Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương
BỐN BIỆN TÀI
Có bốn loại biện tài là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện.
1) Nghĩa biện là những điều nói ra của người này hay người kia, hoặc những điều nói ra từ trời, rồng, quỷ thần, đều có thể phân biệt ý nghĩa của chúng.
2) Mười hai bộ kinh mà Như Lai nói ra bao gồm: Khế kinh, Kỳ dạ, Phúng tụng, Nhân duyên, Thọ ký, Thí dụ, Bổn sanh, Bổn sự, Tự thuyết, Phương đẳng, Hiệp tập, Vị tằng hữu, cùng các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp ấy thật không thể biến hoại, được tổng trì. Đó gọi là pháp biện.
3) Như ở trước chúng sanh, lời nói dài hay ngắn, lời nói nam hay nữ, lời Phật, lời bà-la-môn, thiên long, quỷ thần; những lời được nói bởi A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la nói cho họ; tùy theo căn nguyên của họ mà vì họ thuyết pháp. Đó gọi là từ biện.
4) Trong lúc thuyết pháp không có khiếp nhược, không có sợ hãi, hay khiến cho chúng bốn bộ hòa vui. Đó gọi là ứng biện.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 5)
BỐN BỘC LƯU
Nếu chúng sanh chìm trong những dòng lũ bốn bộc lưu, trọn chẳng đắc đạo. Bốn bộc lưu là dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu.
1) Thế nào gọi là dục bộc lưu? Đó là năm dục. Những gì là năm? Mắt thấy sắc khởi thức tưởng của mắt; tai nghe tiếng khởi thức tưởng của tai, mũi ngửi mùi khởi thức tưởng của mũi, lưỡi nếm vị khởi thức tưởng lưỡi, thân biết xúc chạm khởi thức tưởng thân.
2) Thế nào là hữu bộc lưu? Đó là ba hữu. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Thế nào gọi là kiến bọc lưu? Chấp thế gian là thường, vô thường; thế gian là hữu biên, vô biên; có thân, có mạng; chẳng phải thân, chẳng phải mạng; Như Lai có chết, Như Lai không chết, hoặc Như Lai vừa chết Như Lai không chết, không phải Như Lai vừa chết cũng không phải Như Lai không chết.
3) Thế nào là vô minh bộc lưu? Vô minh là không biết, không tin, không thấy; tâm ý tham dục, hằng mong cầu và có ngũ cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo cử cái, nghi cái. Lại chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo.
4) Thiên tử nên biết, Như Lai nói bốn dòng lũ này. Nếu có ai chìm vào đây thì chẳng thể đắc đạo.
Nếu phàm phu chẳng nghe bốn dòng lũ này thì chẳng được bốn an lạc. Thế nào là bốn? Đó là lạc do an chỉ, lạc chánh giác, lạc của Sa-môn, lạc Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 9)
BỐN CHỖ NGỒI
1) Chỗ ngồi thấp
2) Chỗ ngồi chư Thiên
3) Chỗ ngồi Phạm thiên
4) Chỗ ngồi Phật.
Chỗ ngồi thấp là toà của Chuyển luân Thánh vương. Chỗ ngồi chư Thiên là toà của Thích Đề-hoàn Nhân. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của Phạm thiên vương. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn đế.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi hướng Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi chư Thiên là chỗ ngồi đắc Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi hướng Tư-đà-hàm. Chỗ ng���i Phật là chỗ ngồi bốn niệm xứ.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi đắc Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi hướng A-na-hàm. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi đắc A-na-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn vô lượng tâm.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi dục giới. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi sắc giới. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi vô sắc giới. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn thần túc.
Như Lai do ngồi chỗ ngồi bốn thần túc nên được ngủ ngon. Ở đó, không khởi dâm, nộ, si. Đã không khởi tâm ba độc này, bèn ở trong vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn, biết như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 3)
BỐN CHỦNG TÁNH
Có bốn chủng tánh là sát- lợi, bà-la-môn, trưởng giả và cư sĩ. Ở chỗ Như Lai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì, không còn dòng họ cũ nữa mà chỉ gọi là Sa-môn đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy?
Vì chúng Như Lai cũng như biển lớn, bốn đế cũng như bốn sông lớn, diệt trừ kết sử khiến vào thành Niết-bàn vô úy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, những ai trong bốn chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, họ sẽ diệt tên họ trước kia, tự gọi là đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy? Vì nay Ta chính là con của họ Thích-ca, từ dòng họ Thích xuất gia, học đạo.
Các Tỳ-kheo nên biết, muốn nói về ý nghĩa của con đẻ, phải gọi là Sa-môn con nhà họ Thích. Vì sao vậy? Vì sinh đều từ Ta sinh ra, từ pháp mà khởi, từ pháp mà thành. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện để được làm con nhà họ Thích.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 9)
BỐN GIỚI
1) Đất, nước, lửa, gió. Đó gọi là bốn giới.
2) Đất có hai loại: đất trong và đất ngoài. Sao gọi đại chủng đất bên trong ? Đó là tóc, lông, móng, răng, thân thể, da bọc ngoài, gân cốt, tuỷ não, ruột, bao tử, gan, mật, tỳ thận. Đó gọi là đại chủng đất trong. Thế nào là đại chủng đất bên ngoài? Đó là những gì cứng chắc. Đó gọi là đại chủng đất bên ngoài.
3) Sao gọi đại chủng nước? Đại chủng nước có hai: đại chủng nước bên trong, đại chủng nước bên ngoài. Đại chủng nước bên trong là đờm dãi, nước mắt, nước tiểu, máu, tuỷ. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Còn các vật mềm ướt bên ngoài. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài.
4) Sao gọi đại chủng lửa? Đại chủng lửa có hai: đại chủng lửa bên trong, đại chủng lửa bên. Sao gọi là lửa trong? Là sự tiêu hóa tất cả những vật được ăn, không còn dư sót. Đó gọi là lửa bên trong. Sao gọi là lửa bên ngoài? Những vật giữ hơi nóng, vật ở bên ngoài.
5) Tại sao gọi là đại chủng gió? Đại chủng gió có hai: gió trong và gió ngoài. Gió trong là gì? Đó là gió trong môi, gió mắt, gió đầu, gió thở ra, gió thở vào, gió trong tất cả các khớp tay, chân. Đó gọi là gió trong. Sao gọi là gió ngoài? Đó là vật khiến lay động nhẹ, nhanh chóng. Đó gọi là gió ngoài.
