Tác giả:Lama Zopa Rinpoche; Nguyễn Văn Điểu - Đỗ Thiết Lập dịch; Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
13. NHỮNG LỢI LẠC LỚN LAO NHẤT CỦA BỆNH TẬT
Cách thức tu tập cốt lõi nhất là sử dụng bệnh tật và tất cả các vấn đề bất ổn khác nữa để phát sinh Bồ-đề tâm, tâm vị tha mong ước thành tựugiác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh hữu tình. Tư tưởng từ bi trong Bồ-đềtâm là giáo huấn cốt lõi của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Bồ-đề tâm là dược phẩm tốt nhất, là đề mục thiền định tốt nhất, là sự tu tập tâm linhtốt nhất. Sống một cuộc sống với Bồ-đề tâm là phương pháp tốt nhất để chăm sóc sức khỏe của chúng ta và là cách tốt nhất để chữa các bệnh nan ynhư ung thư, AIDS cũng như bất kỳ bệnh tật nào khác. Bồ-đề tâm mang đếnsự bảo vệ tốt nhất cho cuộc sống của chúng ta.
Bồ-đề tâm là buông bỏ cái tôi và thương yêu chăm sóc người khác. Cái tôilà nguồn gốc của mọi vấn đề bất ổn về tình cảm của chúng ta và là nguồngốc của tất cả chướng ngại ngăn cản thành công và hạnh phúc của ta cũngnhư ngăn cản không cho ta mang hạnh phúc và thành công đến cho vô số chúng sinh hữu tình. Các chúng sinh khác chính là nguồn hạnh phúc của chúng ta – hạnh phúc tạm thời mà chúng ta hưởng được trong đời này cũng như hạnh phúc tối thượng của sự giải thoát và giác ngộ viên mãn. Bởi vì Bồ-đề tâm – tâm vị tha thương yêu chăm sóc người khác và tìm cách mang hạnh phúc đến cho họ – được phát sinh dựa vào sự hiện hữu của chúng sinhhữu tình đang đau khổ, cho nên ta có được mọi hạnh phúc là nhờ sự tử tếcủa các chúng sinh khác.
Bồ-đề tâm cũng là người bạn tốt nhất của chúng ta. Các người bạn ngoài đời có thể thay đổi, nhưng Bồ-đề tâm thì luôn luôn không thay đổi. Bồ-đềtâm không bao giờ thay đổi và không bao giờ lừa dối chúng ta; Bồ-đề tâmkhông bao giờ hãm hại chúng ta, ngược lại luôn đem lợi lạc đến cho chúng ta cũng như các chúng sinh khác. Bồ-đề tâm là người bạn tốt nhất, đáng tin cậy nhất.
Bồ-đề tâm cũng là phương tiện tốt nhất để gặt hái thành công trong đời này cũng như các đời sau, đặc biệt là sự thành công trong việc thành tựugiải thoát và giác ngộ viên mãn. Thành công là một [sự kiện] duyên sinhtương thuộc; nó tùy thuộc nhân và duyên. Thành công trong việc tìm thấyhạnh phúc phải đến từ một nhân đặc biệt, một thiện nghiệp, và nhân này phải đến từ một ý định tốt. Với Bồ-đề tâm, tức là suy nghĩ mang lợi lạc đến cho chúng sinh hữu tình, người ta có thể tích lũy công đức vô lượng,tức thiện nghiệp. Như ngài Tịch Thiên đã nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh, một người dù trên thực tế không tham dự vào việc làm lợi lạc cho người khác, nhưng chỉ với ý muốn thôi thì người đó cũng đã tích lũy công đức lớn lao như bầu trời. Chỉ đơn thuần bằng ý muốn làm lợi lạc cho người khác cũng đã tích lũy một bầu trời công đức, nên Bồ-đề tâm là phương tiện tốt nhất để đạt được thành công trong việc tìm thấy hạnh phúc. Đây là cách giải thích hợp lý về việc Bồ-đề tâm là suối nguồn của thành công. Cách giải thích này cũng có thể áp dụng vào việc tìm kiếm sự giàu có.
