- Quyển 01
- Quyển 02
- Quyển 03
- Quyển 04
- Quyển 05
- Quyển 06
- Quyển 07
- Quyển 08
- Quyển 09
- Quyển 10
- Quyển 11
- Quyển 12
- Quyển 13
- Quyển 14
- Quyển 15
- Quyển 16
- Quyển 17
- Quyển 18
- Quyển 19
- Quyển 20
- Quyển 21
- Quyển 22
- Quyển 23
- Quyển 24
- Quyển 25
- Quyển 26
- Quyển 27
- Quyển 28
- Quyển 29
- Quyển 30
- Quyển 31
- Quyển 32
- Quyển 33
- Quyển 34
- Quyển 35
- Quyển 36
- Quyển 37
- Quyển 38
- Quyển 39
- Quyển 40
- Quyển 41
- Quyển 42
- Quyển 43
- Quyển 44
- Quyển 45
- Quyển 46
- Quyển 47
- Quyển 48
- Quyển 49
- Quyển 50
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La
Việt dịch: Thích Ðức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
TẠP A-HÀM QUYỂN 31
KINH 861. ĐÂU-SUẤT THIÊN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Bốn trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm trên cõi trời Đâu-suất-đà[2]. Ba mươi ngày như vậy là một tháng; mười hai tháng là một năm. Chư Thiên Đâu-suất-đà thọ bốn ngàn năm. Kẻ phàm phu vì ngu si không học, sau khi mạng chung ở đó, sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đa văn Thánh đêï tử sau khi mạng chung ở đó không sanh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 862. HÓA LẠC THIÊN[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tám trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm trên cõi trời Hóa-lạc[4]. Ba mươi ngày như vậy là một tháng; mười hai tháng là một năm. Chư thiên Hóa lạc thọ tám ngàn tuổi. Kẻ phàm phu vì ngu si không học, sau khi mạng chung ở đó, sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đa văn Thánh đêï tử sau khi mạng chung ở đó không sanh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 863. THA HÓA TỰ TẠI THIÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Sáu ngàn năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm trên cõi trời Tha hóa tự tại[5]. Ba mươi ngày như vậy là một tháng; mười hai tháng là một năm. Chư Thiên Tha hóa tự tại thọ một vạn sáu ngàn năm. Kẻ phàm phu vì ngu si không học, sau khi mạng chung ở đó, sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đa văn Thánh đêï tử sau khi mạng chung ở đó không sanh vào trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Phật đã nói sáu kinh; cũng vậy, Tỳ-kheo nọ hỏi sáu kinh và Phật hỏi các Tỳ-kheo sáu kinh cũng nói như vậy.
*
KINH 864. SƠ THIỀN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo, với hành, hoặc hình, hay tướng, ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trụ Sơ thiền; vị ấy không nhớ nghĩ hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy. Nhưng đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vị ấy tư duy như là bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Đối với những pháp này mà sanh tâm nhàm chán, sợ hãi, phòng hộ. Do nhàm chán, xa lìa, phòng hộ, bằng cửa cam lộ mà tự làm lợi ích cho mình. Đây là tịch tĩnh, đây là thắng diệu, tức là xả ly tất cả hữu dư[6], ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 865. GIẢI THOÁT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu, với giải thoát tri kiến, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 866. TRUNG BÁT-NIẾT-BÀN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sự sai biệt:
“Nếu không được giải thoát, nhưng do pháp kia, dục pháp, niệm pháp, lạc pháp, nên thủ Trung Bát-niết-bàn[7]; hoặc không như vậy, thì thủ Sanh Bát-niết-bàn[8]; hoặc không như vậy, thì thủ Hữu hành Bát-niết-bàn[9]; hoặc không như vậy, thủ Vô hành Bát-niết-bàn[10]; hoặc không như vậy, thì Thượng lưu Bát-niết-bàn[11]. Hoặc không như vậy, do dục pháp, niệm pháp, lạc pháp, do công đức này mà sanh làm Đại Phạm thiên[12], hoặc sanh về cõi Phạm phụ thiên[13], hay sanh về cõi Phạm thân thiên[14].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 867. ĐỆ NHỊ THIỀN THIÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo, với hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy, mà dứt hữu giác, hữu quán, bên trong thanh tịnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và trụ đệ Nhị thiền; hoặc nhớ nghĩ không hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy; mà đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức tư duy như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là sát hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Đối với những pháp này tâm sẽ sanh ra nhàm chán, xa lìa, sợ hãi, phòng hộ. Do nhàm chán, xa lìa, phòng hộ, bằng pháp giới cam lộ mà tự làm lợi ích cho mình. Đây là tịch tĩnh, đây là thắng diệu, tức là xả ly tất cả hữu dư, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 868. GIẢI THOÁT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Nếu không được giải thoát, nhưng do pháp kia, dục pháp, niệm pháp, lạc pháp, nên thủ Trung Bát-niết-bàn; hoặc không như vậy, thì thủ Sanh Bát-niết-bàn; hoặc không như vậy, thì thủ Hữu hành Bát-niết-bàn; hoặc không như vậy, thủ Vô hành Bát-niết-bàn[15]; hoặc không như vậy, thì Thượng lưu Bát-niết-bàn. Hoặc không như vậy, do dục pháp, niệm pháp, lạc pháp, nên sanh về cõi trời Tự tánh Quang âm[16]; hoặc không như vậy, thì sanh về cõi trời Vô lượng quang[17]; hoặc không như vậy, thì sanh về cõi trời Thiểu quang[18].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 869. ĐỆ TAM THIỀN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo, với hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy, lìa tham hỷ, an trụ xả, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nhân nói là xả, với niệm, an trụ lạc, chứng và an trú đệ Tam thiền. Nếu không như vậy, mà với hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy, đối với các pháp sắc[19], thọ, tưởng, hành, thức mà tư duy như là bệnh tật, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là sát hại,… cho đến Thượng lưu Bát-niết-bàn. Nếu không như vậy, do dục pháp, niệm pháp, lạc pháp, nên sanh về cõi trời Biến tịnh[20]; hoặc không như vậy, thì sanh về cõi trời Vô lượng tịnh[21]; hoặc không như vậy, thì sanh về cõi trời Thiểu tịnh[22].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 870. GIẢI THOÁT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo, với hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy lìa khổ dứt lạc, ưu hỷ trước đã diệt, không khổ không lạc, xả, tịnh niệm[23], nhất tâm, chứng và an trụ đệ Tứ thiền. Nếu không nhớ nghĩ như vậy, mà đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà tư duy như là bệnh tật, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là sát hại,… cho đến Thượng lưu Bát-niết-bàn. Nếu không như vậy, thì sanh về cõi trời Nhân tánh Quả thật[24]; hoặc không như vậy, thì sanh về cõi trời Phước sanh[25]; hoặc không như vậy, thì sanh về cõi trời Thiểu phước[26].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Tứ thiền, Bốn vô sắc định cũng được nói như vậy.
*
KINH 871. PHONG VÂN THIÊN[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có vị Phong vân thiên[28] nghĩ như vầy: ‘Hôm nay ta muốn dùng thần lực dạo chơi.’ Khi nghĩ như vậy thì mây gió liền nổi lên. Cũng vậy, như Phong vân thiên; Diệm điện thiên, Lôi chấn thiên, Vũ thiên, Tình thiên, Hàn thiên, Nhiệt thiên[29] cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Nói như vậy, có Tỳ-kheo hỏi Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo, cũng được nói như vậy.[30]
*
KINH 872. TÁN CÁI PHÚ ĐĂNG[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, trời mưa nhỏ, có chớp lóe chiếu sáng. Phật bảo A-nan:
“Ông hãy lấy dù che đèn mang ra ngoài.”
