TỰ KHÁM PHÁ
Nhiều tôn giáo cho rằng những thông điệp được khám phá cho nhân loại do một đấng thiêng liêng. Tuy nhiên, một số nhà duy lý luận hỏi nếu chỉ có một đấng thiêng liêng và đấng này đã ban thông điệp lợi lạc cho tất cả nhân loại, tại làm sao có quá nhiều niềm tin trên thế giới ? Nếu thông điệp có ý nghĩa cho toàn thể con người thì điều khó khăn gì cho đấng thiêng liêng này công khai loan báo cho toàn thể để không còn chỗ nghi ngờ và giải thích sai lầm? Mọi người phải chấp nhận thông điệp ấy và sẽ không có sự xích mích giữa các tôn giáo và toàn thể thế giới chỉ cần theo thông điệp của một đấng thiêng liêng là đủ.
Nhiều năm trước, có một cuộc hội thảo về tôn giáo tại Đại học đường Mã Lai Á. Có tất cả năm thuyết trình viên, mỗi tôn giáo một thuyết trình viên. Sau khi trình bày, một sinh viên hỏi :”Khi chúng tôi nghiên cứu tôn giáo của chúng tôi, chúng tôi thu lượm được một số thông tin về thế gian, vũ trụ và cuộc đời. Khi chúng tôi nghiên cứu về khoa học, thông tin thu lượm được hoàn toàn khác hẳn. Thông tin khoa học ngược lại với quan điểm đạo giáo của chúng tôi. Cho nên chúng tôi không biết nên chấp nhận tin việc học hỏi nơi tôn giáo chúng tôi hay nơi khoa học”.
Một thuyết trình viên đáp :”Tôi tin là Thượng đế ban giáo pháp của Ngài dưới hình thức một thông điệp cho một người, người này truyền bá đến những người khác, cho nên chúng ta phải tin lời Thượng đế”.
Nhưng người sinh viên khăng khăng :”Làm sao ông biết được người nhận thông điệp thông suốt được thông điệp đó một cách chính xác ? Có thể thông điệp đã sai lạc và được giải thích lầm lẫn theo tư tưởng của họ và cứ thế truyền lại cho hậu thế “.
Đức Phật, trái lại, không bao giờ cho rằng bất cứ việc gì đều do nhận được từ nguồn tin bên ngoài. Trong suốt quá trình hoằng pháp của Ngài, Ngài luôn luôn khẳng định các người dự thính cứ tự do hỏi Ngài, chất vấn Ngài về giáo lý của Ngài để họ có thể tự mình hiểu được chân lý. Ngài nói “Hãy đến xem và nhận xét”(Ehipassiko). Ngài không nói “Hãy đến để tin theo”.
Bất cứ lúc nào Ngài nói đến việc gì, việc đó đã được đích thân Ngài trắc nghiệm giá trị của nó qua bản thân Ngài như một con người bình thường. Ngài tuyên bố không có thần linh. Ngài thấu rõ mọi sự vì lẽ Ngài biết vì sao Ngài phải chứng nghiệm khổ đau trong nhiều tiền kiếp do những hành động xấu Ngài phạm vì ngu si. Ngài đã khó khăn mới học được. Ngài đã khuyên răn các tín đồ của Ngài qua kinh nghiệm bản thân của Ngài. Ngài đã hoàn tất một việc phi thường cho nhân loại bằng thực hành và nhận xét những sự toàn hảo vĩ đại (perfections) qua nhiều cuộc sống và cuối cùng chứng nghiệm được hạnh phúc tối thượng. Chúng ta phải tự hỏi cái nào đáng tin cậy, lời xác nhận do kinh nghiệm bản thân của một người có thật hay tin cậy vào một người mà họ cho rằng đã nghe thấy từ một người nào đó và người này lúc nào cũng vô hình.