Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Vạn sự do tâm, thông qua sự gán đặt tên gọi

13/03/201104:59(Xem: 9883)
8. Vạn sự do tâm, thông qua sự gán đặt tên gọi

ĐIỀUTRỊ BỆNH TẬN GỐC - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM BI MẪN
Tác giả:Lama Zopa Rinpoche; Nguyễn Văn Điểu - Đỗ Thiết Lập dịch; Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN MỘT: TÂM LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH

8. VẠN SỰ DO TÂM, THÔNG QUA SỰ GÁN ĐẶT TÊN GỌI

Mọi sự đều xuất phát từ tâm; bất cứ việc gì cũng đều do tâm tạo tác. Khi một trăm người nhìn ngắm một người thì mỗi người đều thấy người đó khác nhau: một số người thấy đẹp, những người khác thấy xấu, có người thấy không đẹp cũng không xấu. Những ý kiến khác biệt đó xuất phát từ tâm của những người quan sát. Đối tượng xuất hiện trước mắt chúng ta trông như thế nào là do tâm của chúng ta chứ không phải từ phía đối tượng. Nó tùy thuộc vào cách chúng ta quan sát đối tượng, cách chúng ta diễn giải nó, gán đặt tên gọi, tức là định danh cho nó.

Mọi sự xuất phát từ tâm, hay là “vạn sự do tâm” – đây là nguyên tắc cơ bản của đạo Phật, nhưng các nhà khoa học Tây phương ngày nay cũng đồng ýrằng: ngay cả sự hiện hữu của một nguyên tử cũng liên quan đến tâm của người quan sát. Mọi sự đều là tạo vật của tâm, kể cả bản thân tâm đó. Vìmọi sự xuất phát từ tâm, nên tâm chính là yếu tố căn bản của việc chữa lành bệnh tật. Cũng như giáo lý nhà Phật, các sách y học của Trung Hoa và Tây Tạng đều giải thích rằng tất cả mọi bệnh tật xuất phát từ tâm và xem như bệnh tật có liên quan đến ba vọng tưởng cơ bản: vô minh, sân hậnvà tham lam. Cội nguồn đích thật của bệnh tật – và của các đau khổ khácnữa – chính là vô minh, đặc biệt là vô minh không nhận biết được thực tại tối hậu của các hiện tượng.

Để chữa lành không chỉ bệnh tật mà còn là tất cả khổ đau, và để chúng takhông còn phải trải qua khổ đau lần nữa, chúng ta phải chữa trị những nguyên nhân của khổ đau, vốn nằm trong dòng tâm thức tương tục của ta. Chúng ta phải chấm dứt hoàn toàn các hành vi do vọng tưởng thúc đẩy, kể cả bản thân các vọng tưởng và hạt giống của vọng tưởng. Thuốc mà chúng ta dùng để trị bệnh là thực chứng tánh Không, bản chất tối hậu của mọi hiện tượng. Đây là lý do tại sao sự liễu ngộ tánh Không là rất quan trọng, và tại sao đức Phật đã ban rất nhiều giáo pháp về tánh Không, trong số đó có giáo pháp ngắn nhất là Tinh túy của trí tuệ, thường được biết với tên là [Bát-nhã] Tâm kinh.

Thực tại của một cành hoa



Thực tại của các hiện tượng có thể được cứu xét theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, một [khía cạnh] thực tại của một cành hoa là vô thường,đang biến đổi và tàn lụi từ ngày này sang ngày khác, trong từng giây phút. Ngay cả chỉ trong một giây nó cũng đang tàn lụi. Tại sao? Vì nó tùy thuộc vào các nhân và duyên khác. Tuy nhiên, chúng ta để ý thấy đượcsự tàn lụi của nó chỉ khi nào sự tàn lụi lộ ra hiển nhiên, ảnh hưởng đến màu sắc và hình dáng của nó. Chúng ta không thể thấy được sự tàn lụivi tế của cành hoa trong từng giây một.