Tôn giả A-nan liền vâng lời lấy dù che đèn, đi theo sau Phật. Đến một nơi, Thế Tôn bỗng mỉm cười. Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
“Thế Tôn không khi nào cười mà không có nguyên nhân. Không rõ hôm nay Thế Tôn vì lý do gì mà mỉm cười?”
Phật bảo A-nan:
“Đúng vậy, đúng vậy! Như Lai cười không phải là không có lý do. Hôm nay khi ông cầm dù che đèn đi theo Ta, thì Ta thấy Phạm thiên cũng lại như vậy, cầm dù che đèn đi theo sau Tỳ-kheo Câu-lân[32]; Thích Đề-hoàn Nhân[33] cũng cầm dù che đèn đi theo sau Ma-ha Ca-diếp; Trật-lật-đế-la-sắc-tra-la[34] Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Xá-lợi-phất; Tỳ-lâu-lặc-ca[35] Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Đại Mục-kiền-liên; Tỳ-lâu-bặc-xoa[36] Thiên vương cũng cầm dù đi theo sau Ma-ha Câu-hy-la; Tỳ-sa-môn[37] Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Ma-ha Kiếp-tân-na.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 873. TỨ CHỦNG ĐIỀU PHỤC[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn chúng được điều phục thiện hảo. Những gì là bốn? Đó là Tỳ-kheo được điều phục, Tỳ-kheo-ni được điều phục, Ưu-bà-tắc được điều phục, Ưu-bà-di được điều phục. Đó gọi là bốn chúng.”
Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Nếu biện tài[39], vô úy[40],
Đa văn, thông đạt pháp;
Hành pháp thứ pháp hướng[41],
Thì đó là thiện chúng.
Tỳ-kheo giữ tịnh giới,
Tỳ-kheo-ni đa văn;
Ưu-bà-tắc tịnh tín,
Ưu-bà-di cũng vậy.
Đó gọi là thiện chúng,
Như mặt trời tự chiếu;
Tăng thiện hảo cũng vậy,
Đó là hảo trong Tăng.
Pháp này khiến Tăng hảo[42],
Như mặt trời tự chiếu.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như điều phục. Cũng vậy, biện tài, nhu hòa, vô úy, đa văn, thông đạt pháp, nói pháp, pháp thứ pháp hướng, tùy thuận pháp hành cũng nói như vậy.”[43]
*
KINH 874. TAM CHỦNG TỬ[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba loại con. Những gì là ba? Con tùy sanh[45], con thắng sanh[46], con hạ sanh[47].
“Thế nào là con tùy sanh? Cha mẹ của con không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì con cũng học theo không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là con tùy sanh.
“Thế nào là con thắng sanh? Cha mẹ của con không thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm không nói dối, không uống rượu; nhưng con lại lãnh thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là người con thắng sanh.
“Thế nào là con hạ sanh? Cha mẹ của con chịu lãnh thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; nhưng con lại không lãnh thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là con hạ sanh.”
Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Tùy sanh và thượng sanh,
Cha có trí đều mong.
Hạ sanh, người không cần,
Vì không thể kế nghiệp.
Phép làm người của con,
Là làm Ưu-bà-tắc;
Đối Phật, Pháp, Tăng bảo,
Cần tu tâm thanh tịnh.
Mây tan ánh trăng hiện,
Vẻ vang dòng quyến thuộc.
Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như Năm giới. Cũng vậy, kinh Tín, Giới, Thí, Văn, Tuệ cũng nói như vậy.”
*
KINH 875. TỨ CHÁNH ĐOẠN (1)[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Chánh đoạn[49]. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn[50].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 876. TỨ CHÁNH ĐOẠN (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Chánh đoạn[51]. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn[52].”
Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Đoạn đoạn và luật nghi,
Tùy hộ cùng tu tập;
Như bốn Chánh đoạn này,
Chư Phật đều đã dạy.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 877. TỨ CHÁNH ĐOẠN (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”
“Thế nào là đoạn đoạn[53]? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục[54], phương tiện[55], tinh cần[56], nhiếp tâm gìn giữ[57]. Đó gọi là đoạn đoạn[58].
“Thế nào là luật nghi đoạn[59]? Pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là luật nghi đoạn[60].
“Thế nào là tùy hộ đoạn[61]? Pháp thiện chưa sanh thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tùy hộ đoạn[62].
“Thế nào là tu đoạn[63]? Pháp thiện đã khởi, khiến tu tập thêm ích lợi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tu đoạn[64].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 878. TỨ CHÁNH ĐOẠN (4)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”
“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.
“Thế nào là luật nghi đoạn? Pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là luật nghi đoạn.
“Thế nào là tùy hộ đoạn? Pháp thiẹân chưa sanh thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tùy hộ đoạn.
“Thế nào là tu đoạn? Pháp thiện đã khởi, khiến tu tập thêm ích lợi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tu đoạn.”
Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Đoạn đoạn và luật nghi,
Tùy hộ cùng tu tập;
Như bốn Chánh đoạn này,
Chư Phật đều đã dạy.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 879. TỨ CHÁNH ĐOẠN (5)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”
“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp ác bất thiện chưa khởi, thì không cho khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện chưa sanh, thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện đã sanh, thì khiến cho tu tập thêm lợi ích, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.
“Thế nào là luật nghi đoạn? Tỳ-kheo khéo phòng hộ căn con mắt, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Cũng vậy, đối với các căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý, khéo phòng hộ, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Đó gọi là luật nghi đoạn[65].
“Thế nào là tùy hộ đoạn? Tỳ-kheo đối với mỗi một tướng tam-muội chân thật, như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch mà khéo bảo vệ hộ trì, tu tập, giữ gìn, không khiến cho sút giảm. Đó gọi là tùy hộ đoạn[66].
“Thế nào là tu đoạn? Tỳ-kheo nào tu tập bốn Niệm xứ, thì đó gọi là tu đoạn[67].”
Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Đoạn đoạn, luật nghi đoạn,
Tùy hộ, tu tập đoạn;
Bốn thứ chánh đoạn này,
Những gì Chánh Giác nói.
Tỳ-kheo siêng phương tiện,
Các lậu sẽ sạch hết.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như bốn Niệm xứ. Cũng vậy, bốn Chánh đoạn, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, Tám đạo chi, Bốn đạo, Bốn pháp cú, Chánh quán tu tập cũng nói như vậy.”[68]
*
KINH 880. BẤT PHÓNG DẬT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như có người tạo dựng công trình nơi thế gian, tất cả đều y cứ vào đất. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu tập pháp thiền, tất cả cũng đều y cứ vào không buông lung để làm căn bản, lấy không buông lung[69] làm tập khởi, lấy không buông lung làm sanh khởi, lấy không buông lung làm chuyển khởi. Tỳ-kheo nào không buông lung thì có khả năng tu tập bốn thiền.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 881. ĐOẠN TAM
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.
“Tỳ-kheo như vậy có khả năng đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si. Cũng vậy, điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si và sự rốt ráo đoạn tham dục, rốt ráo đoạn sân nhuế, ngu si, xuất yếu, viễn ly, Niết-bàn cũng nói như vậy.”[70]
*
KINH 882. BẤT PHÓNG DẬT CĂN BẢN[71]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như trăm thứ cây, cỏ, thảo dược đều nương vào đất mà được sanh trưởng. Cũng vậy, tất cả các pháp thiện đều y cứ vào không buông lung làm gốc. Như đã nói ở trên… cho đến Niết-bàn.
