Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

07/11/201216:33(Xem: 13689)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm


Kinh Thu Lang Nghiem_Tam Minh Le Dinh Tham

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Hán dịch: Bát Thích Mật Đế - Việt Dịch: Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 - 1983











Tam Minh Le Dinh Tham-5


TIỂU-SỬ CƯ SĨ

TÂM-MINH LÊ-ĐÌNH-THÁM


Cư sĩ LÊ-ĐÌNH-THÁM, pháp-danh TÂM-MINH, tự CHÂU-HẢI, chánh-quán làng Đông-mỹ (Phú-mỹ), tổng Phú-khương, phủ Điện-bàn, tỉnh Quảng-Nam, là thứ-nam của Cụ Đông-các Điện đại-học-sĩ sung chức Binh-bộ Thượng-thư LÊ-ĐỈNH (Triều Tự-Đức), và Cụ kế-thất PHAN-THỊ-HIỆU, snah năm 1897 (Đinh-Dậu) tại Quảng-Nam;

Lúc nhỏ theo Nho-học, thụ-huấn trực-tiếp với Cụ Thượng thân-sinh ở nhà, cùng với bào-huynh là Đông-Dương y-sĩ LÊ-ĐÌNH-DƯƠNG (1), tuy tuổi còn non, song cả hai đều thông-đạt kinh-sách, văn bài thi phú đều làm được, nhất là Đạo-hữu có biệt-tài ứng-đối nhanh, nổi tiếng thần-đồng và là một danh-kỳ hữu-hạng tại quê nhà;

Lớn lên theo tân-học, thông-minh xuất-chúng, được thầy yêu bạn mến, luôn luôn dẫn đầu lớp và chiếm-đoạt khôi-thủ trong tất-cả các kỳ thi từ cấp tiểu-học đến đại-học, Đạo-hữu tốt-nghiệp Thủ-khoa Đông-dương Y-sĩ khóa năm 1916 tại Trường Cao-Đẳng Y-khoa Đông-dương Hà-Nội, và Y-khoa Bác-sĩ ngạch Pháp-quốc khóa năm 1930 tại Y-khoa Đại-học-đường Hà-Nội;

Ra trường nhằm lúc Phong-Trào Vua DUY-TÂN KHỞI-NGHĨA thất-bại, bào-huynh là Đông-dương Y-sĩ LÊ-ĐÌNH-DƯƠNG bị bắt đày lên Ban-mê-thuột, Đạo-hữu bị nhà cầm-quyền Thực-dân Pháp tình-nghi theo-dõi, nên trong suốt thời-gian phục-vụ tại các Bệnh-viện Bình-Thuận, Sông-Cầu, Qui-Nhơn, Tuy-Hòa (1916-1923) ngoài công-tác chuyên-môn, Đạo-hữu chỉ lo học-hỏi và nghiên-cứu thêm về Nho, Y, Lý, Số;

Năm 1926, phụ-trách Y-sĩ điều-trị tại Bệnh-viện Hội-An, trong một dịp viếng chùa TAM-THAI (Ngũ-Hành-Sơn) được đọc bài Kệ sau đây, ghi trên vách chùa, mà Đạo-hữu chú-ý đến Phật-Giáo :


Bồ-Đề bổn vô thọ,
Minh-cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhã trần-ai. (2)

Tiếp đó, được tin nhà Cách-mạng PHAN-CHÂU-TRINH từ trần tại Saigon, Đạo-hữu cùng một số Thân-hào Nhân-sĩ và Công-chức Trí-thức Quảng-Nam tổ-chức lễ truy-điệu trọng-thể và cùng thọ tang Cụ PHAN. Một tháng sau, Đạo-hữu được khẩn-lệnh đổi đi Hà-Tĩnh;

Năm 1928, được thuyên-chuyển về Huế, làm Y-sĩ-trưởng tại Viện Bào-chế và Vi-trùng-hục PASTEUR, cọng-tác với Bác-sĩ NORMET, Giám-đốc Y-tế Trung-phần, phát-minh ra SÉRUM NORMET, được Y-giới Pháp-Việt đương-thời rất trọng-vọng.
ht thich giac tien

