Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

D. Tàng Thức (A lại da Thức)

03/09/201102:43(Xem: 7202)
D. Tàng Thức (A lại da Thức)

THỰC TẠI VÀ CHÍ ĐẠO
Phổ Nguyệt, Ph.D.

PHẦN MỘT
TRI KIẾN

CHƯƠNG BA
TRI KIẾN PHẬT GIÁO

D.- TÀNG THỨC

Từ Thực Tại Luận đến Giải Thoát Luận trong Triết Học DuyThức (Như Hạnh)

Duy Thức là một trong những tông phái chính yếu của Phật Giáo Đại Thừa Ấn Độ phát triển mạnh vào những thế kỹ đầu công nguyên cho đến khi Phật Giáo bị suy thoái ở Ấn Độ (khoảng thế kỷ 11) và cũng là một trong những hệ thống triết học/ tôn giáo, tri thức luận chính yếu của tư tưởng Ấn Độ. Duy Thức sản sinh ra những tư tưởng gia lớn của Phật Giáo và của tư tưởng Ấn Độ nói chung như Maitreyanatha (c. 270 - 350 ), Asanga (c. 310-90, Văsubandhu ( c. 320- 400 ), v.v... Một nghiên cứu của hệ thống về Tàng Thức (Alayavijnana) sẽ đem đến cho chúng ta những hiểu biết về ý nghĩa của khái niệm nầy trong tư tưởng Duy Thức (Duy Thức Học: Yogacara). Đọc cẩn thận những bộ luận (sastra) nhắm hệ thống hóa giáo lý Phật Giáo, như đa số các bộ luận nền tảng của Duy Thức, chúng ta sẽ nhận ra rằng các nhà tư tưởng Duy Thức không bao giờ ý thức được một cơ cấu thuyên thích nội tại (unplicit hermeneutical structure) ở các giáo lý khác nhau được ghi chép trong nhiều kinh điển dị biệt. Cơ cấu nầy đã được giải thích rõ ràng trong những trước tác nầy. Do đó, bất chấp là chúng ta còn cách xa một kiến thức đích xác về sự phát triển niên đại / văn học của thành ngữ Tàng Thức bao nhiêu đi nữa, nghiên cứu một cách hệ thống về khái niệm nầy sẽ chiếu rọi thêm ánh sáng vào một số vấn đề chính của thế giới quan Duy Thức.

1).- Phân Tích Tàng Thức

1.1.1: Sự phát triển của Tàng Thức trong thế giới quan Duy Thức: Tàng Thức thường được xem như là khái niệm then chốt đại biểu cho tông phái Duy Thức. Nói cách khác, Tàng Thức thường được xem là khái niệm nền tảng của triết học Duy Thức cũng như khái niệm Tính Không (sunyata) là nền tảng của triết học Trung Quán.

1.1.2: (Madhyamaka). Tàng Thức quả thật là một khái niệm nền tảng trong triết học Duy Thức (vijnaptimatra) của Asanga và của Vasubandhu. Song hẳn là quá giản lược và thậm chí sai lầm nếu chúng ta xem Tàng Thức như là một khái niệm mà các tư tưởng gia Duy Thức dùng để thay thế cho sunyata, bởi vì Duy Thức cũng chấp nhận giáo lý Tánh Không, nghĩa là, giáo lý dạy rằng tất cả các sự vật đều không có tự tánh (svabhava). Thật ra, toàn thể Thực Tại Luận Duy Thức chỉ được thiết lập để giải minh ý nghĩa của Tính Không mà thôi.

1.2 : Cơ Cấu Thuyên Thích Nội Tại của thế giới quan Duy Thức: so sánh giữa các trước tác được xem là của Maitreyanatha và các trước tác của Asanga chúng ta nhận thấy rõ ràng hai xu hướng khác nhau. Ở đây, vắn tắt về cơ cấu thuyên thích nội tại trong thế giới quan Duy Thức mà rõ rệt là những tư tưởng gia của tông phái nầy cùng chia sẻ.

Thực Tại Luận và Giải Thoát Luận của Duy Thức dựa trên nhận thức về thực tại. Nói cách khác, đối với các tư tưởng gia Duy Thức, liên hệ của chúng ta với thực tại là một liên hệ nhận thức (và giải thích). Do đó, trong Thực Tại Luận Duy Thức bản tính của Phật (tức là một sinh linh giác ngộ) và bản tính của chúng sanh hay con người bình thường tức là (những sinh linh chưa giác ngộ) cũng như dị biệt giữa Phật và con người, cốt yếu được qui định bằng những phạm trù nhận thức. Sự dị biệt giữa Phật và con người chính yếu là sự dị biệt giữa hai thể cách tri nhận thực tại.

Tri thức của Phật được định nghĩa là vô phân biệt trí, một thể cách nhận thức vượt trên dự kiến, nằm ngoài sự qui kỹ (nonegocentric), tri nhận thực tại như chính nó, nghĩa là trong thực tính của nó. Do đó, Phật - tính -- hay từ một viễn cảnh tri thức luận, Phật-Tâm (hay Phật-Trí tức là thể cách nhận thức của sinh linh đã giác ngộ) - cũng được đề cập đến như là Tâm [nhận thức] thực tại chân thực. Trong hầu hết các kinh luận Đại Thừa, Tâm (Phật) được mô tả là thanh tịnh và trong sáng tự bản tánh (cittaprakrtiprabhasvara).

Tri giác thực tại của con người, trái lại, là một thể cách nhận thức qui kỹ và do đó bị giới hạn. Thể cách nhận thức nầy có xu hướng tri nhận thực tại như là gồm có một chủ thể nhận thức tự hữu (pudgala) và các thành tố cấu tạo thực tại-- tức là các đối tượng-- cũng hiện hữu một cách độc lập (dharma). Trong ngôn ngữ của Duy Thức, đây chính là sự áp đặt tự tính (svabhava) lên pudgala (chủ thể, tức là phương diện chủ thể) và dharma (các hiện tượng, tức là phương diện khách thể) mà Duy Thức xem là một tiến trình kiến lập giả tưởng. Thứ Duy Thực Luận Phác Tố (naĩve realism) này tự căn bản đã mâu thuẩn với giáo lý nền tảng của Phật Giáo về duyên khởi, theo đó thì thực tại thuần túy tức là cái thực tại trước khi có sự áp đặt của bất cứ những ý nghĩa giới hạn nào đó, là một sản phẩm của một màng lưới của những tác động hỗ tương (có tính cách liên hệ) nhân của những thành tố tâm lý và vật lý. Nói cách khác, tất cả mọi hiện tượng đều hiện hữu một cách hổ tương hệ thuộc và do đó không có tự tính hay không (sunya) trong thuật ngữ của Phật Giáo.

Theo Duy Thức, chỉ có Phật-Tâm hiện hữu trên mặt cứu cánh (ultimately), bởi vì đó là thể cách nhận thức thực tại một cách chân thực. Tri giác của con người thì sai lầm bởi vì được dựa trên sự kiến lập giả tưởng, và do đó chỉ có một hiện hữu tạm thời. Tri giác sai lầm nầy có thể nhận ra một cách trung thực, và cái thực tại mà tri giác nầy kiến lập có thể được giải kiến. Đây là điều có thể thực hiện được bởi vì theo Duy Thức tất cả con người đều có tiềm năng tri nhận chân lý. Trong ngôn ngữ Duy Thức, tất cả con người đều có sẵn Phật Tính hay Phật-Tâm. Lý do mà họ chưa nhận ra được điều nầy là bởi vì họ bị cản trở bởi một quan điểm qui kỹ (egocentric) dựa trên thái độ duy thực phác tố cố hữu áp đặt tự tính lên chủ thể nhận thức(pudgala) và đối tượng (pháp).