Con người khi mạng chung, bốn đại chủng ấy trở về gốc của chúng.
Pháp vô thường cũng không cùng chung với pháp thường. Sở dĩ như vậy là vì đại chủng đất có hai, hoặc trong hoặc ngoài. Bấy giờ, đất trong là pháp vô thường, là pháp biến dịch, còn đại chủng đất ngoài thường trụ không biến đổi. Đó gọi là đất có hai loại không tương ưng với thường và vô thường. Còn ba đại kia cũng lại như vậy, giữa thường và vô thường không tương ưng nhau.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 4)
BỐN HẠNG NGƯỜI ĐÁNG QUÝ
Nay có bốn hạng người đáng kính, đáng quý, là ruộng phước thế gian là tùy tín hành, tùy pháp pháp, thân chứng, kiến đạo.
1) Hoặc có một người lãnh thọ sự giáo giới của người khác, có tín tâm chí thiết, ý không nghi nan; có tín tâm nơi Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu là Phật Thế Tôn, cũng có tín nơi lời dạy của Như Lai, cũng có tín nơi lời dạy của đồng phạm hạnh; hằng có tín nơi lời người khác, không tùy theo trí của mình. Đó gọi là người trì tín.
2) Ở đây, có người phân biệt ở nơi pháp, không tin người khác; quán sát pháp rằng, ‘Có chăng? Không chăng? Thật chăng? Hư chăng?’ Rồi người ấy nghĩ thầm: ‘Đây là lời Như Lai, đây là lời đồng phạm hạnh.’ Vì biết đây là pháp ngữ của Như Lai, người ấy liền phụng trì. Nếu là những lời của ngoại đạo, người ấy xa lìa. Đó gọi là người tùy pháp.
3) Ở đây, có người tự thân tác chứng, cũng không tin người khác, cũng không tin lời Như Lai và, những ngôn giáo của các Tôn túc đã dạy lại cũng chẳng tin, chỉ theo tính mình mà chứng nhập. Đó gọi là người thân chứng.
4) Ở đây, có người đoạn ba kết, thành pháp bất thối chuyển Tu-đà-hoàn. Người ấy có kiến giải này: ‘Có bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v.’ Người ấy vâng lời dạy, tin vào tự thân tác chứng mà tự chứng nhập.
Hãy niệm trừ ba hạng người đầu. Hãy niệm tu pháp thân chứng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 10)
BỐN HẠNG NGƯỜI ĐỆ NHẤT
1) Tỳ-kheo đa văn thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
2) Tỳ-kheo-ni đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là tối đệ nhất.
3) Ưu-bà-tắc đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
4) Ưu-bà-di đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
Đó gọi là có bốn hạng người ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
Dũng mạnh, không sợ hãi
Đa văn, hay thuyết pháp
Trong chúng là sư tử
Hay trừ pháp khiếp nhược.
Tỳ-kheo, thành tựu giới
Tỳ-kheo-ni đa văn
Ưu-bà-tắc có tín
Ưu-bà-di cũng vậy.
Trong chúng là đệ nhất
Hoặc hay hòa thuận chúng
Muốn biết được nghĩa này
Như lúc trời mới mọc.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thông suốt việc xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 7)
BỐN HÀNH TÍCH
1) Thế nào gọi là lạc hành tích, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người tham dục, sân giận, ngu si lừng lẫy, sở hành rất khổ không tương ưng với gốc của hạnh. Người ấy năm căn ngu tối không được lanh lợi. Thế nào là năm? Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Nếu đem ý ngu để cầu tam-muội dứt hữu lậu, đấy gọi là lạc hành tích, độn căn đắc đạo.
2) Thế nào gọi là hành tích lạc, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người không dục, không dâm, hằng tự giảm bớt tham dục không ân cần; sân hận, ngu si rất giảm thiểu. Năm căn lanh lợi, không buông lung. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm căn. Có được năm căn, thành tựu tam-muội, diệt tận hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là bằng lợi căn mà hành nơi đạo tích.
3) Thế nào gọi là hành tích khổ, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người lòng dâm quá nhiều; sân giận, ngu si lừng lẫy. Người ấy sống với pháp này mà dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Đó gọi là khổ hành tích độn căn.
4) Thế nào gọi là hành tích lạc, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người ít dục, ít dâm, không sân hận, cũng không khởi tưởng hành ba việc này. Lúc ấy, năm căn này không thiếu sót. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm. Người ấy bằng pháp này mà được tam-muội, dứt hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là khổ hành lợi căn.
Hãy tìm cầu phương tiện bỏ ba hành tích trước, vâng hành một hành sau. Vì cớ sao? Vì với khổ hành tích, khó đắc tam-muội. Khi đã đắc, liền thành đạo, tồn tại lâu ở đời. Vì sao thế? Chẳng thể đem lạc cầu lạc, do khổ mà sau mới thành đạo.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy thường dùng phương tiện thành tựu hành tích này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 3)
BỐN KHU VƯỜN
1) Tại sao gọi là vườn Từ? Tỳ-kheo nên biết, do vườn Từ này mà sinh lên trời Phạm thiên; từ cõi trời Phạm thiên đó chết đi, sinh trong nhà hào quý, nhiều tiền lắm của, hằng có vui ngũ dục, an trú chưa từng rời mắt.
2) Vì sao gọi là vườn Bi? Tỳ-kheo nên biết, nếu hay thân cận tâm bi giải thoát thì sinh cõi trời Phạm Quang Âm. Nếu sinh trở lại trong loài người thì sinh nhà tôn quí, không có sân giận, cũng nhiều tiền lắm của.
3) Vì sao gọi là vườn Hỷ? Nếu người hay thân cận vườn Hỷ thì sinh trời Quang âm. Nếu sinh trở lại trong loài người thì sinh nhà Quốc vương, lòng thường hoan hỷ.
4) Vì sao gọi là vườn Xả? Nếu người thân cận vườn xả thì sẽ sinh trời Vô tưởng, thọ bốn vạn tám nghìn kiếp. Nếu lại sinh trong loài người thì sinh nhà ở chốn trung ương, cũng không sân hận, hằng xả tất cả hành phi pháp.
