Phổ Nguyệt, Ph.D.
PHẦN HAI
GIẢI THOÁT TRI KIẾN
CHƯƠNG BA
CHÍ ĐẠO
IV. CÁI CHẾT CỦA SỰ SỐNG TỰ TẠI
1).- Hành Trì Cho Người Sắp Chết : (Tạng Thư Sống Chết)
Toàn thể thái độ của đạo Phật đối với lúc chết có thể tóm tắt trong đoạn thơ sau của Padmasambhava trong Tử Thư Tây Tạng:
Khi Trung Ấm chết xuất hiện
Tôi sẽ từ bỏ mọi chấp thủ, khát khao, lưu luyến
Thể nhập không tán loạn vào minh sát giáo lý
Và chiếu tâm tôi vào trong không gian của tự tánh vô
sanh
Khi xả cái thân do máu thịt tập hợp này
Tôi sẽ biết nó chỉ là phù du mộng huyễn.
Đức Dalai Lama giải thích:
=Vào lúc chết, những thái độ ta đã quen thói từ lâu thường thắng lướt để hướng dẫn tái sanh. Cũng vì lý do nầy, sự chấp thủ mãnh liệt đối với tự ngã được phát sinh, vì người ta sợ tự ngã mình đang biến mất, Sự chấp thủ nầy là dây nối ở khoảng giữa hai đời sống. Ước muốn có một thân xác mới là cái nhân để tạo ra thân Trung Ấm.
Có ba pháp hành trì cho sự chết:
a) Tốt nhất là an trú trong tự tánh tâm, hay gợi lên tâm yếu của sự tu tập.
b) Kế tiếp pháp chuyển di tâm thức;
c) Cuối cùng, dựa vào năng lực của cầu nguyện, sùng kính, nguyện lực và ân sủng của các bậc giác ngộ;
Những hành giả thượng tặng về Dzogchen đã hoàn toàn trực nhận tự tính tâm trong suốt đời họ, nên khi chết, họ chỉ cần tiếp tục an trú trong trạng thái Rigpa, khi làm cuộc chuyển tiếp qua sự chết. Họ không cần chuyển di tâm thức vào một vị Phật nào, hay cõi Phật nào, vì họ đã thực chứng tâm giác ngộ của chư Phật ngay trong chính họ. Cái chết đối với họ là giải thoát tối hậu--cao điểm của sự chứng đắc, tột đỉnh của một đời tu tập. Tử Thư Tây Tạng chỉ có vài lời nầy để nhắc nhở một hành giả như vậy :
-Bạch Ngài, bây giờ Ánh Sáng căn bản đã lố dạng. Hãy nhận ra, và an trú trong sự tu tập.
Người ta nói những người đã hoàn tất pháp tu Dzogchen thì chết như một hài nhi mới sanh, không một chút lo âu quan tâm về sự chết. Họ không cần quan tâm về chuyện họ chết lúc nào ở đâu, họ cũng không cần gì đến những lời dạy, chỉ dẫn, hay nhắc nhở.
Những hành giả trung bình hạng nhất thì chết như hành khất trên đường. Không ai để ý đến họ, không gì có thể quấy rầy họ. Vì họ đã tu tập vững vàng, nên tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Họ có thể chết dễ dàng trong một bệnh viện bận rộn, hay ở nhà giữa một gia đình đang tranh chấp rộn ràng. (tr.309,10,317)
2). Tự Tại Khi Chết (Tự Gia Bảo)
Người tu thiền cốt yếu được sanh tử tự tại, khi còn sống cũng như khi chết mình hoàn toàn làm chủ. Muốn làm chủ khi chết, chính lúc còn sống mình phải làm chủ cả thể xác lẫn tâm hồn. Như Thiền sư Đạo Giai nói: Muốn biết khi chết được tự tại không tự tại, chỉ xem hiện tại tự do chẳng tự do.