Lưu ý rằng trong khuôn khổ giải thoát luận nầy, Duy Thức và Phật Giáo Đại Thừa nói chung chia sẻ một chủ đề hầu như phổ quát trong tư tưởng triết học/ tôn giáo Ấn Độ rằng bản tính chân thật của con người (được gọi tùy theo truyền thống khác nhau như atman, jiva, purusa, v.v...) vốn đồng nhất với thực tại tuyệt đối (cũng được gọi bằng những tên khác nhau tùy theo truyền thống khác nhau). Như thế, giải thoát trong khuôn khổ nầy chỉ có thể là khôi phục lại chân tính của con ngưởi chớ không phải là đạt được hay trở thành cái gì mới cả. Diễn dịch ra bình diện hiện sinh thì giải thoát có nghĩa là sống trong nhận thức đúng về thực tại. Một cách hết sức giản lược, sự dị biệt chính yếu giữa quan điểm Ấn Độ và quan điểm Do-Thái-Thiên-Chúa-Islam, là theo quan điểm Ấn Độ, nguyên nhân gốc rễ của sự ác (evil) là vô minh (ignorance) chứ không phải là tội lỗi (sin).

Nói tóm, toàn thể con đường của Duy Thức là để tri nhận Phật Tâm và phân tích sự kiến lập của thái độ duy thực phác tố kia, tức là phân tích nền tảng và cơ cấu tác động của nó. Sự thành tựu lưỡng diện nầy gọi là Tattvartha (tri nhận thực tại). Mục tiêu tâm linh chính yếu trong Duy Thức là : tri nhận thực tại đưa chúng ta đến thành tựu giải thoát. Đây chính là thế giới quan được trình bày một cách hệ thống trong tư tưởng Duy Thức (yogacara) của Maitreyanatha được chấp nhận bởi Asanga và Vasubandhu.

1.3.: Sự Chuyển Hướng Tư Tưởng từ Maitreyanatha đến Asanga: Nghiên cứu sự phát triển của tư tưởng Duy Thức chúng ta nhận thấy sự dị biệt chính yếu giữa Maitreyanatha và Asanga là ở thể cách tiếp cận thực tại của họ. Về mặt phương pháp luận, Maitreyanatha dường như lưu ý nhiều hơn đến cơ cấu thuyên thích của Phật Giáo, trong khi Asanga (và sau đó Vasubandhu) lại nghiên về phía thẩm xét chiều kích hiện sinh (existential), thực tiễn. Trong sự phân tích của ông về thể cách quán sát thực tại của Duy Thức, Maitreyanatha đặt sự giải thích của ông trên thực tại tuyệt đối, trong khi Asanga khởi sự giải thích của ông bằng sự phân tích nền tảng của thực tại hiện tượng. Sự chuyển hướng khái niệm nầy đã đưa đến những giải thích mới hay phối hợp những khái niệm mới vào hệ thống Duy Thức của Asanga. Để minh giải điểm nầy, tôi xin đưa ra một giải thích vắn tăt về hệ thống Duy Thức của Maitreyanatha.

1.3.1.: Cittaprakrtiprabhasvara (Tâm thanh tịnh tự bản tính) và Cittamatra (Duy Tâm) trong tư tưởng của Maitreyanatha: Thực Tại Luận (Ontology) của Maitreyanatha khởi sự từ quan điểm chung của Phật Giáo Đại Thừa rằng từ nguyên thủy, hay từ viễn cảnh của thực tại cứu cánh (ultimate reality), thì tất cả con người đều sở hữu Phật tính. Chuyển dịch phát biểu nầy sang ngôn ngữ của tri thức luận, nó có nghĩa là tự nguyên thủy tâm thức của con người đều có bản tính thanh tịnh, tâm thức của con người trong thực tính của nó không khác gì với Phật tâm, tức là trong sáng và thanh tịnh tự bản tính. Bởi vì những tạp nhiễm (phiền não) tạo nên bởi lối suy nghĩ mê mờ đến che phủ cái tâm thanh tịnh tự bản tính nầy mà con người không tri nhận được sự thật nầy và bị lạc trong một thế giới huyễn tưởng.

Trong tư tưởng của Maitreyanatha hai phạm trù thực tại luận nầy được đề cập đến hai thành ngữ Cittaprakrtiprabhasvara và Cittamatra. Trước khi giải thích hai thành ngữ nầy, cần vắn tắt ý nghĩa của chữ citta (tâm) trong hệ thống Duy Thức của Maitreyanatha. Đối với Maitreyanatha thì tâm, vốn thanh tịnh và trong sáng tự bản tính (tức là, Phật-tâm hay Phật-tính bản hữu, bản tính cứu cánh của tất cả con người), đôi khi được giải thích như là tâm mê mờ, nghĩa là từ viễn cảnh hiện tượng trong thể cách tri nhận thực tại một cách hiện thực của con người. Điều nầy có nghĩa là nhận thức (của một tâm thức) không giác ngộ luôn luôn bị vướng mắt nào đó, với cái thái độ duy thực phác tố kia, nhìn cả hai phương diện chủ thể và khách thể của thực tại như thể là những thực thể (entities) hiện hữu sẵn, một cách độc lập, với tự tính. Như thế, cittamatra có nghĩa là (thể nhận rằng) cái thế giới của thái độ duy thực phác tố nầy không là gì khác hơn một sự kiến lập sai lầm của citta hay tâm. Maitreyanatha phát biểu trong Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận:

[VI.7] Sau khi thể nhận được rằng các đối tượng chỉ là giả danh [kiến lập bởi ngôn ngữ], [bậc trí giả] trụ trong duy tâm (cittamatra) xuất hiện như là những đối tượng. Rồi người ấy trực tiếp thể nhận được rằng Pháp Giới (dharmadhatu) (chân lý) vốn vượt ngoài nhị nguyên tính [sự kiến lập giả tưởng rằng thế giới nầy được cấu tạo bởi hai thực thể chủ thể và đối tượng với tự tính].

[VI.8] Thể nhận trên bình diện trí thức rằng không có gì bên ngoài tâm (citta), bậc trí giả từ đó nhận thức được rằng tâm [trên bình diện hiện tượng] không hiện hữu [một cách tuyệt đối]. Nhận thức được rằng nhị nguyên tính không hiện hữu, bậc trí giả trụ trong Pháp Giới vượt trên nhị nguyên tính.

Theo Maitreyanatha cái thực tại được kiến lập theo nhị nguyên tính nầy bị xem là các phiền não hay tạp nhiễm ngoại lai (agantukaklesa) đến che mờ cái tâm vốn thanh tịnh tự bản tính. Cái thực tại được kiến lập này không thật từ quan điểm cứu cánh và có thể bị tiêu trừ bằng tu luyện tâm một cách thích đáng. Sau khi những tạp nhiễm ngoại lai nầy được tẫy sạch, bản tính thanh tịnh trong sáng của tâm được phục hồi. Maitreyanatha, thực tại chân thật nầy, được định nghĩa là cittaprakrtiprabhasva, hiện hữu trước tạp nhiễm (phiền não) và sẽ tiếp tục hiện hữu mãi mãi khi tạp nhiễm được tẫy sạch. Maitreyanatha phát biểu trong Đại Thừa Trang Nghiêm Luận (Mahayanasutralamkara):

[XIII. 19] Sự thật là tâm vốn luôn luôn thanh tịnh tự bản tính kia nhuốm bởi những tạp nhiễm ngoại lai. Sự thật là không có tâm nào khác ngoài tâm [tri nhận] thực tại chân thực (dharmatacitta) luôn luôn trong sáng tự bản tính.