Trong Chánh pháp Như Lai có bốn vườn này khiến các Thanh văn được dạo chơi trong ấy. Trong bốn vườn này của Như Lai có bốn hồ tắm để hàng Thanh văn của Ta tắm rửa, dạo chơi trong ấy, dứt hết hữu lậu thành tựu vô lậu, không còn trần cấu. Những gì là bốn? Hồ có tầm, có tứ; hồ tắm không tầm, không tứ; hồ tắm xả niệm; hồ tắm không khổ, không lạc.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 5)
BỐN LOÀI CHIM
1) Chim tiếng hót hay mà hình thì xấu. Đó là chim câu-sí-la.
2) Chim hình đẹp mà tiếng hót thì dở. Đó là chim chí.
3) Chim tiếng hót dở mà hình cũng xấu. Đó là chim cú.
4) Chim hình đẹp, tiếng hót cũng hay. Đó là chim công.
Hoặc có Tỳ-kheo nhan sắc đoan chánh, ra vào đi lại, đắp y mang bát, co duỗi, cúi ngước, oai nghi thành tựu, nhưng lại không thể đọc tụng được những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện; không thể vâng lãnh giáo pháp, cũng lại không thể khéo đọc tụng. Đó là người này có hình đẹp mà tiếng không hay.
Hoặc có Tỳ-kheo, ra vào, đi lại, co duỗi, cúi ngước, đắp y mang bát, mà không thành tựu oai nghi; nhưng hằng thích nói rộng. Người ấy lại siêng năng trì giới, nghe pháp, có khả năng biết những điều học, nghe nhiều những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện, nghĩa lý sâu xa, tu phạm hạnh đầy đủ. Hơn nữa, đối pháp kia, khéo thọ trì, khéo đọc tụng. Người này gọi là có tiếng hay mà hình xấu.
Hoặc có người phạm giới, không siêng năng, không nghe nhiều, những gì đã nghe liền quên. Cần phải đầy đủ phạm hạnh ở trong pháp này, nhưng người không vâng lãnh. Người này gọi là tiếng dở mà hình cũng xấu.
Hoặc có Tỳ-kheo tướng mạo đoan chánh, ra vào, đi lại, đắp y, mang bát, không nhìn ngó hai bên; rồi lại siêng năng tu hành thiện pháp, giới luật đầy đủ, thấy điều phi pháp nhỏ còn luôn ôm lòng sợ hãi huống nữa là lớn, cũng lại nghe nhiều, ghi nhận không quên; lại tu hành tốt đẹp những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện. Người ấy khéo thọ trì, đọc tụng pháp như vậy. Pháp như vậy khéo đọc tụng. Người này gọi là tiếng hay thân cũng đẹp.
Đó gọi là thế gian có bốn hạng người này ở đời, mà mọi người đều biết. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học tiếng hay, hình cũng đẹp.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 9)
BỐN LOÀI SINH
1) Sinh ra từ trứng, các loại như gà, chim, quạ, bồ câu, khổng tước, rắn, cá, kiến; thảy đều là sinh trứng. Đó gọi là sinh trứng.
2) Người cùng súc sinh, đến loài vật hai chân. Đó gọi là sinh từ thai.
3) Những con trùng được sinh từ trong thịt rữa, trùng trong nhà xí, trùng trong thây chết; thảy đều được gọi là sinh từ nhân duyên.
4) Đó là các loại trời, địa ngục, ngạ quỉ, hoặc người, hoặc súc sanh. Đó gọi là sinh từ hóa.
Các Tỳ-kheo lìa bỏ bốn loại sinh này, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bốn đế.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 5)
BỐN LOẠI THỨC ĂN NUÔI LỚN CHÚNG SANH
1. Đoàn thực, hoặc lớn hay nhỏ 2. Xúc thực
3. Niệm thực 4. Thức thực.
Đoàn thực là như những thức ăn của người hiện nay, vật để đưa vào miệng có thể ăn.
Xúc thực là chỉ cho y phục, lọng dù, hương hoa, sưởi lửa, dầu thơm hay sự tụ hội với phụ nữ, và những thứ khác được xúc chạm bởi thân thể.
Tất cả những niệm tưởng, những gì được niệm tưởng, được tư duy trong ý, những gì được nói bởi miệng, hoặc được xúc bởi thân, cùng những pháp được ghi nhớ.
Những gì được niệm tưởng bởi thức, được nhận biết bởi ý, từ Phạm thiên làm đầu cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng, dùng thức làm thức ăn.
Chúng sanh do bốn loại thức ăn này mà lưu chuyển trong sanh tử, từ đời này sang đời khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy xả ly bốn loại thức ăn này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 4)
BỐN LOẠI TRÁI CÂY
1. Trái sống mà tựa chín 2. Trái chín mà tựa sống
3.Trái chín mà tựa chín 4. Trái sống mà tựa sống.
Đó là, này Tỳ-kheo thế gian có bốn loại trái này. Cũng lại như vậy, thế gian có bốn hạng người này. Thế nào là bốn?
1. Có người sống mà giống chín
2. Có người chín mà giống sống
3. Có người chín mà giống chín
4. Có người sống mà giống sống.
Có người qua lại, đi bước không hành thô tháo. Mắt nhìn ngó phải thuận theo pháp giáo. Đắp y, mang bát cũng lại theo pháp. Bước đi, nhìn xuống đất, không liếc nhìn hai bên. Nhưng lại phạm giới, không theo chánh hạnh; thật chẳng phải sa-môn mà giống sa-môn; không hành phạm hạnh mà tự nói hành phạm hạnh; bại hoại Chánh pháp; là loại mà rễ đã mục. Người này gọi là sống mà giống chín.
Có Tỳ-kheo tánh hạnh có vẻ quê mùa, nhìn ngó không ngay, cũng không đi đúng theo pháp, hay liếc ngó hai bên. Nhưng lại tinh tấn nghe nhiều, tu hành pháp thiện, thường giữ giới luật, không mất oai nghi, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi. Người này gọi là chín mà giống sống.
Có Tỳ-kheo không giữ giới cấm, không biết lễ tiết bước đi, cũng lại không biết ra vào đi lại, cũng lại không biết đắp y, mang bát, các căn thác loạn, tâm đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm giới cấm, không hành Chánh pháp, không là sa-môn mà giống sa-môn, không hành phạm hạnh mà giống phạm hạnh; là người mà rễ đã mục không thể cứu chữa. Người này gọi là sống mà giống sống.
