ĐẠI TẠNG KINH NHẬP MÔN
Giới Thiệu 139 Kinh Điển Phật Giáo
Hán dịch: Thích Ấn Hải, Thích Nguyện Quỷnh
Việt dịch: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triêt Học Thế Giới xuất bản 1999
PHẦN I
KINH ĐIỂN ẤN ĐỘ
1. Trường A Hàm Kinh
Dìghàgama
22 quyển
Do Phật Đà Da Xá (Buddhayásas)
và Trúc Phật Niệm (Chu-pho-nien) cùng dịch
Đại Chánh Tạng Kinh Số 1
Đây là một trong những kinh điển Phật giáo xưa nhất, và bao gồm một số lớn những giáo lý được coi là do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng. Vì nó chứa đựng những kinh điển tương đối dài hơn cho nên được gọi là “Trường A Hàm Kinh.”
Trong Hán dịch còn có Trung A Hàm Kinh (tham chiếu số 2), Tăng Nhứt A Hàm Kinh, Tạp A Hàm Kinh 3 loại, toàn bộ gọi là “Tứ A Hàm.” Ngoài ra, trong kinh điển tiếng Pa-li do các nước ở phương
thuộc hệ phái Nguyên Thủy lưu truyền, được chia thành 5 bộ: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ, và Tiểu Bộ.
Hai mươi hai quyển của Trường A Hàm Kinh bao gồm 30 kinh (sutra), và căn cứ vào nội dung thì chúng có thể được chia thành 4 phần.
Phần thứ nhứt gồm 4 kinh (từ quyển 1 tới quyển 5), nói về những công đức của Phật, bắt đầu từ sự tích của 7 vị Phật trong quá khứ.
Phần thứ nhì gồm 15 bài kinh (từ quyển 6 tới quyển 12), nói về sự tu hành của Phật giáo và những vấn đề giáo lý.
Phần thứ ba gồm 10 bài kinh (từ quyển 13 tới quyển 17), đề ra và phê phán nhiều giáo lý khác nhau trong các phái triết học và tôn giáo thịnh hành đương thời không thuộc Phật giáo, và được gọi chung là “62 Kiến.”
Phần thứ tư và cuối cùng khác biệt hoàn toàn với ba phần trên và chỉ bao gồm một bài kinh duy nhất (từ quyển 18 tới quyển 22), được gọi là “Thế Kỷ Kinh”, mô tả chi tiết về những khởi nguyên và tình trạng của những thế giới khác nhau, trong đó có thế giới loài người mà nhân loại du nhập trong chu kỳ luân hồi sanh tử.
2. Trung A Hàm Kinh
Madhyamàgama
60 quyển
Do Cồ Đàm Tăng Già Đề Bà
(Gautama Sanghadeva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 26
Đây là một trong những kinh điển Phật giáo xưa nhất, tương đương với Trung Bộ Thánh Điển viết bằng Pa-li ngữ của Phật giáo Nam tông, trong bản Hán dịch bao gồm 222 bài kinh. Vì những bài kinh này có chiều dài trung bình, cho nên toàn bộ được gọi là “Trung A Hàm Kinh.”
Tuy rằng hầu hết 152 kinh trong thánh điển Pa-li ngữ có chiều dài trung bình, nhưng, những kinh trong bản Hán dịch có chiều dài khác nhau, từ những kinh rất ngắn cho tới những kinh khá dài.
Nội dung trong các kinh rất khác nhau, chẳng hạn như nói về những lời và hành vi của Đức Phật Thích Ca và các đệ tử của ngài, về các giáo nghĩa căn bản của Phật giáo nguyên thủy như Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, v.v…, và nhiều ngụ ngôn khác nhau. Toàn bộ được phân chia thành 18 kinh, được gọi là “thập bát chương.”
Trong Hán dịch, ngoài Trung A Hàm còn có Trường A Hàm (số 1), Tăng Nhứt A Hàm (Đại Chánh Tạng Kinh số 125), Tạp A Hàm (Đại Chánh Tạng Kinh số 99), được gọi chung là “Tứ A Hàm.”
Nội dung của bản Hán dịch Tứ A Hàm và 5 bộ Pa-li ngữ đã không có sự đồng nhất mà giữa hai bản lại có nhiều sai biệt đáng kể.
3. Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán Kinh
8 quyển
Do Bát Nhã (Prajna) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 159
Kinh này cũng được gọi vắn tắt là “Tâm Địa Quán Kinh”, chủ yếu bàn về cách tu trì Phật Pháp để đạt tới giác ngộ. Vì mục tiêu này, cần phải xuất thế, trở thành tu sĩ và tìm nơi thanh tịnh, và, trọng yếu nhất là dập tắt những ngọn lửa của tất cả dục vọng trong tâm, cái tâm này chính là nguồn gốc tối hậu của vạn sự vạn vật. Chữ “tâm địa” là một từ ngữ ẩn dụ ví trái tim con người – nguồn gốc của tất cả những trạng thái thanh khiết hoặc nhơ bẩn – giống như mặt đất có thể sinh sản mọi thứ sinh vật.
Kinh này bao gồm 13 chương, chủ yếu mô tả cách tu tập và giới luật của tăng sĩ. Tuy nhiên, Chương 2, gọi là “Báo Ân Phẩm,” nói về những bổn phận đối với cha mẹ, chúng sanh, quốc vương, tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); vì thế, ở Nhật Bổn bộ kinh này thường được đại chúng đọc tụng.
4. Phật Sở Hành Tán
Buddhacarita
5 quyển
Do Đàm Vô Sám (T’an-wu-ch’an) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 192
Kinh sách này là tiểu sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do Mã minh (Asvaghosa) – một thi sĩ Phật giáo vĩ đại của thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch – soạn thảo.
Nguyên bản Phạn văn bắt đầu từ lúc Đức Phật đản sanh, và mô tả thời niên thiếu và những ưu tư tinh thần của ngài, và chấm dứt với sự tích ngài gián phục ác ma (mara); nhưng, trong bản Hán dịch có nói cả đến quảng đời sau đó của ngài, do đó, bản này là tiểu sử đầy đủ của Đức Phật. Tuy nhiên, phần bổ túc đó không phải là do các nhà soạn kinh sách ở Trung Hoa thêm vào mà chỉ là phần đã bị thất lạc từ bản Phạn văn nguyên thủy.
Bản tiểu sử này là một tác phẩm tiêu biểu của văn chương Phật giáo, nhưng nếu dùng nhãn quan văn đơn thuần mà nói thì bản Hán dịch – tuy được viết theo thể thơ – vẫn có sự thiếu sót.
5. Tạp Bảo Tạng Kinh
10 quyển
Do Cát Ca Dạ (Kimkarya)
Và Đàm Dướt (T’an-yao) cùng dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 203
Kinh này là một tuyển tập gồm 121 mẩu chuyện nói về thời kỳ bắt đầu từ thời của Đức Phật Thích Ca và các đệ tử của ngài, và chấm dứt với vương triều của Vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska).
Trong số các mẩu chuyện, trong quyển số 9 có kể chuyện Tỳ Kheo Na Ca Na (Nagasena) giáo hóa và đã khiến cho Vua (Milanda) qui y đạo Phật như thế nào. Nổi tiếng nhất là quyển số 7, trong đó kể lại tình thân hữu giữa Vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska) và Mã Minh Bồ Tát (Asvaghosa).
Ngoài những chuyện đó còn có một số lớn những mẫu chuyện khác căn cứ vào những sự kiện lịch sử, nhưng xét theo nội dung – chẳng hạn như sự xuất hiện của Ca Nị Sắc Ca Vương (Kanniska) thì rõ ràng là bản kinh này được biên soạn sau thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch.
6. Pháp Cú Ví Dụ Kinh
4 quyển
Do Pháp Cự (Fa-chu) và Pháp Lập (Fa-li) cùng dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 211
Kinh này căn cứ vào bản Hán dịch của Kinh Pháp Cú (Dhammapada), từ đó khoảng hai phần ba những pháp kệ đã được tuyển chọn để chú giải. Trên đầu mỗi chương có trích dẫn một số câu kệ, theo sau là những câu chuyện kể lại những sự việc liên quan tới căn nguyên của mỗi câu kệ.
Bản tiếng Pa-li của Pháp Cú Kinh bao gồm tất cả 423 câu kệ, và, ngoài ra còn có một số lời chú giải nói về những câu chuyện và ngụ ngôn liên quan tới mỗi câu kệ. Trong bản Hán dịch, 250 câu kệ đã được thêm vào 500 câu có sẵn, như vậy tổng cộng là 750 câu, trong số đó hai phần ba được nói tới trong bản “Pháp Cú Ví Dụ Kinh” này.
7. Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh
Astạsàhasrikà-Prajnãpàramità-sùtra
10 quyển
Do Cưu Ma La Thập dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 227
Kinh này thuộc một nhóm tên là “Bát Nhã Ba La Mật Kinh” (Prajnaparamita-sutra), vì chỉ có 10 quyển nên được gọi là “Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh”, còn 27 quyển khác cũng do ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Bát Nhã Ba La Mật Kinh được gọi là “Đại Phẩm Bát Nhã Kinh.”
Ở Nhật Bổn, vì chịu ảnh hưởng 600 quyển “Đại Bát Nhã Kinh” do Huyền Trang dịch và bộ “Đại Phẩm Bát Nhã Kinh” nói trên do Cưu Ma La Thập dịch, cho nên công việc nghiên cứu bản “Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh” này đã bị thờ ơ.
Trên đại thể, bản kinh này chú trọng vào ý niệm “không” (sunyata), chủ đề chính của Bát Nhã Ba La Mật.
Nội dung của nó trùng hợp với một phần của Đại Bát Nhã Kinh, và thật sự là đã có một số những bản Hán dịch khác, như “Đạo Hạnh Bát Nhã Kinh,” “Đại Minh Độ Kinh,” “Ma Ha Bát Nhã Sao Kinh,” “Phật Mẫu Xuất Sanh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh,” v.v...
8. Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh
Vajracchedikà - prajnãpàramità-sùtra
1 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Tạng Kinh số 235
Ngoại trừ “Bát Nhã Tâm Kinh” (số 11) trong “Bát Nhã Kinh Điển”, đây là bản kinh được đại chúng đọc tụng nhiều nhất, đặc biệt là Thiền Tông đã đánh giá bản kinh này rất cao.
Kinh này được gọi vắn tắt là “Kim Cang Kinh”, nói chi tiết về khái niệm rằng tất cả hiện tượng và sự vật nào tồn hữu trong thế gian này cũng đều không có thực thể, do đó chúng không hề có cái “ngã.”
Chữ “kim cang” trong nhan đề chẳng phải là dùng để chỉ kim cương hột xoàn hoặc loại vũ khí “kim cang trủy” mà là một ẩn dụ dùng để nói về thứ gì kiên cố, bền lâu, do đó, nó có nghĩa là “tối thượng” hoặc “tối thắng.” Cũng nên nói thêm rằng “Bát Nhã” là chữ dùng để nói về trí huệ viên mãn của Phật Đà.
9. Đại Lạc Kim Cang Bất Không Chân Thật Tam Ma Dà Kinh
Adhyardhásatikà – prajnãpàramita – sùtra
1 quyển
Do Bất Không (Amoghavajra) dịch
Đại Chánh Tạng Kinh số 243
Nhan đề kinh này thường được gọi tắt là “Lý Thú Kinh” hoặc “Bát Nhã Lý Thú Kinh”, và ở Nhật Bổn nó được phái Chân Ngôn (Shingon) rất coi trọng, và được đại chúng tụng đọc, vì nó nói về những giáo lý uyên thâm nhất của Mật Giáo.
Toàn thể bộ kinh được chia thành 17 chương, trong đó Đại Nhựt Như Lai (Mahavairocana) – pháp thân của Mật Giáo – thuyết giảng về cách thực hiện tinh túy Mật Giáo trong sinh hoạt hàng ngày, và cứu cánh tối hậu là đạt tới quả vị Phật trong cõi đời này.
10. Nhơn Vương Bát Nhã Ba Ma Mật Kinh
Kàrunịkàràjà – prajnãpàramità – sùtra
2 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kamarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 245
Bản kinh này mô tả Đức Phật đã dạy cho các vị vua của 16 nước rằng yếu tố quan trọng nhất để duy trì an ninh và phúc lợi của một nước là thực hành Bát Nhã Ba La Mật, tức trí huệ của Phật.
Do nội dung của nó, kinh này được đặc biệt coi trọng ở Nhật Bổn như là “Kinh Điển Bảo Vệ Đất Nước.” Từ năm 600 sau Tây lịch cho tới nay ở Nhật Bổn đã tổ chức những buổi lễ đặc biệt gọi là “Nhân Vương Hội” để đọc tụng kinh này. Nó cùng với “Pháp Hoa Kinh” (số 12) và “Kim Quang Minh Kinh” (số 33) hợp lại thành một nhóm gọi là “Hộ Quốc Tam Bộ Kinh.”
Trong kinh dạy rằng: Đương lúc quốc gia hỗn loạn, khi xảy ra thiên tai, khi bị giặc ngoại xâm, nếu có thể đọc tụng bản kinh thì có thể tiêu trừ những tai họa, thu hoạch được nhiều ngũ cốc và nhân dân an lạc thịnh vượng. Vì nó nói về những vấn đề rất thực dụng, cho nên bản kinh thường được Hoàng Gia và các sứ Quân Nhật Bổn đem ra thực hành.
11. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Prajnãpàramitatàhrdaya – sùtra
1 quyển
Do Huyền Trang (Hsuan-tsang) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 251
Kinh này được gọi vắn tắt là “Bát Nhã Tâm Kinh,” là kinh điển rất phổ biến, kinh văn chỉ gồm có 262 chữ Hán, rất là đơn giản ngắn gọn; nhưng nội dung lại là rút gọn những cái to lớn và tinh túy của “Bát Nhã Kinh” và đề cập khái niệm về “không tánh” một cách đơn giản. Chữ “tâm” ở đây có nghĩa là “phần trọng yếu nhất” và nói về cái tinh túy của tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Nhờ giá trị cao cả của bản dịch của ngài Huyền Trang cho nên từ xưa tới nay kinh điển này đã được người Nhật Bổn tụng đọc, và nó được đa số các trường phái Phật giáo Nhật Bổn coi là bản dịch chính thức, cho nên thường được tụng niệm trong những khóa lễ hỗn hợp.
Tuy rằng nội dung thâm sâu, nhưng nó bao gồm phần lớn văn tự và từ ngữ căn bản của giáo nghĩa Phật giáo, cho nên kinh điển này thích hợp dùng làm một bài học nhập môn cho Phật giáo.
12. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Saddharmapundạrika – sùtra
8 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 262
Tại Tây phương kinh điển này thường được gọi là “Liên Hoa Kinh” (Lotus Sutra), là một trong những bộ kinh trọng yếu nhất trong các kinh điển của Phật giáo Đại Thừa. Tại Nhật Bổn nó rất được coi trọng từ khi Thái tử Thánh Đức (Shotoku) viết phần chú giải gọi là “Pháp Hoa Nghĩa Sớ” (số 108), thuộc bộ “Tam Kinh Nghĩa Sớ” của ông.
Trong kinh này ghi chép rất nhiều thi kệ, các chuyện ngụ ngôn, và được coi là một tác phẩm văn học rất có giá trị, đồng thời nó đã giành được một địa vị bất hủ trong lịch sử Phật giáo do nội dung bao hàm triết lý cao siêu. Đặc biệt là ý niệm “Nhất Thừa” bàng bạc trong kinh này đã tạo ảnh hưởng lớn lao trong nền Phật giáo Nhật Bổn.
Toàn kinh chia thành 28 chương, trong số đó trọng yếu nhất là chương thứ 16 tên là “Thọ Mạng Của Như Lai” (Như Lai Thọ Lượng Phẩm) tán dương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như là hiện thân của đời sống vĩnh hằng và đã đạt tới đại ngộ trong quá khứ cực kỳ xa xưa. Trong số những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất là các chuyện “tam xa hỏa trạch” (ba cỗ xe và ngôi nhà cháy), “trưởng giả cùng tử” (trưởng giả và người con trai), “tam thảo nhị mộc” (ba loại dược thảo và hai loại cây), v.v...
Ngoài ra, chương 25 của kinh này, tên là “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm,” mô tả công đức của Quán Thế Âm Bồ Tát, phần này về sau trở thành một bộ kinh độc lập – gọi là “Quan Âm Kinh” – ở Trung Hoa và Nhật Bổn vẫn còn được đọc tụng cho tới ngày nay.
Trường phái Nichiren của Nhật Bổn và các hệ phái đã thêm hai chữ “Nam Mô” vào nhan đề kinh này và trở thành “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.”
13. Vô Lượng Nghĩa Kinh
1 quyển
Do Đàm Ma Già Gia Xá
(Dharmagatayasas) dịch
Đại Chánh Đại Taṇg Kinh số 276
Vô Lượng Nghĩa Kinh là một trong ba cuốn “Pháp Hoa Tam Bộ Kinh” và được soạn như là phần dẫn nhập vào “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (số 12), và, nội dung của nó căn cứ vào tinh túy của kinh này.
Chữ “vô lượng nghĩa” trong nhan đề rút từ ý niệm rằng những phiền não của con người là vô lượng, cho nên những giáo lý để truyền thụ cũng phải là vô lượng, do đó những ý nghĩa của giáo lý cũng trở thành vô lượng.
14. Quán Phổ Hiền Bồ Tát
Hạnh Pháp Kinh
1 quyển
Do Đàm Vô Mật Đa (Dharmamitra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 277
Kinh này cũng là cuốn thứ ba và cuối cùng của “Pháp Hoa Tam Bộ Kinh” và nối tiếp vào chương sau cùng của “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (số 12).
Nội dung mô tả ba tháng trước khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt ngài đã triệu tập môn đồ tại Đại Lâm Tịnh Xá gần Tì Xá Li (Vaisali) để thuyết giảng về phương pháp tu hành của Phổ Hiền Bồ Tát và để sám hối những tội lỗi do lục căn gây ra.
15. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
Avatạmasaka – sùtra
60 quyển
Do Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 278
Kinh này ghi lại bài thuyết đầu tiên của Đức Thích Ca Mâu Ni sau khi ngài chứng ngộ dưới cây bồ đề.
Trình bày rằng toàn thể vũ trụ bắt nguồn từ cảm lực của Phật Tì Lô Giá Na (Vairocana), kinh này khai triển thuyết duyên khởi. Trong kinh dạy rằng tất cả mọi vật có thể bao hàm trong một vật duy nhất, nó dẫn tới một thế giới quan đặt căn bản trên ý niệm về sự tương quan tương hợp của tất cả mọi sự vật.
Ngoài 60 quyển này còn có 80 quyển mới dịch, và một bản Hán dịch gồm 40 quyển trong đó chỉ chứa đựng một chương tên là “Nhập Pháp Giới Phẩm.”
Ở Nhật Bổn kinh này được phái Hoa Nghiêm Tông – Đông Đại Tự (Todai-gi) là ngôi chùa chính yếu của phái này – coi là kinh điển căn bản của họ. Có một điều đáng ghi nhận là câu chuyện của Thiện Tài Đồng Tử (Sddhana) thăm viếng và phỏng vấn 53 vị thiện trí thức – được kể trong việc thiết lập 53 đoạn đường dọc theo xa lộ Đông Hải từ Đông Kinh (Tokyo) tới Kinh Đô (Kyoto) ở Nhật Bổn.
16. Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện
Phương Quảng Kinh
Srìmàlàdevìsịmhanàda – sùtra
1 quyển
Do Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 353
Kinh này thường được gọi tắt là “Thắng Man Kinh,” (Srìmàlà-Sùtra) và như nhan đề cho thấy, nó được thuyết giảng bởi Thắng Man Phu Nhân, con gái của Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) nước Xá Vệ (Sràvastì) ở Ấn Độ, do sự gợi ý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Những chủ đề quan trọng nhất trong kinh này nói về thuyết “Nhất Thừa” và pháp thân (dharmakaya) của Phật. Sự kiện vai chánh là một phụ nữ khiến cho kinh này khác hẳn với những kinh điển khác. Trong kinh này, Đức Phật Thích Ca bảo đảm rằng phái nữ có thể thành Phật, vì vậy nó đã được dùng để hổ trợ quan điểm cho rằng phụ nữ cũng có thể trở thành Phật.
Ở Nhật Bổn kinh này được coi là quan trọng từ khi Thái Tử Thánh Đức thuyết giảng cho Nữ Hoàng Thôi Cổ (Suiko), vị nữ Thiên Hoàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bổn, và sau đó ông đã viết phần chú giải với nhan đề “Thắng Man Nghĩa Sớ,” điều này cho thấy tính cách trọng yếu của nó tại Nhật Bổn.
17. Vô Lượng Thọ Kinh
Sukhàvatìvyùha
2 quyển
Do Khương Tăng Khải (Samghavarman) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 360
Đây là một trong ba kinh điển căn bản của phái Tịnh Độ Tông, còn có tên là “Đại Vô Lượng Thọ Kinh,” “Đại Kinh” hoặc “Song Quyển Kinh.”
Kinh này thuật chuyện một vị tỳ kheo tên là Pháp Tạng (Dharmakara), khi tu hành dưới sự hướng dẫn của đức Phật Thế Tự Tại Vương (Tathagata Lokesvararaja), đã khởi phát 48 điều thệ nguyện để cứu vớt tất cả chúng sanh đau khổ; để đạt tới những điều nguyện này ngài đã tạo lập một vùng “tịnh thổ cực lạc Tây phương” và ngài đã trở thành Phật A Di Đà (Amitàyus). Trong kinh dạy rằng nếu bất cứ ai tin vào 48 điều nguyện này và trì niệm tên của đức Phật A Di Đà thì người ấy sẽ được vãng sanh nơi thế giới cực lạc và từ nơi đó sẽ có thể thành Phật.
Kinh này là bản dài nhất trong số ba kinh điển của phái Tịnh Độ và thường được phái này trích ra để đọc tụng. Trong đó có bài “Tán Phật Kệ,” một bài thơ mà Tỳ Kheo Pháp Tạng tán dương vị thầy của mình là Thế Tự Tại Vương Phật, và bài “Trọng Thệ Kệ” gồm những thi cú tóm tắt “48 điều nguyện” để tập trung thành 3 điều nguyện.
18. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh
Amitàyurdhyàna-sùtra
1 quyển
Do Cương Lương Dà Xá dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 365
Quán Vô Lượng Thọ Kinh thường được gọi vắn tắt là “Quán Kinh,” là một trong ba bộ kinh căn bản của phái Tịnh Độ Tông, trong đó thuật lại một trong những mẫu chuyện nổi tiếng nhất của Phật giáo, nói về Vua A Xà Thế (Ajatrasatru) và thân mẫu ông là Hoàng Hậu Vi Đề Hi (Vaidehi).
Một ngày kia bà Vi Đề Hi – người thường bị dày vò đau khổ vì những hành vi độc ác của con bà – phát nguyện cầu cứu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật đã đến để giúp cho bà nhìn thấy mười phương vô số cảnh giới tịnh độ lạc. Bà đã chọn Tây Phương Cực Lạc Tịnh độ của Phật A Di Đà, nhưng cần tu “Thập Lục Quán” do đó kinh này nói về 16 phương pháp quan sát quán tưởng.
Tên kinh “Vô Lượng Thọ Phật” là do dịch nghĩa từ chữ Hán A Di Đà Phật và cũng còn được dịch là “Vô Lượng Quang Phật” (Amitàbha), vị Phật của hào quang vô lượng.
19. A Di Đà Kinh
Sukhàvatìvyùha
1 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 366
Kinh này là bản ngắn nhất trong số ba bộ kinh căn bản của phái Tịnh Độ Tông, vì vậy còn được gọi là “Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh”; cho tới ngày nay nó vẫn thường được tụng đọc trong các buổi lễ.
Kinh này bắt đầu bằng sự mô tả những cảnh huy hoàng của thế giới cực lạc Tây phương của đức Phật A Di Đà, và kế đó giải thích người ta cần phải tu trì như thế nào để có thể vãng sanh nơi Tây phương tịnh độ. Chư Phật từ sáu phương (đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ) tán dương công đức của Phật A Di Đà. Ở phần kết luận, kinh này khuyên người ta hãy nên phát nguyện ước mong được vãng sanh nơi cảnh giới cực lạc tịnh độ và hãy thọ trì danh hiệu của đức Phật A Di Đà.
20. Đại Bát Niết Bàn Kinh
Mahàparinirvànạ – sùtra
40 quyển
Do Đàm Vô Sám (Dharmaksema) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 374
Kinh này được đặt tên là “Đại Bát Niết Bàn Kinh” vì ghi lại những lời thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni một thời gian ngắn khi ngài nhập Niết Bàn.
Nguyên nghĩa chữ “Niết Bàn” là “tiêu diệt ngọn lửa dục vọng và đạt tới trạng thái giác ngộ.” Nếu xét theo nghĩa này thì khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt tới giác ngộ ở tuổi 35 thì lúc đó ngài đã nhập Niết Bàn. Nhưng vì không thể hoàn toàn diệt trừ những phiền não, dục vọng trong khi nhục thân vẫn còn tồn tại, cho nên sự nhập diệt của Đức Phật Thích Ca được gọi là Đại Bát Niết Bàn – mahaparinirvana – có nghĩa là “trạng thái đại an tịnh trong đó các ngọn lửa của dục vọng, phiền não đã hoàn toàn dập tắt” và về sau này nhóm chữ “nhập Niết Bàn” được người ta dùng như là “chết đi.”
Kinh điển này quan trọng là vì cả hai nguyên do: nó ghi lại những lời thuyết giảng của Đức Phật Thích Ca ở thời gian ngay trước khi ngài nhập diệt, và cũng vì nó bao gồm những sự tích liên quan tới những chuyện xảy ra trước và sau khi ngài nhập diệt, cho nên nó chứa đựng những tư liệu quan trọng về phương diện lịch sử.
21. Phật Thùy Bát Niết Bàn
Lược Thuyết Giáo Giới Kinh
1 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 389
Kinh này thường được gọi là “Di Giáo Kinh,” vì nó chứa đựng những lời thuyết giảng cuối cùng của Đức Phật Thích Ca cho các môn đồ đệ tử quy tụ xung quanh tử sàng của ngài giữa hai cây đại thụ (Tala Song thọ), trước khi ngài nhập diệt. Trong bài thuyết giảng cuối cùng này Đức Phật khuyên các đệ tử hãy cố gắng đạt tới giác ngộ bằng cách thực hành “tam học,” tức là giới luật, thiền định và trí huệ, và sau khi đã thuyết giảng thêm những khái niệm căn bản khác của Phật giáo ngài chấm dứt với lời dạy rằng đó là di giáo sau cùng, dặn dò tối hậu của ngài.
Tại Nhật Bổn kinh này rất phổ cập vì các Phật tử thấy rằng nó ghi lại những lời thuyết giảng cuối cùng của Đức Phật, và nó đặt biệt được các phái Thiền tông coi trọng.
22. Đại Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh
Ksịtigarbhapranịdhàna – sùtra
2 quyển
Do Thật Xoa Nan Đà (Siksananda) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 412
Thời kỳ sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt được gọi là “thời đại Vô Phật” trong đó không có vị Phật nào hiện hữu trước khi có sự xuất hiện của đức Di Lặc Bồ Tát – vị Phật kế tiếp sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng, trong “thời đại Vô Phật” có ngài Địa Tạng Bồ Tát xuất hiện để cứu độ chúng sanh và kinh điển này mô tả lời thệ nguyện mà trong tiền kiếp vị Bồ Tát này đã tâm nguyện sẽ trở lại trần thế để cứu độ chúng sanh. Đồng thời bản kinh cũng nhấn mạnh về những công đức, những năng lực kỳ diệu không thể nghĩ bàn của nó, nói rằng khi đọc tụng hoặc nghe một câu hay một kệ của kinh này thì có thể tiêu trừ được bất cứ tội lỗi nào.
23. Bát Châu Tam Muội Kinh
Pratyutpannabuddhasammukhà – vasthitasamàdhi – sùtra
3 quyển
Do Chi Lô Ca Sám (lokaksema) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 418
Bát Châu Tam Muội là trạng thái tâm linh mà con người có thể dùng quán tưởng để nhìn thấy các vị Phật ngay trước mắt, (chư Phật hiện tiền tam muội) hoặc “Phật lập tam muội” và kinh này mô tả những phương pháp thiền quán để đạt tới khả năng này. Đức Phật A Di Đà ở Tây phương cực lạc là một thí dụ về một vị Phật có thể hiện ra trước mắt người ta theo cách này.
Kinh này là một trong những kinh điển cổ xưa nhất của phái Đại Thừa, và là kinh điển đầu tiên có phần đề cập tới Đức Phật A Di Đà. Vì vậy, có thể coi nó là kinh điển tiền phong của các kinh điển thuộc Tịnh Độ Tông. Ở Nhật Bổn phương pháp thiền mô tả trong kinh này đã trở thành căn bản của một phương pháp thiền quán vừa đi vừa tham thiền gọi là “thường tam muội.”
24. Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức Kinh
Bhaisạyaguruvaidùyaprabhàsap Ùrvapranidhànavisésạvistara
1 quyển
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 450
Kinh này nhấn mạnh về những côngt đức của đức Dược Sư Như Lai (Bhaisajya-guru), chủ yếu là khuyên chúng sanh hãy tin tưởng vị Phật này và tín ngưỡng đó sẽ giúp họ vãng sanh nơi Đông Phương Lưư Li Thế Giới; nhưng đồng thời nó cũng không từ chối cho họ được vãng sanh nơi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà và những cảnh giới khác. Vì vậy, có thể nói rằng kinh điển này kết hợp những ý tưởng về đời sống trần thế và sự tái sanh trong các Thiền cảnh.
Trước khi ngài thành đạo, đức Dược sư Như Lai đã phát thệ 12 nguyện rằng ngài sẽ tiêu trừ cho chúng sanh tất cả thứ bệnh hoạn và tật nguyền, rồi hướng dẫn họ đi tới giác ngộ. Vì vậy ở Nhật Bổn đức Dược sư Như Lai được nhiều người sùng bái từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật, và họ lấy kinh điển này làm căn bản.
25. Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật Kinh
Maitreyavyàkarana
1 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 454
Kinh này ghi rằng sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt thì thế giới bước vào một thời kỳ mạt pháp hay “Thời Đại Vô Phật,” sau đó Phật Di Lặc sẽ xuất hiện trên thế giới này để trở thành vị Phật kế tiếp; hiện thời Phật Di Lặc đang thuyết pháp trên cõi Trời Đâu Xuất.
Nội dung mô tả chi tiết Phật Di Lặc sẽ xuất hiện trên thế giới này như thế nào và sẽ trở thành một vị Phật dưới cây “Long Hoa.” Đây là một trong nhóm kinh điển gồm 6 cuốn gọi là “Di Lặc Lục Bộ Kinh.”
26. Văn Thù Sư Lợi Vấn Kinh
Mãnjusrìpariprcchà
2 quyển
Do Tăng Già Bà La (Sanghabhara) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 468
Kinh này được gọi là “Văn Thù Vấn Kinh,” chủ yếu ghi lại những giới luật mà một vị bồ tát cần phải thực hành, và dùng hình thức vấn đáp gồm những câu trả lời của Đức Phật Thích Ca cho những câu hỏi của ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Phần lớn nội dung của kinh dạy những giới luật mà một vị Bồ Tát cần phải tuân thủ, giữ gìn, bắt đầu là thập giới. Phần còn lại giải thích ý nghĩa hiể̀u theo Phật giáo của 50 chữ cái của Phạn văn, và mô tả Phật giáo Tiểu Thừa (Hìnayàna) đã phân chia thành 20 bộ phái như thế nào.
Căn cứ vào nội dung để suy đoán thì kinh điển này được viết sau các kinh điển khác như “Lăng Già Kinh” (Lankàvatàrasutra) (số 34), “Niết Bàn Kinh” (Mahàparinoirvànạ-sutra) (số 20) và “Trung Luận” (Madhyamaka-kàrikà) (số 52).
27. Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh
Vimalakìrtinirdésa-sùtra
3 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 475
Như nhan đề cho thấy, nhân vật chính của kinh này là ngài Duy Ma Cật (Vilamakirti), một cư sĩ tại gia tinh thông về những ý nghĩa sâu xa của Phật giáo Đại Thừa.
Trong kinh chép rằng một hôm Đức Phật được tin cư sĩ Duy Ma Cật lâm bịnh, ngài liền phái đệ tử đến an ủi và hỏi thăm bịnh tình. Nhưng mỗi đệ tử trong quá khứ đã bị cư sĩ này lấn lướt trong những cuộc luận đàm, cho nên họ đều từ chối tới viếng thăm ông; sau cùng chỉ có Văn Thù Bồ Tát bằng lòng đi. Nhờ nhân duyên này, hai ngài Duy Ma Cật và Văn Thù có dịp dùng phương pháp vấn đáp để thảo luận và triển khai những ý nghĩa thâm sâu của Phật giáo Đại Thừa.
Ở Nhật Bổn kinh này được coi là một trong những kinh điển trọng yếu, lý do chính là vì nó từng được Thái Tử Thánh Đức viết lời chú giải (số 107) trong “Tam Kinh Nghĩa Sớ.” Ngoài ra, nó hấp dẫn cũng vì nội dung giầu tính cách hí kịch, và là một chìa khóa quan trọng để hiểu những tư tưởng thâm sâu của Phật giáo Đại Thừa.
28. Nguyệt Thượng Nữ Kinh
Candrottaràdàrikàpariprcchà
2 quyển
Do Xà Na Quật Đa (Jnanaguptaa) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 480
Nguyệt Thượng (Candrottara) là con gái của một người trưởng giả tên là Duy Ma Cật (Vilamakirti), nàng được Đức Phật quả quyết rằng trong một kiếp tương lai sẽ trở thành một vị Phật.
Sau khi Nguyệt Thượng tu trì, thực hành và hoàn thành một số pháp mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, đã biến thành nam giới và phát nguyện trở thành một tỳ kheo khất thực và là một môn đồ của Đức Phật Thích Ca.
Nhân vật Duy Ma Cật nói trong kinh này chỉ là một trưởng giả tầm thường, khác với vị trưởng giả cùng tên Duy Ma Cật đại biểu cho tư tưởng Đại Thừa, trong “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” (số 27), vì vậy có thể suy luận rằng “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” (Vamalakirtinirdésa-sùtra) đã được viết sau khi rút tỉa từ Nguyệt Thượng Nữ Kinh.
Ở Nhật Bổn kinh này đã cung cấp tình tiết cho chuyện thần thoại nổi tiếng tên là “Trúc Thủ Vật Ngữ” (Truyện Người Đốn Tre).
29. Tọa Thiền Tam Muội Kinh
2 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 614
Kinh này được gọi tắt là “Thiền Kinh”, tóm lược những phương pháp tu trì của một số thiền giả Ấn Độ.
Trước khi kinh này được truyền vào Trung Quốc thì ở đó đã có người thực hành Thiền, nhưng căn cứ vào những phương pháp của phái Tiểu Thừa (Hinayàna). Kinh này mô tả cả những phương pháp của Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa, và do đó vạch rõ sự liên hệ giữa hai phái. Nó cũng đã dẫn đến việc khai triển một môn thiền gọi là “chỉ quán” của phái Thiên Thai Tông và khai sinh ra các trường phái Thiền ở Trung Quốc. Vì vậy người ta có thể nói rằng kinh điển này đã tạo ảnh hưởng quan trọng đối với Thiền Tông về sau.
30. Đạt Ma Đa La Thiền Kinh
Yogàcàrabhùmi – sùtra
2 quyển
Do Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 618
Đây là kinh điển do Đạt Ma Đa La (Dharmatrata) và Phật Đại Tiên (Buddhasena) viết, và nhan đề đã lấy từ tên của người thứ nhất; họ là hai vị cao tăng đã phổ biến phương pháp Thiền định ở Trung Á vào đầu thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Nhưng thật ra nội dung của kinh này tập trung vào những lời thuyết giảng của Phật Đại Tiên về những phương pháp Thiền của phái Tiểu Thừa, và các nhà nghiên cứu cho rằng phần thuyết giảng của Đạt Ma Đa La căn cứ vào phái Đại Thừa đã bị thất lạc không thấy nói trong kinh này.
Tuy nhiên, những hướng dẫn dành cho người tu tập được mô tả một cách rất cụ thể, cho nên kinh điển này là một cuốn sách chỉ dẫn phổ thông và thực tiễn. Ngoài ra, cũng vì có người nhầm lẫn giữa tên tác giả Đạt Ma Đa La ở nhan đề sách với Bồ Đề Đạt Ma (Bohhidharma) , người sáng lập môn phái Thiền ở Trung Quốc, cho nên kinh này đã được các tông phái Thiền coi trọng.
31. Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh
Samàdhiràjacandrapradìpa-sùtra
10 quyển
Do Na Liên Đề Da Xá (Narendrayasas) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 639
Kinh này là lời đối thoại giữa một người trẻ tuổi tên là Nguyệt Quang (Candragupta) và Đức Phật Thích Ca, trong đó Đức Phật mô tả một phương pháp tu hành bằng cách quán chiếu tất cả mọi vật đều bình đẳng. Chủ đề chính trong kinh nói rằng bằng cách quán sát để thấy rõ mọi vật tồn hữu đều vô thực thể – tương tự như giấc chiêm bao hoặc như ảo tưởng – thì người ta có thể đạt tới cảnh giới giác ngộ, tức là công đức tối thượng. Trong kinh này mô tả tỉ mỉ những phương pháp tu tập để người ta có thể đạt tới trạng này.
32. Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh
Sùrangamasamàdhi-sùtra
2 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạnh Kinh số 642
Kinh này gọi tắt là “Thủ Lăng Nghiêm Kinh,” (Sùrangama-sùtra) giảng giải những điều cốt yếu của thiền pháp.
Để trả lời câu hỏi của Bồ Tát Kiên Ý (Drdhamati) hỏi về tam muội (samdhi) thượng đẳng siêu việt để đạt tới giác ngộ của những phương pháp tu tập khác nhau, Đức Phật trả lời rằng “thủ lăng nghiêm tam muội” (surangama-samdhi) là phương pháp tiến bộ nhất trong số tất cả những phương pháp tu tập, nó gồm thâu tất cả những phương pháp tu tập khác, kế đó ngài mô tả chi tiết về phương pháp đó và làm thế nào để tu trì loại tam muội này.
