LỜI NÓI ĐẦU
PHẦN DUYÊN KHỞI
1) Người ngu ăn muối 2) Để dành sữa 3) Khoanh tay chịu đòn 4) Vợ giả chết dối chồng 5) Khát không uống nước 6) Giết con cho đủ gánh 7) Nhận người làm anh 8) Trộm áo nhà vua 9) Kẻ ngốc khen cha 10) Nhà giàu cất lầu 11) Bà La Môn giết con 12) Quạt nước đường 13) Sự thật chứng minh 14) Giết kẻ dẫn đường 15) Muốn con mau lớn 16) Tưới mía bằng nước mía 17) Vì nhỏ mất lớn 18) Trên lầu mài dao 19) Ghi dấu trên thuyền 20) Trả thịt 21) Cầu con 22) Bán trầm hương 23) Trộm mền 24) Gieo mè 25) Nước và lửa 26) Bắt chước vua 27) Trị vết thương 28) Xẻo mũi 29) Đốt áo 30) Nuôi dê 31) Mua lừa 32) Trộm vàng 33) Chặt cây tìm trái 34) Thâu ngắn đường đi |
50) Sửa lưng gù 51) Người tớ gái 52) Trò vui giả dối 53) Lão sư bị hành hạ 54) Đầu và đuôi rắn tranh cãi 55) Cạo râu vua 56) Cái không có 57) Bị đạp rụng răng 58) Chia của 59) Xem làm bình 60) Thấy vàng dưới nước 61) Tạo hình người 62) Ăn thịt gà 63) Chạy trốn 64) Quỷ trong nhà cũ 65) Ăn bánh độc 66) Chết chìm 67) Đánh cuộc |
LỜI NÓI ĐẦU
Kinh BÁCH DỤ gồm gần một trăm câu truyện ngụ ngôn đầy sinh động và súc tích ẩn tàng các giá trị triết lý giáo dục nhân sinh do Đức Phật kể ra để dạy về giáo lý và giáo pháp. Kinh có tác dụng phổ biến Đạo Phật bằng phương pháp thí dụ. Đức Phật mang những truyện xưa có liên quan đến thiện ác, tội phước, báo ứng làm thí dụ cụ thể để từ đó nêu ra sự dại dột mê lầm, vạch rõ ra cái vô minh của chúng sinh. Đa số truyện thường lấy hạng người bình dân hoặc những kẻ khờ dại quá mức làm đối tượng. Một số truyện lại dùng cả loài vật làm vai chính. Sau mỗi truyện nêu làm thí dụ là phần luận bàn ngắn gọn.
Nghe truyện ngụ ngôn để thấy ra ý nghĩa rồi lĩnh hội được lời dạy của Đức Phật. Kinh có ích lợi nhiều cho các người tu học, dù đã xuất gia, hay còn là cư sĩ và cho toàn thể Phật tử nói chung. Tôn chỉ của bộ kinh là muốn đem ánh sáng trí tuệ để xua tan đi màn si ám của những ý thức vô minh trong quá trình tu tập của người Phật tử.
Kinh mang một thể loại văn học Phật giáo rất đặc thù. Kinh có công dụng tương tự như những truyện trong cuốn sách “Cổ Học Tinh Hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc hay tập truyện thơ của Aesop hoặc những truyện thơ ngụ ngôn của thi hào La Fontaine nước Pháp hồi thế kỷ thứ 17. Vì thế những truyện kể trong Kinh BÁCH DỤ còn có tác dụng giáo dục nói chung cho tất cả mọi người đọc, không phân biệt tôn giáo. Tuy nhiên ngoài tính cách giáo dục về phương diện đạo đức như những tác phẩm kể trên, Kinh BÁCH DỤ còn mang lại ý nghĩa những lời giáo huấn về mặt tôn giáo. “Ngoại đạo” được đề cập tới nhiều trong kinh là những đạo cùng thời với Đức Phật cả hơn 2600 năm trước đây.
