Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10

18/03/201201:08(Xem: 9747)
Chương 10

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG MƯỜI

Dần dần, thầy Trừng Hùng đã thay đổi thái độ với tôi. Tôi không còn là một chú sa-di hư hỏng trong mắt thầy nữa. Trước khi rời khỏi viện Hải Đức qua chùa Linh Phong, tôi đã chuẩn bị tư tưởng “làm lại cuộc đời” nên cái gì thầy ấy muốn sửa, muốn uốn nắn, tôi đều chiều theo, vì thực ra, sự uốn nắn của thầy tuy rằng cổ hủ, nhưng nó cũng có cái lý của nó; huống chi, thầy ấy có đi sai giới luật đâu! Những sách triết học, văn chương, tiểu thuyết tôi mang từ viện Hải Đức qua đọc, thầy xé đốt cả, tôi giận lắm, nhưng rồi tôi cũng mỉm cười. Tôi biết thầy ấy đốt hoặc tịch thu của tôi là để bắt tôi quay trở về chuyên tâm trong việc tu học Phật Pháp; như vậy là thầy ấy có thiện ý chứ không phải như sự đốt sách trước đây của các cán bộ văn hóa cộng sản. Trên bề mặt, việc đốt xé sách vở của cộng sản và của thầy Trừng Hùng đều cùng là một hành động–hành động khiến tôi rất bất bình, nếu không nói là thấy rất căm phẫn trong lòng. Thế nhưng, lúc này, tôi đã biết im lặng chịu đựng tất cả để chiều theo ý thầy, theo hướng giáo dục của thầy. Sách vở của tôi trên bàn học chỉ còn có cuốn sưu tập do chính tay tôi chép những đoạn kinh hay, những câu thiền kệ và một cuốn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mậtbằng Hán văn. Khi chung quanh tôi, những vật sở hữu biến dần, biến dần, để lại một cái bàn trống và cuốn kinh Kim Cang, tự dưng tôi thấy trong lòng thư thả hơn, ít vướng bận hơn. (Thời gian đó tôi có cái tật là thích cho đồ. Thứ gì của tôi mà có người nói thích là tôi cho người ấy món đó. Nói vậy để thanh minh cho thầy Trừng Hùng: không phải cái bàn của tôi trống trơn là do thầy ấy đốt xé, tịch thu cả). Và tôi nhanh chóng quay trở lại với chính tôi của những năm trước 1975. Ngoan ngoãn. Dễ sai bảo. Nghiêm trang. Tinh tấn. Thầy Trừng Hùng khó tìm ra một lỗi nào để la trách hay bắt bẻ tôi nữa. Thỉnh thoảng có một đoạn kinh luật gì có vẻ khúc mắc, thầy lại gọi tôi hỏi ý kiến. Điều này chứng tỏ thầy không còn tị hiềm với chuyện học của tôi như hồi xưa nữa. Nếp sống của chùa Linh Phong bình lặng, buồn tẻ, bây giờ tôi lại thấy hòa hợp với mình một cách dễ dàng. Trong tôi không còn nẩy sinh bất mãn, bực dọc hay ý niệm chống kháng lộ liễu nào. Bao ý tưởng bung xung, xao động vì hoàn cảnh đau thương của đất nước, vì những áp chế bất công của chính quyền mới đối với nhân dân và xã hội, bao nhiệt huyết cuồn cuộn trào dâng từ hình ảnh các thiền sư đời xưa tuốt gươm xông trận chống xâm lăng, và từ tấm gương gần nhất là thầy Tuệ Sỹ dấn thân hoạt động chính trị chống lại chính quyền để phải sa vòng tù tội… đều lắng dịu cả. Tôi bây giờ thực sự là một sơn tăng, chỉ có mặt nơi phố thị là để tụng niệm, còn thì suốt ngày đêm quẩn quanh trên ngọn núi bít bùng cây cỏ cùng với một vị thầy và hai chú sa-di vốn không thiếu nét khắc khổ, đày đọa trên những khuôn mặt trẻ tuổi.

Nhưng cuộc đời tu hành đâu có để cho những ông thầy tu cứ ngồi ù lì thụ động một chỗ rồi cuối cùng thành Phật. Dường như phải có những chông gai, khổ nhọc nào đó trên bước đường tu tập thì mới trui luyện và làm tăng trưởng tâm bồ-đề. Không có thành quả nào vẻ vang mà lại chẳng trải qua những thử thách cam go. Chuyện tôi có đạt được thành quả nào trên lộ trình hướng đến giải thoát hay không thì chưa biết, nhưng cam go thử thách thì chắc chắn là phải gặp. Nhiều người đi trước đã dạy tôi như thế. Nhưng có thể nói là tôi chưa trải qua thử thách nào đáng kể từ khi xuất gia đến giờ. Nếu hai năm trước nhà nước bắt tôi cầm súng đi Kampuchea làm “nghĩa vụ quốc tế”hay ra biên giới phía Bắc đánh với quân “Trung quốc anh em”, thì có lẽ thử thách lớn đã đến với tôi rồi. Mà chuyện đó có xảy ra thì tôi vẫn còn hy vọng có ngày quay về chùa, vì đã được thầy tôi hứa chấp nhận cho thí phát làm tăng trở lại. Nhưng nó đã không xảy ra. Có lẽ con ma nghịch cảnh biết rằng nó sẽ không thắng được tôi bằng cách đó nên muốn tấn công tôi ở mặt khác.

Chú Đức có quen một gia đình Phật tử người Huế, lập nghiệp tại Nha Trang. Gia đình này có mở một tiệm giải khát. Bà chủ tiệm cũng là phật-tử thuần thành nhưng quá bận rộn công việc nhà và việc buôn bán nên ít khi đi chùa. Chỉ có người em gái của bà, tuổi trạc ba mười ngoài, là thường lên viện Hải Đức, thỉnh thoảng có lên chùa Linh Phong. Cô này có cái tên rất thực thà và rất thích hợp với phái nữ: Nữ. Tôi và Đức quen gọi cô Nữ bằng chị. Có lần gặp tôi, chị Nữ nói:

“Hôm nào chú Khang theo chú Đức xuống nhà tôi chơi. Chú thiệt khó ghê, chẳng chịu đi đâu. Bà chị tôi muốn gặp chú mãi mà không được. Mỗi lần chú Đức đến nhà chơi, bà chị cứ hỏi sao không rủ chú Khang cùng đi cho tôi biết mặt với.”

Tôi thắc mắc:

“Sao bà chị của chị lại muốn gặp tôi?”

“Là vì chị ấy nghe nói chú là con của bác Đàn. Chú không biết liên hệ giữa gia đình tôi với gia đình chú sao?”

“Liên hệ thế nào? Tôi có nghe gia đình nói gì đâu.”

“Hồi hai chị em tôi còn nhỏ xíu, lúc đó chú chưa ra đời đâu, mẹ tôi là vú nuôi của hai chị lớn của chú. Hai chị em tôi theo mẹ đến ở luôn tại nhà ba mẹ chú. Lúc đó nhà chú còn ở Huế. Ở Vỹ Dạ, gần ngã ba Đập Đá chứ đâu.”

“Vậy à? Tôi đâu có biết.”

