ABHIDHARMAKOŚABHĀṢYAM
阿 毘 達 磨 俱 舍 論
A-TÌ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN I
dịch theo bản Sanskrit
TUỆ SỸ
BAN TU THƯ PHẬT HỌC 2547 – QUÝ MÙI
Tiết 1: Tổng luận pháp
I. Bản thể củ pháp
A. Tụng văn
PHẠN VĂN
sāsravānāsravā dharmāḥ saṃskṛtā mārgavarjitāḥ/
sāsravā āsravās teṣu yasmāt samanuśerate//4/
anāsravā mārgasatyaṃ trividhaṃ cāpy asaṃskṛtam/
ākāśaṃ dvau nirodhau ca tatrākāśam anāvṛtiḥ//5/
pratisaṁkhyānirodho yo visaṃyogaḥ pṛthak pṛthak/
utpādātyantavighno’nyo nirodho’pratisaṃkhyayā//6/
HÁN VĂN
有漏無漏法 除道餘有為
於彼漏隨增 故說名有漏
無漏謂道諦 及三種無為
謂虛空二滅 此中空無礙
擇滅謂離繫 隨繫事各別
畢竟礙當生 別得非擇滅
VIỆT DỊCH
Các pháp là hữu lậu và vô lậu.
Các pháp hữu vi, trừ đạo đế,
Là hữu lậu, do bởi các lậu
Tiềm phục trong đó.
Vô lậu là đạo đế,
Cùng với ba pháp vô vi
Là hư không và hai diệt.
Ở đây, hư không là sự không cản ngại.
Diệt do tư trạch là những gì
Thoát ly hệ phược cá biệt và cá biệt.
Ngoài ra, sự trở ngại khiến vĩnh viễn không sinh khởi
Là diệt không do tư trạch.
B. Luận thích
1. Tổng thuyết
Những gì là pháp mà, vì mục đích giản trạch chúng, Abhidharma được giảng thuyết? Luận nói:
[4a] Các pháp là hữu lậu và vô lậu.
Đây là tất cả pháp được tổng thuyết.
2. Hữu lậu
Trong đây, những gì là pháp hữu lậu (sāsrava)[1]?
[4b] Các pháp hữu vi, trừ đạo đế,
Là hữu lậu,
Trừ Đạo đế (mārgasatya), tất cả pháp hữu vi (saṃskṛta) còn lại là hữu lậu. Vì sao?
[4c-d] (Là hữu lậu), do bởi các lậu
Tiềm phục trong đó.
Thật vậy, các lậu (āsrava) cũng sinh khởi do vin bám vào Diệt và Đạo đế, nhưng chúng không tiềm phục (anuśerate)[2]trong đó, do đó cả hai không phải là hữu lậu. Những gì không tiềm phục như trong đây sẽ được nói rõ trong phẩm «Tuỳ miên» ở sau.
3. Vô vi
Những gì là vô lậu?
[5a-b] Vô lậu là đạo đế,
Cùng với ba pháp vô vi
Ba pháp ấy là gì?
[5c] Là hư không và hai diệt.
Những gì là hai? Là diệt do tư trạch[3]và diệt không do tư trạch. Ba vô vi này, hư không và hai diệt, cùng với Đạo đế, là các pháp vô lậu. Vì sao? Vì các lậu không tiềm phục trong đó.
a. Hư không vô vi
Ba vô vi đề cập đó,
[5d] Ở đây, hư không là sự không cản ngại.
Tự thể của hư không[4]là sự không cản ngại (anāvaraṇa)[5], mà trong đó sắc lưu hành.
b. Trạch diệt vô vi
[6a-b] Diệt do tư trạch là những gì
Thoát ly hệ phược
Những gì thoát ly hệ phược[6]đối với hữu lậu được gọi là trạch diệt (pratisaṃkhyānirodha) tức diệt do tư trạch. Diệt đạt được do bởi huệ đặc sắc[7]mà tư duy, lý giải[8]một cách cá biệt đối với các Thánh đế khổ, v.v..., đó là diệt do tư trạch. Cũng như từ «xe bò»[9]được lập thành do lược bỏ các hạng từ ở giữa.
Phải chăng chỉ có một sự diệt do tư trạch cho tất cả các pháp hữu lậu? Luận nói: không. Vì sao?
[5b] cá biệt và cá biệt[10].
Thật vậy, có bao nhiêu thực thể bị hệ phược (saṃyogadravya)[11]thì có bấy nhiêu thực thể được thoát ly hệ phược. Nếu không như vậy, thì khi thân chứng sự tịch diệt đối với các phiền não được đoạn trừ trong giai đoạn thấy Khổ đế, khi ấy cũng thân chứng sự tịch diệt đối với tất cả phiền não. Nếu thế, sự tu tập về đối trị sai biệt là vô ích.
Ở đây được nói rằng diệt là phi đồng loại (asabhāga); điều này có nghĩa là gì? Điều này muốn nói rằng không có cái gì là đồng loại nhân (sabhāgahetu) của nó, và nó không phải là đồng loại nhân của cái gì, chứ không phải là không có đồng loại.[12]
C. Phi trạch diệt vô vi
[6c-d] Ngoài ra, sự trở ngại khiến vĩnh viễn không sinh khởi
Là diệt không do tư trạch.
Khác với diệt do thoát ly hệ phược, diệt do trở ngại khiến các pháp vị lai vĩnh viễn không sinh khởi là diệt không do tư trạch hay phi trạch diệt (apratisaṃkhyānirodha). Nghĩa là, diệt đạt được không do tư trạch, mà là do thiếu điều kiện.
Cũng như khi con mắt và ý tập trung trên một đối tượng là sắc, thì những gì không phải là sắc, tức thanh, hương, vị và xúc, chìm mất; khi ấy năm thức thân (vijñānakāya) vốn lấy đó làm đối tượng sẽ không thể sinh khởi; vì chúng không thể vin bám vào những cảnh vực quá khứ. Như vậy, đối với chúng, diệt không do tư trạch mà có được là do thiếu điều kiện.
Ở đây, có bốn trường hợp:
1/ Có những pháp mà đối với chúng trạch diệt được sở đắc; đó là các pháp hữu lậu thuộc quá khứ và hiện tại có xu hướng sinh khởi.
2/ Có những pháp mà đối với chúng là phi trạch diệt; đó là các pháp hữu vi vô lậu không có xu hướng sinh khởi.
3/ Có những pháp là cả hai; đó là các pháp hữu lậu không có xu hướng sinh khởi.
4/ Có những pháp không là cả hai; đó là những pháp vô lậu thuộc quá khứ, hiện tại, không có xu hướng sinh khởi.
Đã nói xong ba pháp vô vi.
II. Pháp thường nghiệm
A. Tụng văn
PHẠN VĂN
te punaḥ saṃskṛtā dharmā rūpādiskandhapañcakam/
ta evādhvā kathāvastu saniḥsārāḥ savastukāḥ//7/
ye sāsravā upādānaskandhās te saraṇā api
duḥkhaṃ samudayo loko dṛṣṭasthānaṃ bhavaś ca te //8/
HÁN VĂN
又諸有為法 謂色等五蘊
亦世路言依 有離有事等
有漏名取蘊 亦說為有諍
及苦集世間 見處三有等
VIỆT DỊCH
Lại nữa, các pháp hữu vi ấy
Là năm uẩn, gồm sắc, v.v...
Chúng cũng là thế lộ, ngôn y,
Là hữu ly, hữu sự.
Hữu lậu là các thủ uẩn.
Chúng cũng là những cái hữu tránh.
Là khổ, tập, thế gian,
Là kiến xứ, và hữu.