Truyện vui có thể coi như là những lớp đường phèn rất ngon ngọt bọc ngoài những vị thuốc đắng. Thuốc có đắng mới dã tật, đây là những tật xấu của chúng sinh. Truyện vui cũng được coi như những lớp lá cây dùng để gói thuốc giải độc ở bên trong. Một khi đã được giải độc, đã thấm nhuần được những lời giáo huấn đầy chân lý thời chúng ta nên loại ra những lời châm biếm khôi hài giễu cợt như vứt bỏ đi những lá cây bọc ngoài sau khi đã dùng thuốc và đã được lành bệnh.
Kinh BÁCH DỤ này được dịch giả THÍCH NỮ NHƯ HUYỀN dựa vào bản tiếng Hán rồi phiên dịch ra văn xuôi tiếng Việt (bản in ghi năm 1958) từ “cốt truyện” cho tới “lời bàn”. Trong lời nói đầu dịch giả cho biết: “Bộ Kinh Bách Dụ gồm có 98 bài thí dụ của Phật nói do ngài Pháp Sư Tăng Già Tư Na sao lục trong kinh tạng”…“Một đời thuyết giáo trong bốn mươi chín năm, tùy theo căn cơ chúng sanh sai khác, Đức Phật nói ra vô lượng pháp môn không đồng. Khi nói thấp, khi nói cao, từ dễ lần đến khó, đem gần tỉ dụ xa. Chung qui chỉ hướng về một mục đích duy nhất là làm cho chúng sanh tự giác ngộ bản tánh sáng suốt của mình”.
“Bách” là một trăm. “Dụ” là thí dụ. Soạn giả đã theo sát nguyên bản và chuyển nội dung cuốn Kinh BÁCH DỤ trên thành thể “thơ lục bát” với những ngôn từ bình dị để mọi người dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu và dễ nhớ. Phần “lời bàn” ngay sau truyện cũng được chuyển thành thơ và in chữ nghiêng.
Khi chuyển thơ soạn giả cũng tham khảo thêm ba bản dịch khác của Kinh BÁCH DỤ. Nói chung thời các bản dịch chỉ có chút ít khác biệt. Ba bản này là:
1. “PHẬT HỌC NGỤ NGÔN” bản dịch từ tiếng Hán của Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Người dịch cho biết Kinh Bách Dụ: “là cuốn kinh số 209 Trong Đại Tạng Kinh”…“Lẽ ra kinh Bách Dụ phải đủ 100 bài thí dụ, nhưng đây chỉ có 98 bài”…“Bộ này chính tên là Bách Dụ Kinh. Nội dung toàn bộ đều là lời thí dụ, ngụ ý răn dạy những người ngu si, không hiểu, để đi thẳng vào đường hiểu biết chân chính, nên nay đổi là Phật học Ngụ ngôn”.
2. “KINH BÁCH DỤ” bản dịch từ tiếng Hán của Tỳ Kheo Thích Tâm Khanh (năm 2000). Trong cuốn này người dịch cho biết: “Nguyên tác kinh Bách Dụ do Tôn giả Tăng Già Tư Na (Sanghasena) tuyển soạn 98 câu truyện thí dụ từ kinh điển do chính kim ngôn đức Thích Tôn tuyên thuyết. Năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Minh (493 TL), bộ kinh được tôn giả Cầu Na Tỳ Địa (Gunavaddhi), người xứ Trung Ấn chuyển dịch sang Hán ngữ”.
3. “SAKYAMUNI’S ONE HUNDRED FABLES” do Tetcheng Liao (Tiến Sỹ Luật Khoa Viện Đại Học Paris) dịch Kinh Bách Dụ từ tiếng Hán sang tiếng Anh kèm thêm lời chú thích (năm 1981). Về việc Kinh chỉ có 98 truyện, thiếu 2 truyện, dịch giả ghi: “Một mặt có thể giải thích rằng để thuận tiện nên nói thành con số chẵn. Mặt khác có thể giải thích rằng lời nói đầu và lời nói cuối sách cũng được kể luôn thêm vào cho chẵn thành một trăm truyện”.
