Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Giáo khởi nhân duyên

17/11/201115:54(Xem: 12283)
I. Giáo khởi nhân duyên

 

A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI

Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch

I. GIÁO KHỞI NHÂN DUYÊN(nhân duyên phát khởi giáo pháp)

Kinh Pháp Hoa dạy: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong thế gian... Muốn cho chúng sanh khai Phật tri kiến, khiến cho họ được thanh tịnh nên xuất hiện trong đời. Vì muốn chỉ bày cho chúng sanh tri kiến của Phật nên xuất hiện trong đời. Vìmuốn cho chúng sanh ngộ được tri kiến của Phật nên xuất hiện trong đời. Vì muốn cho chúng sanh chứng nhập đạo tri kiến của Phật nên xuất hiện trong đời”.

Vì nhân duyên nào mà không ai hỏi, Đức Phật lại tự giảng ra bản kinh này? Nhân duyên Phật giảng kinh này gồm hai loại: Tổng và Biệt.

1. Tổng nhân duyên:

Tổng nhân duyên chẳng ngoài việc chỉ thẳng chúng sanh dùng tâm niệm Phật để nhập tri kiến Phật. Tri kiến Phật chính là chân tâm của chúng sanh; nhưng từ vô thỉ đến nay, chúng sanh do vì mê chân, chạy theo ngụy, chẳng nhận thức được bản thể thanh tịnh của tâm mình, nên tạo tác các nghiệp, trôi lăn mãi trong vòng luân hồi. Nay đức Thế Tôn dạy chúng sanh nhất tâm niệm Phật, tịnh niệm liên tục, tâm miệng xứng hợp với nhau thì sẽ thể hội “tâm này chính là Phật, Phật cũng chính là tâm này”, tâm và Phật chẳng hai. Đó chính là ý nghĩa chân thật của câu “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Niệm Phật đến mức “tâm, Phật chẳng hai” chính là “nhập Phật tri kiến’ vậy.

2. Biệt nhân duyên:

Gồm có mười loại:

a. Lòng từ bi nghĩ thương xót chúng sanh đời Mạt Pháp của đức Thế Tôn:

Cõi Sa Bà vốn sẵn đau khổ, nhưng đời Mạt Pháp, ngũ trược hỗn loạn, sự đau khổ ấy càng trầm trọng hơn nữa. Vì lòng thương xót chúng sanh đời Mạt Pháp, đức Thế Tôn đặc biệt nói ra pháp này để rộng cứu tế, ngõ hầu chúng sanh dẫu chẳng được gặp Phật, mà nếu gặp được pháp môn này, thâm tín tu hành, phát nguyện vãng sanh, niệm Phật chắc thật thì vẫn có thể vượt thoát tam giới, vãng sanh Cực Lạc.

b. Khai thị pháp môn phương tiện thù thắng:

Vì chúng sanh căn cơ vô lượng nên Đức Phật cũng phải thuyết ra vô lượng pháp môn; nhưng pháp môn Niệm Phật là phương tiện thù thắng nhất vì:

* Dù chẳng gặp Phật tại thế, vẫn thường được thấy Phật. Bởi lẽ, chúng sanh thâm tín pháp môn này, chuyên tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sanh liền được vãng sanh, thân cận A Di Đà Phật.

* Chẳng cần đoạn hoặc nghiệp vẫn thoát khỏi luân hồi: nhờ sức từ bi gia hộ của Phật A Di Đà, người chân thành niệm Phật sẽ được đới nghiệp vãng sanh (do lúc vãng sanh, hoặc nghiệp vẫn còn, chưa đoạn trừ hết nên gọi là “đới nghiệp”).
* Chẳng cần tu đủ các môn Ba La Mật khác, vì: Nhất tâm niệm Phật, bỏ hết muôn duyên, đó là Bố Thí Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, các ác đều dứt, đó là Trì Giới Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, tâm tự nhu hòa, chính là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, vĩnh viễn chẳng thoái đọa, đó chính là Tinh Tấn Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, chẳng nghĩ đến điều gì khác, đấy chính là Thiền Định Ba La Mật. Nhất tâm niệm Phật, chánh niệm phân minh, chính là Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy, nhất tâm niệm Phật là đầy đủ cả sáu Ba La Mật, nên không cần phải tu trọn lục độ, vạn hạnh.