Hoa mọc lên nhờ vào một số nhân duyên, và nó tàn lụi do những nhân duyênkhác. Sự thật là hoa thay đổi trong từng thời khắc do các nhân duyên, và cũng vì sự thay đổi rất vi tế này mà hoa thay đổi theo từng giây phút, từng giờ, từng ngày. Sự thay đổi vi tế đưa dần tới sự thay đổi thô, cho đến một lúc chúng ta nhận ra được là hoa đang tàn lụi. Trước thời điểm ấy đã có rất nhiều sự thay đổi xảy ra rồi, nhưng vì chúng quá vi tế nên ta không nhận biết. Và vì không nhận biết sự thay đổi này nên hoa có vẻ như thường hằng đối với ta. Qua sự nhận hiểu cái vẻ ngoài thường hằng sai lệch này là đúng thật, chúng ta đã tạo ra một khái niệm huyễn ảo về sự thường hằng trong mối quan hệ với một sự vật vốn dĩ là vôthường.

Bây giờ, chúng ta hãy xét đến thực tại tối hậu, cực kỳ vi tế, của một cành hoa. “Hoa” là một tên gọi (danh), một từ ngữ, một nhãn hiệu [phân loại] được gán đặt trên nền tảng (thực thể) một đóa hoa. Chúng ta nhìn một đóa hoa trong sự phụ thuộc vào thực thể của nó, và chúng ta sẽ không dùng tên gọi “hoa” để gán đặt cho bất kỳ thực thể nào. Khi chúng ta nhìn thấy một cái bình hay quyển sách chẳng hạn, chúng ta không gọi đó là “hoa”. Trước khi gán đặt tên gọi “hoa” cho một sự vật, chúng ta buộc phải có một lý do để làm như vậy, nếu không chúng ta hẳn đã gán têngọi này cho bất kỳ đối tượng nào ta nhìn thấy. Nếu bạn tự gọi mình là “hoa”, hẳn bạn có thể bị đưa vào nhà thương điên để điều trị! Trước khi chúng ta chọn dùng cái tên gọi cá biệt là “hoa”, chúng ta phải thấy một thực thể cá biệt, một vật thể mọc lên từ đất và có hình thể cùng màu sắccủa cái hoa. Việc nhìn thấy một đối tượng như vậy khiến cho chúng ta quyết định dùng tên gọi “hoa”, nhưng khi nhìn thấy một cái bình, một quyển sách hay cái bàn thì không.

Đây là tiến trình thông qua đó chúng ta nhìn thấy một cái hoa. Khi ta không phân tích nhận thức của mình thì có vẻ như ta nhìn thấy cái hoa ngay từ thời điểm bắt đầu [tiếp xúc với nó], như thể là chúng ta nhìn thấy cái hoa mà không có việc tâm ta gán cho nó tên gọi là “hoa”. Nhưng điều này hoàn toàn sai. Tiến trình thực tế là: chúng ta trước hết nhìn thấy thực thể của một bông hoa, một đối tượng vật chất cá biệt, rồi chúng ta gán đặt cho nó tên gọi “hoa”; và khi đó một đóa hoa mới xuất hiện đối với ta. Chỉ sau khi chúng ta gán đặt tên gọi “hoa” lên thực thểcủa một bông hoa, chúng ta mới nhìn thấy hoa. Trước đó, chúng ta không hề nhìn thấy hoa!

Đối tượng vật chất với hình dáng hoa là một thực thể, và “hoa” là tên gọi. Ban đầu chúng ta thấy cái thực thể và sau đó mới thấy hoa, nên cái thực thể không phải là hoa. Mặc dù điều này là hiện thực, nhưng tâm trí ta không nhận biết được. Đối với tâm ảo tưởng (vô minh) của chúng ta thìcó vẻ như ngay ban đầu ta đã nhìn thấy hoa chứ không phải thực thể của hoa. Nhưng trong thực tại, chúng ta thấy cái thực thể [của hoa] trước tiên và chỉ nhìn thấy hoa sau khi đã gán đặt tên gọi “hoa” lên thực thể đó.

Trong giai đoạn này, điều quan trọng cần phải hiểu là: thực thể và tên gọi không đồng nhất; thực thể của hoa và bông hoa là khác nhau. Tuy nhiên, chúng cũng không tách rời, vì hoa không thể tồn tại tách biệt vớithực thể của nó. Đối tượng mà bạn thấy trước nhất là thực thể, không phải cái tên gọi “hoa”. Hai cái này khác nhau. Điều hết sức thiết yếu làchúng ta phải hiểu được tiến trình phân biệt giữa tên gọi với thực thể,cho dù ta không hiểu biết nhiều về sự thiền định quán xét tánh Không của các hiện tượng.