Nói tóm, đối với Maitreyanatha thì tâm vốn trong sáng tự bản tính và luôn luôn hiện hữu như thế, mặc dầu tạm thời bị che phủ bởi những tạp nhiễm tạo ra bởi tâm mê mờ, bởi vì đó là thực tại chân thực duy nhất. Như thế có nghĩa là cái tâm huyễn tưởng áp đặt tự tính lên pudgala (chủ thể nhận thức) và dharma (các đối tượng của nhận thức) nơi thực tại tính của nó, chính là tâm thanh tịnh này. Như thế, hiển nhiên rằng Maitreyanatha đặt nền tảng của thực tại luận của ông trên thực tại cứu cánh. Theo quan điểm nầy, chỉ có thực tại chân thực hiện hữu một cách tuyệt đối (nghĩa là trên phương diện cứu cánh).

Thực tại hiện tượng như tâm thức không giác ngộ tri giác chỉ là một thực tại mong manh, được kiến lập một cách giả tưởng áp đặt lên trên thực tại chơn thực. Cái thực tại giả lập nầy, mặc dù có khả năng tạo ra những hậu quả phiền não và những trở ngại kiến thức, sẽ biến mất ngay khi chúng ta thể nhận thực tại chơn thực.. Đó bởi vì cái thực tại giả lập nầy vốn giả tưởng tự bản chất và không thật một cách tuyệt đối. Thực tại sai lầm của con người không là gì khác hơn thực tại chân thực bị nhận thức một cách sai lầm. Do đó, theo Duy Thức thì thực tại giả lập đặt nền tảng trong thực tại chân thực. Cho nên theo Maitreyanatha, không cần phải thiết lập một nền tảng tách biệt cho thực tại giả lập nữa.

1.3.2: Từ Cittamatra đến Vijnaptimatra: Asanga trái lại nấn mạnh nhiều hơn vào chiều kích hiện sinh của thế giới quan Duy Thức. Nếu như Phật - Tâm phải được thể nhận bằng cách giải kiến (deconstruct) thể cách nhận thức (của tâm thức) không giác ngộ; nói cách khác, nếu thanh tịnh (thực tại chân thực) phải được đạt đến bằng cách tẩy trừ tạp nhiễm (tức là cái thực tại giả lập áp đặt lên thực tại chân thực), thì điều thiết yếu là phải giải thích nguồn gốc và nền tảng của cái thực tại nầy. Mặc dù rõ rệt chấp nhận toàn thể thực tại luận của Maitreyanatha, Asanga dường như cảm thấy cần thiết phải giải thích nguồn gốc và cơ cấu của cái mà con người (tức là tâm thức không giác ngộ) tri nhận như là thực tại hiện tượng.

Dù là từ quan điểm tuyệt đối thì tâm vốn thanh tịnh tự bản tính, song từ từ quan điểm công ước, sự thể nhận tâm thanh tịnh được giải thích như là sự giải thoát khỏi nhị nguyên tính huyễn tưởng về chủ thể và đối tượng, bị xem như là những tạp nhiễm che mờ bản tính thanh tịnh của tâm. Như thế, mặc dù Phật-tính hay chân lý không phải là một sản phẩm của những hoạt động tạo tác (hữu vi), thế nhưng từ quan điểm công ước, sự thành tựu chân lý phải được quan niệm như là một sự chuyển hóa của thế giới giả lập. Trong khuôn khổ của của Duy Thức, đây chính là sự thanh tịnh hóa những tạp nhiễm ngoại lai.

Do đó, đối với Asanga mục tiêu của toàn thể thực tại luận Duy Thức là để giải thích nguồn gốc và cơ cấu của tạp nhiễm và sự chuyễn di (transition) từ tạp nhiễm đến thanh tịnh. Theo Asanga phân tích thực tại luận phải dựa trên sự thể nhận cơ cấu tác động và của nền tảng trên ấy cả tạp nhiễm và tịnh hóa có thể được thiết lập. Chính trong khuôn khổ nầy mà Asanga phối hợp các khái niệm Duy Thức

(Vijnaptimatra) và Tàng Thức (Alayavijnana) vào hệ thống Duy Thức.

Asanga giới thiệu khái niệm Duy Thức để giải thích những diện hiện tượng và hiện sinh của nguồn gốc của thái độ duy thực phác tố. Trong khi Maitreyanatha chỉ giản dị phát biểu rằng thái độ duy thực phác tố nầy chỉ là sự kiến lập của tâm (tạp nhiễm) (cittamatra), Asanga muốn đưa ra một giải thích cụ thể cơ cấu tác động của sự kiến lập nầy. Chính trong khuôn khổ nầy mà Tàng Thức đóng một giai trò quan trọng.

1.3.3: Trisvabhava (Ba tự tính của sự vật) và Alayavijnana (Tàng Thức) theo Asanga: Một chiều kích khác của Tàng Thức trong hệ thống Duy Thức của Asanga có tính chất then chốt cho sự hiểu biết của chúng ta về khái niệm nầy chính là sự liên hệ tàng thức và ba tự tính theo quan điểm của Asanga. Như chúng ta đã thấy, từ quan điểm duy thực phác tố (tức là không giác ngộ), chúng ta áp đặt tự tính (tức là sự hiện hữu độc lập với tính cách riêng biệt) lên các sự vật. Theo Duy Thức thì tự tính ấy chỉ là một sản phẩm của ngôn ngữ và các phạm trù công ước, cho nên hoàn toàn không hiện hữu. Đặc tính nầy được gọi là tự tính giả lập (parikalpita-svabhava, lối dịch truyền thong gọi là biến kế sở chấp tự tính ). Tự tính nầy của sự vật thật ra (nếu không bị nhìn một cách sai lầm) được kiến lập bởi nhân (các nguyên nhân) và duyên (các điều kiện phụ thuộc đóng góp cho nhân), cho nên tuy có hiện hữu (một cách tùy thuộc vào nhân duyên), song không hiện hữu theo thể cách (thực hữu với thực tính) mà tự tính áp đặt lên nó. Bởi vì nó hiện hữu tùy thuộc nhân duyên nên tự tính nầy được gọi là tự tính tùy thuộc (paratantra -svabhava, lối dịch truyền thông gọi là ỏ y tha khởi tự tính). Sau cùng, một khi chúng ta đã nhận thức được thể cách hiện hữu thuần túy của tự tánh hệ thuộc (thoát khỏi các tự tính áp đặt lên nó bởi tự tính giả lập), chúng ta tri nhận được thể cách hiện hữu thực sự của sự vật, được gọi là tự tính tuyệt đối (parinispanna-svabhava, lối dịch truyền thống gọi là viên thành thực tự tính). Nói tóm, đây chính là thể cách thể hiện tính không của Duy Thức.

Trong Thực Tại Luận của Asanga, thực tại giả lập chỉ là thực tại chân thực bị tri nhận một cách sai lầm. Nói cách khác, thực tại thuần túy (bhavamatra) chính là tiến trình kiến lập mà chúng ta không thể xem là thật theo cái nhìn của duy thực phác tố chính là thể cách tri nhận thực tại thông thường của chúng ta. Thực tại thuần túy nầy chính là cái được gọi là abhutaparikalpa (hay tiến trình kiến lập không thể được xem là thực một cách cứu cánh) trong thuật ngữ của Maitreyanatha. Maitreyanatha phát biểu trong câu kệ đầu tiên của bộ Madhyantavibhaga (Biện Trung Biên Luận):

[I.1 Có sự kiến lập không thật [một cách cứu cánh]. Song trong đó không có nhị nguyên tính [chủ thể và đối tượng được giả lập là thật]. Trong [sự kiến lập không thật] đó tính không hiện hữu [như là thực tính của nó], và nó (tức là sự kiến lập không thật) cũng hiện hữu trong tính không (nghĩa là có tính cách không như là nền tảng thực tính của nó).