“Thí như hương hắc trầm thủy là loại hương trên các loại hương. Cũng vậy, trong các loại thiện pháp, không buông lung là trên hết.
“Thí như trong các loại hương lâu bền, xích chiên-đàn là bậc nhất. Cũng vậy, trong các thiện pháp, tất cả đều lấy không buông lung làm căn bản. Như vậy… cho đếnNiết-bàn.
“Thí như các loài hoa sống ở dưới nước và trên đất, hoa ưu-bát-la là bậc nhất. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều lấy không buông lung làm căn bản,… cho đếnNiết-bàn.
“Thí như hoa sanh sống từ đất, hoa ma-lợi-sa là bậc nhất. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều lấy không buông lung làm căn bản cho chúng,... cho đến Niết-bàn.
“Này các Tỳ-kheo, thí như trong tất cả các dấu chân của loài thú, dấu chân voi là hơn hết. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là pháp căn bản hơn cả. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các loài thú, sư tử là đệ nhất, vì nó là chúa tể của loài thú. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như tất cả nhà cửa lầu các, cái nóc là trên hết. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.
“Thí như trong tất cả các thứ quả trong cõi Diêm-phù, chỉ có quả tên là diêm-phù là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.
“Thí như trong tất cả các loại cây như cây câu-tỳ-đà-la[72], cây tát-bà-da chỉ-la-câu-tỳ-đà-la là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản. Như đã nói ở trên,… cho đếnNiết-bàn.
“Thí như trong các núi, Tu-di sơn là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các loại vàng, vàng Diêm-phù-đề là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các loại vải, vải lông mịn già-thi[73] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các loại màu, màu trắng là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các loài chim, Kim-sí điểu[74] là đệ nhất, vì nó là chúa tể của loài súc sanh. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các vua, Chuyển luân Thánh vương là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các Thiên vương, Tứ Đại Thiên vương là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các trời Tam thập tam, Đế Thích là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong cõi Diệm-ma thiên, Tú-diệm-ma thiên vương[75] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong cõi Đâu-suất-đà thiên, Đâu-suất-đà thiên vương[76] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong cõi Hóa lạc thiên, Thiện Hóa lạc thiên vương[77] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong cõi Tha hóa tự tại thiên, Thiện Tha hóa tự tại Thiên tử[78] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong cõi Phạm thiên, Đại Phạm thiên vương là bậc nhất. Cũng vậy, trong các thiện pháp, tất cả đều lấy không buông lung làm căn bản. Như vậy… cho đến Niết-bàn.
“Thí như tất cả các dòng sông ở Diêm-phù-đề đều xuôi về biển lớn, biển lớn là bậc nhất, vì nó dung chứa tất cả. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều thuận dòng với không buông lung. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như tất cả nước mưa đều đổ về biển cả. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều xuôi dòng về biển không buông lung. Như đã nói ở trên,... cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các hồ nước[79], hồ A-nậu-đại[80] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là bậc nhất. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các sông ở Diêm-phù-đề, có bốn con sông lớn là bậc nhất đó là: sông Hằng, Tân-đầu, Bác-xoa và Tư-đa[81]. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong ánh sáng của các tinh tú, mặt trăng là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là bậc nhất. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong các chúng sanh có thân lớn, La-hầu-la A-tu-la[82] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong các hạng hưởng thụ năm dục, Đảnh Sanh vương[83] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong các thần lực ở cõi Dục, Thiên ma Ba-tuần là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân; có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải tưởng chẳng phải không tưởng, Như Lai là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các pháp hữu vi, vô vi, lìa tham dục là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các pháp chúng, chúng của Như Lai là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.
“Thí như trong tất cả các giới, khổ hạnh, phạm hạnh; Thánh giới[84] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 883. TỨ CHỦNG THIỀN[85]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thiền[86]. Có loại thiền, tam-muội thiện[87], nhưng chẳng phải chánh thọ thiện[88]; có loại thiền, chánh thọ thiện, nhưng chẳng phải tam-muội thiện; có loại thiền tam-muội thiện, mà chánh thọ cũng lại thiện; có loại thiền chẳng phải tam-muội thiện và cũng chẳng phải chánh thọ thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, trụ tam-muội thiện, nhưng chẳng phải trụ chánh thọ thiện[89]; có loại thiền, trụ chánh thọ thiện, nhưng chẳng phải trụ tam-muội thiện; có loại thiền, trụ tam-muội thiện, nhưng cũng trụ chánh thọ thiện; có loại thiền, chẳng phải trụ tam-muội thiện, mà cũng chẳng phải trụ chánh thọ thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội khởi thiện[90], nhưng chẳng phải chánh thọ khởi thiện; có loại thiền, chánh thọ khởi thiện, nhưng chẳng phải tam-muội khởi thiện; có loại thiền, tam-muội khởi thiện và chánh thọ cũng khởi thiện; có loại thiền, chẳng phải tam-muội khởi thiện và cũng chẳng phải chánh thọ khởi thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, thiện đối với thời của tam-muội, nhưng không phải thiện đối với thời của chánh thọ thiện[91]; có loại thiền, thiện đối với thời của chánh thọ thiện, nhưng không phải thiện đối với thời của tam-muội; có loại thiền, thiện đối với thời của tam-muội thiện, cũng thiện đối với thời của chánh thọ thiện; có loại thiền, chẳng phải thiện đối với thời của tam-muội, cũng chẳng phải thiện đối với thời của chánh thọ.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội xứ thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ xứ thiện[92]; có loại thiền, chánh thọ xứ thiện, nhưng chẳng phải tam-muội xứ thiện; có loại thiền, tam-muội xứ thiện, chánh thọ cũng xứ thiện; có loại thiền, chẳng phải tam-muội xứ thiện, cũng chẳng phải chánh thọ xứ thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội nghinh thiện[93], nhưng chẳng phải chánh thọ nghinh thiện; có loại thiền, chánh thọ nghinh thiện, nhưng chẳng phải tam-muội nghinh cũng thiện; có loại thiền, tam-muội nghinh thiện, chánh thọ nghinh thiện; có loại thiền chẳng phải tam-muội nghinh thiện và cũng chẳng phải chánh thọ nghinh thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội niệm thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ niệm thiện; có loại thiền, chánh thọ niệm thiện, nhưng chẳng phải tam-muội niệm thiện; có loại thiền, tam-muội niệm thiện, chánh thọ niệm cũng thiện; có loại thiền, chẳng phải tam-muội niệm thiện, cũng chẳng phải chánh thọ niệm thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội niệm bất niệm thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ niệm bất niệm thiện; có loại thiền, chánh thọ niệm bất niệm thiện, nhưng chẳng phải tam-muội niệm bất niệm thiện; có loại thiền, tam-muội niệm bất niệm thiện, nhưng chánh thọ niệm bất niệm cũng thiện; có loại thiền, chẳng phải tam-muội niệm bất niệm thiện, cũng chẳng phải chánh thọ niệm bất niệm thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội đến thì thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ đến[94] thì thiện; có loại thiền, chánh thọ đến thì thiện, nhưng tam-muội đến thì không thiện; có loại thiền, tam-muội đến thì thiện, chánh thọ đến thì cũng thiện; có loại thiền, chẳng phải tam-muội đến thiện và cũng chẳng phải chánh thọ đến thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền, tam-muội ác thì thiện, chánh thọ ác thì không thiện; có loại thiền, chánh thọ ác thì thiện, tam-muội ác thì không thiện[95]; có loại thiền, tam-muội ác thì thiện, chánh thọ ác cũng thiện; có loại thiền, chẳng phải tam-muội ác thiện và cũng chẳng phải chánh thọ ác thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền tam-muội phương tiện thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ phương tiện thiện; có loại thiền chánh thọ phương tiện thiện, nhưng chẳng phải tam-muội phương tiện thiện; có loại thiền tam-muội phương tiện thiện và chánh thọ cũng phương tiện thiện; có loại thiền chẳng phải tam-muội phương tiện thiện, mà cũng chẳng phải chánh thọ phương tiện thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền tam-muội chỉ thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ chỉ thiện; có loại thiền chánh thọ chỉ thiện, nhưng chẳng phải tam-muội chỉ thiện; có loại thiền tam-muội chỉ thiện, chánh thọ cũng chỉ thiện; có loại thiền chẳng phải tam-muội chỉ thiện và cũng chẳng phải chánh thọ chỉ thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền tam-muội cử thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ cử thiện; có loại thiền chánh thọ cử thiện, nhưng chẳng phải tam-muội cử thiện; có loại thiền tam-muội cử thiện và chánh thọ cũng cử thiện; có loại thiền chẳng phải tam-muội cử thiện, mà cũng chẳng phải chánh thọ cử thiện.
