Lê Sỹ Minh Tùng
PHẦN II
(Twelve Conditional Factors)
Khi giới thiệu thuyết thập nhị Nhân Duyên, Đức Phật muốn giải thích chi tiết của tiến trình sinh tử mà mối liên hệ giữa thân và tâm cùng với tiến trình của hiện tượng sinh diệt nơi thân và tâm dựa theo lý Duyên khởi. Như thế thì mọi sự sinh hóa của thân và tâm dựa theo chu trình của thập nhị Nhân Duyên đều đưa đến một kết quả là Khổ. Chính Tham-Sân-Si đã làm cho tâm con người mê muội dễ bị lôi cuốn chạy theo mười hai vòng xích và dĩ nhiên là dẫn con người đi lang thang, lên xuống trong lục đạo luân hồi. Thấu hiểu thập nhị Nhân Duyên là thấy biết tường tận nguyên nhân mà con người phải đối diện để nhận lấy cái khổ và từ đó mới có thể tìm phương cách phá vỡ cái vòng xích oan nghiệp nầy để lìa xa cảnh khổ ngõ hầu giải thoát ra khỏi phiền não khổ đau và chứng ngộ Niết Bàn.
Tiến trình của thập nhị Nhân Duyên bắt đầu từ những cái nhân trong đời quá khứ để chuyển đến những cái quả của kiếp hiện tại cũng như cái nhân của hiện tại để chuyển qua những cái quả cho tương lai. Vì vậy thập nhị Nhân Duyên gồm có:
1)Vô Minh (Ignorance): là sự mê mờ không sáng suốt, cũng ví như màn mây đen bao phủ lên tâm trí của con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Có con người là có vô minh. Nó là động lực chính làm cho con người có cái nhìn sai lạc về bản chất thật của tất cả vạn pháp trong vũ trụ nầy. Sống với vô minh là sống với tà kiến vì chánh kiến bị lu mờ, biến mất, không xuất hiện. Mà không thấy biết đúng sẽ dẫn đến lời nói không đúng và cuối cùng là hành động sai lầm.
Vậy thế nào là vô minh trong Phật giáo?
Toàn bộ giáo lý nhà Phật có mục đích khai thị con người để đạt được chân lý mà vô minh thúc đẩy con người đi xa chân lý, vì thế vô minh mang những ý nghĩa sau đây:
Ø Khi con người không hiểu thông suốt về chân lý tứ diệu đế để nhận thức rõ ràng về những cảnh khổ, nguồn gốc dẫn đến những cái khổ, tận diệt cái khổ để chứng ngộ Niết bàn và con đường tận diệt những cái khổ nầy.
Ø Không thấu hiểu ngũ uẩn là Không nên cố bám víu vào cái Ta giả tạm, không thật có mà tạo ra nghiệp để chịu quả khổ về sau.
Ø Cuộc sống sô bồ điên đảo vì để lục căn tha hồ chạy theo lục trần. Lục trần luôn luôn có sức quyến rũ làm mê hoặc lục căn và vô minh cũng vì thế mà phát triển mạnh.
Ø Con người không thấu hiểu lý Không của vạn hữu nên nghĩ rằng cái gì cũng chắc thật, cũng hấp dẫn nên càng dấn thân vào sinh tử bởi vì Tham-Sân-Si tha hồ phát khởi.
Ø Không hiểu tính Vô Ngã của tất cả vạn hữu trên thế gian nầy vì chúng nó không có tự tánh, có nghĩa là bất cứ vật gì không thể tự nó phát triển hay sinh tồn mà không có sự giúp đỡ bởi những nhân duyên khác.
Ø Vì không hiểu tính Vô Ngã của nhà Phật nên dĩ nhiên là họ không thông luật Vô thường, có nghĩa là tất cả vạn hữu trên thế gian nầy hễ có sanh tất phải có diệt. Đó là đúng với câu thành, trụ, hoại, không của nhà Phật vậy.
Ø Không tin sâu vào nhân quả mà tin vào tà kiến nên thân tâm bất an mà dễ tạo ra nghiệp. Càng tin vào tà kiến thì không thấy, không biết chánh kiến. Một khi thấy biết không đúng thì lời nói không đúng và hành động khó mà đúng được.
