Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4

18/03/201201:08(Xem: 9284)
Chương 4

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG BỐN

Chúng tôi cùng ra vườn rau ở phía phải của chánh điện. Khoảnh vườn này rộng hơn hai mẫu tây. Trước năm 1975, chùa cho một gia đình nghèo canh tác, nay người canh tác đã bỏ đi, chùa lấy lại để trồng rau lang và đậu phụng. Đất vườn rất xấu, loại đất cát y như cát dưới biển, chẳng có màu mỡ gì. Mỗi giống rau hay đậu gieo tỉa xuống đều phải có phân chuồng hay phân u-rê thúc vào mới chịu phát triển. Tôi và chú Tửu được đặc trách tưới vườn rau hai mẫu này hàng ngày trong thời gian mới xuống giống. Nay rau, đậu đã lên cao, có củ, có trái, chúng tôi không phải tưới mỗi ngày nữa.

Ở góc vườn có một cái ao sâu do người trong chùa tự đào lấy. Bằng con đường nhỏ lài lài dẫn xuống ao, chúng tôi gánh nước lên để tưới cho cả vườn rau rộng. Đất này cũng lạ, cứ đào đại xuống chừng ba, bốn thước là có nước mạch tuôn ra, tạo thành ao. Ao không rộng lắm, đường kính chỉ độ chừng năm, sáu thước, nhưng có chỗ sâu lút đầu người. Vì ao sâu, nước sạch, lại nằm biệt lập trong khuôn viên chùa, nên có những buổi trưa trời nắng gắt, tôi và chú Tửu không ngăn được ý thích ngâm mình dưới lòng nước mát rượi ấy, và cũng bơi được vòng vòng trong ao như những đứa trẻ chăn trâu vậy. Chỗ đó vắng vẻ, không người qua lại. Thỉnh thoảng quên chuyện oai nghi tế hạnh, làm những ông Phật con tắm ao kể cũng thú vị.

Chúng tôi ngồi xuống trên bờ ao. Nước ao trong vắt. Lâu lâu mới thấy một con chuồn chuồn tinh nghịch làm gợn lên những vòng sóng nhỏ, lan nhanh trên mặt nước.

“Chú hết bệnh, tôi thực là mừng,” chú Tửu nói. Thấy tôi không nói gì, chú tiếp:

“Ngày đầu tiên, thấy chú ngồi mãi trong mùng… tôi thực e ngại. Sợ là đủ thứ bệnh khác lại nổi lên. Có khi tôi nghĩ bậy bạ là chú sẽ ngồi thiền rồi… tịch luôn. Mà sao lại có điều thần diệu như vậy nhỉ? Mấy thứ bệnh, không thuốc trị, tự dưng kéo đi hết. Có phải nhờ chú trì tụng thần chú không? Thần chú nào mà linh quá vậy?”

Tôi chỉ mỉm cười, không trả lời chú Tửu. Mặc dù tôi đã trì tụng thần chú Chuẩn Đề - một trong năm bộ chú thông dụng và nổi tiếng của Mật tông - trong suốt ba ngày ba đêm vừa qua, nhưng tôi biết rằng, chỉ có sự định tâm, không tạp niệm, mới đem lại hiệu quả bất ngờ (mà người ta quen gọi là sự linh nghiệm). Có nghĩa rằng nếu tôi trì tụng một câu thần chú khác, hay một câu niệm Phật khác một cách chú tâm trong ba ngày ấy, kết quả cũng y hệt. Điều quan trọng vẫn là sự định tâm, bất loạn. Có điều, câu thần chú Chuẩn Đề tôi đã quen niệm từ nhiều năm, hẳn là dễ đưa tôi đến trạng thái nhất tâm hơn.

“Có một lá thư và một cái điện tín trên bàn, chú đã đọc chưa? Của thầy Thông Chánh, từ Phật viện Hải Đức Nha Trang. Lá thư đến trước, điện tín đến sau. Điện tín nói thầy Thông Chánh sẽ đến đây trong vòng một, hai ngày nữa.”

“Thiệt sao? Thầy ấy ra chơi hay có việc gì không? À, chắc đọc thư thì biết.”

“Ra thăm xem chú bệnh hoạn làm sao đó mà.”

“Sao chú biết?”

“Thì... thì tại tôi nóng ruột nên gửi thư về Phật học viện Hải Đức báo cho thầy Thông Chánh...”

“Mô Phật, chuyện đó có gì đâu mà phải báo. Chú làm vậy lỡ đến tai gia đình tôi, ba me tôi lo lắng, đâu có ích gì.”

“Thôi lỡ rồi, sau này tôi không làm như vậy nữa. Nhưng phải nói thực rằng lúc thấy chú bệnh mà không thuốc chữa, tôi nóng ruột nóng gan lắm. Chẳng còn cách nào khác hơn là báo về Nha Trang để thầy Thông Chánh hay gia đình tìm cách…”

“Cám ơn chú. Chỉ sợ là mất công thầy Thông Chánh phải ra đến đây chỉ để thăm khi mình đã hết bệnh, và bệnh cũng đâu có nặng nề gì lắm đâu!”

“Nặng chứ sao không. Xương hàm tê cứng, ê răng không nhai được, miệng không thể há, cả tuần phải nhịn ăn… còn chờ nặng đến cỡ nào mới báo!”