Tự do đây có nghĩa là mình làm chủ mình hoàn toàn, không phải tự do đối với xã hội. Đối với danh vọng tài sắc... không quấy nhiễu được ta, đối với khổ vui sống chết... không phiền lụy đến ta, ta sống trong cuộc đời phồn tạp, mà vẫn không vướng bận, như cây bá hiên ngang đứng sừng sựng giữa trời.Trong khi sống tự tại như vậy đến lúc chết làm gì chẳng tự do. Tại sao được như vậy? Bởi vì chúng ta đã thấy rõ cái không sanh tử trong cái sanh tử, cái chơn thật nằm trong cái giả dối. Các Thiền sư vì sống với cái chơn thật nên không màng đến cái giả dối, sống với cái không sanh tử nên làm chủ được cái sanh tử. Chúng ta hãy xem cái chết của vài Thiền sư sau:
--Trước khi sắp tịch, Thiền sư Đặng Ẩn Phong hỏi chúng Tôi thường thấy các vị tiền bối khi tịch hoặc ngồi hoặc nằm, có vị nào đứng tịch chăng? Chúng thưa: Có. Sư hỏi: Có vị nào đứng lộn ngược mà tịch chăng? Chúng thưa: Chưa từng thấy. Sư bèn lộn ngược mà tịch, nhưng y phục vẫn nguyên vẹn như đứng... (Đặng Ẩn Phong là đệ tử của Mã Tổ).
--Vua Đường Mục Tông sai Lưỡng Nhai Tăng Lục là Linh Phụ...đến thỉnh Thiền sư Vô Nghiệp về triều. Linh Phụ đến làm lễ thưa : Hoàng Thượng ân chỉ phen nầy chẳng giống lúc thường, xin Hoà Thượng thuận thiên tâm, không nên nói bịnh. Sư cười chúm chím nói: Bần đạo có đức gì làm phiền thế chủ. Mời Ngài đi trước tôi sẽ đi đường riêng. Sư bèn tắm gội, đến giữa đêm bảo đệ tử Huệ Âm v.v...: Các ngươi! Tánhthấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sanh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lẫn, trôi lăn khôn cùng... Nói xong Sư ngồi yên thị tịch.(cũng đệ tử Mã Tổ)
--Ông Bàng Long Uẩn sắp tịch, bảo con gái là Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ vô cho ông hay. Linh Chiếu ra xem, vào thưa : Mặt trời đã đúng ngọ mà có nguyệt thực. Ông ra cửa xem. Linh Chiếu lên tòa của ông ngồi kiết già chấp tay thị tịch. Ông vào xem thấy cười và nói: Con gái ta lanh lợi quá. Ông bèn chậm lại bảy ngày sau. Đến ngày thứ bảy, Châu Mục Vu Công đến thăm, ông bảo: Chỉ mong các cái đều không, để đặt các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang. Nói xong, ông nằm gối đầu trên gối Vu Công mà tịch (cũng đệ tử Mã Tổ).
--Thiền sư Lương giới Động Sơn cạo tóc tắm gội xong, đắp y bảo chúng đánh chuông, giã từ chúng mà tịch. Đại chúng khóc lóc mãi không dứt. Sư mở mắt bảo: Người xuất gia tâm chẳng dính mắt nơi vật là tu hành chân chánh. Sống nhọc thích chết, thương xót có ích lợi gì? Sư bảo chủ sự sắm trai ngu si để cúng dường. Chúng vẫn quyến luyến quá, kéo dài đến ngày thứ bảy. Khi thọ trai, Sư cũng theo chúng thọ. Thọ trai xong, Sư bảo chúng: Tăng già vô sự, sắp đến giờ ra đi, chớ làm ồn náo. Sư vào trượng thất ngồi yên tịch (Sư đệ tử Vân Nham).