Xét về phương diện lịch sử, tư tưởng trình bày trong kinh này mở đường cho những kinh điển khác như “Hoa Nghiêm Kinh” (Avatạmsaka-sùtra) (số 15) “Duy Ma Kinh” (Vimalakìrtinirdésa-sùtra) (số 27) và “Pháp Hoa Kinh” (Suddharmapụndạrìka-sùtra) (số 12), và được xem là được biên soạn vào khoảng những năm đầu Tây lịch.
33. Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh
Suvarnạprabhàsa-sùtra
10 quyển
Do Nghĩa Tịnh (I-ching) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 665
Kim Quang Minh Kinh còn được gọi là “Tối Thắng Vương Kinh,” chủ yếu nói rằng việc đọc tụng kinh này sẽ giúp cho một nước được phù trợ bởi các thần linh như các vị Tứ Thiên Vương. Do đó kinh này thời trước ở Nhật Bổn rất được coi trọng, và là một trong “Hộ Quốc Tam Bộ Kinh” (Ba Bộ Kinh Bảo Vệ Đất Nước), cùng với hai bộ khác là Pháp Hoa Kinh (số 12) và Nhơn Vương Kinh (số 10).
Ở Nhật Bổn việc thiết lập ngôi chùa Tứ Thiên Vương Tự (Shitenno-ji) và các ngôi chùa địa phương trên khắp nước gọi là “quốc phân tự,” và việc cử hành các lễ hội gọi là “tối thắng hội,” đều bắt nguồn từ kinh này. Do đó, có thể nói rằng kinh điển này đã tạo ảnh hưởng rất đáng kể đối với Phật giáo Nhật Bổn ở thời kỳ sơ khai.
34. Nhập Lăng Gìa Kinh
Lankàvatàra-sùtra
10 quyển
Do Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 671
Đây là một kinh điển tiêu biểu cho Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ ở thời kỳ về sau này, bao gồm tư tưởng triết học chú trọng vào “Như Lai Tạng” (tatagatha-garbha), xác định rằng ngay cả tâm trí của một người phàm phu thấp hèn nhất cũng chứa đựng hạt giống của giác ngộ, với lý thuyết “bát chủng thức” (8 thứ tâm thức) đã phân chia các chức năng của trí tuệ thành 8 phương diện và với “a lại da thức” (alaya-vijnana) là tâm thức thứ 8 và căn bản. Vì vậy giáo nghĩa của nó có tầm quan trọng đáng kể.
Tuy nhiên, vì nó giống như một tuyển tập gồm một số những tư tưởng khác nhau của các trường phái Phật giáo thời đó cho nên giáo nghĩa của nó có vẻ có tính cách tổng hợp. Nhưng, người ta có thể nhận ra một giòng tư tưởng nhấn mạnh vào ý nghĩa của chữ “vô phân biệt.” Kinh này cũng quan trọng ở điểm nó mở đường cho tư tưởng được trình bày trong “Đại Thừa Khởi Tín Luận” (số 68), và nó cũng đã tạo ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng của các phái Thiền.
35. Giải Thâm Mật Kinh
Sạmdhinirmaocana-sùtra
5 quyển
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 676
Đây là kinh điển căn bản của Pháp Tướng Tông, nội dung nói về tư tưởng của trường phái Duy Thức (Yogacara hay Vijnanavada), cho rằng tất cả mọi biểu hiện của tâm thức nhân loại. Kinh này thuộc vào thời kỳ giữa của Phật Giáo Đại Thừa Ấn Độ và được soạn thảo vào đầu thế kỷ thứ tư sau Tây lịch. Nó chia thành 8 chương, và nói chi tiết về tư tưởng của Duy Thức Học.
Nếu xét sự kiện phần lớn của kinh này đã được trích dẫn trong “Du Già Sư Địa Luận” (Yogacarabhumi) (số 53), và nhiều câu của nó đã được trích dẫn trong các kinh điển khác như “Nhiếp Đại Thừa Luận” (số 57) và “Thành Duy Thức Luận,” kinh này đã tạo ảnh hưởng đáng kể đối với Phật giáo ở những đời sau.
36. Vu Lan Bồn Kinh
Ullambana-sùtra
1 quyển
Do Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 685
Pháp hội “Vu Lan Bồn” được cử hành ở Nhật Bổn, để tưởng niệm tiền nhân đã chết, là căn cứ vào nội dung của kinh này. Nó kể về tôn giả Mục Kiền Liên (Maudgal-yayana), một trong các môn đồ của Đức Phật Thích Ca, đã hỏi đức thế tôn làm cách nào để cứu độ thân mẫu ngài, một người đã gây ra nhiều nghiệp chướng và đã rơi vào cõi ngạ quỷ (preta). Đức Phật bảo Tôn giả Mục Liên hãy cúng dường thức ăn thức uống vào ngày rằm tháng 7 (tức là ngày cuối cùng của thời kỳ tu tập ba tháng trong mùa mưa), nhờ làm như vậy thân mẫu ngài đã được cứu độ.
Chữ “Vu Lan Bồn” trong nhan đề của kinh này là từ chữ Phạn “ullambana” có nghĩa là “treo ngược đầu xuống đất” ngụ ý về sự đau khổ phải trải qua trong cõi của ngạ quỉ.
Khi xét rằng pháp hội Vu Lan Bồn ngày nay vẫn còn được cử hành ở Nhật Bổn, người ta thấy kinh điển này đã tạo ảnh hưởng đáng kể như thế nào.
37. Tứ Thập Nhị Chương Kinh
1 quyển
Do Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapamatanga)
Và Trúc Pháp Lan (Chu-fa-lan) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 784
Tứ Thập Nhị Chương Kinh được coi là kinh điển truyền vào Trung Quốc sớm nhất, nhưng một số học giả cho rằng nó là một tác phẩm đã được soạn ra ở Trung Quốc.
Như nhan đề cho thấy, kinh này gồm 42 chương giải thích những giáo nghĩa trọng yếu của Phật giáo, vì vậy được dùng như kinh điển nhập môn của Phật giáo, nói về những ý niệm căn bản như khổ đau, vô thường, vô ngã, và những đề mục liên quan tới việc thực hành Phật giáo, như từ bi, bố thí, v.v...
Vì kinh này được viết bằng ngôn ngữ rất đơn giản cho nên nó rất phổ biến ở Trung Quốc, và có tới 10 phiên bản khác nhau.
38. Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La
Liễu Nghĩa Kinh
1 quyển
Do Phật Đà Đa La (Buddhatrata) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 842
Kinh này được gọi tắt là “Viên Giác Kinh” (Kinh Giác Ngộ Hoàn Toàn), viết theo hình thức đối thoại giữa Đức Phật và 12 vị Bồ Tát, mỗi vị đặt ra một câu hỏi, khởi đầu với Văn Thù Bồ Tát. Chủ đề chính là ý niệm về “viên đốn” (giác ngộ tức thì) trong Phật Giáo Đại Thừa Trung Quốc.
Mặc dù có người coi nó là một tác phẩm ngụy tạo, soạn ra ở Trung Quốc, nhưng kinh này vẫn được các tông phái Thiền coi trọng. Tuy nhiên, Đạo Nguyên (Dogen), người sáng lập phái Tào Động (Soto) ở Nhật Bổn, đã bác bỏ kinh này vì lý do rằng nó khác với nội dung của các kinh điển Đại Thừa khác.
39. Đại Tì Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh
Mahàvairocanàbhisambodhivikur Vitàdhisthànavaipulyasùtrendra
Ràja-nàma-dharmaparyàya
7 quyển
Do Thiện Vô Úy (Subhakarasimha)
và Nhứt Hạnh (I-hsing) cùng dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 848
Kinh này là một trong những kinh điển căn bản của Mật giáo, thường được gọi là “Đại Nhựt Kinh” (Mahavairocana-sutra) và được coi là soạn ở miền tây Ấn Độ khoảng giữa thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch.
Toàn kinh chia làm 36 chương, nội dung bao gồm các giáo lý Mật giáo và cách thực hành, mô tả những nghi thức cụ thể.
Trong kinh có vẽ đồ án gọi là “Thai Tạng Giới Mạn Đồ La” – được gọi tên như vậy vì hình vẽ là tượng trưng cho tinh thần đại từ bi của Phật Đà, giống như tình thương bao bọc một thai nhi trong bụng người mẹ.
40. Kim Cang Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương Kinh
Sarvatathàgatatattvasamgrahama
Hàyànàbhisamayamahàkalparàya
3 quyển
Do Bất Không (Amoghavajra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 865
Ở Trung Quốc và Nhật Bổn kinh này và “Đại Nhật Kinh” (số 39) được coi là kinh điển căn bản của Mật giáo và thường được gọi tắt là “Kim Cang Đảnh Kinh.”
Chữ “kim cang đảnh” được dùng với ngụ ý đề cao, như thể nó là tột đỉnh trong số các kinh điển, giống như kim cương trong số các loại đá quí. Những nghi thức đặc thù của Mật giáo cần thực hành để đạt tới giác ngộ được mô tả chi tiết, và hình vẽ “Kim Cang Giới Mạn Đồ La” được căn cứ vào kinh này.
41. Tô Tất Địa Yết La Kinh
Susiddhikaramahàtantrasàdhano pàyika-patạla
3 quyển
Do Thâu Ba Ca La (Subhakarasimha) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 893
Kinh này được gọi tắt là “Tô Địa Kinh” (Susiddhikara-sùtra), mô tả các nghi thức khác nhau trong Mật giáo. Ở Nhật Bổn nó được bao gồm trong các nhóm kinh điển gọi là “Tam Bộ Bí Kinh” và “Ngũ Bộ Bí Kinh,” và được coi là một trong những kinh điển trọng yếu nhất của Mật giáo.