Trở về phòng, bóc lá thư của thầy Thông Chánh ra xem, tôi mới biết rằng thầy ấy dự định đi Hội An đưa tôi về Nha Trang để trị bệnh chứ không phải chỉ ra thăm. Thư cũng cho biết bổn sư của thầy Thông Chánh là Hòa thượng Thích Trí Hữu, vị trụ trì khai sơn chùa Ấn Quang, đã viên tịch. Linh cốt của Hòa thượng đã được đưa ra chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn Non Nước để xây tháp thờ tại đó. Thầy Thông Chánh nhân dịp tháp tùng phái đoàn đưa linh cốt ra Non Nước, ghé chùa Long Tuyền để đưa tôi về Nha Trang.

Nhiều tháng nay, từ khi phải bỏ trường lớp, lao động ruộng vườn, tôi không có thì giờ để bận tâm nghĩ đến Nha Trang và những người thân thuộc của tôi nơi thành phố đẹp và hiền hòa ấy. Tôi không nhớ và cũng không hiểu rõ do đâu mà tôi quyết định ở lại, không về Nha Trang, khi Phật học viện nơi đây đã giải tán. Hình như quyết định ở lại chỉ là để chứng tỏ tâm chí của mình không bị lung lay bởi hoàn cảnh, thời thế - không phải những người cộng sản kéo vào miền Nam thì cái thằng tôi này kinh hoảng, tất tả bỏ trường, chạy về quê để nương bóng thầy bổn sư, gần gũi gia đình thân thuộc; không phải hoàn cảnh lao động cực nhọc lam lũ, ăn uống cực khổ thiếu thốn ở ngôi chùa Long Tuyền này khiến cho thằng tôi này phải chán ngán bỏ đi… Tóm lại, chuyện tôi không về Nha Trang thực ra đâu có cái gì cao thượng, ý nghĩa, như những bức thư từ Nha Trang gửi ra, khen ngợi.

Đã có một thời tôi được thầy bổn sư gởi đến chùa Linh Phong để học làm việc, học gian khổ. Lúc đó tôi đã học việc một cách miễn cưỡng. Nay tôi tự ý ở lại chùa Long Tuyền, cũng là một cách học việc, mà cũng là để chứng tỏ mình đã trưởng thành, sẵn sàng phóng mình vào những lò trui luyện khả năng chịu đựng khổ nhọc. Cái tâm chí ngạo nghễ của đứa con trai mới lớn thường như vậy. Thích gian nan, thích khổ nhọc, để chứng tỏ mức độ trưởng thành của mình. Nay tôi ôn lại những điều đó với một nụ cười nhạt. Tôi thấy không cần phải chứng tỏ với mọi người bất cứ điều gì về thằng tôinày nữa.

Tất cả các chú từ Nha Trang ra Hội An học cùng một khóa với tôi, đều đã trở về từ những ngày đầu của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời. Chú Sáng về Nha Trang trễ hơn các chú khác, nhưng cũng từ hôm tháng sáu, hai tháng sau biến cố ba mươi tháng tư. Bây giờ là tháng mười hai âm lịch, tức là đã qua tháng giêng năm một chín bảy sáu. Có nghĩa là tôi đã sống chín tháng dưới chế độ mới mà chưa nhìn lại được bộ mặt của Nha Trang, chưa thăm lại chùa xưa, thầy bạn cũ và nhất là gia đình ruột thịt của mình trong hoàn cảnh mới của đất nước. Ngay cả chuyện viết thư về Nha Trang tôi còn không giữ được mức độ thường xuyên mỗi tuần một lần như xưa. Có khi hai tháng tôi mới viết về cho gia đình một lần; và ba, bốn tháng mới viết thư cho thầy bổn sư của tôi – thầy Hải Tuệ, và người anh tinh thần hướng dẫn tôi du học từ lúc mới xuất gia – thầy Thông Chánh.

Bây giờ đọc là thư của thầy Thông Chánh viết từ Nha Trang, trong trí tôi bỗng hiện lên rõ ràng ngôi chùa Hải Đức trên núi cao, cây cối xanh um, đẹp đẽ… Và bỗng thấy một nỗi niềm gì đó rộn rã, bâng khuâng, dâng nhè nhẹ trong lòng. Tôi tưởng tôi đã như một tượng đồng, tượng gỗ, bất động trước hoàn cảnh. Nhưng không phải vậy. Sau ba ngày im lặng chú tâm thiền định và trì tụng kinh chú, tôi như một kẻ mông muội vừa bước ra khỏi cơn mê dài với một tâm hồn và một thể xác dường như là mới mẻ, tinh anh, vui không tả được. Chẳng phải tôi thành Phật thành Thánh gì đâu. Chỉ đơn giàn là một con người mới, với tâm tư sảng khoái, nhẹ nhàng và yêu đời hơn. Cho nên, đọc bức thư của thầy Thông Chánh gợi ý là nên trở về Nha Trang, tự dưng tôi thấy là tôi muốn trở về thật. Tôi vẫn thường thích đi đây đi đó, xa cách quê hương chừng nào tốt chừng đó. Nhưng đã xa Nha Trang một thời gian khá lâu rồi, bây giờ tôi nhìn về xứ ấy như nhìn về một thế giới mới lạ, đầy quyến rũ, mời mọc. Một thế giới mới lạ trong cái nhìn mới, của một con người mới trong tôi. Tôi biết tôi không còn thuộc về ngôi chùa Long Tuyền này nữa.

