- Lược dẫn
- Phẩm 1: Mở đầu
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Ví dụ
- Phẩm 4: Tin hiểu
- Phẩm 5: Cây Cỏ
- Phẩm 6: Thọ ký
- Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa
- Phẩm 8: Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký
- Phẩm 9: Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất
- Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Kính giữ Pháp Hoa
- Phẩm 14: Sống yên vui
- Phẩm 15: Từ đất xuất hiện
- Phẩm 16: Sự sống lâu của đức Thế Tôn
- Phẩm 17: Phân tích thành quả
- Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
- Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 20: Bồ tát Thường bất Khinh
- Phẩm 21: Sức thần của đức Thế Tôn
- Phẩm 22: Giao phó trọng trách
- Phẩm 23: Việc cũ của bồ tát Dược Vương
- Phẩm 24: Bồ tát Diệu Âm
- Phẩm 25: Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện
- Phẩm 26: Tổng trì minh chú
- Phẩm 27: Việc Cũ Của Diệu Trang Nghiêm Vương
- Phẩm 28: Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền
- Sao lục 1: Phẩm Phổ Hiền
- Sao lục 2: Toát yếu Pháp Hoa
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch
Cuốn 6
Ngưỡng bạch Phật Pháp Tăng vô tận tam bảo từ bi chứng minh. Đệ tử chúng con nguyện vì bản thân, vì cha mẹ bà con, vì người thân kẻ thù, vì mọi người và vì chúng sinh, trì tụng kinh đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa.
Mở đầu tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin kính lạy:
Kính lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.
Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai, đã phát khởi kinh Pháp Hoa và tiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãng sinh Đâu suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.
Kính lạy bồ tát Văn Thù, vị pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Quan Âm, vị đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.
___________
Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
Lúc ấy đức Di Lạc lại thưa, bạch đức Thế Tôn, thiện nam hay thiện nữ nào nghe kinh Pháp Hoa mà biết tùy hỷ, thì được bao nhiêu phước đức? Ngài lặp lại bằng lời chỉnh cú sau đây.
(1) Sau khi Thế Tôn
nhập niết bàn rồi,
nếu có người nào
nghe kinh Pháp Hoa
mà biết tùy hỷ
thì phước được mấy?
Đức Thế Tôn bảo đức Di Lạc, sau khi Như Lai nhập diệt, tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những người có trí khác, hoặc lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi, nghe kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ, rồi ra khỏi cuộc họp diễn giảng kinh ấy, đi đến chỗ khác như tăng xá, rừng núi, thành thị, hẻm hóc, làng xóm hay cố hương, y như những điều mình được nghe và tùy sức mình mà nói lại cho cha mẹ, họ hàng, bạn tốt hay người quen. Những người này nghe rồi cũng tùy hỷ và đi nói chuyền lại cho những người khác. Những người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, cũng nói chuyền. Triển chuyển như vậy cho đến lớp thứ năm mươi. Di Lạc, công đức tùy hỷ của thiện nam hay thiện nữ lớp thứ năm mươi này, nay Như Lai nói đến, đại sĩ hãy khéo nghe.
Sáu loại chúng sinh trong hàng ức thế giới hệ, được sinh bằng bốn cách sinh là sinh ra từ trứng, từ dạ con, từ độ ẩm thích hợp, từ sự biến hình, lại có hay không hình thể, có hay không tư tưởng, không phải có hay không tư tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân... Tất cả các bộ thuộc về loại chúng sinh như vậy, có người cầu phước nên họ muốn gì về những thứ vui thú cũng cấp cho cả. Mỗi một chúng sinh được cấp cho những thứ ấy nhiều như sắp đầy cả đại lục Diêm phù, đại loại như bảy thứ quí báu là bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô và hổ phách, như voi ngựa xe thuyền, như cung điện lầu đài được tạo thành bằng bảy thứ quí báu... Vị đại thí chủ bố thí như vậy trọn tám mươi năm, rồi nghĩ rằng ta đã cho chúng sinh những thứ vui thú theo ý họ muốn, nhưng nay họ đã già yếu, tuổi quá tám mươi, tóc trắng mặt nhăn, sắp chết đến nơi. Ta nên đem pháp hóa của Phật mà chỉ bảo dẫn dắt. Nghĩ vậy nên vị đại thí chủ tức thì chiêu tập họ lại, quảng bá pháp hóa bằng cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng cho họ. Làm cho họ trong một thì gian ai cũng đạt được các đạo quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán, sạch hết mọi sự phiền não ở trong ba cõi, tự tại đối với thiền định sâu xa, đầy đủ đối với tám sự giải thoát. Di Lạc, ý đại sĩ nghĩ thế nào, công đức của vị đại thí chủ ấy đạt được có nhiều không? Đức Di Lạc thưa, bạch đức Thế Tôn, công đức vị ấy rất nhiều, vô số lượng, vô giới hạn. Vị ấy chỉ cho chúng sinh những thứ vui thú, công đức cũng đã vô cùng, huống chi còn làm cho họ đạt được cho đến đạo quả A la hán.