Cũng trong Madhyantavibhaga, Maitreyanatha lại đề ra cái gọi là ba thực tại (tattava) căn bản hay ba khái niệm thuyên thích để giải thích tất cả các phạm trù của sự vật:

[ I.5 ] [Các Tự Tính] giả lập, tùy thuộc và tuyệt đối được phát biểu từ những viễn cảnh của các đối tượng [giả lập], sự kiến lập không thật [một cách cứu cánh] và sự phi hữu của nhị nguyên tính [ của chủ thể và đối tượng giả lập].

Trong chương ba của bộ luận nầy, Maitreyanatha đưa ra một giải thích về ba tự tính giản lược như sau: (thực tại của) thái độ duy thực phác tố là một sản phẩm của tự tính giả lập, do đó, nó không hiện hữu trong ý nghĩa cứu cánh. Thực tại tùy thuộc (vào nhân duyên) hiện hữu, mặc dù không một cứu cánh, bởi vì nó là tiến trình kiến lập một thực tại thuần túy mà trong ý nghĩa cứu cánh vượt ngoài cái nhị nguyên tính áp đặt lên nó bởi tự tính giả lập. Tự tính tuyệt đối hiện hữu trong ý nghĩa cứu cánh, bởi vì nó hiện hữu như là chân tính của tự tính tùy thuộc, tự tính chân thực vượt ngoài nhị nguyên. Trong một trước tác khác của Maitreyanatha đưa ra một phương thức thực tiễn để nhận thức ba tự tính. Theo đó thì tự tính giả lập là đối tượng để tiêu trừ, tự tính tùy thuộc là đối tượng để tri nhận, và tự tính tuyệt đối là đối tượng để thể hiện. Asanga dường như chấp thuận phương thức về ba tự tính nầy của Maitreyanatha. Tuy nhiên, đối với ông ba tự tính chỉ đề ra một khái niệm thuyên thích để tiếp cận tất cả các phương diện khả tri của thực tại. Như thế có nghĩa là chúng ta vẫn cần một nền tảng hiện thực/hiện sinh hay nhân quả để giải thích thực tại. Trong một trước tác chính yếu của Asanga định nghĩa ba tự tính như là jneyalaksana hay những đặc tính của thực tại khả tri (nghĩa là đây là ba phương diện căn bản của thực tại, tri thức về chúng đưa dẫn chúng ta từ vô minh đến giác ngộ), và tàng thức như là jneyasraya hay nền tảng của thực tại khả tri. Điều nầy chứng tỏ rằng Asanga cảm thấy cần yếu phải thiết lập một nền tảng cho sự kiến lập các thế giới duy thực phác tố của chúng ta. Do đó, trong hệ thống của Asanga thì tàng thức là nền tảng cho cả tạp nhiễm và thanh tịnh.

1.4 : Asanga và Sự Phối Hợp Tàng Thức vào Thế Giới Quan Duy Thức: Lambrert Schmithausen trong tác phẩm có thể nói là lần đầu tiên chuyên nghiên cứu về khái niệm tàng thức vạch ra rằng tàng thức lần đầu tiên được viện đến trong bộ Yogacara (Du Già Sư Địa Luận) chính yếu lien quan đến khái niệm nirodhasamapatti (diệt tận định). Nói cách khác, theo Schmithausen tàng thức chỉ được quan niệm như là một ý thức kéo dài, như thể một thứ nền tảng duy trì sự liên tực của đời sống khi thiền giả chìm trong thiền định khi ấy tất cả các thức (consciousness) khác đều gián đoạn. Theo Schmithausen Duy Thức sơ thời không hề liên kết tàng thức với triết lý duy tâm (vijnaptimatra). Tuy nhiên, tàng thức được phát triển đồng thời với những khái niệm then chốt khác và được hoạt định để phối hợp vào hệ thống Duy Thức từ rất sớm bởi Asanga.

1.5 : Ý Nghĩa và Tác Năng của Tàng Thức trong Hệ Thống Duy Thức của Asanga: Sau khi đã qui định khuôn khổ thuyên thích để tri nhận tàng thức trong toàn thể hệ thống Duy Thức, bây giờ chúng ta có thể khảo xét các ý nghĩa và tác năng căn bản của khái niệm nầy như đã được bày tỏ trong các trước tác của Asanga.

1.5.1 Tàng Thức và Duyên Khởi. Theo các nhà Duy Thức và Đại Thừa nói chung, dị biệt cốt yếu giữa thế giới quan Phật Giáo và những thế giới quan khác là sự dị biệt giữa duyên khởi luận và duy thực luận phác tố: Duyên khởi luận nhắm nhìn sự vật (cả tinh thần lẫn vật chất) như là những sản phẩm của sự tương hệ nhân quả giữa các thành tố hiện hữu khác nhau. Chính bởi vì các sự vật xuất hiện tùy thuộc vào một tiến trình duyên khởi bên ngoài chúng, mà chúng được xem là không có tự tính (do đó gọi là không). Duy thực luận phác tố trái lại xem thực tại như là gồm các sự vật hiện hữu một cách độc lập với đặc tính cố định (tự tính).

Tóm lại, sự dị biệt chính yếu giữa thực tại luận duyên khởi của Phật Giáo và duy thực luận phác tố được phát biểu như sau: đối với duy thực luận phác tố thì thực tại mà chúng ta đối diện gồm những thực thể hiện hữu sẵn. Đó là thực tại mà thực tính của nó có thể được hiển lộ bằng một hệ thống ngôn ngữ tự túc (autonomous) phản ánh nó trong mối liên hệ trực tiếp, giản đơn, trong sáng giữa ngôn ngữ và sự vật. Đó là thực tại mà nguyên nhân tối hậu của nó có thể được thiết lập, qua một tiến trình thối lui và qui giảm, trên một nguyên lý được thực hóa (reified). Duyên khởi luận giải thích rằng cái thực tại mà chúng ta đối diện không ngớt được kiến lập qua cơ cấu tác động của nguyên lý nhân quả. Asanga định nghĩa tàng thức như là nền tảng của tiến trình nầy. Tuy nhiên, ông thiết lập tàng thức như là nền tảng nhân quả của thực tại để giải minh tiến trình hiện hành của nó và để chứng tỏ rằng tàng thức không thể được thực hóa, nghĩa là xem như một thực thể tối hậu.

Chương đầu của bộ Mahayanasamgraha là để giải minh khái niệm tàng thức mà Asanga gọi là nền tảng thực tại khả tri. Asanga giải thích rằng Bồ Tát (nghĩa là những người chấp nhận giáo lý Phật Giáo và nỗ lực thực hiện giáo lý ấy) trước tiên phải hiểu nguyên do của sự vật (dharmahetu), và để thực hiện điều nầy, họ phải hiểu được giáo lý duyên khởi. Điều nầy có nghĩa là nhận thức được rằng thực tại mà các tâm thức không giác ngộ tri nhận như thể là gồm các thực thể thực hữu, thì không thực trên phương diện tuyệt đối, mà chỉ là sản phẩm dựa trên tàng thức như là nguyên do sinh khởi (janakahetu). Do đó, tàng thức tượng trưng cho nền tảng (và cơ cấu tác năng) từ đó thế giới kinh nghiệm của con người được kiến lập. Tàng thức là trung tâm của tất cả yếu tố khách thể và chủ thể đóng góp vào sự kiến lập một thế giới giả tưởng. Như thế, tàng thức bao hàm cơ cấu hiện hữu cũng như thể cách kinh nghiệm thế giới của một tâm thức không giác ngộ.