“Lại có bốn loại thiền nữa. Có loại thiền tam-muội xả thiện, nhưng chẳng phải chánh thọ xả thiện; có loại thiền chánh thọ xả thiện, nhưng chẳng phải tam-muội xả thiện; có loại thiền tam-muội xả thiện, thì chánh thọ cũng xả thiện; có loại thiền chẳng phải tam-muội xả thiện và cũng chẳng phải chánh thọ xả thiện[96].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 884. VÔ HỌC TAM MINH (1)[97]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Bậc Vô học có ba minh[98]. Những gì là ba? Là Trí túc mạng chứng thông của bậc Vô học, Trí sanh tử chứng thông của bậc Vô học, Trí lậu tận chứng thông của bậc Vô học.”
Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Quán sát biết kiếp trước,
Thấy trời sanh đường ác.
Các lậu sanh tử hết,
Là Minh của Mâu-ni.
Tâm ấy được giải thoát
Tất cả những tham ái;
Ba nơi đều thông suốt,
Nên gọi là Ba minh.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 885. VÔ HỌC TAM MINH (2)[99]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Bậc Vô học có Ba minh. Những gì là ba? Túc mạng trí chứng thông của bậc Vô học, Sanh tử trí chứng thông của bậc Vô học, Lậu tận trí chứng thông của bậc Vô học.
“Thế nào là Túc mạng chứng trí thông của bậc Vô học? Thánh đệ tử biết tất cả sự từ những đời trước. Từ một đời đến trăm, ngàn, vạn, ức đời; cho đến số kiếp thành hoại rằng: ‘Các đời sống trước của ta và chúng sanh, có những tên như vậy, sanh ra như vậy, dòng họ như vậy, ăn như vậy, chịu khổ vui như vậy, tuổi thọ dài như vậy, sống lâu như vậy, chịu giới hạn như vậy. Ta và chúng sanh chết ở chỗ này, sanh ra chỗ khác; chết chỗ khác sanh ra chỗ này, có hành như vậy, nhân như vậy, tín như vậy.’ Tất cả các việc đã trải qua trong đời sống trước đều biết rõ ràng. Đó gọi là Trí túc mạng chứng minh.
“Thế nào là Sanh tử trí chứng minh? Thánh đệ tử, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt qua đối với mắt người, thấy các chúng sanh lúc chết, lúc sanh, đẹp, xấu, thượng sắc, hạ sắc, theo nghiệp mà thọ sanh vào đường ác. Biết như thật rằng như chúng sanh này thành tựu thân ác hành, thành tựu miệng, ý ác hành, hủy báng Thánh nhân, tà kiến, nhận lãnh tà pháp; do nhân duyên này sau khi thân hoại mạng chung sanh vào trong đường ác địa ngục. Chúng sanh này do thành tựu thân thiện hành, thành tựu miệng, ý thiện hành, không hủy báng Thánh nhân, đã thành tựu chánh kiến, nên sau khi thân hoại mạng chung sanh vào trong đường Trời, Người. Đó gọi là Trí sanh tử chứng minh.
“Thế nào là Lậu tận trí chứng minh? Thánh đệ tử biết như thật, ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo.’ Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát Dục hữu lậu, tâm giải thoát Hữu hữu lậu, tâm giải thoát Vô minh lậu, với giải thoát tri kiến, biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đó gọi là Lậu tận chứng trí minh.”
Sau đó, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Quán sát biết đời trước,
Thấy trời sanh đường ác.
Các lậu sanh tử hết,
Là Minh của Mâu-ni.
Tâm ấy được giải thoát
Tất cả những tham ái;
Ba nơi đều thông suốt,
Nên gọi là Ba minh.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 886. TAM MINH[100]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn[101]đi đến chỗ Phật gặp Thế Tôn, sau khi thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên và nói:
“Đây là ba minh của Bà-la-môn[102]! Đây là ba minh của Bà-la-môn!”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bà-la-môn rằng:
“Thế nào gọi là ba minh của Bà-la-môn?”
Bà-la-môn bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, cha mẹ Bà-la-môn đầy đủ các tướng[103], không có các tì vết[104]; cha mẹ bảy đời truyền thừa mà không bị chê bai; đời đời kế thừa nhau, luôn làm sư trưởng, biện tài đầy đủ; đọc tụng các kinh điển, danh tự của loại vật, phẩm loại sai biệt của vạn vật; lịch sử cổ kim[105], năm thứ ký này[106], tất cả đều được thông suốt; dung sắc đoan chánh. Thưa Cù-đàm, đó gọi là ba minh của Bà-la-môn.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ta không lấy ngôn thuyết, danh tự làm ba minh. Pháp môn của Hiền thánh nói ba minh chân thật[107]là tri kiến Hiền thánh, pháp luật Hiền thánh. Đó là ba minh chân thật.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Như thế nào, thưa Cù-đàm, nói tri kiến Hiền thánh, pháp luật Hiền thánh là ba minh?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Có ba loại ba minh của bậc Vô học. Những gì là ba? Túc mạng chứng trí minh của bậc Vô học, sanh tử chứng trí minh của bậc Vô học, lậu tận chứng trí minh của bậc Vô học.”
Như đã nói đầy đủ ở kinh trên.
Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Tất cả pháp vô thường,
Trì giới, thiền vắng lặng;
Biết tất cả đời trước,
Đã sanh trời, đường ác.
Lậu hết, đoạn được sanh,
Là thông của Mâu-ni.
Biết được tâm giải thoát
Tất cả tham, nhuế, si.
Ta nói là ba minh,
Chẳng do ngôn ngữ nói.
“Này Bà-la-môn, đó là ba minh theo pháp luật của bậc Thánh đã nói.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, đó là ba minh chân thật!”
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
KINH 887. TÍN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn đi đến chỗ Phật gặp Thế Tôn, sau khi thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, con tên là Tín.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Tín có nghĩa là tin vào tăng thượng giới, vào bố thí, đa văn, huệ xả, trí tuệ. Đó gọi là Tín, chứ không phải tín chỉ là một danh tự suông.”
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
KINH 888. TĂNG ÍCH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn đi đến chỗ Phật gặp Thế Tôn, sau khi thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, con tên là Tăng Ích.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Tăng ích có nghĩa là tăng ích cho tín; tăng ích cho giới, đa văn, huệ xả và trí tuệ. Đó là Tăng ích, chứ không phải tăng ích chỉ là một danh tự suông.”
