Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Những lời Phật dạy trong Tạp A-Hàm ( phần 9)

25/04/201311:34(Xem: 9456)
Chương 1: Những lời Phật dạy trong Tạp A-Hàm ( phần 9)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 1: Những Lời Phật Dạy Trong Tạp A-Hàm (phần 9)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương

400. THAM ƯU THẾ GIAN KHÔNG LỌT VÀO TÂM

Thí như bên cạnh thôn xóm có một cái hầm sâu đựng đầy lửa, không có khói và lửa ngọn. Khi ấy có một người không ngu si, thông minh trí tuệ, ưa lạc, chán khổ, ham sống, sợ chết. Ông tự nghĩ: ‘Ở đây có cái hầm đựng đầy lửa, nếu ta rơi vào trong đó chắc chắn phải chết không còn nghi nữa.’ Người kia phát sanh sự tránh xa, nghĩ tránh xa, muốn tránh xa. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn thấy ngũ dục như hầm lửa… cho đến pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm. Nếu hành xứ, trụ xứ mà được phòng hộ trước, biết trước… cho đến các pháp ác bất thiện tham ưu thế gian không còn lọt vào tâm.

(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Khổ Pháp, số 1173)

401. THÂN BỊ BỊNH KHỔ MÀ TÂM KHÔNG BỊ BỊNH KHỔ

Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ?

Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về xuất ly của sắc. Khi đã biết như thật rồi thì không sanh ra ái lạc, thấy sắc là ngã, hay ngã sở. Sắc này nếu biến dịch hay đổi khác đi nữa, thì tâm cũng không thay đổi theo mà sanh ra khổ não.

Khi tâm đã không biến chuyển theo mà sanh ra khổ não rồi, thì được sự không sợ hãi, chướng ngại, tiếc nuối, lo nghĩ, buồn khổ, tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 5, Kinh trưởng Giả, số 107)

402. THẦN LỰC

Có vị Phong vân thiên nghĩ như vầy: ‘Hôm nay ta muốn dùng thần lực dạo chơi.’ Khi nghĩ như vậy thì mây gió liền nổi lên. Cũng vậy, như Phong vân thiên; Diệm điện thiên, Lôi chấn thiên, Vũ thiên, Tình thiên, Hàn thiên, Nhiệt thiên cũng nói như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 31, Kinh Phong Vân Thiên, số 871)

403. THÂN QUÁN TRỤ

Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân. Thế nào là để đoạn trừ lửa vô thường mà tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân? Sắc là vô thường, vì muốn đoạn trừ nó, nên phải tùy thuận tu quán trụ thân trên nội thân. Đối với thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, vì muốn đoạn trừ chúng, nên tùy thuận tu quán trụ thân trên nội thân.

(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Thân Quán Trụ, số 177)

404. THẮNG XUẤT

Tham dục, sân nhuế, si
Trói buộc tâm con người
Phát từ trong, tự hại
Như lau, tre ra hoa.

Tâm không tham, nhuế, si
Đó gọi là sáng suốt
Phát từ trong, không hại
Đó gọi là thắng xuất.
Cho nên phải lìa tham
Tăm tối si, sân nhuế
Tỳ-kheo trí tuệ sáng
Khổ tận, Bát-niết-bàn.

(Tạp A-hàm, Quyển 38, Kinh Tượng Thủ, số 1065)

405. THANH LƯƠNG

Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch; tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân nhuế.

Bà-la-môn Diêm-Phù-Xa hỏi Xá-lợi-phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để có thể đoạn trừ năm hạ phần kết này, để đạt đến thanh lương không?

Xá-lợi-phất đáp: Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.

(Tạp A-hàm, Quyển 18, Kinh Diêm-Phù-Xa, số 490)

406. THANH LƯƠNG BẬC THƯỢNG

Bà-la-môn Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất: Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?

Xá-lợi-phất đáp: Thanh lương bậc thượng là khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn; tất cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó gọi là thanh lương bậc thượng.

Hỏi: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đạt được thanh lương bậc thượng không?

Đáp: Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.

(Tạp A-hàm, Quyển 18, Kinh Diêm-Phù-Xa, số 490)

407. THÁNH PHÁP ẤN

Tam-muội chánh tư duy, là quán sát về ngã, ngã sở từ thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết mà sanh ra.