1.5.2: Tàng Thức và Khuôn Mẫu Thực Tại Luận của Duyên Khởi: Cần phải ghi nhận ở đây rằng sự phân biệt bởi Asanga giữa Khuôn Mẫu Thực Tại Luận (ontological) của Duyên Khởi và khuôn mẫu cảm ứng (affective) của duyên khởi. Trong khuôn khổ giải thích (interpretive framework) nầy, sự kiến lập các sự vật dựa trên tàng thức tượng trưng cho khuôn mẫu thực tại luận của duyên khởi. Đó bởi vì tàng thức chính là nguyên nhân áp đặt các tự tính lên các hiện tượng (được phát sinh bởi duyên khởi). Còn duyên khởi với mười hai thành tố nền tảng kia chính là khuôn mẫu cảm ứng, bởi vì nó cung ứng nguyên do quyết định về hiện hữu tốt hay xấu trong các cõi hữu khác nhau.

Như thế khuôn mẫu nhân quả (dựa trên) tàng thức là để phân tích cơ cấu tác động của sự áp đặt các tự tín lên sự vật, tức là, để phân tích sự kiến lập thế giới duy thực phác tố. Từ viễn cảnh chủ thể, đó là sự xác nhận một thế giới của của những đối tượng hiện hữu độc lập với nhau. Trong khuôn khổ thuyên thích nầy, tàng thức phù hợp với thực tại luận ba tự tính. Thực tại luận nầy có mục đích giải thích sự thể nhận ý nghĩa đích thực của duyên khởi (tức là tánh không) bằng cách phân tách ý nghĩa của tự tính từ các viễn cảnh công ước lẫn tuyệt đối. Trong ý nghĩa nầy tàng thức đồng nhất với duyên khởi. Một cách đặc thù hơn nữa, tàng thức là nền tảng cụ thể và cơ cấu tác năng của những phương diện thực tại thuyên thích của duyên khởi.

Cần phải lưu ý ở đây là tàng thức không chỉ đề cập đến tâm thức chủ thể nhận thức, chính nó chỉ là một trong những kiến lập trong thế giới duy thực phác tố nhị nguyên dựa trên tàng thức. Nói cách khác, tàng thức chính là trung tâm của, và công cụ cho, sự kiến lập chủ thể và khách thể được cho là thực hữu.

Trong thuật ngữ của Asanga, tòan thể cơ cấu tác năng của tàng thức được đề cập đến như là jneyasraya, nền tảng của đối tượng [của nhận thức]. Đối tượng [của nhận thức] ở đây chỉ ba tự tính, bởi vì theo những nhà Duy thức thì ba tự tính bao gồm tất cả cơ cấu thuyên thích khả hữu của thực tại.

Nghĩa là tàng thức đem lại thể chất cho toàn thể tiến trình tri nhận thực tại bao gồm trong ba tự tính. Nói tóm, ba tự tính là những phạm trù giải thích trừu tượng để nhận thức thực tại như là đối tượng của tri thức, trong khi tàng thức là nền tảng cung ứng những dữ kiện chất thể cho thực tại. Như thế là bởi vì tàng thức là nguyên do cho sự áp đặt các tự tính lên thành tố chủ thể lẫn khách thể của thực tại. Khi các hoạt động huyễn hóa được nhận thức, người ta đạt được thực tại chân thực.

1.5.3: Tàng Thức và Tự Tính Tùy Thuộc (Paratantra): Theo Asanga tri nhận thực tại được đặt trên kiến thức về tự tính tùy thuộc hay duyên khởi. Tự tính giả lập (parikalpita) chỉ thể cách tri giác trong ấy tự tính tùy thuộc được thực hóa, trong khi tự tính tuyệt đối (parinispanna) chỉ ý thức giác ngộ nhìn tự tính tùy thuộc một cách trung thực như là hiển lộ phi thực tính của chủ thể và đối tượng. Do đó, trong Duy Thức tùy thuộc được giải thích là không phải là hiện hữu mà cũng không phải là không hiện hữu. Theo Asanga, tự tính tùy thuộc là thực tại thuần túy để chúng ta tri nhận, trong khi tự tính giả lập và tự tính tuyệt đối tượng trưng cho hai thể cách tri nhận thực tại nầy. Tóm lại, tự tính tùy thuộc chỉ duyên khởi trong phương diện thực tại/tri thức của nó, trong khi tàng thức tượng trưng cho nền tảng hiện thực và cơ cấu tác động của duyên khởi. Sự liên hệ giữa tự tính tùy thuộc và tàng thức thì hết sức là then chốt trong vai trò mà tàng thức đóng trong giải thoát luận của Asanga.

1.5.4: Tàng Thức Như Là Kho Chứa Tất Cả Những Chủng Tử (Sarvabijaka) Hay Nguyên Nhân Phát Sinh (Janakahetu) của thực tại kiến lập: Thế giới duy thực phác tố dựa trên một nguyên lý được thực hóa (reified) và xem đó là nguyên do cứu cánhcủa tất cả các sự vượt được xem là thực hữu. Mặc dù tàng thức được xem là nguyên nhân phát sinh của tất cả các hiện tượng giả lập, chúng ta không thể thực hóa nó thành nguyên nhân cứu cánh. Tàng thức chỉ là một nền tảng năng động tàng trữ các chũng tử (bija) nhận thức hay ấn tượng (vasana) và đãi lọc chúng trở lại trạng thái nhận thức hiện hành. Do đó mà trong hệ thống Duy Thức của Asanga tàng thức được gọi là sarvabijaka (kho chứa các chủng tử) và vipaka (thành thục), nghĩa là làm các chủng tử chín mùi (thành thục) thành kinh nghiệm tri giác. Tàng thức được định nghĩa như là nguyên nhân phát sinh của tất cả các hiện tượng giả lập bởi vì nó luôn luôn hiện diện như là nguyên nhân của các hiện tượng nầy. Tuy nhiên, tàng thức là một tiến trình chứ không phải là một thực thể; tàng thức chỉ là kho chứa các chủng tử nhận thức và ấn tượng nầy (chính chúng lại là quả của hiện tượng tạp nhiễm). Điều nầy giải thích sự kiện rằng Asanga nhấn mạnh rằng tàng thức đồng nhất với các chủng tử nhận thức. Tàng thức cũng không phải là một nguyên nhân cứu cánh được thực hóa bởi vì nó sẽ ngưng hiện hữu khi người ta đạt được một kiến thức đúng về nhân quả. Một cách vắn tắt, trên bình diện hiện tượng tàng thức chỉ hiện diện như là nền tảng cụ thể cho sự kiến lập của chủ thể được xem là thực hữu (ngã) và các đối tượng được xem là thực hữu (pháp). Khi chúng ta đạt đến mức độ nào đó của nhận thức, mà trong khuôn khổ của con đường tu quán Phật Giáo gọi là giải thoát (nghĩa là một nhận thức không còn chấp vào thực ngã và thực pháp), tàng thức sẽ không còn hiện hữu nữa. Ít ra, đây là giải thích của Vasubandhu.

1.5.4.1: Tàng Thức và Duy Thức (Vijnaptimatra): Duy thực phác tố (naĩve realism) xem chủ thể và đối tượng như là những sự vật thực hữu sản sinh bởi một nguyên nhân thực hữu. Tuy nhiên, theo Asanga thì tất cả mọi sự vật phát sinh tùy thuộc (vào nững sự vật khác nữa như là nhân duyên ad infinitum) thì không thực hữu một cách tuyệt đối. Những sự vật nầy chỉ là vijnapti [các hiện tượng được đãi lọc theo nhận thức dựa trên ngôn ngữ và tinh thần (Geist) tập thể qua hình thức những phạm trù công ước] (cognitively processed phenomena) dựa trên các chủng tử tàng trữ trong tàng thức. Asanga dịnh nghĩa tự tính tùy thuộc hay duyên khởi như là abhutaparikalpa (sự kiến lập không thực hữu một cách tuyệt đối) với ý nghĩa là nó là nền tảng cho sự hiển hiện (abhasraya) của các sự vật phi hữu và giả tưởng. Do đó những sự vật nầy là vijnapti (sự đãi lọc của tiến trình chuyển biến của nhận thức). Như thế, những sự phát sinh qua duyên khởi chỉ là vijnaptimatra (duy thức), bởi vì không có đối tượng thực hữu bên ngoài thức (nghĩa là không có những đối tượng thực hữu sẵn, bất biến, với tự tính bên ngoài tiến trình chuyển biến của nhận thức).

