Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Pháp giới Duyên khởi

08/03/201109:59(Xem: 8190)
25. Pháp giới Duyên khởi

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng



Diễn đọc: Quảng An



PHẦN III

Pháp giới Duyên khởi

Thuyết nầy cho rằng pháp giới tức là con người và vũ trụ là một duyên khởi rất lớn có nghĩa là tất cả các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau để nương tựa, tương phản, dung thông mà thành lập.

Cái năng lực của pháp giới duyên khởi nầy không phải thuộc về “nghiệp lực” của chúng sinh, cũng không phải cái “tạng thức“ sai biệt sinh diệt của A-lại-da và cũng không phải cái “lý tánh bình đẳng” bất sanh bất diệt của chân như mà chính là do vạn pháp. Thật vậy, pháp nầy dung thông với pháp kia và ngược lại để cùng nhau làm duyên khởi. Sự dung thông nầy kéo dài đến bất tận, tột cùng nên được gọi là “trùng trùng duyên khởi”.

Như thế, con người và vạn pháp trong vũ trụ chỉ là một tiến trình hoạt động của hiện tượng từ vô thỉ đến vô chung, nối tiếp và tràn lan vô cùng vô tận như những đợt sóng của đại dương. Vì có sự chuyển động nên mới có thay đổi sinh diệt. Vì thế nếu không có sự chuyển động thì sẽ không có con người, vạn hữu cũng như vũ trụ.

Thí dụ như nếu một người còn sống thì tim phải đập, máu huyết phải luân chuyển và hệ thống thần kinh hoạt động liên tục. Oxygen được cung cấp cho tất cả những tế bào toàn thân và hệ thống não tủy giống như những đàn kiến di chuyển vậy. Ngay khi chúng ta ngồi tịnh tâm trong phòng nhưng thật ra chúng ta đâu có ngồi yên mà đang quay theo trái đất chung quanh quỹ đạo của mặt trời. Và toàn bộ Thái dương hệ thì di động trong dãy Ngân Hà. Vì thế nếu trong thế gian nầy mà không có sự chuyển động thì con người, thế gian và vũ trụ sẽ không còn. Do sự chuyển động nầy mà hành tinh nầy sanh và hành tinh khác diệt. Bên trong vỏ của địa cầu là thể lỏng cho nên sự chuyển động làm cho nay nứt chỗ nầy, mai động chỗ nọ. Thế nên, không có gì là lạ khi chúng ta thấy có động đất ở Nam Dương hay núi lửa ở Hawaii. Đức Phật mấy ngàn năm trước đã chứng được chân lý nầy mà ngày nay với sự khám phá mới lạ của không gian khoa học thì họ cũng chứng minh những điều Đức Phật đã dạy từ lâu mà thôi.

Có người thắc mắc là cũng là Phật dạy nhưng tại sao lại có nhiều thuyết Duyên Khởi như thế? Vậy nên tin theo thuyết nào?

Triết lý Đức Phật có sự sai khác là vì căn cơ của chúng sinh không đồng cho nên chính Đức Phật phải dẫn dắt họ dần dần từ thấp đến cao để họ có thể hoàn thành Phật đạo được viên mãn.

Trước hết đối với hàng Tiểu thừa thì Phật nói “nghiệp” vì họ chưa thấu hiểu được Tạng thức hay A-Lại-Da thức có nghĩa là họ không biết gì về chủng tử của luân hồi hay giải thoát. Kế đến là hạng Đại thừa Thỉ giáo. Đối với hạng nầy thì họ vừa mới hướng về Đại thừa nên chưa hiểu được chân lý “Chân như tùy duyên sanh ra vạn pháp” nên Phật chỉ nói về “A-Lại-Da thức”. Khi đã thấu suốt về “Tạng thức” tức là Đại thừa Đốn giáo thì Phật bắt đầu nói về “Chân như tùy duyên sanh ra vạn pháp”. Sau cùng hạng Đại thừa Viên giáo tức là các bậc Bồ tát căn cơ đã thuần thục thì Phật nói đến “Lục đại” và “trùng trùng duyên khởi”.

Sự sai khác ở đây chỉ là sai khác về tầng bậc chớ không sai khác về nội dung. Nói một cách khác là nếu nhìn một cách nông cạn thì chỉ thấy có nghiệp lực, nhưng khi nhìn sâu hơn và rộng hơn một tí thì thấy dưới cái nghiệp lực chính là A-Lại-Da thức. Nếu chúng ta nhìn sâu và rộng hơn nữa thì thấy dưới A-Lai-Da thức là Chân như. Nhưng nếu xét cho tường tận thì Chân như không phải là một cái gì xa lạ mà Chân như là phương diện Tịnh còn vạn tượng là khía cạnh Động của một cái gọi là “Nhất như” hay “Tâm”. Nhưng nếu tiến sâu một chút nữa thì Tịnh và Động không phải là hai khía cạnh riêng rẽ mà thật ra trong Động có Tịnh và trong Tịnh có Động.

Sau cùng khi nói đến Lục đại Duyên khởi và Pháp giới Duyên khởi là muốn tìm hiểu cái hình tướng, cái then chốt để trực nhận Chân như.

