Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Bệnh tật chỉ là tên gọi

13/03/201104:59(Xem: 8896)
9. Bệnh tật chỉ là tên gọi

ĐIỀUTRỊ BỆNH TẬN GỐC - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM BI MẪN
Tác giả:Lama Zopa Rinpoche; Nguyễn Văn Điểu - Đỗ Thiết Lập dịch; Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN MỘT: TÂM LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH

9. BỆNH TẬT CHỈ LÀ TÊN GỌI

Những thí dụ mà tôi vừa đề cập giúp chúng ta hiểu được thực tại của bệnh ung thư, AIDS và kể cả cái chết. Thiền định về tánh Không của bệnh ung thư, AIDS và các bệnh khác nữa sẽ có ích lợi trong việc phávỡ các khái niệm cố hữu của chúng ta về bệnh tật mà lâu nay đã làm cho chúng ta lo âu sợ hãi.

Trong thực tại, việc mắc phải một căn bệnh nào đó chỉ là một cách nhìn của tâm chúng ta. Những gì xuất hiện trước mắt chúng ta chính là những gì mà tự ta đã tạo ra. Hay nói như vị Đại hành giả Du-già Naropa là: “Khi chúng ta bị bệnh, chính là khái niệm [của ta] bệnh.” Rõ ràng, chínhcái khái niệm của chúng ta [mới là đối tượng] đang chịu đựng căn bệnh. Trước tiên, tâm chúng ta gán đặt tên gọi lên một cái gì đó, rồi chúng tamới nhìn thấy cái đó. Điều này cũng đúng đối với bệnh tật và tất cả cáchiện tượng khác. Tất cả bệnh tật của chúng ta đều là do tâm tạo tác. Như tôi đã giải thích, chúng ta không thể nào thấy có cái tôi trừ phi tâm chúng ta đã tạo ra danh xưng “tôi”. Cũng tương tự như vậy, chúng ta không thể thấy có bệnh ung thư hay AIDS, trừ phi tâm chúng ta đã tạo ra những danh xưng “ung thư” hay “AIDS”.

Một điều quan trọng trong việc chữa lành bệnh là phải hiểu được bệnh tậtcũng như các vấn đề bất ổn khác xuất phát từ tâm ta như thế nào, vì nếumột điều gì đó xuất phát từ tâm thì chúng ta sẽ có thể kiểm soát nó, cóthể thay đổi nó. Điều này có nghĩa rằng tâm chúng ta có năng lực loại trừ bệnh tật, chúng ta không cần phải cảm thấy lo lắng hay tuyệt vọng. Việc biết được chúng ta có quyền tự do quyết định như thế nào sẽ khích lệ và mang đến cho ta hy vọng.

AIDS chỉ là một tên gọi



Không hề có bệnh AIDS thực sự, không có bệnh AIDS nào tự nó tồn tại. Đầu tiên, một bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị HIV dương tính rồi bảo bệnh nhân rằng ông ta có thể nhiễm bệnh AIDS. Dựa trên những gì bác sĩ nói, bệnh nhân gán đặt danh xưng “AIDS” lên bệnh tình của mình và tin vào cáitên gọi đó. Thực thể ở đây là loại vi-rút đặc biệt – HIV – làm cho bệnhnhân mất khả năng đề kháng với bệnh tật, và tên gọi [gán đặt lên thực thể đó] là “AIDS”. Thực sự, tất cả những gì về bệnh AIDS là như thế này:Tâm tạo dựng tên gọi “AIDS” và gán đặt nó lên một cái thực thể cá biệt.Không có AIDS nào khác ngoài cái này. Không có bệnh AIDS độc lập, khôngcó bệnh AIDS tự nó tồn tại. Về phần cơ thể không hề có bệnh AIDS; bệnh AIDS chỉ hoàn toàn được gán đặt bởi tâm. Trong thực tại không hề hiện hữu bệnh AIDS có thật như chúng ta tin tưởng. Bệnh AIDS có thật đó hoàn toàn là một ảo tưởng; nó hoàn toàn trống không ngay ở đó, nơi thực thể của nó.