B. Luận thích
1. Hữu vi
a. Định nghĩa
Tụng văn nói, «Các pháp hữu vi, trừ đạo đế, là hữu lậu.» Các pháp hữu vi này là những gì?
[7a-ba] Lại nữa, các pháp hữu vi ấy, là năm uẩn, gồm sắc, v.v...
Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn; đây là các pháp hữu vi (saṃskṛta), được tập hợp, được tổ hợp (sametya, sambhūya), chúng được tác thành do bởi các điều kiện, do đó chúng được gọi là hữu vi, cái được tập hợp thành. Thật vậy, không có bất cứ cái gì được sản sinh do một điều kiện duy nhất. Do tính chất cùng chủng loại của nó nên không có gì là trái ngược trong các thời vị lai, như sữa được vắt (dugdha)[13].
b. Đồng nghĩa
[7c-d] Chúng cũng là thế lộ, ngôn y, là hữu ly, hữu sự.
1/ Các pháp hữu vi này cũng được gọi là thế lộ (adhvan)[14], vì chúng đã đi, đang đi và sẽ đi; hoặc vì chúng bị sự vô thường nuốt chững.
2/ Ngôn (kathā)[15]tức ngôn ngữ. Chất liệu (vastu)[16]của ngôn ngữ là danh từ (nāma). Hữu vi được gọi là ngôn y, chất liệu của ngôn luận (kathāvastu), vì nó nắm giữ chất liệu có ý nghĩa. Nếu không như vậy thì mâu thuẫn với Prakraṇagrantha. Luận này nói, «Những chất liệu của ngôn luận được bao quát bởi mười tám giới[17].»
3/ Ly (niḥsaraṇa) tức thoát ly (niḥsāra)[18], là Niết-bàn của tất cả các pháp. Các pháp hữu vi đều có tính chất thoát ly này do đó nói là hữu ly (saniḥsāra).
4/ Do tính chất có nguyên nhân, nên nói là hữu sự (savastuka)[19]. Sự (vastu) là từ đồng nghĩa của nhân (hetu); đó là truyền thuyết của Vaibhāṣika.
Đó là các dị danh của pháp hữu vi.
2. Hữu lậu
Lại nữa, các pháp hữu vi này:
a. Thủ uẩn (upādānaskandha)
[8a-b] Hữu lậu là các thủ uẩn.
Ở đây, nó được thiết lập như thế nào? Các thủ uẩn (upādānaskandha)[20]cũng là các uẩn (skandha). Nhưng cũng có các uẩn mà không phải là các thủ uẩn. Đó là các hành vô lậu (anāsravāḥ saṃskārāh)[21].
Ở đây, các thủ (upādāna) là các phiền não (kleśa).[22]Hoặc uẩn phát sinh từ thủ, nên nói là thủ uẩn; như nói: lửa rơm.[23]Hoặc uẩn lệ thuộc thủ nên nói là thủ uẩn; như nói: vương thần.[24]Hoặc các thủ phát sinh từ các uẩn nên nói là thủ uẩn; như nói: cây hoa.[25]
b. Hữu tránh (saraṇa)
Các pháp hữu lậu này cũng được nói
[8c] Là những cái hữu tránh.
Tránh hay đấu tranh (raṇa) chỉ cho các phiền não. Vì chúng gây tổn hại cho mình và cho người khác[26], và vì phiền não ẩn phục trong đó[27], nên nói là hữu tránh; như nói «hữu lậu.»
c. Và các tên khác
Lại nữa:
[8c-d] Là khổ, tập, thế gian, kiến xứ, và hữu.
1/ Vì nghịch ý các bậc Thánh, nên nói là khổ (duḥkha).
2/ Khổ phát sinh từ đó nên nói là tập (samudaya).
3/ Vì bị băng hoại, nên nói là thế gian[28].
4/ Các kiến chấp trụ ở đây, tiềm phục ở đây, nên nói là kiến xứ (dṛṣṭisthāna)[29].
5/ Nó hiện hữu, nên nói là hữu.[30]
Đó là những dị danh của hữu lậu.
III. Phân tích uẩn
A. Tụng văn
PHẠN VĂN
rūpaṃ pañcendriyāṇy arthāḥ pañcāvijñptỉr eva ca/
tadvijñānāśrayā rūpaprasādāś cakṣurādayaḥ//9/
rūpaṃ dvdhā viṃśatidhā śabdas tv aṣṭavidho rasaḥ/
ṣoḍhā caturvidho gandhaś spṛśyam ekādaśātmikam//10/
vikṣiptācittakasyāpi yo’nubandhaḥ śubhāśubhaḥ/
mahābhūtāny upādāya sa hy avijñaptỉ ucyate//11/
bhūtāni pṛthivīdhāuur aptejovāyudhātavaḥ/
dhṛtyādikarmasaṃsiddhāḥ kharasnehoṣṇateraṇāḥ//12/
pṛthivī varṇasaṃsthānam ucyate lokasaṃjñayā/
āpas tejaś ca vāyus tu dhātur eva tathāpi ca//13/
caturbhyo’ nye tu saṃskāraskandhaḥ ete punas trayaḥ/
indriyārthās ta eveṣṭā daśāyatanadhātavaḥ/
vedanānubhavaḥ saṃjñā nimittodgrahaṇātmakā//14/
caturbhyo’ nye tu saṃskāraskandhaḥ ete punas trayaḥ/
dharmāyatanadhātvākhyāḥ sahāvijñaptyasaṃskṛtaiḥ//15/
vijñānaṃ prativijñaptir manaāyatanaṃ ca tat/
dhātavaḥ sapta ca matāḥ ṣaḍ vijñānāny atho manaḥ//16/
ṣaṇṇām anantarātītaṃ vijñānaṃ yad dhi tan manaḥ/
śaśṭāśrayaprasiddhyarthaṃ dhātavo’ ṣṭādaśa smṛtāḥ//17/
HÁN VĂN
色者唯五根 五境及無表
彼識依淨色 名眼等五根
色二或二十 聲唯有八種
味六香四種 觸十一為性
亂心無心等 隨流淨不淨
大種所造性 由此說無表
大種謂四界 即地水火風
能成持等業 堅濕煖動性
地謂顯形色 隨世想立名
水火亦復然 風即界亦爾
此中根與境 即說十處界
受領納隨觸 想取像為體
四餘名行蘊 如是受等三
及無表無為 名法處法界
識謂各了別 此即名意處
及七界應知 六識轉為意
由即六識身 無間滅為意
成第六依故 十八界應知
VIỆT DỊCH
Sắc gồm năm căn, năm cảnh, kể cả vô biểu.
Con mắt v.v... là tịnh sắc của sắc, sở y của thức tương ứng.
Sắc có hai loại hay hai mươi loại. Nhưng thanh chỉ có tám.
Vị có sáu loại. Hương có bốn loại. Xúc có mười một tự thể.
Đối với những ai loạn tâm, kể cả vô tâm, những gì là liên tục, tịnh hoặc bất tịnh,
Được tác thành bởi bốn đại chủng, những cái ấy được gọi là vô biểu.
Đại chủng là bốn giới: đất, nước, lửa, gió.
Chúng tác thành chức năng duy trì, v.v... Cứng, dính, ấm, và lay động.
Đất được nói đến với sắc màu và hình thể, theo quan niệm của thế gian.
Nước và lửa. Nhưng gió cũng chính là giới. Và cũng như vậy.
Các căn và cảnh này được xem là mười xứ và giới.
Thọ là sự cảm nghiệm. Tưởng có bản chất là nắm bắt ấn tượng.
Khác với bốn uẩn là hành uẩn. Lại nữa, ba uẩn này
Cùng với vô biểu, vô vi, được gọi là pháp xứ và pháp giới.
