Lê Sỹ Minh Tùng
PHẦN IV
Vô Sinh Tứ diệu đế
Đây là bắt đầu của triết lý đại thừa về lý Không trong thế gian vũ trụ nầy. Tất cả vật thể mà ngũ quan nhận biết được chẳng qua đó chỉ là cái Tướng bên ngoài là sinh diệt. Nhưng thật ra bên trong tiềm ẩn cái Thể bất sinh bất diệt tức là Không. Tâm kinh dạy rằng Sắc tức là Không và Không tức là Sắc. Như thế thì Tướng và Thể là một tức là bất nhị.
Trong Vô sinh Tứ diệu đế thì không có khổ đế vì khổ đau bây giờ không thật bởi vì nếu con người quay lại tìm trong họ thì làm gì có cái khổ. Không có khổ thì không có Tham-Sân-Si mạn nghi…vì trong tự tánh chỉ có bản nhiên thanh tịnh, trong sáng mà thôi. Không có khổ đế thì làm gì có tập đế vì tập đế cũng là không thật.
Vì thật tướng của vạn pháp là vô tướng cho nên trong vô sanh tứ diệu đế thì tự tánh vốn an nhiên thanh tịnh tức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh nên Niết bàn không còn cần thiết nữa. Không có Niết bàn thì Diệt đế cũng là không. Nếu không có Niết bàn thì đạo đế cũng chẳng dùng vào đâu được bởi vì nếu không có gì ràng buộc thì cần gì phải tháo gở. Nói một cách khác nếu không bệnh thì uống thuốc để làm gì?
Khi thấy nước thủy triều lượn sóng, làn sóng trước tan thì làn sóng sau nối tiếp vô tận. Làn sóng có tan có hợp cũng như cuộc đời sinh diệt nhưng thể nước có mất đi bao giờ? Vì thế nước muôn đời vẫn là nước, không sinh không diệt. Con người thì cũng thế. Vì nhân duyên hòa hợp nên chúng ta sanh có nghĩa là tứ đại hòa hợp với không gian và tâm thức thì có con người. Khi nhân duyên tan rã thì lục đại phân ly. Đất, nước, gió, lửa về lại với tứ đại. Không gian trở về với không gian vô tận và tâm thức tan rã chỉ còn lại những chủng tử của nghiệp được lưu lại mà thôi. Khi nhân duyên kết thì nghiệp lực dựa vào tiền duyên mà đưa đẩy những chủng tử của nghiệp theo tinh trùng của người cha vào noãn bào của người mẹ mà tạo thành con người mới. Tinh trùng của người cha chính là sự sống của hài nhi cộng với máu huyết của người mẹ và tất cả những chủng tử của nghiệp để tạo tác thành một con người. Tất cả những chủng tử của nghiệp sẽ là động lực chính để tạo thành hình dáng, tánh tình, nhân cách, sức khỏe…và định đoạt sự sung sướng cũng như khổ đau của hài nhi sau nầy.
Nên biết Phật dạy trong Tâm kinh rằng ngũ uẩn giai không có nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không. Sắc là thân xác tức là tứ đại sẽ về trở lại với tứ đại. Không có sắc thì thọ, tưởng, hành cũng tan rã. Sau cùng thức tức là tâm thức cũng bị tan rã theo. Thế thì khi con người chết tức là ngũ uẩn tan rã thì làm gì còn cái linh hồn? Người tu Phật phải thấu hiểu đạo lý nầy vì đây là chân lý tối thượng của Phật giáo. Không hiểu tường tận thì chắc chắn sẽ rơi vào mê tín dị đoan làm cuộc đời thêm điên đảo. Chỉ có tất cả những chủng tử của nghiệp là tồn tại mãi mãi và đây chính là phần thần thức duy nhất còn lại của con người. Nói một cách khác dựa theo luật nhân quả của nhà Phật thì tất cả những chủng tử của nghiệp sẽ quyết định về cuộc đời mới của chúng ta.