Có được Bồ-đề tâm, chúng ta trở thành bạn của tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu chúng ta cảm thấy có sự xa cách với chúng sinh hữu tình, như thể có một bức tường ngăn cách với họ, thì Bồ-đề tâm sẽ phá vỡ bức tườngđó, khiến cho chúng ta cảm thấy gần gũi với tất cả chúng sinh hữu tình.Một khi thực chứng được Bồ-đề tâm, chúng ta ôm trọn tất cả chúng sinh trong trái tim mình. Tâm từ, tâm bi và Bồ-đề tâm của chúng ta là suối nguồn của mọi hạnh phúc và thành công của ta và của tất cả vô số chúng sinh hữu tình.
Dù cho có bị ốm đau hay được khỏe mạnh, nhưng với Bồ-đề tâm, cuộc sống của chúng ta luôn luôn có lợi cho người khác; mọi sự mà chúng ta làm luôn là lợi lạc cho các chúng sinh hữu tình. Cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng có lợi, vì chúng ta luôn sống vì người khác. Với cách sống này,mục đích cuộc sống của chúng ta sẽ được hoàn mãn.
Phát triển Bồ-đề tâm là cách thức nhanh và mãnh liệt nhất để loại trừ hết các chướng ngại của hạnh phúc đồng thời tích lũy được công đức, nhâncủa hạnh phúc, đặc biệt là hạnh phúc tối thượng của giác ngộ viên mãn. Nếu không có Bồ-đề tâm, chúng ta không thể thành tựu giác ngộ hay thành tựu được mục đích cao cả nhất của cuộc đời là mang tất cả chúng sinh hữutình đau khổ đến bến bờ giác ngộ. Mong ước tu tập Bồ-đề tâm, hoán đổi mình với người khác, là mong ước tốt nhất trong tất cả mong ước.
Làm sao chúng ta có thể sử dụng các vấn đề bất ổn của chúng ta để làm phát sinh tâm giác ngộ này? Cúng ta phải cứu xét nguồn gốc mọi vấn đề của chúng ta. Cơ bản mà nói, tất cả vấn đề bất ổn của ta đều phát xuất từ tâm vị kỷ – thương yêu chăm sóc cái tôi của mình – cho nên “cái tôi” là đối tượng cần được vĩnh viễn loại bỏ.
Tất cả hạnh phúc của chúng ta đều đến từ sự tử tế của các người khác, nên các chúng sinh hữu tình khác là đối tượng cần được thương yêu chăm sóc mãi mãi. Với lý do như vậy, chúng ta phải từ bỏ cái tôi và thay vào đó thương yêu chăm sóc các chúng sinh hữu tình khác. Để rèn luyện tâm mình trong pháp tu tập hoán đổi mình với người, chúng ta cần phân tích thật chi tiết các nhược điểm của tâm vị kỷ và tìm hiểu kỹ lưỡng những lợi lạc vô tận của sự thương yêu chăm sóc người khác. Trừ bỏ được tâm vịkỷ sẽ giúp chúng ta phát triển Bồ-đề tâm vị tha, là tâm sẽ đưa chúng tatới hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn và làm cho ta có khả năng dẫn dắt mọi người đến giác ngộ. Đồng thời, dù bản thân chúng ta không mong đợi nhưng Bồ-đề tâm tự nhiên sẽ đem đến cho chúng ta những phần thưởng tạm thời như hạnh phúc, thành công, uy tín, sự giàu có và uylực.
Những tai hại của tâm vị kỷ
Tại sao các tình huống trong cuộc sống trở thành những vấn đề bất ổn? Vìchúng ta sai lầm khi gắn bó, ôm giữ tâm vị kỷ. Hãy lấy thí dụ về các vấn đề phát sinh trong quan hệ với người thân. Chính sự luyến ái nổi lêntừ tâm vị kỷ đã khiến cho chúng ta không hài lòng với người bạn đời hiện tại và từ bỏ để đến với một người mới. Chúng ta có thể thấy rõ là vấn đề đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta không chạy theo tâm vị kỷ.Hơn nữa, khi chúng ta sống theo cách đồng nhất chính mình với tâm vị kỷ,chúng ta sẽ bị tổn thương khi người bạn đời của ta không còn yêu thươngta. Tại sao? Vì tâm vị kỷ bị tổn thương. Vì chúng ta đồng nhất mình vớitâm vị kỷ, nên khi tâm này bị bất cứ tổn thương nào, ta cũng bị tổn thương. Cách thức đồng nhất chính mình như vậy là hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn khác với thực tại của bản thân chúng ta. Khi phân tích những vấn đề mà chúng ta trải qua trong đời thường, chúng ta thấy rằng các vấnđề đó trực tiếp liên quan đến tâm vị kỷ của chúng ta. Bằng chứng của sựkhám phá này là, nếu chúng ta buông bỏ được tâm vị kỷ, chúng ta sẽ không còn vấn đề bất ổn nào nữa trong cuộc sống. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không thấy phiền muộn khi người bạn đời của ta rời bỏ ta.