Thức, là nhận thức cá biệt; và đó là ý xứ;
Và là bảy ý giới, tức sáu thức cùng với ý.
Sáu thức của quá khứ không gián cách, thật sự đó là ý.
Với mục đích lập thành sở y cho thức thứ sáu, nên nhớ, có mười tám giới.
B. Luận thích
1. Sắc uẩn (rūpaskandha)
i. Tổng lược
Nói rằng «năm uẩn: sắc, v.v...» ở đây,
[9a-b] Sắc gồm năm căn, năm cảnh, kể cả vô biểu.
Năm căn (pañcendriyāni)[31]: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Năm cảnh (pañcārthās)[32], những đối tượng tương ứng của các căn con mắt, v.v... là năm cảnh vực: sắc, thanh, hương, vị, và xúc. Cùng với vô biểu (avijñapti), cho đến mức ấy là sắc uẩn (rūpaskandha).
Ở đây, đã nói năm đối tượng: sắc, v.v...
ii. Năm căn (pañcendriyāṇi)
[9c-d] Con mắt v.v... là tịnh sắc của sắc, sở y của thức tương ứng.
Những gì là sở y của nhận thức tương ứng[33]với sắc, thanh, hương, vị và sở xúc, chúng là năm loại tịnh sắc[34]mà tự thể là sắc. Nên biết, theo thứ tự, đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Như Thế Tôn có nói: «Con mắt, này Tì-kheo, là nội xứ, là tịnh sắc được tác thành với bốn đại chủng.»
Hoặc, các căn con mắt v.v... là các tịnh sắc làm sở y cho thức tương ứng, tức là thức con mắt v.v... như đã nói. Đó là ý nghĩa nói rằng (tịnh sắc) là sở y của thức con mắt, v.v... Nói như vậy là phù hợp với luận Prakaraṇagrantha,[35]theo đó: «Con mắt là gì? Là tịnh sắc của sắc, làm sở y cho thức con mắt.»
Đã nói xong năm căn.
iii. Năm cảnh (arthāḥ pañca)
Đây sẽ nói về năm cảnh, theo đó:
a. Sắc
[10a] Sắc có hai loại.
Đó là sắc màu[36]và hình thể.[37]Trong đó, sắc màu có bốn thứ: xanh, v.v... Các màu khác là những phân biệt từ chúng. Hình thể có tám: bắt đầu là dài, và cuối cùng là không phẳng.
Các sắc này cũng được nói là sắc xứ (rūpāyatana).
[10a] hay hai mươi loại
Tức là, xanh, vàng, đỏ, trắng; dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, phẳng, không phẳng; mây, khói, bụi, mù, bóng, màu nắng, màu sáng, bóng tối. Có người kể thêm da trời[38]là màu thứ mười một.[39]
Trong đây, phẳng (sātam) là hình thể bằng phẳng.[40]Không phẳng là hình thể không bằng phẳng.. Mù (mahikā) tức sương mù (nīhāra)[41]. Sáng nóng (ātapa)[42]tức ánh sáng mặt trời. Sáng ánh (āloka)[43]tức ánh trăng, ánh sao, ánh lửa, ánh sáng châu ngọc. Bóng (chāyā)[44]có ở nơi nào xuất hiện sắc. Trái lại là bóng tối (andhākara). Những từ còn lại thì dễ hiểu nên chỉ nói gọn.
Có loại sắc xứ (rūpāyatana) chỉ có sắc màu mà không có hình thể[45]. Đó là, xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng, sáng nóng, sáng ánh, bóng tối.
Hoặc có hình thể nhưng không có sắc màu. Đó là, bộ phận có hình thể dài v.v... là tự thể của thân biểu (kāyavijñapti)[46].
Tất cả sắc xứ còn lại gồm cả hai.
Có vị nói, chỉ màu nắng và ánh sáng là sắc màu. Bởi vì xanh, đỏ các thứ được nhìn thấy theo các hình thể dài, ngắn, v.v...
Làm sao trong một thực thể lại tồn tại cả hai?[47]Vì ở đây có tri thức đối với thức cả hai. Trong đó, động từ căn vid hàm nghĩa nhận thức (prajñāna), chứ không phải tồn tại (satta)[48].
Đã nói xong sắc xứ.
b. Thanh
[10b] Nhưng thanh chỉ có tám
Cơ bản có bốn, được: thanh có nguồn gốc từ các đại chủng có cảm thụ[49]hoặc không cảm thụ (upāttānupāttamahābhūtahetuka), thuộc hữu tình hoặc phi hữu tình (sattvāsattvākhya)[50]. Mỗi loại hoặc thích ý, hoặc không thích ý (manojñāmanojña), phân thành tám loại thanh.[51]
Trong đó, thanh có nguồn gốc từ đại chủng, có cảm thụ như là tiếng phát từ bàn tay, từ tiếng nói. Thanh có nguồn gốc các đại chủng không cảm thụ, như là tiếng gió, tiếng rừng cây, tiếng suối nước. Thuộc hữu tình là thanh của biểu hiện ngôn ngữ (vāgvijñapti)[52]. Ngoài ra là phi hữu tình.
Có thuyết cho rằng có loại thanh có nguồn gốc từ đại chủng có cảm thụ và cả không cảm thụ. Đó là thanh phát ra từ tay và trống. Điều này không được chấp nhận vì không có một cực vi của sắc màu hình thành hai tổ hợp của bốn đại chủng.
Đã nói xong về thanh.
c. Vị
Vị có sáu loại.
Đó là, ngọt, chua, mặn, cay, đắng, nhạt.
d. Hương
[10c] Hương có bốn loại.
Bởi vì mùi thơm và mùi thối hoặc bình hoặc gắt. Nhưng trong Bản luận[53]chỉ kể có ba loại: thơm, thối và bình[54].
e. Xúc
[10d] Xúc có mười một tự thể.
Có mười một tự thể được xúc chạm[55]: bốn đại chủng, trơn, nhám, nặng, nhẹ, lạnh, đói, khát. Trong số đó, các đại chủng sẽ được nói sau. Trơn (ślakṣṇatva) tức là mềm dịu (mṛdu)[56]. Nhám (karkaśa) tức thô cứng (paruṣtā). Nặng (gurutva) là cái mà do đó vật thể được cân. Trái lại là nhẹ (laghu). Lạnh (śīta) là sự muốn ấm. Đói (jighatsā) là sự muốn ăn. Đó là hậu quả được giả lập theo nguyên nhân. Như nói:
«Phước lạc thay là sự xuất hiện của Chư Phật.
«Phước lạc thay là sự diễn thuyết của Chánh pháp.
«Phước lạc thay là sự hòa hiệp của Tăng-già.
«Phước lạc thay là sự cần tu của đại chúng.»[57]
Ở đây, trong sắc giới (rūpadhātu) không có sự đói và sự khát. Những cái khác vẫn tồn tại. Vả lại, trong sắc giới, từng cái một thì y phục không cân được, nhưng tập hợp lại thì được. Truyền thuyết[58]nói, trong cõi này, cái lạnh tổn hại không có, nhưng cái lạnh hữu ích thì vẫn có.
Trên đây đã nói đến nhiều loại sắc, trong đó, có khi thức con mắt khởi lên với một vật thể duy nhất, đó là khi mà hình thái của vật thể ấy được phân biệt riêng rẻ. Có khi với nhiều vật thể; đó là khi không có sự phân biệt riêng rẻ. Chẳng hạn, khi nhìn từ xa một tổ hợp hình thể và sắc màu của một đoàn quân hay một đống châu ngọc.[59]
Thức của tai v.v... cũng nên biết như vậy.