Hơn nữa, không hề có hoa nơi thực thể của hoa. Đối với chúng ta, dường như có một đóa hoa nơi cái thực thể, nhưng đó là một ảo tưởng. Đây là điều được biết như là “đối tượng cần được bác bỏ”. Đây là cái mà chúng ta phải nhận ra là trống không. Không có hoa ở đó – không phải với ý nghĩa là hoa không hiện hữu, nhưng với ý nghĩa là không có hoa hiện hữu nơi thực thể của hoa!

Cái mà chúng ta thấy trước tiên là thực thể của hoa, nhưng nó không phảihoa. Ở đâu có thực thể của một bông hoa thì ở đó có một bông hoa hiện hữu; nhưng nơi thực thể của hoa thì không hề có hoa. Vậy điều gì xảy ra cho hoa? Hoa không phải không hiện hữu; hoa hiện hữu. Tuy nhiên, bằng sựphân tích theo cách này, ta có thể thấy hoa là một cái gì đó hoàn toàn khác với cái mà trong quá khứ ta đã tin nó là như vậy.

Vậy, hoa là cái gì? Hoa hoàn toàn chỉ là cái được tâm chúng ta gán đặt tên gọi dựa trên thực thể của nó. Nói cách khác, hoa được tạo ra bởi tâm. Đây là bản chất cốt lõi của hoa, và chúng ta thấy rằng nó cực kỳ vitế. Cách ngắn gọn nhất để diễn đạt điều này là nói rằng: Hoa chỉ là do tâm gán đặt. Chi li hơn một chút, ta có thể nói rằng: Hoa chỉ là do tâm gán đặt dựa trên thực thể của nó.

Hoa cực kỳ vi tế, như khoảng không. Không phải là hoa không hiện hữu; nóhiện hữu theo một cách thức cực kỳ vi tế. Một cách diễn đạt khác là nóirằng: Hoa chỉ hiện hữu vì thực thể của nó hiện hữu. Không phải là hoa hoàn toàn không hiện hữu. Nó hiện hữu, nhưng vi tế đến nỗi như thể là nókhông hiện hữu.

Từ sự phân tích này, chúng ta có thể thấy rằng, hoa hoàn toàn không có sự hiện hữu như một bông hoa thật sự theo ý nghĩa tự nó tồn tại. Hoa hiện hữu như một duyên sinh tương thuộc tinh tế, chỉ do tâm gán đặt. Đâylà thực tại tối hậu của hoa mà tôi đã đề cập ở trước. Dù đây là cách màhoa hiện hữu trên thực tại, nhưng những ai chưa thực chứng tánh Không thì không thấy được hoa theo cách này. Đóa hoa có vẻ như thật đối với chúng ta và chúng ta tin đó là thật, là hoàn toàn giả tạo. Cái hoa có vẻnhư tự nó hiện hữu đó hoàn toàn chỉ là một ảo tưởng; nó hoàn toàn trốngkhông.

Z là một nhãn hiệu



Hồi còn trẻ con, lúc bắt đầu đi học, trước khi được dạy rằng chữ cái Z được gọi là “Z” thì chữ Z đó hiện ra trước mắt bạn như thế nào? Câu trả lời là: Bạn chỉ thấy những đường ngắn gãy khúc, chứ không phải chữ Z. Tại sao không phải? Vì bạn chưa học biết gọi tên chữ Z, và bạn chưa tin rằng nó là chữ Z.

Chỉ sau khi cha, mẹ hay thầy giáo bảo với bạn: “Đây là chữ Z” và bạn tinvào lời nói của người dạy, lúc đó bạn mới gọi tên những đường gãy này là chữ Z và tin rằng nó là chữ Z. Chỉ sau khi bạn dùng tên gọi Z gán đặtcho cái hình dạng cụ thể này và tin vào tên gọi đó, bạn mới nhìn thấy hình dạng này như là chữ Z. Nói cách khác, chỉ sau khi bạn gán đặt cho nó cái tên Z thì Z mới là chữ Z . Trước khi bạn gán đặt tên gọi Z cho hình dạng này thì bạn đã không hề thấy chữ Z. [Với sự phân tích này,] bạn có thể thấy sự xuất hiện của chữ Z xuất phát từ tâm như thế nào.