Ø Không nhận biết tất cả vạn hữu bằng tính thật của nó mà nhận biết qua sự thêm bớt, vẽ vời của mình. Con người sống bằng vọng thức hay bằng óc tưởng tượng thay vì bằng thật tướng chân thật của nó.
Tóm lại vô minh chính là đám mây mù che lấp trí tuệ trong sáng của con người làm họ nhận biết sai lầm về con người và vạn vật trong vũ trụ nầy. Mà sự nhận biết sai lầm chính là cội nguồn phát sinh ra tam độc Tham-Sân-Si để dẫn họ đi lên, đi xuống lang thang lẩn thẩn trong lục đạo luân hồi.
2)Hành (Mental Formations): là những hành động qua Thân-Khẩu-Ý. Vì vô minh phiền não nổi lên làm cho thân khẩu ý tác tạo những nghiệp lành hay dữ và đây chính là hệ quả đưa họ vào sinh tử luân hồi.
3)Thức (Consciousness): khi thân, khẩu, ý tác tạo những nghiệp thiện hay bất thiện thì tất cả những chủng tử của nghiệp thức nầy sẽ được lưu giữ lại trong A-Lại-da thức. Những chủng tử một khi đã dồn chứa trong A-Lại-da thức thì chúng sẽ vĩnh viễn tồn tại từ đời nầy sang đời khác cho đến khi gom góp đủ nhân duyên thì chúng sẽ phát sinh và nó chính là kết quả của hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta trong đời nầy hay đời sau. Thức được hiểu là không phải là một thực thể độc lập mà là một chuổi các đơn vị Thức liên tục nối tiếp nhau sinh diệt, giống như các tấm phim nối tiếp nhau trong một cuộn phim. Khi con người đến giây phút lâm chung thì đơn vị Thức cuối cùng của thân xác cũ chấm dứt và tiếp theo là đơn vị Thức đầu tiên xuất hiện trong một thân xác mới. Đơn vị Thức đầu tiên nầy gọi là Thức Tái-Sinh. Sau đó những đơn vị Thức khác nối tiếp nhau sinh diệt suốt cuộc đời.
4)Danh Sắc (Name-Form): là thân tâm. Sắc thuộc về thân và Thọ, Tưởng, Hành thì thuộc về tâm sở. Danh Sắc hay thân tâm nầy tùy thuộc nơi tâm Thức mà phát sinh. Con người được sinh ra thì phần thân xác, tức Sắc được cấu thành nhờ tinh cha, huyết mẹ và phối hợp với phần tinh thần bắt đầu từ Thức Tái Sinh đến Thọ, Tưởng và Hành. Ngũ uẩn tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nầy luôn luôn nương tựa và tùy thuộc lẫn nhau.
5)Lục Nhập (Six Bases): khi thân tâm phát triển thì sáu giác quan, còn gọi là sáu căn tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng thành hình. Tiến trình từ Danh Sắc để dần dần tượng đủ sáu căn thì gọi là lục nhập. Chính sáu giác quan là nơi thâu nhận dữ kiện về thế gian qua các đối tượng là sáu trần tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
6)Xúc (Contact): Sau khi ra khỏi thai, sáu căn tiếp xúc với sáu trần để tiếp nhận sáu thức. Chẳng hạn như mắt thấy một vật gì để nhận thức được hình dáng, màu sắc của vật đó. Tai nghe một âm thanh để biết là loại âm thanh gì…Bởi vậy Xúc là sự giao thông giữa ba cá thể là con người (thức), nội giới (lục căn) và ngoại giới (lục trần).
7)Thọ (Feeling): Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì chúng ta cảm nhận hay thọ những cái vui, cái buồn hay vô ký. Khi lưỡi nếm thức ăn ngon thì sinh ra khoái khẩu tức là lạc thọ. Mà cứ bắt ăn một món hoài sanh ra nhàm chán tức là khổ thọ. Hoặc khi có người đánh thì ta đau có nghĩa là khổ thọ. Ăn để sống chớ không phải sống để ăn tức là vô ký thọ.