--Chỉ Y Đạo Giả đến tham vấn Tào Sơn Bổ Tịch. Tào Sơn hỏi : Đâu chẳng phải Chỉ Y Đạo Giả ư? Đạo Giả thưa: Chả dám. Tào Sơn hỏi: Thế nào là việc của Chỉ Y? Đạo Giả thưa: Chiếc áo cừu vừa khoát ngoài thân, muôn pháp thảy đều như. Tào Sơn hỏi :Thế nào là dụng của Chỉ Y? Đạo Giả lại gần: Dạ! liền đứng tịch. Tào Sơn bảo: Ngươi chỉ giỏi đi thế ấy, sao chẳng giỏi đến thế ấy. Đạo Giả mở mắt hỏi: Một chơn tánh linh khi chẳng nương bào thai thì thế nào? Tào Sơn bảo: Chưa phải diệu. Đạo Giả hỏi: Thế nào là diệu? Tào Sơn bảo: Chẳng mượn! mượn! Đạo Giả trân trọng liền tịch (Đệ tử Động Sơn).
--Một hôm Phổ Hóa ở trong chợ đến một người xin chiếc áo dài, mọi ngườI đều cho, Phổ Hóa đều chẳng nhận. Lâm Tế dạy Viện Chủ mua chiếc quan tài. Phổ Hóa về đến, Lâm Tế bảo: Tôi đã vì ông sắm chiếc áo dài rồi. Phổ Hóa liền tự vác đi. Phổ Hóa đi quanh phố chợ rao: Lâm Tế cho tôi chiếc áo dài rồi, tôi sang cửa Đông tịch. Người trong chợ đua nhau đến xem. Phổ Hóa bảo: Tôi ngày nay chưa tịch, ngày mai sang cửa Nam mới tịch. Như thế đến ba ngày mọi người đều chẳng tin. Đến ngày thứ tư không ai theo xem, một mình Phổ Hóa tự chung vô quan tài, nhờ người đi đường đậy nắp lại. Tin truyền đi mọi người trong chợ đua nhau đến dở quan tài xem, không thấy thi hài Phổ Hóa đâu, chỉ nghe trong hư không tiếng mỏ xa dần, xa dần rồi mất (Đệ tử Bàn Sơn).
--Thiền sư Thiện Chiêu bị Y Lý Hầu ba phen thỉnh trụ trì chùa Thừa Thiên mà Sư không đi. Sứ giả bị phạt. Y Lý Hầu lại sai sứ đi phen nữa. Sứ giả đến thưa: Quyết thỉnh thầy đồng đi, nếu thầy không đi tôi liền chết mà thôi. Sư cười bảo : Bởi nghiệp già bịnh không thể xuống núi, giả sử đi có trước sau, tại sao quyết đồng? Sứ giả thưa: Thầy chịu đi thì trước sau tùy lựa chọn. Bảo chúng sữa soạn xong, Sư gọi chúng lại nói : Lão tăng đi có người nào theo được? Có vị tăng thưa : Con theo được. Sư hỏi: một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm. Tăng thưa: Năm mươi dặm. Sư bảo: Ngươi theo ta chẳng được. Lại có vị ra thưa : Con theo được. Sư hỏi: một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm? Tăng thưa: Bảy mươi dặm. Sư bảo, ngươi theo ta cũng chẳng được. Thị giả ra thưa, con theo được, Hòa Thượng đến đâu con đến đó. Sư bảo, ngươi theo lão tăng được. Nói xong, Sư bảo thị giả, ta đi trước nghe! Sư dừng lại rồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo. (Sư đệ tử Thiền sư Tĩnh Niệm dòng Lâm Tế)
Tạm dẫn bấy nhiêu đó cũng khá rườm rà rồi. Tuy nhiên đối với các Thiền sư có những cái kỳ đặc. Song đây chẳng phải quan trọng, vì là diệu dụng. Cái quan trọng nhất trong nhà thiền là sống được tánh giác của mình, nó mới là bản thể. Bản thể là cái gốc, diệu dụng là cái ngọn. chỉ lo không bám được gốc, đừng sợ mất ngọn. Khi sống được với thể giác rồi thì mỗi hành động nào cũng là thần thông diệu dụng cả. Ông Bàng Long Uẩn với kệ:
Dịch
Nhật dụng vô biệt sự: Hàng ngày không việc khác
Duy ngộ tự ngẫu hài: Chỉ tôi tự biết hay
Đầu đầu phi thủ xả: Vật vật chẳng lấy bỏ
Xứ xứ vật trương oai: Chỗ chỗ nào trái bày
Châu tử thùy vi hiệu: Đỏ tía gì làm hiệu
Khưu sơn tuyệt điểm ai: Núi gò bặt trần ai
Thần thông tịnh diệu dụng: Thần thôngcùng diệu dụng
Vận thủy cập ban sài: Gánh nước bửa củi tài
Thần thông ở đây là gánh nước bửa củi,vì mọi hành động ấy đều từ thể giác phát xuất. Chúng ta lại nghe một bà già trình thần thông.
