- Lược dẫn
- Phẩm 1: Mở đầu
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Ví dụ
- Phẩm 4: Tin hiểu
- Phẩm 5: Cây Cỏ
- Phẩm 6: Thọ ký
- Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa
- Phẩm 8: Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký
- Phẩm 9: Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất
- Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Kính giữ Pháp Hoa
- Phẩm 14: Sống yên vui
- Phẩm 15: Từ đất xuất hiện
- Phẩm 16: Sự sống lâu của đức Thế Tôn
- Phẩm 17: Phân tích thành quả
- Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
- Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 20: Bồ tát Thường bất Khinh
- Phẩm 21: Sức thần của đức Thế Tôn
- Phẩm 22: Giao phó trọng trách
- Phẩm 23: Việc cũ của bồ tát Dược Vương
- Phẩm 24: Bồ tát Diệu Âm
- Phẩm 25: Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện
- Phẩm 26: Tổng trì minh chú
- Phẩm 27: Việc Cũ Của Diệu Trang Nghiêm Vương
- Phẩm 28: Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền
- Sao lục 1: Phẩm Phổ Hiền
- Sao lục 2: Toát yếu Pháp Hoa
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch
Cuốn 6
Phẩm 21:Sức thần của đức Thế Tôn
Lúc bấy giờ các vị đại bồ tát đã từ đất dũng xuất và nhiều bằng bụi nhỏ nghiền một ngàn thế giới hệ, đều đối trước đức Thế Tôn chuyên chú mà chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của ngài, thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, sau khi ngài nhập diệt, chúng con sẽ ở trong bao nhiêu quốc độ phân thân của ngài đã ở và sẽ nhập diệt mà diễn giảng rộng rãi về kinh Pháp Hoa. Chúng con làm như vậy là vì bản thân chúng con cũng muốn được cái pháp vĩ đại, trong sáng và chân thật ấy để hiến cúng bằng cách tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành...
Khi ấy, trước chúng đại bồ tát nhiều đến vô số trăm ngàn vạn ức và đã ở tại thế giới hệ Kham nhẫn này, đại loại như đại bồ tát Văn Thù; trước bốn chúng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; trước tám bộ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, những người mà không phải người; trước tất cả các chúng như vậy, đức Thế Tôn biểu hiện thần lực vĩ đại, bằng cách xuất ra tướng lưỡi rộng dài lên đến tầng trời Phạn thế, hết thảy lỗ lông phóng ra vô lượng vô số ánh sáng có màu sắc và chiếu khắp thế giới hệ cả mười phương. Chư Phật phân thân của ngài ngồi trên các tòa sư tử dưới các cây ngọc cũng biểu hiện như vậy, xuất ra tướng lưỡi rộng dài và phóng ra vô số ánh sáng. Thì gian đức Thế Tôn và chư Phật phân thân của ngài biểu hiện thần lực vĩ đại như vậy hết trọn trăm ngàn năm. Sau đó các ngài thu lại tướnglưỡi rộng dài, rồi cùng một lúc, các ngài dặng hắng và đàn chỉ. Hai âm thanh này vang khắp cõi Phật mười phương. Đất của các cõi Phật ấy chấn động đủ cả sáu cách. Và nhờ thần lực của đức Thế Tôn cùng chư Phật phân thân của ngài mà tại các cõi Phật ấy, tất cả chúng sinh, bao gồm nhân loại và không phải nhân loại, đều nhìn thấy thế giới hệ Kham nhẫn này: thấy chư Phật phân thân ngồi trên các tòa sư tử dưới những cây ngọc nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức, thấy đức Thế Tôn cùng đức Đa Bảo ở trong bảo tháp ngồi chung trên tòa sư tử, thấy bồ tát đại sĩ và bốn chúng nhiều đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức cung kính bao quanh đức Thế Tôn. Thấy như vậy nên ai cũng đại hoan hỷ, cảm nhận sự thể chưa từng có. Tức thì chư thiên ở trong không gian của các cõi Phật ấy lớn tiếng mà nói, cách đây những thế giới hệ nhiều đến hàng ức con số vô số, có thế giới hệ tên là Kham nhẫn, trong đó có đức Phật giáo chủ danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, hiện nay đang tuyên thuyết cho chư vị bồ tát đại sĩ về bản kinh đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Các người nên tùy hỷ sâu xa, nên lễ bái hiến cúng đứùc Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. Chúng sinh tại các cõi Phật nghe tiếng ấy trong không gian thì cùng chắp tay hướng về phía thế giới hệ Kham nhẫn này mà nói, kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. Họ đem các loại hoa, vòng hoa, cờ phan, lọng dù, những đồ trang sức thân thể, những vật vàng ngọc quí báu, cùng nhau từ xa tung vào thế giới hệ Kham nhẫn. Bao nhiêu thứ được tung vào đó, từ mười phương tụ lại như mây tụ, biến thành bảo cái bằng hoa, che khắp ở trên chư Phật cả thế giới hệ này. Bấy giờ tất cả thế giới hệ mười phương đều thông suốt với nhau như một cõi Phật.