Có Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, ra vào, đi bước, không mất thời tiết, nhìn ngó không mất oai nghi, lại rất tinh tấn tu hành pháp thiện, mọi oai nghi lễ tiết đều thành tựu, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi huống chi là to lớn. Người này gọi là chín mà giống chín.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có (bốn) hạng người như bốn loại trái này. Hãy học người quả chín.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 7)
BỐN PHÁP BỔN SỚM THÀNH CHÁNH GIÁC
1) Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát hành bốn pháp bổn, đầy đủ sáu ba-la-mật, sẽ nhanh chóng thành Vô Thượng Chánh Chơn Đẳng Chánh Giác. Sao gọi là bốn? Ở đây Bồ-tát huệ thí từ Phật, Bích-chi-phật xuống cho đến người phàm thảy đều bình đẳng không lựa chọn người, thường nghĩ vầy: ‘Tất cả do ăn mà tồn tại, không ăn thì tiêu vong.’
2) Bồ-tát khi bố thí đầu, mắt, tủy não, nước, của, vợ con, vui vẻ bố thí không sinh tưởng đắm trước. Như người đáng chết, đến khi chết thì sống lại, vui mừng hớn hở không tự kềm chế được. Bấy giờ, Bồ-tát phát tâm vui thích cũng lại như vậy; bố thí thệ nguyện không sinh tưởng đắm trước.
3) Bồ-tát lúc bố thí khắp đến tất cả, không tự vì mình, mà vì để thành Đạo Vô thượng Chánh chơn. Đó gọi là thành tựu ba pháp này đầy đủ sáu độ.
4) Bồ-tát Ma-ha-tát lúc bố thí tự tư duy, ‘Trong các loài chúng sanh, Bồ-tát là đứng đầu trên hết, đầy đủ sáu độ liễu đạt gốc của các pháp. Vì sao vậy? Vì các căn tịch tĩnh, tư duy cấm giới, không khởi sân nhuế, tu hành tâm từ, dõng mãnh tinh tấn, tăng trưởng pháp thiện, trừ pháp bất thiện, thường hằng nhất tâm, ý không tán lọan, đầy đủ pháp môn biện tài, hoàn toàn không vượt thứ lớp, khiến cho các thí này đầy đủ sáu độ, thành tựu đàn ba-la-mật.’
Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát nào hành bốn pháp này, nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác. Cho nên, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc muốn bố thí, nên phát thệ nguyện đầy đủ các hạnh này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 5)
BỐN PHÁP ĐƯA VÀO ĐỊA NGỤC
Có bốn pháp mà ai tập hành, người đó sẽ vào trong địa ngục.
Thế nào là bốn? Thân, miệng, ý và mạng không thanh tịnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
BỐN PHÁP ĐƯA VỀ CÕI LÀNH
Có bốn pháp mà nếu ai tu tập hành theo thì sẽ sinh cõi lành, lên trời. Thế nào là bốn? Bố thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
BỐN PHÁP ĐƯỢC SANH VÀO LOÀI NGƯỜI
Nay có bốn việc mà nếu người tu hành theo thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh trong loài người. Thế nào là bốn?
Người mà thân, miệng, ý và mạng thanh tịnh không tỳ vết, lúc mạng chung sẽ được sinh trong loài người.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
BỐN PHÁP ĐƯỢC THẾ GIAN KHÔNG ÁI KÍNH
1) Tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích.
2) Người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích.
3) Được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích.
4) Ân ái hội hợp sau lại chia lìa.
Đó là những điều người đời không thích.
Đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này. Đó là thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường. Thế nào là bốn?
1.Giới Thánh hiền 2. Tam muội Thánh hiền
3.Trí tuệ Thánh hiền 4. Giải thoát Thánh hiền.
Đó là có bốn pháp này mà ai không giác tri, thì phải thụ nhận bốn pháp trên. Nay Ta cùng các ngươi nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như nay thân thể Như Lai suy già, phải chịu báo suy hao này. Cho nên, hãy tìm cầu Niết-bàn vĩnh tịch này, không sinh, không già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly, thường niệm tưởng biến dịch vô thường. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 26. Phẩm Bốn Đoạn Ý, Kinh số 6)
BỐN PHÁP DỨT SANH TỬ
Có bốn pháp nếu ai tập hành theo, khi thân hoại mạng chung, diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa. Thế nào là bốn?
Thiền có tầm có tứ; thiền không tầm, không tứ; xả niệm; thiền khổ lạc diệt.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
BỐN PHÁP MANG LỢI ÍCH NHIỀU
1.Gần gũi thiện tri thức 2. Nghe pháp
3.Nên biết pháp 4. Phân minh pháp và pháp tướng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 2)
BỐN PHÁP NIỆM XỨ
Tỳ-kheo, xét bốn pháp như thế nào?
1) Quán thân nơi nội thân, trừ khử sầu ưu, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ.
2) Quán thọ nơi nội thọ, thọ niệm xứ; quan thọ nơi ngoại thọ, thọ niệm xứ; quán thọ nơi nội ngoại thọ, thọ niệm xứ.
3) Quán tâm nơi nội tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi ngoại tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi nội ngoại tâm, tâm niệm xứ;trừ khử sầu ưu, không còn các khổ hoạn.
4) Quán pháp nơi nội pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi ngoại pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi nội ngoại pháp, pháp niệm xứ.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 3)
BỐN PHÁP THIỆN TĂNG TRƯỞNG
Giống như núi sông, vách đá, trăm cỏ, ngũ cốc, đều nương trên đất mà được tăng trưởng lớn mạnh. Vì vậy, đất này là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, các pháp đạo phẩm thiện, trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp thiện được tăng trưởng lớn mạnh. Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn chánh đoạn, tu tập nhiều bốn chánh đoạn. Những gì là bốn?
1) Pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh.
2) Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
3) Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh.
4) Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 26. Phẩm Bốn Đoạn Ý, Kinh số 1)
BỐN SỢ HÃI LỚN
Có bốn sợ hãi lớn hằng truy bức thân người, không bao giờ có thể ức chế; cũng không thể dùng chú thuật, chiến đấu, cỏ thuốc, mà có thể ức chế được. Đó là, sanh, già, bệnh, chết. Cũng như bốn hòn núi lớn từ bốn phương ập đến với nhau, làm gãy đổ cây cối, tất cả đều bị hủy diệt.