Thí dụ hiện nay ở Thái lan có loại sầu riêng cơm dày và rất thơm ngon. Nếu bây giờ chúng ta sang Thái lan xin một hột giống đem về quận Cam để trồng. Quý vị có nghĩ rằng trái sầu riêng trồng ở quận Cam cũng thơm ngon như ở Thái lan? Dĩ nhiên là không bằng. Tại sao? Cái hột giống sầu riêng của Thái lan mà nếu đem trồng tại Thái lan thì chắc chắn mùi vị sẽ giống nhau. Nhưng hột giống sầu riêng nầy bây giờ hấp thụ bởi biết bao nhân duyên hoàn toàn khác biệt chẳng hạn như thời tiết khác nhau, nước đất và phân bón khác nhau, cách trồng trọt cũng khác nhau…thì kết quả trái sầu riêng tại quận Cam làm sao giống như ở Thái lan được. Cái giống là sầu riêng thì cái trái cũng là sầu riêng nhưng nhân duyên hoàn toàn không giống nhau nên kết quả là trái sầu riêng trồng tại quận Cam không thơm ngon bằng trái sầu riêng trồng tại Thái lan.
Nói một cách khác là hai trái sầu riêng nhìn bề ngoài có thể giống nhau nhưng thật chất bên trong hoàn toàn khác biệt. Con người khi chết thì ngũ uẩn tan rã chỉ còn lại những chủng tử của nghiệp mà thôi. Khi hội đủ nhân duyên thì những chủng tử nầy sẽ đi tái sinh để thành con người mới. Như thế thì con người mới là kết quả của những nghiệp quả mà nó đã tạo tác trong tiền kiếp cộng với tất cả những nhân duyên mới để tạo thành nó. Những nghiệp quả cũng như cái hột sầu riêng của Thái lan. Trái sầu riêng bây giờ đâu còn là trái sầu riêng ở Thái lan mà là trái sầu riêng ở quận Cam. Tất cả những nghiệp quả trong tiền kiếp hòa hợp với biết bao nhân duyên mới để tạo thành con người mới thì dĩ nhiên con người cũ không còn nữa.
Vì thế không có chuyện cầu an hay cầu siêu trong nhà Phật. Tệ hại hơn nữa là cúng sao giải hạn. Mình gieo nhân mà người khác giải được không? Trong thế gian nầy có mấy người giỏi thần toán bằng Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Hán ngày xưa, thế mà chính vị quân sư nầy vì muốn sống thêm mười năm để phục hồi nhà Hán nên cho đăng đàn cúng sao giải hạn mà có được đâu. Vì thế Khổng Minh mới có câu:”Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Nếu Khổng Minh am hiểu Phật pháp thì ông sẽ nói lại rằng:”Lượng sự do tâm thành sự do nghiệp”. Cả một đời người thì sống sô bồ hổn độn đến khi chết thì mời chư tăng đến cầu an, cầu siêu. Trên đời làm gì có đạo lý như vậy. Ngày xưa chính Đức Phật cũng phải khuyên bảo gia đình quyến thuộc của Ngài tu đạo để được giải thoát, nếu không thì nhân nào quả nấy mà thôi.
Nhắc lại khi vua Lưu Ly của nước Kiều Tất La đem quân xâm lược để tiêu diệt cung thành Ca Tỳ La Vệ. Đức Phật biết sự báo ứng của nhân quả và muốn cho nó tự kết thúc nên để cho vua Lưu Ly được đi. Chính Đức Phật mà còn không siêu nổi cho thân bằng quyến thuộc thì ai dám đủ sức siêu cho kẻ khác? Nếu Đức Phật có thể siêu thì chính Ngài đã siêu cho con của Ngài là tôn giả La Hầu La. Nhưng tại sao Đức Phật lại phải chứng kiến cảnh tre phải khóc măng? Khi thọ mạng hết và nhân duyên tan rã thì ngũ uẩn tan rã. Tất cả những chủng tử của nghiệp hay cái mầm của nghiệp sẽ quyết định cuộc đời mới của chúng ta về sau.