Tóm lại khi nhìn thế giới bằng pháp hữu vi tức là chúng ta nhìn bằng “Tướng” của muôn sinh vạn vật. Không có vật gì trên thế gian nầy mà tự nó có thể phát triển hay tồn tại mà không có sự trợ giúp của những nhân duyên khác. Vì thế Đức Phật đã khẳng định rằng vì tất cả vạn hữu do nhân duyên mà thành cho nên tất cả đều là vô ngã. Nếu đã là vô ngã thì chúng sẽ biến thành vô thường có nghĩa là sinh, trụ, di, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Chẳng hạn như cành hoa chúng ta mới cắt ngoài vườn để cắm bàn thờ Phật mới nhìn thì thật tươi đẹp. Nhưng nếu tư duy chút xíu thì biết rằng muốn có cành hoa đẹp thì chúng ta phải có giống tốt, thường hay bón phân, tưới nước và phải có nhiều ánh sáng mặt trời thì hoa mới tươi được.

Như thế thì cành hoa tươi đẹp là do biết bao nhân duyên hợp lại. Do đó cành hoa tươi đẹp nầy tự nó chính là vô ngã. Nếu cành hoa là vô ngã thì nó sẽ trở thành vô thường. Đúng vậy chỉ mấy ngày sau là cành hoa bắt đầu khô héo rồi rơi rụng tả tơi. Khi chúng ta đem nó vứt bỏ ra sau vườn thì chúng ta đâm tiếc. Trước là tiếc thương cho hoa nay nở mai tàn, sau thương cho đời mình nay Có mai Không. Từ đó con người biết rằng cuộc đời chẳng qua chỉ là một chuỗi dài đau khổ. Có người may mắn thì chỉ khổ về thân còn kẻ khác thì khổ về tâm. Biết bao người thân tâm cùng khổ. Mà đã “Khổ” thì tâm sẽ không an lạc tức là bất tịnh. Vì vậy cái thế giới của Tục đế là thế giới đại diện cho Vô ngã, Vô thường, Đau khổ và Bất tịnh. Muốn san bằng sự đau khổ nầy thì Đức Phật dạy chúng sinh ứng dụng chân lý Tứ Diệu Đế hay Thập nhị Nhân Duyên một cách triệt để thì tất cả phiền não khổ đau không còn nữa và chứng đắc được Niết bàn.

Chân lý cao siêu như vậy mà Đức Phật nói đây chỉ mới là Bán tự giáo chớ chưa phải là Toàn chân giáo. Ý Phật như thế nào?

Bây giờ chúng ta trở lại với thí dụ về cành hoa tươi ở trên. Chúng ta đã chứng minh cành hoa tươi nầy là vô ngã thì khô héo tàn rụng là lẽ tất nhiên, đó là hậu quả của luật vô thường. Nhưng thật ra cành hoa nầy có mất không? Cái mất theo tư tưởng của con người là không còn, không hiện hữu trên thế gian nầy. Khi cành hoa héo úa thì chúng ta quăng nó ra sau vườn bỏ đi, rồi vài tuần sau cành hoa biến thành phân, thành nước và bốc mùi khó ngữi. Như thế thì khi nhân duyên tan rã, những yếu tố ban đầu để kết hợp tạo thành cành hoa bây giờ đi riêng rẽ trở về với bản tánh ban đầu có nghĩa là phân bón trở về với phân bón, nước trở lại thành nước…

Nhưng nếu nhìn kỹ thì những thành phần để cấu tạo cành hoa ban đầu đâu có mất một cái gì. Khi chúng hợp lại thì thành cành hoa và khi nhân duyên tan rã tức là hoa héo thì phân về lại với phân và nước về lại với nước vậy thôi. Còn nếu lý luận theo thuyết Đại thừa là khi nhân duyên hòa hợp để tạo thành cành hoa là “bất biến mà tùy duyên” tức là mỗi chất có bản thể chân như riêng của nó nhưng vì tùy duyên nên chúng hợp lại thành cành hoa. Sau đó nhân duyên tan rã thì chúng “tùy duyên mà bất biến” tức là từ cụm hoa mà trở lại với bản thể chân như của thủa ban đầu. Thế thì đâu có cái gì Có và Mất thật đâu? Đây chẳng qua là tiến trình của Duyên Khởi mà thôi.

Con người của chúng ta thì cũng thế. Trước khi kết tinh thì lục đại tức là đất, nước, gió, lửa, không gian và thức mỗi pháp ở mỗi nơi. Sau khi pháp nầy dung thông với pháp kia để cùng nhau làm Duyên khởi mà tạo thành con người. Vì tiến trình nầy tiếp diễn không ngừng nên được gọi là “trùng trùng duyên khởi”. Khi duyên tan thì các pháp trở lại với cái bản thể chân như ban đầu tức là nước trở về với nước, đất trở lại thành đất và nghiệp thức trở về với nghiệp thức. Khi kết được duyên mới thì nghiệp thức sẽ hòa hợp với tứ đại mới dựa theo nghiệp lực để kiến tạo một hình hài khác mà chúng ta gọi là tái sinh. Như thế thì con người thật không có sanh và cũng thật không có chết. Nói một cách khác là trước khi sanh thì bất biến mà tùy duyên và khi chết thì tùy duyên mà bất biến. Đó là bản thể chân thật của vạn hữu.

Thêm nữa, Tâm Kinh dạy rằng cái bản thể chân như của vạn hữu chính là cái “Thể” tức là cái “Không” của nó. Còn hình dáng, màu sắc là cái “Tướng” tức là cái giả Có mà thôi. Do đó khi nhìn theo pháp hữu vi thì Đức Phật khuyên chúng sinh phải thấy rõ tất cả pháp hữu vi là giả Có tức là pháp sinh diệt. Vì thế muốn được an nhiên tự tại thì con người phải hiểu rõ cái “Thể” tức là thật tướng của vạn vật. “Thể” nói theo triết lý Đại thừa là “bất biến” còn “Tướng” thì đồng nghĩa với “tùy duyên”.

