương, biết nhiều về tình hình lưu truyền của Phật kinh miền Bắc, thế mà đã không nghe nói tới kinh Tứ Thập Nhị Chương: điều này làm ta tin rằng miền Bắc không phải là nơi xuất phát kinh này. Paul Pelliot (Meou Tseu ou les Doutes Levès) nói rằng có thể kinh này phát xuất ở miền hạ lưu sông Dương Tử, bởi di tích đầu tiên về kinh đã thấy ở tờ biểu của Tương Giai, mà Tương Giai là người ở gần miền này. Như vậy Đạo An có lẽ chưa từng đặt chân tới những miền có lưu hành kinh Tứ Thập Nhị Chương, tức miền Giang Tả và Giao Chỉ ở miền Nam. Đạo An cho rằng Lạc Dương là trung tâm đầu tiên phát xuất kinh điển Hán tự, không nói đến Tứ Thập Nhị Chương và Lý Hoặc Luận vốn là hai tác phẩm không phát xuất từ Lạc Dương; [......] Kinh Tứ Thập Nhị Chương nếu không phát xuất từ Lạc Dương hẳn phải phát xuất hoặc từ Bành Thành hoặc từ Luy Lâu. Nhưng như ta biết, trung tâm Luy Lâu là bàn đạp để Phật giáo truyền vào đất Hán; cuốn kinh đầu tiên tuyển dịch lời Phật dạy hẳn đã phát xuất từ trung tâm Luy Lâu vào thượng bán thế kỷ thứ hai và được đưa vào miền Giang Tả vào khoảng giữa thế kỷ này."(12)
Về "tờ biểu của Tương Giai" được nhắc tới trong đoạn văn trích trên đây, đó là tờ biểu mà Tương Giai tâu lên vua Hán Hoàn Đế (147-167) vào năm 166(13) để can gián về lối sống xa xỉ của nhà vua. Tờ biểu này được ghi lại trong sách Hậu Hán Thư của Phạm Việp (398-445), có đoạn như sau:
"Lại nghe trong cung dựng miếu thờ Hoàng Lão, Phù Đồ(14). Đạo đó thanh hư quí chuộng vô vi, hiếu sinh ghét giết, bớt dục bỏ xa xỉ. Nay bệ hạ ham muốn không bỏ, giết phạt quá lẽ, đã trái với đạo ấy, há nhận được phước ư? Phù Đồ không nghỉ ba đêm dưới cây dâu, vì không muốn lâu sinh ra tình ân ái. Thiên thần đem gái đẹp gửi đến, Phù Đồ nói: Đó là túi da đầy máu. Bèn không thèm nhìn. Phù Đồ thủ nhất như vậy, mới có thể thành đạo. Nay bệ hạ, gái dâm, bà đẹp, vượt hết vẻ đẹp của thiên hạ, đồ ngon thức ngọt, chót hết mùi của thiên hạ, thì làm sao mà muốn như Hoàng Lão ư?"(15)
Trong đoạn văn trên đây có nhắc đến hai sự việc lấy ra từ kinh Tứ Thập Nhị Chương: "Phù Đồ không nghỉ ba đêm dưới cây dâu, vì không muốn lâu sinh ra tình ân ái."(16), và: "Thiên thần đem gái đẹp gửi đến, Phù Đồ nói: Đó là túi dơ đầy máu. Bèn không thèm nhìn."(17).
Như vậy, từ thời vua Hán Hoàn Đế, đạo Phật mới thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Lạc-dương. Vào thời ấy, năm 148 (tức sau khi Hoàn Đế tức vị một năm) có vị cao tăng nước An-tức (Parthia - nước Iran ngày nay) là An Thế Cao (Arsakes, ?-170), đến Lạc-dương, trong suốt hai mươi năm, đã dịch tổng cộng khoảng 40 bộ kinh từ Phạn văn ra Hán văn; rồi Chi Lâu Ca Sấm (Locasema, 147-?) cùng nhiều vị khác từ Thiên-trúc và các nước Tây-vực cũng tiếp tục đến Lạc-dương, cùng tham gia vào việc dịch kinh, làm cho Lạc-dương trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng ở Trung-quốc vào cuối thế kỉ thứ hai.