“Cho nên bà chị tôi cứ bảo tôi mời chú xuống nhà chơi. Nghe ba me chú lại có người con đi tu, bà ngạc nhiên lắm, muốn biết chú đó mà.”

Một hôm xuống phố mua sách, trên đường về chùa, chú Đức bất thần kéo tôi ghé vào một căn nhà. Tôi đứng lại, cằn nhằn:

“Đi đâu vậy?”

“Vô đây một chút đi. Nhà quen mà, vô thăm người quen, uống miếng nước rồi về,” Đức cười nói.

Tôi theo Đức vào. Đây là căn nhà đúc ba gian, có lầu. Ba cánh cửa sắt đóng im ỉm. Đức bấm chuông, một chặp thì có một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi ra mở cửa.

“A, mời vào trong,” người đàn bà nói.

“Chào chị, khỏe không?” chú Đức tự nhiên chào.

“Chào chú… A, đây là…?” người đàn bà hỏi.

“Chú Khang mà chị muốn gặp đó,” Đức nói.

“A, chú Khang, chao ôi, lâu quá, nghe nói về chú nhiều lắm mà hôm nay mới được gặp.”

Đức đùa:

“Nghe nói xấu nhiều lắm bây giờ mới biết đó hả?”

“Đâu có, chú nói giỡn! Mời vào ngõ này, chú Đức mời chú Khang lên nhà khách rồi tôi lên sau nghe. Nữ nó đi lên viện Hải Đức rồi, chắc chiều mới về.”

Té ra người đàn bà ấy là chị ruột của chị Nữ, tên Cầm. Chúng tôi bước vào gian nhà phía phải, ngang qua một phòng đầy bàn ghế xếp chồng lên nhau, chị Cầm giải thích là bàn ghế đó sẽ bày ra đầy sân vào buổi tối cho khách đến ăn chè, giải khát. Rồi chúng tôi đi ngang qua một nhà bếp bày biện ngay dưới đất vì cần rất nhiều lò. Ở vách trái của gian bếp này có một cánh cửa thông vào nhà khách của gian giữa. Chúng tôi vừa vào đến gần cánh cửa đó thì bắt gặp một thiếu nữ đang đứng quạt lò than. Chị Cầm nói:

“Chào mấy chú đi con.”

Tôi nghe tiếng thiếu nữ chào chú Đức:

“Chào chú.”

Khi thân hình đồ sộ của chú Đức bước sang một bên, không còn che tôi nữa, tôi và thiếu nữ ấy mới bắt gặp nhau. Nàng ngó sửng, quên cả chào hỏi tôi, tay ngưng làm việc, cứ đứng đó nhìn. Tôi cũng không rõ sao lúc đó tôi cũng đứng ngây người ra đó, nhìn nàng, kinh ngạc, không biết làm gì. Trong khi chú Đức bước vào nhà khách rồi, tôi vẫn còn đứng lại nơi cửa bếp. Có lẽ cái phút giây đó, cái khoảng thời gian thực tế mà tôi dừng lại đó, chỉ là một khoảnh khắc thôi, nhưng tôi tưởng chừng đó là một giấc mộng dài, trong đó, cả vũ trụ như ngừng thở, các hành tinh như ngừng xoay, và thời gian cũng đứng dừng lại để chúng tôi nhìn thấy nhau với bốn con mắt kinh ngạc. Chúng tôi có quen biết gì nhau đâu. Tôi chỉ mới gặp nàng lần đầu thôi. Nhưng quả thật từ ngày xuất gia đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy lòng mình chao động mạnh trước một thiếu nữ. Phải, chao động. Không phải rung động. Rung động thì có thể lướt qua được, có thể lãng quên được. Còn chao động thì không. Khi người ta cảm thấy trời đất chao đảo, ngửa nghiêng, trên đầu và dưới chân, người ta sẽ không thể nào quên được ấn tượng mạnh mẽ ấy.

Không rõ chị Cầm có thấy biết gì về hiện tượng trời đất rung chuyển không, chỉ thấy chị lên tiếng:

“Như, chào chú Khang đi con,” rồi quay sang tôi, cười nói, “con gái út của tôi đó chú. Nó tên Như Như.”

Bấy giờ, Như Như mới chào tôi, không phải lối chào lễ phép của kẻ dưới đối với người trên bằng cách cúi đầu, hay của phật-tử đối với tăng sĩ bằng cách chắp tay, mà bằng một nụ cười. Hai má nàng ửng hồng lên bên lò than nóng. Tôi có thể nhìn thấy mồ hôi rịn nơi má nàng làm ướt mấy sợi tóc mai. Đôi môi hồng vừa mỉm một nụ cười tươi như hoa đã vội khép lại thành trái tim nhỏ xíu, xinh xắn nép dưới bờ mũi cao và đầy đặn. Đôi mắt lớn và sáng long lanh của nàng lúc ấy mới chịu cúi xuống, nhìn bâng quơ dưới đất chứ không ngước nhìn tôi nữa. Tôi có cảm giác là dường như cho đến giây phút ấy nàng mới biết e thẹn là đã cùng tôi trao đổi một tia nhìn xô lệch vũ trụ. Và khi nàng cúi xuống, tôi thấy hàng mi của nàng cong lên với một đường nét diễm tuyệt. Nét cong ấy trong cái nhìn của tôi, là sự sung mãn, căng đầy của sức sống như đường cong hùng tráng của một bãi biển dậy sóng; hay như sự mềm dẻo, uyển chuyển, nhu thuận của lá cỏ, của tơ trời, của dáng mây bềnh bồng trên cao xanh; hay như nét mơ màng yểu điệu của vành trăng lưỡi liềm trong trời đêm thượng tuần.

Tôi bước vào phòng khách. Chị Cầm ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Một lúc thì Như Như mang khay trà ra. Nàng rót trà từ một bàn khác rồi đem từng tách đến cho từng khách. Đem trà cho chú Đức, nàng nói:

“Mời chú dùng trà.”

Đem trà cho tôi, nàng chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhoẻn miệng cười với tôi. Khi nàng quay lưng, tôi thấy mái tóc thề của nàng buông dài tới ngang lưng, óng ả, bồng bềnh, thơ mộng, như một con thác đổ xuống ghềnh đá cao, như một rừng mây nhẹ tênh ở lưng trời. Khi nãy gặp nàng dưới bếp, tôi đã không nhìn thấy mái tóc ấy, có lẽ vì nàng vấn cao lên để lo việc bếp núc. Tôi đang bâng khuâng dõi mắt nhìn theo dáng nàng bỗng nghe chị Cầm lên tiếng:

“Nó tên là Như Như, con gái út của tôi đó chú Khang à.”

Câu này khi nãy chị ấy đã nói rồi, chẳng hiểu sao bây giờ lại nói nữa. Chắc vì thấy tôi ngó theo con gái của chị. Tôi giật mình, lúng túng nói:

“Thấy giống đứa em gái của tôi.”

Chú Đức cũng lanh miệng nói vớt cho tôi:

“Ừ giống đó chứ. Giống Uyên, phải không?”

Tôi liền gật đầu dù rằng tôi biết rất rõ em gái tôi và Như Như chẳng có gì giống nhau như chú Đức nói–có chăng chỉ là giống ở mái tóc và nước da thật trắng.