Vậy “Thể” là “Bất biến”, là “Tịnh”, là Chân như.

Còn “Tướng” là “Tùy duyên”, là “Động”, là Sinh diệt.

Do đó đứng về phương diện đại thừa mà nói thì vạn vật trên thế gian nầy không có cái gì mất cả. Cái Có hay Không chẳng qua là tiến trình của Duyên khởi mà thôi. Nếu tùy duyên thì chúng sẽ tạo ra vạn pháp và từ vạn pháp chúng sẽ trở về với cái bản thể chân như thanh tịnh ban đầu. Nói một cách khác tất cả là một và một là tất cả, xoay vần biến chuyển dựa theo tiến trình của không gian vô tận và thời gian vô cùng mà thôi.

Thật vậy, tất cả vạn pháp đều trở về với bản thể chân như. Mà cái bản thể chân như thì thường hằng bất biến. Bất biến là không thay đổi tức là Ngã. Một khi chúng không thay đổi, không bị ảnh hưởng bởi luật vô thường là thành, trụ, hoại, không thì chúng sẽ là Chân Thường. Trong bản thể chân như, vạn pháp không hề có đau khổ cho nên chúng luôn luôn là Chân Lạc. Mà đã là chân lạc thì lúc nào bản thể chân như của vạn pháp cũng thanh tịnh, không ô nhiễm.

Vậy tất cả những hiện tượng sanh, lão, bệnh, tử của luật vô thường là sanh, trụ, di, diệt hay thành, trụ, hoại, không đều rơi rớt vào trong không gian vô tận và thời gian vô cùng mà chúng ta gọi là vũ trụ và tất cả những hiện tượng sinh diệt nầy chẳng qua chỉ là hiện tượng duyên sanh mà thôi. Hiện tượng nầy được gọi là :”Bất biến mà tùy duyên” tức là từ cái bản thể chân như mà duyên khởi thành vạn vật trong thế gian nầy. Nhưng cũng chính cái không gian vô tận và thời gian vô cùng nầy là hiện tượng duyên sanh để nó trở về với bản thể chân như thanh tịnh ban đầu. Tiến trình nầy được gọi là :”Tùy duyên mà bất biến”.

Vậy trong thế giới của bản thể chân như thì không hề có đau khổ, không hề có ô nhiễm, bất tịnh mà tất cả chỉ là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh mà thôi. Tại sao? Bởi vì bản thể chân như chính là pháp thân trong tất cả mọi chúng sinh. Mà pháp thân thì không sanh diệt nên gọi là Thường. Pháp thân luôn luôn an nhiên tự tại nên nói là Lạc. Pháp thân là chủ sinh ra muôn pháp nên gọi là Ngã và pháp thân không bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh. Kinh Pháp Hoa gọi pháp thân là Tri Kiến Phật trong khi kinh Lăng Nghiêm thì gọi là Chơn Tâm, còn kinh Đại Niết Bàn thì gọi là Phật Tánh và kinh Hoa Nghiêm thì gọi là Trí Huệ Phật.

Để chúng ta có được một nhận định rõ ràng và dễ hiểu về thuyết Duyên Khởi của Đức Phật, chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện:”Phiền não tức Bồ-đề”.

Bồ-đề là thấy được tánh giác của mình tức là giác ngộ. Còn phiền não là si mê, đau khổ. Phiền não là vọng tưởng tức là Động. Nhưng thật ra trong Động lại có Tịnh và ngược lại. Con người vì mê lầm nên luôn tìm cái giác ở ngoài cái mê, nhưng thật ra giác và mê chính là một bởi vì hết mê thì thấy giác, hết đau khổ thì thấy an vui chớ không tìm thấy an vui ở đâu xa. Bồ-đề đã có sẵn trong ta chỉ khi nào chúng ta biết dừng phiền não thì sẽ thấy Bồ-đề. Phiền não vô minh dấy khởi làm che lấp Bồ-đề vì vậy một khi phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện ra. Nói một cách khác là nếu chúng ta ôm đầy một bụng phiền não mà chạy tìm Bồ-đề thì dù cho chạy đến muôn đời cũng không bao giờ thấy nó được. Con người chỉ khéo ngồi yên lại làm cho tất cả phiền não lắng xuống thì Bồ-đề xuất hiện.

