Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Tùng địa dõng xuất (Apparition des Bohisattvas)

06/05/201313:10(Xem: 13703)
15. Tùng địa dõng xuất (Apparition des Bohisattvas)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển V

15. Tùng địa dõng xuất (Apparition des Bohisattvas)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, các Bồ-tát, nguyên từ các nước phương khác lại, đông hơn cát của 8 sông Hằng, ở trong đại chúng, đồng đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế-Tôn! Nếu Thế-Tôn nhận lời, chúng con nguyện, sau khi Phật diệt độ, sẽ rộng nói Kinh Pháp-Hoa ở thế-giới Sa-bà, để gia tăng tinh tấn và hộ trì những người đọc, tụng, sao chép, cúng dường Kinh này”.
Phật đáp: “Thôi khỏi. Này thiện nam-tử! không cần các con hộ trì Kinh này. Vì sao? Vì thế-giới Sa-bà của ta tự có Bồ-tát đông như cát của sáu muôn sông Hằng; mỗi Bồ-tát có những quyến thuộc đông như cát của sáu muôn sông Hằng. Những Bồ-tát và quyến thuộc ấy, sau khi ta diệt độ, sẽ có khả năng giữ gìn, đọc tụng, rộng nói Kinh này”.
Lúc Phật nói lời này, trong ba ngàn đại thiên quốc độ ở thế-giới Sa-bà, đất đều rung nứt và từ trong lòng đất, vô lượng ngàn muôn ức Bồ-tát đồng thời vọt lên. Các Bồ-tát ấy, thân như vàng ròng, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, sáng ánh khôn lường, trước kia trú trong hư-không của chỗ thấp nhất ở thế-giới Sa-bà, nay nghe tiếng của Phật Thích-Ca, nên từ chỗ thấp ấy mà phát hiện đến. Mỗi mỗi Bồ-tát đều là bậc thủ-lãnh dẫn đường cho đại chúng, và mỗi vị đều có hoặc sáu, hoặc năm, bốn, ba, hai, một muôn Hằng sa quyến thuộc, hoặc một Hằng-hà sa, nửa Hằng-hà sa, một phần Hằng-hà sa hay một phần trong ngàn ức na-do-tha phần Hằng-hà sa, hoặc từ ngàn muôn ức na-do-tha sụt lần xuống cho tới một muôn, một ngàn, một trăm, mười, năm, bốn, ba, hai, một quyến thuộc đệ-tử. Lại cũng có những Bồ-tát chỉ có một mình, thích hạnh “viễn ly”([6]). Tất cả các Bồ-tát ấy đông vô số kể.
Từ dưới đất vọt lên rồi, các Bồ-tát ấy đều đến ngọn tháp bảy báu nhiệm mầu trên hư-không, là chỗ Phật Đa-Bảo và Phật Thích-Ca đang ngự, vập đầu xuống chân làm lễ, rồi lại tiến đến toà sư-tử, dưới cội báu, chỗ Phật ngồi mà làm lễ. Xong, các vị đi quanh bên mặt Phật ba vòng, rồi chắp tay cung kỉnh chiêm ngưỡng Phật Đa-Bảo và Phật Thích-Ca.
Từ lúc các Bồ-tát xuất hiện cho đến khi làm lễ xưng tán Phật, một khoảng thời gian trôi qua, lâu 50 tiểu kiếp.
Bấy giờ đức Thích-Ca ngồi yên nín lặng, bốn hạng đệ-tử cũng đều nín lặng. Nhờ sức thần của Phật, đại chúng thấy 50 tiểu kiếp trôi qua như nửa ngày. Cùng một lúc và cũng nhờ sức thần của Phật, bốn chúng thấy Bồ-tát đầy khắp hư-không của vô lượng ngàn muôn ức quốc-độ.
