Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm
PHẦN II
NGÔN HÀNH
--- o0o ---
Chương III
LỢI THA
C. KHEN NGỢI HIẾU LÀNH
Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều cực ác là bất hiếu vậy.
Kinh Nhẫn Nhục
Đặng ngọc báu cao từ dưới đất lên đến cõi trời 28, lấy đem bố thí cho người được phước báo chẳng bằng cúng dường cha mẹ.
Kinh Mạt La Mạt
Thờ cúng trời đất quỉ thần chẳng bằng hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ là hai vị Thần sống cao tột vậy.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Gặp đời không có Phật, nếu biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy.
Kinh Đại Tập
Quả báo công đức thỏa thuận cúng dường cha mẹ ngang với công đức của vị Bồ Tát nhứt sanh bổ xứ vậy.
Kinh Tăng Nhất A Hàm
Đức Phật nói: Chẳng những ngày nay Ta mới khen ngợi hạnh từ hiếu mà trong vô lượng kiếp về trước Ta cũng khen ngợi nhiều rồi!
Kinh Tạp Bảo Tạng
Nương nhờ ơn nuôi dưỡng của hai vị Từ Phụ và Bi mẫu cho nên tất cả các con trai gái đều được an vui. Thế là ơn cha cao như núi Chúa, ơn mẹ sâu như bể cả.
Kinh Tâm Địa Quán
Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng. Như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ.
Kinh Bổn Sự
Cha mẹ với con có 5 điều:
Khiến con bỏ ác làm lành
Lấy sách vở dạy cho con
Cho con trì kinh giới
Cưới vợ cho con
Gia tài phải để lại cho con hết.
Kinh Lục Phương Lễ
Phật nói: Ơn cha mẹ thương con, Ta ở đời này lâu đến một kiếp nói cũng khó hết. Ta nay chỉ nói một phần ít thôi. Nay ông Trưởng giả: nếu có người giàu có mời một trăm Thầy Bà La Môn tịnh hạnh, một trăm vị Thần tiên và 100 người bè bạn đến vào trong ngôi nhà làm bằng bảy thứ ngọc sang trọng mà bày tiệc cúng dường đầy đủ trăm ngàn món ăn ngon tột bực, nơi phòng nghỉ, treo chuỗi anh lạc và dùng các giường mùng, mền gối và trăm thứ ngọc báu để trang hoàng; lại dùng thứ thuốc bạch được để trị bịnh. Nuôi như thế mãn trăm ngàn kiếp mà chẳng bằng phát khởi một niệm lòng hiếu thuận dùng chút ít vật chất cúng dường cha mẹ và theo bên hầu hạ.
Bà mẹ hiền thương con, thật không biết lấy vật gì để so sánh cho cân xứng vậy. Từ khi con vào thai, trải qua thời gian mười tháng những lúc mẹ đi, đứng, ngồi, nằm, chịu trăm điều khổ não mà miệng mẹ không thể nói ra. Muốn những đồ uống ăn hay áo mặc, dù có được mẹ cũng chẳng mừng vì lòng lo lắng không khi nào dứt, chỉ lo nghĩ đứa con sắp sanh sao cho hoàn hảo là hơn thôi. Nếu khi đẻ khó thời như trăm ngàn mũi dao đồng thời đâm cắt toàn thân; nếu khi sanh đẻ được an lành, bà mẹ với các thân thuộc cùng chung vui sướng in như kẻ nghèo được ngọc báu; sự đau khổ trong mười tháng của mẹ do một tiếng khóc đầu tiên của đứa con khi mới lọt lòng mà nổi khổ ấy mẹ liền quên mất và vui sướng như nghe âm nhạc. Con lấy nơi bụng ngực của mẹ làm chỗ ngủ, lấy hai cổ vế là chỗ dạo chơi và do nước giêng cam lồ nơi ngực mẹ chảy ra mà nuôi lớn. Ôi! Ơn đức của mẹ, núi cao biển sâu cũng chẳng thể sánh kịp. Nếu đứa con nào biết tùy thuận nghe theo những lời dạy bảo của từ mẫu mà không trái nghịch thời được các chư thiên hộ niệm, phước đức vô cùng. Nếu có kẻ trai lành gái thiện nào muốn trả ơn cha mẹ, trải qua thời gian một kiếp, cứ mỗi ngày ba lần từ cắt thịt nơi thân đem nuôi cha mẹ cũng chưa có thể gọi là đã trả ơn được một ngày vậy.
Kinh Tâm Địa Quán
Người trong thế gian ai giàu hơn hết ai nghèo hơn hết? Bi mẫu sống còn gọi là giàu có; Bi mẫu qua đời gọi là nghèo khổ. Khi còn bị mẫu gọi mặt trời trưa; bi mẫu qua đời gọi mặt trời lặn. Khi còn bi mẫu, gọi đêm trăng sáng, bi mẫu qua đời là đêm không trăng. Vậy nên các người siêng năng tu tập hiếu thuận nuôi dưỡng hai đấng Từ thân. Những người như vậy, được phước ngang như phước cúng như Phật không chút hơn kém.