Lại tư duy do nhân gì, duyên gì mà có thức; nhân kia, duyên kia của thức đều là vô thường. Lại nữa, nhân kia, duyên kia tất cả đều là vô thường, thức được sanh bởi đó làm sao là thường được? Vô thường là hành của hữu vi, từ duyên khởi, là pháp tai hại, là pháp hoại diệt, là pháp ly dục, là pháp đoạn tri. Đó gọi là Thánh pháp ấn, Tri kiến thanh tịnh.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Pháp Ấn, số 80)

408. THÀNH QUÁCH TRÊN CÁT

Phật bảo La-đà: Ta nói, ở nơi cảnh giới của sắc, hãy phá sập, tiêu diệt. Ở nơi cảnh giới của thọ, tưởng, hành, thức phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái tận thì khổ tận. Khổ tận, Ta nói đó là tận cùng biên tế của khổ.

Giống như trong làng xóm, những trẻ con trai gái chơi đùa, nhóm đất lại tạo thành nhà cửa, thành quách. Tâm chúng yêu thích, say đắm. Khi tâm yêu thích chưa hết, ước muốn chưa tan, nhớ nghĩ chưa dứt, thèm khát chưa tiêu, thì tâm chúng luôn luôn có sự yêu thích, giữ gìn và bảo là thành quách của ta, nhà cửa ta. Đối với những đống đất kia mà lòng yêu thích hết đi, ước muốn không còn, nhớ nghĩ đã dẹp, thèm khát đã tan, thì tay xô, chân đạp, khiến cho tiêu tán. Cũng vậy, này La-đà, đối với sắc mà phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái tận thì khổ tận. Khổ tận, Ta nói đó là tận cùng biên tế của khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 6, Kinh Chúng sanh, số 122)

409. THÀNH TỰU MỘT PHÁP

Vì thành tựu một pháp, nên không có khả năng nhận biết sắc là vô thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Một pháp được thành tựu là pháp nào? Tham dục, một pháp được thành tựu, nên không có khả năng nhận biết sắc là vô thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.

Thành tựu một pháp gì? Đó là thành tựu pháp không tham dục. Pháp không tham dục, có khả năng nhận biết sắc là vô thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.

(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Tham Dục, số 187)

410. THẾ GIAN LÀ GÌ?

Thế nào là thế gian? Đó là sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Nhãn nội nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nội nhập xứ.

Thế nào là sự tập khởi thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sanh chỗ này chỗ kia.

Thế nào là sự diệt tận thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sanh chỗ này chỗ kia, đã được đoạn trừ không dư tàn, đã xả bỏ, đã nhả ra, đã dứt sạch, đã ly dục, tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ.

Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận? Là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.

(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Thế Gian, số 233)

411. THẾ GIAN TRỐNG KHÔNG

Mắt là không; pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không; ngã sở là không[8]. Vì sao? Vì tánh của nó tự là như vậy. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng cũng không, pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không, ngã sở là không. Vì sao? Vì tánh của nó tự như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là thế gian không.

(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Không, số 232)

412. THÍ CAM LỒ

Thí ăn được sức lớn
Thí y được diệu sắc
Thí xe được an vui
Thí đèn được mắt sáng.

Lữ quán để tiếp khách
Gọi là nhất thiết thí
Đem pháp để dạy người
Đó là thí cam lộ.

(Tạp A-hàm, Quyển 36, Kinh Cho Gì Được Sức Lớn, số 998)

413. THỊ HIỆN GIÁO GIỚI

Thị hiện giáo giới là như Thế Tôn nói: ‘Này các Tỳ-kheo, tất cả bị thiêu đốt. Thế nào tất cả bị thiêu đốt? Mắt bị thiêu đốt. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả đều bị thiêu đốt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị thiêu đốt; pháp, ý thức, ý xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc tất cả cũng bị thiêu đốt. Bị cái gì thiêu đốt? Bị lửa tham thiêu đốt, lửa nhuế thiêu đốt, lửa si thiêu đốt, lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thiêu đốt.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Thị Hiện, số 197)

414. THỊ HIỆN THA TÂM THÔNG

Thị hiện tha tâm là như tâm người kia, tự thân an trú và chứng nghiệm, biết rằng ý của người kia như vậy, thức của người kia như vậy, người kia đang nghĩ như vậy, hay không đang nghĩ như vậy, đang xả như vậy. Đó gọi là thị hiện tha tâm.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Thị Hiện, số 197)