Chị Cầm mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa:

“Ở lại dùng cơm cho vui, để Như Như nó nấu mời mấy chú. Nó giỏi lắm, nấu chay nấu mặn gì cũng biết.”

Nhưng tôi nhất quyết từ chối. Chúng tôi từ giã, chị Cầm đưa chúng tôi ra cửa. Như Như cúi đầu chào chú Đức, và lại chào gởi theo tôi bằng một nụ cười khó hiểu.

Về đến chùa Linh Phong, tôi lấy giấy bút ra viết ngay mấy dòng thơ ghi lại niềm rung động lãng mạn đầu tiên trong đời xuất gia của mình:

“Mắt biếc như sao rung trời tạnh

Tóc huyền như suối động sông êm

Chuếnh choáng ta về cô phong đảnh

Bụi đường lãng đãng cuốn theo tim.”

Khi ghi đến hai chữ “như”ở hai câu đầu, tôi nghe lòng bâng khuâng nhè nhẹ. Và tôi mỉm cười một mình. Tôi giấu tên nàng trong bài thơ ngắn ấy, không biết sau này ai đọc được có biết chăng?

Ô

Đâu chừng nửa tháng sau lúc đến nhà chị Cầm, khi niềm rung động (không cần thiết chút nào cho người tu) đã lắng dịu trong tôi, chị Nữ lên chùa Linh Phong tìm gặp thầy Trừng Hùng. Lúc đó tôi đang trì tụng kinh Kim Cang nên không biết chị ấy đến chùa có việc gì (khóa tụng kinh Kim Cang là do tôi phát nguyện tụng vào lúc hai giờ mỗi ngày, mục đích là để đào sâu thêm nghĩa lý của Bát Nhã mà cũng là cách để phá trừ những mê chấp vọng tưởng của mình từ khi gặp Như Như; khóa lễ này không nằm trong thời khóa thường ngày của sinh hoạt chùa). Khi tôi tụng kinh ra, thầy Trừng Hùng gọi tôi bảo:

“Mi biết nhà chị Nữ không, biết chứ hả? Khi nãy chị Nữ lên mời chùa mình xuống tụng kinh cầu an cho một ông cụ nào đó kế bên nhà. Chú mi thay mặt chùa xuống đó tụng kinh Thủy Sám. Tụng và cầu nguyện cho đến khi nào ông cụ đó khỏe được mới thôi.”

Tôi nghe vậy thì giật mình, run lên, mà đồng thời cũng thấy náo nức kỳ lạ trong lòng–nỗi náo nức không chút từ bi, không kể gì đến cơn bệnh của một ông cụ nào đó, vì nó có vẻ như muốn lấy việc xuống núi này như là cơ hội để được gặp lại một thiếu nữ kiều diễm. Từ nửa tháng nay, sau khi gặp Như Như, tâm hồn tôi dậy lên những xao động nhè nhẹ. Tôi biết ngay điều này có nghĩa là gì. Tôi đã tìm cách trấn áp nó bằng cách tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú nhiều hơn, và nhất quyết không chịu đi cùng chú Đức khi chú ấy rủ tôi đến nhà chị Nữ; nên bây giờ, nghe thầy Trừng Hùng giao phó công việc, tôi lại thấy do dự, khó xử. Nội tâm tôi mâu thuẫn: nửa muốn từ chối, nửa muốn đi. Không muốn đi, vì đi thì sẽ đối diện Như Như, làm sống lại niềm rung động dạt dào mà tôi đã phấn đấu dùng nhiều công phu để dẹp bỏ. Còn muốn đi là vì tôi chưa hề từ chối chuyện xuống phố tụng kinh khi được giao phó hay được mời, và cũng vì ở tận đáy sâu của lòng mình, tôi biết tôi cũng muốn có cơ hội nhìn lại Như Như, với đôi mắt mơ mộng, nụ cười hồn nhiên, và với mái tóc thề quyến rũ ấy. Tôi chẳng biết có nên quyết định đồng ý ngay công tác của thầy Trừng Hùng giao phó hay không. Ngập ngừng một lúc, tôi đành tự nhủ: “Thôi thì cứ xuôi theo hoàn cảnh nếu thực sự là không có nguyên do hợp lý nào để từ chối.” Rồi tôi nói với thầy Trừng Hùng:

“Sao chỉ một mình con đi thôi?”

“Vì tao với thằng Đức còn thay nhau đi nhiều đám tang khác trong suốt tuần tới. Thằng Thể thì phải ở lại chùa. Mình đâu có đủ người mà kéo nhau dồn vào một chỗ. Hơn nữa, trường hợp tụng kinh cầu an dài lâu như chỗ này đâu cần phải đi đông người, mình mi đủ rồi.”

Tôi cố gắng tránh né thêm:

“Hay thầy để chú Đức xuống đó tụng kinh cầu an còn con theo thầy đi mấy đám tang kia?”

Thầy Trừng Hùng ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Không được.”

“Sao vậy?” tôi hỏi lại.

“Đã nói không được. Tao quen đi đám tang với thằng Đức rồi. Hơn nữa… nghe chị Nữ nói là gia đình họ muốn mời chú mi, xuống mấy người cũng được nhưng phải có chú mi. Ai mà biết ý họ muốn gì. Họ thích ai thì mời người đó thôi.”

“Mình đâu nhất thiết phải chiều theo ý họ trong chuyện đưa người xuống làm lễ,” tôi nói cho có.

“Dĩ nhiên là vậy, nhưng… mi cứ đi đi. Tại sao phải từ chối chứ? Dạo này mi cũng đâu còn làm ở hãng vị trai nữa.”

Tôi không biết nói gì. Im lặng chấp nhận. Còn chuyện tôi không còn đi làm ở hãng vị trai nữa là do từ hơn hai tháng nay, sau khi Giáo hội tỉnh họp, đã quyết định giao cho chùa Linh Phong và chùa Phước Điền công tác “ứng phó đạo tràng”thay cho các chùa của thành phố Nha Trang, đặc biệt là viện Hải Đức. Điều này có nghĩa là chùa Linh Phong và chùa Phước Điền không được từ chối bất cứ khóa lễ tụng niệm nào tại tư gia do gia đình phật-tử thỉnh cầu nếu không có lý do thật chính đáng. Phật-tử Nha Trang khi cần tổ chức khóa lễ nào tại nhà mình, có thể đến bất cứ chùa nào trong thành phố để mời chư tăng, nhưng nếu chư tăng tại chùa đó không rảnh, có quyền giới thiệu họ đến chùa Phước Điền hoặc chùa Linh Phong; và trong trường hợp này, tăng chúng của một trong hai chùa ấy phải chia nhau đảm nhận, không lý do gì để từ chối nữa. Công tác “ứng phó đạo tràng ấy”coi như là công tác của hãng vị trai giao phó. Như vậy, giống như quý thầy ở chùa Phước Điền, cả thầy Trừng Hùng lẫn chú Đức và tôi đều được coi như là công nhân có lãnh lương của hãng vị trai dù chẳng có ngày nào trong tuần chúng tôi có mặt tại hãng. Công tác này khá nặng nề cho tăng chúng ở chùa Linh Phong, chiếm khá nhiều thời giờ của chúng tôi lẫn chú Thể–vì trong khi thầy Trừng Hùng, chú Đức và tôi xuống núi đi tụng niệm, một mình chú Thể phải đảm trách tất cả những công tác và khóa lễ tại chùa–nhưng thầy Trừng Hùng thì có vẻ thích nhận công tác ấy, vì nếu không thích, thầy đã từ chối ngay trong buổi họp của Giáo hội tỉnh chứ không ai có quyền ép buộc được thầy phải nhận. Với công tác ứng phó đạo tràng vừa nói, đôi khi tôi có cảm tưởng mình cùng tăng chúng của chùa Linh Phong đang đóng vai trò của những ông thầy cúng, thầy đám. Dẫu sao, tôi cũng tự an ủi rằng nếu chúng tôi không đảm nhận, cũng sẽ có một chùa khác đảm nhận, và họ cũng sẽ chịu phần thiệt thòi y hệt. Tinh thần “chịu thay” không cho phép người tăng sĩ từ chối những khổ nhọc để trút gánh nặng qua cho kẻ khác.