Kinh Tâm Địa Quán
Phàm là con thảo phải lấy năm việc kính thuận cha mẹ. Những gì là năm?
Cúng dường đầy đủ đừng để thiếu thốn
Phàm làm việc gì, phải trước thưa cha mẹ
Cha mẹ có làm, kính thuận chẳng nghịch
Chánh lịnh cha mẹ, chẳng dám chống trái
Cha mẹ có làm, chánh nghiệp chẳng dứt
Kinh Trường A Hàm
Con thờ cha mẹ phải có năm điều:
Phải lo sanh kế
Dậy sớm sai khiến tôi tớ lo làm cơm nước cho kịp thời
Chẳng nên làm cha mẹ lo thêm
Phải nhớ ơn cha mẹ
Khi cha mẹ có bệnh, phải lo sợ liền mời thầy chửa thuốc kịp thời
Kinh Lục Phương Lễ
Đạo làm con đối với cha mẹ có năm việc:
Lo gia sự
Lo trả nợ nần
Phải hiểu lời dạy
Cúng dường
Làm sao cho cha mẹ vui
Kinh Thiện Sanh Tử
Cung phụng đồ ăn uống và châu báu chưa đủ trả được ơn cha mẹ. Hướng dẫn cha mẹ xoay về chánh pháp mới là báo hiếu.
Kinh Bất Tư Nghì Quang
Nếu cha mẹ không tin, khuyên phát khởi lòng tin; nếu chưa có giới pháp, khuyên thọ trì giới pháp; nếu tánh tình bủn xỉn, khuyên tu hạnh bố thí; nếu không trí huệ, khiến kia tu trí huệ. Làm con được như thế, mới được gọi là trả ơn.
Luật Tỳ Na Da
Bầy giờ đức Thế Tôn bảo Ưu bà Di rằng: Ngày trước Ta đi xuất gia, Ta có tâu thề với Phụ Vương Ta rằng, khi nào chứng được Phật đạo sẽ trở về độ cha mẹ. Thế là nay Ta đã chứng được Phật đạo và công đức thành tựu, quyết phải trở về nước, chẳng dám trái lời tâm hứa ngày trước.
Kinh Phổ Diệu
Khi vua Tịnh Phạn lâm bệnh nặng, Ngài nghĩ muốn thấy mặt các con một lần chót.
Bây giờ đức Phật ở tại thành Vương xá cách chừng năm mươi do tuần. Phật mới bảo A Nan, Nan Đà và La Vân liền dùng thần túc mà về vương cung. Rồi ngài phóng hào quang sáng rực soi khắp thân Phụ vương thì bịnh tình được thuyên giảm chút ít; và Ngài lại lấy tay rờ trên trán Phụ vương mà an ủi rằng: Phụ vương là người tu tịnh giới, đã diệt sạch tâm phiền não cấu nhiễm; nay Phụ vương nên vui mừng và nghĩ nhớ lời kinh pháp.
Đức Phụ vương nghe nằm chắp tay đem tâm mà kính lễ! Liền lát sau Ngài thăng hà. Các Thích tộc và triều đình lo việc tẩn liệm vào quan tài và đem quan tài tôn trí trên tòa sư tử.
Đức Phật và ngài Nan Đà nghiêm chỉnh đứng trước linh xa; ngài A Nan và La Vân đứng sau linh xa. A Nan quì thưa Phật rằng: cho tôi xin gánh quan tài Bá phụ; La Vân cũng xin với Phật cho mình gánh quan tài ông nội. Đức Thế Tôn nói lời an ủi: con người sau nầy đều là hung bạo, bất hiếu chẳng biết trả ơn dưỡng dục của cha mẹ, Ta vì chúng sanh bất hiếu ấy mà bày ra phương pháp để giáo hóa. Rồi Như Lai đích thân gánh quan tài phụ vương và tự tay bưng lư hương đứng trước mà đi đến nơi Lăng mộ!
Đức Như Lai kiếp trước ở trong sanh tử, thời gian như vậy nhiều như số vi trần không thể nghĩ bàn được, và trong hình loại tất cả chúng sanh chịu đủ mọi thân hình. Vì chịu nhiều thân hình nên tất cả chúng sanh đã từng làm cha mẹ đức Như Lai, và Như Lai cũng đã từng làm cha mẹ tất cả chúng sanh. Vì từng làm cha mẹ tất cả chúng sanh nên thường tu những khổ hạnh khỏ tu, hay bỏ những vật khó bỏ. Siêng tu tinh tấn, trì giới, bố thí, đa văn, thiền định, trí huệ cho đến đầy đủ tất cả muôn hạnh, chẳng nghỉ chẳng thôi, tâm không mệt mỏi. Vì hiếu dưỡng cha mẹ, biết ơn trả đức nên ngày nay được chóng thành tựu quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân
Phật bảo A Nan rằng: Đời trước, khi Ta làm con là nhơn hiếu; khi làm vua là từ dục; khi làm dân là kính phụng. Do đó mà tự gây nên đấng cao cả trong ba cõi.
Kinh Viêm Tử