Cũng như khi chúng ta thấy trời đổ mưa. Nước mưa từ trên không rớt xuống là trong sạch ví như bản thể chân như hay Bồ-đề. Khi nước rớt xuống đất thì hòa nhập với bụi bặm bùn đất rồi chảy xuống ao hồ. Nước nhơ bẩn ví như phiền não, khổ đau của cuộc đời. Nhưng thật ra nước đục chính là nước trong hay phiền não tức là Bồ đề. Tại sao? Người mê thì thấy nước trong hồ là nước đục còn kẻ giác ngộ thì thấy thể nước trong nằm trong nước đục. Thật vậy nếu chúng ta đem nước trong hồ về để yên trong lu thì cặn bụi sẽ từ từ lắng xuống và nước bây giờ sẽ là nước trong tinh khiết. Cuộc đời con người thì cũng thế, nếu chúng ta biết làm lắng xuống bao phiền não khổ đau thì Bồ-đề sẽ xuất hiện. Khi chúng ta thấy cuộc đời dẫy đầy đau khổ và nhìn bằng nhục nhãn của luật vô thường là thành, trụ, hoại, không thì tâm sẽ bất tịnh, ô nhiễm không an vui. Bây giờ chúng ta nhìn bằng mắt trí tuệ thì thấy rằng tất cả vạn pháp chỉ là hiện tượng duyên sanh tức là giả Có mà thôi. Chính hiện tượng duyên sanh nầy sẽ biến đổi vật thể trở về với bản thể chân như tức là “Không”, là “Thể” nếu chúng ta làm cho tâm mình được hoàn toàn thanh tịnh. Cái bản thể chân như nầy chính là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thường có vĩnh hằng trong mỗi chúng ta cũng như nước trong tinh khiết ở trong lu vậy.

Một thí dụ khác là :”Sinh tử tức Niết Bàn”.

Sinh tử là khổ đau còn Niết bàn là an lạc.

Con người vì mãi trôi nổi lặn hụp trong biển trầm luân nên càng tạo nghiệp thì nghiệp lại dẫn chúng sinh lên xuống trong sáu đường và qua lại trong tam giới loanh quanh lẩn quẩn không biết đến bao giờ mới thoát khỏi. Nếu khéo tu, dừng nghiệp thì bánh xe luân hồi cũng vì thế mà dừng lại. Do đó chạy theo nghiệp là sanh tử còn dừng nghiệp, yên lặng là Niết bàn.

Thế thì có Niết bàn là do sinh tử cho nên một khi dứt sạch sanh tử thì đâu còn Niết bàn. Vì thế Kinh cũng có câu:”Niết bàn sanh tử như hoa đóm trong không” tức là không có sanh tử thì không có Niết bàn. Cũng như không có khổ thì không có vui mà không có vui thì làm sao biết khổ. Vì thế khổ và vui là một thể không ngoài nhau được. Sinh tử và Niết bàn thì cũng thế. Nếu dứt sinh tử thì sẽ thấy Niết bàn. Cũng như không Động thì Tịnh xuất hiện ra ngay tức là không thấy phiền não khổ đau, hay thành, trụ, hoại, không thì Thường, Lạc, Ngã, Tịnh xuất hiện.

Chẳng hạn như bài kệ của ngài Thần Tú:

Thân như cội Bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ cho dính bụi trần.

Đối với cái nhìn của ngài Thần Tú thì ngài thấy thân như là cây Bồ-đề. Tâm thì ngài so sánh như cái đài gương. Vì là cái đài gương cho nên ngài phải lau chùi cho sạch lục trần để gương được sáng. Thế thì cái nhìn của ngài Thần Tú chính là cái nhìn nhục nhãn. Đó là thấy cái Tướng của vật thể bằng đôi mắt thịt. Vì chỉ thấy cái Tướng như thế nên lối tu nầy thuộc về tiểu thừa tức là nhìn vật thể trong vũ trụ bằng tư tưởng vô thường, vô ngã tức là thành, trụ, hoại, không. Vì vậy khi con người còn thấy sự thay đổi biến chuyển của tạo hóa thì họ còn đau khổ.

Bây giờ hãy nghiệm bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:

Bồ-đề không phải cây,

Chơn tâm không phải đài.

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi trần.

Ngài Lục Tổ thì thấy Bồ-đề là tánh giác, là giác ngộ tức là vô hình vô tướng không thấy được. Chơn tâm là bản tâm thanh tịnh chân thật hằng có trong mỗi chúng sanh thì làm gì có hình tướng mà so sánh với cái đài gương. Bản thể chân như của con người và vạn vật là Chơn không Diệu Tánh thì làm sao có thể dính được bụi trần. Như vậy cái nhìn của Lục Tổ chính là nhìn bằng tuệ nhãn để thấy được tính Không của vạn pháp. Cái mà ngài Thần Tú cho là thật Có thì tuệ giác Kim Cang cho là giả Có, là cái tướng sinh diệt mà thôi. Chỉ có Lục Tổ mới thấy được cái bản thể chân như của vạn vật và đây mới là cái thường Có vĩnh hằng bất biến trong tất cả chúng ta. Vì ngài Thần Tú thấy hình tướng sinh diệt bên ngoài nên ngài mới thấy khổ. Còn Lục Tổ thấy vạn pháp chỉ là hiện tượng duyên sanh nên tâm thanh tịnh.

Tóm lại, ngài Thần Tú nghĩ vạn pháp là thật Có cho nên thấy sự sinh diệt của vạn pháp là vô thường. Vì thấy vạn pháp sinh diệt Vô Thường cho nên Khổ. Vì thấy Vô Thường, Khổ cho nên ngài lại thấy vạn pháp là Vô Ngã. Sau cùng ngài thấy phiền não là thật Có cho nên ngài mới cầu tịch diệt Niết bàn. Thế thì cái nhìn, cái biết của ngài Thần Tú là vô thường, đau khổ, vô ngã và mong cầu chứng đắc Niết bàn.