Thấy tôi im lặng, biết là tôi đã chấp nhận, thầy Trừng Hùng dặn dò thêm:

“Tụng mỗi ngày trọn bộ Thủy Sám, chia làm ba khóa, mỗi khóa một quyển. Ngoài ba khóa tụng Thủy Sám đó, thấy rảnh lúc nào có thể tụng thêm kinh Phổ Môn lúc nấy, chứ ở không dưới đó làm gì.”

“Vậy có nghĩa là…”

“Là ở lại đêm dưới đó, tụng kinh suốt ngày đêm, cho tới khi nào ông cụ khỏe mới được về.”

“Chao ôi!” tôi sửng sốt tưởng chừng thầy Trừng Hùng nói đùa.

“Chao ôi gì mà chao ôi! Bộ làm vậy không được sao? Bộ mi không muốn cứu độ ông cụ bệnh hoạn ấy sao?”

“Muốn chứ, nhưng đâu có nghĩ là phải ở lại đêm dưới đó. Với lại tụng kinh gì mà suốt ngày đêm, sợ tụng một mình không đủ hơi đó chớ.”

“Tụng nhỏ nhỏ thôi, ai biểu mi tụng lớn làm gì. Chủ yếu là thành tâm cầu nguyện cho người ta chứ ông ấy bệnh tám năm nay rồi có nghe được gì đâu.”

“Nhưng… còn chuyện ở lại đêm thì sao? Công an địa phương đó có cho phép không?”

“Đã lo liệu hết rồi. Người ta nói được là được, mi cứ đi, lo thành tâm cầu nguyện. Đó với đây có xa xôi gì, lỡ công an có xét hỏi thì nói ở chùa này xuống tụng kinh giúp cho người ta chứ sao đâu.”

Vậy là xong. Tôi phải đi. Không có lý do nào để từ chối. Không cần phải do dự, ray rứt, ăn năn, tự trách gì hết. Đó là chùa sai tôi đi, đâu phải tôi tự đâm đầu xuống. Vậy là năm giờ chiều, tôi xếp tấm y (ca-sa), quần áo để thay, cho vào đãy, và một cuốn kinh Thủy Sám cầm tay, xuống núi.

Trong khi lần bước xuống trăm bậc của chùa Linh Phong, tôi tự nghĩ: nếu ái dục là một trong những chướng ngại to lớn của người xuất gia thì rõ ràng trong Luận Bảo Vương Tam Muộicó nói rằng, người học đạo phải tự dấn mình vào chính những chướng ngại đó để tìm thấy con đường giải thoát, để khai mở trí tuệ giác ngộ… Chính sự chống đối và phá hoại sẽ là điều trợ duyên và tác thành cho sự nghiệp cao cả.

Có thể tôi đã không hiểu đúng tinh thần của Luận Bảo Vương Tam Muội. Cũng có thể tôi chỉ tự dối mình, tự biện minh cho sự hăm hở xuống núi này của mình bằng cách viện dẫn kinh điển. Dẫu sao, cái hiểu ấy cũng trấn an tôi được phần nào. Ít nhất tôi cũng tự biết được là tôi đang dấn mình vào một chướng ngại.

Ô

Lần trước đến nhà chị Cầm, tôi đã vào gian nhà phía phải rồi được mời vào phòng khách ở gian giữa. Nay tôi được biết thêm là gian trái của căn nhà lầu ba gian của chị Cầm là do chồng chị nhường cho gia đình người anh ruột. Và ông cụ bị bệnh tám năm cần được tụng kinh cầu nguyện ấy chính là anh chồng của chị Cầm. Như vậy, Như Như gọi ông ấy bằng bác ruột.

Tôi ngồi ở phòng khách, nghe chị Nữ cùng gia đình bệnh nhân trình bày về tình trạng của ông cụ. Như Như đem nước mời tôi. Áo thun màu cam nhạt bó sát người, bỏ trong quần cao bồi màu xanh nhạt. Dáng linh hoạt, vui vẻ. Lại cười nhẹ. Lại bâng khuâng. Lại chớp mắt và cố gắng định tâm.

“Thôi, để tôi qua thăm ông ấy rồi tụng kinh cầu nguyện ngay bên đó,” tôi đứng dậy nói, muốn mau chóng bước ra khỏi gian nhà có hình bóng Như Như để tâm tư được định tĩnh mà cầu nguyện.

Người bệnh tên là Điềm. Ông nằm liệt giường gần tám năm. Gia đình phải khổ nhọc chăm sóc mọi thứ. Một tuần nay, ông bỗng mê man, không ăn nổi, chỉ uống được nước. Xót thương ông, tôi cầu nguyện và tụng một thời kinh rất chí thành, hoàn toàn không bị xao lãng.

Nhưng khi trở về lại bên nhà chị Cầm, đón nhận ly nước đá chanh từ Như Như, tâm tôi lại xao động, lăng xăng, ngây ngất nhìn theo dáng nàng uyển chuyển bước qua bước lại. Tôi không ngờ lòng mình yếu đến thể. Tôi tự hỏi, phải chăng vì định lực của tôi chưa đủ để giữ tâm thanh tịnh trước nữ sắc, hay chỉ vì sắc dục là một mãnh lực kinh khiếp có thể đánh vỡ tan tành công phu của một người vốn có trái tim mẫn cảm và nhẹ dạ như tôi?

Nghỉ ngơi ăn cơm tối xong, tôi qua lại nhà ông Điềm tụng thêm một thời kinh.

Xong thời kinh dài gần hai giờ đồng hồ này thì đã quá mười giờ đêm. Chị Cầm gọi Như Như, nói:

“Con lên lầu lo chỗ cho chú Khang nghỉ ở cái giường sau bàn Phật nghe.”

Như Như mau mắn làm công việc ấy rồi trở xuống, thưa:

“Xong rồi mẹ.”

Chị Cầm nói:

“Vậy con đưa chú đi nghỉ, khuya rồi, bảo mấy đứa ở trên đó đừng ồn ào, có chú Khang ở lại đó.”