* Chẳng cần phải tu nhiều kiếp mà được giải thoát nhanh chóng: hễ nhất tâm niệm Phật cho đến mức nhất tâm bất loạn thì nhờ vào sức tiếp dẫn của đấng Từ Phụ, sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, không còn vướng mắc trong vòng sanh tử nữa.

Trí Độ Luận chép: “Có các Bồ Tát tự nghĩ mình vì báng bổ Đại Bát Nhã sẽ bị đọa vào ác đạo trong vô lượng kiếp, dẫu tu các hạnh khác vẫn chẳng diệt tội nổi. Sau gặp được bậc thiện tri thức dạy niệm Phật A Di Đà, liền diệt được chướng nạn, siêu sanh Tịnh Độ”.

c. Phô bày chốn khổ, cõi vui khiến cho chúng sanh sanh tâm chán, ưa:

Cõi Sa Bà này “thế gian vô thường, quốc độ mong manh, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã”(kinh Bát Đại Nhân Giác); ba khổ, tám khổ dẫy đầy, vô lượng họa hại. Dù kẻ phước đức tận hưởng vinh hoa phú quý, sự sự như ý, vẫn khó giữ mãi vẻ thanh xuân, tử thần đón sẵn. Tổ Thiện Đạo từng răn:

Dẫu ai khoái lạc ngàn muôn,

Rốt cục vô thường vẫn đến,

Và:

Vạn lượng gia tài đành bỏ mặc,

Thõng đôi tay trắng nhập u minh.

Cõi Sa Bà khổ sở thế đó, nhưng chúng sanh vẫn ngu si, tham luyến, chẳng biết là khổ, chẳng cầu xuất ly, nên đức Thế Tôn phải đặc biệt nói pháp môn Tịnh Độ, tán dương y báo, chánh báo thù thắng của cõi Cực Lạc để chúng sanh nhàm lìa Sa Bà, ham thích Cực Lạc, phát nguyện vãng sanh, khẩn thiết niệm Phật.

d. Hóa đạo hàng Nhị Thừa khiến họ được vãng sanh Tịnh Độ:

Hàng Nhị Thừa xem tam giới như lao ngục, coi sanh tử như oan gia, nhưng một khi đã liễu sanh thoát tử, chứng đắc Ngã Không, bèn sanh lòng đắm trước nơi quả vị, chẳng thể tiến hướng Bồ Đề. Vì thế, đức Thế Tôn phải nói ra pháp này để hóa đạo hàng định tánh Thanh Văn, khiến cho họ khi được nghe mười phương chư Phật dị khẩu đồng âm tán dương A Di Đà Phật, sẽ bỏ tâm đoạn diệt, tu hạnh Tịnh Độ, thành tựu Phật quả.

e. Khích lệ hàng sơ tâm thân cận Phật A Di Đà:

Hàng sơ tâm Bồ Đề tuy đã phát đại tâm nhưng tâm chưa kiên định, hễ gặp phải nghịch cảnh hoặc bạn ác sẽ khó tránh khỏi thoái thất tâm Bồ Đề. Hơn nữa, sanh tử chưa đoạn, hoặc nghiệp chưa trừ, khó tránh khỏi nghiệp lực lôi kéo, lại bị đắm chìm trong ngũ dục, trôi lăn trong sanh tử. Vì thế, Đức Phật dạy họ phải thân cận Phật A Di Đà. Bởi lẽ, được vãng sanh sẽ chứng ngộ Vô Sanh Nhẫn. Có chứng ngộ Vô Sanh Nhẫn thì mới có thể trở vào Sa Bà giáo hóa chúng sanh, viên mãn nguyện Bồ Đề. Bởi thế, Long Thọ Bồ Tát dù đã chứng Sơ Địa vẫn nguyện vãng sanh; thậm chí Phổ Hiền Bồ Tát, dẫu dùng mười đại nguyện vương giáo hóa chúng sanh, chung cục vẫn khuyên phát nguyện vãng sanh Cực Lạc.

f. Khiến cho mọi căn cơ dù độn hay lợi đều được độ thoát cả:

Pháp môn này độ trọn ba căn, gồm thâu lợi, độn, đúng như Ngài Sư Tử Phong tán dương:

