Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. Kinh Thi-ca-la-việt lễ bái sáu phương

23/09/201100:46(Xem: 9111)
33. Kinh Thi-ca-la-việt lễ bái sáu phương

QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ

Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,

Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn

QUYỂN HẠ

33. Kinh Thi-ca-la-việt lễ bái sáu phương

Khi Phật ở tại thành Vương Xá, vào buổi sáng sớm đi khất thực, nhìn xa xa về phía núi Kê Túc thấy có một chàng con nhà trưởng giả tên Thi-ca-la-việt đang chải đầu, súc miệng, rửa mặt, thay y phục sạch sẽ, rồi hướng về phương đông lạy 4 lạy, hướng về phương nam, phương tây, phương bắc cũng lạy mỗi phương 4 lạy, lại hướng lên trời lạy 4 lạy, hướng xuống đất lạy 4 lạy.

Đức Phật liền đến nhà người ấy, hỏi: “Con đang làm gì vậy?”

Thi-ca-la-việt đáp: “Con ở đây lễ lạy sáu phương.”

Đức Phật hỏi: “Lễ lạy sáu phương như vậy là theo pháp gì?”

Thi-ca-la-việt đáp: “Khi cha mẹ còn sống có dạy con mỗi buổi sáng sớm phải lễ lạy sáu phương, con cũng không hiểu để làm gì. Nay cha mẹ đã qua đời, con không dám trái lời dạy.”

Phật nói: “Cha con dạy việc lễ lạy sáu phương không phải dùng thân lễ lạy như thế. Con đã hiểu sai ý của cha con rồi.”

Thi-ca-la-việt liền quỳ xuống thưa: “Xin Phật từ bi vì con giảng giải ý nghĩa việc lễ lạy sáu phương.”

Phật dạy: “Được, con hãy lắng nghe cho kỹ! Hãy để tâm vào lời dạy, ta sẽ vì con giảng rõ.

“Hàng trưởng giả, những người trí thức, nếu như có thể trừ dứt sáu pháp xấu ác, đó chính là lễ lạy sáu phương.

“Những gì là sáu pháp xấu ác? Một là tham uống rượu, hai là mê cờ bạc, ba là thích ngủ sớm dậy trễ, bốn là ưa mời thỉnh khách khứa, năm là thích kết giao cùng kẻ xấu, sáu là ham thích việc giết hại, lừa gạt, dan díu vợ người. Nếu có thể trừ dứt sáu việc ấy, đó là lễ lạy sáu phương.

“Nếu con không trừ được sáu việc ấy thì sự lễ lạy nào có ích gì? Lại còn lan tràn tiếng xấu, việc nhà rối loạn, tiền của tiêu tốn, thân thể yếu đuối, gầy còm, việc lành ngày càng mai một, kẻ xa người gần không còn ai kính trọng.

“Này chàng trai! Nên biết chọn người tốt để giao tiếp, học hỏi theo; tránh xa những người xấu ác. Như ta từ vô số kiếp trước vẫn thường gần gũi những bậc thiện tri thức, nay mới được thành quả Phật.”

Phật lại bảo Thi-ca-la-việt: “Bảo con lễ lạy phương đông là có ý nghĩa phụng dưỡng cha mẹ phải nhớ 5 điều. Một là hết lòng hiếu kính, chăm nom thăm viếng, thường khiến cha mẹ vui lòng. Hai là mỗi ngày dậy sớm, sắp xếp việc nhà, việc cơm nước, luôn giữ theo nếp nhà cần kiệm. Ba là thay cha mẹ làm mọi việc nặng nhọc. Bốn là luôn nhớ nghĩ đến ơn đức của cha mẹ. Năm là khi cha mẹ có bệnh tật hết lòng lo lắng, tìm thầy thuốc chữa trị.

“Cha mẹ đối với con cũng có 5 điều. Một là dạy con bỏ điều ác, làm điều lành. Hai là dạy con thường gần gũi những người hiểu biết. Ba là dạy con chuyên cần, chú trọng việc học hỏi. Bốn là khi đến tuổi thì lo việc dựng vợ gả chồng. Năm là chia phần tài sản trong gia đình cho con.

“Lễ lạy phương nam là có ý nghĩa người học trò phụng sự thầy phải nhớ 5 điều. Một là giữ lòng cung kính, sợ sệt. Hai là y theo lời thầy dạy bảo. Ba là có những việc giặt giũ, sửa sang phải gắng sức làm. Bốn là chuyên cần học hỏi không chán nản. Năm là sau khi thầy qua đời phải giữ lòng kính ngưỡng, nhớ tưởng, ngợi khen những đức độ của thầy, nhất thiết không được luận bàn đến những điều sai trái, lầm lỗi trước đây của thầy.