Thiền sư Nam Tuyền, Quý Tông, Ma Cốc đi hành cước đến một cái quán của bà lão. Quý vị kêu bà đem trà, bà bảo: Quý thầy trình thần thông rồi sẽ uống trà.
Quý vị đưa mắt nhìn nha. Bà bảo: Quý thầy xem già nầy trình thần thông. Bà liền tay cầm bình trà, tay bưng chung trà, nghiên rót vào chung để xuống. Quả là thần thông trong hành động, đừng nghĩ thăng thiên độn thổ mới là thần thông. Bởi bất cứ một tác động nào lưu xuất từ bản thể đều là diệu dụng, khổ nỗi người ta hiện giờ chỉ trọng thần thông diệu dụng mà quên bản thể. Vì thế nên dễ lạc vào đường tà, chính quỉ thần vẫn được ngũ thông, làm sao giản trạch được đâu tà đâu chánh. Chỉ một bề trở về tánh giác là muôn đời không lầm.
Tóm lại diệu dụng của người tu thiền tông là nhận ra tánh giác của chính mình, tánh giác nầy không sanh không diệt không tướng mạo mà hằng giác. Bởi hằng giác nên chẳng phải không, không tướng mạo nên chẳngphải có. Sống được với tánh giác là thoát ly sanh tử, tuổi thọ tánh giác đồng với hư không. Cho nên trong kinh nói tuổi thọ của Phật không biết bao nhiêu tính kể. Đạt được tuổi thọ vô lượng vô biên ấy, còn gì hạnh phúc bằng, còn gì quí bằng. Sống vớicái vĩnh cữu chẳng sanh chẳngdiệt nầy, mới thực là đến chỗ chân thật tuyệt đối. Còn có gì ở thế gian có thể so sánh với tánh giác. Tánh giác nầy mới thực ta (Chơn Ngã), tánh giác không bao giờ mất (Chơn thường), tánh giác là chơn thực hạnh phúc (Chơn lạc), tánh giác không có gì ô nhiễm được (Chơn tịnh). Sống đến chỗ chơn ngã, chơn thường, chơn lạc, chơn tịnh nầy, mới là điểm cứu cánh của thiền tông.
Trong khi trở về cái chơn thật thì mọi cái giả dối giảm thiểu khả năng lôi cuốn chúng ta. Từ từ ta làm chủ lại chúng ta,điều khiển chúng theo chỗ muốn của chúng ta.
Mọi khổ đau buồn thảm tự suy thoái, không còn là điều quan trọng đối với chúng ta nữa. Với cái thân giả tạm, cái vọng tưởng hư ảo sắc trần không hoa nầy, còn nghị lực gì trói buộc chúng ta được. Bởi thấy được ông chủ thật sự của mình, mọi khách trần là trò đùa, nên Thiền sư tự tại ra đi (tr.339-344).