Bạn cũng có thể thấy hình dáng này với những đường nét cá biệt của nó làcái thực thể và “Z” là tên gọi. Hai yếu tố này, thực thể và tên gọi, làkhông đồng nhất; chúng khác biệt. Tuy nhiên, chúng không tách rời, vì Zkhông hiện hữu tách biệt với hình dáng những đường gãy khúc, tức là cáithực thể được đặt tên chữ Z. Nếu hình dáng những đường gãy khúc này đã là chữ Z – nói cách khác, nếu thực thể là một với tên gọi “Z” – thì tại sao ta phải bận tâm đặt tên cho nó làm gì? Nếu cái đầu tiên chúng ta thấy đã là Z thì không có lý do gì để chúng ta đặt tên “Z” cho nó nữa. Đâu là mục đích khi chúng ta đặt tên “Z” cho một sự vật vốn đã là Z? Và nếu như thế thì tiến trình đặt tên gán nhãn sẽ không có kết thúc, vì bạnsẽ phải đặt tên Z lần nữa chồng lên đầu của Z đó, thêm lần nữa như vậy,rồi cứ như thế kéo dài mãi sự trùng lặp.

Còn nếu bạn cho rằng những đường gãy mà bạn thấy ngay từ đầu đã là Z và không phải cái thực thể được gán tên là Z thì đây lại là một nhầm lẫn khác. Rõ ràng, vì “Z” là một tên gọi nên nó phải xuất phát từ tâm. Nếu bạn thấy Z ngay từ đầu và không phải cái thực thể được gán tên kia là Z,vậy tại sao lại quyết định dùng tên gọi Z cá biệt này? Vì nếu việc gọi tên không tùy thuộc việc bạn nhìn thấy cái thực thể đầu tiên – những nétgãy cá biệt đó – thì bạn sẽ không có lý do gì để phải chọn tên gọi “Z” cá biệt này. Và điều này có nghĩa rằng bạn có thể gọi tên bất kỳ cái gì là Z cũng được cả. Thậm chí bạn có thể gọi chữ A hay chữ B là Z!

Điểm cốt yếu là cái thực thể không phải là tên gọi. Những đường gãy khúclà thực thể. Đầu tiên, bạn nhìn thấy những đường gãy khúc cá biệt này, tức là thực thể, và chỉ sau khi bạn gán tên gọi “Z” lên thực thể này bạnmới thấy có chữ Z.

Hơn nữa, cũng không hề có chữ Z nơi những đường gãy khúc này. Nhưng cho dù bạn không tìm thấy chữ Z nơi những đường gãy thì vẫn có chữ Z trên trang giấy này. Bất cứ nơi đâu có thực thể của chữ Z thì có chữ Z hiện hữu; nhưng nơi thực thể của Z không hề có chữ Z. Cho dù có vẻ như có mộtchữ Z nơi những đường gãy này, nhưng khi bạn tìm kiếm chữ Z [ở đây] bạnsẽ không tìm thấy. Chữ Z “có thật” này là đối tượng cần bác bỏ. Nó hoàntoàn chỉ là một ảo tưởng; nó hoàn toàn trống không.

Cái tôi là một tên gọi



Điểm cốt yếu khi đưa ra các thí dụ về bông hoa và chữ Z là để giúp chúngta hiểu được bản chất rốt ráo của “cái tôi”. Như đã giải thích, mọi sự vật hiện hữu đều phát xuất từ tâm, hoàn toàn chỉ là do tâm gán đặt tên gọi. Nếu không có cái tâm tạo ra danh xưng “tôi” thì sẽ không có cái tôi. Nói cách khác, nếu không có khái niệm “tôi” thì cái tôi tuyệt nhiênkhông hiện hữu. Chúng ta cần phải hiểu điều này cho thật rõ ràng.

Thân không phải là cái tôi, tâm không phải là cái tôi, và ngay cả cái hợp thể thân và tâm cũng không phải cái tôi. Không có gì trong những cáinày là cái tôi. Hợp thể thân tâm là cái thực thể được gán cho tên gọi “tôi”, và “tôi” là một tên gọi. Và như chúng ta vừa khám phá, cái thực thể được gán tên gọi và bản thân tên gọi không thể nào là đồng nhất; chúng phải khác biệt nhau.