Cũng năm ấy, Đạo-hữu lên chùa TRÚC-LÂM thỉnh-giáo Hòa-Thượng GIÁC-TIÊN về thâm-nghĩa bài Kệ chùa TAM-THAI rồi phát-tâm cùng Thượng-tọa THÍCH-MẬT-KHẾ nghiên-cứu Giáo-Lý, học-hỏi Kinh-Điển, tụng Kinh niệm Phật và phát-nguyện trường-trai, làm lễ Quy-Y, thọ Ưu-Bà-Tắc-giới, có pháp-danh TÂM-MINH từ đó;

Năm 1929-1932, sau hai năm liền thọ-giáo với Hòa-Thượng PHƯỚC-HUỆ (Hòa-Thượng chùa THẬP-THÁP, Bình-Định), đồng-thời chịu ảnh-hưởng cuộc Trùng-hưng Phật-Giáo Trung-Hoa của Ngài THÁI-HƯ PHÁP-SƯ qua sách báo HẢI-TRIỀU-ÂM, Đạo-hữu vâng lời chư Đại-Lão Hòa-Thượng PHƯỚC-HUỆ, GIÁC-TIÊN, GIÁC-NHIÊN, TỊNH-HẠNH, TỊNH-KHIẾT, đứng ra triệu-tập 18 vị đồng-lữ thảo Điều-lệ xin thành-lập HỘi AN-NAM PHẬT-HỌC, đặt trụ-sở đầu-tiên tại chùa TRÚC-LÂM, do Đạo-hữu làm Hội-trưởng, dưới sự chứng-minh sáng-lập của quý vị Hòa-Thượng nói trên và Đạo-hữu bắt-đầu thuyết-pháp tại chùa TỪ-QUANG, giảng-giải Kinh Luận tại tư-thất cho một số tín-hữu nhiệt-tâm cầu Đạo (quý Hòa-Thượng GIẢI-NGẠN, Sư-Bà DIỆU-KHÔNG, Thượng-Tọa MINH-CHÂU, lúc chưa xuất-gia, đều được nối tiếp đào-tạo trong những khóa-giảng này);

Năm 1933, phụ-trách Y-sĩ Giám-đốc Bệnh-viện bài Lao Huế, Đạo-hữu là một danh-y uy-tín nhất tại Đế-đô.

Về Phật-sự, Đạo-hữu:

* Khởi-công trùng-tu Tổ-Đình Từ-Đàm làm Trụ-sở Trung-ương của Hội.
*Cử-hành Đại-Lễ Phật-Đản (Mồng tám tháng Tư Âm-lịch) đầu-tiên vô cùng trọng-thể tại chùa DIỆU-ĐẾ, gây ảnh-hưởng lớn lao trong mọi giới,
*Chủ-trương xuất-bản NGUYỆT-SAN VIÊN-ÂM, cơ-quan ngôn-luận và truyền-bá Giáo-Lý của Hội do Đạo-hữu làm Chủ-nhiệm kiêm Chủ-bút,
*Thiết-lập cơ-sở đào-tạo Tăng-Tài: Cấp Trung-Tiểu-học tại chùa BẢO-QUỐC do Hòa-Thượng THÍCH-TRÍ-ĐỘ làm Dốc-Giáo (quý Hòa-Thượng THIỆN-HÒA, THIỆN-HOA, Thượng-tọa THIỆN-SIÊU, TRÍ-QUANG, THIỆN-MINH, TRÍ-TỊNH, NHẬT-LIÊN... đều xuất-than tại Trường này), cấp Đại-học tại chùa TÂY-THIÊN do chính Đạo-hữu phụ-trách giảng-diễn về Luận-Học và Triết-Lý Đông, Tây (quý Hòa-Thượng ĐÔN-HẬU, TRÍ-THỦ, MẬT-HIỂN, MẬT-NGUYỆN, MẬT-THỂ... đều xuất-thân tại Trường này),
* Xúc-tiến thành-lập các Tỉnh-Hội, Chi-Hội, Khuông-Hội khắp nơi tại Trung-Phần, mở đầu là Tỉnh-Hội THỪA-THIÊN, ĐÀ-NẴNG, QUẢNG-NAM...;