Trở lại truyền thuyết cho rằng "kinh Tứ Thập Nhị Chương là cuốn kinh được dịch từ Phạn văn ra Hán văn đầu tiên tại Trung-quốc do hai ngài Ma Đằng và Pháp Lan dịch vào thời vua Hán Minh Đế", theo giáo sư Nguyễn Lang, đó là một câu chuyện "không có giá trị lịch sử". Ông nói:
"Cuối cùng, người ta nghĩ thật khó mà tin rằng chỉ vì một giấc mộng mà một phái đoàn quan trọng thế kia đã được gửi đi một chuyến hành trình quá gian khổ như thế. Truyền thuyết giấc mộng Hán Minh Đế vì vậy không có căn bản vững chắc. Ông Henri Maspéro năm 1910 đã đem nhiều chứng liệu để chứng minh rằng chuyện Giấc Mộng Hán Minh Đế chỉ là một sự �ăn gian vì đạo� (fraude pieuse) bịa đặt vào hậu bán thế kỷ thứ hai (Le Songe et l'Ambassade de l'Empereur Ming, étude critique des sources - BEFEO X). Nhưng tại sao người ta đã bịa đặt ra câu chuyện giấc mộng? Rất có thể vì trong đời nhà Hán, ngoài trung tâm Phật giáo Lạc Dương còn có trung tâm Bành Thành và trung tâm Luy Lâu. Những người theo Phật giáo ở kinh đô Lạc Dương trong giữa khoảng thế kỷ thứ hai có thể đã tạo dựng nên câu chuyện kia để chứng tỏ rằng Phật giáo Lạc Dương có sớm nhất, trong mục đích tạo uy tín cho trung tâm này. Nếu câu chuyện thấy có chép trong tác phẩm Lý Hoặc Luận, chắc hẳn đó là một sự thêm bớt sau này [......] sớm nhất là vào giữa thế kỷ thứ ba. Trong Lý Hoặc Luận, ta có thể tìm ra một số từ ngữ và cách hành văn có mầu sắc thế kỷ thứ ba và thứ năm; những yếu tố này cho ta biết một vài điều sửa chữa và thêm thắt đã xảy ra cho tác phẩm trong các thế kỷ đó."(18)
Những luận cứ trên làm cho ta tin rằng: Kinh Tứ Thập Nhị Chương không phải là cuốn kinh đầu tiên của Phật giáo Trung-quốc, được dịch từ Phạn ra Hán tại kinh đô Lạc-dương dưới triều Hán Minh Đế; mà nó đã được dịch và lưu hành tại Việt-nam trong khoảng từ thế kỉ đầu Tây lịch sang đầu thế kỉ thứ hai; đến giữa thế kỉ thứ hai thì được lưu truyền đến các địa phương phía Nam sông Dương-tử. Nếu xét nội dung của Lí Hoặc Luận và của kinh Tứ Thập Nhị Chương, lời khẳng định trên càng được sáng tỏ thêm. Câu hỏi ở chương 16 của Lí Hoặc Luận rằng:
"Đạo Phật trọng vô vi, ưa bố thí, giữ giới đau đáu như kẻ đi ven vực sâu. Nay sa môn đam mê rượu ngon, có kẻ nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên làm dối trá. Đấy là việc xấu lớn ở đời, mà đạo Phật gọi đó là vô vi sao?"(19)
Câu hỏi này được đặt ra để vấn nạn Mâu Tử, tác giả của sách Lí Hoặc Luận. Nội dung của câu hỏi ấy đã cho ta nhìn thấy cái tệ trạng của tăng đoàn Giao-châu (Việt-nam) thời bấy giờ. Câu hỏi đó cũng chứng tỏ, Việt-nam vào thế kỉ thứ hai đã có một tăng đoàn đông đảo. Thật vậy, trong sách Thiền Uyển Tập Anh (tác phẩm đời Trần, ghi tiểu sử các thiền sư Việt-nam từ cuối thế kỉ thứ 6 tới đầu thế kỉ 13) có ghi lại lời của pháp sư Đàm Thiên (Trung-quốc) tâu lên vua Văn Đế (581-604) nhà Tùy (581-619) rằng:
"Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy."(20)
Lời này cho ta thấy, trong khi ở Trung-quốc chưa có tăng sĩ người bản xứ (vì nhà Hán, rồi nhà Ngụy, đều không cho người Hán xuất gia(21)), thì ở Việt-nam vào thời đó đã có đông đảo tăng chúng người bản xứ; mà càng đông đảo thì càng hỗn tạp, rất dễ sinh tệ trạng, đó là điều không tránh khỏi. Và đó có thể là lí do chính đáng để kinh Tứ Thập Nhị Chương ra đời. Nội dung kinh này nêu lên một số hạnh tu căn bản dành cho giới xuất gia, hàm ý răn dạy người xuất gia hơn là nhằm vào giới cư sĩ; trong đó, vấn đề diệt trừ ái dục được đặc biệt chú trọng. Trong cái bối cảnh mà tăng chúng Giao-châu phần đông lơ là giới luật như thế, kinh Tứ Thập Nhị Chương đã ra đời kịp lúc như những lời cảnh tỉnh, hầu chấn chỉnh đạo phong của giới xuất gia, đem nếp sống phạm hạnh mà làm gương mẫu cho đời, củng cố niềm tin để cho nền mống đạo pháp được vững chắc. Ví dụ như lời Phật dạy ở Chương 1:
"Từ bỏ người thân để đi xuất gia, biết rõ tâm mình, thấu suốt bản tánh của mình, hiểu rõ pháp vô vi, đó gọi là sa môn; luôn hành trì 250 giới, đi đứng đều thanh tịnh, thực hành bốn đạo hạnh chân chính, thì chứng quả A-la-hán. [......] Người đoạn trừ ái dục, phải giống như chặt đứt chân tay, quyết không dùng lại nữa."