Khi chúng ta bị bệnh, nếu chúng ta thuận theo tâm vị kỷ, căn bệnh ấy sẽ gây phiền não cho ta; nếu ta buông bỏ được tâm này thì bệnh sẽ không gâyphiền não cho ta. Mặc dầu tình huống bên ngoài giống nhau, nhưng cách thức ta ứng phó với tình huống sẽ tạo ra khác biệt rất lớn lao. Khi chúng ta nhận biết được những vấn đề gây ra bởi tâm vị kỷ, ta sẽ xem đó là nhân của bệnh và không còn xem các yếu tố bên ngoài là nhân của bệnh.Tách biệt được “cái tôi” ra khỏi tâm vị kỷ sẽ giúp chúng ta có cơ hội thấy biết tâm vị kỷ là kẻ thù đích thực của ta.
Mặc dù chúng ta nhìn thấy “cái tôi” như là tự nó hiện hữu, như thể khôngliên quan gì đến tâm ta, nhưng “cái tôi” này không hề hiện hữu. Cái tôicó thật hiện ra trước mắt chúng ta – nói “có thật” trong ý nghĩa là tự nó hiện hữu – chỉ là một ảo tưởng. Trước đây, tôi đã nêu ra lý do tại sao thân này không phải là cái tôi, tâm này không phải là cái tôi, và ngay cả kết hợp thân và tâm này cũng không phải là cái tôi. Cho dù cái tôi có hiện hữu – nó thực hiện tất cả các hoạt động như ăn ngủ, đi lại, trải nghiệm hạnh phúc cũng như các vấn đề khó khăn – nhưng nó lại không hề hiện hữu ở bất cứ nơi nào trong kết hợp của thân và tâm này.
Cái tôi vốn hoàn toàn được gán đặt bởi tâm, nhưng đối với chúng ta lại có vẻ như một thực thể tự hiện hữu; rồi chúng ta tin vào cái tôi tự hiệnhữu này và chúng ta thương yêu chăm sóc nó như thể nó quí báu nhất, quan trọng nhất so với vô số chúng sinh hữu tình khác. Vì thế mà [chúng ta cho rằng] việc quan trọng nhất trên đời là loại bỏ mọi vấn đề khó khăn cho cái tôi này và đạt được hạnh phúc cho nó. Tuy nhiên, thực tế làchúng ta đang thương yêu chăm sóc cho một ảo tưởng. Khi chúng ta phân tích đối tượng vốn là nền tảng của tâm vị kỷ, chúng ta không tìm thấy cógì ở đó để chăm sóc; chỉ là sự trống không. Khi chúng ta không suy xét lại mà chỉ một mực tin vào cái ảo tưởng đó thì dường như thể có một cái tôi thật đáng được thương yêu chăm sóc. Đây là bản chất tâm vị kỷ của chúng ta.
Vì tâm không phải cái tôi, vậy làm sao tư tưởng vị kỷ lại có thể là cái tôi? Cái tôi không phải là tư tưởng vị kỷ; tư tưởng vị kỷ không phải là cái tôi. Chúng hoàn toàn khác nhau. Tư tưởng vị kỷ chỉ là một trong những thực thể được gán đặt tên gọi “cái tôi”. Chúng ta phải hiểu điểm này thật rõ ràng.Vì chúng ta chưa phát sinh được trí tuệ qua sự hiểu biết về bản chất tuyệt đối và tương đối của các hiện tượng nên mới có những cái nhìn sai trái của vô minh, xem tâm vị kỷ là cái tôi, và chúng ta tin là cái tôi không thể hiện hữu mà không có tâm vị kỷ. Và nếu tâm này quả thật đồng nhất với cái tôi thì hẳn sẽ có nhiều sai lầm nối tiếp theo nhau. Bởi vì có 84.000 phiền não nên sẽ có 84.000 cái tôi. Và trongtrường hợp này, mỗi khi đi lại chúng ta hẳn phải mua vé tàu xe cho hàngngàn cái tôi! Và chúng ta lẽ ra phải có hàng ngàn người cha, người mẹ. Và vì mỗi bậc cha mẹ đều có hàng trăm ý niệm thiện và bất thiện, nên mỗimột ý niệm đó hẳn cũng là một cái tôi. Và khi chúng ta lập gia đình, hẳn sẽ không có chuyện một vợ một chồng, vì chúng ta phải cưới đến hàng ngàn người phối ngẫu. Rõ ràng điều này hoàn toàn trái ngược với kinh nghiệm thật của chúng ta.
