Phổ Nguyệt, Ph.D.
PHẦN HAI
GIẢI THOÁT TRI KIẾN
CHƯƠNG BA
CHÍ ĐẠO
I.THIỆT TÁNH GIÁC
Đứng trên phương diện chân lý tối hậu, hay theo triết lý Duy Thức, thì tự tính tuyệt đối của sự vật đều có tánh không. Nhắc lại, tánh Hư Không, đức Phật giải thích: A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh giác tức là thiệt hư không, Hư Không tức là Thiệt Tánh giác, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp thế giới... Vậy Thiệt Tánh giác hay Tự Tính Tuyệt Đối được xét theo hai khía cạnh sau đây:
1.- Không Gian: Cái không gian dung chứa sự vật và sự vật chiếm cứ không gian là một. Nói gọn là sự vật và dung thể không của nó là một.Sắc không khác không, và không không khác sắc. Cái chân lý thì nó chính là nó, không có tự tính nào áp đặt lên nó, không thể dùng ngôn ngữ, công ước để cưỡng ép lên tánh chất của nó. Nó là nó không có gì ngoài nó. Nó là dung thể không của sự vật nên nó không vượt ra khỏi sự vật. Theo Tử Thư Tây Tạng gọi là chân lý tự nó trống rỗng và trần trụi như Hư Không vô biên và không có tỳ vết. Đó cũng gọi là Chơn Không. Do đó Tánh giác là Thiệt Hư Không hay Hư Không là Thiệt Tánh giác. Tánh Giác là Chân Trí hay là cái dụng của Chơn Tâm. Vậy làm sao nắm bắt được Chơn Tâm? Phương pháp nào? Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy cách hàng phục vọng tâm :
-Độ tất cả chúng sanh vào vô dư niết bàn, mà không thấy chúng sanh nào được độ.
Độ: là làm cho giác ngộ, giải thoát mọi vọng tưởng giả lập để đạt thực tính.
Chúng Sanh: Tất cả các loài, sự và vật có tri giác hoặc không có tri giác; là những thực tại giả lập hay tùy thuộc.
Vô Dư Niết Bàn: Niết bàn tuyệt đối hay tự tính tuyệt đối, là chơn không hay thiệt hư không.
Vậy câu trên có nghĩa là :Đưa tất cả các các thực tại giả lập vào thực tại tuyệt đối mà không còn thấy các thực tại giả lập đó nữa. Vậy muốn hàng phục vọng tâm, hành giả nên trực nhận (tâm) thể không của sự vật và ngay đó lìa tướng giả lập.(Ly bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ giả).
2.-Thời Gian: Ngay khi thể nhận thực tướng của sự vật liền lìa ngay tướng không của sự vật. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật bảo Tu Bồ Đề cách thức an trụ tâm như sau: Khi chơn tâm được hiển bày (hàng phục được vọng tâm), thì phải gìn giữ chơn tâm bằng cách: Bồ Tát không có chỗ trụ mà bố thí, tức là không trụ vào Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.
Trụ: là bám vào, dựa vào
Bố Thí: là ban bố, cho cái mình có, cái mình biết, xả bỏ. Muốn an trụ tâm Bồ Tát không bám vào tất cả chỗ mà phải xả bỏ xa lià chúng đi; nghĩa là không dựa vào các thực tại giả lập (Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) mà phải xả bỏ cái mình biết là giả lập đó.Phật đã chỉ rõ về thân tướng không. Nếu hành giả không nương tựa vào đâu mà xa lìa cái mình biết thì phước đức cũng như hư không. Cho nên thân tướng là thực tại giả lập (hay tự tính giả lập). Nơi nào có thân tướng là nơi đó còn có lường gạt (không thật). Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai. Đó tức là nhận ngay thực tướng hay thể không của thân tướng. Mà muốn an trụ tâm thì phải vô sở trụ tức là không bám vào sắc, thinh... mà phải xả bỏ ngay khi mình biết sắc vì nếu trụ vào sắc một sát na thì sắc ấy không còn là thật nữa.Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc tức thì biến thành không..., thời gian huyễn hóa sự vật. Chân Trí (hay Chân Tâm) được hiển lộ ngay nơi đối tượng hiện quán. Bồ Đề Đạt Ma nói, Hiện tại là bồ đề,vì không có quá khứ đầy đau khổ và không có tương lai để gây thêm tội lỗi; thì ngay bây giờ há không phải là bồ đề sao! Trong khoảnh khắc hiện tại, chân lý xuất hiện tại đó (không gian) và lúc đó (thời gian) mà thôi. Thực tướng được hiện bày ở trạng thái vô thời không, vì có thời gian chạy dài trong không gian thì mọi sự vật đều trở nên huyễn hóa. Vậy muốn đạt được giác ngộ hay chân tâm thì phải theo hai cách: Hàng phục tâm và An trụ tâm. Đó là để đạt được chân lý tối hậu, là tự tính tuyệt đối, là chân tâm, là thiệt tánh giác hay là hư không vv... Nhân: Ưng vô sở trụ thì quả: Vô sở bất tại.