Khi sanh ra, cha mẹ ôm lòng sầu lo, khổ não, không thể kể hết. Khi sự già đến, không còn trai trẻ nữa, thân hình bại hoại; tay chân, gân khớp lỏng lẻo. Khi bệnh đến, lúc đang trai trẻ, mà không còn khí lực, mạng sống rút ngắn dần. Khi chết đến, mạng căn bị cắt đứt, ân ái biệt ly, năm ấm tan rã. Đó là bốn sợ hãi lớn, khiến cho không được tự tại.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
BỐN SỰ CHE KHUẤT
Mặt trời, mặt trăng, bị bốn sự che khuất khiến không phóng ra được ánh sáng. Thế nào là bốn? Một là mây, hai là bụi gió, ba là khói, bốn là A-tu-la, khiến mặt trời, mặt trăng bị che khuất, không phóng ánh sáng được. Đó gọi là mặt trời, mặt trăng bị bốn sự che khuất này, khiến không phóng ánh sáng lớn được. Ở đây cũng vậy, Tỳ-kheo có bốn kết sử che kín tâm người không khai mở được. Thế nào là bốn?
Một là dục kết, che lấp tâm người không khai mở được, hai là sân nhuế, ba là ngu si, bốn là lợi dưỡng, che khuất tâm người không khai mở được.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 2)
BỐN SỰ CÔNG ĐỨC
1) Biết thời mà bố thí chứ không phải không biết thời.
2) Tự tay hu�� thí không sai người khác.
3) Bố thí thường trong sạch, chẳng phải không trong sạch.
4) Bố thí thật vi diệu, không có vẩn đục.
Thiện tri thức khi bố thí có bốn công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân lúc bố thí nên đủ bốn công đức này. Do đủ công đức này, được phước nghiệp lớn, được sự tịch diệt của cam lồ. Nhưng phước đức này không thể đo lường, nên nói sẽ có ngần phước nghiệp như vậy mà hư không không thể dung chứa hết.
Giống như nước biển không thể đong để nói là một hộc, nửa hộc, một lẻ, nửa lẻ. Nhưng phước nghiệp này không thể trần thuật đầy đủ. Như vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân đã tạo ra những công đức không thể kể, được phước nghiệp lớn, được cam lồ tịch diệt, nên nói sẽ có ngần ấy phước đức như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 9)
BỐN THỦ
Nay sẽ nói về bốn thủ. Bốn thủ ấy? Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ.
Bốn thủ này do gì sinh? Bốn thủ này do ái mà sinh, do ái mà lớn, và thành tựu thủ này. Đối với ai mà các thủ không khởi, vì các thủ không khởi, nên người ấy không có sự sợ hãi. Do không có sự sợ hãi nên Bát-niết-bàn, biết rõ như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 2)
BỐN VỊ TẰNG HỮU
1) Các loài chúng sanh này bị nhiều đắm nhiễm. Nếu khi nói pháp không đắm nhiễm, chúng cũng vâng lãnh, niệm tưởng tu hành, tâm không xa lìa.
2) Chúng sanh này luôn luân chuyển không dừng trong năm nẻo. Giả sử Ta muốn nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa lìa.
3) Chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không rời đầu mối tâm. Giả sử Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa lìa. Này A-nan, chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không bỏ chốc lát nào. Giả sử khi Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh.
4) Chúng sanh này bị vô minh che kín. Giả sử khi Ta nói pháp minh, chúng cũng vâng lãnh mà không quên mất. Lại nữa, này A-nan, nếu khi Ta nói pháp minh, vô minh này, mà tâm ý chúng nhu hòa luôn thích tu hành; đó gọi là, này A-nan, khi Như Lai xuất ở đời, có pháp vị tằng hữu thứ tư này xuất hiện ở đời.
Nếu lúc Như Lai đang hiện tại, khi ấy có bốn pháp vị tằng hữu này xuất hiện ở đời. Cho nên, này A-nan, hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 3)
BỐN VÔ SỞ ÚY
1) Như Lai ra đời có bốn vô sở úy. Như Lai được bốn vô sở úy này, nên không bị dính trước bất cứ điều gì trên thế gian, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển Phạm luân.
2) Nay Ta đã thành tựu pháp này, cho dù ở trong đại chúng hoặc sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên cho đến loài bọ bay, cựa quậy, nói rằng Ta không thành tựu pháp này, không có trường hợp này. Ở trong đó Ta đắc vô sở úy.
3) Ta các lậu đã diệt tận, không còn tái sinh nữa. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói rằng Ta các lậu chưa diệt tận, không có trường hợp này.
4) Nay Ta đã lìa pháp si ám, mà muốn khiến trở lại pháp si ám, hoàn toàn không có việc này. Nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sinh nào, ở trong đại chúng nói Ta đã trở lại pháp si ám, việc này không đúng.
Pháp xuất yếu của các bậc Hiền thánh để sạch hết bờ khổ mà muốn nói đó không là xuất yếu, hoàn toàn không có việc này. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói, Như Lai chưa tận cùng biên tế khổ, không có trường hợp này.
Như vậy, với bốn vô sở úy, Như Lai ở trong đại chúng có thể rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh Phạm luân.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 6)
BUÔNG GÁNH XUỐNG
Hãy niệm bỏ gánh nặng
Chớ tạo gánh mới nữa
Gánh là bệnh thế gian
Buông gánh, lạc đệ nhất.
Ái kết cũng đã trừ
Phi pháp hành cũng xả
Vĩnh viễn xa ly đây
Không còn tái sinh nữa.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 4)
BUÔNG LUNG NHƯ CON LỪA
Kia, sao gọi là người giống lừa? Có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, vì lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Bấy giờ người ấy các căn không định, khi mắt thấy sắc thì theo đó khởi lên sắc tưởng, dong ruổi vạn mối, lúc bấy giờ mắt không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến và cũng không thể phòng hộ được nhãn căn.
Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn nhuyễn, ý biết pháp, theo đó khởi lên bệnh thức, dong ruổi vạn mối, lúc bấy giờ ý căn không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến, cũng lại không thể giữ được ý căn, không có oai nghi lễ tiết, bước lên, dừng lại, co duỗi, cúi ngước; khoác y, ôm bát, đều trái cấm giới, bị đồng phạm hạnh bắt gặp chê trách rằng: ‘Ôi, người ngu này giống như Sa-môn!’ Nó liền bị hạch tội: ‘Nếu là Sa-môn, đáng ra không nên như vậy.’ Nó lại nói như vầy: ‘Tôi cũng là Tỳ-kheo! Tôi cũng là Tỳ-kheo!’ Giống như con lừa vào trong bầy bò mà tự xưng là: ‘Tôi cũng là bò! Tôi cũng là bò!’ Nhưng hai lỗ tai của nó xem ra lại không giống bò, sừng cũng không giống, đuôi cũng không giống, âm thanh đều khác.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 4)
CÁC CĂN TỊCH TỊNH
Khi mắt thấy sắc, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng, mũi ngưởi hương, lưỡi biết vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ ý căn. Như vậy là Tỳ-kheo có các căn tịch tịnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 6)
CÁC NAM PHẬT TỬ NỔI BẬT VÀO THỜI ĐỨC PHẬT
1) Ưu-bà-tắc đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, người đầu tiên nghe pháp dược mà chứng thành Hiền thánh, chính là thương khách Tam Quả.
