Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

34. Thuyết Nhị Nguyên và Chân Lý Nhất Như

08/03/201109:59(Xem: 8160)
34. Thuyết Nhị Nguyên và Chân Lý Nhất Như

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN IV


Thuyết Nhị Nguyên và Chân Lý Nhất Như

Lục Tổ nói:”không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”. Khi con người không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không nghĩ tốt, không nghĩ xấu, không nghĩ hay, không nghĩ dở …là họ đang sống với cái tâm bình thường của mình. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm có câu:”Bản lai diện mục, Niết bàn diệu tâm” là vậy. Con người thường hay có thói quen là so sánh hay dùng đối tượng để đối chiếu. Chẳng hạn cái nhà nầy thì đẹp hơn cái nhà kia. Xe của tôi thì sang hơn xe của anh. Nhà hàng nầy nấu ngon hơn nhà hàng kia…Đây là kết quả của thuyết Nhị Nguyên (Dualism). Thuyết nầy cho rằng các hiện tượng của nhân sinh vũ trụ là do hai thứ bản thể đối nghịch làm thành, như thiện và ác, thể chất và linh hồn…Thuyết nhị nguyên nầy rất được ưa chuộng đối với người Tây phương vì nó giúp cho họ dễ dàng giải thích mọi hiện tượng hoặc đen hoặc trắng. Thí dụ một can phạm thì hoặc là có tội hoặc là vô tội.

Đối với triết lý Tây phương thì họ tin tưởng vào thuyết “Tiền Định” (Determinism) mà nhà Phật gọi là thuyết “Nhân Quả”. Thuyết nầy cho rằng toàn thể thiên nhiên, trong đó có loài người, được chi phối bởi luật nhân quả (the law of cause and effect) tức là mỗi hiện tượng xảy ra không thể nào tự có mà phải có nguyên nhân. Đây cũng chính là giả thuyết căn bản của khoa học để tìm hiểu những định luật của thiên nhiên. Đối nghịch với thuyết Tiền Định hay Nhân Quả là thuyết Vô Định (Indeterminism) mà nhà Phật gọi là thuyết “Nhân Duyên”. Thuyết nầy cho rằng mọi việc xảy ra đều là do tình cờ ngẫu nhiên chứ chẳng có liên quan gì tới bất kỳ những gì xảy ra trước đó. Hai thuyết Tiền Định và Vô Định là hai thái cực đã từng làm cho các triết gia Tây phương điên đầu bởi vì cái nầy đúng thì cái đó không thể sai được. Bởi có hai thái cực như thế nên thuyết Nhị Nguyên mới ra đời.

Nhưng việc đời không luôn luôn đơn giản như thế. Trong thế gian nầy có biết bao trường hợp ngoại lệ mà thuyết Nhị Nguyên đành bó tay. Chẳng hạn như có rất nhiều gia đình trâm anh thế phiệt, đa số con cháu ngoan ngoãn nết na tức là hợp với thuyết Nhân Quả (Tiền định) tự nhiên lại có một đứa con lêu lổng hoang đàng tức là hợp với thuyết Nhân Duyên (Vô định). Ngược lại trong chốn bùn dơ lại có khi mọc lên một đóa hoa sen thơm ngát.

Chân lý của Đức Phật là xóa tan những biên giới của tư tưởng nhị nguyên để trở về với bản thể chân thật của nó là thân tâm nhất như. Chẳng hạn như hiện nay ở Hoa Kỳ danh từ sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể xác được áp dụng rất rộng rãi. Khi tâm bất an thì đi bác sĩ tâm lý còn bệnh về thể xác thì chúng ta đi bác sĩ gia đình. Nhưng đối với Phật giáo thì tinh thần và thể xác là một. Tinh thần nằm trong thể xác và ngược lại. Thể xác có sinh tồn ổn thỏa cần có một tinh thần lành mạnh và con người muốn được an vui tự tại thì cả tinh thần lẫn thể xác phải hoạt động hòa điệu với nhau.

