ABHIDHARMAKOŚABHĀṢYAM
阿 毘 達 磨 俱 舍 論
A-TÌ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN I
dịch theo bản Sanskrit
TUỆ SỸ
BAN TU THƯ PHẬT HỌC 2547 – QUÝ MÙI
Tiết 2: Thiết lập ba khoa
I. Thống nhất uẩn xứ giới
A. Tụng văn
PHẠN VĂN
sarvasaṃgraha ekena skandhenāyatanena ca/
dhātunā ca svabhāvena parabhāvaviyogataḥ//18/
jātigocaravijñānasāmānyād ekadhātutā/
dvitve’ pi cakṣurādīnām śobhārthaṃ tu dvayobhavaḥ//19/
HÁN VĂN
總攝一切法 由一蘊處界
攝自性非餘 以離他性故
類境識同故 雖二界體一
然為令端嚴 眼等各生二
VIỆT DỊCH
Tất cả pháp được thống nhất bởi một uẩn, một xứ,
Và một giới; theo tự thể, vì không tương hợp tha thể.
Tự bản tính, là một giới, vì đồng nhất chủng loại, hoạt trường, nhận thức;
Tuy vậy, con mắt các thứ có hai. Nhưng vì mục đích thẩm mỹ mà phát sinh thành hai.
Vì mục đích sai biệt, vì lý do ưu thế, và vì bao hàm nhiều pháp;
Một xứ được gọi là sắc xứ, và một là pháp xứ.
B. Luận thích
1. Nguyên lý tổng thể
Ở đây, tất cả hữu vi được thống hợp[1]trong uẩn. Tất cả hữu lậu được thống hợp trong thủ uẩn. Xứ và giới thống hợp toàn thể hết thảy pháp.
Nhưng, theo tổng thể, nên biết:
[18a-b] Thống nhất toàn thể[2]bởi một uẩn, một xứ,
Và một giới;
Bằng một sắc uẩn, một ý xứ và một pháp giới, nên biết, tất cả pháp được thống nhất.[3]Đây là sự thống nhất được nói đến nhiều nơi[4], cần phải biết:
[18c] theo tự thể[5].
Chứ không theo tha thể. Vì sao?
[18d] Vì không tương hợp tha thể.
Thật vậy, pháp không tương hợp với tha thể.[6]Do đó, không thể nói nó được thống nhất với cái mà nó không tương hợp. Chẳng hạn, căn con mắt được thống nhất với sắc uẩn, được thống nhất trong xứ và giới của con mắt, trong Khổ và Tập đế. Vì đấy là tự thể của nó. Nhưng nó không được thống nhất với các uẩn khác, vì không cùng thể tính với nó.
Thế nhưng, sự thống nhất cũng được nói rằng thống nhất cái này bởi cái khác, như một cộng đồng được thống nhất bởi các nhiếp sự?[7]Quả thật vậy, nhưng những trường hợp đó được nói theo ước lệ.[8]
2. Cá biệt
Phải chăng cần công nhận có hai mươi mốt giới, bởi vì có hai mắt, hai tai và hai mũi? Không thể kể như vậy. Bởi vì,
[19a-c] Tự bản tính, là một giới, vì đồng nhất chủng loại, hoạt trường, nhận thức;
Tuy vậy, con mắt các thứ có hai.
Ở đây, đồng nhất chủng loại, vì cả hai cũng đồng tự thể là con mắt. Đồng nhất hoạt trường[9], vì cùng chung cảnh vực là sắc. Đồng nhất nhận thức, vì cả hai cũng đồng là sở y cho thức con mắt. Vì vậy, chỉ có một giới của con mắt. Tai và mũi cũng vậy.
[18d] Nhưng vì mục đích thẩm mỹ mà phát sinh thành hai.
Chỉ một giới nhưng con mắt các thứ sinh thành hai, vì mục đích thẩm mỹ cho sở y. Nếu không như thế, với một con mắt, một lỗ tai, một lỗ mũi, có thể cực kỳ xấu xí.[10]
Đã nói xong uẩn, xứ, giới.
II. Tổng luận ba khoa
A. Tụng văn
PHẠN VĂN
rāśyāyadvāragotrārthāḥ skandhāyatanadhātavaḥ/
mohendriyarucitraidhāt tisraḥ skandhāđieśanāḥ//20/
vivādamūlasaṃsārahetutvāt kramakāraṇāt
caittebhyo vedanāsaṃjñe pṛthak skandhau niveśitau//21/
skandheṣv asaṃskṛtaṃ noktam arthāyogāt kramaḥ punaḥ/
yathaudārikasaṃkleśabhājanādyarthadhātutaḥ//22/
prāk pañca vartamānārthyād bhautikārthyāc catuṣṭayaṃ/
dūrāśutaravṛttyānyad yathāsthānaṃ kramo’ tha vā //23/
viśeṣaṇārthaṃ prādhānyād bahudharmāgrasaṃgrahāt/
ekam āyatanaṃ rūpam ekam dharmākhyam ucyate// 24/
dharmaskandhasahasrāni yāny aśītiṃ jagau muniḥ/
tāni vāṅ nāma vety eṣaṃ rūpasaṃskārasaṃgrahaḥ//25/
śāstrapramāṇa ity eke skandhādīnāṃ kathaikaśaḥ/
caritapratipakṣas tu dharnasskandho’ nuvarṇitaḥ//26/
tathānye’ pi yathāyogaṃ skandhyatanadhātavaḥ/
pratipādyā yathokeṣu saṃpradhārya svalakśaṇaṃ//27/
chidram ākāśadhātvākhyam ālokatamasī kila/
vijñānadhātur vijñānaṃ sāsravaṃ janmaniśrayaḥ//28/
HÁN VĂN
聚生門種族 是蘊處界義
愚根樂三故 說蘊處界三
諍根生死因 及次第因故
於諸心所法 受想別為蘊
蘊不攝無為 義不相應故
隨麤染器等 界別次第立
前五境唯現 四境唯所造
餘用遠速明 或隨處次第
為差別最勝 攝多增上法
故一處名色 一名為法處
牟尼說法蘊 數有八十千
彼體語或名 此色行蘊攝
有言諸法蘊 量如彼論說
或隨蘊等言 如實行對治
如是餘蘊等 各隨其所應
攝在前說中 應審觀自相
空界謂竅隙 傳說是明闇
識界有漏識 有情生所依
VIỆT DỊCH
Uẩn, xứ và giới, có nghĩa là tụ, sinh môn và chủng tộc.