Tuy nhiên, thuyết khác nói, thức của thân sinh khởi với tối đa năm xúc. Tức là, với bốn đại chủng và một trong các xúc khác, như trơn, v.v... Thuyết khác lại nói, tối đa tất cả là mười một xúc.[60]
Nếu vậy, năm thức thân thủ đắc các cảnh vực có tính phổ quát (sāmānya-lakṣaṇa)[61]chứ không phải các cảnh vực cá biệt (svalakṣaṇa), vì đối tượng vốn là tập hợp?
Không có sai lầm ấy. Cảnh vực cá biệt được hiểu là cá biệt tính của môi trường (āyatana: xứ) chứ không phải là cá biệt tính của vật thể (dravya: sự).[62]
Điều này cần được suy nghiệm. Căn của thân và của vị cùng một lúc thủ đắc cảnh, thực tế thức nào hiện khởi trước? Thức nào có đối tượng mạnh hơn. Nếu là đối tượng quân bình, thức vị giác khởi trước. Bởi vì xu hướng muốn ăn là cốt duy trì thân.
Đã nói xong đối tượng của năm căn và sự nắm bắt chúng.
iv. Vô biểu
Nay sẽ nói về vô biểu[63].
[11] Đối với những ai loạn tâm, kể cả vô tâm, chuỗi liên tục, tịnh hoặc bất tịnh,
Được tác thành bởi bốn đại chủng, thật vậy, những cái ấy được gọi là vô biểu.
Loạn tâm(vikṣipta), chỉ tâm khác với tâm này[64]. Vô tâm(acittaka), chỉ tâm nhập vô tưởng định (asaṃjñisamāpatti) và diệt tận định (nirodha-samāpatti). Từ kể cả (api), chỉ kể luôn cả không loạn tâm và hữu tâm. Chuỗi liên tục (anubandha)[65], chỉ dòng tiếp nối liên tục (pravāha)[66]. Tịnh và bất tịnh, chỉ thiện và bất thiện.
Trong thiện và bất thiện, để phân biệt với sự tương tự của dòng chảy của đắc (prāpti)[67], nên nói là được tác thành bởi bốn đại chủng. Các nhà Vaibhāṣika[68]nói, nghĩa của sự được tác thành (upādāya) là nghĩa của nhân (hetu). Vì là nhân của sanh v.v...[69]Đó là vô biểu. Từ «thật vậy» (hi) chỉ nguyên nhân có danh từ vô biểu. Vô biểu tuy có tự thể là tác nghiệp của sắc như hữu biểu (vijñapti) nhưng nó không biểu thị cho người khác nhận thức. Từ «được nói,» (ucyate) bày tỏ lời của Sư phó (ācārya).[70]
Tóm lại, vô biểu là sắc hoặc thiện hoặc bất thiện phát sanh bởi biểu (nghiệp) hay định (sāmadhi).
v. Đại chủng (mahābhūta)
a. Bốn nguyên tố
Nói rằng «được tác thành từ các đại chủng.» Vậy, đại chủng là gì?
[12a-b] Đại chủng là bốn giới: đất, nước, lửa, gió.
Bốn yếu tố này do duy trì[71]sắc phái sinh (upādāyarūpa)[72]và yếu tính cá biệt, nên gọi là giới (dhātu)[73]. Bốn giới này được gọi là bốn đại chủng[74]. Nói là «đại» vì là sở y cho hết thảy sắc khác; vì sự thô lớn của nó. Hoặc vì khối lớn tổ hợp trong các khối tụ tập chuyển biến tăng thịnh của đất, nước, lửa, gió.[75]
b. Chức năng
Chức năng của các giới này là gì? Tự thể của chúng là gì?
[12c] Chúng tác thành chức năng duy trì, v.v...
Chức năng của chúng, theo thứ tự của các giới, là duy trì, cố kết, thành thục và phát triển. Vả lại, phát triển được hiểu là phân bố và khuếch trương. Đó là các chức năng của chúng.
c. Tự thể
Về tự thể, theo thứ tự:
[12d] Cứng, dính, ấm, và lay động.
Cứng là tự thể của đất. Dính, của nước. Ấm, của lửa. Lay động là của gió. Do bị lay động mà dòng chảy của các nguyên tố được chuyển dịch đến vị trí khác để sinh khởi. Cũng như nói về sự lay động của ngọn đèn.
Trong các Prakaraṇa[76]và trong Kinh có nói: «Giới của gió là gì? Là trạng thái nhẹ.» Prakaraṇa cũng nói: «Trạng thái nhẹ là sắc phái sinh.» Pháp mà tự thể là trạng thái lay động, đó là gió. Đó là theo chức năng mà nói về tự thể.
d. Quy ước
Sự khác nhau giữa đất và giới đất là thế nào?
[13a-b] Đất được nói đến với sắc màu và hình thể, theo quan niệm của thế gian.
Thật vậy, để biểu thị đất, sắc màu và hình thể được biểu thị. Cũng như đất, cũng vậy.
[13c] Nước và lửa.
Sắc màu và hình thể này được nói đến theo quan niệm của thế gian.
[13c-d] Nhưng gió cũng chính là giới.
Thế nhưng, chính giới là gió này cũng là thứ gió được nói đến trong thế gian.
[13d] Và cũng như vậy.
Cũng như nói đất là nói sắc màu và hình thể theo thế gian; và nói về gió cũng như vậy. Như nói, gió lam (nīlakā vātyā)[77], gió tròn (maṇḍalikā vātyā)[78].
vi. Khái niệm sắc
Vì sao sắc này, cho đến cuối cùng vô biểu, được nói là «sắc uẩn»? Vì là cái bị băng hoại (rūpaṇa)[79]. Như Thế Tôn nói: «Nó bị băng hoại, nó bị băng hoại, này các Tì-kheo, do đó, nó được gọi là sắc thủ uẩn. Nó bị băng hoại bởi cái gì? Nó bị băng hoại khi được xúc chạm bởi tay, hay bởi đá.»[80]Nó bị băng hoại, nghĩa là nó bị bức hoại[81]. Thật vậy, như được nói trong Arthavargīya[82]:
«Với những ai khát khao dục vọng;
Mà khi các dục vọng ấy không được thỏa mãn,
Người ấy bị băng hoại
Như bị trúng tên độc.»
Vả, thế nào là sự bức hoại đối với sắc?[83]Đó là khi phát sinh sự biến dị (vipariṇāma)[84].
Thuyết khác nói, nó bị đối kháng bởi sắc[85].
Nếu vậy, ở đây, sắc cực vi (paramāṇurūpa)[86]không trở thành sắc, vì không bị băng hoại. Quả vậy[87], nhưng sắc cực vi không tồn tại đơn độc cá biệt. Tồn tại trong hợp thể nên nó cũng bị băng hoại.
Nếu vậy, những gì thuộc quá khứ và vị lai không trở thành sắc? Nó cũng là sắc, vì đã, và sẽ biến hoại[88]; và vì cùng chủng loại. Như củi.
Nếu vậy, vô biểu không trở thành sắc? Nó cũng là sắc. Vì do sự băng hoại của biểu sắc mà nó trở thành cái bị băng hoại. Như do sự di động của cây mà ảnh cũng di động. Không đúng; vì vô biểu không bị biến thái (avikāra)[89]. Hoặc khi biểu biến mất thì vô biểu cũng biến mất. Như cây và bóng cây.