Chỉ có Phật giáo mới cho chúng ta thấy được lẽ thật của tất cả hiện tượng trong vũ trụ nầy mà không còn hồ nghi. Bởi vì hễ bản thể có tới đâu thì hiện tượng có tới đấy. Con người hiện nay vì chạy theo thuyết Nhị Nguyên nên sống trong quay cuồng điên đảo vì thế Đức Phật mới dạy chúng sinh quay về sống với nguyên lý Bất Nhị tức là không hai thì tâm tư sẽ được ổn thỏa và cuộc sống sẽ trở lại an vui tự tại.Vì thế trong cái thế giới huyễn hóa nầy tất cả mọi người, mọi vật và mọi hiện tượng đều là Không và cũng chính từ trong cái Không nầy mà không có một cá thể riêng biệt độc lập nào có thể tách hẳn ra khỏi môi trường chung quanh được. Cũng như Sắc và Không thì chúng không bao giờ có thể tách rời nhau được. Do đó không có gì là toàn Sắc và cũng chẳng có gì là toàn Không. Như thế Sắc tức là Không và Không tức là Sắc hay nói một cách khác Sắc và Không là một tức là bất nhị. Nếu áp dụng thuyết nhị nguyên vào trong đời sống gia đình thì người chồng và người vợ là hai. Chồng có tiền bạc riêng của chồng và vợ thì hoàn toàn độc lập riêng của vợ. Thử hỏi gia đình nầy thật sự có hạnh phúc không? Bây giờ nếu ứng dụng nguyên lý bất nhị thì chồng tức là vợ và vợ chính là chồng, tuy hai nhưng mà một thì gia đình nầy mới thật sự hạnh phúc. Vì thế cổ nhân có câu:”của chồng công vợ” là vậy.

Tất cả vạn pháp mà ngũ quan nhận biết được thật ra chỉ là cái Tướng giả Có bên ngoài. Còn cái bản thể chân thật bên trong mà nhà Phật gọi là Tự tánh thanh tịnh thì bất biến không thay đổi. Nếu nhìn theo Tướng thì có phân biệt tốt xấu, lớn nhỏ tức là nhị nguyên. Mà Tướng là giả Có, không thật. Còn dựa theo Tánh thì hoàn toàn đầy đủ, không cao không thấp, không tốt không xấu…Vì tốt xấu, cao thấp, sinh tử Niết bàn, phiền não Bồ-đề vẫn là một. Nói một cách khác trong tốt có xấu, trong cao có thấp, trong sinh tử có Niết bàn và trong phiền não có Bồ-đề. Bởi vì một khi con người biết thức tỉnh loại bỏ hết phiền não thì Bồ-đề hiện ra chớ không phải là phiền não một nơi mà Bồ-đề ở nơi khác. Thiện ác thì cũng thế. Khi nói thiện thì phải có đối tượng là ác. Do đó đạo Phật dạy không nghĩ thiện, không nghĩ ác tức là tiêu diệt đối tượng. Không còn đối tượng tức là bỏ phân biệt, bỏ so sánh thì tâm không chạy theo vọng niệm vì thế đây mới chính là thể tánh chân thật có sẵn trong tất cả mọi người, đó là chơn tâm vậy. Cái tánh thấy, tánh nghe hay tánh biết cũng chính là tự tánh thanh tịnh nầy mà ra.

Thêm nữa, khi Lục Tổ nói bản lai diện mục tức là gương mặt thật sẵn có muôn đời của chúng ta và đó cũng chính là cái chơn tâm, cái Phật tánh của chúng ta vậy. Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không nghĩ tốt, không nghĩ xấu thì tâm không nghĩ tức là tâm không khởi vọng niệm. Bởi vì có bất cứ một ý niệm nào trong tâm cho dù tốt hay xấu thì cũng là vọng niệm, mà khởi niệm là vọng động sẽ làm mất cái chân thật tức là chơn tâm của mình. Do đó tâm dừng nghĩ thì chơn tâm mới hiện bày. Vì thế Lục Tổ khuyên nếu Thượng tọa Minh đừng để tâm chạy theo vọng niệm thì chơn tâm sẽ hiện bày. Cái chơn tâm nầy chính là cái tánh giác sẳn có trong Thượng tọa Minh và cũng trong tất cả mọi chúng ta.

Sau khi ngộ đạo chính Lục Tổ cũng thốt luôn năm cái không ngờ. Ngài nói:

1) Không ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh,

2) Không ngờ tánh mình vốn không sanh diệt,

3) Không ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ,

4) Không ngờ tánh mình vốn không giao động,

5) Không ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.

Khi chúng ta sống mà không tranh giành, hơn thua, phân biệt thì tâm của chúng ta sẽ vô cùng trong sạch, thanh tịnh và không còn phiền não. Cái tâm nầy chính là cái tâm thanh tịnh thường có trong tất cả mọi người mà chúng ta bỏ quên để chạy theo tâm phiền não khổ đau. Cái tâm thanh tịnh nầy chính là thật Tánh của chúng ta. Đó là cái không ngờ thứ nhất.