Ô

Thầy Thông Chánh đến chùa Long Tuyền vào buổi sáng, khi những người trong chùa đều đã ra ruộng. Tôi vẫn còn được dưỡng bệnh trong chùa với vài công tác nhẹ nên đã có nhiều thì giờ để ngồi nói chuyện với thầy ấy. Thầy Thông Chánh có mang theo thư của thầy bổn sư gởi tôi, trong đó kèm một ít tiền xe. Mẹ tôi cũng gởi một lá thư ngắn, hẹn tôi về sẽ nói chuyện nhiều hơn. Cả thầy bổn sư lẫn phía bên gia đình tôi, đều mong tôi. Thầy Thông Chánh cũng khuyên tôi nên về lại Nha Trang. Dĩ nhiên là tôi không từ chối.

Tôi bỏ lại tất cả sách vở, đồ đạc của mình, biếu chú Tửu. Hành lý mang theo của tôi chỉ là tấm y và bộ đồ vạt hò để thay đổi. Vỏn vẹn chỉ có vậy. Có cái gì thật vui thú, sảng khoái trong hành động xách hành lý ra đi, và nhất là hành động bỏ lại tất cả “tài sản”của mình. Có lẽ đây là lần thứ hai trong đời, tôi nhìn rõ được nỗi vui của sự ra đi và buông bỏ. Lần thứ nhất, cách đây cũng chỉ gần sáu năm, lúc tôi trốn nhà đi tu với hai bàn tay không, vứt sách vở vào thùng rác của bến xe đò.

Tuy nhiên, lần này, trong những kinh sách tôi để lại, có bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán tôi chép tay đã hơn hai phần ba, còn dang dở. Chú Tửu nói để chú chép tiếp cho trọn và sẽ mang bản kinh gốc trả lại cho chùa Phước Lâm. Đó là công việc nửa chừng duy nhất mà tôi đành phải gác qua, bỏ lại, tại ngôi chùa Long Tuyền này. Điều đó làm cho nỗi vui ra đi của tôi bị giảm khá nhiều. Và không hiểu sao, trong nhiều năm, tôi vẫn không quên được rằng có một bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán do tôi chép tay chưa trọn, đã để lại nơi ngôi chùa ấy. Có lẽ trên thực tế cuộc đời cũng vậy, hễ có một nguyện ước không thành thì con người sẽ ngậm ngùi ôm mãi nỗi bất an, buồn lắng, không nói được với ai, không giũ bỏ được, đành chôn sâu ở đáy lòng bằng sự chồng chất của thời gian. Một nguyện ước nhỏ, hay một lời hứa nhỏ mà không giữ được, có thể sẽ khiến tâm chí mình buông lơi, dễ dãi, để rồi không giữ được nguyện ước và lời hứa lớn.

Buổi chiều cùng ngày, tôi theo thầy Thông Chánh ra bến xe Hội An, đi Non Nước. Thầy Thông Chánh vẫn còn chút việc phải làm ở đó trước khi đưa tôi về lại Nha Trang. Nghe nói đi Ngũ Hành Sơn Non Nước, tôi càng thích thú. Sau một thời gian làm nông, bây giờ mới có dịp thưởng ngoạn phong cảnh đẹp nhất của xứ Quảng.

Chúng tôi đến Non Nước vào lúc chập choạng tối. Leo tam cấp đến chùa Linh Ứng thì màn đêm cũng vừa buông. Muôn sao rực rỡ giữa tấm màn nhung đen huyền ảo ấy. Lên đến sân chùa rồi, tôi vẫn còn nghe được tiếng sóng biển vỗ lên bờ cát dưới chân núi. Âm thanh có khi như những tiếng gầm thịnh nộ của một hung thần, nhưng cũng thực hùng tráng, ngạo nghễ, và cao thượng đến nỗi tôi có thể cảm được trong đó vẻ diễm lệ, huy hoàng của bộ mặt, của dáng dấp thiên nhiên, hay của một khúc anh hùng ca bất tận mà chỉ thiên nhiên mới là chàng nhạc sĩ duy nhất có thể tấu lên nổi.

Trên chùa đang có ba vị thầy khác từ Sài Gòn ra, cùng ở lại với chúng tôi. Họ đều là đệ tử của Hòa thượng Trí Hữu, tức là huynh đệ đồng môn của thầy Thông Chánh. Quý thầy họp mặt, trò chuyện vui vẻ, luôn tiện bàn việc xây tháp thờ cố Hòa thượng bên hông chùa.

Chùa không đủ chỗ ngủ cho nhiều khách, chúng tôi phải nằm chung trên một bộ ván rộng bằng gỗ lim. Gió từ biển thổi vào cửa sổ khiến cho cái mùng cứ bị thụng vào phía trong, có khi chân mùng hổng lên khỏi chiếu. Chúng tôi phải lấy sách chằn lại. Dù sao, gió mát cũng dễ chịu. Trước khi ngủ, tôi vẫn còn nghe được tiếng sóng biển đập mạnh lên bờ. Hùng tráng, kiêu sa, bất tận. Chưa có đêm không ngủ nào lại thú vị đối với tôi như đêm nay.