Như Như cười với tôi, nói:

“Đi, chú…”

Tôi bước theo Như Như lên lầu. Nàng đi trước, cứ một khúc ngoặc trên đường đi là dừng, quay lại, chờ tôi, cười, bước tiếp. Một người đưa đường nhẫn nại, dễ thương. Lạy Phật, sao lại đặt con vào hoàn cảnh này! Sao lại có một chúng sanh vừa đoan trang lại vừa nhí nhảnh như vầy?

Ở gian giữa, phòng phía trước nhìn xuống đường, được dành riêng làm nơi thờ Phật và tổ tiên. Đàng sau bàn thờ Phật có một cái giường sắt nhỏ lót nệm–hình như là loại giường sắt thường thấy ở các bệnh viện lớn của thành phố–đã được Như Như trải ra (drap) trắng, trên đó có một cái gối lớn, áo gối cũng màu trắng nhưng có thêu một nhánh hoa hồng với ba cái hoa. Như Như nói, giọng tự nhiên:

“Nghỉ ở đây. Còn phòng tắm thì nằm ở phía này,” nàng hướng dẫn tôi bước đến một căn phòng đang bật đèn sáng, “có khăn tắm sẵn ở đây,” trỏ vào hai cái khăn một lớn một nhỏ treo ở sau cánh cửa, “đồ thay ra bỏ vô cái thau đó để sáng mai Như Như giặt,” ngưng một lúc, nàng nói tiếp, “cần cái gì cứ hỏi Như Như nha.”

“Cám ơn Như Như,” tôi nói.

Thay vì nói “không có chi”, nàng ngước nhìn tôi, cười, rồi vui vẻ chúc:

“Ngủ ngon nha.”

Như Như đi vào căn phòng ngủ rộng sát bên hông gian thờ Phật. Trước khi khép nhẹ cánh cửa, nàng lại ló đầu ra, nhìn xem tôi còn đó không; thấy tôi, nàng lại nhoẻn miệng cười lần nữa rồi rút vào sau cánh cửa. Tôi quay trở về chỗ nằm, lấy bộ đồ sạch trong dãy ra để đi tắm. Đang trên đường từ hành lang hướng về phòng tắm, bỗng thấy Như Như mặc cái váy ngủ từ phòng nàng bước ra. Cái váy ngủ bằng lụa mềm với những cánh bông nhỏ xíu đủ màu, dài phú tới chân. Tóc Như Như xõa dài, có vẻ cùng vạt áo mỏng tung bay theo dáng bước yêu kiều của nàng. Trông nàng lúc ấy như một tiên nữ giáng trần hay như nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích thần thoại. Tôi chẳng hiểu nàng bước theo tôi làm gì, nên đứng lại chờ đợi. Bước đến gần tôi, Như Như vừa vén tóc mai, vừa nói, hơi nhón về phía tôi để khỏi phải nói lớn tiếng:

“Nước trong cái xô màu đỏ là nước nóng Như Như mới nấu khi nãy. Còn cái xô không màu xanh là để pha nước lạnh từ trong vòi. Muốn Như Như pha không? Tại Như Như không biết chú Khang thích nước ấm cỡ nào.”

“Thôi được rồi, để pha. Không phiền Như Như đâu. Như Như đi ngủ đi.”

Tắm xong, tôi đứng trong phòng tắm giặt luôn bộ đồ vừa mới thay ra của mình vì rất ngại để Như Như giặt dùm. Từ ngày xuất gia đến giờ, chưa có bàn tay người nữ nào đụng vào quần áo của tôi. Chuyện Như Như lo nước tắm, dọn giường ngủ của tôi, đã là chuyện tuy rằng khiến tôi thấy ấm áp thế nào đó trong lòng, nhưng phần khác lại làm tôi thấy xấu hổ, khó chịu, như có cái gì chương chướng. Giặt xong tôi chẳng biết phơi ở đâu, đành móc nguyên bộ đồ vạt hò vào cái móc áo, máng luôn trên sợi dây kẽm giăng ngang ở góc phòng tắm.

Chiếc nệm của giường tôi nằm là loại thật mềm, nằm xuống là cả người bị lún sâu, đồng thời nệm lại lấp ngang trên mặt, trên người mình như đất phả trên huyệt mộ. Với loại nệm này thì chẳng làm sao có thể ngồi ngay lưng mà thiền tọa hay niệm Phật trước khi ngủ. Thôi thì nằm thiền cũng được. Từ một con mắt còn ló khỏi vùng nệm chăn trắng, tôi thấy cái trần nhà cũng trắng lên như vậy. Chung quanh tôi là một vùng trắng sáng nhờ nhờ như hình ảnh quá khứ nào đó của một căn phòng trong bệnh viện. Nằm một lúc, tôi có cảm giác như chính mình bị lún, bị chìm xuống một thế giới thấp nhất, trong đó chỉ là những hình ảnh, những cảm xúc mơ hồ, lộn xộn, cái này chồng lên cái kia, nhào lộn lên nhau, đẩy xô nhau, khiến cả thân và tâm tôi lúc thì chết cứng, lúc thì quay cuồng trong một trạng thái hỗn mang quái dị…

…Cái gối này, sao mà phảng phất hương thơm gì lạ quá! Chắc là hương tóc của Như Như. Ồ, nhà ngươi tán tâm thất niệm rồi! Tập trung tư tưởng lại coi nào. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật. Áo gối có thêu ba cái hoa hồng. Lại thất niệm nữa rồi. Thất niệm một chút cũng được đâu có sao! Ôi nàng tiên dịu dàng với mái tóc đen nhánh tung bay nhịp nhàng theo áo lụa mỏng. Án ma ni bát di hồng. Lúc nãy chính nàng đã trải chăn và đặt cái gối của nàng ở đây. Lò xo dưới cái giường sắt này kêu quá. Như Như bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Chắc là mười sáu. Cao lắm là mười bảy. Nàng có nước da thật trắng. Đôi mắt nàng có vẻ buồn. Hình như không phải buồn, mà là mộng mơ. Phải rồi, người ta nói tuổi đó nhiều mộng mơ lắm mà. Nam mô A Di Đà Phật. Xe cộ trên đường đã hết. Có tiếng nói chuyện thì thầm của ai ở phòng ngủ bên kia, cách đây một cái vách. Bên kia vách là phòng ngủ của Như Như. Có lẽ nàng cũng đang nằm thao thức như mình. Này, những ý niệm lăng xăng nãy giờ đều là vọng tưởng hết, ngươi không biết sao? Ngay cả câu niệm Phật cũng là vọng tưởng. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô Như Như tiên nữ giáng trần với nụ cười dễ thương và đôi mắt sầu mộng. Dẹp hết, dẹp hết, đừng nghĩ bậy nữa. Niệm Phật đi, rồi ngủ! Ồ, nếu phải dẹp hết vọng niệm, vọng tưởng, thì dẹp luôn cả câu niệm Phật chứ. Dấy lên bất cứ ý niệm nào cũng đều là vọng niệm cả mà. Thôi đừng bày đặt lý luận. Niệm Phật đi. Nam mô A Di Đà Phật. Không cần phải dẹp câu niệm Phật thì cũng không cần phải dẹp những hình ảnh, những ý niệm về một tiên nữ, về một cô gái tên Như Như. Ồ Như Như xinh đẹp… xin nàng hãy đến bên tôi, hãy nói tôi nghe nàng thích những gì… Ồ không, xin nàng hãy dang ra xa, để tôi tĩnh tâm niệm Phật. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật…

Ô

Tôi thức dậy thật sớm theo thói quen hàng ngày ở chùa. Và thay vì ngồi thiền trên giường, tôi ra trước bàn thờ Phật. Ngồi thiền trên chiếc nệm mềm lũn ấy lưng tôi sẽ cong như lưng tôm. Vừa ngồi vào chỗ, tôi nhớ ngay rằng đêm qua trước khi ngủ, tôi hoàn toàn thất niệm và đã chìm vào một giấc ngủ đầy những mộng mị thế tục.