415. THỊ HIỆN THẦN TÚC THÔNG

Thị hiện thần túc là Đức Thế Tôn tùy theo sự thích hợp mà thị hiện nhập thiền định chánh thọ; vượt qua hư không đến phương Đông hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; vào hỏa tam-muội, rồi cho ra ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê; cả nước, lửa đều hiện; hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung quanh lại cũng như vậy. Thế Tôn sau khi thị hiện thần biến rồi, trở lại ngồi giữa đại chúng, đó gọi là thị hiện thần túc.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Thị Hiện, số 197)

416. THIỀN ĐỊNH TƯ DUY

Đức Phật Tỳ-bà-thi khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn thiền định tư duy và nghĩ như vầy:

‘Tất cả thế gian đều nhập vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín, tự diệt và tự chìm mất, nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật về con đường xuất thế gian, vượt qua khỏi già chết.’

(Tạp A-hàm, Quyển 15, Kinh Thuyết Pháp, số 365)

417. THIỆN NHƯ TRĂNG ĐẦU THÁNG

Như trăng đầu tháng, ánh sáng và màu sắc tươi sáng, ngày đêm càng lúc càng sáng dần, cho đến khi trăng đầy, hoàn toàn tròn đầy tươi sáng. Cũng vậy, người nam thiện đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm thanh tịnh, cho đến, chánh kiến chân thật, chân tịnh càng tươi sáng, giới tăng, thí tăng, đa văn tăng, tuệ tăng, ngày đêm càng lúc càng tăng. Rồi vào lúc khác, gần gũi thiện tri thức, nghe thuyết chánh pháp, bên trong suy nghĩ chân chánh, thân làm các việc lành, miệng nói những lời lành, ý nghĩ những điều lành; nhờ vào những nhân duyên này mà khi thân hoại mạng chung sẽ được hóa sanh lên cõi trời. Này Bà-la-môn, vì vậy cho nên người nam thiện được ví như trăng.

(Tạp A-hàm, Quyển 4, Kinh Mặt trăng, số 94)

418. THIỆN TRI THỨC

Người dẫn đầu đoàn buôn
Thiện tri thức du hành
Vợ hiền lương trinh chính
Thiện tri thức tại gia.

Thân tộc gần gũi nhau
Thiện tri thức thông tài
Công đức mình tu tập
Thiện tri thức đời sau.

(Tạp A-hàm, Quyển 36, Kinh Viễn Du, số 995)

419. THIỀN TƯ

Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho trong tâm mình tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ-kheo luôn tu tập phương tiện thiền tư, thì trong tâm mình sẽ được tĩnh lặng, nên quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật?

Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của… thức, đây là sự đoạn tận của… thức.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Thọ, số 65)

420. THIỆN VÀ ÁC HẠNH

Bảo rằng tự thương mình
Không nên tạo ác hạnh
Vì nhân không ác hạnh
Nên đã được an lạc.

Bảo rằng tự thương mình
Quyết không tạo ác hạnh
Người tạo mọi nghiệp thiện
Nên đã được an lạc.

Nếu ai tự yêu mình
Khéo hộ mà tự hộ
Như vua khéo giữ nước
Ngoài, canh phòng biên giới.

Nếu ai tự yêu mình
Khéo tự giữ báu vật
Như vua khéo giữ nước
Trong, canh giữ thành quách.

Như tự giữ bảo vật
Sát-na không gián đoạn
Sát-na nếu thiếu lo
Đường ác chịu khổ mãi.

(Tạp A-hàm, Quyển 46, Kinh Thân Yêu, số 1228)

421. THỌ NHƯ BONG BÓNG

Này các Tỳ-kheo, giống như trời mưa lớn, bong bóng nước chợt hiện chợt mất. Nếu người nào có mắt sáng quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát tư duy, phân biệt thật kỹ đó sẽ thấy rằng không có cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong bong bóng nước kia không có gì là chắc thật.