Sáng hôm sau, quý thầy đã bắt tay vào việc xây móng cho ngôi tháp. Tôi là một bệnh nhân “con nít”trong mắt quý thầy nên được ở không. Tôi dạo ra phía tam cấp, ngồi trên hàng lan can xây bằng đá, nhìn về hướng biển. Nơi đây quả là lý tưởng để ngồi ngắm trời, ngắm biển. Gió từ hướng khơi lùa vào không ngừng. Tôi có thể nếm được vị mặn và thấy được màu xanh của đại dương qua những làn gió lồng lộng ấy. Địa thế chùa Linh Ứng trên ngọn núi nhỏ này quả là đặc biệt so với các chùa khác mà tôi biết. Khoảng cách giữa chân núi và mặt biển chẳng bao xa. Ngồi ở đầu núi mà tôi còn có thể thấy được những con còng vội vã dấu mình dưới cát hoặc chạy lơn tơn tìm thức ăn mỗi khi sóng rút khỏi bờ. Sương mai hình như vẫn chưa tan hết trên mặt biển rộng. Có lẽ vì mặt trời dù đã lên cao nhưng bị các đám mây dày cộm che khuất đi.

Tôi ngồi chơi một mình như thế khá lâu. Bỗng thầy có hai người tiến đến gần, lên tiếng chào:

“Chào anh.”

Tôi quay lại nhìn. Một anh bộ đội mặc quân phục, và một thiếu nữ mặc đồ bà ba. Tôi chỉ thấy thoáng như vậy chứ không nhìn rõ mặt mũi và tuổi tác họ thế nào. Tôi bỡ ngỡ đáp lại:

“Chào anh chị.”

Tưởng vậy là xong, chuyện ai nấy làm, đường ai nấy đi. Nhưng không phải. Họ muốn bắt chuyện làm quen với tôi.

Họ xì xầm nói nhỏ với nhau điều gì đó rồi anh bộ đội hướng về tôi, hỏi tiếp:

“Anh đi tu ở chùa này, phải không ạ?”

“Không. Tôi là khách. Tôi ở Nha Trang,” tôi miễn cưỡng trả lời.

“Tôi ngạc nhiên là sao tuổi trẻ như anh lại đi tu nhỉ!”

Tôi nhìn về hướng biển. Cảm thấy câu hỏi của anh bộ đội không dính nhập gì đến vẻ thanh cao, lộng lẫy của một ngày mới đang ảnh hiện trên mặt nước xanh thẫm bao la trước mắt. Chuyện đi tu có gì lạ mà phải thắc mắc kìa! Sáu năm xuất gia rồi, chưa có ai gặng hỏi tôi câu đó với vẻ vừa thương hại, vừa mỉa mai như anh bộ đội này. Không, hình như có một lần. Lần ấy, người ta không gặng hỏi nhưng trêu ghẹo với ý mỉa mai như thế. Chuyện đó xảy ra vào một buổi sáng sau ngày bộ đội cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng. Lúc đó, tôi và mấy chú tiểu cùng quê Nha Trang phải đi bộ từ Đà Nẵng về Hội An. Trên đường phố, một đoàn công-voachở bộ đội cộng sản chạy qua, bị nghẽn lối đâu đó phía trước nên phải chậm lại. Các anh bộ đội trên xe nhìn chúng tôi, chỉ chỏ rồi la lối đủ điều:

“Ê, ăn mặc gì mà luộm thuộm thế!”

“Thầy tu miền Nam đấy, các đồng chí không biết à!”

“Sao lại đi tu hở mấy bác, thất tình hay mồ côi mồ cút đây?”

Chúng tôi im lặng bước đi, nhưng chú Cửu kéo tay tôi, sợ hãi:

“Coi chừng, họ bắn mình kìa!”

Tôi quay đầu nhìn lên phía mấy anh bộ đội, thấy một anh cầm súng hùng hổ như định bắn chúng tôi. Không biết anh hăm dọa đùa hay thật mà những anh bộ đứng kế bên chận lại, níu tay níu chân, ngăn cản dữ lắm. Bọn tiểu chúng tôi không làm gì sai trái nên chẳng sợ ai bắn mình. Nhưng trong lòng cũng không khỏi buồn đôi chút vì bị nhìn như những đối tượng “phải bắn bỏ”. Có lẽ trong mắt người cộng sản, tu sĩ chúng tôi là những kẻ vô dụng, trốn chạy nghĩa vụ công dân…

Bây giờ, anh bộ đội và thiếu nữ kia cũng nêu câu hỏi tương tự. Tuy lời lẽ và cách hỏi lịch sự hơn, nhưng ý nghĩa vẫn là thế. Họ không chấp nhận được sự kiện xuất gia của những người trẻ tuổi. Tuổi trẻ đối với họ, là phải xăn tay đóng góp cho đất nước những công tác “cụ thể, thực tiễn”. Những cái cụ thể và thực tiễn ấy không thể được tìm thấy trong lời kinh tiếng kệ, trong lời cầu nguyện, hay trong sự quán tưởng, định tâm, sám hối, tu sửa thân tâm, hoàn thiện nhân cách, dẹp trừ bản ngã… Ít nhất, những điều cụ thể phải được người khác nhìn thấy, sờ mó, hoặc có thể nhai nuốt, hay nhét được vào túi áo, túi quần…