Dù gái hay trai tu được cả,

Trí ngu thì cũng có phần đây!

g. Hộ trì khiến cho chúng sanh chẳng bị thoái đọa:

Chúng sanh đời mạt phước mỏng, chướng dày, huệ cạn, nghiệp sâu, tu hành vướng phải ma chướng trùng trùng, chánh kiến yếu ớt nên bị hãm vào lưới ma, bị ác nghiệp lôi kéo, khó bề khỏi đọa tam đồ. Nhờ trì danh niệm Phật, hành nhân liền được thấm đẫm từ ân nơi biển đại thệ của đức Di Đà, được đức Từ Tôn gia bị, được mười phương chư Phật cùng hộ niệm, viễn ly ma chướng, chóng sanh Tịnh Độ, vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ, bát nạn (1).

h. Do hữu niệm chứng nhập vô niệm:

Chân Như tự tánh ai nấy sẵn có, vốn dĩ vô niệm. Tiếc là từ vô thỉ đến nay, do một niệm vọng động khiến cho bao tạp niệm trùng trùng, tạo tác mãi bao ác nghiệp, chết đây sanh kia, không lúc nào ngơi.

Như sóng và nước vốn cùng một thể, chân cùng vọng danh khác thể đồng. Bởi đó, chân tâm lẫn vọng tâm chẳng ngoài một niệm hiện tiền của chúng ta. Nay pháp môn Niệm Phật đây dùng tịnh niệm trừ khử vọng niệm, dùng tế niệm thay thế thô niệm, dùng thiện niệm dứt ác niệm, dùng nhất niệm đối trị vạn niệm, tức là “dùng độc trị độc, dùng quân dẹp quân, dùng niệm dứt niệm”.Khi độc đã hết, giặc đã bình, thuốc lẫn quân còn dùng chi nữa! Bởi thế, khi đã niệm đến mức nhất tâm bất loạn, thì sẽ niệm mà vô niệm; đấy chính là chân niệm. Chân niệm ấy chính là chân như tự tánh, ta và Phật không còn phân biệt nữa!

i. Dùng vãng sanh để ngộ nhập vô sanh:

Về lý, tuy chúng sanh và Phật đồng một thể tánh, nhưng xét trên sự, thánh phàm cách biệt muôn trùng.

Xét ra: Khi sanh thì duyên sanh, nhưng pháp tánh chẳng hề sanh cùng với duyên. Khi diệt thì duyên diệt nhưng pháp tánh cũng chẳng bị diệt theo duyên.

Vì thế, nếu còn mê thì dù có nói là vô sanh nhưng vẫn sanh. Nếu luận theo pháp tánh thì dù có sanh nhưng vẫn là vô sanh. Vì mê muội, chúng sanh lầm thấy có sanh diệt. Do đã ngộ, chư Phật chỉ thấy vô sanh.

Đức Phật thương xót chúng sanh cõi này, nhận vọng là chân, mê tánh chạy theo cảnh, nên từ bi nói ra pháp môn Niệm Phật, khích lệ đại chúng vãng sanh. Nếu hành nhân niệm đến khi mọi vọng duyên đều tan sạch, tâm chỉ còn một khối, sẽ thể hội tâm ta chính là Phật A Di Đà, A Di Đà Phật chính là tâm ta; nào còn thấy sanh hay vô sanh nữa!

j. Chỉ rõ con đường tắt trọng yếu trong đường tu hành:

Trong các pháp tu hành, pháp môn Niệm Phật giản tiện, trực tiếp nhất; nhưng trong các pháp Niệm Phật, pháp Trì Danh lại càng trọng yếu, giản tiện hơn cả, nên được tôn xưng là “tiệp kính chi kính” (con đường tắt nhất trong các con đường tắt). Kinh đây giảng rõ: Chấp trì thánh hiệu chính là nhiều phước đức, nhiều thiện căn, liền được đới nghiệp vãng sanh. Được vãng sanh liền chứng ngay ba bậc Bất Thoái. So trong ba kinh Tịnh Độ, kinh này chú trọng cách thức tu tập giản yếu, hiệu quả nhất.

Do những nhân duyên tổng và biệt nói trên, đức Thích Tôn đã giảng ra bộ kinh vi diệu hy hữu này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com