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
KINH 889. ĐẲNG KHỞI
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn đi đến chỗ Phật gặp Thế Tôn, sau khi thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:
“Con tên là Đẳng Khởi.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Đẳng khởi[108] có nghĩa là làm phát khởi tín, phát khởi giới, đa văn, huệ xả và trí tuệ. Đó là Đẳng khởi, chứ không phải đẳng khởi chỉ là một danh tự suông.”
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
KINH 890. VÔ VI PHÁP[109]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ vì các ông nói về pháp Vô vi cùng đạo tích vô vi[110], hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
“Thế nào là pháp Vô vi? Tham dục vĩnh viễn chấm dứt; sân nhuế, ngu si vĩnh viễn chấm dứt; tất cả phiền não vĩnh viễn chấm dứt. Đó gọi là pháp Vô vi.
“Thế nào là Đạo tích vô vi? Tám Thánh đạo phần: Chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là Đạo tích vô vi.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như Vô vi, cũng vậy nan kiến, bất động, bất khuất, bất tử, vô lậu, phú ấm, châu chữ, tế độ, y chỉ, ủng hộ, bất lưu chuyển, ly xí diệm, ly thiêu nhiên, lưu thông, thanh lương, vi diệu, an ổn, vô bệnh, vô sở hữu, Niết-bàn, cũng nói như vậy.”[111]
*
KINH 891. MAO ĐOAN[112]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như ao hồ dài rộng năm mươi do-tuần; chiều sâu cũng như vậy. Nếu có người dùng đầu một sợi lông nhúng vào nước hồ này, thì này Tỳ-kheo, thế nào, nước trong hồ này nhiều hơn hay là một chút nước dính trên đầu sợi lông nhiều?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nước dính trên đầu sợi lông người này thì quá ít, so với vô lượng nước hồ gấp ngàn vạn ức thì không thể nào sánh được.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thấy chân đế đầy đủ thì chánh kiến đầy đủ. Đệ tử của Thế Tôn nếu thấy quả chân đế, thánh hiện quán[113], vị ấy ngay lúc đó đã đoạn, đã biến tri, đã chặt đứt gốc rễ của nó, như cây đa-la đã bị chặt đứt ngọn không thể nào sống lại được. Những khổ đã được đoạn trừ thì nhiều đến vô lượng như nước trong hồ, còn cái khổ sót lại, thì ít như nước dính tên đầu sợi lông.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như giọt nước trên đầu sợi lông, cũng vậy giọt nước dính trên đầu ngọn cỏ cũng như vậy. Như nước trong ao hồ, cũng vậy nước sông Tát-la-đa-tra-già, sông Hằng, Da-phù-na, Tát-la-du, Y-la-bạt-đề, Ma-hê và biển cả cũng nói như vậy.[114]
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 892. LỤC NỘI XỨ[115]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là nhãn nội nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý nội nhập xứ. Đối với sáu pháp này kham nhẫn quán sát thì gọi là tín hành[116], siêu việt, rời sanh vị[117], rời địa vị phàm phu, nhưng chưa đắc quả Tu-đà-hoàn. Cho đến trước khi mạng chung chắc chắn đắc quả Tu-đà-hoàn. Hoặc đối các pháp này mà kham nhẫn tăng thượng quán sát, thì gọi là pháp hành[118], siêu việt, rời sanh vị, rời địa vị phàm phu, nhưng chưa đắc quả Tu-đà-hoàn. Cho đến trước khi mạng chung chắc chắn đắc quả Tu-đà-hoàn. Hoặc đối các pháp này mà quán sát như thật bằng chánh trí, ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi đã đoạn tận, đã biến tri. Đó gọi là Tu-đà-hoàn, quyết định không bị đọa vào đường ác, mà nhất định hướng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt ráo thoát khổ. Đối với các pháp này mà bằng chánh trí quán sát không khởi lên các lậu, ly dục, giải thoát, thì gọi là A-la-hán, các lậu đã dứt, những việc cần làm đã làm xong, đã lìa bỏ các gánh nặng, đã được lợi mình, các hữu kết chấm dứt, chánh trí tâm giải thoát.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ, Sáu thức thân, Sáu xúc thân, Sáu thọ thân, Sáu tưởng thân, Sáu tự thân, Sáu ái thân, Sáu giới thân, Năm ấm cũng nói như trên.”[119]
*
KINH 893. NGŨ CHỦNG CHỦNG TỬ[120]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm loại hạt giống sanh. Những gì là năm? Đó là hạt giống từ rễ, hạt giống từ thân, hạt giống từ cành, hạt giống từ đốt, hạt giống từ hạt. Các loại hạt giống này nếu không bị gián đoạn, không bị phá, không bị mục, không bị thương, không bị đục lủng; khi mới gặp đất mà không gặp nước, thì các loại hạt giống này không thể sanh trưởng lớn mạnh được. Hoặc nếu gặp nước mà không gặp đất, thì các loại hạt giống này cũng sẽ không thể sanh trưởng lớn mạnh được. Điều cần là phải gặp đất, gặp nước, các hạt giống này mới có thể sanh trưởng lớn mạnh được. Cũng vậy, nghiệp, phiền não phải có ái, kiến, mạn, thì vô minh mới sanh hành. Nếu có nghiệp mà không có phiền não, ái, kiến, vô minh, thì hành sẽ bị diệt.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Như Hành, cũng vậy Thức, Danh sắc, Lục nhập xứ, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử cũng nói như vậy.”[121]
*
KINH 894. NHƯ THẬT TRI[122]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta, đối với thế gian và sự tập khởi của thế gian, nếu không biết như thật, thì trọn không thể ở giữa các chúng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các thế gian được nói là Bậc Giải Thoát, là Bậc Xuất Ly, lìa khỏi vọng tưởng điên đảo, cũng không gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì Ta biết như thật đối với thế gian và sự tập khởi của thế gian, cho nên Ta ở giữa chư Thiên, Người đời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sanh khác được nói là Bậc Giải Thoát, là Bậc Xuất Ly, tâm lìa điên đảo, an trụ đầy đủ, đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.”
]
Như thế gian, sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, vị ngọt thế gian, tai hoạn thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, con đường đưa đến sự diệt tận thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, con đường đưa đến sự tập khởi thế gian, con đường đưa đến sự diệt tận thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, vị ngọt thế gian, tai hoạn thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, con đường đưa đến sự tập khởi thế gian, con đường đưa đến sự diệt tận thế gian, vị ngọt thế gian, tai hoạn thế gian, sự xuất ly thế gian.[123]
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 895. TAM ÁI
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba ái. Những gì là ba? Đó là dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Vì muốn đoạn trừ ba ái này nên phải cầu bậc Đại sư.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.”