Những sự vật xuất hiện như thể thực hữu môt cách tuyệt đối với các tự tính thiệt ra chỉ phản ánh thể cách nhận thức (phi giác ngộ) của chúng ta về chúng; chứ không nhứt thiết là những sự vật nầy được nhận thức chính xác trong thực tính của chúng. Asanga đồng hóa duy thức (vijnaptimatra) với tâm thức (vijnanamatra). Asanga cũng dùng ẩn dụ mộng để giải minh quan điểm của ông: trong một giấc mộng, mặc dù chỉ có tâm thức, chứ không có đối tượng (artha), song nhiều đối tượng xuất hiện. Do đó Asanga kết luận, chúng ta biết rằng sự xuất hiện của các đối tượng (theo một thể cách nào đó) không nhất thiết có nghĩa là chúng hiện hữu (đúng như thế) ngoài kia.

Như thế, theo Asanga, sự xuất hiện của các đối tượng trong nhận thức của chúng ta không phản ánh bản tính chân thực của chúng ta mà chỉ là một sự chuyển hóa hay hiện hành của vijnapti hiện hữu trong hình thức ấn tượng nhận thức hay chũng tử trong tâm thức chúng ta. Đây chính là ý nghĩa của lời phát biểu của Asanga rằng sự xuất hiện của những đối tượng (giả tưởng) trong nhận thức của chúng ta không phản ánh thể cách hiện hữu chân thực của chúng bên ngoài nhận thức của chúng ta mà chỉ là kết quả của khoảnh khắc nhận thức đi trước (được tàng trữ trong tàng thức trong hình thức của những chủng tử hay ấn tượng).

Một tiến trình nhận thức (vijnapti) như thế gồm ở chỗ tàng trữ và hiện hành các chủng tử nhận thức này; chính tác năng của tàng thức cùng với các thể cách nhận thức khác dựa trên tàng thức. Do đó, tàng thức được định nghĩa là một tâm tức tàng trữ tất cả các chũng tử và hiện hành hóa chúng (nghĩa là làm cho các chũng tử nầy chính muồi). Như thế có nghĩa là tàng thức là kho chứa; chứa những chủng tử nhận thức và duy trì sự liên tục của thực tại hiện tượng (có nghĩa là thực tại tùy thuộc vào nhân duyên). Trong tác năng thu thập các ấn tượng nhận thức đi trước nầy, Asanga đồng hóa tàng thức với tâm (citta) trong thành ngữ ba nhánh tâm, ý, và thức. Tiến trình nhận thức nầy bao gồm không những sự thu thập và duy trì các chủng tử nhận thức, mà cả sự hiện hành hóa chúng nữa. Do đó, tiến trình nhận thức nầy bao gồm các tác năng ở cả bình diện nhân lẫn bình diện quả: Ở bình diện nhân thì tàng thức (tâm) tàng trữ và cung cấp các chủng tử nhận thức. Khi điều kiện hội đủ để (những) chủng tử nhận thức nào đó trở thành một hành động nhận thức hiện hành (tức là ở bình diện quả), thì chính chuyển thức đóng vai trò hiện hành hóa hành động nhận thức nầy. Chuyển thức ở đây bao gồm (năm hình thức của) thức cảm quan tri nhận những đối tượng đặc thù, ý thức duy trì và khái niệm hóa những tri giác rời rạc gián đọan của cảm thức, và ý hay sự suy tư tạp nhiễm (còn được gọi là mana hay mạt na thức, theo lối dịch truyền thống) kiến lập một sở hữu chủ thường hằng sở hữu những hành động nhận thức rời rạc và gián đoạn kia. (Do đó, theo Duy Thức thì ngã cũng là một kiến lập (construct) chứ không phải là một thực thể tiên thiên). Trong thuật ngữ của Asanga,vijnaptimatra có nghĩa là tác năng của cả tàng thức lẫn chuyển thức (pravrttivijnana) trong hình thức của sự suy tư tạp nhiễm (mana)và các thức cảm quan.

Tóm lại, duy thức (vijnaptimatra) không hề có nghĩa là một thứ duy tâm chủ quan (subjective idealism) xem thế giới ngoại tại chỉ là sản phẩm của tâm thức chủ thể hay một thứ hư vô chủ nghĩa xem tâm là tạo hóa tạo ra mọi giá trị. Thật ra, thực tại luận tàng thức dựa trên nền tảng ba tự tính chỉ nhắm vạch ra rằng nền tảng trên ấy chúng ta đặt nhận thức về thực tại của mình, phân tích một cách rốt ráo, chẳng là gì khác hơn một giả lập. Nói cách khác, Duy Thức không hề chối bỏ một thế giới ngoài kia, mà chỉ muốn nói rằng khi nào mà nhận thức của chúng ta về thế giới còn dựa trên một thái độ nhận thức sai lầm (nghĩa là trên sự giả lập của các phạm trù chủ thể/ khách thể được xem, một cách thiếu phê phán, là thực hữu) thì khi ấy nhận thức ấy không hề phản ánh chân thực cái thế giới kia mà chỉ là một sản phẩm của tiến trình chuyển biến của nhận thức (duy thức), do đó nhận thức ấy không thể được xem là đúng.

1.5.5: Tàng Thức Như Là Sự Hiện Hành Hóa (Vipaka) Các Chủng Tử Nhận Thức Hay Là Cơ Cấu Tác Động Của Duyên Khởi: Như thế tàng thức không những tàng chứa các chủng tử nhận thức mà còn hiện hành hóa hay làm chín muồi các chủng tử đã được tàng trữ nầy thành các hoạt động nhận thức hiện tại. Tiến trình này được gọi là hiện hành hóa (vipaka). Chính vì thế mà tàng thức cũng được gọi là vipakavijnana (thức có tác năng hiện hành hóa các chủng tử nhận thức) trong tiến trình chuyển hóa của vijnaptimatra. Đây là bởi vì trong tiến trình nhận thức nầy tàng thức với tư cách là kho chứa các chủng tử nhận thức tác động như là nhân, trong khi chuyển thức tác động như là quả trong ý nghĩa biến những chủng tử kia thành kết quả.

Vipaka ám chỉ tiến trình trong ấy các ấn tượng của những hoạt động nhận thức đi trước được hiện hành hóa bởi tàng thức. Tàng thức được cấu tạo bởi các chủng tử hay ấn tượng của các hoạt động nhận thức đi trước được tàng trữ như là nguyên nhân tiềm tàng cho các hoạt động nhận thức trong tương lai. Rồi khi có các diều kiện nguyên nhân thích hợp, một tiến trình kiến lập nhận thức hiện tại được hiện hành bởi chuyển thức. Như thế theo quan điểm Duy Thức, đời sống con người là tiến trình những hành động nhận thức tri giác thế giới qua lăng kính của các phạm trù giả tưởng của chủ thể và đối tượng như là thực hữu, và bị xung động để đáp ứng lại các hiện tượng giả tưởng được kiến lập bởi sự chuyển hóa của tàng thức nầy.

Điều quan trọng là chúng ta cần lưu ý rằng vipaka ám chỉ cả các tác năng nhận thức lẫn sinh lý của tàng thức. Như thế có nghĩa là tàng thức không những chỉ tàng trữ các chủng tử của thể cách suy nghĩ nhị nguyên và phục sinh chúng trong thể cách tri nhận hiện sinh về chủ thể và đối tượng, mà trên bình diện hiện sinh (existential), tàng thức cũng duy trì các chủng tử, thiện hay ác, và hiện hành hóa chúng trong đời sống tương lai.