Vậy, cái tôi là gì? Cái tôi đang đi đứng, nằm ngồi, ăn ngủ, trải nghiệm khổ đau và hạnh phúc này là gì? Cái tôi đó không gì khác hơn là cái chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt tên gọi trong sự phụ thuộc vào kết hợp cụ thể của thân và tâm này, và cái tôi chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt tên gọi đó quả thật có hiện hữu. Đây là tất cả những gì là “cái tôi” – là cái chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt. Khi ta đang ngồi đâu đó và tự hỏi mình đang làm gì, ta trả lời: “Tôi đang ngồi”. Tại sao ta tin rằng ta đang ngồi? Chỉ vì một lý do duy nhất là thân thể của ta đang ngồi. Vì lý do này, tamới tạo ra một danh xưng: “Tôi đang ngồi” và rồi ta tin vào danh xưng của chính ta. Đó hoàn toàn chỉ là một ý tưởng, một khái niệm.

Tuy nhiên, khi chúng ta tìm kiếm cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi này, chúng ta không thể tìm thấy nó. Dù cái tôi hoàn toàn được gán đặt tên gọi đó hiện hữu, nhưng ta không thể tìm thấy nó trong các uẩn này, trong kết hợp của thân và tâm này. Cái tôi hoàn toàn được gán đặt tên gọi này quả có hiện hữu, vì nó thực hiện các hoạt động của ta, nó trải nghiệm sinh, lão, bệnh, tử; nhưng khi chúng ta tìm kiếm nó một cáchcụ thể trong kết hợp của thân và tâm này, thậm chí chúng ta không thể tìm thấy cái tôi hoàn toàn được gán đặt tên gọi đó ở bất cứ đâu.

Đây không phải là phương thức chính xác để thiền định về tánh Không của cái tôi, vì phương thức này không cứu xét đến cái tôi tự thể, nhưng phương thức này có thể hữu dụng.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ rằng, cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi này quả có hiện hữu. Tiếp đó, chúng ta không thể tìm thấy nóở bất kỳ chỗ nào trong kết hợp cụ thể của thân và tâm này, từ đỉnh đầu xuống đến tận ngón chân. Chúng ta không thể thấy cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi đó bên trong đầu và não của ta, bên trong lồng ngực, trong tim, trong bụng, trong tay chân... Ta cũng không thể tìm thấy nó bên trên bề mặt thân thể hoặc bên ngoài thân thể. Cho dù nó hiệnhữu vì tâm chúng ta đã tạo ra tên gọi trong sự phụ thuộc vào các uẩn của ta, nhưng ta không thể tìm thấy cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi này ở bất cứ đâu cả.

Thông thường, chúng ta tin rằng cái tôi hiện hữu trong kết hợp của thân và tâm ta, nhưng chúng ta phải hiểu rằng không hề có một cái tôi như thế. Khi chúng ta không xem xét kỹ thì có vẻ như có một cái tôi như thế.Tuy nhiên, khi chúng ta thực sự tìm kiếm nó, chúng ta không thể tìm thấy nó ở đâu cả, và chúng ta chợt hiểu rằng nó không hề có ở đó. Cũng giống như việc tưởng rằng cái bóng cây trên mặt đất ban đêm là con bò cạp. Nhưng khi rọi một ngọn đèn vào nơi đó thì cái mà trước đó trông giống con bò cạp trong bóng tối giờ đây không thể nhìn thấy nữa. Tương tự như vậy, ngay khi chúng ta thực sự bắt đầu phân tích, ta khám phá ra rằng cái tôi không hề có trong kết hợp của thân và tâm ta.

Cái tôi mà chúng ta cảm thấy như đang ở đâu đó bên trong thân thể ta không hề hiện hữu; đó chỉ hoàn toàn là một ảo tưởng. Nếu nó quả thật hiện hữu thì nó phải trở nên rõ ràng hơn khi ta tìm kiếm nó, nhưng ngượclại, chúng ta hoàn toàn không thể tìm thấy nó. Nếu ta nghĩ là mình có ít tiền trong ví, nhưng khi xem lại và không tìm thấy tiền thì hẳn là cái ví đã rỗng. Tương tự, khi tìm kiếm cái tôi trong kết hợp của thân vàtâm, ta không thể tìm thấy nó ở đâu cả, từ đỉnh đầu xuống đến tận các ngón chân.