Như Như dọn bữa điểm tâm cho tôi. Đặt cái mâm nhỏ lên bàn, nàng không nhìn tôi, hỏi:

“Đêm qua ngủ được không?”

“Được,” tôi ngập ngừng một lúc rồi hỏi, “còn Như Như thì sao?”

Như Như cười đáp:

“Sợ chú Khang lạ chỗ ngủ không được thôi chứ Như Như thì ngủ ở nhà mình mà, đâu có sao. Nhưng tối qua cũng hơi khó ngủ một chút.”

Chẳng rõ nàng có hàm ý gì khi nói câu ấy không, chứ tôi thì chấp nê lắm, nghe nàng nói vậy thì liền nghĩ bậy nghĩ bạ, và thấy vui nhẹ trong lòng.

Sau bữa điểm tâm, tôi qua nhà ông Điềm tụng thời kinh sáng. Lúc quay về, tôi thấy bộ đồ vạt hò của mình phơi trong buồng tắm tối qua đã được ủi và xếp ngay ngắn, đặt ở chân giường nằm của tôi. Tôi thở dài: “Cuối cùng thì áo quần của mình cũng có bàn tay phụ nữ đụng chạm đến rồi.” Tôi quay ra bàn Phật, lựa một cuốn sách trong tủ, ngồi đọc. Bỗng thấy có dáng người nhè nhẹ vào chỗ chiếc giường nệm rồi lại có vẻ như rón rén bước ra. Tôi nhớm người thì nhìn thấy Như Như đang cầm chiếc áo nhật bình nâu của tôi. Nhật bình là loại áo dài để tăng sĩ mặc đi đường. Tôi vội đứng dậy bước tới Như Như, hỏi:

“Như Như đem áo này đi đâu vậy?”

“Đi giặt.”

“Không, không cần đâu. Như Như để đó đi.”

“Để Như Như giặt cho,” nàng nói dứt khoát như vậy rồi vắt chiếc áo dài của tôi lên vai, tự tiện mang áo đi.

Tôi đứng lại, thấy mình yếu xìu. Lâu nay tôi có tiếng là ông thầy tu trẻ khó tánh, nghiêm nghị, mấy người phật-tử lên viện Hải Đức hay chùa Linh Phong phải kiêng dè, không dám cười đùa hoặc nói lớn tiếng trước mặt tôi và dĩ nhiên là nếu tôi nói gì, họ không dám cãi lại. Vậy mà Như Như có nể sợ gì tôi dâu. Tôi bảo để áo đó mà nàng cứ việc mang đi. Lại tự động quyết định giặt áo đó cho tôi nữa chứ. Lém lỉnh quá nhỉ! Nhưng… thôi, không sao, tôi chẳng chấp nhất làm gì. Cái lém lỉnh kia rất dễ thương và có cái gì đó rất thân mật, gần gũi.

Vậy đó, suốt ba ngày ba đêm tôi ở lại, Như Như lo cơm nước, chỗ ngủ, giặt ủi áo quần, lau nền đất, tìm sách cho tôi đọc và gọi tôi xuống phòng khách xem truyền hình khi có chương trình gì nàng cảm thấy hay (dù rằng thực tình chẳng có chương trình nào hay đối với tôi ngoài chương trình ngồi cạnh Như Như). Có khi nàng đến ngồi sát bên tôi trên cùng cái xa-lông để xem truyền hình. Phim vui, nàng cười rất hồn nhiên, đôi lúc níu lấy vai tôi, rồi giật mình co rút lại, e thẹn. Lạy Phật, xin cho con được vô tư như nàng… chứ không thì trái tim con sẽ bật khỏi lồng ngực này ngay!

Tối hôm ấy, trong bóng đêm, có dáng người nho nhỏ đến bên giường tôi, đặt nhẹ một bàn tay lên trán tôi như cách một người mẹ thăm bệnh con. Người ấy cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi. Tôi bừng mở mắt, thấy rõ ràng đó là Như Như, cũng với chiếc áo ngủ dài bằng lụa mỏng với những bông hoa nho nhỏ đủ màu sắc. Thấy tôi nhìn, nàng rút lại và vội vã biến nhanh trong bóng đêm. Tôi ngồi choàng dậy, chạy ra đến cửa phòng, nhìn hai bên, không thấy ai cả. Trở lại về chỗ nằm, tôi không rõ cảnh vừa rồi là chiêm bao hay thực tế.

Buổi sáng, Như Như vào dọn dẹp, tôi buột miệng hỏi:

“Như Như à, hồi tối… hồi tối…”

“Hồi tối sao?” Như Như hỏi giọng rất tự nhiên.

Tôi nói trớ đi:

“Hồi tối ngủ được không?”

“Được, cám ơn. Còn chú Khang thì sao?”

“À, trời nóng quá ngủ hơi khó.”

“Trời nóng? Lạnh như vậy mà chú thấy nóng à?”

“Ừ, nóng. Chắc tại cái nệm…”

Khi Như Như ra khỏi phòng, tôi mới dám xác định rằng chuyện tối qua chỉ là giấc mơ. Tôi tự trách: “Dù mộng hay thực tế, cũng chẳng nên nói hay hỏi lại Như Như điều đó. Nàng vô tư như vậy mà. Nói với nàng làm chi. Hơn nữa, cho dù có một thực tế lãng mạn như vậy thì cũng phải coi như chỉ là một giấc mơ thôi.”

Ô

Tôi đã tụng xong ba lần bộ kinh Thủy Sám mà ông Điềm vẫn còn mê man. Tôi nghĩ, tình trạng này làm gì ông có thể gượng ngồi dậy nổi, chứ đừng nói chuyện hết bệnh! Mà ông ấy chưa hết bệnh không lý tôi cứ ở mãi bên bờ vực chướng ngại này để chết đắm đuối trong “thung lũng tình yêu” thơ mộng hay sao? Huống chi trong ba ngày liên tục ở nhà Như Như, dù rằng công việc tụng kinh đã chiếm khá nhiều thì giờ, dù rằng có Như Như đem lại nhiều niềm vui và rung động, tôi vẫn thấy nhớ chùa. Ngôi chùa Linh Phong chật hẹp, thiếu tiện nghi, khô khan, buồn tẻ… nhưng đối với tôi, vẫn là nơi chốn của mình. Khi người thế tục xem ngôi chùa là nơi để họ đến lễ Phật, cầu nguyện, tìm không khí tĩnh tâm… thì tôi lại thấy cái đẹp và ích dụng của ngôi chùa nằm ở chỗ khác. Tôi có tâm ý hẹp hòi trong chuyện tiếp xúc với đời và quan niệm sinh hoạt trong cửa thiền nên coi ngôi chùa chỉ đơn giản là “thế giới của thầy tu”, nơi đó, các tu sĩ bơi lội như cá trong nước, tung bay như chim trên trời. Thong dong tự tại, không vướng bận gì. Và cái thế giới đó chỉ đúng nghĩa khi vắng bóng hoàn toàn những người thế tục lai vãng. Còn nhìn thấy người thế tục ăn uống, nói cười, sinh hoạt… thì không làm sao có thể có được không khí thoát tục! Nói vậy không có nghĩa là cửa chùa không rộng mở để đón tiếp khách thập phương. Tôi chỉ thấy rằng thực ra, không khí chùa có vẻ “chùa” nhất là khi tất cả khách thập phương đều ra về, để lại mấy ông thầy tu trọn vẹn trong thế giới xuất trần biệt lập của họ. Cho nên, dù thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy nhớ chùa Linh Phong sau ba ngày chìm ngập trong cơn mê, hay ảo giác tình yêu.