Bây giờ cái nhìn Lục Tổ thì hoàn toàn trái ngược. Lục Tổ thấy rằng trong tất cả vạn pháp thì thật tướng là vô tướng bởi vì thật tướng của vạn pháp không hề sanh diệt cho nên vạn pháp là Thường. Vì biết vạn pháp là Thường cho nên có Chơn Lạc. Vì biết vạn pháp có Chơn Thường, Chơn Lạc cho nên có Chơn Ngã. Vì biết vạn pháp có Chơn Thường, Chơn Lạc và Chơn Ngã cho nên có Chơn Tịnh. Đây chính là cái nhìn bằng tuệ nhãn của Bồ tát. Như thế khi chúng ta nhìn vạn pháp không bằng nhục nhãn của phàm nhân mà bằng tuệ nhãn của chư Phật và Bồ tát là Chơn Thường, Chơn Lạc, Chơn Ngã và Chơn Tịnh thì Niết Bàn tịch diệt còn dùng vào đâu mà cầu mong “chứng” với “đắc”.

Thí dụ trên cho chúng ta thấy rằng cùng một đối tượng mà có hai lối nhìn khác nhau. Ngài Thần Tú thì nhìn bên ngoài nên thấy sự vô thường của vạn vật còn Lục Tổ thì thấy tự bên trong cái bản thể chân như tức là cái Chơn không của vật thể nên lúc nào Ngài cũng an vui, tự tại.

Khi nói về Tiểu thừa thì chúng ta làm sao quên được những hình ảnh các vị Tỳ kheo tu theo Phật giáo nguyên thủy như khi Đức Phật còn tại thế. Hằng ngày các vị ấy khi đi khất thực, tay thì ôm bình bát và bước đi chậm rãi mà mắt chỉ nhìn chăm chăm xuống đất. Tại sao họ lại phải làm như thế?

Dựa theo triết lý Tiểu thừa thì tất cả các nghiệp thiện ác của con người đều dồn chứa vào trong A-Lại-Da thức tức là Tạng thức. Tu hành là phải cố gắng loại bỏ từ từ những chủng tử trong Tạng thức nầy thì mới mong giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Nhưng chủng tử cũ thì chưa loại hết mà chủng tử mới lại tiếp tục vào thì làm sao mà đắc đạo cho được? Muốn loại bỏ được những chủng tử cũ thì trước hết họ phải có phương pháp để ngăn ngừa không cho thâu thêm những chủng tử mới vào. Trong lục căn thì mắt và tai là bén nhạy nhất. Vì sự sắc bén nầy nên mắt và tai thâu nhận những chủng tử mới rất nhanh. Do đó người tu muốn thành đạo thì không cho mắt chạy theo cảnh và không cho tai chạy theo tiếng. Vì thế mấy vị Tỳ kheo không nghe nhạc, xướng hát, không ở chỗ náo nhiệt, ồn ào. Sau khi khất thực xong, các vị ấy trở về gốc cây nơi thanh vắng, ngồi yên tọa thiền, chớ không tiếp xúc với đám đông người. Đây chính là phương pháp làm giảm bớt sự thâu nhận những chủng tử mới để họ có thì giờ loại các chủng tử cũ.

Ngày nay thì hoàn cảnh xã hội hoàn toàn khác với thời Đức Phật còn tại thế. Hình ảnh các Tỳ kheo tay ôm bình bát đi khất thực chỉ còn là kỷ niệm êm đềm mà thôi. Cấu trúc xã hội bây giờ thật là phức tạp và con người phải lăn lỏi vào đời để làm ăn mua bán thì chắc rằng chủng tử loại ra thì ít mà chủng tử thâu vô thì quá nhiều. Như thế thì biết đến chừng nào mới loại bỏ hết những chủng tử trong Tạng thức? Do đó, tư tưởng Tiểu thừa khó mà áp dụng để giúp chúng ta đến chổ giải thoát giác ngộ được trong hoàn cảnh xã hội ở thế kỷ 21 nầy.

Nhưng Phật pháp thật là huyền diệu. Trong Phật pháp không có cao thấp chỉ tại căn cơ chúng sinh không đều vì thế Đức Phật chỉ nói thuyết Bát Nhã đại thừa khi chúng sinh có thể lãnh hội được nó.

Dựa vào thuyết Bát nhã thì con người nên lấy mắt trí tuệ mà nhìn vạn vật thay vì nhìn bằng nhục nhãn. Đó là tất cả các pháp đều không có tự tánh tức là “Không”. Tất cả vạn vật trong vũ trụ chẳng qua là do hiện tượng duyên sanh mà có và cũng từ hiện tượng duyên sanh nầy mà chúng nó trở về với bản thể chân như ban đầu. Nói một cách khác là chúng ta nhìn tất cả vạn hữu trên thế gian nầy là giả Có, không thật. Cái nhà ta đang ở là Không. Cái xe ta lái cũng là Không. Ngay cả con người của ta cũng là Không luôn. Cái nhà, cái xe hay con người của ta chỉ là giả Có, là huyễn hóa. Khi nhân duyên dứt thì tất cả nguyên tố của cái nhà, cái xe, hay con người sẽ trở về với bản thể chân như của nó. Khi thấy mọi vật là Không thì con người sẽ không còn quan trọng hóa thế giới vật chất nữa và dễ dàng kiềm chế lòng Tham-Sân-Si của họ.