Bây giờ, chúng ta phải xem xét về cái tôi thật, vốn có vẻ như tự nó hiệnhữu và không phải do tâm gán đặt tên gọi. Khi chúng ta hết sức bối rối –chẳng hạn như khi có ai chỉ trích ta, hay buộc tội oan cho ta về một điều gì – hoặc khi chúng ta rất kích động về một điều gì, chúng ta cảm giác rằng cái tôi hiện hữu thật sự và độc lập này đang tồn tại bên trongthân thể ta. Đối với ta thì dường như có thể tìm được cái tôi thật này ởđâu đó bên trong thân thể ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể tìm thấy được ngay cả cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi nơi thực thể này, thì làm sao ta có thể tìm được cái tôi thật? Không có cách nào tìm thấy nó! Vì theo suy luận thì không thể nào hiện hữu cái tôi thật này, vốn không liên quan gì đến tâm của chúng ta.

Khi chúng ta nhận biết một giấc mơ chỉ là giấc mơ, ta biết rằng người tatrò chuyện trong mơ là không có thật; con người đó không hiện hữu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhận biết giấc mơ của ta chỉ là mơ thì ta tin chắc rằng con người trong giấc mơ của ta là có thật. Theo cách nhìn trí tuệ thì con người ta gặp trong giấc mơ không hiện hữu; nhưng theo cách nhìn vô minh thì con người đó hiện hữu. Với cách nhìn này thì đối tượng không hiện hữu; với cách nhìn kia thì đối tượng có hiện hữu. Đối với cáitôi thật cũng tương tự như vậy. Theo cách nhìn của trí tuệ, không hề hiện hữu một cái tôi thật; nhưng theo cách nhìn của tâm ảo tưởng vô minhthì cái tôi thật đó hiện hữu, vì nó hiện ra trước mắt chúng ta và chúngta tin rằng nó là thật.

Giờ đây, chúng ta nên có một vài ý niệm về việc cái tôi thật sự hiện hữunhư thế nào. Cái tôi hiện hữu nhưng hoàn toàn không có một sự hiện hữu theo tự tánh hay chân thật. Nó không có bất kỳ sự hiện hữu nào không liên quan đến tâm ta hay các uẩn của ta. Tâm chúng ta tạo ra danh xưng “tôi” trong sự phụ thuộc vào các uẩn của ta, vào sự kết hợp giữa thân vàtâm của chúng ta. Đây là tất cả những gì là cái tôi. Không có cái tôi nào hiện hữu ngoài cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi bởi tâm chúng ta. Bất kỳ cái tôi nào có vẻ như hiện hữu ngoài cái tôi đó đều là ảo tưởng. Nó hoàn toàn trống không. Cái tôi đó không hề hiện hữu.

Tuy nhiên, cho dù chúng ta hoàn toàn tạo ra cái tôi, nhưng chúng ta không nhận biết về sự tạo tác của mình. Cái tôi hiện ra trước mắt chúng ta như là một cái tôi có thật và tự nó tồn tại, chứ không phải hoàn toànđược gán đặt tên gọi bởi tâm trong sự phụ thuộc vào các uẩn của chúng ta. Nói cách khác, cái tôi hiện ra trước mắt ta dường như chẳng liên quan gì đến tâm chúng ta. Nó có vẻ như tự nó tồn tại, thật sự tồn tại. Chúng ta hoàn toàn tạo ra cái tôi không thật này, vốn không thật trong ýnghĩa là nó hoàn toàn không hiện hữu. Cái tôi này không chỉ là không hiện hữu trong các uẩn, mà là hoàn toàn không hề hiện hữu.

Việc tự mình tin vào sự chân thật của cái tôi không thật này chính là vô minh, là cội nguồn của tất cả khổ đau. Điều đó tạo ra các loại vô minh khác cũng như sân hận, tham lam và các phiền não khác, và rồi các phiền não này lại thúc đẩy các hành vi bất thiện mang đến tất cả đau khổcho chúng ta, bao gồm sinh, lão, bệnh, tử. Khi ta tự mình tin rằng sự xuất hiện của một cái tôi thật vốn tự nó tồn tại là đúng thật, đó là ta đang tạo ra một sự vô minh vốn là nguồn gốc của mọi vọng tưởng phiền nãovà hành vi bất thiện cũng như nguồn gốc của mọi khổ đau.