Hoặc như Chương 16:
"Phật dạy: Người ôm tâm ái dục thì không thể thấy đạo; ví như nước đang lắng yên mà lấy tay khuấy lên, mọi người đến soi thì chẳng ai thấy được ảnh mình. Người thường dính dáng tới sắc dục thì tâm bị vẩn đục, cho nên không thể thấy được đạo. Các thầy sa môn! Hãy dứt bỏ ái dục! Chừng nào những cáu bẩn của ái dục tuyệt sạch, chừng đó quí thầy mới thấy được đạo." (22)
Như vậy, khi pháp sư Đàm Thiên nói, nước ta vào thời đó đã có 15 quyển kinh Phật được lưu hành, thì chắc chắn, kinh Tứ Thập Nhị Chương là một trong số 15 quyển kinh đó. Sự việc nó được nói tới trong sách Lí Hoặc Luận của Mâu Tử, lại là một chứng cớ vững chắc nữa để xác định rằng, kinh này đã được tuyển dịch tại Việt-nam vào thượng bán thế kỉ thứ hai trở về trước. Pháp sư Đàm Thiên chỉ nói tới con số 15 quyển kinh đã được lưu hành ở nước ta vào thời đó, mà không nói rõ tên của 15 quyển kinh ấy. Nhưng theo những khám phá đầy tính khoa học gần đây của giáo sư Lê Mạnh Thát, trong số 15 quyển kinh kia, không những có kinh Tứ Thập Nhị Chương, mà ít ra, còn 3 quyển kinh nữa đã được tìm ra dấu tích và tên tuổi, đó là Lục Độ Tập Kinh, Cựu Tạp Thí Dụ Kinh và Tạp Thí Dụ Kinh. Ông nói:
"Như thế, một hệ thống kinh điển đã tồn tại ở nước ta vào thế kỷ thứ hai, mà quyển số theo Đàm Thiên có thể lên tới '15 bộ'. Điểm đáng tiếc là '15 bộ' này gồm những kinh gì, thì Đàm Thiên, rồi sau đó Thông Biện đã không kể ra. Điều may mắn là hiện nay ta có thể truy ra được ít nhất ba bộ kinh đã lưu hành vào thời đó, tức là Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh và Lục Độ Tập Kinh..."(23)
Hay ở một đoạn khác:
"Nói tóm lại, qua những phân tích sơ bộ trên, tối thiểu cho đến ngày nay ta có thể truy tìm lại được bốn bộ kinh đã tồn tại trong hệ thống kinh điển Phật giáo tại nước ta. Trong bốn bộ kinh đó, ngoại trừ Tứ Thập Nhị Chương Kinh, ba bộ còn lại đều thuộc loại kinh thí dụ..."(24)
Trong khi đó, theo giáo sư Nguyễn Lang, trong số 15 quyển kinh kia, ngoài Tứ Thập Nhị Chương còn có các kinh Bản Sinh (nói về các chuyện tiền thân của Phật), Bản Sự (nói về cuộc đời đức Phật), và có thể còn có cả kinh Di Lan Đà Vấn Đạo.(25)
Một nhận xét nữa của giáo sư Nguyễn Lang cũng đáng để chúng ta chú ý:
"Điều ta cần lưu ý ở đây là so với các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, trung tâm Luy Lâu ngoài việc dịch thuật kinh điển như các trung tâm khác, đã cống hiến những sáng tác sớm nhất. An Thế Cao, An Huyền, Nghiêm Phù Điều, Trúc Sóc Phật và Chi Lưu Ca Sấm ở Lạc Dương chỉ chú trọng nhiều về việc dịch thuật..."(26)