Trong số Bồ-tát ấy, có 4 vị đứng đầu: 1) Thượng Hạnh, 2) Vô biên Hạnh, 3) Tịnh Hạnh, 4) An Lập Hạnh. Đồng chấp tay nhìn đức Thích-Ca , 4 vị kính hỏi: “Bạch Thế-Tôn! Thế-Tôn có được ít bệnh, ít buồn và được an vui không? Những người đáng độ, có thọ giáo dễ không. Họ không có làm cho Thế-Tôn mệt nhọc chứ?”
Thế-Tôn nói: “Đúng thế! Đúng thế! Này các thiện nam-tử, Như-Lai an vui, ít bệnh, ít buồn, các hàng chúng-sanh dễ mà hoá độ, không có mệt nhọc. Tại sao thế? Vì những chúng-sanh ấy, từ trước tới nay, đời đời thường được ta hoá độ cho; và chính họ cũng đã cung kính tôn trọng chư Phật trong thời quá khứ và trồng các cội lành. Các chúng-sanh ấy, hễ bắt đầu thấy thân ta, nghe tiếng ta nói, là liền tin lãnh và nhập vào huệ của Như-Lai, trừ những người trước đã tu tập theo Tiểu-thừa. Đối với hạng này, ta cũng sẽ khiến cho nghe được Kinh Diệu-Pháp và đi vào huệ Phật.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-Lặc cùng 8 ngàn Hằng-sa Bồ-tát trong pháp-hội đều thầm lấy làm lạ việc vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên. Muốn giải nghi cho tất cả và cho riêng mình, Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “ Nguyện Thế-Tôn cho chúng con biết coi vô lượng Bồ-tát này từ đâu mà đến và nhóm họp để làm gì. Ai đã thuyết pháp giáo hoá cho các vị? các vị đã theo ai mà phát tâm, đã thọ trì và hành Kinh nào? Lại tu tập Phật-đạo nào mà có sức trí thần-thông to lớn như thế? Bạch Thế-Tôn, chúng con chưa từng thấy một việc như vậy. Con thường đi qua nhiều nước, gặp gỡ nhiều người, nhưng chưa hề biết một vị trong số Bồ-tát ấy. Vậy kính xin Thế-Tôn nói cho con biết coi các Bồ-tát ấy ở nước nào đến mà hốt nhiên từ đất vọt lên”.
Cùng lúc ấy, các phân thân Phật Thích-Ca từ vô lượng muôn ngàn ức cõi khác đồng đến ngồi xếp bằng trên tòa sư-tử, dưới các cội báu trong tám phương. Những thị-giả của các phân-thân Phật Thích-Ca cùng bạch hỏi về lai lịch của các Bồ-tát từ đất vọt lên. Chư phân-thân Phật đáp: “Bồ-tát Di-Lặc đã hỏi Phật Thích-Ca. Phật sẽ đáp. Vậy hãy chờ!”.
Khi ấy Phật Thích-Ca Mâu-Ni bảo Bồ-tát Di-Lặc: “Hay thay lời hỏi của Di-Lặc! Ta sẽ tuyên bày trí-huệ, thần-thông, sức mạnh và uy thế của chư Phật, vậy hãy một lòng và tinh tấn nghe ta nói”.
Sau khi nói một bài kệ lập lại lời vừa nói, Thế-Tôn kêu Bồ-tát Di-Lặc nói: “Những Bồ-tát đông vô số kể và đã từ đất vọt lên, đều do ta giáo hoá chỉ dẫn, sau khi ta đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tất cả đều là bậc đã điều phục tâm-mình, lòng sanh ý-đạo, và ở trong hư-không phía dưới thế-giới Sa-bà. Tất cả đã từng đọc tụng thông suốt kinh điển, phân biệt trong chỗ nghĩ suy và sửa cho thẳng những nhớ tưởng của mình. Này Di-Lặc, các Bồ-tát ấy không thích ở chỗ đông người ồn-ào, mà thường ưa ở nơi vắng lặng, siêng tu tinh tấn, chưa hề ngơi nghỉ, lại cũng không dừng bước ở cấp Nhân, Thiên, mà thường thích được trí-huệ thâm sâu, không còn vướng phải một chướng ngại nào. Lại cũng thường vui nơi pháp Phật, một lòng tinh tấn cầu Vô-thượng huệ”.