-Năm 1934, tuy việc chuyên-môn, việc Hội, việc Báo-chí, việc Phật-học-viện rất bề-bộn, nhưng Đạo-hữu không lúc nào xao-lãng sự học, sự tu và sở-trường của Đạo-hữu là giảng-diễn Phật-Pháp; chính nhờ lối giải-thích, trình-bày Phật-Pháp một cách sáng-sủa, hợp-cơ mà Đạo-hữu đã áp-dụng, một số đông đồng-học, Cựu-học cũng như Tân-học, bình-dân cũng như trí-thức, đã hiểu Đạo Phật rất mau-chóng và đứng-đắn. Đạo-hữu thật xứng-đáng là một vị Pháp-sư Cư-sĩ, vừa Tông-Thông vừa Thuyết-thông khéo đưa Phật-Pháp ra giữa ánh-sáng như đưa viên ngọc quý ra khỏi những thế-lực vô-minh vùi-lấp;

Mùa Đông 1934, Hòa-Thượng GIÁC-TIÊN viên-tịch, ý-thức được trách-nhiệm hoằng-dương Chánh-pháp và duy-trì sinh-hoạt Giáo-Hội, nên trong lời ai-điếu Hòa-Thượng Bổn-Sư, Đạo-hữu đã phát-nguyện dõng-mãnh như sau:

"Kiến-tướng nguyên vọng, kiến-tánh nguyên chơn, viên giác diệu-tâm ninh hữu ngã;

Chúc-pháp linh truyền, chúc-sanh linh độ, thừa-đương di-huấn khởi vô nhân;"

Tạm dịch :

"Tướng các Pháp tuy vọng, tánh các Pháp vốn chơn, Hòa-Thượng đâu có mất, còn; Chánh-Pháp, cần phải truyền, chúng-sanh cần phải độ, lời di-huấn đó, con nguyện xin gánh-vác";

Năm 1935, để thích-ứng với nhu-cầu tiến-triển của Hội, bản Điều-lệ của Hội được tu-chỉnh qua quyết-nghị của Đại-hội-đồng: Một Ban Tổng-Trị-Sự được thiết-lập tại Huế trực-tiếp điều-hành các Tỉnh-Hội và năm nào Đạo-hữu cũng được Đại-hội tín-nhiệm công-cử vào chức-vụ Hội-Trưởng hoặc Cố-Vấn để điều-hành Phật-sự chung;

Mùa Thu năm này, Đạo-hữu dời nhà từ Bệnh-Viện lên ở số 31 đường Nguyễn-Hoàng (dốc Bến-Ngự), tiếp-tục giảng Kinh, viết báo, quy-tụ một số thanh-niên Phật-tử trí-thức thành-lập ĐOÀN THANH-NIÊN PHẬT-HỌC ĐỨC-DỤC, sáng-lập GIA-ĐÌNH PHẬT-HOÁ-PHỔ (tiền-thân của GIA-ĐÌNH PHẬT-TỬ VIỆT-NAM ngày nay) nhằm duy-trì đạo-đức, xây-dựng chánh-tín cho đàn hậu thế;

Ngoài ra, theo gương Phật-giáo Trung-Hoa, qua nhiều năm nghiên-cứu kế-hoạch và vận-động phương-tiện, quyết-tâm xây-dựng nền-móng vĩnh-cửu cho cơ-sở đào-tạo Tăng-Tài, năm 1944, Đạo-hữu sắp-xếp di-chuyển các Phật-học-viện lên thiết-trí tại Kim-Sơn, thành-lập TỔNG-LÂM KIM-SƠN (Huế), nhưng thời-cuộc không cho phép, công-tác đành phải tạm ngưng, sau hai năm hoạt-động;