Tôi nói riêng với chị Nữ:

“Tám năm nay ông Điềm nằm liệt giường, không bác sĩ hay đông y sĩ nào chữa trị nổi, nay ông ấy hấp hối rồi gia đình mới xin làm lễ cầu an, làm sao hết bệnh được! Xem cách ông ấy thở, tôi nghĩ là tụng trăm bộ Thủy Sám cũng chẳng thay đổi được gì:

Chị Nữ nói:

“Tôi đã thưa với thầy Trừng Hùng rồi, tình trạng của ông ấy không phải là bệnh nữa mà là… sắp chết. Chắc chắn là phải chết. Nhưng… chẳng hiểu sao chết cũng không xong. Dĩ nhiên là gia đình mong ông ấy được sống khỏe mạnh, ai lại mong ông ấy chết bao giờ, nhưng trong trường hợp này, không ai muốn ông ấy phải chịu đựng dài lâu cơn đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần như vậy. Nếu ông ấy còn tỉnh táo được chắc chắn ông ấy cũng muốn chết đi để khỏi phiền vợ con. Tám năm rồi còn gì. Ông đã muốn chết từ năm đầu tiên mà gia đình còn muốn níu kéo, chịu đựng, chăm sóc ông cho đến hôm nay. Tôi thưa mà thầy Trừng Hùng không hiểu mới bảo chú cầu an đó chứ. Thực ra thì phải cầu siêu mới phải.”

Tôi nói:

“Vậy bây giờ tôi về chùa thưa lại chuyện đó với thầy Trừng Hùng để xin thầy đổi thành cầu siêu thay vì cầu an.”

“Thôi chú cứ ở lại đây đi, để tôi lên chùa thưa với thầy ấy,” chị Nữ cản tôi lại.

“Sao vậy?” tôi hỏi.

“Tôi sợ trong thời gian chú rời ở đây, ông Điềm chết không có ai tiếp dẫn, tội nghiệp cho ông và vợ con,” chị Nữ đáp.

Thì ra là vậy. Tôi không có lý do nào để từ chối nữa, đành ở lại để tình cảm mặc sức nảy nở. Ôi, sao lại đày đọa chi trái tim nhạy cảm của tôi vậy! Nếu thầy Trừng Hùng hay chú Đức gánh công việc này có phải là hay hơn nhiều không! Nhè đứa con trai yếu lòng, dị cảm như tôi mà dẩy vào cái thế giới thơ mộng như vầy thì còn mong gì giải thoát!

Như Như nghe tôi đòi về chùa thì nhấp nhổm, ngồi không yên. Đến khi thấy tôi đồng ý để chị Nữ lên chùa thay thì nàng vui vẻ trở lại. Làm như tôi sẽ không bao giờ rời khỏi căn nhà này vậy!

Đến chiều, chị Nữ từ chùa trở về, thấy tôi, chị liền nói:

“Có thầy Trừng Hùng đạp xe xuống đó chú. Thầy muốn đến thăm ông Điềm rồi mới quyết định bảo chú tụng kinh gì.”

Thầy Trừng Hùng thăm ông Điềm và nói chuyện với vợ con ông xong, trở lại nhà chị Cầm, nói riêng với tôi:

“Bắt đầu tối nay chú tụng kinh Địa Tạng để cầu siêu cho ông Điềm, tụng cho đến khi nào ông ấy đi thì cho người lên báo tôi biết.”

Tôi góp ý:

“Tụng kinh Kim Cang được không thầy? Vì theo con biết thì…”

“Biết gì mà biết. Tao bảo tụng kinh Địa Tạng thì cứ tụng kinh Địa Tạng.”

Tôi chưa chịu thua:

“Tụng kinh Đại Tạng cũng sẽ kéo dài thêm nhiều ngày y hệt như tụng Thủy Sám thôi. Nếu gia đình người ta yêu cầu mình cầu siêu cho ông ấy đi sớm thì tụng kinh Kim Cang, chắc chắn một khóa lễ chưa đầy một giờ đồng hồ là ông ấy đi ngay.”

“Mi mà biết cái chi. Tụng kinh Địa Tạng!”

Nói rồi thầy Trừng Hùng giao tôi cuốn kinh Địa Tạng thầy mang theo sẵn. Vậy là tôi lại ở thêm ba ngày đêm, tụng kinh Địa Tạng. Ông Điềm vẫn không thay đổi gì. Chết không xong, sống cũng không xong. Ông chưa đầy sáu mươi tuổi mà trông già xọm như ông cụ chín mươi. Mắt ông nhắm nghiền mà miệng thì há lớn. Mỗi lần thở vào là cả bộ ngực xương xẩu của ông rướn lên, đẩy thốc đầu cổ về phía đầu giường. Tôi có cảm tưởng là dù cả thân thể ông ấy cố gắng lấy hơi cũng vậy, cũng chẳng có không khí nào vào được phổi ông cả. Cơn hấp hối của ông làm tôi xúc động mạnh mẽ. Nếu ông ấy là người thân của tôi, chắc chắn tôi cũng không mong gì kéo dài tuổi thọ của ông thêm nữa. Thêm một khắc sống như thêm một kiếp đọa đày. Vậy đó, mà ông vẫn cứ sống. Bà Điềm và cô con gái lớn lại nói chuyện riêng với tôi:

“Thầy thấy đó, ông ấy kéo dài tình trạng như vậy là tám năm rồi. Mười ngày nay thì ông thở mạnh như vậy mà lại mê man không biết gì. Thầy coi có cách nào… cầu siêu độ thực sự cho ông. Ý tôi muốn nói thầy tụng kinh gì để ông được ra đi thanh thản. Chúng tôi thương ông lắm, nhưng không muốn ông kéo dài sự đau khổ này”

Tôi nói:

“Nếu gia đình thực sự yêu cầu chuyện đó, tôi sẽ làm. Vậy bây giờ gia đình hãy chuẩn bị. Tôi dặn trước, trong khi tôi tụng kinh ở bàn Phật, nếu thấy ông đi thì một người đến báo cho tôi biết để tôi đến làm lễ tiếp dẫn tại giường nằm của ông, còn những người khác phải bình tĩnh, đứng chung quanh giường niệm Phật A Di Đà. Không ai được khóc.”