Bồ-tát Di-Lặc và vô số Bồ-tát, lòng sanh nghi hoặc, tự hỏi: “Làm thế nào mà trong một khoảng thời-gian ngắn mà Thế-Tôn giáo hoá được một số Bồ-tát đông như thế?” Nghĩ xong, bèn bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn, từ ngày còn là Thái-tử bỏ cung điện ra đi, rồi đến khi ngồi dưới cội Bồ-đề đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, từ ấy đến nay, mới vừa hơn bốn mươi năm, vậy làm thế nào mà trong khoảng thời-gian ngắn ấy Thế-Tôn lại giáo hoá cho vô lượng vô biên Bồ-tát ấy được? Vì muốn thành tựu như các Bồ-tát ấy, phải là người trong ngàn mưôn ức kiếp, trồng các căn lành ở vô lượng vô biên nước Phật và thường tu phạm hạnh. Đàng này Thế-Tôn thành đạo đến nay chưa bao lâu, còn các Bồ-tát kia phải tu hành trong vô lượng kiếp mới đặng thần thông lớn, thì làm sao hiểu được câu chuyện cha trẻ con già này được. Riêng chúng con thì một lòng tin Phật, vì Phật không bao giờ nói ngoa, nhưng các Bồ-tát mới phát tâm tu hành sau khi Phật diệt độ, có thể không tin lời Phật dạy. Vậy kính xin Thế-Tôn giải nghi cho hàng mới phát tâm này, để họ khỏi phải đoạ vào nẻo ác.
*
* *

Huyền nghĩa

Bồ-tát các cõi khác xin giúp Phật Thích-Ca giáo hoá cõi Sa-bà. Đức Phật từ khước, nói rằng Sa-bà có đủ Bố-tát làm việc ấy.
Thế nghĩa là chúng-sanh cõi Sa-bà có khả năng tự độ,, không cần một sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ở trong một Kinh khác, đức Phật há không nói: “Tự mình hãy thắp đuốc lên mà đi?”.
Phật vừa đáp xong là đất chuyển động và rạn nứt, rồi từ lòng đất vô số Bồ-tát vọt lên. Đoạn này có nghĩa: khi tâm biết rằng chỉ có mình mới độ mình, chớ không ai độ mình được, thì liền khi ấy trong con người có một cuộc đại cách-mệnh, một sự thay đổi lớn lao xảy ra, như trời long đất lở (xem lại phần Huyền nghĩa của phẩm 11- Hiện Bảo Tháp), mà ở đây Kinh thí-dụ như đất rạn nứt.
Vô số Bồ-tát từ lòng đầt, vọt lên hàm hai nghĩa. Bồ-tát tượng trưng cho các đức tánh từ bi, hỉ, xả, nhẫn nhục, tinh tấn..v.v.Những đức tánh ấy ở đâu ? Ở trong tâm, mà Kinh thí dụ cho đất (tâm địa).
Trước khi chưa được Phật giáo hoá, nghĩa là trước khi thức tỉnh (giác ngộ), con người lầm tưởng những đức tính ấy phải bắt từ ngoài tụ tập mới đem vào thân. Nay giác ngộ rồi thì thấy Hằng-sa đức tánh đều nằm sẵn trong tâm, đầy đủ, không thiếu một ly hào nào, dầu trong lúc còn mê muội. Trạng-thái ấy là trạng thái của mặt trăng bị mây án. Khi mây đã tan (giác ngộ), thì ánh sáng mặt trăng tỏ rạng (Bồ-tát vọt lên) trước sau như một.