Ngu si, căn tính, và sở thích đều có ba, do đó thuyết pháp bằng uẩn v.v…
Vì là gốc rễ của đấu tranh; vì là nguyên nhân của luân hồi; và vì lý do thứ tự.
Do đó, từ các tâm sở, thọ và tưởng được lập thành hai uẩn riêng biệt.
Vô vi không được đề cập trong các uẩn. Vì ý nghĩa không phù hợp.
Lại nữa, thứ tự, cũng như ý nghĩa của thô, nhiễm và khí cụ; cũng vậy, về giới.
Năm [căn] kể trước, vì đối tượng của chúng là hiện tại.
Bốn căn đầu, vì đối tượng là địa chủng phái sinh.
Còn lại, theo hoạt động tầm xa và nhanh hơn.
Hoặc thứ tự tùy theo vị trí.
Vì mục đích giản biệt, vì lý do ưu thế, vì bao hàm nhiều pháp; và vì tối thượng
Một xứ được gọi là sắc xứ, và một là pháp xứ.
Đức Muni đã tán vịnh tám nghìn pháp uẩn;
Tùy theo chúng là ngữ hay danh mà được bao hàm trong sắc hay hành
Có thuyết nói, đó là lượng của Luận.
Mỗi nghị luận là một uẩn các thứ.
Nhưng, pháp uẩn được giải thích theo sự đối trị tập tính.
Cũng vậy, các uẩn, xứ, giới khác, tùy theo sự thích ứng,
Được đề cập trong nhưng cái như đã nói, quan sát yếu tính của chúng.
Lỗ hổng được quan niệm là hư không giới.
Truyền thuyết nói là sáng và tối.
Thức giới, là thức hữu lậu.
Những sở y của sinh mạng.
B. Luận thích
1. Ý nghĩa uẩn-xứ-giới
Tuy nhiên, điều cần phải nói ở đây là, nghĩa của uẩn, xứ và giới là gì?
i. Uẩn (skandha)
[20a-b] Uẩn, xứ và giới, có nghĩa là tụ, sinh môn và chủng tộc.
Kinh[11]nói: «Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoăc thô, hoặc vi tế, hoặc thấp kém, hoặc vi diệu, hoặc xa, hoặc gần, tất cả được tổng họp làm một, và gọi đó là sắc uẩn.» Điều đó chứng minh rằng trong Kinh uẩn có nghĩa là tụ (đống)[12].
Trong đó, sắc quá khứ là cái đã bị hủy diệt bởi vô thường. Vị lai là cái chưa sinh. Hiện tại là cái đã sinh mà chưa diệt. Cái bên trong là cái thuộc chuỗi tiếp nối tự thân[13]. Khác với đây là ngoài. Hoặc tùy theo xứ mà nói.[14]Thô, là cái có đối kháng[15]. Vi tế là cái không đối kháng. Hoặc do đối chiếu[16]mà xác định.
Nếu thế, nếu do đối chiếu, thì thô và tế bất thành? Không phải vậy. Vì có sự khác biệt về cái được đối chiếu[17]. Khi do đối chiếu mà nó là thô, thì khi ấy không do đối chiếu mà nó là tế. Như cha và con.[18]
Cái thấp kém, là cái ô nhiễm. Vi diệu, là cái không ô nhiễm. Xa, là cái thuộc quá khứ. Gần, là cái thuộc hiện tại.
Cũng vậy, cho đến thức. Tuy nhiên, có điểm đặc biệt này. Thô, là (thức) lấy năm căn làm y. Tế là ý. Hoặc, theo các nhà Vaibhāśika, tùy theo địa vị.
Bhadanta[19]nói: Sắc thô là cái được tiếp nhận bởi năm căn. Trái lại là vi tế. Thấp kém, là cái không thích ý. Vi diệu là cái thích ý. Xa, là ở vị trí không được thấy. Gần là ở vị trí được thấy. Nhưng cái quá khứ, v.v... đã được nêu rõ bởi danh từ của chúng.»
Thọ, v.v… nên biết, cũng như vậy. Tuy nhiên, xa hay gần là tùy thuộc sở y của chúng. Thô và tế cũng như trên.
ii. Xứ (āyatana)
Cửa sinh xuất[20]của tâm và tâm sở, là nghĩa của xứ. Theo ngữ nguyên, xứ là cái làm gia tăng sự sinh xuất của tâm và tâm sở[21]. Nghĩa là, chúng khuếch trương.[22]
iii. Giới (dhātu)
Nghĩa của giới là chủng tộc.[23]Cũng như ở một chỗ trong núi có nhiều họ của sắt, đồng, vàng, bạc các thứ, được gọi là giới; cũng vậy, trong một sở y hay trong chuỗi tương tục có mười tám chủng loại được gọi là mười tám giớí.
Ở đây, chủng tộc được hiểu là mỏ.[24]
Thế thì, con mắt các thứ là mỏ của cái gì? Của chủng loại cá biệt của nó. Vì là đồng loại nhân.[25]Nếu vậy, vô vi không thể là giới.[26]Nhưng, nó là mỏ khoáng của tâm và tâm sở.
Theo thuyết khác, từ «giới» hàm nghĩa chủng loại. Chủng loại của mười tám pháp có tự thể riêng biệt, nên có mười tám giới.
iv. Phê phán định nghĩa
a. Uẩn giả hữu
Nếu uẩn có nghĩa là tụ, uẩn phải được quan niệm là giả hữu,[27]vì là tập hợp của nhiều vật thể bất nhất; như một tụ, một con người?[28]
Không phải vậy. Vì một cực vi của vật thể cũng là uẩn.
Nếu vậy, ở đây không thể nói «uẩn nghĩa là tụ.» Bởi vì một cực vi đơn nhất không có tính chất là một tụ.
Thuyết khác nói: uẩn là cái mang gánh nặng việc phải làm.[29]Hoặc nó có nghĩa là cái khả phân.[30]Như có câu nói: «Tôi sẽ cho, nếu được trả ba uẩn.»[31]
Cả hai thuyết này đều mâu thuẫn với Kinh. Vì Kinh nói, chính nghĩa của tụ là nghĩa của uẩn, rằng: «Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, v.v…» Trong đó từng sắc riêng biệt, hoặc quá khứ, v.v… được xác nhận là uẩn.