Tôi im lặng không đối đáp gì với anh bộ đội. Một phần vì câu nói của anh không hẳn là một câu hỏi yêu cầu trả lời; phần khác, tôi thấy tôi không có bổn phận phải giải thích chuyện xuất gia của mình cho những người lạ, những người luôn nghĩ rằng mình cao thượng, đúng hết, biết hết…

Tôi nhìn ra biển khơi. Nước bây giờ đã mất màu xanh thẫm, đang chóa lên ánh nắng ban mai như một tấm lụa hoàng kim rực rỡ. Có con hải âu từ cao đâm mình xuống nước bắt mồi rồi bay vút lên không, liệng một vòng trước khi bay vào bãi, đáp xuống mô cát vắng. Bãi biển Non Nước không phải là bãi biển có nhiều người tắm và dạo chơi như bãi biển Nha Trang. Dọc suốt chiều dài của bãi chỉ là cát và cát. Xa xa mới có vài người đang kéo lưới. Một chiếc thuyền chài nhỏ tấp vào gần đó. Biển buổi sớm đầy nắng mà lại vắng người như vậy.

Thiếu nữ kia thúc đẩy gì đó khiển anh bộ đội lại lên tiếng:

“Anh trẻ thế mà đi tu, ắt là có vấn đề gì với cuộc đời đấy nhỉ!”

Tôi quay lại nhìn họ một thoáng, đáp họ bằng một nụ cười. Rồi tôi cáo từ họ bằng một tay đưa lên, tỏ ý không muốn nói chuyện vừa là để xin lỗi. Tôi rời chỗ, rảo bước vào trong chùa. Không phải là tôi có thành kiến gì với họ. Tôi chỉ cảm thấy rằng khoảng cách giữa họ và tôi không thể nào làm cho xích gần lại với nhau được bằng vài câu trao đổi. Và, vài câu trao đổi như thế phỏng có ích gì cho đôi bên! Chỉ đưa đến ngộ nhân, hiểu lầm thêm thì có. Thôi thì im lặng, cười. Ai hiểu sao cũng được. Tôi nghĩ lúc đó tôi có cố gắng giải thích gì thì cũng chỉ đưa đến tranh luận, mà tôi vốn là loại người không bao giờ ham thích chuyện tranh luận cả.

Vào trong sân chùa, tôi đi vòng ra phía hông chánh điện để xem quý thầy lo việc xây tháp. Thầy Thông Chánh bảo tôi vào trong nghỉ ngơi cho khỏe. Tôi quay trở vào sân chùa thì anh bộ đội và thiếu nữ khi nãy cũng vào đến. Họ đứng ở sân như chờ đợi tôi. Tôi vào ngồi ở dãy trai đường (nhà ăn) phía sau chánh điện. Anh bộ đội và thiếu nữ cũng theo tới, tự động ngồi vào hàng ghế đối diện chỗ tôi. Cái chuyện tự động ngồi chẳng ai mời này tôi mới chứng kiến lần đầu tiên. Anh bộ đội lại tiếp tục hỏi tôi với vẻ mặt đầy mỉa mai, khiêu khích, trong khi thiếu nữ kia thì cứ nhoẻn miệng cười như muốn tán trợ một cuộc tranh biện kỳ thú mà cô nghĩ rằng người yêu bộ đội của cô với biện chứng duy vật, với chủ thuyết Mác–Lê vô địch và bao bài học chính trị thuộc lòng không thiếu một chữ, hẳn là sẽ nắm phần thắng.

“Thôi thì anh không muốn trả lời chuyện riêng tư của anh. Nhưng anh có thể cho tôi biết rằng có phải anh tin có ông Phật thực sự nằm ở trong bức tranh kia chăng?” vừa nói, anh bộ đội vừa trỏ vào bức tranh Phật nơi bàn thờ nhỏ ở giữa trai đường.

Tôi chỉ thấy buồn cười, muốn đứng dậy bỏ đi, vào trong mà nằm nghỉ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu từ chối nói chuyện thì hóa ra sẽ không có cơ hội nào để giải thích cho họ hiểu, làm giảm đi thành kiến của họ đối với các tu sĩ Phật giáo; cho nên tôi có ý định mở miệng trả lời. Vừa lúc đó, thầy Thông Chánh bước vào, cắt ngang ngay:

“Gì vậy chú Khang? Sao không vào nghỉ ngơi mà còn ngồi đây?”

Anh bộ đội khẽ gật đầu chào thầy Thông Chánh rồi với vẻ tự mãn có thừa, anh chuyển đối tượng, tấn công thầy Thông Chánh ngay:

“A, tôi có thắc mắc muốn hỏi anh nầy rằng có phải các anh tin tưởng một ông Phật nằm ở trong bức tranh kia không. Hẳn là phải tin, đúng không? Vì tin nên mới thiết lập bàn thờ như thế.”

Thầy Thông Chánh mỉm cười nói, giọng rất vui vẻ:

“Vậy chứ quý vị có tin có ông Hồ Chí Minh trong bức ảnh mà quý vị thường lộng kiếng treo trong nhà hay trong các cơ quan nhà nước không nhỉ?”