Mỗi Bồ-tát từ đất vọt lên đều thân sắc vàng, đủ 32 tướng tốt như Phật và hào quang chói loà. Các đặc điểm này chỉ rằng Bồ-tát ở đây không có nghĩa là một vị Bồ-tát mà là tiêu biểu cho một đức tướng như đã nói. Vì là một đức tướng (une qualité, une vertu) cho nên không sanh không diệt, thường tồn (thân sắc vàng y), trọn vẹn (parfait, accompli: 32 tướng tốt) và sáng suốt (hào quang chói loà).
Cái nghĩa Bồ-tát dụ cho đức tướng càng thấy rõ ở những điểm kế là: a) Bồ-tát ở phía dưới cõi Sa-bà, ẩn trú trong hư-không (phía dưới cõi Sa-bà là ở chỗ sâu kín nhất trong tâm chúng-sanh, nhưng vì chỗ sâu kín ấy không lấy mắt thịt mà tìm kiếm ra, nên thí dụ cho hư-không); b) các Bồ-tát ấy lễ Phật và tán dương Phật trong 50 tiểu kiếp, Phật cũng ngồi lặng nghe trong 50 tiểu kiếp, nhưng nhờ sức thần của Phật, khoảng thời gian lâu xa ấy lại mau như nửa ngày. Phải quày đầu về với sự giác ngộ (quy y Phật) và thiết tha sùng mến sự giác ngộ (tán dương Phật) liên tiếp trong nhiều đời nhiều kiếp (50 tiểu kiếp) với một tâm hoàn toàn vắng lặng (Phật ngồi yên lặng), thì sự giác-ngộ mới đến, nhưng khi nó đến thì mau như nửa ngày.
Bồ-tát thì đông-nên hiểu đức tướng thì nhiều-nhưng nếu trước không có 4 đức sau đây thì mấy đức kia không xuất hiện được. Đó là: 1) Thượng Hạnh (những hành động hướng thượng, nghĩa là hướng về đời sống cao-cả). 2) Vô biên Hạnh (những hành động không bờ bến, nghĩa là vượy ra khỏi vòng kiềm hảm, trói buộc của ngã-chấp, của lòng ích-kỷ). 3) Tịnh Hạnh (những hành động trong sạch, nghĩa là không bị tham, giận, si-mê chi phối, sai sử). 4) An Lập Hạnh (đứng hẳn trong chỗ an ổn, nghĩa là sống hoạt-động, nhưng với một con tâm luôn luôn an ổn, không xao động vì sức cám dỗ của ngoại cảnh hay những lo nghĩ của nội tâm).
Vì phải có bốn “Bồ-tát” hay bốn đức này trước, các Bồ-tát kia mới có sau, cho nên Kinh mới thí-dụ 4 Bồ-tát này (đức tướng) như 4 người lãnh tụ dẫn đường.
Câu hỏi: “Thế-Tôn có ít bệnh, ít buồn, và được an vui không? Những người đáng độ, có thọ giáo dễ không? Họ không có làm cho Thế-Tôn mệt nhọc chứ?” có một nghĩa ẩn mà chúng ta phải tìm trong câu đáp của đức Phật. Đây là câu đáp ấy: “Như-Lai an vui, ít bệnh, ít buồn, các hàng chúng-sanh dễ mà hoá độ, không có mệt nhọc”. Nên lưu ý: “Kinh không nói: Ta an vui, ít bệnh… mà nói: Như-Lai an vui, và Như-Lai là tâm. Khi tâm an vui, ít bệnh, ít buồn, tức là khi đã có “an lập hạnh”, “tịnh hạnh”, “vô biên hạnh”, và “thượng hạnh”, thì dễ mà hoàn cải tâm tánh phàm-phu (chúng-sanh dễ hoá độ…)
Tại sao dễ? Kinh nói: Vì chúng-sanh đã được Phật dạy bảo nhiều đời và cũng đã từng trồng căn lành dưới thời các Phật quá-khứ. Thế nghĩa là: tuy chúng-sanh đầy dẫy tội lỗi, trong chúng-sanh có sẵn muôn đức, tỷ như đã được“ dạy bảo nhiều đời”. Lại nữa, chúng-sanh nào, trong muôn ác phạm phải trong muôn lúc si-mê đen tối, lại không làm được một vài điều thiện trong một vài phút giác ngộ, thức tỉnh. Như thế là đã “trồng căn lành dưới thời các Phật quá khứ”.
