Kinh nầy thuần trình bày các pháp thật tướng. Sao gọi là thật tướng? Không sanh, không diệt, không hữu, không vô, không đoạn, không thường, không phải cấu không phải tịnh, không phải thật, không phải chúng sanh.... cho đến không có như Lai xuất thế và nhập Niết bàn. Tại sao? Thật tướng là vô tướng, vô tướng vì vô tướng, quán thân như thế quán Phật cũng vậy, tác quán như vậy ai là năng quán? Ai là sở quán? Năng sở đều vong, sự quán cũng không lập, rổng rang siêu việt thế, xuất thế gian, đây là cứu cánh bát nhã. Dù như thế, nhưng với kẻ sơ cơ phải nương phương tiện mới đi vào được, do đó Phật mới khai mở một phương pháp nhờ duyên không nắm giữ tướng chuyên xưng danh tự, thông đạt danh tự không phải danh tự, vì danh tự tức là thật tướng thông đạt thật tướng không phải thật tướng vì thật tướng là danh tự. Dứt hết các sự suy lường các pháp bình đẳng. Niệm Phật như vậy tức niệm vô niệm, vô niệm mà niệm, bỗng nhiên thể nhập tâm và Phật đều tan, vượt ngoài số lượng đây là một vị giải thoát, liền đó đầy đủ sáu môn ba la mật mau đắc vô thượng bồ đề. Thế nên vào đời Đường vị tăng Pháp Chiếu đi hành hương núi Ngũ Đài được gặp ngài Văn Thù bồ tát, ngài Văn Thù dạy: Ta trong kiếp quá khứ nhờ niệm Phật nên đắc nhứt thiết chủng trí, tất cả pháp bát nhã ba la mật thiền định sâu xa thậm chí chư Phật cũng xuất sanh từ môn niệm Phật.
Xem kỹ trong kinh càng thêm tin lời.