Chữ Phạn “susiddhikara” trong nhan đề – được phiên âm sang chữ Hán là “Tô Tất Địa Yết La” – có nghĩa là “sự hoàn thành viên mãn của tất cả công đức” được dịch nghĩa sang chữ Hán là “Diệu Thành Tự Tác Nghiệp,” nói về sự công hiệu của những nghi thức mô tả trong kinh này.
42. Ma Đăng Già Kinh
Màtangì-sutrà?
2 quyển
Do Trúc Luật Viêm (Chu-lu-yen)
và Chi Khiêm (Chih-ch’ien) dịch
Đại Chánh Đại Taṇg Kinh số 1300
Kinh này đặt trọng tâm vào câu chuyện về một phụ nữ tên là Ma Đăng Già (Matangi) thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ và đã được Đức Phật Thích Ca thu nhận để quy y theo Phật. Trong kinh, Đức Phật giảng giải từng chi tiết rằng 4 giai cấp trong xã hội đều bình đẳng.
Khi xét rằng hệ thống phân chia giai cấp đã tồn tại trong suốt lịch sử của Ấn Độ, người ta thấy kinh điển này có ý nghĩa rất đáng kể – với sự xác định rằng tất cả các giai cấp đều bình đẳng đối với Phật giáo.
43. Ma Ha Tăng Chỉ Luật
Mahàsàmghika-vinaya?
40 quyển
Do Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra)
và Pháp Hiển (Fa-hsien) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1425
Khoảng 100 năm sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, cộng đồng Phật giáo đã phân chia thành hai tông phái, vì có sự bất đồng về cách giải thích các nội dung của giới luật. Phái bảo thủ trong cuộc phân hóa này được gọi là Thượng Tọa Bộ (Theravada) và phái cấp tiến được gọi là Đại Chúng Bộ (Mahasam-ghika).
Tên thứ nhì trên đây đã được dùng trong nhan đề Phạn văn của kinh điển này và đã được phiên âm sang Hán văn. Nhan đề của kinh này cũng thường được gọi tắt là “Tăng Chi Luật,” nó bao gồm những giới luật tu hành đã được lưu truyền trong phái Đại Chúng Bộ nói trên, và mô tả chi tiết những giới luật của các vị tỳ kheo và tỳ kheo ni.
44. Tứ Phần Luật
Dharmaguptaka-vinaya?
60 quyển
Do Phật Da Xá (Buddhayasas)
và Trúc Phật Niệm (Chu-fo-nien) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1428
Trong việc thực hành Phật giáo có bộ giới luật để tuân thủ những qui luật trong đời sống hằng ngày, được gọi theo chữ Hán là “Tứ Phần Luật” (chữ Phạn là Vinaya), nội dung được chia thành bốn phần; giới luật thánh điển này rất phổ biến ở Trung Quốc.
Tuy rằng con số giới luật có khác nhau giữa mỗi bộ kinh, “Tứ Phần Luật” này bao gồm 250 giới luật dành cho các tỳ kheo và 348 giới luật dành cho các tỳ kheo ni. Ở Nhật Bổn trước khi có những “Giới Luật Đại Thừa” do Tối Đằng (Saico) chủ xướng và trở thành phổ biến, các giới luật này đã được hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni tuân phụng.
45. Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa
Samantapàsàdikà (Pàli)
18 quyển
Do Tăng Già Bạt Đà La (Samghabhadra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1462
Kinh điển này được gọi tắt là “Thiện Kiến Luật” hay “Thiện Kiến Luận,” gồm những lời chú giải của Phật Âm Luận Sư (Buddhaghosa) về những giới luật của các tăng sĩ thuộc phái Thượng Tọa Bộ (Theravada).
Vì vậy, kinh này chủ yếu nói về các giới luật tu hành dành cho tỳ kheo và tỳ kheo ni thuộc phái Thượng Tọa Bộ, nhưng trong phần mở đầu có nói về ba Hội Đồng Tăng Lữ đầu tiên đã ghi chép các bộ kinh điển Phật giáo, và nói về việc truyền bá Phật giáo ở Tích Lan do Ma Sai Đà (Mahinda) con Vua A Dục (Asoka) thực hiện.
46. Phạm Võng Kinh
Brahmajàla-sùtra?
2 quyển
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1484
Phạm Võng Kinh nói về những giới luật dành cho các vị Bồ Tát trong phái Đại Thừa, và Tối Đằng (Saicho) đã dùng làm nền tảng cho phái Thiên Thai (Tendai) ở Nhật Bổn. Về sau, giới luật của tăng sĩ Nhật Bổn chỉ gồm 10 giới luật trọng yếu và 48 giới luật thứ yếu; kinh này đã tạo ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Nhật Bổn.
Điểm đáng nói của các “giới luật Đại Thừa” mô tả trong kinh này, và được coi là “Phạm Võng Giới,” là không có sự phân biệt giữa Phật tử tại gia và các tỳ kheo, luật này dạy rằng tất cả các môn đồ Phật giáo đều cần phải tuân hành những giới luật giống nhau.
Ở Trung Quốc và Nhật Bổn, kinh này được coi trọng như là kinh điển hàng đầu, đặt ra những giới luật cho Phật giáo Đại Thừa.
47. Ưu Bà Tắc Giới Kinh
Upàsakásila-sùtra?
7 quyển
Do Đàm Vô Sám (T’an-wu-ch’an) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1488
Kinh này gồm những điều dạy cho một Phật tử tại gia tên là “Thiện Sanh” (Sujata) trưởng giả, nói về giới luật nên gìn giữ đối với cư sĩ tại gia – chữ “Ưu Bà Tắc” là phiên âm từ chữ “upasaka” trong tiếng Phạn có nghĩa là “người hành đạo tại gia thuộc phái nam” và nó còn được gọi là “Thiện Sanh Kinh” (Sujuta-sutra) do tên của nhân vật chính được đề cập trong kinh này.
Những giới luật ghi trong kinh được gọi là “Đại Thừa Giới” hoặc “Bồ Tát Giới” và do đó nó rất được coi trọng ở Trung Quốc, là nơi mà tư tưởng Phật giáo Đại Thừa rất thịnh hành.
Kinh này được coi như là phần mở rộng thêm và mô phỏng theo những nguyên tắc Đại Thừa được ghi trong Trường A Hàm Kinh (số 1) và Trung A Hàm Kinh (số 2). Vì nó chứa đựng những lời trích dẫn từ các kinh điển Đại Thừa khác nhau, cho nên nó cũng là một nguồn tài liệu giá trị để truy cứu lịch sử về sự phát triển của các kinh điển Phật giáo.
48. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Bà Đề Xá
Saddharmapundarìkopadésa
2 quyển
Do Bà Số Bàn Đậu (Vasubandhu) soạn thảo
Do Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruchi)
và Đàm Lâm (T’an-lin) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1519
Chữ “ưu bà đề xá” là phiên âm từ chữ Phạn “upadesa,” có nghĩa là “chú giải,” vì vậy kinh này là chú giải về Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Tuy nhiên, bản Liên Hoa Kinh mà nó căn cứ vào đó để chú giải khác với bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (số 12) do Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn, và nó rất giống với bản tiếng Nepal của Liên Hoa Kinh. Kinh này cũng là cuốn thứ ba và cuối cùng của “Pháp Hoa Tam Bộ Kinh” và nối tiếp vào chương sau cùng của “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (số 12).
49. Thập Trụ Tì Bà Sa Luận
Dásabhùmika-vibhàsà
17 quyển
Do Long Thọ (Nagarjuna) viết
Do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1521
Đây là sách chú giải gồm 35 chương bàn về Thập Địa Phẩm (Dasabhumika), tức là chương quan trọng nhất của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (số 15), tuy rằng nó chỉ giảng giải về hai giai đoạn đầu tiên trong việc tu hành quả vị bồ tát. Nó không chú giải đầy đủ về 10 giai đoạn tu hành, nhưng Chương 9 – nhan đề là “Dị Hành” (dễ thực hành) – đã tạo ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của phái Tịnh Độ Tông.
Cần lưu ý rằng Cưu Ma La Thập đã dịch chữ Phạn “bhumi” (giai đoạn) sang chữ Hán là “trụ” (thân trụ), nhưng chữ này cũng giống như chữ “địa” cho nên có người gọi kinh này là “Thập Địa.” Còn chữ “Tì Bà Sa” là phiên âm chữ Phạn “vibhasa,” có nghĩa là “bình luận” hoặc “chú giải.”
50. Phật Địa Kinh Luận
Buddhabhùmisùtra-sàstra?
7 quyển
Do Thân Quang Đẳng (Bandhuprabha) viết
Do Huyền Trang dịch
Giai đoạn trước khi thành Phật được gọi là Bồ Tát. Và địa vị Bồ Tát lại còn được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau, giai đoạn thứ 10 và cuối cùng được gọi là “Phật địa” (buddhabhumi). Phật Địa Luận Kinh (Buddhabhumisutra-sutra) tức là sách chú giải về Phật Địa Kinh (Buddhabhumi-sutra).
Nội dung của kinh này mô tả chi tiết về những phương diện khác nhau của “giai đoạn thành Phật” (Phật địa). Để chú giải, nội dung của Phật Địa Kinh đã được chia thành ba phần, đây là một hình thức phân chia đã được dùng làm mẫu mực cho nhiều cuốn sách bình luận về những kinh điển khác.
51. A Tì Đạt ma Câu Xá Luận
Abhidharmakósa-bhàsya
30 quyển
Do Thế Thân (Vasubandhu) viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1558
Luận này thường được gọi tắt là “Câu Xá Luận,” là bản tóm lược cương yếu của A Tì Đạt Ma Tỳ Bà Sa Luận, có thể nói đó là bộ Luận giải thích đầy đủ nhất về Phật giáo Tiểu Thừa (Hinayana), và cung cấp nền tảng giáo lý cho phái Câu Xá Tông, một trong 6 tông phái Phật giáo được truyền vào Nhật Bổn trong thời đại Nại Lương (Nara) ở Nhật, và nó cũng được dùng làm sách giáo lý cơ bản của tông phái Pháp Tướng (Hosso).
