QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN HẠ
18. Biện minh chỗ hơn kém trong Tam giáo, khuyến tu Tịnh độ
Có người hỏi rằng: “Trong ba đạo là Nho, Thích và Lão, có chỗ nào giống nhau hoặc khác nhau chăng? Có điểm nào hơn kém nhau chăng?”Nhất Nguyên đáp: “Ba đạo ấy giống nhau, lại cũng khác nhau; có hơn nhau, lại cũng không hơn nhau.”
Người kia hỏi: “Thầy nói vậy là ý thế nào?”
Đáp: “Người có tâm lượng rộng lớn biết vận dụng thì là giống nhau, hơn nhau. Kẻ căn cơ thấp kém cố chấp vào đạo mình chỉ thấy là những điều khác nhau, kém nhau. Cả ba đạo đều từ nơi một bản tánh mà khởi dùng, chỉ do căn cơ và sự thấy biết khác nhau nên mới có chỗ giống nhau, khác nhau, hoặc hơn hoặc kém.”
Lại hỏi: “Tôi có thể được nghe cái lý giống nhau, khác nhau, hoặc hơn hoặc kém đó hay chăng?”
Đáp: “Trương Vô Tận có lần hỏi thiền sư Đại Huệ: ‘Các vua Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ đều là thánh nhân, sao đạo Phật chẳng bao giờ nói đến?’ Thiền sư hỏi lại: ‘Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ so với Phạm vương, Đế thích có hơn kém gì chăng?’ Trương Vô Tận đáp: ‘Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ vốn không thể sánh với Phạm vương, Đế thích, nói chi đến chuyện hơn kém?’ Thiền sư nói: ‘Phật xem Phạm vương, Đế thích cũng là phàm phu. Theo đó có thể biết về những hạng khác.’ Trương Vô Tận vỗ tay ngợi khen rằng: ‘Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ đều kém xa Phạm vương, Đế thích. Phật xem Phạm, Thích chỉ là phàm phu, đủ biết rằng Phật là bậc thánh cao nhất trong các thánh, vị thiên chủ cao nhất trong chư thiên, là bậc Pháp vương cao trổi nhất, bậc Chánh đẳng Chánh giác!’
“Ngày trước, chúa Ngô là Tôn Quyền hỏi quan Thượng thư là Hám Trạch rằng: ‘Khổng tử và Lão tử có thể đem so sánh với Phật chăng?’ Hám Trạch đáp: ‘Nếu đem cả hai nhà Khổng, Lão ra mà so sánh với pháp Phật thì càng so sánh lại càng cách xa thêm.’ Lẽ tất nhiên là như vậy. Đạo Khổng và đạo Lão được lập ra dựa theo phép trời để chế định rồi vận dụng, chẳng dám trái với trời. Đức Phật lập ra giáo pháp, chư thiên đều kính cẩn làm theo, chẳng dám trái lời Phật. Dựa theo đó mà nói thì quả thật không thể so sánh được, rõ ràng là như vậy.
“Kinh Thư nói: ‘Kẻ sĩ kính ngưỡng người hiền, người hiền kính ngưỡng bậc thánh, bậc thánh kính ngưỡng trời.’ Cao quý nhất trời không ngoài Ngọc đế. Ngọc đế đem so với vị A-la-hán cũng như người thơ lại đem so với vị tiến sĩ, huống chi là Phật? Phật là thầy của hàng Bồ Tát Duyên giác, Thanh văn, nên chính là thầy của các vị thánh.
Người kia lại hỏi: “Thế đạo Tiên so với đạo Phật thì thế nào?”
Nhất Nguyên đáp: “Thần tiên nằm trong sự cai quản của Ngọc đế, lẽ nào có thể đem so với Phật? Huống chi, đạo Tiên khó tu, lại vẫn có ngày phải rơi xuống những cảnh giới thấp kém hơn; đạo Phật dễ học, đã tu theo thì mãi mãi không bao giờ thối chuyển.
“Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Trong đời có mười loại tiên, thảy đều chưa từng tu đạo Chánh giác. Khi phước báo hết phải rơi vào các cảnh giới thấp kém hơn.’ Như muốn thoát vòng sanh tử, vượt trên cả hai bậc thánh phàm, chỉ duy nhất có một đường tu Phật mà thôi.
“Thuở trước, đức Thích-ca ngợi khen Phật Phất-sa rằng:
Khắp đất trời không ai như Phật,
Trong cả mười phương cũng chẳng bằng,
Từng xem khắp thảy thế gian này,
Không ai tôn quý như đức Phật!