Cũng giống như bệnh AIDS là hoàn toàn trống không, ung thư và các bệnh khác cũng vậy. Giáo lý về chuyển hóa tâm dạy rằng: “Khổ đau là một thể hiện của tánh Không.” AIDS là một thể hiện của tánh Không, ung thư là một thể hiện của tánh Không. Ung thư là hoàn toàn trống không, ấy thế màchúng ta lại tưởng là thật, là không phải được gán đặt bởi tâm. Vậy, ung thư là gì? Ung thư chỉ là một tên gọi do tâm gán đặt lên cái thực thể của nó.

Chỉ riêng việc thiền định về bản chất rốt ráo của AIDS, ung thư và các bệnh khác cũng đã mang lại năng lực chữa bệnh mãnh liệt, vì thiền định sẽ cắt đứt tâm vô minh ảo tưởng và đồng thời loại bỏ sự sợ hãi, tuyệt vọng và các xúc cảm bất lợi khác nữa. Chính sự hiểu biết được cách thức mà mọi sự đến từ tâm đã là sự thiền định về tánh Không, vì nó trực tiếp cắt đứt các suy nghĩ huyễn ảo thường ngày của chúng ta, nó phá vỡ khái niệm cứng ngắt, cố chấp cho rằng mọi sự tự chúng hiện hữu. Khái niệm huyễn ảo này, vốn trái ngược với thực tại, chính là căn bệnh căn bản nhất. Chúng ta tiếp xúc với thực tại thông qua sự hiểu biết rằng mọi sự đều xuất phát từ tâm.

Chết cũng chỉ là một tên gọi


Ngay cả cái chết cũng xuất phát từ tâm chúng ta. Chết là một khái niệm, một sự việc xuất phát từ tâm, vì thế chính tâm chúng ta tạo ra cáichết. Không hề có cái chết thực sự, không có cái chết tự nó hiện hữu như nó hiện ra trong tâm huyễn ảo của chúng ta. Cái chết thực sự, vốn làm cho chúng ta khiếp sợ, không hề hiện hữu; nó hoàn toàn chỉ là một ảotưởng.

Như tôi đã giải thích, bản thân cái chết không phải là vấn đề; chính khái niệm của chúng ta về cái chết mới là vấn đề. Chúng ta có ý tưởng cho rằng cái chết là một cái gì đó tự nó hiện hữu và chính cái khái niệmhuyễn ảo này làm ta sợ chết, ngăn không cho ta loại bỏ sự quyến luyến bám chặt cuộc đời này: bám chặt thân này, gia đình này, các vật sở hữu này của chúng ta. Cái chết trở nên kinh khủng vì chúng ta thấy các đối tượng chung quanh là thường hằng, một cách thấy không hề hiện hữu, và rồi chúng ta cảm thấy luyến bám, hay sân hận, và các xúc cảm bất thiện khác liên quan đến các đối tượng này.

Trong khi sự sống được định nghĩa là sự kết hợp của tâm và thân thì cái chết được định nghĩa là sự tách rời của tâm ra khỏi thân dưới sự chi phối của nghiệp và vọng tưởng. Nói cách khác, cái gọi là “chết” được tạora bởi tâm. “Chết” chỉ là một tên gọi hoàn toàn được gán đặt bởi tâm của chúng ta lên cái thực thể của nó – tức là cái tâm thức đang rời bỏ thân. Đây là tất cả những gì gọi là cái chết. Do vậy, không có cái chết tự nó hiện hữu. Không có cái chết thực sự trong ý nghĩa là một hiện tượng tự nó hiện hữu. Nó là một ảo tưởng.