Nội dung của nó dùng để phê phán những giáo lý của tông phái “Nhất Thiết Hữu Bộ” (Sarvastivadin) của Phật giáo Tiểu Thừa, nhưng vì tóm lược một cách đầy đủ về những giáo lý đó, cho nên được coi như cuốn sách hướng dẫn về tông phái Hữu Bộ.
Tại Nhật Bổn kinh này là kinh điển căn bản để hiểu biết về những giáo nghĩa của Pháp Tướng Tông, cho nên nó đã trở thành đối tượng để nghiên cứu trong nhiều thế kỷ.
52. Trung Luận
Madhyamaka-sàstrra
4 quyển
Do Long Thọ viết
Do Cưu Ma La Thập dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1564
Bộ Luận này bao gồm 445 thi kệ do Bồ Tát Long Thọ sáng tác để giải thích “Trung Đạo,” tức là lập trường căn bản của trường phái Trung Quán (Madhyamika) của Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ, và nó cũng bao gồm cả phần chú giải của Thanh Mục (Pingala).
Ở Nhật Bổn bộ luận này được dùng làm thánh điển căn bản của Tam Luận Tông (Sanron), một trong 6 trường phái Phật giáo du nhập vào Nhật Bổn trong thời đại Nại Lương (
Lời chú giải của Thanh Mục chỉ là một trong nhiều sách chú giải về những kệ tụng của Long Thọ, nhưng, chính những câu kệ đó tự nó rất quan trọng, vì chúng đã cung cấp nền tảng về lý thuyết cho Phật giáo Đại Thừa và đã tạo ảnh hưởng lớn lao đối với sự phát triển của tư tưởng Đại Thừa.
53. Du Già Sư Địa Luận
Yogàcàrabhùmi
100 quyển
Do Di Lặc (Maitraya) thuyết giảng
Do Huyền Trang dic̣h
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1579
Đây là luận điển căn bản của phái Du Già (Yogacara) còn được gọi là phái Duy Thức (Vijnanavada), một trong hai chi nhánh chính yếu của Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ – chi nhánh kia là phái Trung Quán.
Ngoài sự mô tả A Lại Da Thức (alaya-vijnana), nó cũng nói chi tiết về những giáo lý khác nhau của Phật giáo, cho nên Luận này là một thánh điển trọng yếu không thể bỏ qua trong việc nghiên cứu cả hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa.
Bản dịch nói rằng kinh này do Di Lặc thuyết giảng và do Vô Trước (Asanga) ghi chép, nhưng, theo truyền thuyết Phật giáo Tây Tạng thì Vô Trước mới chính là tác giả.
54. Thành Duy Thức Luận
Vijnãptimàtratàsddhi-sàstra?
10 quyển
Do Hộ Pháp Đẳng (Dharmapala) viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1585
Đây là sách chú giải về cuốn “Duy Thức Tam Thập Tụng” (Trimsika) (số 55) của Thế Thân (Vasubandhu) căn cứ vào những lời chú giải của 10 vị học giả Ấn Độ, tuy rằng nó được soạn thảo từ quan điểm của Hộ Pháp Đẳng và chỉ nói sơ qua về quan điểm của 9 lời bình luận khác. Nội dung trình bày sự giảng giải về tông phái Du Già (Yogacara) hay Duy Thức (Vijnanavada), chủ trương rằng có một ý thức căn bản gọi là “A Lại Da Thức” (alaya-vijnana). Sự tồn tại của tất cả nhân loại đều lấy A Lại Da Thức làm căn bản, trong đó tất cả những hành động trong quá khứ đều được tàng trữ. Và những hành động trong quá khứ đó tái hiện trong những hành động của hiện tại và tương lai, vì vậy tất cả mọi hiện tượng đều chỉ là những biểu hiện của tâm thức.
Luận này không những là thánh điển căn bản của tông phái Pháp tướng ở Trung Quốc và Nhật Bổn mà còn là bộ luận trọng yếu mà những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo cần phải nghiên cứu.
55. Duy Thức Tam Thập Luận Tụng
Trimsíkà
1 quyển
Do Thế Thân (Vasubandhu) viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1586
Nhan đề “Duy Thức Tam Thập Luận Tụng” (Ba Mươi Câu Kệ Về Giáo Lý Duy Thức) là do Luận này gồm có 30 thi kệ, và được coi là thánh điểm căn bản của tông phái Pháp Tướng ở Trung Quốc và Nhật Bổn. [Ngoài ra còn có tên gọi khác: “Tam Thập Duy Thức,” “Tam Thập Luận” và “Duy Thức Tam Thập Tụng”].
Bộ Luận cũng là chủ trương căn bản của giáo lý Duy Thức, trong đó nói rằng tất cả mọi hiện tượng đều là những biểu hiện của tâm thức. Được coi là bộ luận cuối cùng của Thế Thân, và cuốn “Thành Duy Thức Luận” (Vijnaptimatratasiddhi-sutra) (số 54) là sách chú giải căn cứ vào cuốn này.
56. Duy Thức Nhị Thập Luận
Vimsátikà
1 quyển
Do Thế Thân viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1590
Nhan đề “Duy Thức Nhị Thập Luận” (Hai Mươi Câu Kệ Bàn Luận Về Giáo Lý Duy Thức) là do kinh này gồm có 20 câu kệ, mỗi câu được viết lời chú giải thích về giáo lý Duy thức mà còn đưa ra lời phê phán về những tư tưởng không thuộc Phật giáo và về giáo nghĩa của phái Tiểu Thừa nhìn từ quan điểm của giáo lý Duy Thức, cho rằng tất cả mọi hiện tượng đều chỉ là những biểu hiện của tâm thức (a lại da thức) con người.
Luận điểm này thường được trích dẫn trong “Thành Duy Thức Luận” (Vijnaptimatratasddhi-sutra) (số 54) như là một luận điển trọng yếu.
57. Nhiếp Đại Thừa Luận
Mahayànasamgraha
3 quyển
Do Vô Trước (Asanga) viết
Do Chân Đế (Paramartha) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1593
Bộ luận này có tên là “Nhiếp Đại Thừa” là vì muốn hệ thống hóa tư tưởng Phật giáo thành một cuốn tổng luận từ quan điểm của phái Duy Thức. Những điều cốt yếu của Phật giáo Đại Thừa được sắp đặt và phân loại theo 10 tiểu đề, dưới mỗi tiểu đề là một chương luận thuyết.
Đây là Luận điển căn bản của tông phái Nhiếp Luận (She-lun) ở Trung Quốc. Và nhan đề của nó cũng được gọi tắt là Nhiếp Luận.
58. Biện Trung Biện Luận
Madhyàntavibhàga
3 quyển
Do Thế Thân (Vasubandhu) viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1600
Đây là sách chú giải về tác phẩm “Biện Trung Biên Luận Tụng” của Di Lặc (Maitreya). Bản dịch của Chân Đế (Paramartha) được gọi là “Trung Biên Phân Biệt Luận.”
Luận này hệ thống hóa giáo lý của phái Du Già, tức là phái Duy thức, từ quan điểm của “Trung” (tức Trung Đạo), là lập trường căn bản của Phật giáo Đại Thừa. Còn chữ “Biên” dùng để chỉ những tư tưởng mâu thuẫn hoặc những quan niệm cực đoan, mà muốn xa lìa chúng thì phải dùng tới “Trung,” và đó là lập trường căn bản của Luận điển này.
59. Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận
Mahàyànasùtralamkàra
13 quyển
Do Vô Trước (Asanga) viết
Do Ba la Pha Mật Đa La (Prabhakaramitra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1604
Luận này bao gồm những câu kệ của Di Lặc (Maitreya) và những lời chú giải của Vô Trước. Nội dung trình bày những giáo nghĩa Đại Thừa vừa là giáo lý thượng đẳng vừa là thích hợp nhất để cứu độ chúng sanh. Trên quan điểm đó, luận này mô tả chi tiết về những đường lối tu hành của các vị Bồ Tát.
Bản dịch Hán văn nói rằng kinh này do Vô Trước viết, nhưng sự thật có thể những lời chú giải do những câu kệ của Di Lặc là do Thế Thân (Vasubandhu) viết căn cứ vào những lời giảng bằng miệng của Vô Trước – là anh của Thế Thân.
60. Đại Thừa Thành Nghiệp Luận
Karmasiddhiprakarana
1 quyển
Do Thế Thân viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1609
Luận này muốn chứng minh rằng tất cả những hành vi của nhân loại – thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp – đều là những biểu hiện của “tâm thức tàng trữ” (tạng thức) tức A Lại Da Thức (alaya-vijnana) mà phê phán những quan niệm về sự chiêu cảm của “nghiệp” (karma) của phái Tiểu Thừa (Hinayàna). Vì vậy có thể nói rằng luận này có ý định dùng quan niệm A Lại Da Thức – tâm thức căn bản của ý thức nhân loại – để hệ thống hóa những lý thuyết khác nhau về nghiệp và về ý thức.
61. Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tánh Luận
Ratnagotravibhàgamahayànottaratantra-sàstra
4 quyển
Do Nặc Na Ma Đề (Ratnamati) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1611
Là tác phẩm tiêu biểu của phái Như Lai Tạng (Tathagatagarbha) thuộc Phật giáo Đại Thừa, Luận này đưa ra sự giải thích có hệ thống về ý niệm cho rằng tiềm năng trở thành Phật tiềm tàng ngay cả trong những con người tầm thường trong xã hội. Nội dung bao gồm nhiều câu trích dẫn từ những kinh điển khác bàn về ý niệm này, và, do đó nó là một chìa khóa quan trọng để hiểu về những giai đoạn sơ khởi của sự phát triển của thuyết Như Lai Tạng.