Nhờ công-đức của Đạo-hữu, vừa tài-thí vừa Pháp-thí, chủ-trương và duy-trì mà HỘI AN-NAM PHẬT-HỌC, NGUYỆT-SAN VIÊN-ÂM (3) và PHẬT-HỌC-VIỆN đã vượt khỏi mọi thăng-trầm vất-vả, mọi chướng-ngại thế-gian, gây được một thanh-thế lớn giữa trào-lưu PHỤC-HƯNG ĐẠO-PHÁP, PHỤC-HƯNG DÂN-TỘC, kích-động PHẬT-GIÁO NAM, BẮC đưa PHẬT-GIÁO nước nhà từ chỗ quên-lãng đến địa-vị như ngày nay;

Năm 1945 sau cuộc Đảo-chánh Nhật, được Chánh-Phủ TRẦNH-TRỌNG-KIM mời giữ chức-vụ Giám-Đốc Y-Tế Trung-Phần kiêm Giám-Đốc Bệnh-Viện Huế;

Mùa Đông 1946, chiến-cuộc bùng-nổ, dân-chúng Huế tản-cư, Đạo-hữu cùng gia-đình cũng tản-cư về nguyên-quán Quảng-nam, tham-gia Kháng-Chiến chống Pháp;

Năm 1947-1949, làm chủ-tịch Ủy-Ban Hành-Chánh Kháng-Chiến Miền Nam Trung-bộ tại Liên-Khu V và tập-họp một số cựu Đoàn-viên Thanh-Niên Phật-Học-Đức-Dục, cựu Huynh-trưởng Gia-Đình Phật-Tử, cựu Hội-viên Hội Phật-Học cùng những phần-tử trí-thức Kháng-Chiến thành-lập PHONG-TRÀO PHẬT-GIÁO VÀ DÂN-CHỦ-MỚI do chính Đạo-hữu chủ-trì và hướng-dẫn nghiên-cứu và so-sánh giữa Giáo-Lý nhà Phật và Chủ-thuyết Mác-Lê tại Bồng-Sơn (Bình-Định);

Mùa Hạ 1949, được điện mời ra Bắc, đề-bạt làm Chủ-Tịch Phong-Trào Vận-Động Hòa-Bình Thế-Giới, mặc-dù tình-thế đảo-điên, nhân-tâm điên-đảo, nhưng Đạo-hữu vẫn an-nhiên diễn-giảng, nhân-tâm điên-đảo, nhưng Đạo-hữu vẫn an-nhiên diễn-giảng, phiên-dịch Phật-Pháp. Cuối-cùng trọn bộ KINH THỦ-LĂNG-NGHIÊM được dịch và xuất-bản vào mùa Xuân năm Tân-Sửu (1961) tại chùa QUÁN-SỨ (Hà-Nội) và từ-trần ngày 23-04-1969 (tức ngày Mồng bảy tháng Ba năm Kỷ-Dậu) tại Hà-Nội. Thọ 73 tuổi.

Saigon, Mùa Vu-Lan năm Quý-Sửu.


GHI-CHÚ:

(1) - Y-sĩ LÊ-ĐÌNH-DƯƠNG tốt-nghiệp Á-khôi Đông-dương Y-sĩ khóa đầu-tiên năm 1915 tại Trường Cao-đẳng Y-khoa Đông-dương, Hà-Nội, và được bổ-nhiệm Y-sĩ điều-trị tại bệnh-Viện Hội-An (Quảng-Nam), tham-gia VIỆT-NAM QUAN-PHỤC-HỘI, cùng với Cụ TRẦN-CAO-VÂN, THÁI-PHIÊN, PHAN-THÀNH-TÀI...phụ-trách lãnh-đạo Phong-Trào Vua DUY-TÂN KHỞI-NGHĨA tại nam-Ngãi và bị thực-dân Pháp bắt đày lên Ban-mê-thuột năm 1916, cuối-cùng không chịu nổi sự tủi-nhục và đày-ải khắc-nghiệt của viên Công-sứ Thực-dân SABATIER nên Y-sĩ đã uống Cyanure de Mercure để tự sát năm 1919. Hưởng-dương 26 tuổi.

(2) - Tác-giả là Ngài LỤC-TỔ HUỆ-NĂNG.

(3) - Sau này, một loại sách nữa do Thanh-niên Phật-tử trí-thức được Đạo-hữu hướng-dẫn biên-tập, đó là PHẬT-HỌC TÙNG-THƯ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567