Lời nhận xét này đã cho thêm một chứng cứ để khẳng định rằng, kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được tuyển dịch tại Giao-châu trong thời gian sớm sủa đó, chứ không phải tại Lạc-dương. Xét nội dung cũng như văn phong của kinh này, chúng ta thấy nó không phải là một bản dịch thuần túy, mà có vẻ như một bản kinh "phỏng dịch", tức là, dịch là phần chính, nhưng cũng có thêm phần sáng tác. Xin thử so sánh một đoạn sau đây:
Kinh Tạp A Hàm có đoạn:
"Có một vị tôn giả tên là Nhị Thập Ức Nhĩ, dù tinh cần tu tập, nhưng vẫn không dứt hết phiền não; lòng buồn bực, muốn hồi tục. Phật hỏi ông: Thầy gảy đàn, nếu dây đàn căng quá, tiếng đàn có êm dịu không? Ông thưa: Bạch Thế Tôn, không! Nếu dây đàn dùn quá, tiếng đàn có êm dịu không? Bạch Thế Tôn, không! Nếu dây đàn vừa phải, không căng quá mà cũng không dùn quá, thì thế nào, tiếng đàn có êm dịu không? Bạch Thế Tôn, tiếng đàn sẽ nghe rất hay! Phật dạy: Sự tu hành cũng giống như vậy. Sự tinh tấn mà khẩn trương quá thì sẽ sinh thất vọng; sự tinh tấn mà lơi lỏng quá thì sẽ sinh giải đãi. Vì vậy, thầy hãy tu tập với tâm bình đẳng. Đối với các pháp đã tiếp thọ, không nên chấp trước, cũng không nên buông thả, càng không nên dính mắc vào hình tướng. Tôn giả nghe xong, y theo lời dạy mà tư duy, tu tập, cho đến khi mọi phiền não đều dứt hết, tâm hoàn toàn giải thoát, chứng đắc quả vị A-la-hán."(27)
Chương 34 của kinh Tứ Thập Nhị Chương đã "phỏng dịch" – thậm chí có thể nói là "phóng tác" – đoạn kinh trên như sau:
"Một vị sa môn, một đêm nọ tụng kinh Di Giáo của đức Phật Ca Diếp, tiếng nghe buồn bã, khẩn trương, có vẻ như ân hận, muốn thối chí. Đức Phật hỏi vị sa môn ấy: Ngày trước ở nhà thầy từng làm nghề gì? Sa môn thưa: Con rất thích đàn cầm. Phật hỏi: Dây đàn dùn thì thế nào? Sa môn thưa: Không ra tiếng. Dây đàn căng thì thế nào? Sa môn thưa: Mất tiếng. Vừa phải, không căng không dùn thì thế nào? Sa môn thưa: Các âm đều phát rõ. Phật dạy: Sa môn học đạo cũng vậy. Nếu tâm điều hòa thư thái thì có thể đạt đạo. Đối với đạo, nếu gắng quá sức thì thân mỏi mệt; thân mỏi mệt thì ý sinh bực bội; ý bực bội thì hành sẽ thối lui; hành đã thối lui thì tội lỗi thêm nhiều. Chỉ có thanh tịnh an vui thì đạo mới không mất."(28)
Lại nữa, về tình hình hành đạo ở nước ta trong mấy thế kỉ đầu Tây lịch, quả thật, tăng đoàn Giao-châu đã gặp phải nhiều trở lực, vì sự bài xích của những người Hán theo Khổng và Lão giáo. Chính bản thân sách Lí Hoặc Luận của Mâu Tử đã cho ta thấy rõ tình hình đó. Bởi vậy, kinh Tứ Thập Nhị Chương đã cung cấp cho tăng đoàn những cung cách hành xử khôn khéo, đúng chánh pháp, để đối trị những trở lực kia.