Con người vì chạy theo vọng niệm nên cuộc sống lúc nào cũng điên đảo mà tạo ra nghiệp. Tự tánh vốn thanh tịnh nên không khởi vọng niệm. Nếu không khởi vọng niệm thì chúng ta không gây ra nghiệp. Mà không tạo nghiệp thì không còn sanh diệt tức là hoàn toàn viễn ly sanh tử luân hồi. Đó là cái không ngờ thứ hai.

Bất cứ ai khi vừa mới vừa lọt lòng mẹ thì tự nhiên bật khóc oa oa mà không cần ai dạy. Lớn lên một chút chúng biết bò rồi biết đi cũng là tự biết chớ không phải chờ cha mẹ dạy mới biết. Khi đói thì chúng khóc đòi ăn, buồn ngũ thì chúng lăn ra ngủ. Tất cả những cái biết có sẵn như thế thì gọi là tự tánh. Con người ai cũng có sẵn cái tự tánh từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến bây giờ. Cái tự tánh nầy không thêm, không bớt cho nên Lục Tổ mới nói tánh mình vốn tự đầy đủ là như vậy. Vì không biết điều nầy nên con người bỏ tánh mà chạy theo vọng trần tức là sống với cái trí thức điên đảo bên ngoài. Đây là cái không ngờ thứ ba.

Cuộc sống càng văn minh phức tạp thì con người càng suy tư, nghĩ ngợi. Suy nghĩ về mình, về người, suy nghĩ về tinh thần và suy nghĩ về vật chất. Có ít thì suy nghĩ ít, có càng nhiều thì suy đêm nghĩ ngày. Con người càng suy nghĩ thì tâm càng vọng động. Mà suy nghĩ là tâm chớ không phải là tánh. Nhưng tự tánh của con người vốn thanh tịnh, không suy nghĩ và không giao động. Vì thế hằng ngày con người sống với tâm điên đảo quay cuồng thay vì sống với tự tánh thanh tịnh của mình. Đó là cái không ngờ thứ tư.

Bản thể chân như tức là tự tánh của con người thì thường hằng bất biến. Nhưng từ cái bất biến nầy mà duyên sanh ra vạn pháp. Nói một cách khác Chơn không mà Diệu hữu tức là bất biến mà tùy duyên có nghĩa là từ cái Không mà sinh ra tất cả. Đó là cái không ngờ thứ năm.

Nói tóm lại sự kiến tánh của Lục Tổ và của tất cả chúng sinh là khi con người biết quay về sống với cái tự tánh thanh tịnh của mình thì chơn tâm từ từ hiện ra. Đây là con đường giải thoát giác ngộ. Ngược lại nếu chúng sinh chay theo tâm tức là chạy theo vô minh vọng tưởng thì dĩ nhiên cuộc sống sẽ trở thành khổ đau, điên đảo. Càng vô minh điên đảo thì càng tạo nghiệp và đây là con đường sinh tử luân hồi.

Lục Tổ lúc nào cũng chủ trương con người có thức tỉnh giác ngộ được hay không là bởi nơi tự tâm chớ không nhất thiết do nơi ngồi thiền. Vì thế pháp tu của Lục Tổ Huệ Năng được tóm gọn là:

“Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc”.

Dựa theo Pháp Bảo Đàn kinh thì Vô niệm là đối với niệm mà không niệm. Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không ô nhiễm tức là vô niệm. Do đó khi sáu căn không dính mắc nơi sáu trần khiến cho sáu thức được hoàn toàn thanh tịnh, không bị ô nhiễm, hoàn toàn tự tại thì đây chính là vô niệm. Lục Tổ nói tiếp:

“Người ngộ được pháp vô niệm thì muôn pháp đều thông, người ngộ được pháp vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật và người ngộ được pháp vô niệm thì đến địa vị Phật”.

Ngài Thần Hội phụ thêm ý nghĩa chữ vô niệm là:

“Vô niệm tức là không có cảnh giới hay đối tượng nào cả. Nếu còn một cảnh giới tức chẳng tương ưng với vô niệm”. Và ngài lại nói thêm:

“Người khéo thấy vô niệm thì sáu căn chẳng ô nhiễm. Thấy vô niệm tức hướng về Phật trí. Thấy vô niệm thì gọi là thật Tướng”.

Thiền sư Huệ Hải là đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất, cháu đời thứ ba của Lục Tổ Huệ Năng cũng nhấn mạnh về ý nghĩa của chữ vô niệm rằng:

“Vô niệm là ở tất cả chỗ mà không tâm, không tất cả cảnh, không có những nghĩ cầu và đối với các cảnh sắc mà không khởi động. Người được vô niệm sáu căn không nhiễm và tự nhiên được vào tri kiến chư Phật”.