Đức Thế Tôn bảo, Di Lạc, Như Lai nay nói rõ ràng cho đại sĩ biết, vị đại thí chủ đem những thứ vui thú cho sáu loại chúng sinh trong hàng ức thế giới hệ, lại làm cho số chúng sinh ấy đạt được cho đến đạo quả A la hán, nhưng công đức được có vẫn không bằng công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ nghe Pháp Hoa qua một bài chỉnh cú của kinh ấy mà sinh tâm tùy hỷ. Trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần của công đức tùy hỷ ấy, công đức bố thí trên không bằng được một phần, cho đến toán số thí dụ cũng không thể xác định. Di Lạc, công đức của người thuộc lớp thứ năm mươi chỉ tùy hỷ khi nghe chuyền Pháp Hoa mà còn vô số lượng vô giới hạn như vậy, huống chi người đầu tiên, ngay nơi cuộc họp diễn giảng Pháp Hoa mà được nghe và tùy hỷ đối với kinh ấy. Phước của người này còn hơn đến vô số con số vô số, không thể đối chiếu được nữa.
Di Lạc, nếu người nào vì Pháp Hoa nên đi đến tăng xá, ngồi hay đứng mà nghe và tiếp nhận, thì dẫu chỉ được chốc lát, công đức này vẫn làm cho người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sinh ra ở đâu cũng được đi bằng xe voi xe ngựa loại thượng hạng, bằng xe liễn xe dư loại vàng ngọc, bằng cung điện chư thiên. Nếu người nào đang ngồi nơi chỗ diễn giảng Pháp Hoa, có ai đến nữa, người ấy mời bảo ngồi nghe, hoặc chia chỗ của mình cho họ ngồi, thì công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ ngồi chỗ Đế Thích ngồi, chỗ Phạn Vương ngồi, chỗ Luân Vương ngồi.
Di Lạc, nếu người nào nói cho người khác biết, rằng có bản kinh tên Pháp Hoa, nên đi nghe với tôi. Người này nhận lời, và đến nỗi chỉ nghe được chốc lát, công đức người ấy, khi chuyển thân đời này sinh thân đời sau, sẽ được sinh cùng chỗ với vị bồ tát đã thành tựu các pháp tổng trì, được lợi căn, trí tuệ, được trăm ngàn vạn đời không bao giờ câm ngọng; hơi miệng không hôi thối; lưỡi không khi nào bị bịnh; miệng cũng không bị bịnh; răng không dơ, không đen, không vàng, không thưa, không mẻ, không rụng, không lệch, không cong; môi không xệ xuống, không rút vào, không thô nhám, không ghẻ lở, không sứt hỏng, không méo vẹo, không dày, không lớn, không thâm, không đen, không có gì đáng ghét; mũi không xẹp, không hóp, không cong, không gãy; mặt thì sắc không đen, hình không hóp lại, dài ra, không lõm xuống, cong gãy, không có hết thảy cái vẻ không thể ưa thích. Trái lại, môi, lưỡi, răng hàm, răng, tất cả đều chỉnh, đẹp; mũi thì dài, lớn, cao, thẳng; mặt và dáng mặt thật hoàn hảo; mày cao mà dài; trán rộng, bằng phẳng, ngay ngắn; nói tóm, tướng tốt loài người, người ấy có đủ tất cả. Đời đời, người ấy sinh ra ở đâu cũng thấy Phật, nghe Pháp, tin tưởng và tiếp nhận giáo huấn. Di Lạc, đại sĩ hãy quan sát điều ấy: khuyến khích một người cho họ đi nghe giảng Pháp Hoa mà thành quả còn như vậy, huống chi chính mình chuyên chú mà nghe giảng, mà đọc tụng, mà phân tích nói lại cho mọi người ở giữa những cuộc họp đông đảo, mà tu hành như lời kinh dạy.
Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
(2) Từ chỗ giảng pháp,
ai nghe Pháp Hoa,
dầu chỉ nghe được
một bài chỉnh cú,
nhưng biết tùy hỷ
và nói cho người;
nói chuyền cho đến
lớp thứ năm mươi,
người trong lớp này
được phước thế nào,
nay đây Như Lai
phân tích phước ấy.
(3) Như đại thí chủ
cho vô số người
đến tám mươi năm
những gì họ muốn.
(4) Khi thấy họ già
tóc bạc mặt nhăn,
răng rụng người khô,
nghĩ họ sắp chết,
ta phải chỉ dạy
cho được đạo quả.
(5) Liền tìm cách nói
mà nói niết bàn,
rằng đời toàn là
không phải chắc thật,
khác nào bọt nước,
bóng nước, sóng nắng,
các người phải gấp
nhàm chán thoát ly.
(6) Mọi người nghe được
pháp hóa như vậy,
đều thành La hán
đủ sáu thần thông
và ba minh trí
với tám giải thoát.
(7) Nhưng người sau hết
thuộc lớp năm mươi,
dầu chỉ nghe được
một bài chỉnh cú
của kinh Pháp Hoa
mà lòng tùy hỷ,
phước được vẫn hơn
đại thí chủ trên,
đến nỗi không thể
đối chiếu ví dụ.
(8) Nghe chuyền xa thế
phước còn vô lượng,
huống người đầu tiên
từ chỗ giảng pháp
nghe kinh Pháp Hoa
mà lòng tùy hỷ.
(9) Nếu ai khuyên được
dầu chỉ một người,
dẫn họ đi đến
nghe kinh Pháp Hoa,
bằng cách bảo họ
Pháp Hoa tuyệt diệu,
ngàn vạn thời kỳ
cũng khó gặp được.
(10) Người này theo lời
đi đến mà nghe,
thì dẫu đến nỗi
chỉ nghe chốc lát,
kết quả phước đức
của người khuyên ấy
nay đây Như Lai
phân tích nói đến.
(11-Người ấy đời đời
13) miệng không bị bịnh;
răng không bao giờ
thưa, vàng hay đen;
môi thì không dày,
không rút, không sứt,
không hình dáng nào
có thể ác cảm;
lưỡi cũng không khô,
không đen, không ngắn;
mũi đã cao, lớn,
mà lại dài, thẳng;
còn trán thì rộng,
bằng phẳng, ngay ngắn;
đến mặt và mắt
thì đủ mọi vẻ
đẹp đẽ, trang nghiêm,
ai cũng thích nhìn;
hơi miệng thường xuyên
không mùi hôi thối,
mà hơi hoa sen
thường phát từ đó.
(14) Nếu ai cố tâm
đi đến tăng xá,
muốn nghe cho được
Diệu Pháp Liên Hoa,
dầu nghe chốc lát
mà lòng hoan hỷ,
nay đây Như Lai
nói phước người ấy.
(15-Người ấy đời sau
16) sinh trong trời người
được đi xe voi
xe ngựa hảo hạng,
xe liễn xe dư
trang trí vàng ngọc,
lại được đi bằng
cung điện chư thiên.
(17) Tại chỗ diễn giảng
Diệu Pháp Liên Hoa,
ai biết khuyên mời
người khác ngồi nghe,
thì cái phước này
làm cho người ấy
sẽ được chỗ ngồi
của các ngôi vị
Đế Thích, Phạn Vương,
cùng với Luân Vương.
Huống chi những người
tự mình chuyên tâm
mà nghe diễn giảng
Diệu Pháp Liên Hoa,
nghe rồi giảng lại
nghĩa lý kinh ấy,
lại còn tu hành
như kinh ấy dạy;
phước này không ai
biết được giới hạn.