“Quả là như vậy!
“Sách Liệt tử chép việc Thái tể Thương hỏi đức Khổng tử rằng: ‘Thầy có phải bậc thánh chăng?’
“Khổng tử đáp: ‘Ta nghe nhiều nhớ giỏi, nhưng chẳng phải bậc thánh.’
“Lại hỏi: ‘Tam vương có phải là thánh chăng?’
“Đáp: ‘Tam vương dựa vào trí dũng, còn thánh hay không thì Khâu này không biết.’
“Lại hỏi: ‘Như vậy, hẳn Ngũ đế phải là bậc thánh?’
“Đáp: ‘Ngũ đế gánh vác được nhân nghĩa, còn thánh hay không thì Khâu này không biết.’
“Lại hỏi: ‘Thế Tam hoàng đời thượng cổ có phải thánh chăng?’
“Đáp: ‘Tam hoàng đời thượng cổ giỏi vận dụng theo thời cơ, còn như thánh hay không thì Khâu này chẳng biết.’
“Thái tể hỏi: ‘Vậy ai là thánh?’
“Bấy giờ, đức Khổng tử đổi hẳn sắc mặt, đáp: ‘Bên phương tây có vị đại thánh nhân, không trị mà dân chẳng loạn, không nói mà dân tin cậy, không giáo hóa mà dân thi hành, dường mênh mông rộng lớn thay, dân không thể nào nói ra hết được!’
“Quả thật là: ‘Muôn hình vạn tượng đến chỗ không là rốt cùng; trăm sông cùng chảy đến biển cả là rốt cùng; hết thảy hiền thánh đến quả Phật là rốt cùng; hết thảy giáo pháp đến tâm là rốt cùng.’ Tâm là cội gốc nhiệm mầu của sự thâu tóm, giữ gìn; là cội nguồn lớn lao của muôn pháp; cũng gọi là kho chứa đại trí huệ, là Niết-bàn Vô trụ, cho đến trăm ngàn muôn tên gọi cũng đều chỉ là những hiệu khác nhau của tâm mà thôi.
“Sách Mạnh tử nói: ‘Ai cũng có thể làm vua Nghiêu, vua Thuấn.’ Sách Tuân tử nói: ‘Người đi trên đường đó, ai cũng có thể làm vua Vũ.’ Bồ Tát Thường Bất Khinh nói: ‘Tôi không dám xem thường các ông, các ông đều sẽ thành Phật.’
“Đó là ý nghĩa: ai ai cũng có thể là thánh hiền, người người đều có thể thành Phật.
“Tây phương Tịnh độ là pháp môn thiết yếu, thẳng tắt mau chóng, ai ai cũng tu được, cho dù là xuất gia hay tại gia, chỉ cần phân rõ lẽ tâm. Vốn thật không có nam nữ, vì sao phải vướng mắc nơi hình tướng? Kẻ mê mờ mới sai lầm phân biệt Tam giáo, người đã thấu rõ rồi thảy đều ngộ ở một tâm.
“Vả lại, tâm của thánh nhân là chân chánh, lời dạy của thánh nhân là tốt lành, chẳng cần phải là tăng sĩ hay nho sĩ, đạo này hay đạo kia. Có đạo này, đạo kia là do tình thức; phân biệt tăng sĩ, nho sĩ là do hình tích. Thánh nhân truyền lại hình tích vì giữ lấy gốc; thánh nhân làm theo tình thức vì thuận theo tánh. Giữ lấy gốc mà không trói buộc nơi hình tích, nên có thể nói pháp quyền biến; thuận theo tánh mà không đắm mê nơi tình thức, nên có thể nói pháp chân thật.
“Nói về đạo lớn, chỉ một tâm này gọi là đạo; rộng truyền đạo ấy gọi là giáo pháp. Giáo pháp là hình tích để lại của thánh nhân; đạo là cội gốc lớn lao của muôn loài. Vì thế, người học chỉ nên lìa bỏ tình trần mà hợp theo linh giác, không thể nhận lấy sự giả dối mà mê lấp sự chân thật.
“Này các vị! Đạo Nho, không nhất định là Nho; đạo Lão, không nhất định là Lão; cho nên biết rằng tất cả đều có thể thành Phật. Không chỉ riêng người trong Tam giáo, mà cho đến người trong tất cả các học phái cũng đều có thể thành Phật. Như vậy sao người còn không tu hành? Sao lại xem thường Tịnh độ mà chẳng sanh về?”