Thuyết khác giải thích: do sự băng hoại của sắc làm sở y.[90]Nếu vậy, thức con mắt v.v... cũng được xem là sắc, vì do sự băng hoại của sở y? Nạn vấn này không chính xác. Ở đây, vô biểu y trên các đại chủng mà tồn tại, cũng như ảnh y cây; ánh sáng y châu ngọc. Nhưng sự kiện, thức con mắt v.v... y trên căn con mắt v.v... mà tồn tai, thì không như vậy. Các căn duy chỉ là dấu hiệu cho sự sinh khởi (utpattinimitta)[91]của thức[92].
Nhưng, nói rằng ảnh y nơi cây, ánh sáng y nơi châu ngọc mà tồn tại; đây không phải là thuyết của Vaibhāṣika. Vaibhāṣika nói, mỗi một cực vi cho sắc màu của bóng cây các thứ đều y chỉ trên bốn đại chủng của tự thân. Và nếu có sự y chỉ ấy, thì sự y chỉ của bóng cây, và ánh sáng châu ngọc không được áp dụng cho vô biểu. Bởi vì, dù các đại chủng, là sở y của vô biểu, dù có diệt nhưng vô biểu vẫn không diệt. Cho nên, đó chưa phải là giải đáp.
Lại có giải đáp khác: cần phân biệt sở y của thức con mắt v.v... Có cái bị băng hoại, như con mắt các thứ. Có cái không băng hoại, như ý[93]. Nhưng vô biểu thì không phải vậy. Vì vậy, kết luận không giống nhau. Vậy, như điều đã nói, nói là sắc, vì nó băng hoại.
Đã nói xong sắc uẩn.
2. Các uẩn phi sắc
i. Tổng hợp uẩn xứ giới của sắc
Chính các tự thể sắc uẩn đã được nói ấy,
[14a-b] Các căn và cảnh này được xem là[94]mười xứ và giới.
Trong phạm vi của xứ[95], có mười xứ: môi trường của con mắt,[96]môi trường của sắc,[97]cho đến, môi trường của thân,[98]và môi trường của xúc.[99]Trong phạm vi của giới[100], chính chúng cũng là mười giới: giới của con mắt, giới của sắc, cho đến giới của thân và giới của xúc.
Đã nói xong sắc uẩn, và xứ, giới của sắc.
Nay sẽ nói đến thọ các thứ. Trong đó,
ii. Thọ uẩn (vedanāskandha)
[14c] Thọ là sự cảm nghiệm.
Có ba trạng thái cảm nghiệm[101]được gọi là thọ uẩn: khổ, lạc, và phi khổ phi lạc. Thêm nữa, cần phân biệt có sáu tổ hợp của thọ[102]: thọ phát sinh từ sự xúc chạm của con mắt, cho đến, thọ phát sinh từ sự xúc chạm của ý.
iii. Tưởng uẩn (saṃjñāskandha)
[14d] Tưởng có bản chất là nắm bắt ấn tượng.
Sự nắm bắt các ảnh tượng[103]xanh, vàng, dài, ngắn, nam, nữ, khổ và phi khổ các thứ, đó là tưởng uẩn. Thêm nữa, cần phân biệt sáu tổ hợp của tưởng[104]cũng như thọ.
iv. Hành uẩn (saṃskāraskandha)
[15a-b] Khác với bốn uẩn là hành uẩn.
a. Hành tức ý chí
Ngoài các hành thuộc bốn uẩn là sắc, thọ, tưởng và thức, các hành còn lại là hành uẩn. Nhưng trong Kinh Thế Tôn nói: «Có sáu tư thân.»[105]Đó là nói theo ưu thế của nó. Thật vậy, do bản sắc hành động, các hành có ưu thế là tạo tác. Vì vậy, Thế Tôn cũng có nói: «Nó tác thành hữu vi, do đó nó được gọi là hành thủ uẩn.»[106]Nếu không như vậy,[107]còn lại các tâm sở và các hành không tương ưng tất không thuộc về Khổ và Tập đế, và do đó không thể được thấu triệt và được đoạn trừ. Và Thế Tôn đã nói: «Nếu một pháp[108]không được thâm nhập, không được thấu triệt, Ta nói, không thể tận cùng giới hạn của khổ.» Cũng nói như vậy, về «Không được đọan trừ.»[109]
Do đó, một cách tất yếu, các pháp này cần được chấp nhận là thuộc vào hành uẩn.
b. Tổng hợp uẩn, xứ, giới của pháp
[15b] Lại nữa, ba uẩn này
Trong phạm vi của xứ và giới, ba uẩn thọ, tưởng và hành.
[15b-d] Cùng với vô biểu, vô vi, được gọi là pháp xứ và pháp giới.
Bảy thực thể này được nói là pháp xứ và pháp giới.[110]
v. Thức uẩn (vijñānaskandha)
a. Định nghĩa
[16a] Thức, là nhận thức cá biệt;
Sự tri nhận,[111]sự tiếp thu từng cảnh vực riêng biệt, được nói là thức uẩn. Thêm nữa, có sáu tổ hợp của thức;[112]thức con mắt, cho đến, ý thức.
b. Ý xứ (manāyatana)
Thức uẩn được đề cập ở đây, trong phạm vi của xứ,
[16b] và đó là ý xứ;
c. Ý giới (manodhātu)
Trong phạm vi của giới, chính nó
[16c] Và là bảy ý giới.
Những gì là bảy?
[16d] Tức sáu thức cùng với ý.
Đó là, giới của thức con mắt, cho đến giới của ý thức, và giới của ý.
Chính nơi năm uẩn như vậy mà nói về mười hai xứ và mười tám giới. Ngoại trừ vô biểu, sắc uẩn gồm mười xứ và mười giới.
Thọ, tưởng và hành, ba uẩn này, cùng với vô biểu và các vô vi, là pháp xứ và pháp giới.
Thức uẩn là ý xứ, sáu thức giới, và ý giới.
d. Tự thể của ý giới
Sáu tổ hợp của thức được nói là thức uẩn. Vậy, ngoài những pháp này, cái gì là ý giới? Không có pháp gì khác, mà chính các thức ấy.
[17a-b] Sáu thức của quá khứ không gián cách[113], thật sự đó là ý.
Tất cả thức vừa diệt, không gián cách, đều được gọi là ý giới. Cũng như người này là con nhưng đối với người khác y là cha. Hoặc nó là quả, nhưng đối với cái khác nó là hạt giống. Cũng vậy, thức ấy có tên gọi là ý giới.
Nếu vậy, thực tế chỉ có mười bảy giới, hay mười hai mà thôi.[114]Bởi vì sáu thức giới và ý giới bao hàm lẫn nhau, làm sao thiết lập mười tám giới?
Thật vậy, nhưng,
[17c-d] Với mục đích lập thành sở y cho thức thứ sáu, nên nhớ, có mười tám giới.
Năm thức giới có năm sở y là giới xứ con mắt các thứ. Ý thức giới thứ sáu không có sở y nào khác. Do đó, vì mục đích thành lập sở y cho nó mà ý giới được chỉ định. Như vậy với sự thiết lập sáu năng y, sáu sở y và sáu đối tượng mà có mười tám giới.
Nếu vậy, tối hậu tâm[115]của A-la-hán sẽ không phải là ý; vì không có tâm nào có thể là quá khứ không gián cách? Không phải vậy. Vì tâm tối hậu ấy cố định với bản chất là ý, nhưng vì khiếm khuyết các nguyên nhân khác nên thức tiếp theo không sinh khởi.
[1]Cđ.: hữu lưu 有流. Sphut.,tr.16: sahāsravaiḥsāsravāḥ, hữu lậu, cùng hiện hữu với các lậu. Ht. hữu lậu 有漏; Cđ., hữu lưu 有流.
[2]Skt. anuśerate, chúng nằm phục theo, ẩn núp. Ht.: tùy tăng 隨增; Cđ.: tùy tăng miên 隨增眠.