Thế nào là vô tướng làm thể?

Con người vì mê lầm mà nghĩ rằng thân mình tức là ngũ uẩn là thật và vạn pháp sinh diệt cũng là thật cho nên cuộc sống mới quay cuồng đau khổ. Bây giờ nếu chúng sinh quay lại để thấy cái thật Tướng của con người cũng như vạn hữu là Vô tướng thì sẽ không còn điên đảo nữa. Mà thật Tướng chính là cái Thể, không sanh không diệt, của vạn hữu trong vũ trụ nầy. Thêm nữa, chân như tức là Thể của niệm và niệm chính là dụng của chân như.

Nhưng thế nào là vô niệm?

Vô niệm là không tà niệm chớ không phải là không chánh niệm. Tại sao?

Nếu chúng ta niệm có, niệm không chẳng hạn như niệm thiện, niệm ác, niệm khổ vui, sanh diệt, niệm oán thân, yêu ghét là tà niệm. Còn chẳng niệm thiện, niệm ác, niệm vui, niệm sướng là chánh niệm.

Thế nào là Vô trụ làm gốc?

Vô trụ là tâm không dính mắc ở nơi nào tức là sáu căn không dính mắc sáu trần. Nếu được như thế thì tâm vô trụ tức là tâm Phật, hay là tâm giải thoát, tâm Bồ-đề, hoặc tâm vô sanh. Đây chính là chứng được vô sanh pháp nhẫn vậy.

Toàn bộ hệ thống tu của đạo Phật đều lấy phản quang tự kỷ làm trọng tâm vì phản quang tự kỷ có nghĩa là xem xét và quán chiếu lại mình từ thân thể cho tới nội tâm để thấy rõ thân thể và nội tâm của mình như thế nào. Chẳng hạn như quán thọ thì khổ có nghĩa là con người phải quay lại để xem tất cả những cảm giác do sáu trần đến với mình thì chúng ta cảm nhận rõ ràng chúng đều vô thường, không thật Có và là gốc của khổ đau. Khi chúng ta bỏ tâm vọng tưởng mà phản quang tự kỷ để thấy được cái thật tánh thanh tịnh của mình thì đây chính là Như Lai Thanh Tịnh thiền. Do đó khi đi, đứng, nằm, ngồi con người lúc nào cũng giữ Chánh Niệm tức là theo tánh giác thì cũng như chúng ta đang tọa thiền vậy. Đối với những bậc thượng căn lợi trí như Lục Tổ Huệ Năng thì họ tiến xa hơn phản quang tự kỷ để đến trạng thái gọi là hồi quang phản chiếu.

Vì thế mỗi khi Lục Tổ thấy đệ tử ngồi thiền thì ngài liền kéo lỗ tai bắt phải đứng dậy. Vậy không ngồi thiền mà làm sao ngài được giác ngộ? Phương pháp hồi quang phản chiếu mà Lục Tổ đã thực hành viên mãn là luôn luôn nhớ nơi sáu căn thường sáng tỏ mà không phóng ra ngoài. Câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang làm ngài kiến tánh. Có thật chỉ có một câu kinh nầy mà đủ tiềm năng và sức mạnh để đưa con thuyền Huệ Năng sang bờ giác ngộ hay sao? Sự minh tâm kiến tánh của Lục Tổ không phải là một sự tự nhiên mà có mà đây chính là sự thức tỉnh toàn vẹn để sống với tự tánh của mình. Đó là sáu căn không dính mắc nơi sáu trần thì tâm hoàn toàn thanh tịnh và cái tâm nầy chính là chơn tâm, là cái tự tánh thanh tịnh sáng suốt thường có trong mỗi chúng ta. Nhưng thế nào là sáu căn không dính mắc nơi sáu trần? Sáu căn là mắt, tai, lưỡi, mũi, thân và ý và sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Khi mắt thấy sắc mà tâm mê theo sắc là chạy theo sinh tử, còn tâm không chạy theo sắc là đạt quả Bồ đề. Thí dụ như mắt thấy một chiếc xe thật mới, thật đẹp và lộng lẩy mà tâm của chúng ta không rung động tức là lòng tham không nổi dậy. Tại sao chiếc xe đẹp như thế mà chúng ta không si mê? Khi biết vạn pháp giai không thì trên đời nầy có cái gì là thật đâu? Cái hình tướng đẹp đẻ bề ngoài nầy chỉ là giả tướng, là do nhân duyên tạo thành nên bị sinh diệt. Do đó cái đẹp ngày nay của chiếc xe chỉ là tạm bợ, nhất thời bằng một lớp sơn bóng bên ngoài và nó cũng trở thành xấu và hư hoại như những chiếc xe khác nay mai mà thôi. Thế thì xe vẫn là xe và ta vẫn là ta, chả có gì là quan trọng cả. Khi biết thế thì tâm không khởi động niệm tức là tâm không dính mắc. Nên nhớ tâm không khởi vọng niệm và không phân biệt thì đây chính là chân tâm vậy. Âm thanh thì cũng thế. Khi nghe tiếng nhạc êm đềm hay lời khen, tiếng chê thị phi mà tâm không khởi vọng niệm phân biệt tức là ta không bị si mê hay tức giận thì tâm không dính mắc.