Người hành đạo chân chính, trước hết cần tự biết lỗi và biết sửa lỗi mình; làm cho mình thanh tịnh để không ai có lí do gì đả kích mình; như Chương 5 của Kinh nói:
"...... Nếu người có lỗi, và tự biết mình có lỗi, cải ác làm lành, thì tội lỗi tự tiêu mất; như đang bệnh mà được ra mồ hôi, từ từ sẽ khỏi bệnh."
Đối với người phỉ báng mình thì sao? Chương 6 dạy:
"Người ác nghe ta hành thiện, liền đến quấy nhiễu. Ta hãy giữ tâm bình thản, không giận dữ trách móc. Người kia đến gây ác thì tự họ sẽ gánh chịu hậu quả ác."
Chương 7 tiếp:
"Có người nghe Phật giữ đạo, thực hành hạnh nhân từ, liền đến mắng Phật. Phật yên lặng, không phản ứng. Người ấy mắng xong, Phật hỏi: Ông đem lễ vật tặng người, nếu người kia không nhận, có phải lễ vật ấy lại thuộc về ông không? Người ấy trả lời: Vâng, thuộc về tôi. Phật dạy: Nay ông mắng tôi, tôi không nhận những lời mắng ấy; ông hãy giữ họa đem về cho chính bản thân ông, như vang theo tiếng, bóng theo hình, không bao giờ tránh khỏi. Vậy ông nên cẩn thận, đừng làm điều ác!"
Chương 8 còn đưa ra những thí dụ hết sức thâm trầm:
"Phật dạy: Kẻ ác hại người hiền thì cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng. Nước miếng không đến trời, mà trở lại rớt xuống mặt mình! Như tung bụi ngược gió, bụi không tới người mà trở lại dính dơ thân mình. Người hiền không thể nào bị hại, mà mọi tai họa đều phải bị tiêu diệt."
Chương 10 ghi lời dạy của Phật về phước đức của những người tán trợ người hành đạo. Phước đức ấy như một bó đuốc lớn, dù có trăm ngàn người đến mồi lửa, lửa của bó đuốc cũng không bao giờ hết. Chương 33 ghi lời Phật dạy về ý chí dũng mãnh của người hành đạo:
"Phật dạy: Người hành đạo ví như một người phải chiến đấu với muôn người. Khi đã mặc giáp ra khỏi cửa, lòng hoặc là khiếp nhược, hoặc nửa đường thối lui, hoặc chiến đấu mà chết, hoặc chiến thắng trở về. Sa môn học đạo, tâm phải kiên trì, tinh tấn dũng mãnh, không sợ cảnh trước mặt, phá diệt các ma chướng, chứng đạt đạo quả."(29)
Tất cả những chứng cớ trên đều cho ta thấy, kinh Tứ Thập Nhị Chương không phải là cuốn kinh đã được dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ sớm nhất của Phật giáo Trung-quốc, như các sách sử của Phật giáo Trung-quốc đã khẳng định từ trước đến nay; mà hai vị đại sư Ấn-độ là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan cũng không phải là dịch giả của kinh này. Dù sau tựa đề kinh có ghi câu "Hậu Hán Ca Diếp Ma Đằng Trúc Pháp Lan đồng dịch", thì đó cũng chỉ là một sự gán ghép không hợp lí mà thôi. Sự thực là ngày nay chúng ta chỉ thấy có danh tánh hai vị cao tăng này, mà không thấy có tác phẩm nào của hai ngài ấy. Lai lịch của hai vị cao tăng này đã không thấy nói tới trong luận văn Phật giáo viết bằng Hán ngữ xưa nhất hiện còn tồn tại là Lí Hoặc Luận của Mâu Tử. Bản Tứ Thập Nhị Chương Kinh in trong Đại Chánh Đại Tạng Kinh, sau tựa đề kinh có ghi hàng chữ "Hậu Hán Tây-vức sa môn Ca Diếp Ma Đằng cộng Pháp Lan dịch", nhưng trong bài tựa thì không thấy ghi tên hai vị cao tăng này như trong chú giải của đại sư Ngẫu Ích ghi trên. Khi Tăng Hựu (445-518) viết Xuất Tam Tạng Kí Tập vào đời Lương (502-558), có nói kinh Tứ Thập Nhị Chương do Trúc Ma Đằng dịch, nhưng không chép gì về tiểu sử của Trúc Ma Đằng. Mấy mươi năm sau, khi Tuệ Hạo (497-554) viết sách Cao Tăng Truyện thì tiểu sử của ngài Ca Diếp Ma Đằng mới được nói tới rõ ràng, kèm theo truyền thuyết về giấc mộng người vàng của vua Hán Minh Đế. Trong tiểu sử ấy có đoạn rằng:
