QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN HẠ
43. Lâm chung chánh niệm được vãng sanh
Ông Tri Qui tử thưa hỏi hoà thượng Thiện Đạo rằng: “Việc lớn ở thế gian không gì hơn chuyện sống chết. Một hơi thở ra không trở vào đã chuyển sang đời khác; một niệm tưởng sai lầm liền đọa ngay trong chốn luân hồi. Con từng được Thầy chỉ dạy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, việc ấy đã sáng rõ. Chỉ sợ đến khi lâm bệnh, cái chết gần kề, tâm thức tán loạn, lại bị người khác làm cho rối loạn chánh niệm, mất đi cái nhân lành thanh tịnh. Vậy cúi xin Thầy chỉ dạy cho một lần nữa pháp môn nhanh chóng thẳng tắt này, để con thoát khỏi nỗi khổ trầm luân.”Hòa thượng Thiện Đạo nói: “Thật khéo hỏi thay! Nói chung tất cả mọi người, khi lâm chung muốn vãng sanh về Tịnh độ thì không nên sợ chết. Nên quán tưởng rằng thân xác này là nơi tụ họp, vấn vít lẫn nhau của nhiều nỗi khổ, của những thứ bất tịnh cùng đủ mọi nghiệp ác. Nếu được buông bỏ xác thân nhơ nhớp này mà siêu sanh Tịnh độ, hưởng vô số những điều khoái lạc, giải thoát khỏi chốn sanh tử khổ não, đó mới điều thỏa lòng hợp ý, cũng như cởi bỏ cái áo xấu mà mặc vào y phục quý giá. Chỉ nên buông xả thân tâm, đừng sinh lòng luyến ái, vướng mắc.
“Mỗi khi có bệnh, nên quán niệm lẽ vô thường, sẵn sàng chờ đợi cái chết. Phải căn dặn kỹ những người nhà, người nuôi bệnh cũng như những kẻ tới lui thăm viếng, rằng mỗi khi gặp mặt chỉ nên vì mình niệm Phật, đừng nhắc đến những chuyện thế sự hỗn tạp, những việc tốt xấu trong nhà... cũng không nên dùng những lời mềm yếu mà an ủi, hay cầu chúc được yên vui. Đó đều là những lời sáo rỗng, chẳng có ích gì.
“Nếu gặp cơn bệnh nặng sắp qua đời, những người thân thuộc không được rơi lệ khóc than, cũng không được nói những lời ai oán, khóc kể buồn thảm, làm cho người sắp chết phải rối loạn tâm thần, để mất chánh niệm. Chỉ nên cùng nhau cất tiếng niệm Phật để giúp thêm cho việc vãng sanh. Đợi khi đã tắt hơi hồi lâu mới được than khóc.
“Nếu chỉ còn một mảy may tâm luyến ái thế gian cũng là chướng ngại, không được giải thoát. Nếu được những người hiểu rõ pháp môn Tịnh độ thường đến khích lệ thì đó là điều may mắn rất lớn.
“Nếu y theo như trên mà làm, chắc chắn sẽ vãng sanh, không còn nghi ngờ gì nữa.”
Lại hỏi rằng: “Có nên mời thầy đến dùng thuốc điều trị chăng?”
Hòa thượng Thiện Đạo đáp: “Việc mời thầy đến dùng thuốc điều trị với việc cầu sanh Tịnh độ hoàn toàn không có gì trở ngại cho nhau. Nhưng dùng thuốc chỉ có thể trị được bệnh, không cứu được mạng. Nếu mạng đã dứt, thuốc có làm gì được? Còn như việc giết hại vật mạng để làm thuốc thì dứt khoát không nên làm.”
Lại hỏi: “Còn như việc cầu khấn, cúng vái thần linh thì thế nào?”
Hòa thượng Thiện Đạo nói: “Mạng người dài ngắn đã định sẵn từ lúc sanh ra, làm sao nhờ quỉ thần kéo dài thêm được? Nếu mê lầm tin theo tà mỵ, giết hại chúng sanh cúng tế quỉ thần, chỉ tăng thêm tội nghiệp, sẽ tác dụng ngược lại làm giảm bớt tuổi thọ. Mạng lớn nếu đã dứt thì đám quỷ nhỏ có làm gì được? Bỗng không sinh lòng sợ sệt thật chẳng có ích gì, cho nên phải hết sức thận trọng. Nên chép lại văn này treo ở nơi dễ thấy để thường xem lại, tránh trường hợp đến lúc khẩn thiết lại quên mất.
Lại hỏi: “Như người cả đời chưa từng niệm Phật, có thể theo pháp này được chăng?”
Hòa thượng Thiện Đạo đáp rằng: “Pháp tu này dù là người xuất gia hay tại gia, nam hay nữ, người chưa từng niệm Phật, nếu làm theo đều được vãng sanh, chắc chắn không phải nghi ngờ.
“Tôi từng thấy nhiều người lúc bình thường niệm Phật, lễ bái, phát nguyện cầu sanh Tây phương, nhưng khi mắc bệnh lại sợ chết, không còn nói gì đến việc giải thoát vãng sanh. Chờ đến lúc người chết thần khí tiêu tan, mạng sống đã dứt, thần thức sa vào cảnh giới tối tăm, bấy giờ mới đánh chuông niệm mười tiếng Phật, khác nào như đợi kẻ cướp đi rồi mới đóng cửa, có ích gì đâu?
“Cửa chết là việc lớn, nên tự mình gắng sức mới được. Chỉ một niệm sai lầm phải chịu khổ trong nhiều kiếp, có ai chịu thay cho mình được? Hãy suy xét kỹ, suy xét kỹ!
“Trong khi còn được bình an vô sự, nên tinh tấn niệm Phật, hết sức thọ trì, đó là lo cho việc lớn lúc lâm chung.
“Đó gọi là:
Một đường lồng lộng đến Tây phương,
Thẳng tắt về nhà không vấn vương.
Gửi ý kiến của bạn