QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN HẠ
15. Biện minh ranh giới các cõi đông tây
Có người khách hỏi thiền sư Diệu Minh rằng: “Phật giáo là pháp của người di địch, người trung quốc chúng ta không nên theo. Đức Khổng tử nói: ‘Dân di địch lúc có vua cũng không bằng dân Trung Hoa lúc biến loạn.’ Mạnh tử nói: ‘Ta từng nghe nhờ người Trung Hoa cải hóa dân man di, chưa từng nghe việc thay đổi theo man di.’ Vả lại, như thầy từ lâu cũng đã học theo phép tắc của Nhị đế, Tam vương, từng trau giồi Lục kinh và các sách thánh hiền, nay lại bỏ hết đi để theo học những lời của người Tây Vực, chẳng phải là thiếu suy nghĩ lắm sao?”Thiền sư Diệu Minh đáp: “Ngày trước, khi chưa thấy được ý chỉ sâu xa mầu nhiệm của bậc Đại Thánh, tôi cũng thường nói ra lời ấy. So với chỗ hiểu biết của ông bây giờ cũng không khác nhau mấy. Nhưng nay thì không phải như vậy.
“Nếu như ông chỉ biết đến cái vẻ đẹp bên ngoài của lễ nhạc mà không thấy rõ được cái chân thật của đạo đức, thì có khác nào chỉ thoáng thấy ánh lửa của ngọn đuốc mà chưa nhìn được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Lời đức Khổng tử nói ra đó là vì ghét giận các vua chư hầu thời bấy giờ bỏ mất lễ giáo. Còn Mạnh Tử nói như vậy là có ý chê trách thuyết chuyên nông của Trần Tương. Đều là những lời nói ra có chủ đích, chẳng phải lý lẽ tuyệt đối.
“Vả lại, như vua Thuấn sanh ở Đông di, vua Văn vương sanh ở Tây di, vua Đại Vũ sanh ở xứ Thạch Điền, ông Nhật Đạn, sanh ở đất Phan, ông Do Dư sanh ở đất Nhung, ông Quý Trát sanh ở đất Man. Ba vị thánh vương và ba vị tôi hiền ấy đều là người di địch, lẽ nào cho rằng vì họ là di địch mà chẳng nên noi theo hay sao?
“Lại như Thái Khương và Châu U là những ông vua hoang dâm; Doanh Tần với Thạch Triệu là những ông vua bạo ngược; Lý Tư và Triệu Cao là những bề tôi siểm nịnh; Hầu Cảnh với Vũ Văn là những bề tôi phản nghịch. Bốn ông vua và bốn người bề tôi ấy đều sanh ở trung quốc, lẽ nào vì họ là người trung quốc mà lại noi theo hay sao?
“Ngày trước, có lần đức Khổng tử muốn đến sống nơi miền Cửu di. Có người hỏi: ‘Dân ấy thô lỗ, biết làm sao?’ Khổng tử đáp: ‘Người quân tử đã ở đó thì làm sao còn có sự thô lỗ?’ Như vậy, chẳng phải bậc thánh hiền câu nệ phân biệt di địch với trung quốc, chỉ tại người đời tự phân biệt như vậy mà thôi.
“Hơn nữa, như sao Bắc thần ở giữa trời mà ở nước Tề thấy là phương bắc. Theo đó mà xét ra thì các xứ Tề, Lỗ, Hán, Ngụy chắc gì đã là ở giữa? Như ở nơi đây gọi đó là giống rợ miền tây, thì nơi đó lại gọi đây là lũ mọi phía đông. Như vậy biết đâu là ở giữa?
“Dưới vòm trời cao, trên mặt đất rộng, sông núi mênh mông có biết bao nhiêu là xứ sở, lấy số triệu ức mà ghi chẳng xiết, biết nơi nào là ở giữa, nơi nào là bờ mé?
“Đức Phật nhìn khắp vũ trụ bao la này, thấy một thế giới có trăm ức mặt trời mặt trăng chẳng qua chỉ như một hạt cải, huống chi cái thế giới nhỏ chỉ có một mặt trời và một mặt trăng này!
“Sách Luận ngữ nói: ‘Nghe nhiều, chọn lấy điều tốt mà làm theo.’ Vì thế tôi tôn trọng cái học rộng lớn của đạo Phật mà làm theo. Ví như một giọt nước biển chứa đủ mùi vị trăm dòng sông, nếu rõ biết được đạo pháp xuất thế thì cái học của thế gian không cần nhọc sức cũng tự nhiên nắm được.”
Gửi ý kiến của bạn