“Thầy dạy đệ tử cũng có 5 điều. Một là hết lòng dạy bảo không mỏi mệt, khiến cho học trò mau được hiểu biết. Hai là mong muốn học trò của mình vượt hơn học trò người khác. Ba là muốn cho học trò không quên những kiến thức đã học. Bốn là khi học trò có những chỗ khó khăn, không hiểu, phải tận tình giảng rõ. Năm là mong muốn dạy dỗ sao cho học trò có được trí tuệ vượt hơn cả thầy.

“Lễ lạy phương tây là có ý nghĩa người vợ đối với chồng phải nhớ 5 điều. Một là khi chồng từ bên ngoài đi vào phải đứng lên chào đón. Hai là khi chồng vắng nhà phải lo việc bếp núc, quét dọn, giữ lòng kính trọng mà chờ đợi. Ba là không được khởi lòng dâm dục với người ngoài, phải giữ chặt cửa khuê phòng. Bốn là khi chồng có nặng lời, không được tùy tiện đối đáp, lộ vẻ giận tức; chồng có dạy răn điều gì phải cung kính nghe theo; có sở hữu món gì cũng không được cất giấu để dùng riêng. Năm là phải đợi chồng nghỉ ngơi trước, tự mình xem xét cẩn thận việc nhà rồi mới đi nghỉ sau.

“Chồng đối với vợ cũng có 5 điều. Một là mỗi khi ra vào đều giữ lòng tương kính. Hai là việc ăn uống có giờ giấc thích hợp, không để vợ phải khó nhọc, buồn bực. Ba là khi vợ muốn mua sắm quần áo, đồ trang sức... chớ nên trái ý; nhà giàu có thì sắm đủ, nghèo khó thì tùy sức. Bốn là giao phó tài sản trong nhà cho vợ coi sóc, gìn giữ. Năm là không được dan díu tư tình với người khác, khiến vợ phải sanh lòng nghi ngờ.

“Lễ lạy phương bắc là có ý nghĩa trong sự giao tiếp cư xử với thân thuộc, bạn bè, đôi bên đều phải nhớ 5 việc. Một là khi có người làm việc xấu ác, lỗi lầm, những người khác phải thay nhau khuyên bảo, can gián, ngăn chặn. Hai là khi có người gặp tai nạn rủi ro, ốm đau tật bệnh, những người khác phải quan tâm chia sẻ giúp đỡ, chữa trị bệnh tật. Ba là khi một ai đó có lời nói riêng trong nhà, những người khác không được mang ra nói với người ngoài. Bốn là phải giữ lòng kính trọng, ngợi khen điều tốt của nhau; duy trì quan hệ tới lui thăm viếng; nếu như có lúc đụng chạm, xung đột nhau cũng không được sanh lòng buồn giận, oán hờn. Năm là trong quan hệ có sự khác biệt giàu nghèo chẳng giống nhau, nên giúp đỡ, hỗ trợ, cứu vớt lẫn nhau; khi có món ngon vật quý nên chia sẻ cho nhau.

“Lễ lạy phương dưới là có ý nghĩa người chủ đối với những kẻ giúp việc phải biết 5 điều. Một là trước hết phải lưu tâm đến các nhu cầu đói no, lạnh nóng của họ, rồi sau mới sai khiến công việc. Hai là khi họ có bệnh phải lo mời thầy thuốc chữa trị. Ba là không được sai lầm dùng đến đòn roi, đánh đập, cần phải tra xét sự việc rõ ràng rồi sau mới trách phạt. Việc có thể tha thứ thì nên tha thứ; không thể tha được mới phải trách phạt để dạy dỗ. Bốn là khi họ có đôi chút tiền riêng không được tìm cách đoạt lấy. Năm là khi cung cấp, phân chia món gì cho họ đều phải công bằng, bình đẳng như nhau, không được có ý thiên vị.

“Người giúp việc đối với chủ cũng có 5 việc. Một là phải lo dậy sớm, không đợi chủ gọi. Hai là phải biết những việc nên làm thì tự lưu tâm làm, không để nhọc lòng chủ sai khiến. Ba là phải biết thương tiếc quý trọng tài sản của chủ, không được coi rẻ mà vất bỏ, làm hư hỏng. Bốn là mỗi khi chủ nhà có việc ra vào, phải lưu tâm đưa đón. Năm là chỉ nên ngợi khen những điểm tốt đẹp của chủ, không được bàn nói những việc xấu lỗi.

