Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

THỰC TẬP: Bố thí

24/03/201103:34(Xem: 10928)
THỰC TẬP: Bố thí

SỐNG VỚI TÂM TỪ
Sharon Salzberg, Nguyễn Duy Nhiên dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Năng lượng của sự bố thí

THỰC TẬP: Bố thí

Con đường của Phật dạy được gọi là con đường Trung đạo, nghĩa là không bị kẹt vào hai bên thái cực. Một thái cực cho rằng thế giới này là của dục lạc, những gì chúng ta thấy, nghe và xúc chạm là có thật và vững bền. Quan niệm này xúi giục ta đi tìm một kinh nghiệm duy nhất nào đó có thể đem lại cho ta hạnh phúc mãi mãi. Trong cái nhìn này, những gì ta thu thập được rất quan trọng, vì vậy ta theo đuổi và cố bắt giữ những đối tượng của mình. Nhất là trong nền văn hóa ngày nay, chúng ta dễ trở thành một kẻ “ghiền kinh nghiệm”, lúc nào cũng muốn kinh nghiệm hết cái này đến cái khác, càng nhiều càng tốt. Bạn hãy thử quán chiếu lại sự kiện này trong đời mình. Có khi nào bạn đi tìm một hạnh phúc vĩnh cửu bằng cách nắm giữ một vật gì, hoặc một người nào cho riêng mình không, và kết quả như thế nào?

Thái cực thứ hai là chủ trương hư vô. Theo quan niệm này, những gì ta cảm nhận đều không có một giá trị nào hết. Mọi hiện tượng đều trống rỗng, phù du và vô nghĩa. Chúng ta không có một giá trị và quyền năng nào hết. Vì cuộc đời này không có ý nghĩa nên mọi niềm tin và nỗ lực của ta đều hoàn toàn vô ích. Nhưng chúng ta quên mất rằng hành động của mình sẽ mang lại hậu quả. Chúng ta quên rằng mình có khả năng, và cần phải tinh tấn, để tự giải thoát chính mình cũng như người khác ra khỏi mọi khổ đau. Nếu như bạn đã từng có những quan niệm về hư vô này, bạn hãy nhớ lại ảnh hưởng của chúng trên sự cảm thông và thiện ý của bạn đối với người khác. Thay vì vướng mắc trong trạng thái vô vọng, chán chường này, bạn hãy thực tập niệm tâm từ, tâm bi và tâm hỷ. Và bạn hãy quan sát những sự thay đổi khởi lên trong tâm.

Con đường Trung đạo tránh xa cả hai thái cực: chạy theo vật chất và chủ trương hư vô. Ý niệm về một con đường Trung đạo khó có thể diễn đạt được, như đức Phật có lần ví cuộc đời này như là “mộng huyễn, như bọt nước, như sương mai, như ánh chớp” (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán. - Kinh Kim cang). Tất cả thế giới hiện tượng - chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm... - đều không vững bền và không có thực thể.

Nếu như ta rơi vào thái cực thứ nhất, ta sẽ bị kẹt vào sự dính mắc. Nếu ta rơi vào thái cực thứ hai, ta sẽ bị lạc vào sự tự mãn hoặc tuyệt vọng. Và nếu như ta đi được trên con đường Trung đạo, hành động của ta sẽ phản ảnh được tuệ giác về hậu quả của việc mình làm và tự tánh vô thường của sự sống.

Bố thí là một hành động phát xuất từ con đường Trung đạo. Nó cho phép ta có được một cá tính không dính mắc và cũng không tự mãn. Bố thí là một cử chỉ của tâm, ý thức rằng, mặc dù không có gì là bền vững cho ta nắm bắt, nhưng hành động của ta vẫn có ý nghĩa và cần thiết. Bạn hãy thực tập như thế này, chú ý đến những khi bạn có một ý nghĩ bố thí khởi lên và rồi bạn ngăn lại. Bạn hãy cảm nhận cái cảm xúc chống cự ấy. Thử đặt tên cho nó xem. Nhỏ hẹp? Cứng nhắc? Sợ hãi? Bạn hãy quán chiếu cho thật sâu sắc.

Kế tiếp, bạn hãy quán sát tác ý muốn bố thí. Nó có mang tính chất nhường nhịn, buông bỏ, và chia sẻ? Bạn thử diễn tả cái tác ý rộng lượng, quảng đại ấy, nó như thế nào? Bạn có cảm thấy mình không còn bị ràng buộc, ý thức rằng hạnh phúc không nằm ở sự nắm bắt và tích trữ?

Nếu có thể được, và không hại gì đến ai, bạn hãy buông bỏ sự chống cự của mình và đem cho vật mình đang nghĩ. Mặc dù có thể sẽ có những cảm xúc lẫn lộn, nhưng bạn hãy chú ý đến mọi khía cạnh của hành động bố thí, và tiến hành việc ban cho. Quán sát tâm mình. Đặc biệt hãy theo dõi chuỗi cảm xúc, bắt đầu từ giây phút thật sự buông bỏ và ý thức rộng lượng ấy.

Bạn nên nhớ rằng, giá trị của món quà không quan trọng, chính hành động bố thí xác định được sự nối liền giữa ta và người khác. Nếu như ta chọn bố thí làm con đường tu tập của mình, tâm thức ấy sẽ mỗi ngày càng thêm tăng trưởng. Bố thí bao giờ cũng là một phương pháp tu tập tâm linh vô cùng quan trọng.

Có lần, tôi được dịp tháp tùng một vị thiền sư đi mở những khóa tu nhiều nơi ở Hoa Kỳ. Vì là một người trong phái đoàn nên tôi có duyên may được nhiều thời giờ gần gũi ông. Ông ta có nhiều đệ tử ở khắp nơi và họ rất vui mừng được đón tiếp ông. Họ thường bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi vì đã đứng ra tổ chức cho chuyến đi, và thường chia sẻ chỗ ở cũng như thức ăn cho tôi rất rộng rãi. Nhưng cũng có những khi, tôi bị kẹt trong một tình trạng mà các đệ tử khác xem sự có mặt của tôi là một chướng ngại cho sự gặp gỡ riêng giữa họ với ông. Họ bảo tôi họ không có gì cho tôi ăn chiều, vì họ không có đủ thức ăn, hay vì một lý do gì đó. Và trong một thành phố lạ, vào khoảng 8, 9 giờ tối, tôi phải tự đi kiếm gì để ăn. Kiếm một nơi ăn thì chẳng thành vấn đề, nhưng cảm giác bị bỏ rơi, không được tiếp đón, mới thật là đau đớn và thấm thía. Và từ đó, tôi tự hứa sẽ không bao giờ để ai phải rơi vào hoàn cảnh như tôi, tôi sẽ cố gắng sống thật tế nhị và không bỏ ra ngoài bất cứ một người nào hết.

Trong nền văn hóa của chúng ta, vì thái độ tự phê phán rất cao, nên ta cần phải đặc biệt ý thức đến chính mình trong những hành động bố thí. Bạn nên nhớ, nếu ta bố thí vì một mặc cảm tự ti, hành động ấy sẽ không thể mang lại cho ta hạnh phúc. Sự thực tập bố thí phải đi đôi với tâm xả, điều đó giúp ta cởi mở và rộng lượng nhưng vẫn ý thức được sự giới hạn của mình. Chúng ta đặt nền tảng của sự bố thí trên bốn tâm vô lượng, nhờ vậy mà sự bố thí trở thành một biểu hiện ngời sáng cho con đường Trung đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]