Lại nữa, nếu tâm vị kỷ là cái tôi thì lẽ ra cái tôi phải ngừng dứt khi tâm vị kỷ ngừng dứt. Điều này có nghĩa là một cái tôi có đó nhưng không thể thực hành Bồ-đề tâm và không thể thành tựu giác ngộ viên mãn.
Với các nhận thức vô minh của chúng ta, chúng ta xem tâm vị kỷ là cái tôi, và chúng ta nghĩ rằng không thể nào cái tôi hiện hữu mà không có tâm vị kỷ. Nhưng tâm này không độc lập. Nó hiện hữu tùy thuộc vào các nhân và duyên, và như vậy nó có thể bị loại bỏ bởi các nhân và duyên khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể loại bỏ nó bằng sự rèn luyện tâm trong pháp tu hoán đổi mình với người, tức là học cách buông bỏ cái tôi và thương yêu chăm sóc người khác.
Làm sao hoán đổi mình với người? Bằng cách nào để làm được việc chăm sócngười khác thay vì chăm sóc mình? Hãy cứu xét việc ta đã nhận thân thể này từ cha mẹ ta; thân ta ban đầu là một phần của thân thể cha mẹ ta; vàthân cha mẹ ta cũng có được từ thân thể của người khác nữa. Bây giờ, tagán đặt nhãn hiệu “cái tôi” lên thân này, và thương yêu chăm sóc nó, dùcho nó bắt nguồn là một phần thân thể của cha mẹ ta. Tương tự như vậy, vì cái mà ta gọi là “người khác” đó hoàn toàn chỉ là một nhãn hiệu mà tâm ta gán đặt lên thân của người khác, nên tâm chúng ta có thể xoay đổichuyển từ thương yêu chăm sóc mình sang thương yêu chăm sóc người khác.Đây là cách giải thích hợp lý cho việc chúng ta có thể chuyển đổi từ việc thương yêu chăm sóc chính mình sang thương yêu chăm sóc người khác như thế nào.
Có hai cách suy nghiệm để nhận ra được tất cả các vấn đề bất ổn của chúng ta đều xuất phát từ tâm vị kỷ như thế nào. Cách phân tích thứ nhấtlà thấy rõ các vấn đề bất ổn của ta xuất phát từ các nghiệp bất thiện thực hiện do tâm vị kỷ như thế nào. Thiền định về các tai hại của tâm vịkỷ cũng là thiền định về nghiệp; nó là một cách thức bao quát và rất hiệu quả để suy ngẫm về nhân của khổ đau. Có quá nhiều vấn đề bất ổn củachúng ta liên quan đến mười bất thiện nghiệp, và các hành vi bất thiện này được thực hiện bởi thái độ vị kỷ của ta. Không hề có nghiệp bất thiện – nhân của khổ đau – nào tự nó hiện hữu. Nó được tạo ra bởi tâm [vị kỷ] của chúng ta.
Cách phân tích thứ hai ngắn gọn hơn là thấy rõ các vấn đề bất ổn hiện nay của chúng ta liên quan trực tiếp đến tâm vị kỷ như thế nào, và tất cả các vấn đề chúng ta trải qua đều có mối quan hệ tức thời với tâm vị kỷ của ta như thế nào. Nếu chúng ta thuận theo tâm này, ta phải hứng chịu các vấn đề bất ổn trong cuộc sống; nhưng ngay giây phút chúng ta nhận biết rõ ràng về tâm vị kỷ và tự tách mình ra khỏi nó, ta sẽ thôi không còn có vấn đề bất ổn nào nữa trong cuộc sống.
Khi chúng ta không phân tích thực tại của đời sống, ta có thể cho rằng tâm vị kỷ là nên thuận theo. Đặc biệt, văn hóa phương Tây khuyên chúng ta rằng tâm vị kỷ có ích và nó bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, nếu ta sử dụng trí tuệ để suy xét sự thật của điều này, ta thấy đó chỉ là một ảo tưởng. Trong thực tế, tâm vị kỷ liên tục gây hại cho ta; nó hủy hoại ta và hạnh phúc của ta. Nó ngăn cản ta đạt được mọi sự thành công, tạm thờicũng như vĩnh viễn.