"...... Đằng thệ nguyện hoằng pháp không sợ khó nhọc, mạo vượt lưu sa, thì đến Lạc Ấp. Minh Đế khen thưởng tiếp đãi rất hậu, ở ngoài cửa thành Tây dựng tinh xá cho Đằng ở. Đất Hán mới bắt đầu có sa môn. Nhưng đại pháp mới truyền, chưa có qui tín, nên Đằng giấu sự hiểu sâu của mình, mà không tuyên thuật điều gì. Ít lâu sau mất ở Lạc Dương. Có Ký nói: Đằng dịch Tứ Thập Nhị Chương Kinh một quyển xưa cất trong gian 14 nhà đá Lan Đài."(30)
Như vậy là ngài Trúc Ma Đằng không có tác phẩm nào cả; còn chuyện ngài dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng không chắc chắn gì, Tuệ Hạo chỉ "nghe đồn" mà thôi. Tiếp đó, Tuệ Hạo cũng có ghi truyện của ngài Trúc Pháp Lan:
"Trúc Pháp Lan cũng được mời đến một lượt với Đằng, và đã phiên dịch năm bộ Thập Địa Đoạn Kết, Phật Bản Sinh, Pháp Hải Tạng, Phật Bản Hạnh và Tứ Thập Nhị Chương. Nhưng bốn bộ thất bản không truyền ở Giang Tả, chỉ Tứ Thập Nhị Chương này còn thấy, còn hơn hai ngàn lời. Đất Hán hiện còn các kinh, chỉ kinh này là đầu."(31)
Về bốn dịch phẩm thất truyền này, tuy là có tên nhưng vẫn không có căn cứ chắc chắn, coi như không có. Về Kinh Tứ Thập Nhị Chương, được biết là Trúc Pháp Lan dịch chung với Ca Diếp Ma Đằng; mà Ma Đằng đã không có gì chắc chắn, thì Pháp Lan cũng vậy thôi.
Tới đây chúng ta có thể kết luận, Tứ Thập Nhị Chương là một trong những bộ kinh Phật đã được tăng đoàn Việt-nam dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ tại Việt-nam sớm nhất (trong khoảng từ thế kỉ đầu cho đến nửa đầu thế kỉ thứ 2 Tây lịch - không biết đích xác dịch giả là ai), còn lưu truyền cho đến ngày nay. Kinh này đã được truyền bá đến miền Giang-tả vào giữa thế kỉ thứ 2 TL, và sau đó lan rộng đến Lạc-dương, kinh đô của nhà Hán. Với những khám phá quan trọng gần đây của hai vị giáo sư Nguyễn Lang và Lê Mạnh Thát, sự thực, một Tạng Kinh Việt-nam đã được hình thành từ mấy thế kỉ đầu Tây lịch, chắc chắn là chưa đầy đủ như ngày nay, nhưng cũng đã khá đồ sộ, như sách Lí Hoặc Luận nói: "Nay kinh Phật, quyển số kể đến vạn, lời đếm tới triệu, không phải sức một người có thể kham nổi..."(32), thật quá đủ để làm nền tảng vững chắc để xây dựng cho dân tộc Việt một nếp sống tinh thần văn minh, tiến bộ về mọi lĩnh vực như văn hóa, tư tưởng, giáo dục, chính trị, đạo đức v.v...; không những thế, nó còn là cơ sở chắc chắn để từ đó Phật giáo được truyền bá vào Trung-quốc, trước khi các vị Phạm tăng đến được đất Hán! Rất tiếc, vì nước nhỏ dân ít, nước ta đã bị người Trung-quốc xâm lăng mấy lượt, đô hộ cả nghìn năm. Với mưu đồ đồng hóa, họ đã tận diệt tất cả cái gia tài văn hóa của Việt-nam. Mỗi lần xâm lăng là mỗi lần thu vét sách vở, thứ gì thích thì mang về cất giữ làm của mình, thứ gì không thích thì đốt cháy sạch; cố làm cho mất hết vết tích. Chỉ cần tìm hiểu một bản kinh Tứ Thập Nhị Chương này thôi, đã hiển lộ cả một tình cảnh bi thương của đất nước Việt-nam như thế đó!