Cái cạm bẩy trên thế gian nầy lúc nào vẫn là Tham-Sân-Si làm cho cuộc sống trở thành điên đảo. Không dính mắc là biết buông xả và không chạy theo tham dục nên không bị con rắn Tham-Sân-Si hành hạ. Nên nhớ tai và mắt là hai căn rất bén nhạy và nó chính là hai cánh cửa lớn để thâu nhập vọng niệm từ bên ngoài. Còn lưỡi nếm những thức ăn ngon làm ta thích và thức ăn không ngon làm ta bực bội, không vui. Không dính mắc là ăn để sống chớ không phải ăn để gây ra phiền não. Ngày nào chúng ta còn thích món nầy hay không thích món nọ là ngày ấy tâm còn dính mắc. Nhắc lại ngày xưa Đức Phật hằng ngày đi khất thực thì Ngài thọ dụng bất cứ những gì chúng sinh cúng dường mà tâm luôn thường trụ Niết Bàn có nghĩa là bất cứ món nào Ngài ăn cũng ngon, miễn sao no bụng là xong.

Tấm thân của con người theo tinh thần Phật giáo cũng như chiếc bè dùng để qua bờ bên kia. Chúng ta ăn uống để nuôi thân cũng như tu bổ chiếc bè đừng cho đổ bể chớ đừng sơn son thép vàng mà quên đi cứu cánh là bến bờ bên kia chớ không phải chiếc bè. Vì thế nếu cung phụng cho thân tức là tham có nghĩa là tâm vẫn còn dính mắc. Còn khứu giác thì sao? Con người lúc nào cũng có khuynh hướng thưởng thức hương vị thơm ngon. Mùi thơm của hoa dạ lý, hoa lan hoặc hoa hồng làm cho con người sảng khoái và thích thú. Khi ngữi mùi hoa thơm thì lòng tê tái, sung sướng muốn hái nó đem cắm trong phòng của mình. Thế thì từ lòng si mê biến thành lòng tham muốn chiếm hữu. Chẳng hạn như khi thấy mâm cơm trên bàn mà ngữi thấy đồ ăn thơm ngon thì lòng tham nổi dậy muốn ăn cho nhiều, cho thật no. Còn ngữi không thơm ngon thì đâm chán ghét, muốn đánh đổ nó đi. Vì thế một khi con người còn muốn thỏa mãn khứu giác của mình là tâm vẫn còn dính mắc.

Từ trước đến nay cái nghe của chúng ta là dựa theo âm thanh bên ngoài. Vì cái nghe duyên theo âm thanh bên ngoài nên được gọi là tùy lưu có nghĩa là trôi theo giòng bên ngoài. Bây giờ nếu chúng ta không trôi theo theo giòng bên ngoài mà chỉ nhớ đến tánh nghe mà tánh nghe thì không có tướng mạo và trùm phắp mười phương nên không bị hạn chế hay ngăn cách thì dĩ nhiên tâm không còn bị dính mắc. Mắt thì cũng thế, đừng để thị giác duyên theo sắc trần mà chỉ quay về với tánh thấy thì tâm không bị dính mắc.

Về sau Tổ Lâm Tế và những vị Tổ khác cũng không thích ngồi thiền mà chỉ hồi quang phản chiếu mà thôi. Vì thế khi giảng pháp cho đồ chúng thì ngài hỏi:”Người đang nghe pháp đây là ai?”. Ý của Tổ Lâm Tế là sáu căn của con người là sáu cánh cửa để tiếp nhận gió lục trần. Nếu con người biết dùng tánh nghe, tánh thấy, tánh ngữi, tánh nếm…mà không bị dính mắc thì người đó đang sống với cái tánh chân thật của mình tức là họ đang ngồi thiền vậy. Người nào đạt được trình độ như vậy dù ngồi giữa chợ cũng vẫn thiền như thường.