Luận điển này không nói tên tác giả, nhưng theo truyền thuyết ở Trung Quốc thì do Kiên Huệ (Saramti) viết, nhưng theo Phật giáo Tây Tạng thì Di Lặc (Maitreya) là tác giả và do Vô Trước (Asanga) viết lời chú giải.
62. Nhơn Minh Nhập Chánh Lý Luận
Nyàyapravésa
1 quyển
Do Thương Kiết La Chủ (Sankarasvamin) viết
Do Huyền Trang dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1630
Nhơn Minh là dịch từ chữ Phạn “Nyana” có nghĩa là “luận lý” và nhan đề Luận này là “dẫn nhập vào luận lý học,” là sự giới thiệu đơn giản và ngắn gọn về những lý thuyết của Trần Na (Dignaga), người sáng lập tông phái Phật giáo “Tân Nhơn Minh”, do đệ tử của Trần Na là Thương Kiết La Chủ viết.
Trong khi tác phẩm của chính Trần Na là “Nhơn Minh Chánh Lý Môn Luận” (Nyayamukha) (ngưỡng cửa của luận lý) là một luận điển rất khó hiểu, cuốn sách này của Thương Kiết La Chủ được viết bằng ngôn ngữ giản dị, vì vậy bộ luận này thường được các học giả Trung Quốc và Nhật Bổn tham khảo để nghiên cứu.
63. Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận
Síksàsamuccaya
25 quyển
Do Pháp Xứng (Dharmakirti) soạn
Do Pháp Hộ (Dharmapala) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1636
Đây là bộ Luận tập đại thành những giáo lý để tu tập hạnh Bồ Tát, tức là người thực hành Phật giáo Đại Thừa. Nội dung bao gồm ba phần – những câu kệ tụng, những trích dẫn từ các kinh điển khác, và, những lời chú giải đơn giản của tác giả – và là một nguồn tư liệu quí giá đối với những ai muốn tìm hiểu về giáo chính thống Ấn Độ ở vào thời hậu kỳ.
Bản Hán dịch nói rằng Pháp Xứng (Dharmakìrti) là tác giả, nhưng theo bản chữ Phạn thì Luận này do Tịch Thiên (Sàntideva) biên soạn.
64. Kim Cang Châm Luận
Vajrasùcì
1 quyển
Do Pháp Xứng (Dharmakirti) viết
Do Pháp Thiên (Dharmadeva) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1642
Nhan đề Luận có nghĩa là “cây kim bằng kim cương,” nội dung phê phán nghiêm khắc về thẩm quyền của kinh điển Vệ Đà và địa vị tối thượng của Đấng Phạm Thiên (Brahman) trong Bà La Môn giáo, tôn giáo truyền thống của Ấn Độ, xét từ quan điểm Phật giáo, Kinh này cũng bác bỏ hệ thống phân chia giai cấp của Bà La Môn giáo, nêu ra những giai cấp đều bình đẳng, và đả kích bất cứ điều gì dung dưỡng một hệ thống như vậy.
Bản Hán dịch nói rằng tác giả là Pháp Xứng, nhưng trong bản gốc Phạn văn nói rằng kinh này do Mã Minh (Asvaghosa) viết.
65. Chương Sở Tri Luận
2 quyển
Do Phát Hợp Tư Ba (hPhags-pa) viết
Do Sa La Ba (Sha-lo-pa) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1645
Luận này do Phát Hợp Tư Ba (hPhags-pa), người Tây Tạng, viết vào triều đại nhà Nguyên, dành cho vị thái tử đương thời, như là một cuốn sách cương yếu tổng quan về tư tưởng Phật giáo, và đề cập những vấn đề như nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo.
Xét tổng quát, giáo lý trong kinh này căn cứ vào “Câu Xá Luận” (Abbidharmakosabhasya) (số 51), nhưng cũng có những tư tưởng đặc thù của riêng nó.
Nhan đề “Chương Sở Tri Luận” có nghĩa là “luận về chuyện làm sáng tỏ những gì được biết,” ý nói rằng tất cả những giáo lý cần biết đều được làm sáng tỏ trong nội dung sách này.
66. Bồ Đề Hành Kinh
Boddhicaryàvatàra
4 quyển
Do Long Thọ (Nagarjuna) viết
Do Thiên Tức Tai (Devasanti) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1662
Nhan đề kinh có thể dịch nghĩa là “đi vào con đường giác ngộ,” gồm 8 chương viết bằng hình thức thi kệ và mô tả những phương pháp tu hành để đạt tới giác ngộ, tức là mục đích tối hậu của Phật giáo, và những công đức gặt hái được nhờ thực hành những giáo lý này.
Đặc biệt trong chương thứ nhất nhấn mạnh sự quan trọng của việc phát “bồ đề tâm” (boddhicitta), tức là quyết tâm cố gắng đạt tới giác ngộ.
Bản Hán dịch nói rằng kinh này do Long Thọ viết, nhưng cả hai bản Phạn ngữ lẫn bản Tây Tạng ngữ đều nói rằng tác giả là Tịch Thiên (Santideva); và ngay cả trong bản Hán dịch người ta thấy những nhóm chữ như “Thánh Long Thọ Bồ Tát.” Vì vậy các học giả xét rằng khó có chuyện tác giả lại tự xưng mình là “Thánh,” do đó họ tin rằng Tịch Thiên mới thật sự là tác giả kinh này.
67. Kim Cang Đỉnh Du Già Trung Phát a Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm Luận
1 quyển
Do Bất Không (Amoghavajra) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1665
Tại Nhật Bổn, phái Chơn Ngôn (Shingon), một tông phái Mật giáo, coi kinh này là trọng yếu mà mọi tín đồ của họ cần phải đọc, và nó thường được gọi vắn tắt là “Bồ Đề Tâm Luận” hoặc “Phát Bồ Đề Tâm Luận.”
Nội dung bàn về “phát khởi ý tưởng giác ngộ,” nghĩa là tập trung tâm trí và phát nguyện rằng sẽ phải đạt tới giác ngộ, và “đạt tới Phật tánh trong nhục thân này,” nghĩa là đạt tới giác ngộ trong thể xác này (tức thân thành Phật), và, nó cũng bàn luận về những khác biệt giữa Hiển giáo và Mật giáo.
Luận này được gán cho Long Thọ là tác giả, nhưng nhiều học giả từ trước tới nay thường nghi ngờ về điều đó.
68. Đại Thừa Khởi Tín Luận
Mahàyànásraddhotpàda-sàstra?
1 quyển
Do Mã Minh (Asvaghosa) viết
Do Chân Đế (Paramartha) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1666
Nhan đề có nghĩa là “luận về sự phát khởi niềm tin vào Đại Thừa,” nội dung tóm lược cả phương diện lý thuyết lẫn phương diện thực hành của những tư tưởng trọng yếu trong Phật giáo Đại Thừa, vì vậy từ trước tới nay nó được phổ biến rộng rãi trong đại chúng như là kinh điển nhập môn của Phật giáo Đại Thừa. Luận này không dài, nhưng nó rất quan trọng trong lịch sử ở Trung Hoa và Nhật Bổn đối với các tông phái khác nhau, như các phái Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tịnh Độ, Chơn Ngôn.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều nghi vấn liên quan tới tác giả và xuất xứ; cho tới nay người ta không biết nó được soạn ở Ấn Độ hay ở Trung Hoa, và không rõ tác giả Mã Minh sống trước hay sau Long Thọ.
69. Thích Ma Ha Diễn Luận
10 quyển
Do Long Thọ (Nàgàrjuna) viết
Do Phạt Đề Ma Đa (Vrddhimata) dịch
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1668
Chữ “Ma Ha Diễn” trong nhan đề là do phiên âm từ chữ Phạn “Mahayana,” vì vậy nhan đề có nghĩa là “Chú Thích Về Đại Thừa Khởi Tín Luận” (và “Đại Thừa Khởi Tín Luận” là sách số 68 trên đây).
Giống như cuốn “Đại Thừa Khởi Tín Luận,” cuốn này cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới tác giả và xuất xứ, nhưng thường được cho là soạn thảo vào thế kỷ thứ 6 hay thứ 7 ở Trung Hoa hoặc ở Đại Hàn.
Vì nó được Không Hải (Kuhai), người sáng lập phái Chơn Ngôn (Shingon) ở Nhật Bổn, nhìn nhận là tác phẩm đích thực của Long Thọ cho nên Luận này đã được phái Chơn Ngôn coi là Luận điển quan trọng để nghiên cứu.
70. Na Tiên Tỳ Kheo Kinh
Milindapãnhà
2 quyển
Không biết tên dịch giả
Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1670
Tuy bản Hán dịch gọi là “kinh” nhưng sách này không phải là ghi chép lại những lời thuyết giảng của chính Đức Phật Thích Ca, mà là chuyện thuật lại một cuộc đối thoại về tư tưởng Phật giáo giữa Vua Di Lan Đà (Milinda), vị vua của Hy Lạp cai trị vùng tây bắc Ấn Độ ở hậu bán thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, và một vị tỳ kheo Ấn Độ tên là Na Tiên (Nagasena). Kinh này kết thúc với chuyện Vua Di Lan Đà qui y phật pháp, và đây là một nguồn tư liệu rất quý giá trong việc nghiên cứu những khác biệt giữa các tư tưởng đông phương và tây phương.
Trong kinh điển tiếng Pa-li kinh này không được liệt vào Tam Tạng Kinh, nhưng về phương diện văn học Phật giáo nội dung của nó có một giá trị rất quan trọng. Tuy nhiên, bản Hán dịch hơi khác biệt về nội dung đối với bản Pa-li ngữ, và bút pháp dịch thuật cũng không được lưu thoát.