QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN HẠ
16. Biện minh kinh điển của Tam giáo
Khách lại hỏi thiền sư Diệu Minh rằng: “Ngọc cực quý thì sáng chói mà không có vẻ đẹp tầm thường, lời thấu lý thì không trau chuốt hoa mỹ; nói giản lược mà thấu lý mới là lời hay, việc làm ít mà đạt kết quả mới là sáng suốt. Cho nên châu ngọc ít mà được quý trọng, ngói gạch nhiều mà bị xem rẻ. Thánh nhân làm ra Lục kinh không quá mấy vạn lời, Lão tử nói Đạo đức kinh không hơn năm ngàn chữ. Nay thấy kinh Phật có đến hàng vạn quyển, hàng trăm ngàn lời, sức một người không thể tiếp nhận nổi, là bởi quá rườm rà mà không thiết yếu.”Thiền sư Diệu Minh đáp: “Mâu tử nói rằng: ‘Biển Đông sâu rộng nên khác với vũng nước đọng bên đường, Thái sơn cao lớn nên khác với đồi gò.’ Nếu chẳng sâu hơn vũng nước đọng thì đứa trẻ con cũng tắm được tận đáy; nếu chẳng cao hơn đồi gò thì con dê què cũng lên được tới đỉnh.
“Loài chim bay tận trời xanh chẳng náu mình trong đám lau sậy; loài cá lớn nuốt cả con thuyền không sống trong nước suối, nước ao. Như mổ bụng con trai để tìm hạt châu minh nguyệt, mò tổ chim trên cây quýt hôi để tìm trứng chim loan chim phụng, ắt là khó được! Vì sao vậy? Vì chỗ nhỏ hẹp không chứa nổi vật lớn lao, mà vật lớn lao chẳng ở nơi nhỏ hẹp. Cho nên, không thể dùng nước trong chén làm đầy cái vạc muôn hộc, cái thùng một quân không thể chứa cả dòng nước suối. Cây to một ôm lẽ nào dùng làm cột chống lều tranh? Cây táo gai nhỏ bé sao có thể chống đỡ ngôi nhà to rộng?
“Cho nên đồ vật có rộng hẹp, sức chứa có lớn nhỏ, tài có cao thấp, vật có đắt rẻ, đức có dày mỏng, đạo có sâu cạn, pháp có quyền thật, cơ có lớn nhỏ, tùy chỗ mà phân bố chưa từng có sự trái lẽ.
“Lại nói về kinh Phật, trước thì nói việc xảy ra trong trăm ngàn kiếp, sau thì nói chuyện thiết yếu của muôn đời, cho đến thuở ban sơ chưa có muôn vật, trời đất vừa mới tượng hình, thật là xa xôi không thể suy lường, việc nhiều không thể ghi chép, nhỏ nhiệm không thể nắm bắt, kín hẹp không thể bước vào. Đức Phật thông hiểu mọi việc rộng lớn bên ngoài, phân tích chỗ sâu xa nhỏ nhiệm nhất bên trong, cho đến cõi trời vô tận về phía trên, cõi đất vô tận về phía dưới, không gì mà không chỉ rõ như trong lòng bàn tay.
“Chỗ sáng tỏ đã bao trùm đến thế thì văn từ đâu phải rườm rà, dù đến hàng vạn quyển, hàng trăm ngàn lời cũng chưa đủ gọi là nhiều, có chỗ nào là không thiết yếu đâu? Lẽ nào chỉ xét ở chỗ sức một người tiếp nhận được hết mới cho là được hay sao? Ví như người khát uống nước, đã cơn khát thì thôi, cần chi biết đến chỗ nước còn thừa?
“Cái học cạn cợt của người đời nay, chỉ theo định kiến mà bài bác đạo Phật, vừa đọc qua vài mươi quyển sách đã khởi tâm hừng hực như lửa đốt, gấp rút xem việc bài bác đạo Phật là cấp bách!
“Than ôi! Sức của người đời mà bài bác đạo Phật, khác nào như nghiêng bàn tay để che ánh mặt trời, như ôm một hòn đá mà ngăn con sông lớn! Ra công như thế, chẳng phải cũng là mệt nhọc lắm đó sao?”
Gửi ý kiến của bạn