“Lễ lạy phương trên là có ý nghĩa người cúng dường các bậc sa-môn, thiện tri thức phải nhớ 5 điều. Một là phải dùng tâm chân thật hướng về. Hai là phải cung kính làm việc phụng sự, không cho là khó nhọc. Ba là phải thường nhiều lần thưa hỏi đạo lý. Bốn là phải lắng nghe, suy ngẫm rồi tu tập làm theo. Năm là phải thưa hỏi rõ về tông chỉ của việc niệm Phật, tham thiền, ngày đêm chuyên cần tu tập.

“Hàng sa-môn, thiện tri thức khi chỉ bày cho người cũng phải nhớ 5 điều. Một là dạy người tu tập các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định tâm, trí huệ. Hai là dạy người những điều thuộc về oai nghi, lễ tiết, không để buông thả, phóng túng. Ba là dạy người giữ cho lời nói với việc làm luôn tương xứng, hoặc thà nói ít làm nhiều chứ không được nói nhiều làm ít. Bốn là dạy người chuyên cần lễ bái Tam bảo, khởi lòng thương xót hết thảy mọi loài chúng sanh. Năm là dạy người hồi hướng công đức, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, chứng đắc đạo Bồ-đề rồi sẽ trở lại hóa độ chúng sanh.

“Làm theo đúng như những điều trên gọi là cung kính vâng theo lời cha lễ lạy sáu phương. Nếu không làm được như vậy, dù lễ lạy cũng là vô ích.”

Bấy giờ, Thi-ca-la-việt liền xin thọ trì Năm giới, ân cần lễ bái Phật.

Đức Phật liền nói kệ tóm lại rằng:

Gà gáy sớm thức dậy,
Mặc áo, bước xuống giường,
Rửa mặt, súc miệng sạch,
Hai tay dâng hương hoa.
Khêu đèn, thay nước sạch
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng.
Chắp tay cung kính lễ,
Phát nguyện đền Bốn ơn.
Sáu pháp ba-la-mật,
Thảy thảy đều tu học.

Bố thí trừ tham lam,
Trì giới không hủy phạm,
Nhẫn nhục hết nóng giận,
Tinh tấn khỏi mê trầm,
Định tâm không tán loạn,
Trí huệ dứt ngu si.

Ngày tháng chẳng đợi người,
Chuyên cần không lười nhác.
Khổ sanh, già bệnh, chết,
Mạng người nào được lâu!

Huống chi lúc lâm chung,
Thân thuộc không thể giúp,
Lại không nơi trốn tránh,
Không thuốc nào cứu được.

Phước trời còn phải hết,
Phước người được bao lâu?
Cha mẹ cùng vợ, con...
Như khách cùng quán trọ,
Cùng ngủ nghỉ qua đêm,
Sáng ra, người một nẻo.
Vô thường cũng như vậy,
Sớm lo hướng cõi Phật.
Huống chi trong sáu đường,
Luân hồi không tạm nghỉ.
Nay may được làm người,
Lại nghe pháp sâu mầu.
Tự tu, dạy người tu,
Ta, người đều lợi ích.

Ba-la-mật là thuyền,
Vượt qua biển sanh tử.
Cực Lạc A-di-đà,
Nguyện lực khó nghĩ bàn.
Dẫn bước lên thềm vàng,
Được thọ ký quả Phật.
Bốn chúng vâng làm theo,
Cầu sanh về Cực Lạc.
Con trai ông Thiện Sanh,
Nghe Phật thuyết pháp rồi,
Lòng hân hoan phấn khởi,
Lễ bái tin nhận lời.

8. Khuyên người phát nguyện chân chánh, quyết định vãng sanh


Ngài Từ Chiếu Tông chủ dạy rằng: “Có hạnh, không nguyện, hạnh ấy ắt là không thành. Có nguyện, không hạnh, nguyện ấy ắt là yếu ớt. Không hạnh, không nguyện, ở mãi chốn Diêm-phù vô nghĩa. Có hạnh, có nguyện, thẳng nhập vào cõi vô vi. Đó là cái căn bản tu nghiệp thanh tịnh của chư Phật Tổ.

Vì sao vậy? Lý do trí dẫn đường, hạnh do nguyện khởi lên. Hạnh và nguyện được như nhau thì lý và trí đều gồm đủ.