Như cầu bậc Đại sư, thứ sư, giáo sư, quảng đạo sư, độ sư, quảng độ sư, thuyết sư, quảng thuyết sư, tùy thuyết sư, A-xà-lê, đồng bạn, thiện hữu chân tri thức, thương xót, từ bi, muốn ý nghĩa, muốn an ổn, muốn an lạc, muốn xúc chạm, muốn thông suốt, người muốn, người tinh tấn, người phương tiện, người xuất ly, người kiên cố, người dõng mãnh, người kham năng, người nhiếp thọ, người thường, người học, người không buông lung, người tu, người tư duy, người nhớ nghĩ, người giác tưởng, người suy lường, người phạm hạnh, người thần lực, người trí, người thức, người tuệ, người phân biệt, niệm xứ, chánh cần, căn lực, giác đạo, chỉ quán niệm thân, cầu chánh tư duy cũng nói như vậy.”[124]
*
KINH 896. TAM LẬU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba hữu lậu. Những gì là ba? Đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu và vô minh hữu lậu. Vì đoạn trừ ba hữu lậu này, nên cầu bậc Đại sư.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như cầu bậc Đại sư, cũng vậy… cho đến cầu Chánh tư duy cũng nói như vậy.[125]
*
KINH 897. LA-HẦU-LA[126]
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, thấy như thế nào, biết như thế nào, để thân có thức này của con cùng hết thảy tướng của cảnh giới bên ngoài không được nhớ tưởng đến, ở trung gian đó mà đoạn tận các hữu lậu?”[127]
Phật bảo La-hầu-la:
“Có sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là nhãn nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ. Đối với các pháp này phải chánh trí quán sát, dứt sạch các hữu lậu, với chánh trí tâm khéo giải thoát. Đó gọi là A-la-hán, đã hết sạch các hữu lậu, những việc cần làm đã làm xong, đã trút hết gánh nặng, nhanh chóng được lợi mình, các hữu kết chấm dứt, chánh tri, tâm được giải thoát.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.
*
KINH 898. NHÃN DĨ ĐOẠN
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo ở nơi mắt mà đoạn trừ dục tham. Dục tham đã đoạn, gọi là mắt đã đoạn, đã biến tri, chặt đứt gốc rễ của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đối với đời vị lai sẽ thành pháp chẳng sanh. Như mắt, cũng vậy tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.
*
KINH 899. NHÃN SANH
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo mắt sanh, trụ, thành tựu hiển hiện, thì khổ sanh, bệnh trụ, già chết hiển hiện. Cũng vậy,… cho đến ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt mất đi, thì khổ sẽ được chấm dứt, bệnh sẽ dứt, già chết sẽ không còn,… cho đến ý cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.
*
KINH 900. VỊ TRƯỚC[128]
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo đối với vị ngọt của mắt mà đắm nhiễm, sẽ sanh ra tùy phiền não. Tùy phiền não sanh, đối với các nhiễm ô tâm không được ly dục; những chướng ngại kia cũng không thể đoạn được,… cho đến ý nhập xứ cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.
*
KINH 901. THIỆN PHÁP KIẾN LẬP[129]
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí như tất cả công việc ở thế gian đều nương vào đất để kiến lập. Cũng vậy, tất cả pháp thiện đều y cứ vào sáu nội nhập xứ để tạo lập.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.
*
KINH 902. NHƯ LAI[130]ĐỆ NHẤT
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hoặc có chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân; sắc, không sắc, tưởng, không tưởng, chẳng phải tưởng, chẳng phải chẳng tưởng; đối với tất cả, Như Lai là bậc nhất,… cho đến, Thánh giới cũng nói như vậy.”
*
KINH 903. LY THAM PHÁP ĐỆ NHẤT
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu mọi công việc của chúng sanh ở thế gian, tất cả đều nương vào đất mà kiến lập có được, cũng vậy trong tất cả các pháp hữu vi, vô vi, pháp ly tham dục là bậc nhất.”
Nói đầy đủ như vậy,… cho đến Thánh giới cũng nói như vậy.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
KINH 904. THANH VĂN ĐỆ NHẤT
Tôi nghe như vầy:
Khi Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu các chúng sanh ở thế gian, tất cả đều nương vào đất mà kiến lập được. Cũng vậy, trong tất cả chúng sanh, chúng Thanh văn của Như Lai là bậc nhất.”
Nói đầy đủ như vậy,… cho đến Thánh giới.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
[1]. Đại Chánh, quyển 31, kinh số 861-904. – Phật Quang, quyển 23, kinh số 575-618. – Ấn Thuận HộiBiên, Tụng 7. Như Lai sở thuyết, “37. Tương ưng thiên,” gồm 48 kinh, số 12874-12921 (Đại Chánh, số 861-872);“38. Tương ưng tu chứng,” gồm bảy mươi kinh, số 12922-12991 (Đại Chánh, số 873-891); “39. Tương ưng Nhập giới ấm,”gồm một trăm tám mươi hai kinh, số 12992-13173(Đại Chánh, số 892-901)và kinh đầu của “40. Tương ưng Bất hoại tịnh,” số 13174-13173.- Quốc Dịchquyển 28 (nửa sau),Tụng 5. Đạo tụng, “Tương ưng chư Thiên” (bao gồm bốn tương ưng trong Ấn Thuận Hội Biên)chia thành mười ba phẩm, gồm bốn mươi ba kinh, số 12685-12955 (Đại Chánh, số 861-904). Cf. A. 3.70.Uposathaṅga.
[2]. Đâu-suất-đà 兜率陀.Pāli: Tusita.
[3]. Như kinh 861.
[4]. Hóa lạc thiên 化樂天. Pāli: Nimmānarati.
[5]. Tha hóa tự tại 他化自在天. Pāli: Paranimmitavasavattī.
[6]. Để bản: xả ly dư捨離餘, có thể sót. Nói đủ là: xả nhất thiết hữu dư 捨離一切有餘. Xem kinh 867.
[7]. Trung Bát-niết-bàn 中般涅槃, Pāli: antarāparinibbayī.
[8]. Sanh Bát-niết-bàn生般涅槃. Pāli:upabaccaparinibbayī.
[9]. Hữu hành Bát-niết-bàn 有行般涅槃. Pāli: sasaikhāraparinibbayī, (tổn hại Bát-niết-bàn).
[10]. Vô hành Bát-niết-bàn無行般涅槃. Pāli:asaṅkhāraparinibbayī.
[11]. Thượng lưu Bát-niết-bàn 上流般涅槃.Pāli: uddhaṃsoto hoti akaniṭṭha-gāmā (thượng lưu cứu cánh).
[12]. Đại Phạm thiên 大梵天. Pāli:Mahābrahamā.
[13]. Phạm phụ thiên 梵輔天. Pāli:Brahmapurohita.
[14]. Phạm thân thiên 梵身天. Brahmakāyikā.
[15]. Vô hành Bát-niết-bàn 無行般涅槃. Pāli: asaṅkhāraparinibbayī.
[16]. Tự tánh quang âm thiên 自性光音天. Pāli: Ābhassara.
[17]. Vô lượng quang thiên無量光天. Pāli: Appamāṇābha.
[18]. Thiểu quang thiên少光天. Pāli:Parittābha.
[19]. Nguyên bản không có chữ sắc, y các bản Tống-Nguyên-Minh bổ túc.
[20]. Biến tịnh thiên 遍淨天. Pāli:Subhakiṇṇā.
[21]. Vô lượng tịnh thiên無量淨天. Pāli:Appamāṇasubha.
[22]. Thiểu tịnh thiên 少淨天. Pāli: Parittasubha.
[23]. Tịnh niệm 淨念, hay nội đẳng tịnh, hay nội tịnh. Xem Câu-xá, T.29, tr.146c.
[24]. Nhân tánh Quả thật thiên 因性果實天. Pāli: Vehapphala (Quảng quả thiên).
[25]. Phước sanh thiên福生天. Pāli:Puññapasavana.
[26]. Thiểu phước thiên 少福天, tức Vô vân thiên 無雲天 (Pāli: anabbhaka). Xem Câu-xá, T.29, tr.41a.
[27]. Pāli, S. 32.1. Desanā.