2.-Từ Thực Tại Luận Đến Giải Thoát Luận: Tàng Thức Và Chuyển Y
(Asrayaparavrtti):

2.1: Tàng Thức Như là Nền Tảng Cho Cả Tạp Nhiễm Lẫn Tịnh Hóa: Như thế tàng thức là căn bản duy trì và cung cấp các chủng tử cho sự kiến lập (thế giới) duy thực phác tố được hiện hành hóa trong các hoat động của chuyển thức. Không có sự chống đở duy trì của tàng thức như thể là nguyên nhân luôn luôn hiện diện thì sẽ không có nền tảng cho các hiện tượng tạp nhiễm đem lại bởi chuyển thức tự nó vốn gián đoạn. Do đó tàng thức được xem là nền tảng của tạp nhiễm. Tàng thức lại cũng được xem là nền tảng của tịnh hóa. Như thế bởi vì tịnh hóa không là gì khác hơn sự tịnh hóa hết cái tạp nhiễm kia.

Nói cách khác, sự thành tựu toàn tri, hay trong ngôn ngữ của Maitreyanatha. Tâm (nhận thức) thực tại chân thực (dharmatacitta), nằm ở chỗ tri nhận cơ cấu và tác năng của tàng thức. Như thế, nếu không có tàng thức thì không thể thành lập tạp nhiễm hay tịnh hóa được. (Lưu ý rằng điều nầy hết sức then chốt là bởi vì mục tiêu tối hậu của toàn thể thế giới quan và con đường của Phật Giáo, cũng như tất cả các tôn giáo khác, nằm ở chỗ thành tựu giải thoát--định nghĩa khác nhau tùy theo từng truyền thống. Nói một cách hết sức tóm lược, trong thế giới quan Phật Giáo giải thoát có nghĩa là khôi phục lại thanh tịnh cố hữu của tâm thức bị che mờ bởi tạp nhiễm tạm thời ngoại lai. Cho nên dù là trên mặt tuyệt đối thì tâm vốn thanh tịnh tự bản tính, song ít ra trên mặt công ước chúng ta vẫn phải giải thích nguyên do và cơ cấu của tạp nhiễm bởi vì giải thoát chính là sự tịnh hóa tạp nhiễm nầy. Nếu không hẳn chúng ta sẽ rơi vào một thứ hư vô chủ nghĩa). Như thế có nghĩa là tàng thức là nền tảng cho cả sự thể hiện thực tại lẫn thành tựu giải thoát trong tư tưởng Duy Thức của Asanga. Chính vì thế mà Asanga phát biểu rằng không có nền tảng nầy (tức là tàng thức) tàng trữ tất cả chủng tử và tác động như là một tiến trình hiện hành hóa các chủng tử ấy, thì không thể nào chúng ta thiết lập tạp nhiễm hay tịnh hóa được. Không thể có tịnh hóa được bởi vì không có nền tảng (asraya) để chuyển hóa.

2.2: Tự Tính Tùy Thuộc (Paratantra) và Chuyển Y

(Asrayaparavrtti): Asanga định nghĩa thành tựu giải thoát sự thành tựu giác ngộ (bodhi) là chuyển y. Asanga giải thích chuyển y từ viễn cảnh của tự tính tùy thuộc lẫn tàng thức. Đó là bởi vì chuyển y có thể được quan niệm từ thuyên thích lẫn phương diện hiện sinh. Chúng ta đã biết rằng theo Duy Thức thì giải thoát hay một tri thức đúng về thực tại chỉ có thể đạt được qua sự quán sát ba tự tính. Song, như đã đề cập, theo Asanga thì tự tính tùy thuộc là nền tảng của ba tự tính, cho nên giải thoát--được quan niệm là sự xoay chuyển cái nền tảng (y chỉ) nhận thức của con người hay chuyển y--phải được thành tựu nơi tự tính tùy thuộc. Trang bị với kiến thức về sự liên hệ giữa tàng thức và tự tính tùy thuộc, trước tiên chúng ta thử thẩm xét tự tính tùy thuộc và chuyển y.

Theo Asanga chuyển y là một tiến trình nhận thức thực từ tất cả mọi phương diện liên hệ đến kinh nghiệm của chúng ta. Trong thực tại luận của Asanga tất cả mọi phương diện của thực tại được thu gọn trong ba tự tính đã được giải thích vắn tắt ở trên. Ba tự tính nầy giải minh thể cách mà thực tại sinh khởi (tự tính tùy thuộc), thể cách mà thực tại được tri giác bởi tâm thức của con người dựa trên thái độ duy thực phác tố (tự tính giả lập), và thực tính của thực tại sinh khởi kia (tự tính tuyệt đối).

Theo Asanga thì tự tính tùy thuộc là thực tại thuần túy. Luân hồi (samsara) và niết bàn (nirvana) là những phương diện tạp nhiễm và thanh tịnh của cùng một thực tại. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tự tính tùy thuộc có hai phương diện dị biệt thực sự. Vấn đề chỉ là tự tính tùy thuộc được tri giác sai hay đúng.Khi tự tính tùy thuộc được tri giác sai lầm thì chúng ta có --thay vì một thế giới của những hiện tượng tùy thuộc-- một thực tại giả tưởng của những chủ thể tự túc và các đối tượng hiện hữu độc lập. Khi tự tính tùy thuộc được tri nhận đúng trong thực tính của nó, nó hiển lộ thực tại chân thực (tự tính tuyệt đối) vượt trên nhị nguyên tính giả tưởng của chủ thể và đối tượng. Trong ngôn ngữ tri thức luận, thể cách tri nhận thực tại (tattvajnana) này được gọi là nirvikalpajnana (vô phân biệt trí) hay sarvajnatva (toàn tri) trong Duy Thức. Đây là thể cách nhận thức siêu việt tất cả những giới hạn của (thế giới) của duy thực phác tố và trực tiếp nhận thức cơ cấu duyên khởi của thực tại. Tự tính tùy thuộc do đó được định nghĩa là nền tảng lưỡng diện bởi vì nó là nền tảng cho tất cả thực tại tạp nhiễm lẫn thực tại thanh tịnh cũng như hai thể cách nhận thức.

Do đó, chuyển y là một hành động lưỡng diện nằm ở chỗ gạt bỏ phương diện tạp nhiễm của tự tính tùy thuộc và phục hồi lại phương diện thanh tịnh của nó. Ở đây cần lưu ý rằng đối với các nhà Duy Thức thì chuyển y, nhìn từ cả hai viễn cảnh hiện tượng và tuyệt đối, chỉ thể cách hiện hữu của Phật (tức tâm thức giác ngộ). Như thế trí (jnana) của Phật luôn luôn trụ trong tác năng lưỡng diện đồng thời tri nhận thực tại hiện tượng và thực tại tuyệt đối.
Điều nầy hiển lộ một phương diện lý thú của những hàm ngụ giải thoát hạnh của Phật -trí.

2.3 : Tàng Thức Và Pháp Thân (Dharmakaya) Trong Chuyển Y Theo Asanga: Nếu như [phương diện tạp nhiễm] của tự tính tùy thuộc tượng trưng cho cái nền tảng trên ấy một thực tại giả lập được áp đặt và do đó cần bị gạt bỏ, thì tàng thức tượng trưng cho nền tảng thể chất cho sự kiến lập của cái thực tại qui kỷ, giả tưởng nầy. Do đó, chuyển y cũng liên hệ đến gạt bỏ hay chuyển hóa tàng thức. Theo triết học Duy Thức, sự chuyển hóa tàng thức đem lại sự thành tựu Pháp Thân (Dharmakaya) hay yếu tính của Phật.