Ước mong rằng những truyện thơ tuy mộc mạc và bình dị lại đầy vẻ giễu cợt trong cuốn Kinh này sẽ chuyên chở được những lời dạy thâm sâu và quý báu của Đức Phật tới khắp cả chúng sinh.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Mùa Phật Đản 2007
DIỆU PHƯƠNG
PHẦN DUYÊN KHỞI
Lời Thầy A NAN: “Chính tôi được nghe: Một thời kia Đức Phật ở trong vườn trúc Thước Phong, thành Vương Xá, cùng với các vị đại Tỳ kheo, Bồ tát, Ma ha tát và Thiên, Long bát bộ, chừng ba vạn sáu nghìn người chung hợp.
Khi ấy, trong pháp hội có năm trăm vị Phạm chí dị học. Các vị từ nơi toà ngồi của mình đứng dậy bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Chúng tôi nghe nói đạo Phật rộng, sâu không đạo nào có thể sánh kịp, nên chúng tôi lại đây muốn hỏi Ngài mấy điều, mong Ngài vui lòng giảng giải cho.”
Đức Phật đáp: “Hay lắm, các vị cứ việc hỏi.”
Phạm Chí hỏi: “Con người có hiện hữu hay không?” Phật đáp: “Cũng ‘có’ và cũng ‘không’.”
Phạm chí hỏi tiếp: “Như nay thấy có, làm sao Ngài lại nói là không? Như nay không thấy, làm sao Ngài lại nói là có?” Phật đáp: “Sinh cho là ‘có’, chết cho là ‘không’, nên nói là hoặc có hoặc không.”
Phạm chí hỏi: “Người ta do đâu mà sống được?” Phật đáp: “Người ta do ngũ cốc mà sống.”
Phạm chí hỏi: “Ngũ cốc do đâu mà sinh ra?” Phật đáp: “Ngũ cốc do nơi tứ đại là ‘đất, nước, gió, lửa’ mà sinh ra.”
Phạm chí hỏi: “Tứ đại do từ đâu sinh ra?” Phật đáp: “Tứ đại do từ ‘không’ mà sinh ra.”
Phạm chí hỏi: “Không do đâu mà sinh ra?” Phật đáp: “Không do chỗ ‘vô sở hữu’ mà sinh ra.”
Phạm chí hỏi: “Vô sở hữu từ đâu sinh ra?” Phật đáp: “Do ‘tự nhiên’ sinh ra.”
Phạm chí hỏi: “Tự nhiên do từ đâu sinh ra?” Phật đáp: “Do ‘Niết bàn’ sinh ra.”
Phạm chí hỏi: “Niết bàn do đâu sinh ra?” Phật đáp: “Sao các vị hỏi điều sâu xa thế! Các vị không biết Niết bàn là pháp bất sinh, bất diệt hay sao?”
Phạm chí lại hỏi: “Bạch Ngài, Phật đã nhập Niết bàn chưa?” Phật đáp: “Ta chưa nhập Niết bàn.”
Phạm chí hỏi: “Ngài chưa nhập Niết bàn sao Ngài biết được Niết bàn là an lạc vĩnh viễn?” Phật nói: “Nay ta hỏi lại các vị, chúng sinh trong thiên hạ khổ hay vui?”
Phạm chí đáp: “Chúng sinh khổ lắm.” Phật hỏi: “Thế nào là khổ?”
Phạm chí đáp: “Chúng tôi thấy chúng sinh khi chết đau khổ không thể chịu được nên chúng tôi biết chết là khổ.” Phật nói: “Nay các vị tuy chưa chết mà cũng biết chết là khổ, thời ta thấy chư Phật mười phương bất sinh, bất diệt, nên ta biết Niết bàn là an lạc vĩnh viễn.”
Lúc đó năm trăm vị Phạm chí tâm ý thông suốt, xin thọ ‘ngũ giới’, chứng ngộ quả ‘Tu đà hoàn’, rồi ngồi lại chỗ cũ.
Đức Phật nói: “Các vị nghe cho kỹ, nay ta sẽ vì các vị mà nói rộng về những thí dụ sau đây.”