Thật ra sống trong thế kỷ 21 nầy thì phương pháp thiền mà không thiền của Lục Tổ rất hữu ích và có thể áp dụng được trong cuộc sống thường nhật ở bất cứ nơi nào cho tất cả chúng sinh. Khi một thiền giả chỉ đợi đến một giờ nhất định mới đi tọa thiền, khi thiền thì yên lặng theo dõi từng hơi thở để cho tâm hoàn toàn tĩnh lặng, tự chủ và an lạc. Nhưng khi xã thiền và đối diện với cuộc sống xô bồ xáo trộn thì họ đánh mất tính tự chủ và tâm thanh tịnh của mình. Thêm nữa, trong thiền phòng, thiền giả đi thiền hành từng bước chậm rãi, khoan thai và có ý thức nhưng trong cuộc sống ngoài đời từ trong gia đình, chợ búa, công sở…thì họ trở thành một con người khác, đi đứng một cách hồ đồ, vội vã như bị ma đuổi vì họ không còn giữ được chánh niệm bởi vì vọng niệm đua nhau quấy phá và giết chết tâm thanh tịnh của họ.

Do đó nếu chúng ta muốn trở về với tâm thanh tịnh thì có thể áp dụng phương pháp phản quang tự kỷ tức là dùng thiền định để làm cho tâm được an định trong một thời gian nhất định là 15 phút cho đến một giờ rồi sau đó nới rộng cái tâm an định nầy trong suốt 24 tiếng đồng hồ bằng cách luôn giữ Chánh Niệm thì cũng tìm được sự an vui tự tại. Hoặc là lúc nào cũng thức tỉnh để có đủ nghị lực sáng suốt hầu ngăn chận sáu căn không cho dính mắc nơi sáu trần. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp hồi quang phản chiếu để sống với cái tánh giác chân thật thanh tịnh đầy đủ của mình. Khi tự tánh trong sáng được thể hiện thì nó sẽ mang lại sự an lạc, yên vui và chính sự thức tỉnh kiến tánh nầy sẽ là kinh nghiệm mà mình có thể sống mãi trong đó, không bao giờ chấm dứt.

Con người sống trong thế gian nầy thì hằng ngày lục căn tiếp xúc với lục trần mà ba cánh cửa chính là Thân-Khẩu-Ý luôn luôn phát khởi để tạo ra nghiệp. Nhưng trên thực tế thì tuy thân khẩu ý tác tạo nhưng cội nguồn vẫn phát xuất từ tâm. Khi chúng ta muốn mắng chửi người nào thì trước nhất chúng ta phải có những ý niệm không tốt về người nầy và sau đó tâm mới phát họa thêm ra những hình ảnh xấu để chúng ta ghét họ và sau cùng mới đánh chửi họ được. Thế thì tất cả những tội nghiệp mà chúng ta đã gây ra đều phát xuất từ tâm. Nhưng tâm là Tướng tức là không thật. Nếu tâm không thật thì tội nghiệp làm gì có thật? Đức Phật dạy thêm rằng:”tội nghiệp từ tâm sanh, cũng từ tâm diệt”.

Nếu chúng ta nghĩ rằng nếu mình có gây ra tội nghiệp thật thì sẽ có quả báo thật. Nói như thế có nghĩa là chúng ta xác nhận tâm là thật, tội nghiệp cũng thật và dĩ nhiên quả báo cũng là thật. Nhưng tâm là vọng tưởng chứ đâu có thật. Chỉ có Thể là thật tánh, là chân như thanh tịnh mới là thật. Do đó nếu tâm không thật, tội nghiệp cũng không thật thì quả báo làm sao có thật? Nói như vậy có nghĩa là gốc của tội nghiệp phát xuất từ tâm mà tâm nầy chính là tâm sinh diệt tức là tâm nghĩ thiện, nghĩ ác, nghĩ tốt, nghĩ xấu mà thôi. Biết tâm là sinh diệt thì con người phải quay về tâm để trừ cái sinh diệt nầy thì làm gì còn tội nghiệp. Thí dụ như hiện nay ta đang oán hận ai và muốn tìm cách để hảm hại hay tiêu diệt người nầy. Muốn hại người là do tâm. Bày mưu lập chước để hại người cũng bởi do tâm. Nếu biết thức tỉnh quay về dập tắt cái tâm cuồng loạn nầy thì tâm bất thiện không còn nữa. Vì thế tâm diệt thì tội nghiệp cũng theo đó mà diệt.