Gia đình bà Điềm nghe tôi nói vậy thì xôn xao cả lên, như thể chuyện ông Điềm sẽ chết là chuyện bất ngờ lắm vậy. Bà Điềm khóc ngay trước mặt tôi. Tôi an ủi bà, chờ bà lắng dịu xúc động, dặn dò bà thêm lần nữa rồi bất đầu tụng kinh Kim Cangtheo ý tôi, không tụng kinh Địa Tạngtheo lời dặn của thầy Trừng Hùng nữa. Thực ra tôi có kinh nghiệm gì về việc tụng kinh đâu. Tôi chỉ học được điều này từ thầy bổn sư tôi mà chưa bao giờ áp dụng. Kinh nghiệm ứng phó đạo tràng hơn bốn mươi năm của thầy tôi dĩ nhiên là đáng tin tưởng hơn thầy Trừng Hùng. Trường hợp một người sống dở chết dở, thầy tôi dạy là vì nghiệp chướng còn nặng nề, tâm thức còn lưu luyến đắm nhiễm thế gian, hoặc có điều gì chưa thực hiện được nên mới cố gắng bám víu vào ngay cả cái thân thể suy kiệt tàn hơi nhất để mong tồn tại. Gặp trường hợp đó, chỉ tụng kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đalà tâm người ấy thức tỉnh ngay, buông xả hết mọi tham luyến để chuyển kiếp. Có người cho rằng thực ra chú tâm cầu nguyện thì kinh nào cũng linh nghiệm như nhau cả. Trên lý thuyết, điều đó rất hợp lý, nhưng trên thực tế, qua kinh nghiệm thực hành của nhiều đời tăng lữ để lại thì khác. Mỗi bệnh có mỗi thứ thuốc thích hợp là vậy.

Quả nhiên, tôi tụng chưa được nửa phần kinh Kim Cang thì ông Điềm thở hơi cuối cùng. Gia đình áp dụng đúng lời dặn dò của tôi, không ai khóc lóc hay níu kéo gì ông ấy, cả nhà cùng đứng quanh giường niệm Phật theo tôi.

Sau khi lo xong một số việc cần thiết để chuẩn bị cho một đám tang, tôi quay trở lại nhà chị Nữ. Thầy Trừng Hùng cũng vừa được gia đình mời xuống. Thấy tôi, thầy nói giọng hãnh diện:

“Thấy chưa, tao bảo cứ làm theo tao thì việc chi cũng xong.”

Tôi im lặng, xếp ca-sa vào đãy. Rồi tôi lên lầu, lấy áo nhật bình để chuẩn bị về. Như Như bước theo tôi:

“Về chùa hở?”

“Ừ, về. Xong việc rồi.”

“Nhưng mẹ nói là chú Khang còn ở lại đưa đám tang bác Điềm nữa mà.”

“Thôi, chuyện đó có thầy Trừng Hùng và chú Đức rồi.”

“Vậy hở…” giọng Như Như có vẻ nghẹn ngào.

Trong khi tôi khoác áo dài, Như Như nói:

“Sao thấy buồn quá.”

“Ừ thì bác Điềm mất thì phải buồn chứ sao không.”

“Không phải. Bác mất cũng buồn nhưng Như Như còn buồn chuyện khác nữa… Khi nào rảnh nhớ xuống chơi nha. Như Như bận lo việc nhà với đi học không có lên chùa được. Nhớ xuống thăm Như Như thường xuyên chứ không Như Như buồn lắm đó.”

Tôi ngạc nhiên quay nhìn Như Như.

Những lời của nàng làm sống lại tình cảm vừa mới chôn sâu trong đáy lòng tôi. Tuần lễ vừa qua, mỗi ngày trông thấy Như Như, nghe tiếng nói tiếng cười của Như Như, được Như Như lo từng bữa cơm, từng ly nước giải khát, lo luôn cả chuyện dọn dẹp, giặt giũ… Tình cảm của tôi đối với nàng hẳn nhiên là phải nảy nở, không gì ngăn cản được. Nhưng ngay từ những phút cuối cùng chứng kiến sự ra đi của ông Điềm, tự dưng bao điềm rung động trong tôi lắng xuống thật sâu, và tôi ngỡ là sau khi tôi rời căn nhà này, tất cả mọi thứ sẽ đi vào quên lãng. Vậy mà không phải.

Một tuần lễ cùng sống chung trong một căn nhà, chàng thanh niên tu sĩ từng trau luyện các pháp môn định tâm quán tưởng còn phải rung động, xiêu lòng, thử hỏi một thiếu nữ mới lớn như nàng làm sao khỏi sinh bịn rịn, xao xuyến! Tôi thấy mắt Như Như rưng rưng ngước nhìn tôi. Và bởi cái nhìn lưu luyến dễ thương ấy của Như Như, tôi xúc động đưa bàn tay của mình lên, tính vuốt má an ủi nàng thì Như Như cũng đưa một bàn tay của nàng lên, áp chặt tay tôi vào má nàng. Và nước mắt nàng bỗng chảy thành dòng. Tôi luýnh quýnh rút tay lại:

“Có sao không Như Như?”

Nàng lắc đầu rồi buông tay tôi ra. Tôi nói:

“Đừng khóc nữa.”

Tôi vén vạt áo nhật bình của mình lên, chậm nước mắt cho nàng, rồi vội vã giã từ:

“Về nha. Thầy Trừng Hùng đang chờ ở dưới.”

Như Như bước theo tôi mấy bước rồi dừng lại ở cầu thang, nói gởi mấy lời:

“Nhớ xuống chơi với Như Như nha.”

Thầy Trừng Hùng chờ tôi cùng về bằng xích lô do chị Cầm gọi. Tôi nói thầy cứ về trước, tôi muốn đi bộ về một mình. Cả nhà lao xao tưởng tôi giận hờn chuyện gì.

“Chú Khang à, mấy đứa nó đi gọi xích lô rồi, chú ngồi một chút là có xích lô về đó,” chị Cầm nói.

Tôi phải gượng cười vui cho họ yên tâm, giải thích đôi lời cho biết. Thầy Trừng Hùng cũng nói thêm cho tôi:

“Thôi để chú ấy đi bộ. Chú ấy thích như vậy. Ở chùa có xe đạp mà chú ấy có chịu đi đâu. Đi bộ hoài. Thể dục như vậy cũng tốt. Được rồi, đi đi.”

Tôi chào mọi người thêm một lần nữa rồi bước thẳng.

Thực ra, trong trường hợp này, tôi không có ý tập thể dục gì cả. Tôi chỉ muốn bước ra khỏi căn nhà ấy thật nhanh để cho những cảm xúc, những tâm tình và ảo tưởng của một tuần qua đồng lúc rơi rớt lại phía sau lưng, hay ít nhất cũng sớm phôi pha, không vướng víu gì tôi nữa…

Vậy mà đã bước đi một đoạn khá xa, tim tôi vẫn còn bập bùng, xao động. Tôi đã tụng kinh Kim Cangđể giải nghiệp cho ông Điềm, nhưng tôi chưa biết phải làm gì để giải thoát khỏi vòng dây tình ái đang nghẹ nhàng quấn lấy mình bằng những sợi tóc mềm và óng ả như tơ của Như Như.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com