Mỗi vấn đề bất ổn xảy đến trong cuộc sống đều do chúng ta tạo ra. Tất cảcác vấn đề của ta xuất phát từ tâm vị kỷ của chính ta, không phải đến từ ai khác. Tâm ta là nhân chính của các vấn đề, kể cả bệnh tật của ta. Điều rõ ràng là người có tâm vị kỷ mãnh liệt luôn có ít hạnh phúc và bình yên cũng như hay gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho người khác. Những người như vậy đi đến bất cứ nơi đâu cũng luôn gây ra sự bất hòa.
Khi chúng ta còn bị tâm vị kỷ chi phối, chúng ta luôn ganh ghét với bất cứ ai vượt hơn ta về sự giàu có, học vấn hay quyền lực. Chúng ta ganh đua với những người chúng ta xem là ngang hàng với mình, và chúng ta cảmthấy cao ngạo với những người ta xem là thua kém. Khi gặp bất kỳ ai, tâm vị kỷ đều thúc đẩy chúng ta phát sinh những tư tưởng điên đảo và tạonghiệp bất thiện. Tâm vị kỷ liên tục hành hạ chúng ta. Nó chẳng bao giờđể chúng ta yên mà luôn khiến ta phải chịu nhiều lo âu sợ hãi. Nó cũng làm ta phải đau đớn vì tham lam, sân hận, ganh tị, cao ngạo và những tâmmê lầm khác.
Tự chữa trị mình khỏi căn bệnh vị kỷ là việc hết sức quan trọng, vì tháiđộ sống vị kỷ là nguồn gốc của quá nhiều điều bất hạnh, của sự tuyệt vọng, cô đơn và căng thẳng. Nếu chúng ta làm mọi việc chỉ để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình, thậm chí chỉ trong một đời này thôi, động cơ vị kỷ đó sẽ khiến chúng ta căng thẳng. Tâm vị kỷ cũng khiến chúng ta luôn cố giành lấy thắng lợi cho riêng mình và để cho kẻ khác thua thiệt,và điều này có nghĩa là trên thực tế chúng ta bị bắt buộc phải tạo ra nhân của thất bại [về sau]. Điều này sẽ mang đến chúng ta sự thất bại thua thiệt trong hàng ngàn đời sau và tạo ra các chướng ngại cản trở sự giác ngộ.
Chính tâm vị kỷ ngăn cản không cho chúng ta phát sinh tâm bi mẫn, xót thương người khác đang bị khổ đau và ra tay giúp đỡ họ. Nó cũng ngăn cảnchúng ta phát triển trí tuệ. Tâm vị kỷ cũng ngăn chúng ta thực hành thiền định và chấm dứt mọi khổ đau; nó ngăn không cho chúng ta đạt được hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn.
Do đó, chúng ta phải sử dụng từng vấn đề mà chúng ta đang trải qua như một vũ khí để phá trừ tâm vị kỷ, kẻ thù thực sự của ta. Đối với từng vấnđề mà tâm vị kỷ đưa đến, ta hãy trả lại cho nó để phá trừ nó. Ví dụ, khi chúng ta bị chỉ trích, thay vì thấy mính là đối tượng bị chỉ trích, chúng ta nên chuyển đổi đối tượng và dùng sự chỉ trích đó như một vũ khíđể phá trừ tâm vị kỷ của ta. Ngay lập tức chúng ta nên nghĩ rằng: “Đây chính là những gì tôi cần để phá trừ tâm vị kỷ của tôi, vốn thường xuyênhành hạ tôi. Nó cản ngăn hạnh phúc tạm thời và hạnh phúc tối thượng củatôi và gây ra tất cả các vấn đề bất ổn cho tôi. Tâm vị kỷ của tôi còn gây hại chúng sinh khác, trực tiếp hay gián tiếp, từ đời này sang đời khác.”
Nếu chúng ta suy ngẫm theo cách này, chúng ta sẽ thấy sự chê bai và những điều không mong muốn khác là hữu ích và cần thiết, vì chúng giúp ta phát triển tâm và hướng đến một cuộc sống tốt hơn. Tâm vị kỷ là một căn bệnh, và sự chê bai chỉ trích là liều thuốc có thể chữa được căn bệnh kinh niên này cho tâm ta.