[28]. Phong vân thiên 風雲天. Pāli: valāhakāyika deva (Vân thiên, trời mây).
[29]. Diệm điện thiên, Lôi chấn thiên, Vũ thiên, Tình thiên, Hàn thiên, Nhiệt thiên 焰電天,雷震天,雨天,晴天,寒天,熱天. Tham chiếu Pāli, S. 32.53. Sītavalāhaka, Hàn vân thiên, trời lạnh; 54. Uṇhavalāka, Nhiệt vân thiên, trời nóng; 55. Abbhavalāhaka, Ám vân thiên, trới tối; 56. Vātavalāhaka, Phong vân thiên, trời gió; 57. Vassavalāhaka, trời mưa.
[30]. Tóm tắt có hai mươi kinh (theo Ấn Thuận).
[31]. Cây lọng che đèn.
[32]. Câu-lân Tỳ-kheo kheo 拘鄰比丘, tức Kiều-trần-như. Pāli: Aññā-Koṇḍañña.
[33]. Thích Đề-hoàn Nhân釋提桓因. Pāli:Sakko devānaṃ Indo
[34]. Trật-lật-đế-la-sắc-tra-la 袟栗帝羅色吒羅, tức Đê-đầu-lại-tra. Pāli: Dhataraṭṭha, Trì Quốc Thiên vương.
[35]. Tỳ-lâu-lặc-ca 毘樓勒迦 Pāli: Virūḷhaka, Tăng Trưởng Thiên vương.
[36]. Tỳ-lâu-bặc-xoa 毘樓匐叉. Pāli:Virūpakka, Quảng Mục Thiên vương.
[37]. Tỳ-sa-môn 毘沙門. Pāli:Vessavaṇa, Đa Văn Thiên vương.
[38]. Ấn Thuận Hội Biên, “38. Tương ưng Tu chứng” gồm bảy mươi kinh. (Đại Chánh mười chín kinh, 873-891). Kinh 873, Bốn loại huấn luyện. Pāli, A. 4.7. Sobheti; Cf. №125(27.7).
[39]. Tài biện 才辯. Bản Pāli: viyatta, có năng lực, thông minh.
[40]. Vô úy 無畏, tức vô sở úy. Pāli: visārada, tự tin, không do dự.
[41]. Hành pháp thứ pháp hướng 行法次法向. Pāli: dhammassa hoti anudhammacārī, là người thực hành tùy pháp của pháp.
[42]. Tăng hảo 僧好, Tăng trung hảo 僧中好, thiện chúng 善眾. Pāli:saṅghasobhaṇa, sự tỏa sáng giữa Tăng.
[43]. Tóm tắt có tám kinh.
[44]. Cf. Pāli, It. 74. Putta.
[45]. Tùy sanh tử 隨生子. Pāli:anujāta, (con) giống cha; bằng cha.
[46]. Thắng sanh tử 勝生子 hay ưu sanh. Pāli: atijāta, con giỏi hơn cha.
[47]. Hạ sanh tử 下生子. Pāli: avajāta, con thấp kém.
[48]. Tham chiếu, S. 49.1-12. Gaṅgā-peyyāla.
[49]. Chánh đoạn 正斷. Pāli:sammappadhāna, chánh cần. Bản Hán đọc,pahāna: đoạn, thay vìpadhāna, tinh cần. Cf. D. 33.Saṅgīti, có bốn sammappadhānā (bốn chánh cần) và bốn padhānāni (bốn tinh cần) khác nhau.
[50]. Xem giải thích kinh 877.
[51]. Xem cht.49, kinh 875.
[52]. Xem giải thích kinh 877.
[53]. Đoạn 斷. Pāli: pahāna-padhāna, tinh cần để đoạn trừ.
[54]. Sanh dục 生欲; Pāli: chandaṃ janeti, sanh khởi ý muốn, ý chí.
[55]. Phương tiện 方便,ở đây được hiểu là nỗ lực, không phải phương tiện thiện xảo. Pāli:vāyamati, vị ấy nỗ lực.
[56]. Tinh cần 精勤, tức tinh tấn. Pāli: viriyaṃ ārabhati..
[57]. Nhiếp thọ 攝受. Pāli: citaṃ paggaṇhāti padahati, giữ chặt tâm và sách tiến tâm.
[58]. Đây gọi là bốn chánh cần, Pāli:cattāro sammappadhānā; xem cht. 47, kinh 875. Tham chiếu, D. 33. Saṅgīti:katamañc’āvuso pahāna-padhānaṃ? Idh’ āvuso bhikkhu uppannaṃ kāma-vitakkaṃ nādhivāseti pajahati vinodeti ..., ở đây, Tỳ-kheo, dục tầm đã khởi, không thừa nhận nó, đoạn trừ nó, tiêu diệt nó.
[59]. Luật nghi đoạn 律儀斷. Pāli:saṃvara-padhāna, tinh cần phòng hộ (chế ngự).
[60]. Tham chiếu, D.33: katamañ c’ āvuso saṃvara-padhānaṃ: Id ‘āvuso bhikkhu cakkhunā rūpaṃ dsvā na nimittaggāhī hoti ..., Thế nào là tinh cần phòng hộ? Tỳ-kheo sau khi thấy sắc bởi mắt, không chấp thủ tướng...
[61]. Tùy hộ đoạn 隨護斷. Pāli: anurakkhaṇā-padhāna, tinh cần thủ hộ.
[62]. Cf. D.33: katamañ c’ āvuso anurakkhaṇa-padhānaṃ? Id’ āvuso bhikkhu uppannaṃ bhaddaṃ samādhi-nimittaṃ anurakkahti... Thế nào là tinh cần thủ hộ? Tỳ-kheo thủ hộ định tướng (dấu hiệu của định) tốt đẹp đã khởi lên...
[63]. Tu đoạn 修斷. Pāli:bhāvana-padhāna, tinh cần tu tập.
[64]. Cf. D.33: (...) Idh’ āvuso bhikkhu sati-saṃbojjhaṅgaṃ bhāveti..., ở đây, Tỳ-kheo tu tập niệm giác chi...
[65]. Xem cht.60, kinh 877.
[66]. Xem cht.62, kinh 877.
[67]. Xem cht.64, kinh 877.
[68]. Tóm tắt có chín kinh.
[69]. Bất phóng dật 不放逸. Pāli: appamāda.
[70]. Tóm tắt có năm kinh.
[71]. Pāli, S. 49.13-22. Appamāda-vagga.
[72]. Câu-tỳ-đà-la 俱毘陀羅. Pāli: koviḷāra, một loại hắc đàm, hay trầm đen.
[73]. Già-thi 伽尸. Pāli: Kāsi, địa danh, một trong mười sáu vương quốc lớn thời Phật, nơi sản xuất vải danh tiếng.
[74]. Kim sí điểu 金翅鳥, chim cánh vàng. Pāli: garuḍa.
[75]. Tú-diệm-ma Thiên vương 宿焰摩天王. Pāli: Suyama-devarājā.
[76]. Đâu-suất-đà Thiên vương 兜率陀天王. Pāli: Tusita-devarājā.
[77]. Thiện Hóa lạc Thiên vương 善化樂天王. Pāli: Sunimmita-devarājā.
[78]. Thiện Tha hóa tự tại Thiên tử善他化自在天子. Pāli:Suparanimmtavasavatta-devaputta.
[79]. Nguyên Hán: tát-la 薩羅. Pāli:sara, hồ, ao.
[80]. Nguyên Hán: A-nậu-đại tát-la阿耨大薩羅. Pāli: Anotatta-sara.