8)Ái (Cravings): Con người chúng ta được cấu tạo dựa trên cơ cấu Tham-Sân-Si nên trong cuộc sống luôn hướng về những gì mang lại cảm giác sướng và xa lánh những gì mang lại cảm giác khổ. Từ sự thèm muốn, tức là ái, những thứ như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khiến lòng tham nổi dậy. Còn ngăn chận sự thèm muốn trên thì lòng sân phát khởi. Đây là động lực chính làm thân-khẩu-ý tác tạo ra nghiệp.
9)Thủ (Clinging): là bám chặt vào những gì con người ham muốn nhưng với cường độ mạnh hơn so với ái. Cũng ví như đang khát mà uống nước muối thì chỉ làm tăng thêm cơn khát. Nếu gặp cảnh tốt thì tham cầu bám giữ, còn gặp cảnh xấu thì phát sinh sân hận để lìa bỏ. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra nghiệp sinh tử.
10)Hữu (Becoming): Đời nầy chính mình tạo ra nhân lành hay nhân dữ thì đời sau phải chịu quả vui hay khổ mà mình phải thọ lãnh. Vì thế hữu được hiểu là cái sinh khởi và cái làm điều kiện cho cái khác sinh khởi. Vì làm điều kiện cho cái khác sinh khởi nên Hữu chính là nghiệp của thiện hay bất thiện dùng để tạo dựng kiếp sống ở đời sau. Do đó Hữu tạo điều kiện cho sự tái sinh của con người ở kiếp sau.
11)Sanh (Birth): Do Ái, Thủ, hữu làm nhân tạo ra các nghiệp nên phải sanh ra đời sau để thọ quả báo.
12)Lão-Tử (Aging-Death): Theo luật Vô-thường nếu có sinh thì phải có Già-Chết. Cùng với tiến trình sinh trụ di diệt nầy thì cuộc đời con người luôn đi chung với buồn rầu, ta thán, khổ thân, lo âu và tuyệt vọng.
Dựa vào những điều kiện sinh khởi của thân và tâm cho nên thập nhị Nhân Duyên có thể được phân chia theo thời gian như sau:
1)Thuộc quá khứ: Vô minh và Hành là những điều kiện tạo duyên trong quá khứ để đưa đến sự sinh khởi của một cá thể gồm thân và tâm trong kiếp sống hiện tại.
Nhân Quá Khứ: Vô Minh
Hành
2)Thuộc hiện tại: tám nhân duyên kế tiếp sẽ diễn tả quá trình tiến hóa của con người trong đời nầy.
Quả hiện tại: Thức
Danh Sắc
Lục Nhập
Xúc
Thọ
Tâm thức sinh khởi danh sắc và danh sắc chính là môi trường để tâm thức bộc lộ cá tính Tham-Sân-Si của nó. Từ đó tất cả những hành động phát khởi từ tâm Tham-Sân-Si sẽ là điều kiện tạo tác cho những kiếp sống tương lai.
Nhân hiện tại dẫn đến quả tương lai:
Ái
Thủ
Hữu
3)Thuộc tương lai: Những hành động tạo tác trong đời hiện tại tức là tất cả những nghiệp thức gây ra trong đời nầy sẽ ứng hiện trong những kiếp tương lai và như vậy đây là cội nguồn cho tiến trình sanh tử của con người.
Quả tương lai: Sinh
Lão-Tử
Nói một cách tổng quát thì thập nhị nhân duyên cũng có thể chia thành ba nhóm. Đó là
1) Ô nhiễm (dục vọng): Vô minh, Ái và Thủ.
2) Tạo nghiệp (hành động): Hành và Hữu.
3) Quả báo (hậu quả): Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Sinh, Lão-Tử.
Con người vì bị Ô nhiễm nên tạo Nghiệp để rồi phải lãnh Quả khổ và như thế mà phải lanh quanh lẫn quẩn lên xuống trong sáu nẻo luân hồi.
Trên đây là lối giải thích dựa theo tiến trình mười hai Nhân Quả bắt đầu từ quá khứ đến hiện tại và chuyển đến tương lai chớ không phải là vòng xích mười hai Nhân Duyên.