Nguyện tức là điều ưa thích, mong muốn. Như mong muốn được sanh về cõi Tịnh độ phương tây; ưa thích được thấy đức Phật A-di-đà. Cần phải phát nguyện, sau mới được vãng sanh. Nếu không có tâm nguyện, căn lành rồi sẽ tiêu mất.

Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu chẳng phát nguyện lớn, ắt bị ma dắt dẫn.” Hết thảy quả Phật đều do từ nguyện lớn khởi lên, nên muốn được quả Vô thượng Bồ-đề, phải có nguyện ba-la-mật. Vì vậy, ngài Phổ Hiền khơi rộng biển nguyện vô biên, đức Di-đà mở ra bốn mươi tám cửa nguyện. Cho nên biết rằng mười phương chư Phật cho đến thánh hiền xưa nay đều do nơi nguyện lực mà thành tựu Bồ-đề.

Luận Trí độ, quyển tám, có câu hỏi rằng: “Chư Bồ-đề hạnh nghiệp thanh tịnh, tự nhiên được báo phần hơn, cần gì phải lập thệ nguyện, rồi sau mới được thọ báo? Vả lại, như người làm ruộng tất có lúa, há phải đợi có nguyện hay sao?”

Đáp rằng: “Làm phước không có nguyện, không có chỗ hướng về. Nguyện là sức dẫn dắt, quy hướng, nhờ đó mà thành tựu. Như Phật có dạy rằng: Như người tu hành ít phước, ít giới, chẳng rõ biết chánh nhân giải thoát, nghe nói về sự vui sướng ở cõi người, cõi trời nên thường mong cầu. Sau khi thác đều sanh về những cõi ấy. Đó đều là do nguyện lực dẫn dắt đến. Bồ Tát cầu sanh Tịnh độ là nhờ ở chí nguyện bền vững mạnh mẽ, mới được vãng sanh.” Lại dạy rằng: “Tuy tu ít phước, nhưng nhờ có nguyện lực nên được thọ báo Đại thừa.”

Luận Đại trang nghiêm dạy rằng: “Sanh về cõi Phật là chuyện lớn, nếu chỉ nhờ vào công đức thì không thể thành tựu được. Cần phải có nguyện lực giúp vào mới được vãng sanh, do nơi nguyện mà được thấy Phật.”

Kinh A-di-đà dạy rằng: “Như người có lòng tin, nên phát nguyện sanh về cõi ấy.”

Kinh Hoa nghiêm, phẩm Hạnh nguyện có dạy rằng: “Vào thời khắc cuối cùng trước lúc mạng chung, hết thảy các căn đều hoại mất, hết thảy thân thuộc đều lìa bỏ, hết thảy oai thế đều không còn, cho đến voi, ngựa, xe cộ, của báu, kho tàng đều không còn nữa. Duy chỉ có nguyện lớn là không lìa bỏ, luôn luôn dẫn đường phía trước, nên chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”

Do đó mà suy ra, nên thường xuyên phát nguyện, mong muốn được vãng sanh, ngày ngày đều cầu mong, đừng để thối mất chí nguyện.

Cho nên nói rằng: Pháp môn dù rộng lớn, không có nguyện cũng chẳng theo. Do đó mà Phật tùy theo lòng người, giúp người được như nguyện.

Than ôi! Nhìn khắp những người đời nay có lòng tin theo về cửa Phật, hoặc vì bệnh tật khổ não mà phát tâm, hoặc vì báo ơn cha mẹ mà khởi ý, hoặc vì muốn giữ lấy cửa nhà, hoặc vì sợ tai họa mà ăn chay. Dầu cho có lòng tin, nhưng chẳng có hạnh nguyện; tuy nói là niệm Phật, nhưng không đạt đến chỗ cội gốc của chính mình.

Phàm những kẻ làm việc thiện đều là mong được thỏa sự mong cầu, hiếm hoi lắm mới có người vì luân hồi sanh tử mà phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Thường khi người ta dâng hương đèn nơi đạo tràng, những lời cầu nguyện đều là hướng đến chỗ bộc bạch với thần minh để cầu cho được tai qua nạn khỏi, tuổi thọ dài lâu. Do đó mà trái ngược với ý nghĩa kinh sám, không phù hợp với bản nguyện của chư Phật. Dầu cho trọn đời tu hành tụng niệm cũng chẳng rõ lý thú, vận dụng công phu sai lầm. Cho nên mới nói là: “Suốt ngày tính đếm châu báu của người, còn tự mình chẳng được lấy nửa đồng tiền!” Đến khi lâm chung chẳng được vãng sanh Tịnh độ, đều chỉ là do chẳng có hạnh nguyện mà thôi!