CHÚ THÍCH

(1) Theo bản "Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh Giải" của đại sư Ngẫu Ích (1599-1655), cuối đời Minh, trong sách Di Giáo Tam Kinh Chú Giải. Hương-cảng: Hương Cảng Phật Kinh Lưu Thông Xứ, 1988.
(2) Ví dụ: Chương 29 đã được trích dịch từ kinh Đại Bát Niết Bàn (bản Nam truyền); Chương 34 đã được trích dịch từ kinh Tạp A Hàm; v.v...
(3) Giáo sư Nguyễn Lang có đưa ra nhiều điểm dị biệt khi đối chiếu các bản in khác nhau của kinh này. Xin xem sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển 1, Chương 2, để biết rõ chi tiết.
(4) Giáo sư Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, đã viết nhầm là "Truyền Nghị". – Trong chữ Hán, tự dạng của hai chữ "phó"(傅) và "truyền" (傳) trông giống nhau.
(5) Không biết do dâu, các sách tiếng Việt đều viết là "Thái Hâm". – Trong chữ Hán, tự dạng của hai chữ "âm" (愔) và "hâm" (歆) trông giống nhau.
(6) Lời chú giải của đại sư Ngẫu Ích, trong sách Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh Giải.
(7) Xin xem "Bản Dịch Lý Hoặc Luận", trang 173, sách Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam 1 của Lê Mạnh Thát. Sài-gòn: Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
(8) Đúng ra là "Đại Nhục Chi". – Trong các kinh luận chữ Hán, khi viết tên nước Đại-nhục-chi, chữ "nhục" được viết y như chữ "nguyệt"; chữ "chi" được viết y như chữ "thị"; cho nên có người đọc là "nguyệt thị", hoặc "nguyệt chi".
(9) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 195.
(10) Các sách tiếng Việt đều viết nhầm là "Tổng".
(11) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 77.
(12) Nguyễn Lang, sđd, tr. 57-58.
(13) Gs Lê Mạnh Thát, trong sách TTVHPGVN 1, viết nhầm là năm 167.
(14) Phù Đồ là tiếng dịch âm khác của Phật Đà, tức là "Phật".
(15) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 148.
(16) Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 3: "Phật dạy: Người đã cạo bỏ râu tóc, làm vị sa môn, thọ nhận đạo pháp, hãy từ bỏ của cải thế tục, chỉ xin ăn đủ sống; mỗi ngày chỉ ăn một bữa trưa, chỉ ngủ mỗi đêm nơi một gốc cây, không được nhiều hơn. Chính ái và dục làm cho con người bị ngăn che, ngu tối vậy."
(17) Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 26: "Thiên thần dâng ngọc nữ cho Phật, muốn phá hoại ý chí của Phật. Phật dạy: Cái đãy da đựng đủ thứ đồ dơ bẩn, ông đem đến đây làm gì! Đem đi, tôi không dùng! Thiên thần rất kính phục, bèn hỏi ý đạo, Phật giảng nói cho. Nghe xong liền chứng quả Tu-đà-hoàn."
(18) Nguyễn Lang, sđd, tr. 20-21.
(19) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 190.
(20) Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1, Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1999, tr. 98.
(21) Sách Cao Tăng Truyện trích lời sớ của Vương Độ đời Tấn: "Từ khi Phật giáo được du nhập, chỉ nghe nói đến các sư Tây Vực được phép lập chùa thờ Phật, người Hán không được phép xuất gia. Nhà Ngụy theo pháp chế của nhà Hán, cũng chưa cho dân bản xứ xuất gia." (Nguyễn Lang, sđd, tr. 23.)
(22) Trích dịch từ sách Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú Giải của đại sư Ngẫu Ích.
(23) Lê Mạnh Thát, TTVHPGVN 1, tr.76.
(24) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 82.
(25) Nguyễn Lang, sđd, tr. 35.
(26) Nguyễn Lang, sđd, tr.36-37.
(27) Trích trong sách Giáo Khoa Phật Học cấp hai (Bài 8), của Hạnh Cơ (dịch và chú thích bổ túc), Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam in tại California, năm 2005.
(28) Trích dịch từ sách Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú Giải của đại sư Ngẫu Ích.
(29) Các đoạn kinh văn trên đều được trích dịch từ sách Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú Giải của đại sư Ngẫu Ích.
(30) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 79.
(31) Như trên.
(32) Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 179.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]