Nhân Duyên là do duyên khởi nên không có điểm bắt đầu hay kết thúc. Vì thế thập nhị Nhân Duyên không phải là một tiến trình có đầu, có đuôi mà nó được gọi là vòng thập nhị Nhân Duyên. Do đó Vô minh không phải là điểm bắt đầu hay theo thứ tự số một số hai gì cả mà khi viết chúng ta đặt nó vào hàng đầu vì tầm quan trọng của nó mà thôi. Vô minh có sinh khởi được cũng bởi tại những ô nhiễm Tham-Sân-Si. Vì là duyên khởi cho nên trong mười hai Nhân Duyên thì mỗi nhân duyên được xem như là nguyên nhân chính và các yếu tố còn lại là các nguyên nhân phụ. Chẳng hạn như nguyên nhân chính của Sinh là Hữu và mười yếu tố còn lại là nguyên nhân phụ. Như thế thì thập nhị Nhân Duyên bao gồm tất cả những nguyên nhân xa gần được đan kết thành mạng lưới chằng chịt, hết sức phức tạp. Chúng kết nối chằng chịt với nhau vì thế tìm cách bẻ gãy một chuổi xích để có thể phá tan được vòng xích thập nhị nhân duyên là một việc rất khó. Vậy làm thế nào để phá cái vòng xích oan nghiệt kia? Trong mười hai Nhân Duyên thì “Ái” là quan trọng nhất. Chính nó là cội nguồn của Tham-Sân-Si để dẫn đến Thủ và Hữu. Vậy nếu không có Ái thì không có Hữu, không có Hữu thì không có Sanh, không có Sanh thì không có Lão-Tử và cuối cùng thì không còn đau khổ luân hồi.
Như thế thập nhị Nhân Duyên cho chúng ta thấy tất cả những Nhân và Duyên đã tác động và dựa vào nhau sinh khởi để đưa con người đến chỗ khổ đau. Chính Tham-Sân-Si là động lực chính dẫn dắt con người tạo ra Nghiệp để lặn hụp trong vòng sinh tử luân hồi. Vì tính duyên khởi cho nên thập nhị Nhân Duyên nói lên sự hòa hợp giữa thân và tâm. Đó là thân tạo tâm và tâm tạo thân. Thân và tâm tùy thuộc và nương tựa vào nhau mà hiện hữu.
Một điểm đặc thù khác của thập nhị Nhân Duyên là tính duyên khởi làm cho các nhân duyên hòa hợp và nương tựa lẫn nhau. Vì sự hòa hợp nầy mà trong thập nhị Nhân Duyên không những chỉ có Nhân tác động thành Quả mà cả Nhân lẫn Quả cùng tác động qua lại với nhau. Nói một cách khác là trong thập nhị Nhân Duyên không có cái nào thật là Nhân và cái nào chính là Quả cả. Vì trong cái Nhân đã ngầm chứa cái Quả rồi và ngược lại.
Vì thập nhị Nhân Duyên là tiến trình của thân và tâm tương trợ nhau mà sinh diệt cho nên con người không có một thực thể hay tự tánh. Không có tự tánh thì dĩ nhiên không có cái Ta.
Nếu thấu hiểu và thực hành được giáo pháp thập nhị Nhân Duyên thì sẽ đạt đến một địa vị Thánh cao hơn bốn quả vị trong hàng Thanh Văn gọi là Duyên giác hay Độc giác. Do đây mà giáo pháp nầy còn có cái tên là Duyên giác thừa.
Lẽ ra Tâm Kinh phải nói cho đủ là: Vô vô minh, vô hành, vô thức, vô danh sắc, vô lục nhập, vô xúc, vô thọ, vô ái, vô thủ, vô hữu, vô sanh và vô lão tử. Nhưng Kinh chỉ nói vắn tắt và chỉ lấy hai phần đầu và đuôi là “vô minh” và “lão tử” mà nói thôi.
Giáo pháp thập nhị Nhân Duyên do chính Đức Phật truyền dạy đã giúp cho biết bao đệ tử chứng được một địa vị cao hơn bốn địa vị Thánh trong hàng Thanh Văn là Duyên Giác hay Độc Giác tức là Bích Chi Phật. Thế mà bây giờ Đức Phật lại phủ nhận luôn cả giáo pháp nầy. Chúng ta sẽ phân tích để am tường chân lý của Đức Phật trong Tâm Kinh sau phần Lục Độ Ba-la-mật.