Việc nhận ra rằng cái tôi hoàn toàn không tự nó tồn tại chính là sự nhậnbiết tánh không của cái tôi, hay sự thật rốt ráo của cái tôi. Cách duy nhất để tự giải thoát mình cũng như giải thoát tất cả chúng sinh khác khỏi mọi khổ đau và nguyên nhân khổ đau là chấm dứt sự vô minh tin vào sự tồn tại theo tự tánh của cái tôi. Mọi sự đều tùy thuộc vào sự cắt đứtcội gốc vô minh này, và cách duy nhất để làm được điều đó là nhận biết tánh Không. Chúng ta phải thực chứng được trí tuệ nhận biết tánh Không của cái tôi và của các uẩn.

Chỉ có trí tuệ thực chứng tánh Không mới có thể xóa bỏ được sự vô minh vốn là nguồn gốc của mọi khổ đau. Chúng ta phải thực chứng tánh Không, bằng không thì dù có đạt được bao nhiêu chứng ngộ khác đi nữa ta cũng không có được vũ khí có khả năng phá hủy trực tiếp cái quan niệm ảo tưởng về sự hiện hữu như thật [của cái tôi]. Khi chúng ta còn ôm giữ quan niệm về một cái tôi thật sự hiện hữu thì các vọng tưởng khác nhất định sẽ tiếp tục nổi lên, thúc đẩy các hành vi bất thiện và tạo ra các vấn đề bất ổn cho chúng ta.

Sự thật là cái tôi chỉ hoàn toàn do tâm tạo ra. Mặc dù tâm chúng ta hoàntoàn gán đặt tên gọi “tôi” lên hợp thể của thân và tâm ta, nhưng cái tôi xuất hiện trước mặt chúng ta một cách giả mạo như thể là tự nó hiện hữu. Rồi tư tưởng vị kỷ khởi sự chăm lo và bám chấp vào cái tôi giả mạo này vì nó có vẻ như tự hiện hữu chứ không phải chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt. Chúng ta phát sinh tư tưởng chăm lo nuông chiều cái tôi giả mạo này, cho rằng nó quí báu và quan trọng hơn bất kỳ chúng sinh nào khác. Đối với chúng ta, điều quan trọng nhất trên thế gian này là cái tôi cá biệt này phải được hưởng hạnh phúc và không phải gánh chịu các vấn đề bất ổn.

Trong thực tế, việc chăm sóc “cái tôi” là chăm sóc một ảo tưởng. Cũng giống như việc có được một triệu đô-la trong giấc mơ và khóa chặt nó an toàn trong két sắt vì đó là một số tiền rất lớn. Khi giấc mơ vẫn còn kéodài thì ta vẫn còn thấy có một triệu đô-la, vẫn còn quan tâm gìn giữ vàlo lắng về việc cất giữ cho an toàn. Nhưng sau khi tỉnh giấc mơ, chúng ta không còn thấy có một triệu đô-la, thậm chí chỉ một đô-la cũng không thấy! Việc chăm sóc “cái tôi” [tưởng như] có thật này cũng giống như chăm lo gìn giữ một triệu đô-la kia. Thực ra không hề có một cái tôi tự tồn nào để [ta] chăm sóc. Đó chỉ hoàn toàn là một ảo tưởng. Không có gì cả. Bao lâu chúng ta còn bị mê muội trong quan niệm sai lầm tin vào sự hiện hữu thực sự [của nó] thì một “cái tôi thật” vẫn còn có vẻ như hiện hữu và đáng để được chăm sóc. Tuy nhiên, trong thực tại thì ý tưởng chămsóc cái tôi chỉ là chăm sóc cho một đối tượng hoàn toàn không có thật.

Thực chứng tánh Không của cái tôi là một thiền định có năng lực mãnh liệt trong sự tịnh hóa và chữa lành bệnh tật; đó là biện pháp mãnh liệt để tìm thấy sự bình an, vì nó loại bỏ trừ tất cả những lo âu sợ hãi không cần thiết của chúng ta. Bằng sự thiền định về tánh Không, chúng tasử dụng sự suy nghĩ khéo léo của chính mình để loại trừ bệnh tật và cácvấn đề bất ổn khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]