Phải chăng tất cả sắc quá khứ v.v… này, từng cái riêng biệt là uẩn? Không thể nhận thức như vậy. Vì Kinh nói rằng, «Tất cả cái này được tóm lược thành một cái đơn nhất.»[32]Vì vậy, cũng như tụ, các uẩn là giả hữu.
b. Xứ thục hữu
Nếu vậy, các sắc xứ cũng được quan niệm là giả hữu,[33]vì là cửa xuất hiện do nhiều cực vi họp thành con mắt các thứ?
Không phải vậy. Vì từng cực vi một là tác nhân của toàn thể. Nếu không, do sự cộng đồng hợp tác với cảnh vực, nên căn không thể là một xứ riêng biệt.[34]
Nhưng các nhà Vaibhāṣika[35]nói rằng, khi một vị Abhidharmika quan niệm uẩn là giả, vị ấy nói cực vi là bộ phận của một giới, một xứ, một uẩn. Khi không quan niệm là giả, vị ấy nói, cực vi là một giới, một xứ, một uẩn. Thật vậy, ở nơi một phần mà giả thiết là toàn phần.[36]Như nơi một phần cái áo bị cháy mà nói là cái áo cháy.
2. Ý hướng thiết lập
i. Tổng lập ba khoa
Tại sao Đức Thế Tôn thuyết pháp bằng ba khoa uẩn, xứ, giới này?
Luận nói, đối với những hạng cần được giáo hóa,
[20c-d] Ngu si, căn tính, và sở thích đều có ba, do đó thuyết pháp bằng uẩn v.v…
Nói là có ba, nghĩa là có ba hình thái khác nhau.[37]Theo truyền thuyết, có ba hình thái ngu si của các chúng sinh. Một số ngu mê về tâm và tâm sở, chấp toàn khối là tự ngã. Một số ngu mê sắc.[38]Một số khác ngu mê cả sắc và tâm.
Căn tính cũng có ba.[39]Căn sắc bén, căn trung bình và căn chậm lụt.
Sở thích cũng có ba: thích sự trình bày tóm lược; thích trung bình, và thích trình bày diễn rộng.
Theo thứ tự đó, có ba mục thuyết pháp: uẩn, xứ và giới.
ii. Thành phần của uẩn
Lại nữa, tại sao các tâm sở được đặt trong một hành uẩn; nhưng thọ và tưởng được đặt thành uẩn riêng biệt?
[21] Vì là gốc rễ của đấu tranh; vì là nguyên nhân của luân hồi; và vì lý do thứ tự.
Do đó, từ các tâm sở, thọ và tưởng được lập thành hai uẩn riêng biệt.
1/ Có hai gốc rễ của sự đấu tranh[40]: đam mê dục vọng và tham chấp quan điểm.[41]Theo thứ tự, thọ và tưởng là nguyên động lực của chúng. Thật vậy, do sự chi phối bởi vị ngọt của cảm thọ, chúng ôm chặt những tham dục; và do tưởng điên đảo, chúng bám chặt lấy các quan điểm.
2/ Cả hai cũng là nguyên nhân của luân hồi. Thật vậy, do tham chấp cảm thọ, và do quan điểm điên đảo mà nó luân chuyển sinh tử.
3/ Nguyên do cho thứ tự của các uẩn sẽ được giải thích sau. Ở đây, cũng do nguyên nhân thứ tự này, nên biết, thọ và tưởng được lập thành uẩn riêng biệt. Chúng ta sẽ khảo sát thứ tự này trong ba trường hợp.[42]
iii. Vô vi và uẩn
Nhưng, ở đây, tại sao pháp vô vi được đề cập trong giới và xứ, mà không trong uẩn?
[22a-b] Vô vi không được đề cập trong các uẩn. Vì ý nghĩa không phù hợp.
1/ Khi đề cập vô vi trong các uẩn, thì không làm sao có thể an lập vô vi trong các uẩn ấy; vì ý nghĩa không tương hợp. Thật vậy, vô vi không phải là sắc, cho đến, cũng không phải là thức.[43]
2/ Cũng không thể nói đên uẩn thứ sáu.[44]Bởi đâu? Vì ý nghĩa không tương hợp. Vì “uẩn nghĩa là tích tụ» như đã nói; vô vi không thể được phân tích thành quá khứ, v.v… như sắc các thứ, để rồi tổng lược tất cả thành một «vô vi uẩn.»
3/ Nói thủ uẩn, là vì mục đích nêu rõ cơ sở của ô nhiễm. Nói uẩn, là để nêu rõ cơ sở của của ô nhiễm và thanh tịnh. Cả hai điều này đều không có ý nghĩa tương hợp với vô vi; do đó, vô vi không thể được an lập trong đó.
4/ Thuyết khác nói, cái ghè vỡ không còn là cái ghè. Cũng vậy, uẩn đã diệt không thể là uẩn.[45]Theo đó, giới và xứ cũng được chứng minh như vậy.[46]
Đã nói xong các hình thái của uẩn.
iv. Thứ tự của uẩn
[22b-d] Lại nữa, thứ tự, cũng như ý nghĩa của thô, nhiễm và khí cụ; và tùy theo giới.
1/ Sắc, vì có tính đối kháng (sapratighatva), thô hơn tất cả.[47]Trong các uẩn phi sắc, thọ có biểu hiện thô. Như phát biểu: «Tôi có cảm thọ nơi bàn tay. Tôi có cảm thọ nơi bàn chân.» Tưởng thô hơn hai uẩn sau. Hành thô hơn thức. Như vậy, tùy theo cái nào thô hơn được nói trước.[48]
2/ Trong vòng luân chuyển vô thủy, nam và nữ yêu thích nhau bởi sắc; rồi chúng đắm đuối vị ngọt của cảm thọ. Do sự đắm đuối này mà có tưởng điên đảo. Tưởng điên đảo ấy do bởi những phiền não (kleśa). Phiền não do bởi tâm nhiễm ô. Đó là thứ tự tùy theo sự nhiễm ô (saṃkleśa-krama).