2) Trí tuệ đệ nhất, chính là Gia chủ Chất-đa.
3) Thần đức đệ nhất, chính là Kiền-đề A-lam.
4) Hàng phục ngoại đạo, chính là Gia chủ Quật-đa.
5) Thường nói pháp sâu, chính là Gia chủ Ưu-ba-quật.
6) Thường tọa thiền tư duy, chính là Ha-Xỉ A-la-bà.
7) Hàng phục bọn ma, chính là Gia chủ Dũng Kiện.
8) Phước đức sung mãn, chính là Gia chủ Xà-lợi.
9) Chủ đại đàn thí, chính là Gia chủ Tu-đạt.
10) Thành tựu môn tộc, chính là Gia chủ Mẫn-dật.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 6. Phẩm Thanh Tín Sĩ, Kinh số 1)
CÁC NỮ PHẬT TỬ NỔI BẬT VÀO THỜI ĐỨC PHẬT
1) Ưu-bà-di đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, người đầu tiên thọ trì đạo mà chứng quả, chính là Ưu-bà-di Nan-đà Nan-đà-bà-la.
2) Trí tuệ đệ nhất, chính là Ưu-bà-di Cửu-thọ-đa-la.
3) Thường thích tọa thiền, chính là Ưu-bà-di Tu-tỳ-da-nữ.
4) Huệ căn tỏ rõ, chính là Ưu-bà-di Tỳ-phù.
5) Kham năng nói pháp, chính là Ưu-bà-di Ương-kiệt-xà.
6) Khéo diễn nghĩa kinh, chính là Ưu-bà-di Bạt-đà-sa-la Tu-diệm-ma.
7) Hàng phục ngoại đạo, chính là Ưu-bà-di Bà-tu-đà.
8) Âm vang trong suốt, chính là Ưu-bà-di Vô Ưu.
9) Hay luận giải nhiều đề tài, chính là Ưu-bà-di Bà-la-đà.
10) Dõng mãnh tinh tấn, chính là Ưu-bà-di Tu-đầu.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 7. Phẩm Thanh Tín Nữ, Kinh số 1)
CÁCH XỬ THẾ CỦA NHƯ LAI
Như Lai xử thế rất đặc biệt. Dù trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, ai hỏi nghĩa Như Lai, Ta sẽ thuyết cho họ. Giả sử quốc vương đại thần, nhân dân hỏi nghĩa Như Lai, Ta cũng sẽ thuyết cho họ. Nếu dòng sát- lợi, bốn chủng tánh, đến hỏi nghĩa, Ta cũng sẽ thuyết pháp cho. Vì sao thế?
Vì hôm nay, Như Lai được bốn vô sở uý, thuyết pháp không có khiếp nhược; cũng được bốn thiền, trong đó tự tại, kiêm đắc bốn thần túc chẳng thể tính kể, hành bốn vô lượng tâm. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không có khiếp nhược. La-hán, Bích-chi-phật không có thể kịp được. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không khó.
Các ngươi hãy tìm phương tiện hành bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Vì sao Thế? Nếu Tỳ-kheo vì chúng sanh, thiện tri thức được gặp, và tất cả cha mẹ, tri thức, thân thuộc đều nhân lấy bốn sự dạy khiến họ biết pháp. Thế nào là bốn?
1) Nên cung kính Phật là bậc Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật Thế tôn, độ người vô lượng.
2) Hãy nên cầu pháp, tu hành pháp chính chân, trừ bỏ hành uế ác. Đây là điều mà bậc trí giả tu hành.
3) Hãy tìm cầu phương tiện cúng dường chúng Tăng. Chúng của Như Lai thường hoà hợp nhau không có tranh tụng, pháp tùy pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Đó là bốn đôi, tám bậc, mười hai hiền sĩ. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng tôn đáng quí, là ruộng phước vô thượng của Thế gian.
4) Lại nên khuyến trợ khiến hành pháp luật Hiền Thánh, không nhiễm ô, tịch tĩnh vô vi.
Nếu có Tỳ-kheo nào muốn hành đạo, nên hành đủ pháp bốn sự này. Vì sao thế? Vì pháp cúng dường Tam bảo, tối tôn, tối thượng không ai sánh kịp.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 2)
CAI TRỊ DÂN PHI PHÁP BỊ ĐỌA ĐỊA NGỤC
Đại vương, hãy cai trị đúng pháp, chứ đừng phi pháp. Lấy chánh lý mà trị dân, chứ đừng phi lý. Đại vương, nếu cai trị dân bằng chánh pháp, sau khi mạng chung thảy đều sanh lên trời. Đại vương sau khi mạng chung được nhân dân tưởng nhớ không hề quên, tiếng tốt lưu truyền xa.
Đại vương, nên biết, những ai cai trị nhân dân bằng phi pháp, sau khi chết đều sanh vào địa ngục. Bấy giờ ngục tốt trói lại năm chỗ, ở trong đó chịu khổ không thể lường hết được; hoặc bị roi, hoặc bị trói, hoặc bị nện; hoặc chặt tay chặt chân, hoặc nướng trên lửa, hoặc rót nước đòng sôi lên thân, hoặc lột da, hoặc mổ bụng, hoặc rút lưỡi, hoặc đâm vào thân, hoăc bị cưa xẻ, hoặc bị giã trong cối sắt hoặc cho bánh xe cán nát thân, hay đuổi chạy trên núi dao rừng kiếm, không cho ngừng nghỉ; hoặc bắt ôm cột sắt cháy, hoặc móc mắt, hoặc xẻ tai, xẻo mũi, chặt tay chân; cắt rồi mọc trở lại.