Nếu dựa theo Lục Tổ là tâm của chúng ta không nghĩ thiện, không nghĩ ác, buông xả hết tất cả thì cái tâm sinh diệt sẽ được yên lặng. Tâm mà yên lặng thì tự tánh sẽ hiện bày để giúp con người sống yên vui thanh tịnh. Tâm kinh lại dạy rằng ngũ uẩn giai không tức là thân nầy không thật. Thân của chúng ta không thật vì thân nầy là do trùng trùng duyên khởi hợp lại mà thành. Thân thì không thật mà hành động tạo tác phát xuất từ thân nên cũng hư dối. Một khi hành động không thật thì tội nghiệp do thân tạo ra làm sao thật được? Vì thế thiền sư Huyền Giác mới có câu:

Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không

Vị liễu ưng tu thường túc trái.

Dịch là:

Liễu ngộ tức nghiệp chướng xưa nay không

Chưa liễu ngộ cần phải đền nợ trước.

Đối với các bậc liễu ngộ thì họ thấy các pháp duyên hợp thì không thật. Mà thân nầy chính là do pháp duyên hợp nên thân là hư dối. Hành động tạo tác phát xuất từ thân thì lại càng không thật. Do đó họ thấy rằng hành động không thật thì nghiệp do hành động tạo thành làm sao thật được? Bởi biết nghiệp không thật nên họ xem thường và không quan trọng vì thế nếu nghiệp có đến thì họ xem cũng như trò chơi chả có gì phải kinh hoàng sợ hãi. Khi vua Kế Tân muốn giết hại Tổ Sư Tử nên cầm dao đến trước mặt Tổ mà nói rằng:

- Có thật ngài thấy ngũ uẩn giai không chăng?

Tổ đáp:

- Đúng vậy.

Vua nói thêm:

- Nếu thế ngài có thể cho tôi cái đầu được không?

Tổ đáp:

- Năm uẩn đã không sá gì cái đầu.

Nhà vua liền chặt đầu ngài.

Đối với cái nhìn của chúng ta thì cái chết của Tổ Sư Tử chẳng qua là để trả nghiệp. Luật nghiệp quả không sót một ai cho dù kẻ đó là người chứng đạo. Trường hợp nầy cũng giống như tôn giả Mục Kiền Liên bị bọn ngoại đạo lăn đá trên núi cao đè chết mặc dù tôn giả là đệ nhất thần thông hay là ngài Huệ Khả bị giết trong khám. Nhưng thật ra dưới mắt của người ngộ đạo thì nghiệp là hư dối, không thật thì làm gì có chuyện trả nghiệp. Thân là giả thì nghiệp cũng không thật nên họ thong dong tự tại không vướng mắc, lo âu hay sợ hãi.

Nên nhớ thân không thật, hành động không thật và tội nghiệp cũng không thật nhưng không phải là không Có, tất cả chỉ là hiện tượng duyên sinh nên không thật Có. Vì thế tội nghiệp tuy không thật mà chẳng mất.

Ngày xưa ngài Tăng Xán bị bệnh cùi rất đau khổ nghe danh Tổ Huệ Khả nên đến nghe pháp. Khi gặp Tổ thì ngài thưa:

- Bạch Hòa Thượng! con nghiệp chướng nặng nề nên phải mang bệnh nan y xin Hòa thượng dạy con phương pháp sám hối.

Tổ Huệ Khả cũng dùng thuật của Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi xưa nên nhìn thẳng vào mặt Tăng Xán mà nói rằng:

- Đem tội nghiệp ra, Ta sẽ sám cho.

Ngài Tăng Xán quay lại tìm nhưng tìm mãi mà không thấy tội nghiệp ở đâu nên thưa:

- Bạch Hòa thượng! Con tìm tội không được.

Tổ Huệ Khả bảo:

- Ta đã sám hối cho ngươi rồi đó.

Ngài Tăng Xán quay lại tìm tội nghiệp của mình mà lúc đó ngài cho là thật, nhưng càng tìm thì càng không thấy tâm dạng của nó ở đâu. Vì ngài thấy tội nghiệp là thật mới sanh ra bệnh cùi bây giờ tìm thì lại không thấy nó nữa. Như vậy tội nghiệp có hay không? Nếu không thì làm sao lại mang bệnh còn nếu có thì nó ở đâu? Khi ngài Tăng Xán tìm mà không thấy tội nghiệp thì tội nghiệp nay biến thành không. Một khi tội nghiệp đã không thì hiện tượng quả báo đang chịu đó làm sao có thật? Vì thế cái gốc của tội nghiệp vốn không thì tất cả tướng tội nghiệp cũng theo đó mà tiêu diệt hết. Khi hiểu được như thế thì bệnh cùi của ngài Tăng Xán từ từ tan biến và về sau trở thành Tổ thứ ba của Trung Quốc.