Cũng vậy những gì thuộc về thọ, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thọ vốn không chắc thật.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Bào Mạt, số 265)

422. THỌ THỌ ẤM

Những tướng cảm nhận, đó là thọ thọ ấm. Cảm nhận cái gì? Cảm nhận sự khổ, cảm nhận sự lạc, cảm nhận sự không khổ không lạc. Cho nên gọi tướng cảm nhận là thọ thọ ấm. Lại nữa, thọ thọ ấm này là vô thường, khổ, biến dịch.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Tam Thế Ấm Thế Thực, số 46)

423. THOÁI CHUYỂN VÀ KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Thế nào là pháp thoái chuyển? Khi mắt biết sắc, tri giác dục vọng phát sanh, Tỳ-kheo đó vui mừng, khen ngợi, chấp lấy, dính mắc, thuận theo sự xoay chuyển của pháp này, nên biết Tỳ-kheo này đã thoái chuyển các pháp lành. Thế Tôn nói đó là pháp thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

Thế nào là pháp không thoái chuyển? Khi mắt biết sắc mà kết buộc của tri giác dục vọng không sanh, Tỳ-kheo đó không vui mừng, không khen ngợi, không chấp lấy, không dính mắc và đối với pháp này không thuận theo sự xoay chuyển, nên biết Tỳ-kheo này không thoái chuyển các pháp lành. Thế Tôn nói đó là pháp không thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 11, Kinh Thoái Chuyển và Không Thoái Chuyển, số 273)

424. THOÁT BIÊN TẾ CỦA KHỔ

Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật; do biết như thật, thấy như thật, đối với sắc sanh yểm ly, ly dục, không khởi lên các lậu, tâm đạt được giải thoát. Nếu người nào đã đạt được tâm giải thoát, thì người đó thuần nhứt. Người nào đã được thuần nhứt, thì phạm hạnh đã lập. Người nào phạm hạnh đã lập, không còn bị ai khống chế. Đó gọi là biên tế của khổ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Ngũ Chuyển, số 41)

425. THOÁT KHỎI SỢ HÃI VỀ SANH GIÀ BỊNH CHẾT

Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không lìa tham dục, tâm không giải thoát, thì sẽ không thể nào vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

Này các Tỳ-kheo, người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức nếu người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

(Tạp A-hàm, Quyển 1, Kinh Vô Tri, số 4)

426. THOÁT LƯỚI MA

Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật, nên không tham vui sắc, không ngợi khen, không bị dính mắc mà trụ; không bị trói buộc bởi dây trói của sắc, không bị trói buộc bởi dây trói bên trong, biết nguồn gốc, biết biên tế, biết xuất ly.

Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà sanh, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà chết, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc từ đời này sang đời khác; không bị ma khống chế, không bị rơi vào tay ma, không bị ma tạo tác, không bị ma trói buộc, giải thoát sự trói buộc của ma, lìa khỏi sự dẫn dắt của ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Vãng Nghệ, số 74)

427. THOÁT NĂM DỤC

Thân được lạc dừng nghỉ
Tâm được khéo giải thoát
Vô vi, không tạo tác
Chánh niệm không dao động.

Biết rõ tất cả pháp
Không khởi các loạn giác
Ái, nhuế, thùy miên, phú
Tất cả đều đã lìa.

Tu tập nhiều như vậy
Thoát khỏi được năm dục
Như đổi biển thứ sáu
Tất qua được bờ kia.

Tu tập thiền như vậy
Đối các dục sâu rộng
Đều qua được bờ kia
Không bị chúng giữ lại.

(Tạp A-hàm, Quyển 39, Kinh Ma Nữ, số 1092)

428. THỜI GIAN KHÁC NHAU GIỮA CÕI TRỜI ĐÂU SUẤT VÀ CÕI NGƯỜI

Bốn trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm trên cõi trời Đâu-suất-đà. Ba mươi ngày như vậy là một tháng; mười hai tháng là một năm. Chư Thiên Đâu-suất-đà thọ bốn ngàn năm. Kẻ phàm phu vì ngu si không học, sau khi mạng chung ở đó, sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đa văn Thánh đệ tử sau khi mạng chung ở đó không sanh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

(Tạp A-hàm, Quyển 31, Kinh Đâu Suất Thiên, số 861)

429. THỦ

Thế nào là pháp bị chấp thủ? Là mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị chấp thủ.

Thế nào là pháp chấp thủ? Là dục tham. Đó gọi là pháp chấp thủ.

(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Thủ, số 240)

430. THỦ GÁNH NẶNG

Thế nào là thủ gánh nặng?

Đó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Trọng Đảm, số 73)

431. THÚ VUI

Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, các ông thấy các chúng sanh hưởng thụ khoái lạc an ổn, thì nên nghĩ rằng: ‘Chúng ta mãi mãi ở trong sanh tử luân hồi, cũng đã từng hưởng thụ khoái lạc kia, thú vui kia vô lượng.’

(Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh Thú Vui, số 942)

432. THỨC ĂN CỦA NĂM TRIỀN CÁI

Có năm triền cái, bảy Giác phần, có thức ăn, không thức ăn. Nay Ta sẽ nói. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thí như thân thể phải nhờ vào thức ăn mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, năm triền cái nhờ vào thức ăn mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn.

(Tạp A-hàm, Quyển 27, Kinh Thực, số 715)

433. THỨC ĂN CỦA THẤT GIÁC CHI

Thí như thân thể phải nhờ vào thức ăn mà sống, nhờ vào ăn mà tồn tại. Những gì là thức ăn của Niệm giác phần? Tư duy bốn Niệm xứ rồi, Niệm giác phần chưa sanh sẽ khiến cho sanh khởi; Niệm giác phần đã sanh càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Niệm giác phần.

Những gì là thức ăn của Trạch pháp giác phần? Có lựa chọn pháp thiện, có lựa chọn pháp bất thiện; khi tư duy về chúng, nếu Trạch pháp giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Trạch pháp giác phần đã sanh rồi, thì càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Trạch pháp giác phần.

Những gì là thức ăn của Tinh tấn giác phần? Tư duy về bốn Chánh đoạn, nếu Tinh tấn giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Tinh tấn giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Tinh tấn giác phần.

Những gì là thức ăn của Hỷ giác phần? Có Hỷ, có Hỷ xứ; tư duy về chúng, nếu Hỷ giác phần chưa sanh, khiến sanh khởi; Hỷ giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Hỷ giác phần.

Những gì là thức ăn của Khinh an giác phần? Có thân khinh an, tâm khinh an; tư duy về chúng, nếu Khinh an giác phần chưa sanh, khiến sanh khởi, Khinh an giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Khinh an giác phần.

Những gì là thức ăn của Định giác phần? Tư duy về bốn Thiền, Định giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Định giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Định giác phần.

Những gì là thức ăn của Xả giác phần? Gồm có ba giới. Những gì là ba? Đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới; tư duy về chúng, Xả giác phần chưa sanh khiến cho sanh khởi; Xả giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Xả giác phần.

(Tạp A-hàm, Quyển 27, Kinh Thực, số 715)

434. THỨC KHÔNG CHỖ TRỤ

Sắc, thọ, tưởng và hành giới lìa tham. Khi đã lìa tham rồi, thì ý sanh xúc và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ. Khi ý sanh xúc và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám bị cắt đứt. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng không còn chỗ trụ để sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Vì đã không sanh trưởng cho nên không tác hành. Khi đã không tác hành, thì trụ vững. Do an trụ vững mà tri túc. Do tri túc mà giải thoát.

Ta nói thức này, không đi sang Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên, dưới. Nó không đi đến đâu cả, mà chỉ ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết-bàn, tịch diệt, thanh lương, thanh tịnh, chân thật.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Chủng Tử, số 39)

435. THỨC NHƯ ẢO HÓA

Này các Tỳ-kheo, giống như nhà ảo thuật, hay là học trò của nhà ảo thuật, ở giữa ngã tư đường, huyễn hóa ra binh voi, binh ngựa, binh xa, binh bộ. Lúc này có người trí mắt sáng, quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi họ đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ, thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật. Vì sao? Vì những hiện tượng huyễn hóa kia vốn không chắc thật. Như vậy, này các Tỳ-kheo những gì thuộc về thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì Tỳ-kheo nên quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật; chúng như bệnh hoạn, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thức vốn không chắc thật.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Bào Mạt, số 265)

436. THỨC THỌ ẤM

Tướng phân biệt biết rõ là thức thọ ấm. Biết rõ cái gì? Là biết rõ sắc, biết rõ thanh, hương, vị, xúc và pháp, cho nên gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm là pháp vô thường, khổ, biến dịch.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Tam Thế Ấm Thế Thực, số 46)

437. THƯƠNG YÊU MÌNH

Đúng vậy, Đại vương! Nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, thì nên biết những người này không tự thương yêu. Dầu cho họ tự nói, tự thương yêu, nhưng thật ra không phải tự thương yêu. Vì sao? Vì không có điều xấu ác nào mà người bạn xấu ác làm cho không phải là điều không là thân thương đối với người mà nó không thân thương, không phải là điều được yêu mến đối với người mà nó không yêu mến. Cho nên những người này là không phải tự yêu thương mình.