Hoặc bị bỏ cả thân mình vào trong vạc lớn; hoặc bị chỉa sắt quay lăn thân thể không cho ngừng nghỉ; hoặc bị lôi từ trong vạc ra mà rút gân xương sống làm dây buộc thân vào xe. sau đó lại cho vào địa ngục Nhiết chích. Lại vào địa ngục Nhiệt thỉ. Lại vào địa ngục Thích. Lại vào địa ngục Hôi. Lại vào địa ngục Đao thọ. Lại bắt nằm ngữa, đem hòn sắt nóng bắt nuốt, lăn từ trên xuống khiến ruột, dạ dày bị cháy rục hết. lại rót nước đồng sôi vào miệng, từ trên chảy xuống dưới. Trong đó, chịu khổ không cùng tận. Chỉ khi nào hết tội mới được thoát ra.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
CĂN CƠ CHÚNG SANH KHÔNG ĐỒNG
Thế gian trôi nổi, tánh chất không đồng, định hướng khác biệt, niệm tưởng chẳng phải một. Thiên Đế nên biết, vô số a-tăng-kỳ kiếp xưa kia, Ta cũng sinh ý nghĩ này: Loài trời và chúng sanh, ý thú hướng về đâu? Ước nguyện điều gì? Từ kiếp đó đến nay, Ta không thấy tâm của một ai giống nhau.
Thích Đề-hòan Nhân nên biết, chúng sanh thế gian khởi tưởng điên đảo: vô thường chấp tưởng thường, không phải lạc cho là tưởng lạc, không ngã chấp có tưởng ngã, không phải tịnh chấp có tưởng tịnh, đường chánh khởi tưởng đường tà, ác khởi tưởng phước, phước khởi tưởng ác. Do phương tiện này nên biết, căn tánh của các loài chúng sanh thật khó lường, tánh hạnh chúng khác biệt nhau. Nếu tất cả chúng sanh đều cùng một tưởng, không có nhiều tưởng, thì không thể nhận biết có chín chỗ cư trú của chúng sanh, cũng khó phân biệt được chín nơi cư trú của chúng sanh này; chỗ thần thức y tựa cũng lại khó rõ, cũng không biết có tám địa ngục lớn, cũng khó biết nơi hướng đến của súc sanh, không phân biệt có sự khổ của địa ngục, không biết có sự hào quí của bốn dòng họ, không biết con đường dẫn đến chỗ A-tu-la, cũng lại không biết có trời Tam thập tam. Giả sử tất cả đều cùng một tâm, sẽ như trời Quang âm. Vì chúng sanh có nhiều loại thân khác nhau, nhiêu tưởng niệm cũng khác nhau, cho nên biết có chín nơi cư trú của chúng sanh, chín nơi thần thức y tự tại; biết có tám địa ngục lớn, ba đường ác, cho đến trời Tam thập tam. Do phương tiện này mà biết tánh của các loài chúng sanh không đồng, những điều chúng làm đều khác.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 9)
CẨN THẬN BA NGHIỆP THÂN KHẨU Ý
Lành thay, Mục-liên! Ông đã làm được nhiều điều lợi ích, nhiều thấm nhuần, vì thương xót các loài chúng sanh, mong cầu an lạc cho trời và người, khiến cho Thanh văn của chư Như Lai dần dần đạt đến Niết-bàn diệt tận. Cho nên, hãy tinh cần để thành tựu ba pháp. Vì sao? Nếu Đề-bà-đạt-đâu mà tu hành thiện pháp, thân ba, miệng bốn, ý ba; người ấy chung thân không tham đắm lợi dưỡng, cũng không tạo tội ngũ nghịch để đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao? Phàm người tham đắm lợi dưỡng cũng không có tâm cung kính đối với Tam bảo, cũng không phụng trì cấm giới, không đầy đủ các hành thân, miệng, ý. (Vậy, các ngươi) hãy chuyên niệm các hành của thân, miệng, ý.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 9)
CHĂN TRÂU
Chăn bò không buông lung
Người chủ được nhiều phước
Sáu bò trong sáu năm
Lần lượt thành sáu chục.
Tỳ kheo giới thành tựu
Tự tại trong thiền định
Sáu căn được vắng lặng
Sáu năm thành sáu thông.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 1)
CHE KHUẤT THÌ TỐT
Có ba sự, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Những gì là ba? Một là nữ nhân, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Hai là chú thuật bà-la-môn, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Ba là nghiệp của tà kiến, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 4)
CHỈ CÓ TINH TẤN LÀ HẠNH KHÔNG ĐỒNG GIỮA CÁC NHƯ LAI
Chư Phật Thế Tôn đều giống nhau, cũng đồng giới luật, giải thoát, trí huệ không có gì khác; cũng đồng không, vô tướng, vô nguyện, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân mình, nhìn không biết chán, với đỉnh đầu không thể nhìn thấy.
Tất cả những việc trên đều giống nhau, chỉ có tinh tấn là không đồng. Trong chư Phật Thế Tôn ở quá khứ và vị lai, Ta là vị tinh tấn bậc nhất. Cho nên, này A-na-luật, ở đây tám điều suy niệm của bậc đại nhân này là hơn hết, là tôn là quý, không thể so sánh. Giống như do sữa mà có lạc, do lạc mà có tô, do tô mà có đề-hồ; nhưng ở trong đó, đề-hồ lại là không có gì so sánh. Ở đây cũng vậy, trong điều tám suy niệm của bậc Đại nhân, niệm tinh tấn là hơn hết, thật không gì để so sánh.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 6)
CHỈ VÀ QUÁN
Hai pháp gì? Đó là chỉ và quán.
Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã đắc tịch tĩnh, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì thành tựu giới luật, không mất oai nghi, không phạm cấm hạnh, tạo các công đức.
Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã lại được quán rồi, liền quán và biết như thật rằng, đây là khổ; quán biết như thật rằng đây là khổ tập, khổ diệt, khổ đạo xuất yếu. Người đó quán như vậy rồi, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, bèn được trí giải thoát, biết như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.
Chư Như Lai Chí chơn, Chánh đẳng Chánh giác thời quá khứ, nhờ hai pháp này mà được thành tựu. Vì sao vậy? Như khi Bồ-tát ngồi dưới bóng thọ vương, trước tiên tư duy pháp chỉ và quán nầy. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát đã đắc chỉ rồi, bèn có thể hàng phục được các ma oán. Nếu Bồ tát đạt được quán rồi, ngay sau đó liền đạt được ba đạt trí, thành Vô thượng Chí chân, Đẳng chánh giác.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 7)
CHIM VÀ RỒNG
Có bốn loài chim cánh vàng. Những gì là bốn?