3/ Tùy theo khí cụ, v.v… nghĩa là tùy theo khí cụ (bhājana), thực phẩm (bhojana), gia vị (vyañjana), đầu bếp (kartṛ) và thực khách (bhotṛ), với thứ tự các uẩn sắc, v.v…
4/ Hoặc tùy theo giới. Dục giới (Kāmadhātu) được đặc trưng bởi sắc như là phẩm chất của dục. Các cõi Thiền được đặc trưng bởi cảm thọ.[49]Ba vô sắc đặc trưng bởi tưởng.[50]Hữu đỉnh (bhavāgra)[51]đặc trưng duy nhất bởi hành (saṃskāra).[52]Các uẩn này là những cứ điểm của thức (vijñānasthiti).[53]Nói rằng thức an trú trong bốn uẩn này là nêu rõ ý nghĩa thứ tự các uẩn cũng như hạt giống trong đồng ruộng.
Như vậy, có năm uẩn, không ít hơn cũng không nhiều hơn. Và chính bởi nguyên do thứ tự đó, mà thọ và tưởng lập thành các uẩn riêng biệt với hành. Chúng thô hơn; và là nguyên nhân của tuần tự ô nhiễm. Chúng là khí cụ và là gia vị. Và chúng là đặc trưng của hai giới.
v. Thứ tự của xứ và giới
Nay cần nói đến thứ tự của con mắt các thứ của sáu giới và xứ. Tùy theo chúng mà sắp thứ tự của cảnh vực và thức tương ứng.
[23a] Năm [căn] kể trước, vì đối tượng của chúng là hiện tại.
Năm căn, bắt đầu là con mắt, được kể trước, vì chúng có cảnh vực hiện tại. Nhưng cảnh vực của ý thì bất định. Có khi là cảnh vực hiện tại; cho đến, có khi là cảnh vực trong cả ba thời, hay phi thời.
[23b] Bốn căn đầu, vì đối tượng là đại chủng phái sinh.
Nói tiếp theo đoạn trên. Lại nữa, trong năm căn, bốn được kể trước vì có cảnh vực là đại chủng phái sinh (bhautika). Nhưng cảnh vực của thân thì bất định. Có khi là đại chủng; có khi là đại chủng phái sinh; có khi là cả hai.
[23c] Còn lại, theo hoạt động tầm xa và nhanh hơn.
Lại nữa, trong số các căn còn lại, tùy theo sự thích hợp, căn nào có tầm hoạt động xa hơn và nhanh hơn được kể trước. Mắt và tai có cảnh vực xa hơn, nên hai căn này được kể trước. Trong hai căn này, mắt có tầm hoạt động xa hơn. Vì tuy đã thấy con sông từ xa nhưng không nghe tiếng của nó. Vì vậy, mắt được kể trước. Cả mũi và lưỡi đều không có tầm hoạt động xa. Trong đó, vì vận tốc nhanh hơn nên mũi được kể trước. Khi lưỡi chưa tiếp xúc với thực phẩm mà hương đã được tiếp thu.
[23d] Hoặc thứ tự tùy theo vị trí.
Hoặc, ở trong thân thể, hai con mắt chiếm vị trí cao nhất. Dưới nó là tai. Dưới đó nữa là mũi. Dưới nữa là lưỡi. Phần lớn thân căn ở dưới hết. Ý không có định vị, mà y cứ các căn trên. Đó là thứ tự theo vị trí.
vi. Khái niệm sắc xứ (rūpāyatana) và pháp xứ (dharmāyatana)
Lại nữa, tại sao trong mười xứ, được bao gồm trong sắc uẩn, riêng một xứ được nói là sắc xứ?[54]Và trong tất cả tự thể của pháp, riêng một xứ được nói là pháp xứ?[55]
[24] Vì mục đích giản biệt, vì lý do ưu thế, vì bao hàm nhiều pháp; và vì tối thượng.
Một xứ được gọi là sắc xứ, và một là pháp xứ.
Thế nào là vì mục đích giản biệt? Trong mười xứ, từng cái một đều được nhận là xứ nhưng được xác lập theo từng cảnh vực và sở hữu chủ của cảnh vực[56]chứ không theo tổng thể.[57]
Sắc nào[58]không được gọi tên là con mắt, được phân biệt với con mắt các thứ khác nhau, nó được gọi tên là sắc xứ chứ không gọi tên khác.
Hoặc do ưu thế của sắc xứ. Thật vậy, do tính chất có đối kháng, nó bị băng hoại khi được xúc chạm bởi sự xúc chạm bằng tay. Và do tính chất khả hiển thị, nghĩa là có thể được chỉ điểm[59]«Nó ở đây; nó ở kia.» Vả, thế gian cũng công nhận cái này, chứ không phải những cái khác, là sắc.[60]
Do mục đích phân biệt sai khác mà một xứ, chứ không phải tất cả, được gọi là pháp xứ.
Và lại nữa, ở đây nó bao hàm nhiều pháp, như thọ các thứ, do đó nó được lập một tên chung với từ pháp (dharma).
Nói là tối thượng (agra), vì trong đây, chứ không phải nơi khác, bao hàm cả pháp Niết-bàn.
Thuyết khác[61]nói, do tính cách thô hiển với hai mươi hình thái, và do là hoạt trường của ba loại mắt: mắt thịt, mặt trời và mắt tuệ, nó được gọi là sắc xứ.[62]
vii. Khái niệm pháp uẩn (dharmaskandha)
Các từ biểu thị uẩn, xứ, giới khác cũng được tìm thấy trong các Kinh. Nên hiểu là chúng được bao hàm trong uẩn, xứ, giới ở đây, hay nên nói là không?
Chúng được bao hàm ở đây, chứ không phải là không.
[25] Đức Muni đã tán vịnh tám nghìn pháp uẩn;
Tùy theo chúng là ngữ hay danh mà được bao hàm trong sắc hay hành.
Với những vị mà bản thể của Phật ngôn là ngữ âm (vāk)[63], thì với những vị ấy chúng được bao hàm trong sắc uẩn. Với những vị mà bản thể là danh từ (nāma)[64], với những vị ấy chúng được bao hàm trong hành uẩn.[65]
Lại nữa, lượng của pháp uẩn như thế nào?