Chúng ta nên nhận ra rằng tâm vị kỷ là kẻ thù thực sự của ta, trong khi bệnh tật, sự chê bai chỉ trích cũng như mọi vấn đề bất ổn khác đều là vũkhí có thể phá trừ tâm vị kỷ đó. Chúng ta nên vui vẻ tiếp nhận vấn đề và trả lại cho tâm vị kỷ để phá trừ nó, kẻ thù luôn gây hại cho ta. Nó đã gây hại trong quá khứ, nó đang gây hại bây giờ, và nó sẽ gây hại cho ta trong tương lai. Nhận thức rằng các vấn đề bất ổn là có hại cho chúngta sẽ tan biến khi ta trả những vấn đề bất ổn đó lại cho tâm vị kỷ. Cácvấn đề bất ổn sẽ không còn khiến ta bận tâm, vì ta thấy rằng chúng đanglàm lợi ích cho ta bằng cách giúp ta có khả năng phá trừ tâm vị kỷ, kẻ thù luôn mang đến tất cả các vấn đề bất ổn cho ta và khiến ta luôn khôngđược hạnh phúc, không được hài lòng.
Những lợi lạc của việc thương yêu chăm sóc người khác
Các chúng sinh hữu tình là nguồn gốc tất cả hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có được hạnh phúc trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều là nhờ sự tử tế của các chúng sinh hữu tình. Chẳng hạn, các chúng sinh hữu tình chính là các điều kiện (các duyên) để chúng ta có được một thân người tái sinh quí báu này và để thân thể này của chúng ta được sống lâutrong môi trường an toàn và thanh thản. Các duyên này sở dĩ có được là nhờ trong quá khứ ta đã có những thiện hạnh, sống theo giới nguyện khônggiết hại chúng sinh khác. Như tôi đã giải thích trước đây, chúng ta có được bốn loại quả hạnh phúc khác nhau khi chúng ta tạo được nhân thiện hạnh sống theo giới nguyện này. Một là chúng ta có được thân người quí báu. Hai là chúng ta sẽ được sống lâu, tức là có quả giống như nhân đã tạo. [Loại thứ ba là] quả báo phụ thuộc, chúng ta được sống ở nơi ít nguy hiểm, ít sợ hãi, và chúng ta có cuộc sống thoải mái, tiện nghi. Và loại thứ tư là trong đời này chúng ta lại tu tập giới nguyện không giết hại, sự tu tập này sẽ tạo ra quả báo giống như nhân.Mỗi một thiện nghiệp trong mười thiện nghiệp (Thập thiện) đều sẽ đưa đếncác quả hạnh phúc tương tự như cách trên. Do vậy, cơ bản mà nói, tất cảhạnh phúc mà chúng ta có được trong cuộc sống hằng ngày đều có liên quan mật thiết đến các thiện hạnh mà chúng ta đã làm trong các đời quá khứ. Điểm chính mà tôi muốn nêu ra là, tất cả hạnh phúc mà chúng ta có được là nhờ vào sự tử tế của các chúng sinh hữu tình. Hãy lấy đời tái sinh thân người hoàn chỉnh này làm ví dụ, đây là thân người đang cho chúng ta cơ hội phát triển tâm và thành tựu hạnh phúc tạm thời cũng như hạnh phúc vĩnh cửu như chúng ta mong muốn. Thân người này cũng cho phép chúng ta giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ và nhân của khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Chúng ta nhận được thân người tái sinh hoàn chỉnh này và kể cả các nhân của thân người (là việc đã giữ giới nguyện không giết hại, đã bố thí cúng dường, đã hồi hướng công đức cho việc tái sinh được thân người hoàn chỉnh) là nhờ vào sự tử tế của những chúng sinh hữutình khác. Nếu không có các chúng sinh hữu tình khác, chúng ta không cócơ hội tu tập giới hạnh.
Chẳng hạn, khi thực hành giới không giết hại, chúng ta thực hiện lời thệnguyện đó trong mối quan hệ với từng chúng sinh. Thân người tái sinh hoàn chỉnh của ta có được là tùy thuộc vào sự tử tế của từng chúng sinh đang hiện hữu, từng công đức chúng ta có khả năng tích lũy cũng như từnghạnh phúc mà chúng ta có thể dâng tặng cho tha nhân đều tùy thuộc vào sự tử tế đó. Chẳng hạn, mỗi lần chúng ta phát khởi một nguyện lực với Bồ-đề tâm thì ta sẽ tích lũy được vô vàn công đức, và điều này sở dĩ thực hiện được là nhờ vào sự tử tế của từng chúng sinh hữu tình.