Thông thường cái gì hay, cái gì quan trọng thì con người nhớ lâu, nhớ hoài, nhớ mãi còn cái gì giả dối, không thật, không quan trọng thì thấy đó rồi quên đó, không ghi nhớ trong lòng. Do đó khi “nghe” hay “thấy” mà chúng ta nghe, thấy bằng trí tuệ tức là thấy Ta là Không, thấy người và vạn hữu cũng là Không thì có thể ngăn chận những chủng tử mới tiến vào trong Tạng thức và đồng thời chúng ta dùng trí tuệ bát nhã nầy để kiềm chế Tham-Sân-Si để tâm hoàn toàn thanh tịnh mà loại bỏ bớt những chủng tử cũ. Có được như vậy thì con người mới được an vui tự tại để quét sạch hết những chủng tử trong Tạng thức và biến nó thành kho Như Lai tức là Như Lai tàng và tiến đến chỗ giải thoát giác ngộ viên mãn.

Cốt yếu của tâm kinh là phải thấy, biết “Ngũ uẩn giai không” có nghĩa là phải xem thân nầy như huyễn hóa tức là không thật Có. Đừng nên quan niệm sai lầm đây là tư tưởng bi quan, yếm thế mà trái lại thấy thân là giả Có chính là sức mạnh để làm lợi ích cho mọi người. Vì Bồ tát thấy thân là giả nên sẵn sàng lăn xả vào đời làm việc lợi ích cho chúng sinh cho dù có gặp nguy nan các Ngài cũng không màng, ngán sợ. Tại sao? Vì thân nầy là giả Có thì có mất cũng chẳng có gì quan trọng. Một khi thấy thân mình là giả Có và tất cả vạn vật cũng là giả Có thì con người sẽ mạnh mẽ hơn, không còn sợ hãi trước sự biến thiên, xoay vần của tạo hóa.

Không biết Phật pháp thì chấp thân là thật, là bền vững nên tham sống sợ chết mà tạo ra nghiệp chướng. Chấp thân là thật, vạn pháp là thật cho nên khi có sự sinh diệt, biến đổi như là thấy mình già đi, xấu đi hay có thân nhân mất thì sanh ra đau khổ làm cho tâm tư bấn loạn gây khổ cho mình và cho người. Biết Phật pháp thấy vạn hữu là Không nên không tham cầu sự sống và chẳng sợ cái chết nên cuộc sống rất an vui tự tại mà không tạo nghiệp. Biết Phật pháp thì không chấp thân là thật và vạn pháp củng không thật thì con người sẽ dửng dưng trước sự thay đổi, biến chuyển của tạo hóa vì thân không thật nên không mất. Tất cả chỉ là sự xoay vần biến đổi rồi cũng trở về với cái thật tánh của nó mà thôi. Không tăng, không giảm, không dơ, không sạch thì có mất cái gì đâu mà lo sợ. Vì thấy thân là huyễn nên Thiền sư Vạn Hạnh có bài kệ như sau:

Thân như điển ảnh hữu hoàn vô.

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy.

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch là:

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng

Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi

Thạnh suy như cỏ hạt sương đồng.

Thấy thân là giả Có tức là huyễn hóa chỉ là bước đầu để sửa lại cái nhìn, cái biết đối với cuộc đời. Nhưng bước quan trọng là con người phải dùng trí tuệ quan sát để thấy rằng bên ngoài tấm thân hư giả nầy thì còn tàng ẩn một tấm thân chân thật đáng quý bên trong mà Đức Phật gọi nó là Pháp thân. Chúng ta hãy lắng nghe bài kệ của Thiền sư Huyền Giác sau đây:

Huyễn hóa không thân tức pháp thân

Pháp thân giác liễu vô nhất vật

Bản nguyên tự tánh Thiên Chơn Phật.

Dịch là:

Ngay trong giả thân tức là pháp thân

Giác ngộ pháp thân không có sự vật gì

Pháp thân nầy cũng gọi là bản nguyên, tự

tánh Thiên Chơn Phật.

Thật vậy, Pháp thân là tâm thể lặng lẽ, tràn đầy trong sáng của tất cả mọi người. Vì nó là Chơn không Diệu hữu nên nó không có hình tướng cho nên nó không bị vô thường. Vì nó không dấy động nên không sanh diệt.

Kinh A Hàm dạy rằng: “Phật nhập Niết Bàn lúc tám mươi tuổi” trong khi các kinh Đại thừa thì nói tuổi Phật vô lượng vô biên. Tại sao có sự mâu thuẫn như thế?

Khi nói Phật diệt độ là căn cứ theo Hóa thân và nói Phật thường trụ là căn cứ vào Pháp thân. Hóa thân thì tùy duyên mà ứng hiện và khi hết duyên thì tan rã cho nên có sanh diệt. Còn Pháp thân thì không có hình tướng nên không sanh không diệt nên được gọi là thường trụ. Vì thế kinh có câu:”Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật” như vậy thì đâu có ra đời hay nhập diệt. Pháp thân lìa tất cả tướng nên không sanh không diệt. Còn thấy có ra đời hay nhập diệt là tại cơ duyên. Cơ duyên hợp thì thành đạo dưới cội Bồ-đề, cơ duyên hết thì nhập Niết bàn dưới hai cây Sa La Long Thọ. Đó là Hóa thân Phật. Kinh Tiểu thừa thì luôn luôn nói đến Hóa thân Phật, tức là Đức Phật Thích Ca giáng sinh tại Ấn Độ trong khi kinh điển Đại thừa chỉ nói đến Pháp thân Phật.