[3]Skt. pratisaṃkhyānirodha, H. trạch diệt 擇滅, sự diệt hay tịch diệt do tư duy giản trạch.
[4]Skt. ākāśa, H., không, hư không 虛空. Sphut., tr.19, có hai định nghĩa: a. avakāśaṃ dadātīty ākāśam iti nirvacanam,«theo ngữ nguyên, nói hư không, vì nó tác thành khoảng trống.» b. bhṛśam asyāntaḥ kāśante bhāvā itry ākāśam ity apare, «nói là hư không, vì ở đó các sự hữu toả sáng mãnh liệt.»
[5]Skt. anāvṛti, anāvarraṇa, vô ngại 無礙, không bị trùm kín, không bị che kín.
[6]Skt. visaṁyoga, Ht., ly hệ 離繋, Cđ., vĩnh ly 永離.
[7]Skt. prajñāviśeṣa, tính (hay khía cạnh) đặc thù (hay đặc sắc) của huệ. Ht., huệ sai biệt 慧差别 (sai biệt của huệ); Cđ., trí thắng nhân 智勝因 (nhân đặc sắc của huệ). Sphut., tr. 20: «Huệ đặc sắc, chỉ cho huệ vô gián đạo đoạn trừ phiền não.»
[8]Skt. pratisaṃkhyānaṃpratisaṃkhyā, suy lý trầm tư, tư trạch tư khảo. H., giản trạch 簡擇.
[9]Skt. goratha= goyuktaratha, xe bò nghĩa là xe được kéo bởi bò (lược bỏ từ yuktaở giữa, madhyamapada-lopin).
[10]Ht.: tùy hệ sự các biệt 隨繫事各別, «mỗi ly hệ khác biệt theo từng hệ sự.»
[11]saṃyogadravya, Ht. hệ sự 繫事; Cđ., kết 結 (số lượng).
[12]Sphut., tr. 22: sabhāgahetuḥ sabhāga ity eko’rthaḥ, hetuśabdalopāt, «Đồng loại, nghĩa là đồng loại nhân, do lược bỏ từ nhân.»
[13]Skt. dugdha, nguyên là phân từ quá khứ, đã được vắt (sữa), được dùng làm danh từ chỉ chung cho sữa. Từ saṃskṛta, nguyên cũng là phân từ quá khứ được dùng làm danh từ chỉ cái đã được tạo ra. Mặc dù theo ngữ nguyên là quá khứ, nhưng nó cùng nội hàm những gì thuộc hiện tại và vị lai. Cđ.: như độc đà 如獨陀; Ht.: như nhũ như tân 如乳如薪 (như sữa, như củi).
[14]Skt. adhvan: đường đi, đạo lộ; cuộc lữ hành; cự ly, khoảng cách; thời gian. Ht., thế lộ 世路.
[15]Skt. kathā: sự hội thoại, đàm thoại, nghị luận, trần thuật hay trình bày. Ht.: ngôn 言.
[16]Skt.: vastu: sự vật, vật chất; chất liệu; sở y, cơ sở.
[17]Cf. Phẩm loại túc luận 9, tr.728a24.
[18]Ht.: ly tức vĩnh ly 離即永離. Cđ.: vĩnh xuất danh ly 永出名離.
[19]Cđ.: hữu loại 有類. Sphut., tr.17: vasanty asmin prāk kāryāṇi paścat tata utpattỉ iti, «các tác nghiệp tồn tại ở đây trước, rồi sau đó sinh khởi nơi kia.» Theo định nghĩa này, sự hay vastu là từ phái sinh của động từ VAS: tồn tại. Tì-bà-sa 196, tr.980b29: «Nhân là từ đồng nghĩa của sự. Hết thảy sinh tử, không gì là không do nhân.»
[20]Cđ.: thủ ấm 取陰.
[21]Sự khác nhau giữa uẩn và thủ uẩn, xem Tì-bà-sa 75, tr.387a9.
[22]Cđ.: hoặc 惑.
[23]Sphut., tr.28: «Lửa phát sinh từ rơm, gọi là lửa rơm.»
[24]Skt. rājapuruṣa. Ht.: đế vương thần, «bề tôi của vua.» Cđ.: vương nhân 王人.
[25]Các định nghĩa về thủ uẩn, xem Tì-bà-sa 75, tr.386c12.
[26]Ht.: xúc động thiện phẩm, tổn hại tự tha 觸動善品損害自他. Cđ., nghĩa đồng.
[27]Skt., tadanuśayitatvāt, Ht.: tránh tùy tăng cố 諍隨增故. Cđ.: đấu tranh sở tùy miên cố 鬥爭所隨眠故.
[28]Dẫn bởi Sphut., tr.28, Kinh nói: lụyatelụyate támāl lokaḥ, «Nó băng hoại. Nó băng hoại. Do đó, nó được gọi là thế gian.» Theo đây, thế gian, Skt. loka, do động từ LUJ (RUJ). Tham chiếu, Pāli, S. iv., tr. 52: loko loko ti bhante vuccati. kittāvatā nu kho bhante loko ti vuccatīti. lujatīti kho bhikkhu tsamā loko ti vuccati., «Thế gian, bạch Thế Tôn, được nói là thế gian. Bạch Thế Tôn, như thế nào mà được nói là thế gian? Nó băng hoại, Tì-kheo, do đó nó được nói là thế gian.»
[29]Dẫn bởi Sphut., nt.: ye kecid bhikṣava ātmata ātmīyataś ca samanupaśyanti ta imāneva pañcopādānaskandhānātmata ātmīyataś ca samanupaśyanti, «Này các Tì-kheo, những ai nhận thấy có ngã và ngã sở, những người ấy ngay ở nơi năm thủ uẩn này mà nhận thấy có ngã và ngã sở.»
51 Skt., bhavatīti bhavaḥ. Ht.: diệc danh tam hữu. Hữu nhân, hữu y, tam hữu nhiếp cố亦名三有。有因有依三有攝故, «Cũng nói là Tam hữu. Vì (các pháp hữu lậu) là nhân của hữu, là sở y của hữu, được bao gồm trong Ba Hữu.»
[31]Về nghĩa của căn hay indriya, xem Ch.ii.
[32]Skt. artha, ý nghĩa, mục đích, lợi ích; tài sản; sự vật, sự kiện; đối tượng (nhận thức). Ht. cảnh 境; Cđ.: trần 塵. Sphut., tr. 30: arthāḥ viṣayāḥ, arthyante jñāyante ity arthaḥ, «Cảnh (đối tượng) tức cảnh giới (cảnh vực). Chúng được làm cho có ý nghĩa và được nhận thức»
[33]Skt. tad: cái ấy. Hán: bỉ 彼 Tham chiếu, Ht.: «câu tụng: bỉ thức y tịnh sắc 彼識依淨色» có hai giải thích. 1. Bỉ chỉ cho năm cảnh. Thức tức năm thức. Năm loại tịnh sắc, là sở y của thức tương ứng với năm cảnh kia. 2. Bỉ tức năm căn đã được đề cập. Thức tức năm thức. Năm căn là năm loại tịnh sắc, là sở y của thức y trên năm căn.» Chính lý, tr.333b20: bỉ, chỉ 5 căn như đã nói. Thức, chỉ 5 thức. Y, chỉ sở y là con mắt v.v...
[34]Skt. rūpaprasāda, tính chất minh tịnh, trong suốt của vật chất. Ht.: 淨色.
[35]Phẩm loại túc luận 1, tr.692c13.
[36]Skt. varṇa. Ht.: hiển sắc 顯色.
[37]Skt. saṃsthāna. Ht.: hình sắc 形色.