Còn chúng ta thì cũng thế. Khi mang bệnh trầm kha hay gặp chuyện hiểm nghèo thì hảy cố tìm xem chỗ nào mà sanh ra bệnh hoạn hay chuyện trắc trở. Nếu tìm không được tội nghiệp thì bệnh sẽ lành còn tìm ra nó thế nầy thế kia thì tội nghiệp chưa hết. Tội nghiệp còn thì đau khổ sẽ còn và dĩ nhiên sám hối là phương pháp để hòa giải oan gia nghiệp báo kia.

Con người sống trong bất cứ xã hội nào thì hoàn cảnh chung quanh dễ dàng ảnh hưởng để làm cho con người tạo nghiệp. Như khi sanh ra chúng ta đâu có ghiền cà phê, thuốc lá hay rượu chè cờ bạc. Do đó khởi nguyên không có mà sau đó mọi đau khổ đều do chính mình chủ động tạo ra. Nhưng Phật dạy:”nghiệp tánh bổn không” có nghĩa là tánh nó vốn không thì làm gì có nghiệp. Vì thế một khi con người tìm thấy tội nghiệp tức là còn thấy cái nhân gây ra nghiệp có nghĩa là còn thói hư, tật xấu. Nếu không tìm thấy tội nghiệp tức là buông xả hết thói hư, tật xấu làm căn gây ra nghiệp thì nghiệp đâu còn. Không thấy tội nghiệp tức là không chạy theo vọng trần mà sống với tánh giác của mình.

Câu chuyện ngài Đạo Tín lúc ấy mới mười bốn tuổi tìm tới gặp Tổ Tăng Xán mà thưa rằng:

- Kính bạch Hòa thượng! xin Hòa thượng dạy cho con pháp môn giải thoát.

Tổ Tăng Xán bảo:

- Ai trói buộc ngươi?

- Không ai trói buộc con.

Tổ bảo:

- Không ai trói buộc thì cầu giải thoát để làm gì?

Chúng ta thường hay có thói quen là nghĩ rằng nghiệp dẫn dắt chúng sinh đi trong sanh tử luân hồi. Vì thế nghiệp chính là cái đã trói buộc mình. Nhưng nghiệp có thật không? Nếu nghiệp là thật thì chúng ta đã tìm thấy, nhưng có ai thấy được nghiệp của mình đâu? Như thế thì nghiệp không thật nên tìm không thấy. Nếu nghiệp không thật thì làm sao dám kết luận là nghiệp trói buộc mình. Do đó khi biết nghiệp không thật nên hết trói buộc tức là giải thoát. Nói một cách khác là nếu con người làm chủ được mình có nghĩa là không còn chạy theo thói hư tất xấu mà cái gốc của nó là suy nghĩ, phân biệt, đối đãi để có cơ hội tạo nghiệp thì nghiệp đâu còn tức là chúng ta được giải thoát vậy.

Ví như ngày xưa khi chúng ta chưa học đạo, nếu có người làm việc gì sai quấy làm tổn thương đến danh dự và gia đình của chúng ta thì dĩ nhiên chúng ta mắng chửi họ một cách thậm tệ. Một thời gian sau thì người bị mắng chửi kia tìm đến để mắng chửi trả thù. Bây giờ đến lượt ông ta mắng chữi chúng ta rất thậm tệ. Đây chẳng qua là nhân quả mà thôi. Như thế đây có phải trả nợ trước hay không? Khi đã biết đạo thì thấy lời mắng chửi kia không thật, không có gì quan trọng nên chúng ta vẫn bình thản tươi cười. Thật ra nợ đã vay thì phải trả, chỉ khác là người mê thì thấy thật còn người ngộ thì thấy là hư dối. Mà nghiệp đã không thật thì trả cũng như không trả, không có gì quan trọng cả.

Vì thế khi biết rằng:”nghiệp tánh bổn không” tức là thân không thật, hành động do thân tác tạo cũng không thật thì dĩ nhiên nghiệp báo cũng là hư dối, không thật. Mà nghiệp không thật thì còn cái gì trói buộc, làm khổ chúng ta cho nên từ đây cuộc sống của con người sẽ được an vui tự tại và hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau.

Khi nghiệp chướng tới thì phiền não khởi. Cũng như khi không giữ chánh niệm thì tà niệm khởi. Lúc ấy, bạn thấy người nào cũng không hợp nhãn; thấy việc gì cũng chẳng vừa lòng. Thật ra, không cần biết bạn có lý hay vô lý, hễ bạn khởi phiền não là bạn đã sai lầm rồi đó”.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com