Còn những người tu tập theo hạnh Tiểu-thừa, Phật cũng khiến cho nghe được Kinh Đại-thừa. Nên hiểu: Dầu ai có ích-kỷ thế mấy (tu hạnh Tiểu-thừa), một khi giác ngộ (Phật khiến) cũng sẽ rời bỏ đời sống eo hẹp mà sống đời sống bao la, lấy vũ-trụ làm nhà, lấy chúng-sanh làm thân thuộc (nghe kinh Đại-thừa).
Vì lối thí-dụ của Phật khó hiểu khó nhận, cho nên Bồ-tát Di-Lặc (thay lời cho hàng chúng-sanh nghi ngờ) mới bạch: “Bồ-tát đâu mà đông thế? Ai thuyết pháp hoá độ họ? Họ tu tập theo pháp môn nào và họ ở đâu mà lại từ đất vọt lên?”.
Phật đáp: Nhờ có bốn đức phi thường (pouvoirs surnaturels) là: 1) Trí huệ vô biên, 2) Thần thông tự tại, 3) Sức mạnh nhanh chóng, 4) Sự can-đảm, cho nên sau khi thành đạo, đức Phật mới giáo hoá cho vô lượng Bố-tát ở dưới đất vọt lên ấy. Nhưng giáo hoá được là vì các Bồ-tát ấy trụ trong hư-không ở phía dưới cõi Sa-bà, nhân đó mà thông hiểu kinh điển mau lẹ. Tất cả lại còn ít gần nơi náo nhiệt, mà ưa vắng lặng, siêng tu, không thích hưởng phúc báo làm người, làm trời, mà chỉ ham được trí-huệ cao sâu.
Phật giáo hoá được có nghĩa là sự giác-ngộ đến được với mọi người, hay nói một cách khác, mọi người có thể giác-ngộ được, là nhờ trong tâm con người có sẵn mọi khả năng, mọi đức tướng (Bồ-tát), làm cho con người thông hiểu được Chân-lý (thông hiểu kinh điển). Dầu vậy, phải tránh những nơi ồn-ào, giam mình vào chỗ vắng lặng (tham thiền nhập định), siêng tu (tinh tấn), đừng ham tưởng quả phúc cõi thế-gian và trên trời, mà chỉ mong cho được Trí-huệ cao sâu là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Đến đây, Kinh lại đặt ra một nghi vấn khác. Trên đức Thích-Ca đã bảo phải trải qua nhiều đời được Phật dạy bảo và cũng phải trồng căn lành dưới thời các Phật quá-khứ, mới thành Bồ-tát. Nay Phật lại nói chính Phật đã hoá độ tất cả vô số Bồ-tát ấy, trong khi Phật thành Phật vừa trên 40 năm. Như vậy hoá ra cha trẻ mà con già, hay thầy non mà đệ tử lão sao?.
Trong phẩm sau, Phật sẽ giải câu hỏi này. Tiện đây, chúng ta nên ghi điểm này: Đây là câu hỏi của bất cứ một ai không hiểu ý thâm của lời Phật dạy. Phật thí-dụ, mà cứ tưởng là Phật nói sự thật, cho nên nghe nói Phật, Bồ-tát , liền tin ngay là đức Phật, là các vị Bồ-tát, không dè những danh-từ ấy đều được dùng với nghĩa tượng trưng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]