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo đại chúng bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại bồ tát Thượng Hạnh, rằng thần lực của Như Lai vô lượng vô biên, bất khả tư nghị đến như vậy. Nhưng nếu Như Lai đem thần lực như vậy, vì sự giao phó trọng trách mà nói đến đặc tính của kinh Pháp Hoa, thì nói đến rất nhiều thời kỳ vô số, cũng không thể cùng tận. Nói cốt yếu thì toàn thể những pháp Như Lai có _ toàn thể thần lực tự tại của Như Lai, toàn thể kho tàng bí yếu của Như Lai, toàn thể những sự cực kỳ sâu xa của Như Lai, đều nói rõ trong kinh Pháp Hoa. Do vậy mà sau khi Như Lai nhập diệt, đối với kinh Pháp Hoa, chư vị phải một lòng tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, làm đúng kinh dạy... Tại các thế giới, những chỗ có người tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, làm đúng kinh dạy..., hay những chỗ tôn trí cuốn kinh ấy, những chỗ như vậy hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới đại thọ, hoặc nơi tăng xá, hoặc nhà thế gian, hoặc tại lâu đài thành thị, hoặc trong hang động hoang vu, bất cứ chỗ nào cũng nên xây chùa tháp mà phụng hiến Như Lai. Tại sao, vì chư vị phải coi những chỗ ấy như là Bồ đề tràng, nơi mà chư Phật ở đó thành tựu tuệ giáùc vô thượng; như là vườn Lộc uyển, nơi mà chư Phật ở đó chuyển đẩy bánh xe chánh pháp; như là rừng Sa la, nơi mà chư Phật ở đó nhập vào niết bàn hoàn toàn.
Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
(1) Là vị toàn giác
cứu độ thế gian,
Như Lai sử dụng
thần thông vĩ đại:
để làm đẹp dạ
tất cả chúng sinh,
Như Lai biểu hiện
thần lực vô hạn.
(2) Tướng lưỡi rộng dài
đến trời Phạn thế,
và thân phóng ra
vô số tia sáng:
chính vì những người
cầu tuệ giác Phật,
Như Lai biểu hiện
sự hiếm có này.
(3) Cái tiếng dặng hắng
và tiếng đàn chỉ
của chư Phật đà
vang khắp mọi nơi
mười phương quốc độ,
làm cho đại địa
những quốc độ ấy
chấn động sáu cách.
(4) Vì lẽ sau khi
Như Lai nhập diệt,
ai có năng lực
kính giữ Pháp Hoa,
thì chư Phật đà
cùng hoan hỷ cả,
nên hiện thần lực
vô lượng như vậy.
(5) Lại vì giao phó
kinh Pháp Hoa ấy,
cho nên trải qua
vô số thời kỳ,
Như Lai ca tụng
vẫn không cùng tận
công đức những người
tiếp nhận kính giữ.
(6) Công đức người này
vô biên vô cùng,
in như không gian
ai biết giới hạn.
(7) Kính giữ Pháp Hoa
là thấy Như Lai,
thấy đức Đa Bảo,
thấy Phật phân thân,
thấy các bồ tát
đang được Như Lai
giảng dạy giáo hóa
trong ngày hôm nay.
(8) Giữ được Pháp Hoa,
như thế đã là
làm cho Như Lai
và Phật phân thân,
làm đức Đa Bảo
_ đức Phật đã nhập
niết bàn hoàn toàn _
cùng hoan hỷ cả.
(9) Chư vị Phật đà
khắp cả mười phương
suốt hết ba đời,
người giữ Pháp Hoa
cũng là thấy được
cũng là hiến cúng
và cũng làm cho
các ngài hoan hỷ.
(10) Cái pháp bí yếu
mà Như Lai được
khi Như Lai ngồi
nơi bồ đề tràng,
ai kính giữ được
kinh Pháp Hoa này
sẽ không bao lâu
cũng được pháp ấy.
(11) Giữ được Pháp Hoa
thì người như vậy
thông suốt các pháp,
thông suốt ý nghĩa
cùng với ngữ văn
của các pháp ấy,
và rồi hoan hỷ
biện thuyết pháp ấy
vô cùng vô tận,
in như làn gió
lộng trong không gian
không gì cản được.
(12) Sau khi Như Lai
nhập niết bàn rồi,
người giữ Pháp Hoa
vẫn hiểu lý do
cùng với thứ tự
của các kinh pháp
do Như Lai nói,
và tùy ý nghĩa
mà giảng nói lại
đúng như sự thật.
(13) Ví như ánh sáng
hai vầng nhật nguyệt
có thể phá tan
mọi sự mờ tối,
người ấy đi khắp
trong cõi đời này,
diệt được mờ tối
cho bao chúng sinh,
giáo hóa bao người
có tánh bồ tát
cùng được ngồi vào
cỗã xe duy nhất.
(14) Vì lý do này,
những người có trí
nghe được ích lợi
đã nói trên đây,
thì khi Như Lai
nhập niết bàn rồi,
phải gắng kính giữ
kinh Pháp Hoa này.
Người ấy đối với
tuệ giác Phật đà
quyết chắc đạt được
không ngờ gì nữa.