Lại có những kẻ ngu si, khi về thọ giới theo Phật liền đối trước Tam bảo mà dâng hương phát lời thề rằng: “Nếu tôi phá giới, xin chịu bệnh dữ đeo đuổi nơi thân, mãi mãi đọa nơi địa ngục.” Hoặc thề rằng: “Nếu tôi phá giới, xin chịu nơi mắt trái chảy máu, mắt phải chảy mủ; tự mình cam chịu thọ báo.”

Đã từng thấy nhiều người miệng nói ra như vậy mà lòng không nhớ nghĩ, vẫn phá trai, phạm giới, rồi phải chịu tai ương hoạn họa, thọ các ác báo. Hoặc trong hiện tại chịu sự trừng trị của pháp luật, hoặc khi chết rồi phải đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Than ôi! Thật chẳng biết rằng Phật Tổ khởi lòng đại từ bi, có bao giờ dạy người những chuyện như vậy? Đó đều là chỗ lầm lỗi của bọn tà sư, lẫn lộn những thuật chú phạt mà cho là phát nguyện, thật là lầm lẫn biết bao!

Nghĩ mà thương xót, xin khuyên hết thảy mọi người đồng phát chánh nguyện, cầu sanh Tịnh độ, cùng nhau thẳng đến quả Phật.

Hẳn có người nói rằng: “Tôi là phàm phu, đâu dám mong cầu sanh về Tịnh độ, được làm Phật hay sao? Nếu mong cầu như vậy, lại thành ra hoang tưởng mà thôi.”

Xin thưa rằng: “Không phải vậy. Này quý vị! Phật tức là giác, Tịnh độ là tâm. Tâm này, ai mà chẳng có? Nếu tâm giác ngộ tức tự mình là Phật, còn khi tâm mê, ấy là chúng sanh. Người đời vì trái với giác, hợp với trần, cho nên phải luân hồi trong ba cõi, sanh ra theo bốn cách trong sáu đường. Nghiệp duyên thiện ác, thọ báo tốt xấu, đều do nhận lầm bốn đại là thân, sáu trần thật có. Vì thế mà nương theo những cảnh huyễn ảo bên ngoài, ngày đêm lưu chuyển, chẳng lúc nào chịu quay lại quán chiếu, ăn chay niệm Phật.

Suốt đời từ trẻ đến già chỉ lo việc nhà chẳng xong, tiền bạc của cải chưa được như ý, nhưng càng được nhiều lại càng mong cầu, lòng tham không thỏa! Dầu cho cũng có làm lành làm phước, thờ Phật thắp hương lễ bái, nhưng chỉ mong cầu được phú quí vinh hoa, sống lâu không chết. Vừa làm được đôi chút việc tốt đã khởi tâm mong cầu nhiều việc, muốn cho lúa gạo đầy kho, con cháu hiển đạt, trâu ngựa sanh nhiều... Vừa có một điều không như ý, liền oán trách Phật chẳng phù hộ. Còn như ngày ngày được thêm của cải, gặp nhiều chuyện vui, họ mới gọi là được cảm ứng! Tính toán tham lam như vậy, quả thật là những ý tưởng sai quấy.

Còn nói ngược lại rằng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là ý tưởng sai quấy, há chẳng phải là điên đảo lắm sao? Phàm những việc làm phước hằng ngày đều thuộc về pháp hữu vi, đó là cái nhân hữu lậu thế gian, chẳng phải đạo vô vi xuất thế.

Người Phật tử tu hành nên khéo suy xét. Ngày nay có duyên gặp được Phật pháp, nên tham cứu đến tận cội gốc, đừng vướng nơi những cành nhánh nhỏ nhặt. Chỉ trong một niệm quay về quán chiếu tự tâm, tu theo pháp xuất thế, phát nguyện lìa bỏ cõi Ta-bà, cầu sanh về Tịnh độ. Khác nào như người khách tha hương đã lâu, nay nhớ nghĩ muốn quay về quê cũ. Cái tâm nguyện muốn sanh về Tịnh độ, muốn thành quả Phật, sao có thể đồng với những ý tưởng sai quấy của kẻ phàm phu?

Trong bài sám Tịnh độ có nói rằng:

Nguyện khi tôi xả bỏ thân này,
Trừ được hết thảy mọi chướng ngại.
Trước mắt thấy Phật A-di-đà,
Liền được vãng sanh về Tịnh độ.

Nên có lời rằng:

Một khi thẳng bước trên đường chánh,
Mới hay từ trước dụng tâm tà.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com