Người kia hỏi: “Chỉ cần tự mình rõ biết việc sanh tử, cần chi phải khổ nhọc khuyên dạy người khác?”
Đáp rằng: “Chẳng phải vậy. Ông há chẳng nghe rằng: Đức Như Lai ra đời, không một pháp nào không vì lợi ích chúng sanh; Bồ Tát tu hành, không một mảy may lo cho riêng mình. Pháp môn này, nếu người khác được biết, cũng như ta biết, chẳng vui sướng lắm sao? Nếu người khác không biết, như ta không biết, chẳng đau xót lắm sao?
“Kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Không phải chúng sanh thỉnh cầu ta phát tâm, tự ta vì chúng sanh làm người bạn không đợi cầu thỉnh.’
“Sách Luận ngữ nói: ‘Tự mình muốn dựng lập, hãy giúp người dựng lập; tự mình muốn thành đạt, hãy giúp người thành đạt.’ Suy lòng mình, hiểu được lòng người, đó là tâm địa của người có đức nhân.
“Nếu dừng ở chỗ tự tu cho riêng mình, đó là hàng Thanh văn, gọi là Tiểu thừa. Tiểu thừa ví như cỗ xe nhỏ, chẳng qua chỉ chở được riêng mình mà thôi, nên Phật nói là dứt mất hạt giống Phật. Nếu có thể rộng khuyên nhiều người thì gọi là hàng Bồ Tát Đại thừa. Đại thừa ví như cỗ xe lớn, chở được cả mình và người khác. Như vậy đạt được vô lượng phước báo, nhờ đó có thể tiến lên quả Phật.
“Chư Phật mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều ngợi khen công đức của Phật A-di-đà là không thể nghĩ bàn, nghĩa là không thể đem tâm trí mà xét, không thể dùng lời nói mà luận. Công đức như vậy có thể gọi là đến mức cùng cực. Cho nên Bồ Tát Đại Từ có kệ khuyến tu rằng:
Khuyên được vài người tu,
Ví như tự tinh tấn.
Khuyên được hơn mười người,
Phước đức thật vô lượng.
Khuyên được trăm, ngàn người,
Đó thật là Bồ Tát.
Khuyên được hàng vạn người,
Chính thật A-di-đà!
“Do đó mà suy ra, thuyết Tây phương có thể phổ biến khắp thiên hạ, hết thảy chúng sanh trong biển khổ đều có thể sanh về Tịnh độ. Nếu thấy một người lui bước, chúng ta nên cùng nhau hợp sức mà nâng đỡ, dẫn dắt; nếu có kẻ qua đời rời bỏ cõi phàm này, chúng ta nên thay nhau chiếu cố.
“Dù không đủ sức rộng truyền giáo pháp lợi ích muôn loài, nhưng ta cũng có thể nghĩ nhớ lại việc xưa để biết việc ngày nay.
“Thí cho người một chút tiền bạc, người liền nói lời biết ơn; vậy giúp cho người một lời nói có ích, lẽ nào người lại không biết hay sao?
“Bố thí tiền bạc hẳn cứu giúp được sự nghèo khó cho người. Bố thí thức ăn hẳn cứu giúp được mạng sống cho người. Bố thí Chánh pháp ắt có thể khiến cho người vượt ra khỏi thế tục, công đức có gì sánh bằng?
“Bố thí tài vật ví như ngọn đèn, chỉ sáng trong căn nhà nhỏ. Bố thí Chánh pháp ví như mặt trời, soi chiếu khắp cõi thế giới. Tham tiếc Chánh pháp mà chẳng rộng khuyên người tu tập thì phải nhiều kiếp đọa vào địa ngục đen tối. Tự xét lòng mình mà đem Chánh pháp giáo hóa người khác, ngay trong đời này đã là Phật Di-đà.
“Rất mong ai nấy đều khởi lòng từ, thay nhau khuyên người phát tâm tu tập, do bi nguyện này mà kết mối duyên lành thanh tịnh, vớt lấy kẻ chơi vơi chìm đắm; cứu lấy người mê muội quên tánh giác, cùng nhau sanh về Cực Lạc, trọn báo đền ơn Phật. Đó gọi là: Với hết thảy chúng mê, nguyện đưa về bến giác!”
Gửi ý kiến của bạn