Chúng ta cũng sẽ đạt được các đời tái sinh tốt đẹp trong tương lai nhờ vào sự tử tế của từng chúng sinh, vì việc tạo được các nhân cho một kiếptái sinh tốt đẹp tùy thuộc vào sự hiện hữu của chúng sinh.
Chúng ta cũng sẽ thành tựu hạnh phúc tối thượng vĩnh cửu của sự giải thoát, với sự chấm dứt tất cả khổ đau và nhân của khổ đau, đều nhờ vào sự tử tế của từng chúng sinh hữu tình. Bằng cách nào? Con đường căn bản cho phép chúng ta đạt được điều vừa nêu trên chính là giới hạnh. Tùy thuộc vào sự rèn luyện cao hơn về giới hạnh, chúng ta sẽ đạt được trạng thái định tâm. Tùy thuộc vào mức độ định tâm hoàn hảo, chúng ta sẽ đạt được đại trí tuệ. Vì thế, chúng ta cũng đạt được các chặng đường đưa tớigiải thoát – giới, định và tuệ – tùy thuộc vào sự tử tế của từng chúng sinh [đã giúp ta có cơ hội tu tập giới hạnh].
Thậm chí là chúng ta cũng đạt được hạnh phúc tối thượng của sự giác ngộ viên mãn, chấm dứt mọi che chướng và hoàn tất mọi thực chứng nhờ vào sự tử tế của từng chúng sinh. Đích đến cuối cùng của con đường Đại thừa là giác ngộ viên mãn, và cội gốc của nó là Bồ-đề tâm, mà Bồ-đề tâm thì tùy thuộc vào chúng sinh. Nếu không có sự hiện hữu của chúng sinh hữu tình chịu đựng đau khổ thì không có cách gì để chúng ta thực hành Bồ-đề tâm. Do đó mỗi chúng sinh hữu tình là cực kỳ quí báu và tử tế vô cùng.
Rõ ràng hơn hết, tất cả sự tiện nghi, tất cả sự vui thích mà chúng ta hưởng thụ trong đời thường đều tùy thuộc vào sự tử tế của chúng sinh. Vôsố sâu bọ đã phải chịu khổ đau và chết đi để chúng ta có thể sống trongmột căn nhà tiện nghi. Và nhiều chúng sinh khác đã phải tạo nghiệp bất thiện khi gây hại và giết chết những sâu bọ đó. Chúng ta đã nhận được sựtiện nghi của một căn nhà che chở ta khỏi các nguy hại của thiên nhiên thông qua sự khổ đau và chết chóc của vô số chúng sinh hữu tình.
Quần áo chúng ta mặc cũng thế. Nhiều chúng sinh hữu tình đã chịu đau đớnvà chịu chết để cho chúng ta hưởng sự tiện nghi êm ấm của quần áo, đặc biệt với quần áo bằng lụa tơ tằm và lông thú thì nhiều người khác đã phải phạm vào tội giết hại.
Chúng ta cũng có được sự sung sướng trong việc ăn uống nhờ vào sự tử tế của chúng sinh hữu tình. Ngay cả khi chúng ta uống một tách trà hay ăn một tô xúp, vô số vi sinh vật phải chịu đau đớn và chết đi. Vô số sâu bọcôn trùng phải chịu đau và chết trên đồng ruộng để cho chúng ta ăn đượchạt gạo, và rất nhiều chúng sinh khác phải tạo ra nghiệp bất thiện khi làm hại chúng. Và từng hạt lúa này đã đến từ hạt lúa của mùa trước, và hạt lúa mùa trước lại đến từ hạt lúa mùa trước nữa, vân vân... Khi chúngta nghĩ về dòng tương tục của một hạt lúa, chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi số lượng chúng sinh đã chịu khổ đau và chết đi trong suốt quá trình rất lâu dài của một hạt lúa nhỏ bé, cũng như chúng ta không thể nhận biết được số lượng những người đã phải tạo nghiệp bất thiện khi gâyhại các chúng sinh đó.