[81]. Các sông lớn: Hằng hà 恒河, Tân-đầu 新頭, Bác-xoa 搏叉, Tư-đà司陀. Pāli, theo thứ tự: Gaṅgā, Sindhū, Vaggu (?),Sīdī (?).
[82]. La-hầu-la A-tu-la 羅[目*侯]羅阿修羅. Pāli: Rāhu-asurinda.
[83]. Đảnh Sanh vương 頂生王. Pāli: Muddhāvasitta-rājā.
[84]. Thánh giới 聖界. Pāli: ariya-dhātu (?)
[85]. Pāli, S. 34. Jhānasaưyutta.
[86]. Tứ chủng thiền 四種禪. Pāli: cattāto jhayī, bốn hạng thiền giả.
[87]. Tam-muội thiện 三昧善. Pāli:samādhismiṃ samādhikusalo, thiện xảo về định trong khi định. Giải thích của Aṭṭhakathā: thiện xảo phân biệt thiền chi trong các thiền.
[88]. Phi chánh thọ thiện非正受善. Pāli:na samādhismiṃ samāpattikusalo, không thiện xảo về sự chứng nhập (đẳng chí) trong định.Aṭṭhakathā giải thích: sau khi đã làm cho tâm hoan hỷ, tâm thích ứng, nhưng không thể chứng nhập thiền.
[89]. Trụ tam-muội thiện phi trụ chánh thọ thiện 住三昧善非住正受善. Pāli: samādhismiṃ samādhikusalo na samādhismiṃ ṭhitikusalo, thiện xảo định trong định, nhưng không thiện xảo trụ lâu trong định.
[90]. Hán: phi chánh thọ khởi thiện 非正受起善. Pāli: na samādhismiṃ vuṭṭhanākusalo, không thiện xảo để xuất định.
[91]. Tam-muội thời thiện phi chánh thọ thời thiện 三昧時善非正受時善. Pāli: samādhismiṃ samādhikusalo na samādhismiṃ kallitakusalo, thiện xảo định trong định, nhưng không thiện xảo thích ứng trong định. Aṭṭhakathā giải thích: na samādhismiṃ kallitakusalo’ti cittaṃ hāsetvā nā kallaṃ kātuṃ akusalo, không thiện xảo thích ứng trong định, nghĩa là, sau khi đã làm cho tâm hoan hỷ, nhưng không thiện xảo khiến tâm thích ứng. Bản Hán đọc kāla: thời gian, thay vì kalla: thích ứng (cũng được hiểu là an lạc).
[92]. Phi chánh thọ xứ thiện 非正受處善. Pāli: na samādhismiṃ gocarakusalo, không thiện xảo về cảnh giới sở hành trong định.
[93]. Pāli (S.34.8): Samādhismiṃ sakkaccakārī hoti, có sự nhiệt hành trong định. Sớ giải: jhānaṃ appetuṃ sakkaccakārī hoti, có sự nhiệt hành để đột tiến trong định. Bản Hán hiểu sakkaccakārī là “cung kính tác lễ (= nghinh)”.
[94]. Hán: chánh thọ lai 正受來. Pāli (S.34.7): na samādhismiṃ abhinīhārakusalo, không thiện xảo về sự dẫn phát trong định. Sớ giải: kammaṭṭhānaṃ visesa bhāgiyatāya abhinīharituṃ akusalo, không thiện xảo để dẫn phát đề mục thiền định thăng tiến.
[95]. Hán: phi tam-muội ác thiện非三昧悪善. Cf. có lẽPāli(S.34.10): samādhismiṃ samādhikusalo hoti na samādhismiṃ sappāyakārī, có thiện xảo định trong định nhưng không làm tăng ích trong định.
[96]. Nhiều đoạn không xác định được Pāli tương đương.
[97]. Pāli, A. 3.58. Tīkaṇṇa.
[98]. Pāli: aññathākho, brāhmaịa, brāhmaṇā brahmaṇam tevijjaṃ paññapenti, aññathā ca pana ariyassa vinaye tevijjo hotī ti, ba minh trong Thánh pháp luật khác với ba minh của Bà-la-môn được các Bà-la-môn chủ trương. Xem kinh 886 ở sau.
[99]. Pāli, A. 3.58. Tīkaṇṇa; 3.59. Jāṇussoni.
[100]. Pāli, A. 3.58. Tikaṇṇa.
[101]. Bản Pāli: tikaṇo brāhmaṇo, Bà-la-môn Tikaṇiaa (ba lỗ tai).
[102]. Pāli: tevijjā brāhmaṇā.
[103]. Hán: phụ mẫu cụ tướng 父母具相. Pāli: ubhto sujāto mātito ca pitito ca, dòng dõi cha mẹ đều thiện (thuần chủng).
[104]. Hán: vô chư hà uế 無諸瑕穢. Pāli: akkhitto, không lai tạp.
[105]. Hán: lịch thế bản mạt 歷世本末. Pāli: itihāsa, truyện cổ.
[106]. Hán: thử ngũ chủng ký此五種記, có thể sai. Pāli: (itihāsa)pañcamānaṃ, thứ năm là truyện cổ. Bốn môn trước: tiṇṇaṃ vedānaṃ: ba tập Veda,nighaiḍu: ngữ vựng (Hán: vật loại danh tự), ketubha: sách nghi lễ (Hán: vạn vật phẩm sai?), akkharabheda: phân tích âm vận (Hán: tự loại phân hiệp).
[107]. Bản Cao-ly: chân yếu 真要.
[108]. Đẳng khởi 等起; Pāli: samuṭṭhāna, sự xuất hiện, nguyên khởi nguyên động lực làm phát khởi.
[109]. Pāli, S. 43.11-43. Maggena,v.v...
[110]. Vô vi đạo tích 無為道跡. Pāli: asaṅkhatagāmimagga, con đường dẫn đến vô vi.
[111]. Tóm tắt, tám kinh.
[112]. Trên đầu sợi lông. Pāli, S. 13.Abhisamayasaṃyutta.
[113]. Hán: chánh vô gián đẳng正無間等, xem cht.67 kinh 23.
[114]. Tóm tắt có tám kinh.
[115]. Ấn Thuận Hội Biên, tương ưng 39, “Nhập giới ấm tương ưng”, Đại Chánh kinh 892-901. –Đại Chánh, 892; Pāli: S.25. Okkantasaưyuttam.
[116]. Tín hành 信行, tức tùy tín hành. Pāli: saddhānusārin.
[117]. Hán: ly sanh 離生. Không rõ Pāli. Tham chiếu, Sn. 371: saddho sutavā niyāmadassī có tín, có văn, có kiến, ly sanh. Về nghĩa ly sanh vị, siêu việt phàm phu vị, xem Câu-xá, tr.40c.
[118]. Pháp hành法行 hay tùy pháp hành法行 . Pāli: dhammānusārin.
[119]. Tóm tắt có chín kinh.
[120]. Năm loại hạt giống.
[121]. Tóm tắt có mười kinh.
[122]. Pāli, A. 4.23. Loka.
[123]. Tóm tắt có tám kinh.
[124]. Tóm tắt có năm mươi kinh.
[125]. Tóm tắt có năm mươi kinh.
[126]. Tham chiếu, Pāli, S. 18. Rāhulasaṃyutta. Xem các kinh 198-200.
[127]. Tham chiếu, Pāli, S.13.11. Anusaya.
[128]. Đam mê vị ngọt.
[129]. Thiết lập pháp thiện.
[130]. Pāli, S. 45.139. Tathāgata. Cf. A. 4.34. Pasāda.