Cái chết quả thật hiện hữu, nhưng cái chết hiện hữu đó là một cái chết hoàn toàn được gán đặt tên gọi bởi tâm chúng ta, chứ không phải một cái chết tự nó hiện hữu, xuất hiện trước mặt chúng ta. Cái chết [hiện hữu] độc lập, cụ thể trước chúng ta đó chỉ là một ảo tưởng. Tâm của chúng ta bị ảo tưởng, vì đối tượng mà chúng ta đặt niềm tin vào không hề hiện hữu. Cái chết, vốn được tạo ra bởi khái niệm của chúng ta, lại hiện ra trước chúng ta một cách giả tạo như một cái gì cụ thể và tự nó thật đángsợ. Rồi chúng ta tin rằng khái niệm sai lầm này là đúng thật. Đại hành giả Du-già Naropa đã nói: “ Khi chúng ta sinh ra, [đó là] khái niệm sinhra; khi chúng ta bệnh, [đó là] khái niệm bệnh; và ngay cả khi chúng ta hấp hối, [đó là] khái niệm đang chết.” Nói cách khác, mọi thứ đều là khái niệm. Khi chúng ta phân tích một cách hợp lý để xem cái chết thực sự là gì, chúng ta thấy rằng cách thức nó hiện ra trước chúng ta và cáchthức chúng ta nhận hiểu nó hiện hữu đều là sai lầm. Cách nhìn sai trái và khái niệm sai trái của chúng ta về cái chết chính là những gì làm chochúng ta sợ hãi.

Đại hành giả Du-già Saraha đã nói rằng, nếu không có khái niệm, thì không có những kẻ thù bên ngoài, không có những con cọp hung dữ, không có những con rắn độc. Khi chúng ta tức giận, chúng ta thấy có kẻ thù bênngoài; nếu chúng ta không tức giận, chúng ta không thể tìm thấy kẻ thù bên ngoài. Khi chúng ta có khái niệm về một kẻ thù, chúng ta thấy có mộtkẻ thù. Nếu chúng ta không có sân hận hay không có khái niệm về kẻ thù thì chúng ta không thể tìm thấy kẻ thù, cho dù mọi người đang tức giận với ta, phê phán ta hay thậm chí giết hại ta.

Trong quyển Nhập Bồ Tát Hạnh, Đại Bồ Tát Tịch Thiên (Shantideva) cũng lưu ý rằng, khuất phục được chính kẻ thù trong tâm cũng giống như đã khuất phục tất cả kẻ thù bên ngoài, vì một khi kẻ thù bên trong được tiêu diệt rồi thì chúng ta không bao giờ thấy có dù chỉ một kẻ thù bên ngoài. Để giúp chúng ta hiểu được điều này, ngài Tịch Thiên giải thích rằng, nếu ta muốn chấm dứt việc bị gai đâm vào chân bằng cách dùng da bao bọc tất cả các bụi cây có gai trên thế giới thì chúng ta sẽ không cóđủ da, nhưng nếu chúng ta mang giày da thì sẽ không bị gai đâm vào chân. Cơ bản mà nói, ngài Tịch Thiên nhấn mạnh vào cùng một điểm: Bằng cách dẹp bỏ khái niệm, chúng ta sẽ không thấy có bất cứ điều gì đáng sợ từ bên ngoài.

Nếu cái chết tự nó thực sự là vấn đề, nó hẳn phải là vấn đề cho tất cả mọi người. Nhưng điều này không đúng. Nhiều người thậm chí thấy thích thú khi chết. Cái chết có là vấn đề hay không tùy thuộc vào tâm thức người sắp chết. Cái chết tự nó không đáng sợ, nhưng khái niệm của một người về cái chết có thể là đáng sợ.

Giáo lý đạo Phật giảng giải rằng các hành giả tu tập Phật pháp giỏi nhấtluôn cảm thấy vui khi sắp chết, như thể họ sắp về nhà thăm lại gia đìnhsau một thời gian dài đi vắng. Cái chết không hề làm họ bận tâm chút nào. Các hành giả thành tựu thấp hơn thì hoan hỷ và thoải mái trong giâyphút lâm chung và hoàn toàn tự tin rằng sẽ có một tái sinh tốt đẹp. Ngay cả các hành giả thành tựu thấp nhất cũng sẽ ra đi không chút lo âu hay sợ hãi. Sự sợ hãi hay hoan hỷ khi chết đều là do tâm tạo ra; nó không tự hiện hữu.

