QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN THƯỢNG
15. Biện minh thuyết Tây phương Tịnh độ của Lục tổ đại sư
Có người tu thiền hỏi rằng: “Như thầy nói rằng niệm Phật chắc chắn sanh về Tây phương. Còn ngài Lục tổ dạy rằng: Tây phương là tự tánh của mình, chẳng cần cầu sanh về đó nữa. Lời nói của hai vị sao chẳng phù hợp nhau?”Tông Bổn này đáp rằng: “Lời dạy của Lục tổ là dùng lý để quyết định sự, nhưng rốt ráo cũng không có lý nào ngoài sự. Còn lời của ta đây là dùng sự để làm rõ lý, nhưng rốt ráo cũng không có sự nào ngoài lý.
“Cần phải biết rằng, ngoài tâm không có cảnh, hết thảy cảnh đều là tâm. Tâm, pháp biến hóa khắp cùng; sự lý đều bình đẳng. Chỉ bởi có kẻ lợi căn, có người chậm trí, nên mới thành có chỗ thấy sai khác.
“Như thật đến được địa vị của Lục tổ thì không có Phật nào để niệm, làm gì có Tịnh độ để vãng sanh? Còn như chưa được như vậy, hãy lắng nghe chỗ cứu cánh của ta.”
Người ấy nói rằng: “Tôi xin được nghe.”
Tông Bổn nói: “Đại sư Lục tổ là Phật tái thế, chẳng phải kẻ phàm phu đời nay sánh kịp. Lục tổ thuyết pháp chuyên bàn về tánh lý, cốt yếu muốn cho người học buông bỏ hết các duyên, ngay nơi đó thành Phật. Người đời nay chẳng hiểu được nghĩa chân thật, chỉ học theo lời nói, có khác gì con vẹt. Chim vẹt chỉ học nói theo được tiếng người, không thể làm được những việc như người. Người chưa đạt tới chỗ tâm địa như Tổ sư mà đã lấy câu nói của ngài để bàn giải, đó là chỗ giống như con vẹt, thật đáng cười những kẻ ấy chẳng tự biết mình.”
Người tu thiền lại hỏi: “Lục tổ dạy rằng: Người phương Đông gây tội, niệm Phật cầu sanh phương Tây; người phương Tây gây tội, niệm Phật cầu sanh cõi nào?”
Tông Bổn đáp: “Lục tổ chỉ lấy hai phương đông, tây làm thí dụ so sánh với hai giới tăng, tục, chưa từng nói là không có cõi Phật. Cứ xem trong kinh Pháp bảo đàn còn nói: “Tại gia biết hành trì, như người phương đông không có tội, xuất gia chẳng tu, như người phương tây có lỗi.” Người đời nay chẳng hiểu thấu được lời dạy của người xưa, khiến cho những lời ấy thành ra ma mị.
“Lục tổ dạy người phải dứt trừ tâm vọng tưởng, tâm tham sân, tâm tật đố, tâm ngu si, tâm phiền não, tâm dối nịnh, tâm tà ngụy, tâm yêu ghét, tâm tán loạn, tâm thị phi, tâm cống cao, tâm năng sở, tâm nhiễm trước, tâm nhân ngã, tâm lấy bỏ, tâm có không, tâm tu chứng. Trừ sạch được những tâm ấy, mới có thể thấy tánh thành Phật.”
Người tu thiền hỏi: “Như thầy đã trừ được một tâm nào trong số đó chăng?”
Tông Bổn hỏi lại: “Các ngươi thần thông diệu dụng, kiến giải đặc biệt, trí huệ đạo đức được như đại sư Lục tổ hay chăng? Như chưa được thì chẳng nên nói ra lời ấy. Bằng nói lời như vậy, tức là thuyết của ma. Vì cớ dứt mất hạt giống Phật, sau này địa ngục Vô gián chẳng buông tha. Vì sao vậy? Nếu có người mới tu hành, một lòng tin theo thuyết ấy của ngươi thì chẳng niệm được đức Phật A-di-đà, chẳng về được Tịnh độ, chẳng ra khỏi sanh tử luân hồi, chẳng tránh khỏi các khổ địa ngục. Tự mình đọa địa ngục đã đành, làm cho người khác phải vào địa ngục, tội ấy không gì hơn. So với tội của người thường, lại nặng thêm một bậc. Cho nên địa ngục Vô gián sẵn chờ.
“Lại chẳng nghe người xưa dạy rằng: Nếu người chê bai Tịnh độ, chẳng tin vãng sanh, sẽ chịu tội khổ kéo lưỡi. Vì sao vậy? Phải biết rằng chư Phật mười phương cùng một lời khen ngợi pháp môn Tịnh độ, Thiền tông thiên hạ đồng thanh diễn xướng, sao kẻ hậu học lại chẳng nghe theo? Tự mình chê bỏ nhân giải thoát, trở lại làm theo thuyết của ma. Đã chẳng tự mình tu, lại ngăn cản người khác tu, người như thế đọa địa ngục trong chớp mắt. Thật đáng thương thay!
“Nhà ngươi nên sám hối cho mau, một lòng niệm Phật, mai này được hóa sanh từ hoa sen, mới biết lời ta nói hôm nay không sai dối.”
Người kia nghe vậy rồi sanh lòng sợ sệt, nguyện vâng theo lời dạy mà làm.
Gửi ý kiến của bạn