[38]Skt. nabhas, màu thiên thanh. Ht. không 空. Chính lý, tr.334a11: «Đây là sai biệt của không giới sắc.» Chỉ màu của vòm trời, tức màu thiên thanh hay màu da trời.
[39]Pháp uẩn 10, tr.500a18. Cf. Tì-bà-sa 13, tr.64a5
[40]Skt. sātam samasthāna. Ht.: chánh 正, là hình thể bằng phẳng.
[41]Bản Hán, Ht.: «Hơi nước từ đất bốc lên gọi là mù 霧.»
[42]Skt. ātapa, hơi nóng; ánh nắng. HT.: quang 光, nhật quang日光.
[43]Skt. āloka. HT.: minh 明, quang minh 光明.
[44]Skt. chāya. ảnh 影.
[45]Cf. Tì-bà-sa 75, tr.390b25; 122, tr.635a1.
[46]Tức thân biểu nghiệp 身表業. Quan điểm của Hữu bộ: hình sắc (saṃsathāna) được nhận thức theo phương mà lực của thân tạo ra trong khi hoạt động.
[47]Chính lý, tr.334a14: Nạn vấn này không liên hệ đến quan điểm Hữu bộ. Bảo sớ, tr.478b22: đây là nạn vấn của Kinh bộ.
[48]Skt., động từ vidyate, trong câu ekaṃ dravyam ubhayathā vidyate, có nghĩa «nó có mặt» và cũng có nghĩa «nó được nhận biết.»
[49]Skt. upātta; Ht.: hữu chấp thọ 有執受. Sphut., tr.34: pratyutpannānīndriyāvinnirbhāgāni bhūtāny upāttāni, «các nguyên tố không tách rời các quan năng hiện tại, là các nguyên tố có cảm thụ.» Tức chỉ loại vật chất nhạy cảm.
[50]Hán: hữu tình danh 有情名, hữu tình số 有情數. Sphut., tr.34: sattvam ācaṣṭe sattvākhyaḥ, «cái gọi tên hữu tình (chúng sinh), cái đó là hữu tình danh (số).»
[51]Cf. Tì-bà-sa 13, tr.64b20.
[52]Hán: ngữ biểu 語表.
[53]Phẩm loại 1, tr.692c22.
[54]Hán: bình đẳng hương 平等香.
[55]Hán: xúc, phân biệt hai nghĩa: spṛśya, cái xúc chạm (năng xúc); và spraṣṭavya, cái bị xúc chạm (sở xúc)
[56]Hán, Ht.: mềm mại, gọi là trơn柔軟名活.
[57]Skt.: buddhānāṃ sukkha utpādaḥ sukhā dharmasya deśanā/ sukhā saṅghasya sāmagrī samagrāṇāṃ tapaḥ sukham// Dhmmapada, 194 (Pāli): sukho buddhānam uppādo, sukhā saddhammadesanā, sukhā saṅghassa sāmaggī, samaggānaṃ tapo sukho.
[58]Sphut., tr.36, đó là quan điểm của Vaibhāṣika. Theo luận chủ, hữu ích do định chứ không phải do sự lạnh.
[59]Cf. Tì-bà-sa 13, tr. 64a11. Thuyết của Thế Hữu: không phải một nhãn thức nhất thời tiếp nhận nhiều sắc. Nhưng tốc độ tiếp thu rất nhanh, do đó, không phải nhất thời mà thấy như là nhất thời. Theo Đại đức, khi tiếp thu sự sai biệt của sắc mà không phân biệt rõ ràng thì duyên nhiều sắc mà sanh một thức như ngắm rừng cây mà tiếp thu lá cây một cách chung chung.
[60]Tì-bà-sa 13, tr.65a6.
[61]Skt. sāmānya-lakṣaṇa. Ht. cộng tướng 共相. Quang ký 1B, tr.21c2: Theo Kinh, năm thức tiếp nhận đối tượng cá biệt. Nếu duyên tổng thể thì đối tượng không còn là cá biệt.
[62]Skt. svalakṣaṇa. Ht. tự tướng 自相. Tì-bà-sa 13, tr.65a13: Tự tướng có hai thứ: 1. Sự tự tướng (dravya-svalakṣaṇa); 2. xứ tự tướng (āyatana-svalakṣaṇa). Nếu y sự tự tướng, cả năm thức đều duyên cộng tướng. Nếu y xứ tự tướng, năm thức chỉ duyên tự tướng.
[63]Skt. avijñapti. Ht.: vô biểu 無表; Cđ.: vô giáo 無教. Chi tiết, xem Ch.iv, tụng 3d.
[64]Sphut., tr.38: tâm thiện xuất hiện trong vô biểu thiện. Bấy giờ, tâm khác là tâm bất thiện, vô ký.
[65]Skt. anubandha, Ht.: tùy lưu 隨 流.
[66]Skt. pravāha: dòng nước trôi chảy. Sphut, tr.38: pravāha, chỉ cho pháp thường xuyên trôi chảy. Ht. tương tự tương tục 相似 相續.
[67]Về ý nghĩa đắc (prapti), xem Ch.ii, tụng 36.
[68]Cf. Tì-bà-sa 127, tr.663a22: «Tạo (upādāya) có nghĩa là gì? ... Tạo có nghĩa là nhân (hetu).»
[69]Bản Hán, Ht.: năm nhân, sanh v.v... Tì-bà-sa 127, nt., năm nhân: sanh nhân (janana-hetu), y nhân (niśraya-hetu), lập nhân (sthāna-hetu), trì nhân (upastambha-hetu), dưỡng nhân upabṛṃhaṇa-hetu). Về ý nghĩa, xem Câu-xá 7, Chính lý 20.
[70]Chỉ các luận sư Vaibhāṣika.
[71]Ngữ nguyên của từ dhātu: (...) dhāraṇād dhātavaḥ, do động từ Dhṛ: dhārayati: nó duy trì.
[72]Skt. upādāya-rūpa. Ht.: sở tạo sắc 所造色.
[73]Chính lý 2, tr.335c13: «Vì duyên cớ gì các đại chủng này được gọi là giới? Vì là môi trường xuất sinh hết thảy sắc pháp... Trong thế gian, người ta gọi trường sản xuất là giới.»
[74]Chính lý 2, tr.335c18: «Vì sao gọi là chủng? ... Khi các chủng loại sai biệt của sắc sinh khởi, những sai biệt về phẩm loại cũng sinh khởi; do đó nói là chủng... Hoặc pháp xuất hiện thì được gọi là hữu. Sinh trưởng hữu tính, do đó nói là chủng» Theo định nghĩa này, từ bhūta (chủng) do gốc động từ Bhū: tồn tại, trở thành.
[75]Chính lý 2, tr. 335c-336a: «Vì dụng đại, nên nói là đại... Hoặc, bốn nguyên tố này là sở y của tất cả sắc, nên nói là đại.»
[76]Phẩm loại 1, tr.692c12. Cf. Tì-bà-sa 75, tr.388a18.
[77]Ht.: hắc phong 黑風.
[78]Ht.: đoàn phong 團風.
[79]Skt. rūpaṇa; Cđ.: biến hoại 變壞; Ht,: biến ngại 變礙.
[80]Cf., Pāli, Samyutta iii, tr. 86: kiñca bhikkhave rūpaṃ vadetha. ruppatīti kho bhikkhave tasmā rūpan ti vuccati kena ruppati. sītena… «Này các Tì-kheo, thế nào gọi là sắc? Nó băng hoại, này các Tì-kheo, vì vậy nó được gọi là sắc. Bị băng hoại bởi cái gì? Bởi đá, v.v…» Theo ngữ nguyên này, rūpa, do động từ rump [lump]: vỡ, tan vỡ.