Nếu chúng ta đã sống suốt đời với tâm từ bi thì trong ngày lâm chung chúng ta sẽ không cảm thấy hối tiếc, vì mọi việc chúng ta đã làm đều là Chánh pháp, nhân của hạnh phúc, và không có gì là nhân của khổ đau hay của sự tái sinh vào các cảnh giới thấp. Vì thế, ngay cả khi đang hấp hối, tâm chúng ta sẽ hoan hỷ và mãn nguyện. Những ai đã sống một cuộc sống với tâm từ bi thì dù không có tín ngưỡng họ cũng sẽ chết không sợ hãi, họ sẽ chết với tâm thoải mái và hạnh phúc.

Có một số người, mặc dù không tin vào sự tái sinh và nghiệp quả, nhưng lại cảm thấy không an tâm về những gì sẽ xảy ra sau khi chết và họ đã hoảng hốt lo sợ rất nhiều khi sắp chết. Câu trả lời cho điều này thật đơn giản và hợp lý: Nếu chỉ có một đời này để sống và không có đời sau thì không có lý do gì để họ phải lo sợ, vì sau khi chết họ sẽ không còn vấn đề bất ổn nào nữa cả.

Những người y tá làm nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân sắp chết đã nói vớitôi rằng, theo kinh nghiệm của họ thì những người nghiện rượu thường cósự sợ hãi kinh khủng nhất khi sắp chết. Tại sao những người nghiện rượurất sợ hãi khi sắp chết? Xã hội Tây phương rất cần biết điều này. Khôngai có tâm trạng giống nhau khi chết: một số người thấy an lạc, thoải mái khi chết, một số người khác chết trong sợ hãi. Có người trải qua cáichết khủng khiếp, họ gào thét trước khi chết vì họ thấy có những điều kinh khủng đang tấn công họ. Người nào trong lúc sống đã có nhiều hành động xấu ác thì sẽ trải qua nỗi khiếp sợ khi chết, bất kể là họ có tin vào sự tái sinh hay không. Các chủng tử được tạo ra bởi hành động bất thiện trong quá khứ của họ sẽ sản sinh các ảo tưởng gây sợ hãi – sản phẩm tâm thức của chính họ. Chúng ta không thể thấy được giấc mơ của người khác, ngay cả người đang nằm ngủ cạnh ta; tương tự như vậy, chúng ta không thể thấy được các ảo tưởng của người đang hấp hối. Các biểu hiện sợ hãi (của người sắp chết) là kết quả của nghiệp bất thiện và là dấu hiệu cho thấy người đó sẽ tái sinh vào một trong những cảnh giới thấp.

Thời điểm cận tử là rất quan trọng. Nếu chúng ta tin vào sự tái sinh, chúng ta sẽ không hoài nghi về một đời sống khác sẽ tiếp theo đời này, và kiếp sống tương lai của ta như thế nào được quyết định phần lớn bởi việc chúng ta chết như thế nào. Cung cách suy nghĩ của chúng ta vào lúc chết là nhân tác động trực tiếp cho đời tái sinh. Nếu suy nghĩ thiện sẽ tái sinh một đời hạnh phúc; nếu suy nghĩ ác thì kiếp sau sẽ gặp nhiều vấn đề bất ổn hơn đời này. Cho dù có tin vào sự tái sinh hay không, điềurất quan trọng cho chúng ta là xây dựng một thái độ hướng thiện ngay lúc kề cận cái chết, ngay trước khi tâm thức thô nặng bị tan rã, và chếtvới một tâm thức hoan hỷ, an ổn. Chúng ta phải sử dụng pháp thiền định hay bất kỳ phương pháp nào khác ta có được để giảm bớt tâm tham luyến, sân hận, lo âu, sợ hãi và để chuyển hóa tâm ta.