Trong ngôn ngữ của giải thoát luận, giác ngộ hay thực tại chân thực với tất cả những hàm ngụ giải thoát hạnh được bao gồm trong khái niệm về tam thân của Phật. Tam thân là Pháp Thân (Dharmakaya), Báo Thân (Sambhoga-kaya), và Hóa Thân (Nirmanakaya). Khái niệm tam thân này bao gồm tất cả mọi khía cạnh thần luận (theological) của Duy Thức. Pháp Thân là yếu tính của Phật hay giác ngộ hoàn toàn siệu việt. Song, tuy rằng trên bình diện tuyệt đối thì Phật (tức Pháp Thân) vượt trên tất cả phạm trù hiện tượng, nên phương diện công ước Phật--được xem là kết quả của tiến trình tu tập trí huệ và đức hạnh--vẫn có thể được xem là hiện thân của những đặc tính giác ngộ như toàn tri, từ bi,v.v. Đây chính là Báo Thân của Phật. Sau hết, tuy rằng yếu tính của giải thoát là hoàn toàn siêu việt (Pháp Thân), Phật có khả năng biểu hiện dưới vô vàn hình thức khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau để thực hành những hành động giải thoát. Đây chính là Hóa Thân của Phật. Pháp Thân là yếu tính và nền tảng trên đó hai thân kia xuất hiện như là những biểu hiện và tác năng.

Trong thực tại luận của Asanga tàng thức là nền tảng trên ấy nhận thức của con người kiến lập cái nhìn huyễn tưởng của mình về thực tại công ước (tức là sự áp đặt tự tính giả lập lên tự tính tùy thuộc). Tàng thức cung ứng nền tảng cho thể cách nhận thức của con người bình thường. Đây là toàn thể- thế- giới -sống (life-world) của con người. Như thế tàng thức được xem là nền tảng của cho tất cả các thành tố đưa dẫn đến sự kiến lập một cái nhìn qui kỷ dựa trên thái độ duy thực phác tố. Chính vì thế mà Asanga tuyên bố rằng nếu không quán sát tàng thức một cách rõ ràng chân thực, người ta không thể mong đạt đến toàn tri (tức là bản tính của Phật- thể mà Pháp Thân chính là nền tảng). Như thế có nghĩa là trừ phi người ta biết rằng chủ thể và đối tượng được giả định là thật mà chúng ta tri nhận thực tại hiện tượng chỉ phát sinh từ sự chuyển hóa nhân quả của các hiện tượng nhận thức trong tàng thức, người ta sẽ chấp trước vào cái thực tại giả tưởng của nó và do đó không thể đạt được toàn tri.

Do đó, sự thành tựu giác ngộ phải liên hệ đến sự chuyển hóa thế-giới-sống nay thành Phật -giới (Dharmadhatu). Đây chính là sự chuyển hóa tàng thức thành Pháp thân Phật. Pháp Thân nầy là nền tảng cho một nhận thức giác ngộ vượt trên bất cứ giới hạn nào của lối suy nghĩ nhị nguyên dựa trên thái độ duy thực phác tố. Pháp thân là nền tảng của toàn tri hay vô phân biệt trí. Sự chuyển hóa này đưa đến không những sự gạt bỏ lỗi lầm nhận thức, mà quan trọng không kém, sự gạt bỏ thể cách qui kỷ đối với thế giới bị qui định bởi tham lam, gây hấn, sợ hãi, và vô minh--những phiền não chính yếu đi kèm quan điểm qui kỷ dựa trên tàng thức.

Bởi vì tang thức là nền tảng hiện sinh/hiện thực của hiện hữu trong cả chiều kích nhận thức lẫn chiều kích sinh lý/tâm lý, sự chuyển hóa tàng thức không những đem lại sự thành tựu về mặt nhận thức mà còn chuyển hóa tất cả tiềm năng của con người thành các đặc tính Phật (hay giác ngộ). Do đó, khi tàng thức được chuyển hóa, người ta đạt được Pháp Thân hay vô phân biệt trí (toàn tri), phương diện nhận thức của Pháp Thân.

3. Kết Luận : Hi vọng rằng những nhận định trên mở ra một vài lối nhìn mới về Duy Thức tông. Trước hết, không thể đồng hóa toàn thể thế giới quan Duy Thức (Yogacara) với hệ thống vijnaptimatra của Asanga và Vasubandhu. Thật ra, sự phối hợp của của tàng thức cùng với vijnaptimatra phản ánh một xu hướng mới trong sự phát triển của thế giới quan Duy Thức. Đó là một thay đổi về phương diện thuyên thích : một chuyển di từ thực tại cứu cánh sang thực tại hiện tượng như là nền tảng (asraya) của cả thực tại luận lẫn giải thoát luận. Đối với Asanga (và cả Vasubandhu), sự thành tựu giải thoát đạt cao điểm ở chuyển y bao hàm một kiến thức đúng về cơ cấu của thực tại giả lập lẫn sự giải kiến của nó. Chúng ta phải thẩm xét sự kiện rằng việc thay đổi từ sự nhấn mạnh vào thực tại cứu cánh sang thực tại hiện tượng (hay trong ngôn ngữ của Duy Thức, từ dharmatacitta hay tâm thực tại chân thực sang alayavijnana (hay tàng thức) như là nền tảng của tạp nhiễm lẫn tịnh hóa trong thực tại luận Duy Thức khởi xướng bởi Asanga cũng phản ánh luôn giải thích của ông về tu tập.

Một kiến thức chính xác về sự phát triển trên phương diện lịch sử và ý niệm của thực tại luận alayavijnana/vijnaptimatra cũng chiếu rọi ánh sáng lên một vấn đề trong lịch sử Phật Giáo. Quả thật rằng sự phát triển triết lý trong các tông phái khác nhau trong Phật Giáo không phải là một liên tục đơn thuần mà thông thường hơn là một phát triển phê phán đối với các tông phái đi trước. Song sự phát triển phê phán này không nhứt thiết có tính cách bài bác như các truyền thống sau và nền nghiên cứu hiện đại giải thích.

Cả các nhà Trung Quán lẫn các nhà Duy Thức đều nỗ lực giải thích duyên khởi luận, Nagarjuna, người được truyền thống xem là sáng lập Trung Quán tông, giải thích rằng duyên khởi luận có mục đích vạch ra rằng các sự vật không có tự tính. Đây cũng là giáo lý trung đạo (madhyama-pratipad) của Phật. Maitreyanatha dùng khái niệm ba tự tính để giải minh cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn của duyên khởi và trung đạo. Asanga dường như lại cho rằng trong khi khái niệm ba tự tính đủ để giải minh trung đạo, tàng thức cung ứng một nền tảng cụ thể cho sự tác thành của duyên khởi.

Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ rằng sự phát triển của khái niệm tàng thức (và vijnaptimatra) là một nỗ lực của Asanga để giải minh các vấn đề then chốt trong triết lý Duy Thức. Nói một cách khác, đó là một sự phát triển trong thế giới quan của Duy Thức chứ không có vẻ như là một phê bình (critique) triết lý Trung Quán, đúng hơn còn là một phát triển bổ xung cho Trung Quán. Chúng ta nhận thấy trong khi sunyata (tính không) chỉ có hàm ý giải kiến (deconstructive implication) về duyên khởi thì tàng thức nhắm giải thích tiến trình sinh khởi từ quan điểm duyên khởi. Tàng thức ngụ ý rằng các sự vật được giả tưởng là có tự tính thật ra được tạo thành bởi các tiến trình nhận thức (vijnapti), và do đó không có cái tự tính giả tưởng kia. Nhìn từ một viễn cảnh chính xác, khái niệm tàng thức cũng được hoạch định để giải kiến thái độ duy thực phác tố. Do đó không hề có sự bất nhất giữa tính không và tàng thức. Xem hai khái niệm tính không và tàng thức như là tiêu biểu trọn vẹn cho Trung Quán và Duy Thức.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com