“Ô, ảnh Bác Hồ đấy à. Chuyện khác nhau chứ. Treo ảnh Bác là để tưởng nhớ công ơn, sự nghiệp của Bác chứ không phải là chúng tôi tin có Bác ngự ở trong ảnh ấy.”

“Chúng tôi cũng vậy. Thờ Phật là để tưởng niệm công ơn của Phật, và để hàng ngày nhìn thấy mà tự nhắc nhở mình noi gương tốt của Phật, chứ không phải là mê tín có một đức Phật ngồi trong ảnh. Cũng là một hình thức của sự tưởng nhớ thôi, thưa quý vị.”

“Nếu cũng là sự tưởng nhớ thôi thì sao chúng ta lại không treo ảnh Bác Hồ nhỉ? Bác Hồ yêu nước, đóng góp rất nhiều cho đất nước, nêu gương tốt cho nhân dân mọi tầng lớp, thế thì tại sao chúng ta không tôn thờ Bác Hồ Việt Nam của chúng ta lại đi thờ ông Phật của một nước khác. Bác Hồ cũng giống ông Phật chứ có khác gì đâu mà phải cất công rước ông Phật từ ngoại bang đem về để thờ!”

“Tại quý vị mới đọc được sách của “Bác”và sách do nhà nước in thôi, chứ chưa đọc được sách nào khác nên không thấy được sự sai khác giữa một nhà cách mạng dân tộc với một giáo chủ sáng lập một tôn giáo của nhân loại. Nếu quý vị có cơ hội đọc nhiều sách của các nước, các dân tộc, các tôn giáo, các chủ thuyết, triết học khác… hẳn là quý vị sẽ còn muốn tưởng nhớ và tôn thờ nhiều vị khác nữa chỉ không phải chỉ riêng ông Hồ Việt Nam của quý vị đâu. Trên thế giới còn có biết bao nhiêu người vĩ đại, đáng tôn quí. Những bậc vĩ nhân, hiền triết đó là của nhân loại chứ không phải của riêng nước nào. Nếu ông Hồ Chí Minh của quý vị xứng đáng cho các nước khác tôn thờ, chắc quý vị cũng hãnh diện, cũng mừng, chứ đâu muốn ngăn cản người ta tôn thờ, phải không? Như vậy, Phật dù là người Ấn Độ, nhưng quá siêu tuyệt thì nhân dân các nước làm sao khỏi tôn sùng, ngưỡng mộ. Mà trên thực tế, ông Hồ Chí Minh trong mắt quý vị là một người có công với đất nước, nên quý vị nhớ ơn và cho rằng đất nước này phải nhớ ơn; nhưng có dân nào, nước nào khác biết đến Hồ Chí Minh là ai đâu. Trong khi đó, Phật là một người Ấn Độ nhưng cả thế giới đều biết, và trải qua hai mươi lăm thế kỷ rồi, và sẽ còn nhiều thiên niên kỷ nữa, nhiều người trong nhiều nước vẫn còn xưng tụng, tôn thờ Phật. Đó là chỗ khác nhau, quý vị phải thấy chứ. Ở những đất nước không có chiến tranh, người ta đâu có tôn thờ chiến sĩ cách mạng. Nhân dân Việt Nam chúng ta vì phải bị chìm ngập trong chiến tranh liên tục cả ngàn năm nên chỉ biết tôn thờ và hãnh diện với những chiến công, những chiến sĩ anh dũng, những con số thương vong tử nạn của phe địch… Thực ra, chiến sĩ cách mạng thường chỉ có mỗi một đức tính anh hùng để được ca tụng thôi. Mà tính anh hùng, chỉ là một hạt cát trong sa mạc đức hạnh của một vị Phật, một con người đã hoàn toàn giác ngộ, không còn say đắm bất cứ thứ dục lạc nào của thế gian. Đó là chưa kể đến tính anh hùng cũng có rất nhiều mức độ, nhiều loại khác nhau, tùy theo trường hợp và quan niệm riêng của mỗi dân tộc, mỗi thời đại, chứ không phải cứ xông ra trận địa thì mới là anh hùng. Chẳng hạn, đức Phật của chúng tôi có nói: “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng. Tự thắng mới là chiến công oanh liệt nhất.”Bao nhiêu đó cũng đủ thấy khác xa lắm rồi. Cho nên, nói ông Hồ Chí Minh y hệt Phật thì chẳng khác gì đem đom đóm mà so với mặt trời. Đom đóm cũng phát ánh sáng, mặt trời cũng phát ánh sáng, nhưng khác nhau đấy chứ!”

Anh bộ đội tím cả mặt mày. Ngồi cười gượng gạo một lúc, chẳng biết nói gì thêm. Thấy không khí có vẻ căng thẳng, thầy Thông Chánh cười nói:

“Quý vị đã viếng cảnh chưa? Ở đây có nhiều hang động thiên nhiên đẹp lắm. Cứ dạo chơi, khi nào khát nước thì ghé vào đây, chúng tôi có nước mưa, uống mát và ngọt lắm.”