Muốn có tương lai tươi sáng thì khi sống phải tạo nhiều thiện nghiệp còn ngược lại thì tương lai tăm tối, khổ đau. Không một tha nhân nào trên thế gian nầy có thể cải đổi những nghiệp quả của người khác được. Muốn siêu thì phải thấu hiểu Phật pháp và sống đời đạo hạnh tức là tạo nhân lành thì cái quả dĩ nhiên là viên mãn. Nếu đạo Phật chỉ lo cầu an, cầu siêu thì Đức Phật cần gì phải khổ nhọc thuyết giảng suốt 49 năm và truyền lại 12 bộ đại tạng kinh để khai thị cho chúng sinh thấy được con đường để tự mình giải thoát giác ngộ. Trong thời Đức Phật còn tại thế không hề có chuyện cầu an cầu siêu thì ngày nay dĩ nhiên cũng không cần theo cái tệ đoan tiền mất tật còn nầy. Muốn tu đạo viên mãn hay sống đời an vui tự tại thì phải loại bỏ tất cả những mê lầm tà kiến nầy thì mới có thể phục hồi chánh kiến để giúp chúng ta đi thong dong trên con đường chánh đạo.
Khi chúng ta nhìn vào thật tướng của vạn vật thì không có cái gì sanh hay cái gì mất cả chẳng qua chỉ là sự biến đổi do duyên khởi mà thôi. Thí dụ như từ nước chúng ta có thể làm nước chanh, nước đá hay đun nước sôi nhưng thể nước lúc nào cũng vậy, không sanh không diệt. Vì nhận biết thật tướng vạn pháp không sanh diệt cho nên vạn pháp là Thường. Vì biết vạn pháp là Thường cho nên có chân Lạc. Vì biết vạn pháp là Thường, là Lạc cho nên vạn pháp có chơn Ngã. Sau cùng vì biết vạn pháp là Thường, là Lạc, là Ngã cho nên vạn pháp có chơn Tịnh.
Vô sinh Tứ diệu đế chính là Thông giáo và cũng là giáo lý phổ thông của Bồ tát vì với tuệ nhãn của Bồ tát thì chẳng có thật sinh thật diệt cho nên vạn pháp có Chơn Thường, Chơn Lạc, Chơn Ngã và Chơn Tịnh hay gọi tắt là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Khi nhìn vạn pháp có chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh thì Niết Bàn tịch diệt còn dùng vào đâu mà cầu mong “chứng” với “đắc”.
Vô sanh tứ diệu đế là một chân lý rất phổ thông và dễ áp dụng trong cuộc sống thường nhật. Đây chính là tư tưởng nòng cốt trong kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng. Vì con người có thói quen là sống với cái tâm sanh diệt nên mới có khổ đau phiền não. Càng lún sâu vào vọng thức thì khổ đau càng nhiều. Nhưng bản nhiên thanh tịnh thì lúc nào cũng có sẵn trong tất cả con người có nghĩa là tự tánh thanh tịnh thì không có khổ đau hay phiền não chi cả vì thế nếu chúng sinh quay về để sống với cái tự tánh thanh tịnh nầy thì làm gì còn hệ lụy khổ đau. Thí dụ như khi chân chúng ta bị đạp bùn nhơ thì sau khi rửa sạch chúng ta gọi nó là sạch. Nhưng trước khi đạp bùn thì chân của chúng ta sạch chớ đâu có dơ. Nếu không dơ thì cần gì phải rửa. Khổ đau thì cũng thế. Nếu sống với tự tánh thanh tịnh thì đâu có phiền não khổ đau. Không phiền não khổ đau thì cần gì Niết bàn. Vì thế khổ cũng không, Niết bàn cũng không và đây mới thật là vô sanh tứ diệu đế.