[26a] Có thuyết nói, đó là lượng của Luận.
Có thuyết nói rằng, đó là lượng của Luận Abhidharma, có tên là Dharmaskandha.[66]Lượng ấy là sáu nghìn.
Thuyết khác nói,
[26b] Mỗi nghị luận là một uẩn, v.v…
Uẩn (skandha), xứ (āyatana), giới (dhātu), duyên khởi (pratītya-samutpāda), Thánh đế (satya), thực phẩm (āhāra), thiền (dhyāna), vô lượng tâm (apramāṇa), vô sắc (ārūpya), giải thoát (vimokṣa), thắng xứ (abhibhvāyatana), biến xứ (kṛtsnāyatana), bồ-đề phần (bodhipākṣika), thắng trí (abhijñā), vô ngại giải (pratisaṃvit), nguyện trí (praṇidhi-jñāna), vô tránh (araṇā), v.v… mỗi một luận nghị (kātha) là một pháp uẩn.
[26c-d] Nhưng, pháp uẩn được giải thích theo sự đối trị tập tính.[67]
Thế nhưng, chúng được nhận định như sau: Có tám mươi nghìn tập tính[68]của chúng sinh được phân loại theo tập tính tham, sân, si, mạn, v.v… Để đối trị, Đức Thế Tôn đã nói tám mươi nghìn pháp uẩn.
Cũng như tám mươi nghìn pháp uẩn được bao hàm trong năm uẩn này,[69]
[27] Cũng vậy, các uẩn, xứ, giới khác, tùy theo sự thích ứng,
Được đề cập trong những cái như đã nói, quan sát yếu tính của chúng.
Những uẩn, xứ, giới khác được nói trong các Kinh, tùy theo cách nói thích hợp, cũng được bao hàm trong các uẩn, xứ, giới ở đây, sau khi khảo sát bản chất của chúng như đã được thiết lập trong Luận này.
Trong đây, trong năm uẩn: giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến;[70]giới uẩn được bao hàm trong sắc uẩn. Còn lại, trong hành uẩn.
Trong mười biến xứ (kṛtsnāyatana)[71], tám xứ đầu vì bản chất là vô tham, được bao hàm bởi pháp xứ. Các tùy hành của chúng, vì có bản chất là năm uẩn, bao hàm trong ý và pháp xứ. Cũng vậy, các thắng xứ. Không biến xứ, thức biến xứ, và bốn vô sắc biến xứ kể từ hư không vô biên; chúng có bản chất của bốn uẩn còn lại nên được bao hàm trong ý xứ và pháp xứ. Năm giải thoát xứ,[72]mà bản chất là huệ, được bao hàm trong pháp xứ. Các tùy hành được bao hàm trong thanh xứ, ý xứ, pháp xứ. Trong hai xứ, vô tưởng hữu tình được bao hàm trong mười xứ, vì không tồn tại hương và vị xứ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ được bao hàm trong ý xứ và pháp xứ.
Như vậy, trong Đa giới kinh,[73]có sáu mươi hai giới được giảng thuyết. Nên biết, chúng được tổng nhiếp tùy theo sự thích hợp.
viii. Hai giới đặc biệt
Trong đó, sáu giới được nói đến, tức là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, hư không giới, thức giới. Trong đó, đặc tính của hai giới chưa được nói đến.
a. Hư không giới (ākāśadhātu)
Phải chăng chính hư không[74]được hiểu là hư không giới, và hết thảy thức là thức giới? Không phải vậy; Ngài nói. Vì sao? Ở nơi cửa, nơi lỗ gió, nơi cửa miệng, nơi lỗ mũi,
[28a] Lỗ hổng được quan niệm là hư không giới.
Lỗ hổng được nói ở đây nên hiểu là cái gì?
[28b] Truyền thuyết nói là sáng và tối.
Thật vậy, lỗ hổng không được nhận biết nếu không là sáng hay tối. Vì vậy truyền thuyết nói thể tính của hư không giới là sự sáng và sự tối. Thể tính của sự sáng và sự tối là đêm và ngày. Chính nó được gọi là lân a-già sắc (aghasāmantaka).[75]
a/ Theo truyền thuyết,[76]a-già (agha) là tụ điểm sắc,[77]vì nó cực kỳ cản ngại.[78]Hư không giới rất gần sự cản ngại ấy.[79]
b/ Theo thuyết khác,[80]nói là a-già, vì ở nơi đây nó không có tính đối kháng chống lại sắc khác, và nó lân cận (sāmantaka) với sắc khác.
b. Thức giới (vijñānadhātu)
[28c] Thức giới, là thức hữu lậu.
Tại sao không kể cả thức vô lậu? Vì sáu giới này được cho là
[28d] Những sở y của sinh mạng.
Thật vậy, các giới này điểm duy trì thường trực (sādhāraṇa)[81]bộ sinh mạng (janma) từ tối sơ kết sinh tâm (pratisandhicitta)[82]cho đến tử tâm (cyuticitta).[83]Các pháp vô lậu thì không như vậy.[84]Vì vậy, trong các giới ấy, bốn giới được kể trong các xúc giới (spraṣṭavyadhātu); thứ năm, trong các sắc giới (rūpadhātu); thứ bảy, trong bảy thức giới (vijñānadhātu).[85]
[1]Skt. saṃgraha, sự thâu tóm, bao hàm; tích hợp, thống hợp. Ht.: nhiếp 攝; Cđ: tổng nhiêp 總攝, Ht.: biệt nhiếp 別攝.
[2]Skt. sarvasaṃgraha. Ht.: tổng nhiếp 總攝. Chính lý 3, tr.342c7: «Tổng(saṃ) có nghĩa là tập hợp. Nói là tổng, để biết ba tổng, chứ không phải từng cái cá biệt.» Sphut., tr.54, phân biệt sarvasaṃgraha (tổng nhiếp) với samāsa (lược thuyết): «Thống nhất toàn thể bởi xứ, v.v... nhưng đó không phải là khái quát. Cái được dẫn xuất từ ba khoa được gọi là sự khái quát.»
[3]Sphut., ntg.: «Ở đây cái nhỏ được thống hợp bởi cái lớn chứ không phải cái lớn được thống hợp bởi cái nhỏ. Như sắc là cái lớn, vì nó thống hợp toàn thể sắc. Căn con mắt là cái nhỏ, vì nó là một phần của sắc uẩn.»