[81]Skt. bādhyate. Ht.: não hoại 惱壞; Cđ.: đối ngại 對礙.
[82]Cđ.: Nghĩa bộ kinh; Ht.: Nghĩa phẩm. Bảo sớ 1B, tr.23c6: tác phẩm biên tập bởi Pháp Cứu. Xem, dẫn bởi Tì-bà-sa 34, tr.176b2.
[83]Ht.: «Sắc bị não hoại bởi dục như thế nào?»
[84]Ht.: «Do bị sách nhiễu bởi dục vọng, sự biến hoại phát sinh.»
[85]Skt. pratighātorūpeṇetyapare. Sphut., tr.44: pratighātaitisvadeśeparasyotpatti-pratibandhaḥ, «pratighāta, nghĩa là, sự ngăn cản cái khác xuất hiện nơi vị trí của tự thân.» Ht.: «Thuyết khác nói, do biến ngại變礙 cho nên nói là sắc.» Cđ.: «Do đối ngại對礙cho nên nói là sắc.» Cf. Tì-bà-sa 97, tr. 503a14: «Hỏi: biến và hoại, khác nhau như thế nào? Đáp: Biến, biểu thị pháp vô thường vi tế. Hoại, biểu thị pháp vô thường thô…»
[86]Cđ.: lân hư sắc 鄰虛色.
[87]Tì-bà-sa 75, tr.390a1: «Từng cái một, cực vi không có tính biến ngại (đối kháng). Nhưng tích hợp nhiều cực vi thì có tính biến ngại.»
[88]Cf. Tì-bà-sa 75, tr.389c29.
[89]Cđ.: vô biến hoại 無變壞; Ht.: vô biến ngại 無變礙.
[90]Tì-bà-sa 75, tr.390a3: «Do bốn đại chủng, sở y của vô biểu, có biến ngại, cho nên cũng có thể nói vô biểu có biến ngại.»
[91]Cđ.: sinh duyên 生緣; Ht.: trợ sinh duyên 助生緣.
[92]Quang ký 1B, tr.24a15: «Các đại chủng làm nhân (năm nhân) cho sắc sở tạo do đó là trực tiếp. Nhưng năm thức y năm căn thì không như vậy. Duy chỉ có thể làm trợ sinh tăng thượng duyên mà thôi.»
[93]Cđ.: ý thức. Ht.: vô gián ý.
[94]Skt.: iṣṭa; Ht.: hứa 許. Tỏ ý Luận chủ quan niệm các uẩn không thực hữu. Chính lý sửa lại là ta evoktā: nó được nói là; Ht.: tức thuyết 卽説.
[95]āyatanavyavasthā; Ht. xứ môn 處門.
[96]Skt. cakṣurāyatana: nhãn xứ.
[97]Skt. rūpāyatana: sắc xứ.
[98]Skt. kāyāyatana: thân xứ.
[99]Skt. spraṣṭavyāyatana: xúcxứ.
[100]Skt. dhātuvyavasthā, Ht. giới môn界門.
[101]Skt. anubhava. Sphut., tr.48: anubhūtir anubhavaḥ upabhogaḥ: tri giác, lãnh hội, đồng nghĩa thọ dụng. Ht.: lãnh nạp tùy xúc 領納隨觸; Cđ.: lãnh tùy xúc 領隨觸.
[102]Skt. vedanākāya. Ht.: thọ thân 受身; Cđ.: thọ tụ 受聚. Cf. Tập dị 15, tr.429a26: «Sáu thọ thân... Thế nào là thọ thân phát sinh từ xúc của con mắt? Con mắt và các sắc làm duyên sinh thức con mắt. Ba yếu tố này hòa hiệp do đó có xúc. Xúc làm duyên cho nên thọ...» Tham chiếu Pāli, D. 33. Saṅgīti, tr.243: cha vedanā-kāyā cakkhusamphassajā vedanā, sotasamphasajā vedanā ghānasamphassajā vedanā jhivhāsamphassajā vedanā kāya-samphassajā vedanā manosamphassajā vedanā.
[103]Skt. nimitta, hình tướng, dấu hiệu hay tín hiệu. Sphut., tr.48: nimittaṃ vastuno’ vasthāviśeṣo, «tướng, là phần vị sai biệt của các vật thể.» Cđ.: tướng 相; Ht.: tượng 像.
[104]Skt. ṣaḍ saṃjñākāyā. lục tưởng thân 六想身.
[105]Skt. cetanakāya. Ht.: 思身. Sphut., tr.48 giải thích: saṃskāraskandhaḥ katamaḥ? ṣaḍ cetanākāyāḥ, «Những gì là hành? Sáu tư thân.» Tham chiếu Pāli, S. iii, tr. 63: katame ca bhikkhave saṅkhārā? cha yime bhikkhave cetanākāyā... Cf. Tập dị 15, nt.; Pāli, Saṅgīti, nt.: cha sañcetanākāyā.
[106]Tham chiếu Pāli, S.iii., tr. 87: saṅkhataṃ abhisaṅkarontīti bhikkhave tasmā saṅkhārā ti vuccati, «Chúng tác thành hữu vi, này các Tì-kheo, do đó chúng được gọi là hành.»
[107]Sphut., tr.49: Nếu duy chỉ tư (tâm sở) được cho là hành, các tâm sở khác như dục, và các bất tương ưng hành như đắc, và kể cả các uẩn khác như sắc, thọ, tưởng và thức không được kể trong thủ uẩn. Như vậy chúng không thuộc Khổ và Tập đế. Do đó, không có biến tri Khổ, đoạn trừ Tập...
[108]Một pháp, Skt. ekadharma, chỉ Khổ đế pháp. Cf., Quang ký 1B, tr.25c13.
[109]Chỉ Tập đế. Nghĩa là, một pháp cần được biến tri (parijñā) là Khổ đế; và một pháp cần được đoạn trừ (prahāṇa) là Tập đế. Cf. Quang ký, nt.
[110]Skt. dharmāyatana, pháp xứ; dharmadhātu, pháp giới.
[111]Skt. upalabdhi, Sphut., tr.50: upalabdhir vastumātragrahaṇam, sự tri nhận là sự tiếp thu vật thể tự thân. Chính lý 3, tr.342a: nhãn thức chỉ tiếp thu sắc chứ không tiếp thu thanh các thứ. Ht.: tổng thủ cảnh tướng 總取境相. Quang ký 1B, tr.26a10: Sáu thức kia, mỗi thức đối với từng đối tượng riêng biệt của nó, không tiếp thu biệt tướng, mà tiếp thu tổng tướng của đối tượng.
[112]Sphut., tr. 50: ṣaḍ vijñānakāyā iti ṣaḍ vjñānasamūhāḥ. Ht.: lục thức thân 六識身; Cđ.: lục thức tụ 六識聚. Cf. Tập dị 15, tr.429a14. Tham chiếu Pāli, D. xxxiii Saṅgīti, tr.243: cha viññāṇa-kāyā.
[113]Skt. Skt. anantarātīta, quá khứ trực tiếp. Cđ.: vô gián tạ 無間謝; Ht.: vô gián diệt 無間滅. Sphut., tr. 50: Từ vô gián (anantara), chỉ sự không gây trở ngại cho thức khác. Nếu nó không gián cách, nghĩa là không cản trở sự sinh khởi của thức khác, thì nó là sở y của thức ấy.
[114]Cđ.: «Tùy theo một trong sáu thức vô gián diệt, thức ấy được gọi là ý giới.»
[115]Sphut., tr. 52: caramaṃ cittam iti nirupadhiśeṣanirvāṇakāle, tâm tối hậu, là tâm ở thời điểm nhập vô dư niết-bàn.»