Vì chúng ta nương nhờ sự tử tế của các chúng sinh khác để có được tiện nghi và các phương tiện vui thích trong cuộc sống, nên chúng ta không thể nào sử dụng các tiện nghi và nhiều thứ khác nữa chỉ với suy nghĩ duynhất là vì hạnh phúc riêng của mình. Thái độ như vậy sẽ rất tàn nhẫn đối với các chúng sinh khác. Vì họ là nguồn gốc cho mọi thích thú của chúng ta, nên chúng ta phải làm điều gì đó để có lợi lạc cho mọi chúng sinh hữu tình.
Mỗi chúng sinh đều quí báu vô cùng và có thể mang rất nhiều lợi lạc đến cho ta. Thương yêu và chăm sóc dù chỉ một chúng sinh cũng sẽ đưa chúng ta đến giác ngộ, vì điều đó tịnh hóa rất nhiều chướng ngại và tích lũy rất nhiều công đức. Thương yêu chăm sóc dù chỉ một chúng sinh – cho dù đó là cha mẹ, con cái hay kẻ thù của ta – cũng giúp ta có khả năng nhanhchóng phát triển tâm trên con đường đưa tới giác ngộ. Họ thực sự là những người thầy của chúng ta. Bằng cách tỏ lòng yêu thương bi mẫn dù chỉ với một chúng sinh, chúng ta có thể đạt được tất cả những thực chứngcủa con đường Đại thừa, từ Bồ-đề tâm lên đến sự giác ngộ [viên mãn].
Ngược lại, việc không yêu thương chăm sóc [dù chỉ] một chúng sinh – chẳng hạn như một người không ưa thích chúng ta – sẽ ngăn cản sự giác ngộ của chúng ta. Đó là chướng ngại căn bản ngăn chặn sự thành tựu hạnh phúc vô thượng của giác ngộ viên mãn, vì nó cản trở Bồ-đề tâm, cửa ngõ bước vào con đường Đại thừa.
Tôi đã giải thích việc tất cả các vấn đề bất ổn đều xuất phát từ sự chămsóc ôm ấp cái tôi như thế nào. Khi tâm vị kỷ vẫn còn thì không có sự giác ngộ, và tâm vị kỷ này là chướng ngại lớn nhất đối với hạnh phúc, dùchỉ là hạnh phúc tạm thời. Đó là lý do tại sao trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không thấy được sự bình an. Và vì tâm vị kỷ là cửa ngõ đưatới mọi vấn đề bất ổn nên chúng ta phải buông bỏ chính mình và thương yêu chăm sóc người khác, cho dù đó chỉ là một chúng sinh. Dù chỉ một chúng sinh khác cũng là quí báu hơn bản thân ta, vì tất cả hạnh phúc và thành công của ta đều đến từ một chúng sinh đó, trong khi mọi vấn đề bấtổn của ta đều đến từ “cái tôi”.
Vì chỉ một chúng sinh cũng đã quí báu và quan trọng hơn bản thân ta, tấtnhiên là hai chúng sinh phải quan trọng và quí báu hơn nữa, nên chúng ta phải thương yêu chăm sóc và phụng sự họ. Một trăm chúng sinh hữu tìnhthì càng quan trọng và quí báu hơn bản thân ta rất nhiều, nên ta phải thương yêu chăm sóc và làm việc vì họ. Giờ đây, hiện có vô số chúng sinhnên đương nhiên là quí báu và quan trọng đến mức không tưởng tượng nổi;và vì họ quí báu và quan trọng hơn chúng ta nhiều, rất nhiều như thế, nên chúng ta càng phải thương yêu và chăm sóc họ [nhiều hơn nữa]. Khi sovới vô số chúng sinh, chúng ta trở nên hoàn toàn không đáng kể, ta chẳng là gì cả!
Giờ đây, chúng ta có thể nhận ra rằng các vấn đề bất ổn của chúng ta chẳng là gì cả! Khi chỉ quan tâm đến bản thân mình, ta thấy ta có nhiều vấn đề bất ổn. Tuy nhiên, khi thiền định hoán đổi mình với người khác, ta thấy rằng dù có gặp bao nhiêu vấn đề bất ổn đi chăng nữa cũng đều không đáng kể. Trong đời ta không còn có gì quan trọng hơn là việc thương yêu chăm sóc và làm việc vì vô số chúng sinh khác. Mọi công việc nào khác đều chỉ là trống rỗng và vô nghĩa.