[4]Cđ.: «Nhiếpmà Như Lai nói đến nhiều nơi.» Chẳng hạn, Phật nói về bốn nhiếp sự, v.v…
[5]Skt. svabhāva. Ht.: tự tính 自性.
[6]Quang ký 1B, tr.2719: Hóa địa bộ (Mahiśāsaka) cho rằng pháp tương ưng với tha tính chứ không tương ưng với tự tính. Như, bằng giới, định, huệ mà nhiếp Thánh đạo tám chi. Cf. Tì-bà-sa 59, tr. 306b13: «Phân biệt luận giả (Vibhajyavādin)… các pháp đều được nhiếp bởi tha tính chứ không phải tự tính.»
[7]Skt. saṃgraha, nhiếp, ở đây được hiểu là sự đoàn kết. Trung A-hàm, kinh 41 «Thủ Trưởng giả», Tham chiếu. Pāli, A.iii, tr. 21: Thủ Trương giả bằng bốn nhiếp sự (Skt. catvāri saṃgrahavastūni) mà duy trì sự đoàn kểt của cộng đồng tại gia. Cf. Tì-bà-sa 59, tr. 306b22.
[8]Nhiếp, theo nghĩa thế tục, phân biệt với nhiếptheo thắng nghĩa. Tì-bà-sa, nt., «Thế gian nói, khung cửa nhiếp cánh cửa; chỉ sợi nhiếp y phục.»
[9]Skt. gocara môi trường hoạt động. H.; cảnh, sở hành cảnh giới 所行境界.
[10]Các bản Hán còn thêm một đoạn. Ht.: «Giải thích này không đúng. Nếu bản lai là như thế, ai nói rằng xấu? Vả, như con cú mèo tuy có hai xứ nhưng có gì là đẹp? Nếu vậy, vì lý do gì ba căn (mắt, tai và mũi) lại phát sinh đôi? Vì để phát sinh thức rõ ràng, trong sáng. Theo kinh nghiệm thế gian, nhắm một con mắt các thứ thì thấy sắc các thứ không được rõ. Cho nên, mỗi căn đều phát sinh hai xứ.» Cđ., đại thể tương đồng. Các bản Sankrit hiện hữu đều không có đoạn này.
[11]Cf. Tạp A-hàm, Đại 2, tr.15a. Tham chiếu Pāli, S.iii., tr.105: yaṃ kiñci bhikkhu rūpaṃ atītānāgatapaccuppannam ajhattaṃ vā bahiddhā vā oḷālikaṃ vā sukhumaṃ vā hiṇaṃ vā paṇitaṃ vā yaṃ dūre santike vā…
[12]Skt. rāśi, đống, tụ, tích tụ. Cf. Tì-bà-sa 74, tr.383c16: «Uẩn có nghĩa là tụ 聚, là hiệp 合, là tích 積, là lược 略.»
[13]Skt. svāsāṃtānika, dòng chảy liên tục của sinh mệnh cá biệt. Ht.: tự thân 自身, tự tương tục 自相續. Cf., Tập dị môn 11, tr. 412a29: «Nội sắc là gì? Sắc ở nơi tương tục (thân) này, đã sở đắc mà chưa mất. Ngoại sắc là gì? Sắc ở nơi tương tục (thân) này, vốn chưa sở đắc, hoặc đã mất; hoặc ở nơi tương tục khác; hoặc thuộc phi hữu tình.»
[14]Cđ.: «Hoặc tùy theo xứ (āyatana) mà xác định trong và ngoài.»
[15]Skt. sapratigha. Cđ.: hữu ngại 有礙; Ht.: hữu đối 有對.
[16]Skt. āpekṣikā; Ht. tương đãi 相待.
[17]Skt. apekṣa; Ht. sở đãi 所待.
[18]Sphut., tr. 58: Thí dụ, Yajñadatta là con trai của Devadatta. Viṣṇumita là con trai của Yajñadatta. Đối chiếu với Viṣṇumitra thì Yajnadatta là cha. Nhưng đối với Devadatta thì y là con.
[19]Sphut., tr. 58: «Bhadanta (Đại đức), nghĩa là Thượng toạ, một vị thuộc Kinh lượng bộ (kaścit sautrāntikaḥ, tan nāmā vā). Bhagavadviśéṣa nói vị Thượng toạ này là Dharmatrāta. Thế nhưng, Dharmatrāta là vị chủ trương thuyết quá khứ và vị lai thực hữu nên không phải là vị Kinh lượng bộ. Do đó, đây là một vị tôn giả khác với Bhadanta Dharmatrāta.» Cđ.: «Có một vị Đại đức.» Ht.: Đại đức Pháp Cứu (Bhandanta Dharmatrāta). Bảo sớ, 1B, tr.488c15: «Vị luận sư này không công nhận có sắc vô đối.»
[20]Skt. āyadvāra. Ht.: sinh môn 生門; Cđ.: lai môn 來門. Cf. Tì-bà-sa 73, tr. 379a12: nêu 20 định nghĩa của xứ.
[21]Sphut., tr.59: cittacaitānām āyam utpattiṃ tanvantīty āyatanāni, «Những gì khuếch trương sự xuất hiện, hay sinh khởi, của tâm và tâm sở, đó là xứ.» Theo đây, āyatana, là phức hợp từ của āya+tanoti, trong đó āya (sự hiện đến) = utpatti (sự sinh khởi).
[22]Ht.: «Nghĩa là, nó làm phát sinh tác dụng của tâm và tâm sở.»
[23]Skt. gotra, nghĩa đen: chuồng bò; nghĩa rộng: dòng họ. Ht.: chủng tộc 種族; Cđ.: tính 性 hay biệt 別.
[24]Skt. ākarās tatra gotrāṇy ucyate. Ht.: «chủng tộc nghĩa là sinh bản 生本.». Cđ.: «biệt nghĩa là bản.» Sphut., tr.59: ākarā iti prakṛtam, ākara (mỏ khoáng chất), nghĩa là sản vật nguyên thủy (prakṛta; trong các bản Hán: prakṛti: nguyên sinh chất).