Anh bộ đội gật gù rồi đứng dậy, kéo thiếu nữ kia đi. Tôi nhìn theo thấy anh đi lảo đảo nhưng người bị thương. Cũng may là thầy Thông Chánh nói chuyện với họ bằng giọng nói và điệu bộ vui vẻ, cởi mở, nên đã không có gì đáng tiếc xảy ra. Tính về tuổi tác thì thầy Thông Chánh và anh bộ đội kia có lẽ là xấp xỉ nhau. Đâu chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi là cao. Nhưng giữa hai chàng thanh niên Việt Nam đó, quả là có một khoảng cách ghê gớm ở nhân sinh quan, ở lý tưởng và sứ mệnh riêng của mỗi người. Họ sinh cùng thế hệ mà còn vậy, nói chi giữa thế hệ của họ đối với thế hệ của tôi, hay giữa một người bộ đội miền Bắc đối với bản thân tôi–một chú tiểu mới lớn, làm người dân thuần túy chưa tham gia trực tiếp vào cuộc chơi chiến tranh ý thức hệ của hai miền Nam Bắc.

Nếu không có thầy Thông Chánh đến nói chuyện với họ, tôi không biết lối giải thích của tôi sẽ dẫn cuộc nói chuyện đến đâu. Dù rằng những câu hỏi ấu trĩ chứng tỏ trình độ nông cạn của anh bộ đội kia chẳng có gì hóc búa, đòi hỏi trình độ lý luận cao, nhưng tôi vốn không phải là người có khoa ăn nói, có thể tôi sẽ khiến cho câu chuyện dây dưa, kéo dài. Những gì tôi có thể nói được, thường là để làm vui lòng kẻ khác, giải thích thỏa đáng cho kẻ khác hơn là để đánh bại họ. Nói theo cách đó cần phải có thời gian. Tôi thầm cám ơn thầy Thông Chánh đã kết thúc được cuộc nói chuyện ấy một cách ngắn gọn. Nhưng chỉ một lúc sau đó, tôi bỗng dưng cảm thấy thương cảm cho anh bộ đội ấy. Không ai trên đời đáng thương cho bằng một kẻ vô minh mà lúc nào cũng tưởng mình sáng suốt. Tôi buột miệng thốt lên:

“Cũng tội nghiệp cho họ.”

Thầy Thông Chánh nối lời tôi:

“Ừ, tội nghiệp. Họ sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy nên họ phải trở thành những người như vậy. Họ không được may mắn như mình mà họ tưởng họ may mắn hơn. Họ chỉ biết một chuyện mà họ nghĩ họ biết hết…”

Ô

Tôi vẫn thường có thói quen từ nhỏ đến giờ là hay buồn vào lúc ngủ trưa mới thức dậy; nhất là những lúc thức dậy mà rảnh rỗi không có việc gì để làm. Chẳng hiểu vì sao. Tôi chưa tìm được giải đáp cho cái thói quen ấy. Chỉ cảm thấy buồn lặng trong lòng mỗi trưa thức dậy thấy nắng vàng hanh ngoài ngõ, hay nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Bất cứ tiếng động nào, cảnh vật nào, cũng đều gợi lên nỗi buồn mênh mang trong tôi vào cái giấc ngủ trưa mới thức dậy ấy. Giống như người bị bỏ lại sân ga vì đi trễ một chuyến tàu, mà chuyến tàu ấy là chuyến tàu quan trọng đưa hắn đến một nơi nào đó rất vui thú, để gặp một người nào đó rất thân thương. Không, chắc không phải chỉ có vậy. Nỗi buồn còn to lớn hơn. Hình như đó là cảm giác lo âu và thất vọng vì đã không làm được gì ý nghĩa, không làm được gì đáng làm, khi thời gian chảy trôi từng giây từng phút ở bên ngoài. Và hình như đó cũng là nỗi buồn nhớ da diết của một kẻ mồ côi lang bạt kỳ hồ từ thưở nhỏ, chẳng biết quê hương, chòm xóm của mình thực sự ở đâu, chẳng tưởng được mặt mũi cha mẹ và người thân như thế nào, chỉ thấy nhớ, nhớ, và nhớ…

Buổi trưa thức dậy ở ngôi chùa trên núi. Tôi nằm im một lúc thật lâu trên bộ ván gỗ sục tìm cái gì đã mất, đã quên… khiến cho tâm hồn phải quặn lên từng hồi như vậy. Tôi không tìm thấy gì cả. Chỉ nghe thật rõ tiếng ồn ào của nhiều người ngoài sân chùa. Tiếng cười nói càng rộn ràng bao nhiêu, lòng tôi càng chùng xuống bấy nhiêu. Tôi bước ra xem, thấy một tốp rất đông các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử đến sinh hoạt ngoài trời. Các em thanh thiếu niên nam nữ đang vây quanh một anh huynh trưởng ở giữa vòng. Anh thổi còi bày nhiều trò chơi rất sôi nổi, thú vị. Tôi đứng nhìn một lúc thì bao nỗi buồn khi nãy tan biến. Tôi vui lây theo nụ cười của những người trẻ tuổi thế tục. Thế giới tươi vui ấy tôi đã không có được từ lúc vào chùa xuất gia. Lâu nay tôi không thèm để ý đến, cho đó là những trò chơi trẻ nít, vô nghĩa đối với con đường xuất gia. Bây giờ, đã trưởng thành hơn một chút, tự dưng tôi lại thấy có chút nuối tiếc ân hận nào đó. Tôi không ân hận chuyện xuất gia, nhưng lại tiếc đã không được vui chơi trọn vẹn với tuổi xanh của mình. Tôi tự hỏi: “Tại sao hồi nhỏ mình không xin ba mẹ cho vào Gia Đình Phật Tử kìa? Tại sao mình phải đi tu từ lúc nhỏ, sao không chờ lớn lên rồi hãy đi tu, chẳng hạn đi tu lúc mười bảy tuổi như bây giờ?”