Vì thế kinh Pháp Hoa cũng có câu:”Tuổi thọ Phật vô lượng vô biên” tức là chỉ cho Pháp thân bất sanh, bất diệt sẵn có trong mỗi chúng ta. Do đó khi nào có duyên thì từ Pháp thân liền ứng Hóa thân để độ sanh và khi hết duyên thì trở về Pháp thân cũng như bọt tan về biển vậy. Kinh Đại thừa còn nói thêm là:”Đức Phật Thích Ca rời cung trời Đầu Suất vào thai mẹ…” mà lúc nào cũng không rời Pháp thân thanh tịnh. Cho nên nói Phật sanh là chỉ cho Hóa thân. Nhưng Hóa thân thì không thật, mà không thật thì sanh cũng như không sanh.

Đức Phật Thích Ca là một Hóa thân như vậy hiện giờ thân của chúng ta là thân gì? Thân của tất cả chúng sinh hiện hữu là Báo thân. Tại sao? Con người sống trên thế gian là theo “Nghiệp cảm” mà duyên khởi tức là nghiệp mình như thế nào thì phải cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy. Vì thế Báo là theo quả báo mà có. Người quả báo lành thì hạnh phúc, thân thể xinh đẹp và ít đau ốm còn người quả báo dữ thì cuộc đời có nhiều sóng gió, không toại nguyện. Thân của chúng ta là do quả nghiệp mà thành nên không giống nhau. Mà đã là báo thân thì tùy nghiệp cho nên hết nghiệp thì thân phải đi.

Đức Phật có Hóa thân vậy chúng ta có Hóa thân chăng?

Chúng ta hằng ngày chạy theo vọng tưởng có nghĩa là tâm của chúng ta luôn chạy theo sắc dục bên ngoài khiến Hóa thân phải chạy ngược chạy xuôi để thỏa mãn những sắc dục đó. Chừng nào Hóa thân tức những vọng niệm dừng lặng thì bấy giờ Pháp thân của chúng ta mới hiện ra.

Bản chất của tâm thể là lặng lẽ tràn đầy trong sáng và nó ẩn tàng trong tất cả mọi người nên được gọi là bản nguyên hay tự tánh. Hằng ngày vì vọng tưởng dấy khởi liên miên nên con người chỉ thấy vọng tưởng mà không thấy được tâm thể của mình. Tệ hại hơn nữa họ còn lầm lẫn vọng tưởng là tâm của mình nên cả đời chạy theo nghiệp mà không hay không biết. Cũng như mặt biển lặng lẽ êm ái, nhưng một ngọn gió mạnh thổi qua làm giết chết sự yên lặng trầm tĩnh nầy tạo thành những lượn sóng nhấp nhô gầm thét thay thế sự yên lặng trong sáng ban đầu. Muốn đánh tan những làn sóng kia thì phải chận ngay ngọn gió mạnh. Con người thì cũng thế, nếu tâm dừng vọng tưởng, yên tịnh chỉ khi nào gió nghiệp lặng. Mà ngã là đối tượng chủ yếu của vọng tưởng. Ngã là nghĩ về ta, về người hay vạn vật. Khi thấy thân nầy là duyên hợp như huyễn, cảnh cũng duyên hợp như huyễn thì con người khỏi phải bận lòng về cái Ta của mình và cái Ta của vạn vật. Không chấp có cái Ta thì không sanh nghiệp tức là gió nghiệp yên và sóng vọng niệm cũng từ từ im bặt. Và bây giờ mặt biển tâm sẽ trở về với sự lặng lẽ tràn đầy trong sáng như xưa.

Thật vậy tâm của Phật và tâm của chúng sinh thật ra không hề khác nhau. Cái tâm nầy có thể ví như mặt nước hồ thu vắng lặng êm đềm. Tâm của Phật thì như mặt nước yên tĩnh, trên đó mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn. Trong khi tâm của chúng sinh thì giống như mặt nước đang bị các làn sóng vô minh khuấy động không thể phản chiếu được gì. Muốn đánh tan những làn sóng vô minh đó con người phải sáng suốt dùng trí tuệ bát nhã để thấy được cái bản thể chân như bất sinh bất diệt trong mỗi chúng ta cũng như thấy rằng tất cả con người, vạn vật chẳng qua chỉ là hiện tượng duyên sanh tức là giả Có mà thôi.

Thêm nữa, tâm chúng sinh thì gồm có Thể, Dụng và Tướng. Thể là chân như thì bao trùm tất cả pháp. Tướng là sanh diệt thì chứa đựng hằng sa công đức. Còn Dụng thì xuất sanh tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian. Vì thế Khế Kinh có chép rằng:” Vô bất tùng thử pháp giới lưu, mạc bất hoàn qui thử pháp giới” tức là không có một pháp nào chẳng từ tâm nầy mà lưu xuất và cũng không có một pháp nào chẳng trở về tâm nầy. Tâm Phật là pháp thanh tịnh vô lậu còn tâm chúng sinh thì bao gồm cả pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Vì Thể và Dụng không rời nhau, nên dựa theo chơn đế mà nói thì tuy thanh tịnh bất biến mà vẫn tùy duyên sanh diệt. Còn nếu đứng về phía tục đế mà nói thì tuy tùy duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến.

Muốn thấu đạt trí tuệ Bát nhã thì chúng ta phải phân biệt cho rõ ràng sự khác nhau giữa cái “Không” hiểu theo nghĩa Chơn đế và cái “Không” hiểu theo nghĩa Tục đế. Cái “Không” của Chơn đế là Chơn không có nghĩa là thường vắng lặng tịch diệt ra ngoài cái đối đãi của “Có” và “Không” của Tục đế tức là phàm tục. Còn cái “Không” của Tục đế là cái “Không” đối đãi với cái “Có” mà thành và được gọi là Không giới. Chơn không không có hình tướng nên không phải là sắc còn Không giới chẳng qua là cái sắc đối với nhãn căn vì thế Chơn không không thấy được còn Không giới mới có sắc. Chơn không không đối tượng còn Không giới thuộc về đối tượng. Chơn không là vô lậu còn Không giới là hữu lậu. Chơn không là vô vi còn Không giới là hữu vi.