[25]Skt. sabhāgahetu. Sphut., tr. 59: «Con mắt sinh khởi trước làm nguyên nhân đồng loại cho con mắt sinh khỏi tiếp theo sau.»
[26]Sphut., nt.: Vì vô vi không phải là đồng loại nhân.
[27]Skt. prajñaptisat. Cđ.: giả danh hữu 假名有; Ht.: giả hữu 假有. Quan điểm Tì-bà-sa nói uẩn, xứ giới có tự thể thực hữu. Kinh bộ cho rằng uẩn và xứ là giả, chỉ có giới là thực hữu. Luận chủ quan niệm chỉ uẩn là giả; xứ và giới đều thực. Cf. Quang ký 1B, tr. 29a26; Bảo sớ 1B, tr.489b16.
[28]Skt. rāśipudgalavat. Ht.: như tụ, như ngã 如聚如我. Cđ.: như tụ cập nhân 如聚及人. Sphut., tr.60: dhānyarāśivat, pudgalava vā, «như một đống thóc, hay như một con người.»
[29]Skt. kāryanhārodvahana. Ht.: năng hà trọng đảm 能何重擔; Cđ.: năng hà phụ sự 能何負事. Bản Ht.: thêm một câu: «Vì vậy, ở đời người ta gọi cái vai là uẩn. Trong Sankrit, skandha cũng có nghĩa là cái vai. Tì-bà-sa 79, tr. 407c9. Cf. Tạp A hàm 3, Đại 2, tr. 19a. Tham chiếu Pāli, S.iii, tr. 25ff: katamo bhikkhave bhāro? pañcupādānakkhandhā tissa vacanīyaṃ.
[30]Skt. pracceda: nhát cắt, mảnh cắt; một bộ phận. Cđ.: phân phần 分分; Ht.: khả phân đoạn 可分段. Sphut., pracchedārtho vā avadhyarthaḥ, cái khả phân, là cái hạn lượng. Chính lý 3, tr. 344a13 «Các pháp hữu vi đều có ba phần đoạn là quá khứ, vị lai, hiện tại.»
[31]Skt. skandhakair deyaṃ dāsyāma. Cđ.: ngã ưng chuyển (thâu) tam ấm vật 我應轉(輸)三陰物, «Tôi cần chuyển (mượn) ba vật ấm (?)» Ht.: nhữ tam uẩn hoàn, ngã đương dữ nhữ 汝三蘊還我當與汝 «Ông trả tôi ba uẩn (?), tôi sẽ cho ông.» Quang ký 1B, tr.29b13: «Thế gian, khi cho mượn tiền của, đều giao ước người mượn phải trả đủ trong ba lần, cho nên nói như vậy.»
[32]Quang ký 1B, nt.: «Kinh nói lược tụ (ekadhyam abhisaṃkṣipya), đâu có thể từng cái một riêng biệt cũng được gọi là uẩn. Cho nên, như tụ, uẩn là giả.»
[33]Quan điểm của Luận chủ: xứ thực hữu. Do đó, đây giả thiết Kinh bộ nạn vấn Luận chủ.
[34]Bản Hán, Ht.: «Căn và cảnh, tương trợ cùng phát sinh nhận thức, không phải là những xứ riêng biệt.»
[35]Cf. Tì-bà-sa 74, tr. 384a18.
[36]Skt. pradeśe’ pi pradeśivad. Ư phần… hữu phần 於分有分; Cđ.; nhất phần… cụ phần 一分具分.
[37]Cf. Tì-bà-sa 71, tr.366c26.
[38]Sphut., tr.62, cũng như mê tâm và tâm sở, ở đây mê sắc, chấp toàn khối là tự ngã.
[39]Skt. indriya. Quang ký 1B, tr. 30a10: căn, chỉ căn cơ, mà tự thể là năm căn (tín, v.v...)
[40]Skt. vivādamūla. Ht.: tránh căn 諍根. Cf. Tập dị 15, tr.431: sáu tránh căn. Tham chiếu Pāli, Saṅgīti-suttanta, D.iii., tr. 246: cha vivādamūāni.
[41]Skt. kāmādhyavasānam, dṛṣṭyadhyavasānam ca. Ht.: tham trước chư dục, tham trước chư kiến 貪著諸欲 貪著諸見 . Cf. Tì-bà-sa 74, tr. 385a27. Quang ký 1B, tr.30a: «Tại gia tham trước các dục; xuất gia tham trước các kiến.»
[42]Ba trường họp: thô, nhiễm và khí sẽ nói sau.
[43]Cf. Tì-bà-sa 74, tr.385b16.
[44]Cf. Tì-bà-sa 74, tr.385c2.
[45]Cf. Tì-bà-sa 74, tr.385b17: «Vô vi là chỗ cứu cánh diệt của uẩn nên không thể lập làm uẩn.»
[46]Sphut., tr. 66: Nếu ghè vỡ không còn là ghè; uẩn diệt không thể là uẩn; cũng vậy, xứ diệt không thể là xứ; giới diệt không thể là giới. Như thế, vô vi không thể được an lập trong pháp giới và pháp xứ. Chính lý 3, tr.345a12, biện minh quan điểm của Tì-bà-sa (xem cht.181), «Chúng sinh chấp ngã trong toàn bộ uẩn môn. Khi nhập vô dư vị, các uẩn tức thời đình chỉ. Xứ và giới thì không như vậy. Nơi nào hoàn toàn không có tướng của uẩn, nơi đó được nói là uẩn đình chỉ. Nơi ba vô vi, hoàn toàn không có nghĩa tích tụ nên có thể nó là uẩn đình chỉ. Nhưng không phải rằng ở đó không có ý nghĩa chủng tộc và sinh môn.»
[47]Cf. Tì-bà-sa 74, tr. 584b1.
[48]Cf. Tì-bà-sa 74, nt.: Bốn uẩn phi sắc tuy không hình chất nhưng y theo hành tướng mà phân biệt thô và tế.
[49]Bản Hán, Cđ., như bản Sanskrit. Bản Ht., thêm: «Sắc giới tĩnh lự có thắng hỷ các thứ.»
[50]Bản Hán, Cđ., như Sanskrit. Bản Ht.: «trong ba vô sắc, các tướng về không v.v… (tức hư không vô biên tưởng) được nắm bắt.»
[51]HT.: hữu đỉnh 有頂, đệ nhất hữu 第一有.