“Sao, thức dậy rồi hả? Ngủ ngon không?” thầy Thông Chánh từ phía hông chùa bước vào hỏi.

Tôi giật mình quay lại, lúng búng nói:

“Dạ, ngủ cũng được một giấc thi nghe ồn…”

Nhìn vẻ mặt của tôi lúc đó, có lẽ thầy Thông Chánh đã đoán được phần nào tâm sự của tôi. Thầy nói:

“Họ chơi vui quá hả?”

“Dạ, thấy vui.”

“Hồi nhỏ chú Khang có vào Gia Đình Phật Tử không?”

“Dạ không.”

“Cho nên bây giờ thấy tiếc phải không?”

“Đâu có, đâu có tiếc.”

Chúng tôi im lặng quan sát những trò chơi. Có khoảng hơn ba chục thanh thiếu niên nam nữ tuổi từ bảy, tám đến hai mươi. Huynh trưởng cao tuổi nhất đâu chừng hai mươi bảy, hai mươi tám, ngang với thầy Thông Chánh. Anh ấy điều khiển trò chơi thật linh động, hào hứng. Tôi đang mê say quan sát thì thầy Thông Chánh tiếp, giọng thầy có vẻ nửa đùa nửa thật:

“Ở những tiệc vui của cuộc đời, chúng ta chỉ thấy những nụ cười, chỉ thấy vẻ thanh lịch đẹp đẽ nhất mà những người dự tiệc mang đến. Chúng ta không thấy được cuộc sống riêng lẻ của từng người ở ngoài bữa tiệc ấy. Khi những người này rời sinh hoạt Gia Đình Phật Tử trở về nhà, họ cũng có những nỗi khổ, hoặc những gì rất buồn tẻ, rất chán, chờ đón họ… À, chú thấy anh huynh trưởng đứng giữa vòng không? Nhìn mặt có thấy quen không? Nhớ lại thử xem? Không nhớ à. Kìa, nhìn bức tranh treo nơi cột.”

Tôi nhìn về hướng thầy Thông Chánh trỏ, thấy bức hình trắng đen, lộng kiếng mà hôm qua, tôi đã được xem, được giải thích rồi. Trong hình là một tu sĩ Phật giáo đang ngồi xếp bằng giữa đường lộ, đem thân mình để ngăn chặn mấy chiếc xe tăng đang chạy tới. Thầy Thông Chánh nói bức tranh đó do một ký giả ngoại quốc chụp, đăng trên báo Time của Mỹ. Chuyện xảy ra năm một chín sáu sáu, khi ông Nguyễn Cao Kỳ ra lệnh quân đội tấn công, bắn vào một số chùa chiền ở Đà Nẵng. Vị tu sĩ ngồi thiền cản đường xe tăng ấy, pháp danh là Chánh Trí, chính là anh huynh trưởng đang hướng dẫn Gia Đình Phật Tử ngoài sân kia. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa bùi ngùi nhìn vị huynh trưởng ấy. Thầy Thông Chánh nói tiếp:

“Anh ấy hoàn tục trước năm 1975. Lăn lộn với đời để tìm những ý nghĩa, những mục tiêu khám phá khác mà anh cho là đẹp hơn, thiết thực hơn những gì anh đã làm trong chùa. Nhưng cuối cùng anh cũng chán chường, thất vọng, biết việc hoàn tục của mình là sai lầm, muốn quay trở về với chùa mà vì hoàn cảnh gia đình níu kéo, không thực hiện được. Đành vào Gia Đình Phật Tử làm người anh cả hướng dẫn các thế hệ sau học đạo. Đời anh ấy từ lúc hoàn tục, phải trải nhiều hệ lụy đau khổ lắm. Bây giờ gắng gượng tìm vui trong việc hướng dẫn đàn em sinh hoạt…”

Tôi nghe chuyện đó bỗng đổ mồ hôi khắp người. Phải, thầy Thông Chánh nói phải. Thế gian giống như một tiệc vui mà ai cũng muồn tham dự. Nhưng không có tiệc vui nào kéo dài.

Dù thầy Thông Chánh không cho, tôi cũng đòi theo thầy xuống núi vác đá lên chùa để xây tháp. Tôi chưa hoàn toàn lại sức nên chỉ vác được vài ba tảng đá nhỏ mỗi tảng nặng chừng mười kí-lô cũng đã mệt lử. Cũng có thể vì dốc núi cao quá, đi lên đi xuống với hai tay không cũng thấy mệt, nói chi vác đá trên vai.

Buổi tối vào mùng, tôi không còn nghe được tiếng sóng biển ì ầm đập vào bãi. Tôi mệt và ngủ rất sớm. Trong mộng, tôi thấy có nhiều thiếu nữ rượt đuổi tôi trên bãi biển dậy sóng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com