Một phương pháp ngăn ngừa sự sợ hãi khi chết là tịnh hóa nguyên nhân sợ hãi, chính là các nghiệp bất thiện và những chủng tử do chúng để lại trong tâm. Một khi chúng ta tịnh hóa được nó, viễn cảnh của cái chết sẽ không làm ta bận tâm nữa. Cái chết sẽ không là một điều gì to tát, vì nóđơn giản chỉ là sự thay đổi thân thể. Tái sinh cũng giống như thay quầnáo. Giống như khi ta cởi bỏ quần áo cũ dơ bẩn và mặc vào người bộ quần áo mới và sạch, chúng ta rời bỏ thân hiện tại đã kiệt sức và nhận lấy một thân xác mới mẻ, trẻ trung trong một gia đình và ở một nơi mà chúng ta có mọi cơ hội để phát triển tâm và phát sinh các thực chứng của con đường đưa tới giác ngộ. Nếu chúng ta đã tạo được nhân [hiền thiện] thì chúng ta sẽ có thể nhận được một thân tốt đẹp hơn để tiếp tục tu tập Chánh pháp và để phụng sự những chúng sinh khác.

Một phương pháp khác ngăn ngừa sự sợ hãi khi chết là từ bỏ việc gây hại cho người khác, tức là cố sức từ bỏ mọi hành vi bất thiện. Ngay cả nếu ta không thể từ bỏ hoàn toàn thì chúng ta cũng phải cố gắng giảm bớt đi càng nhiều càng tốt.

Nếu áp dụng các biện pháp đó thì cái chết sẽ không làm cho chúng ta sợ hãi, mà thay vào đó, cái chết sẽ trở thành một cuộc thử thách rất hứng thú. Nếu chúng ta phát sinh được tâm từ bi, nhẫn nhục, thành tín, hay nhận biết được bản chất rốt ráo của các hiện tượng, thì chúng ta có thể dùng cái chết như một thời thiền định, như một thực hành tâm linh. Thậm chí, chúng ta có thể dùng cái chết để phát triển các thực chứng về con đường tu giác ngộ đồng thời đưa tất cả chúng sinh hữu tình đến cùng trạng thái đó. Thay vì để cái chết điều khiển chúng ta, chúng ta điều khiển cái chết. Thay vì sợ chết, chúng ta có thể dùng cái chết để thành tựu hạnh phúc tối thượng bằng cách chấm dứt nhân của các vấn đề bất ổn. Đây là một cuộc thử thách thực sự.

Giải pháp cho việc này là tu tập Bồ-đề tâm. Tu tập Bồ-đề tâm giúp chúng ta tịnh hóa mãnh liệt các nghiệp bất thiện trong quá khứ cũng như các chướng ngại, đồng thời tự nhiên ngăn chặn không cho chúng ta tạo thêm các nghiệp bất thiện. Với Bồ-đề tâm, chúng ta từ bỏ các nghiệp bất thiệnmột cách tự nhiên và vui vẻ. Tu tập Bồ-đề tâm là sự chuẩn bị tốt nhất cho cái chết, bảo đảm sẽ có một cái chết hạnh phúc và an lạc. Với thiện tâm này, khi bị đau ốm, chúng ta đón nhận sự đau ốm đó thay cho tất cả chúng sinh, và thậm chí khi chết, chúng ta sẽ chết thay cho tất cả chúngsinh. Chúng ta gánh chịu mọi vấn đề bất ổn đến với ta là thay cho tất cả chúng sinh, là vì lợi ích của chúng sinh. Điều này sẽ mang lại cho chúng ta một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, bình an và toại nguyện. Và chúng ta sẽ không có gì hối tiếc, ngay bây giờ cũng như trong tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com