Tham-Sân-Si là ba con rắn độc đã sát hại biết bao người trong đời nầy và còn gây tai ương không biết bao nhiêu kiếp nữa. Còn Tham-Sân-Si là con người còn đau khổ. Bởi si mê nên thân là do duyên hợp giả dối mà chúng ta lầm tưởng là chơn thật quý báu nên sanh lòng tham muốn thu góp mọi thứ trên đời nầy về mình. Muốn mà không được thì tâm liền nổi sân. Hay có mà không giữ được cũng phát điên vì thế từ tham sanh sân để tạo nghiệp gây khổ cho mình mà thôi. Bây giờ nếu thấu hiểu trí tuệ bát nhã của đại thừa thì phải thấy biết thân nầy là huyễn hóa. Một khi dùng con mắt trí tuệ để mở sáng đèn tâm thì chắc chắn Si mê sẽ tan biến. Thấy thân mình là huyễn và vạn pháp cũng là huyễn thì có gì phải bận lòng. Cái Có hay cái Không chẳng qua chỉ là hiện tượng duyên sanh của tạo hóa mà thôi. Đó là nay Có mai Không rồi mai Không mốt Có. Do đó Có cũng thế mà Không cũng thế thì tâm sẽ hoàn toàn thanh tịnh.

Triết lý của Phật là chân lý cũng ví như viên thần dược. Nếu con người chỉ nhìn viên thần dược mà không uống thì làm sao biết mình hết bệnh cũng như Bát nhã là chân lý siêu việt mà chúng sinh dù có tu học mà không chịu tu chứng thì làm sao thấy sự nhiệm mầu, huyền diệu của nó chẳng khác nào nhân viên ngân hàng từ sáng đến chiều đếm tiền cho kẻ khác mà trong túi của mình không có một xu.

Trí tuệ Như Lai luôn luôn sẵn có trong mỗi chúng sanh, nhưng vì vô minh mê lầm che lấp mà không biết nên cuộc sống trở thành điên đảo mộng tưởng. Tất cả các pháp tu của đạo Phật không ngoài mục đích duy nhất là làm cho chúng sinh lìa xa vọng tưởng chấp trước để Tánh giác được hiện bày. Chẳng hạn như kinh Lăng Nghiêm dạy chúng sinh chứng ngộ chơn tâm và sống thật với tánh giác của mình để được an vui tự tại. Nhưng rất nhiều người hiểu lầm Chơn tâm là hư không rỗng toét. Khi ngũ quan của chúng ta nhận biết vật gì mà tâm không khởi vọng tưởng phân biệt thì cái biết ấy là chơn tâm. Nếu thời gian nhận biết mà không vọng tưởng như mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe…thì cái rõ ràng thường biết hiển lộ nơi mình. Tuy cái thường biết hiển lộ nơi mình mà không bám vào sáu trần nên không có tướng mạo. Mặc dầu không có tướng mạo nhưng chơn tâm không phải là hư không vì hư không là bất động mà tánh giác là linh động.

Thí dụ như chúng ta nhìn chiếc xe đang đậu ngoài đường. Nếu nhìn chiếc xe mà chỉ biết đây là chiếc xe tức là chúng ta không khởi niệm phân biệt thì cái thường biết không bám vào sáu trần thì cái biết nầy là chơn tâm. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu khởi niệm phân biệt cái xe nầy đẹp quá, mắc tiền quá thì chơn tâm biến mất và được thay bằng vọng niệm. Cái thường biết của chơn tâm ban đầu đổi thành cái biết của thức. Bây giờ nếu chúng ta dùng trí tuệ Bát nhã mà soi thấu thì thấy chiếc xe không có tự tánh tức là Không vì chiếc xe do nhiều duyên hợp lại mà thành. Cái biết bây giờ là cái biết của trí tức là dụng của chơn tâm. Dụng thì gần với chơn tâm hơn là thức vì tuy cũng phân biệt nhưng phân biệt đúng với sự thật.

Chúng ta có thể ví chơn tâm như mặt gương trong sáng. Hình tướng bên ngoài như thế nào thì mặt gương phản chiếu như thế đó. Nếu ở ngoài là bình hoa thì trong mặt gương hiện bóng bình hoa. Hay ở bên ngoài là cái ly thì mặt gương cũng hiện bóng cái ly. Cái biết của chơn tâm thì cũng thế. Tai vẫn nghe tiếng, mắt vẫn thấy sắc, lưỡi vẫn nếm mùi vị…mà tâm an nhiên tự tại, không dính mắc, không khởi niệm phân biệt.

Có hai vị thiền sư ngồi uống trà. Vị thứ nhất nói:

- Khi uống trà, người biết trà ngon dở là phàm phu. Còn nếu không biết mùi vị trà thì giống như cây đá. Vậy sư huynh nên uống trà như thế nào?

Vị thứ hai đáp:

- Uống trà.

Chỉ thế thôi! Uống trà thì chỉ biết có uống trà. Đó là sống với chơn tâm vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com