[52]Bản Cđ., như Sanskrit: hành 行. Bản Ht.: tư 思. Sphut., tr.66: saṃskāramātra-prabhāvitaṃ… Ở đây, do tư (cetanā), tuổi thọ được kéo dài tám mươi nghìn kiếp.
[53]Bốn thức trú, xem Tập dị 8, tr.400c16. Tham chiếu Pāli, Saṅgīti-suttanta, D.iii. tr.228: catasso viññānaṭṭhitiyo.
[54]Cf. Tì-bà-sa 73, tr.397c3. Năm căn, năm cảnh và một phần pháp xứ, đều là sắc (uẩn), nhưng chỉ một xứ được gọi là sắc xứ.
[55]Cf. Tì-bà-sa 73, tr.380a24: tự thể của cả 12 xứ đều là pháp, nhưng một xứ được đặc biệt gọi là pháp xứ.
[56]Skt. viṣayin, viṣaya, chỉ có sự nhận thức và đối tượng được nhận thức. Ht.: hữu cảnh 有境, cảnh 境; Cđ.: căn 根, trần 塵.
[57]Skt. samasta. Ht.: tổng 總; Cđ.: tụ tập 聚集.
[58]Bản Hán, Ht.: «Nhưng thể là sắc.»
[59]Skt. deśnidarśanarūpaṇāt; Cđ.: dị chỉ thị cố, hữu tợ ảnh cố 易指示 故有似影故.
[60]Tì-bà-sa 73, tr. 379c27: «Nếu xứ nào có đủ hình sắc và hiển sắc thì được lập làm sắc xứ.»
[61]Bảo sớ 1B, tr.492a3: Đây là giải thích của Tạp tâm luận. Cf. Tạp A-tì-đàm-tâm luận 1 (Pháp Cứu), tr. 873a29.
[62]Ht. thêm: “Trong pháp xứ, vì có tên gọi các pháp, trí của các pháp, nên lập riêng tên gọi pháp.”
[63]Cđ.: ngôn âm 言音; Ht.: ngữ 語. Sphut., tr. 91: đây là quan điểm của Sautrāntika.
[64]Ht.: danh名; Cđ. văn cú 文句. Sphut., nt., các bộ phái khác ngoài Kinh bộ.
[65]Cf. Tì-bà-sa 126, tr.659a23.
[66]Ht.: Pháp uẩn túc luận 法蘊足論. Cđ.: «Có một bộ phận A-tì-đàm được gọi là Pháp uẩn.» Theo đây, Dharmaskandha là danh từ chung, không chỉ một tác phẩm nào. Bảo sớ 1B, tr.492b13, giải thích đoạn dịch của Cđ.: «A-tì-đạt-ma tạng của Phật gồm có 9 phần: 1. pháp ấm; 2. phân biệt hoặc; 3. phân biệt thế; 4. phân biệt nhân; 5. thành lập giới; 6. danh tụ; 7. đóa đắc; 8. nghiệp tương; 9. định tướng.»
[67]Quan điểm chính thức của Thế Thân về lượng của pháp uẩn.
[68]Skt. carita. HT.: hành 行.
[69]Các bản Hán: thuộc hai (sắc và hành) trong năm uẩn.
[70]Cf. Tì-bà-sa 33, tr. 171b8.
[71]Ht.: biến xứ 遍處; Cđ.: biến nhập 遍入. Cf. Tập dị 19, tr.447a. Tham chiếu Pāli, Saṇgīti-suttanta, D.iii. dasa kasiṇāyatanāni.
[72]Năm giải thoát xứ, cf. Tập dị13, 14.
[73]Đa giới kinh, Trung 47, kinh 181, Đại 1, 723a. Cf. Pháp uẩn 10, «20. Phẩm Đa giới», Đại 26, 501b. Cf. M. 115. Bahudhātuka.
[74]Cđ.: hư không vô vi.
[75]Ht. lân a-già sắc鄰阿伽色. Cđ. lân ngại sắc鄰礙色. Thuận chính lý 3(T29n1562 p347a28): “a-già, nghĩa là cực ngại sắc 極礙色.”
[76]Cf. Tì-bà-sa 75, (T27n1545 p388a29). Thuận chính lý 3 (T29n1562 p347b5): «Nói là truyền thuyết, vì không tin... Thượng toạ này cùng với các nhà Thí dụ bộ đều nói rằng hư không giới không tách rời với hư không, nhưng thể tính của hư không kia vốn không thực hữu.»
[77]Ht. tích tập sắc .
[78]Cđ.: «Nói là ngại sắc, vì trong tụ tập, sắc rất dễ bị biến hoại.» . Ht.: «A-già 阿伽 nghĩa là tích tập sắc, vì nó cực kỳ cản ngại.»
[79]Nguyên văn Skt.: tasya tat sāmantakam iti. Cđ. và Ht. hiểu khác nhau. Theo Cđ. đại danh từ tasya (của nó) chỉ cho sáng và tối; tat, chỉ cho ngại sắc. Ht.: tat, chỉ không giới sắc.
[80]Thuận chính lý 3(T29n1562 p347b4): “Giải thích khác nói, a-già tức vô ngại sắc 無礙色.”
[81]Sphut., tr.98: ete hi janmano janakapoṣakasaṃvardhakatvād ādhārabhūtāḥ, những giới này là điểm duy trì, vì chúng sinh sản, nuôi dưỡng, phát triển sự sinh. Tì-bà-sa 75, tr.387b22: «Do sáu giới này năng sinh, năng dưỡng, năng trưởng thân có sắc và không sắc của các hữu tình.»
[82]Cđ.: thác sinh tâm 托生心 . Ht.: tục sinh tâm 續生心.
[83]Cđ.: tử đoạ tâm 死墮心; Ht.: mạng chung tâm 命終心.
[84]Tì-bà-sa 75 (T27n1545 p389a10): “Nếu pháp trưởng dưỡng các hữu, nhiếp ích các hữu, duy trì các hữu, được lập trong 6 giới.”
[85]Bản Ht., thêm : «Các giới còn lại nói trong kinh đó, tùy theo sự thích hợp, thảy đều được bao hàm trong 18 giới này. Thuyết nhất thiết hữu bộ Câu-xá luận, quyển 1 hết.»