1) Chim cánh vàng sinh bằng trứng
2) Chim cánh vàng sinh bằng thai
3) Chim cánh vàng sinh do ẩm
4) Chim cánh vàng sinh do biến hóa.
Có bốn loài rồng. Những gì là bốn?
1) Rồng sinh bằng trứng
2) Rồng sinh bằng thai
3) Rồng sinh do ẩm thấp
4) Rồng sinh do biến hóa.
Khi Long vương đang thừa sự Phật, chim cánh vàng không thể ăn thịt được. Vì sao vậy? Như Lai thường hành bốn vô lượng tâm, vì vậy cho nên chim không thể ăn rồng. Sao gọi là bốn vô lượng tâm? Là Như Lai thường hành tâm từ, thường hành tâm bi, thường hành tâm hỷ, thường hành tâm xả. Đó gọi là Như Lai thường có bốn vô lượng tâm này; có gân sức mạnh, dõng mãnh lớn, không thể ngăn và hoại được. Vì vậy, nên chim cánh vàng không thể ăn rồng.
Cho nên các Tỳ-kheo phải hành tâm tứ vô lượng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 8)
CHÍN HẠNG NGƯỜI LÌA KHỔ
Có chín hạng người lìa được khổ hoạn. Những gì là chín? Hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hòan, đắc Tu-đà-hòan và người chủng tánh là chín.
Như Lai xuất hiện thế gian được nói là rất khó gặp, thân người khó được, sinh nhằm trung bộ cũng khó được, gặ gỡ thiện tri thức cũng vậy. Nghe pháp được giảng thuyết cũng rấ khó. Pháp pháp tương sinh, thật lâu mới có một lần.
Nay Như Lai xuất hiện ở thế gian, ngươi được nghe chánh pháp, các căn không thiếu để có thể nghe chánh pháp kia, mà nay không ân cần, sau này hối không kịp. Đây là những lời giáo giới của Ta.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 7)
CHÍN HẠNG NGƯỜI QUA LẠI
Thế gian này có chín hạng người qua lại. Thế nào là chín?
1) Đoán biết ý nghĩ của người
2) Nghe rồi mới biết
3) Xem tướng sau đó mới biết
4) Quán sát nghĩa lý sau đó mới biết
5) Biết vị nếm sau đó mới biết
6) Biết nghĩa biết vị nếm sau đó mới biết
7) Không biết nghĩa không biết vị
8) Học ở sức thần túc tư duy
9) Nghĩa được nhận rất ít.
Nay Tỳ-kheo Chu-lợi-bàn-đặc chỉ tập thần túc, chứ không học pháp khác. Tỳ-kheo này thường dùng thần túc thuyết pháp cho người.
Tỳ-kheo A-nan của Ta xem tướng mà đoán biết ý nghĩ của người, biết Như Lai cần cái này, không cần cái này; cũng biết Như Lai sẽ nói việc này, bảo xa lìa việc này. Tất cả đều biết rõ ràng. Như nay, không có ai vượt lên trên Tỳ-kheo A-nan về việc xem rộng các nghĩa kinh không đâu không khắp.
Tỳ-kheo Chu-lợi-bàn-đặc này có thể hóa một thân thành nhiều thân, rồi hiệp trở lại thành một. Tỳ-kheo này ngày sau sẽ diệt độ ở giữa hư không. Ta không thấy người nào khác diệt độ như Tỳ-kheo A-nan và Tỳ-kheo Chu-lợi-bàn-đặc này.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 7)
CHÍN NƠI Ở CỦA CHÚNG SANH
1) Chúng sanh nhiều thân thân khác nhau với nhiều tưởng khác. Đó là chỉ cho người.
2) Chúng sanh nhiều thân thân khác nhau với nhiều tưởng khác. Đó là chỉ cho trời.
3) Có chúng sanh có nhiều thân, nhưng một tưởng. Đó là chỉ trời Phạm-ca-di xuất hiện đầu tiên.
4) Có chúng sanh có một thân với nhiều tưởng. Đó là trời Quang âm.
5) Có chúng sanh một thân với một tưởng. Đó là trời Biến tịnh.
6) Có chúng sanh vô lượng không. Đó là trời Không xứ.
7) Có chúng sanh vô lượng thức. Đó là trời Thức xứ.
8) Có chúng sanh Vô sở hữu xứ. Đó là trời Vô sở hữu xứ.
9) Có chúng sanh có tưởng, không tưởng. Đó là trời Phi tương phi phi tưởng xứ.
Tên gọi của những chỗ được sinh ra có chín. Đó gọi là chín nơi cư trú của chúng sanh. Các loài quần manh đã từng ở, đang ở, sẽ ở. Cho nên Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát ly chín nơi này.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 1)
CHÍN PHÁP ÁC
1) Thế nào là Tỳ-kheo ác làm mặt gượng? Ở đây, Tỳ-kheo ác, điều không đáng tìm cầu mà tìm cầu, trái với hạnh Sa-môn.
2) Thế nào là Tỳ-kheo ác chịu nhục? Ở đây, Tỳ-kheo ác ở chỗ các Tỳ-kheo hiền thiện mà tự khen ngợi mình, hủy báng người khác.
3) Thế nào là Tỳ-kheo sinh tâm tham? Ở đây, Tỳ-kheo thấy tài và vật của người khác đều sinh tâm tham.
4) Thế nào là Tỳ-kheo keo kiết? Ở đây Tỳ-kheo được y bát không cho người dùng chung, thường cất dấu cho riêng mình.
5) Thế nào là Tỳ-kheo hay quên? Ở đây, Tỳ-kheo ác thường hay để rơi rớt những lời hay, thiện; cũng không tư duy phương tiện, lại luận bàn về chuyện quốc gia binh chiến.
6) Thế nào là Tỳ-kheo ác ít ngủ? Ở đây, Tỳ-kheo ác, những pháp cần tư duy mà không tư duy.
7) Thế nào là Tỳ-kheo ác che dấu dâm dật? Ở đây, Tỳ-kheo ác che dấu những việc làm, không nói cho người khác, nghĩ rằng, ‘Mong người khác không biết những việc ta làm của ta.’
8) Thế nào là Tỳ-kheo ác không biết đền trả? Ở đây Tỳ-kheo ác không có tâm cung kính, không hầu hạ sư trưởng, và tôn kính những vị đáng quí trọng.
9) Nếu Tỳ-kheo ác thành tựu chín pháp này, niệm không xả ly, trọn không thành đạo quả.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 3)