Đại vương, người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, thì nên biết những người này tự thương yêu mình. Dầu cho những người này tự nói không tự thương tiếc thân mình, nhưng thực ra những người này là tự thương yêu mình. Vì sao? Vì không có điều tốt nào mà người bạn tốt làm không phải là đáng thân đối với người mà nó thân, không phải là đáng yêu đối với người mà nó yêu. Cho nên những người này là người tự thương yêu mình.

(Tạp A-hàm, Quyển 46, Kinh Thân Yêu, số 1228)

438. THÙY MIÊN TRIỀN CÁI

Những gì là thức ăn của thùy miên cái? Gồm có năm pháp. Những gì là năm? Đó là yếu đuối, chẳng vui, ngáp ợ, ăn nhiều, lười biếng. Đối với chúng không tư duy đúng, khi thùy miên cái chưa khởi thì khiến khởi, thùy miên cái đã khởi rồi, có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của thùy miên cái.

(Tạp A-hàm, Quyển 27, Kinh Thực, số 715)

439. TIỀN TÀI

Đối tài vật tham dục
Bị tham làm mê say
Cuồng loạn không tự biết
Giống như người thợ săn
Vì sự phóng dật này
Nên chịu báo khổ lớn.

(Tạp A-hàm, Quyển 46, Kinh Tài Lợi, số 1230)

440. TÌM CẦU ĐÃ QUA RỒI

Sức lớn, vui tự tại,
Vị kia không sở cầu
Nếu ai có mong cầu
Thì khổ chẳng phải lạc
Tìm cầu đã qua rồi
Vị kia chỉ có lạc.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Sở Cầu, số 1294)

441. TÍN CĂN

Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, nên tu tín căn. Vậy nên đoạn trừ những pháp vô thường nào? Đoạn trừ sắc vô thường, đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường, nên tu tín căn.

(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Tín Căn, số 180)

442. TÍN LỰC

Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, nên tu tín lực. Vậy để đoạn trừ những pháp vô thường nào phải tu tín lực? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu tín lực; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu tín lực.

(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Tín Lực, số 181)

443. TÍN TÂM TU TẬP

Thiện nam tử có lòng tin, chánh tín xuất gia, sống không gia đình, tự nghĩ: ‘Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.’

Thiện nam tử có lòng tin bèn an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với sắc được yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức được yểm ly. Ta nói người ấy chắc chắn sẽ được thoát ly khỏi tất cả sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh A-Nan, số 48)

444. TINH CẦN TƯ DUY

Nếu có Tỳ-kheo nào, chưa đạt được pháp vô gián đẳng, mà muốn tìm cầu pháp vô gián đẳng, thì phải tinh cần tư duy, năm thọ ấm là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đó là chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với năm thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì sẽ chứng được quả Tu-đà-hoàn.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Vô Gián Đẳng, số 259)

445. TỊNH TÍN

Nghiệp khổ và quả báo
Cả hai đều tịnh tín
Thọ trì nơi chánh kiến
Là con đường sanh Thiên.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Giới Gì, số 1299)

446. TỘC BẢN

Mẹ, tộc bản của đời
Vợ là tộc nối dõi
Có con có thân thuộc
Ái là dây trói chặt.

(Tạp A-hàm, Quyển 22, Kinh Tàm Quý, số 578)

447. TÔN TRỌNG GIỚI HẠNH

Chỉ có Chánh pháp, mà Như Lai tự ngộ thành Chánh đẳng Chánh giác, là chỗ mà Như Lai phải cung kính tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Vì sao? Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ cũng đã cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác vị lai cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Thế Tôn cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống.

(Tạp A-hàm, Quyển 44, Kinh Tôn Trọng, số 1188)

448. TÔN TY TRẬT TỰ

Có hai pháp tịnh có thể hộ trì thế gian. Những gì là hai? Đó là tàm và quý. Giả sử thế gian không có hai pháp tịnh này, thế gian cũng không biết có cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân quyến, sư trưởng, tôn ty, trật tự; điên đảo hỗn loạn như hàng súc sanh.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu thế gian không có
Hai pháp tàm và quý
Vượt trái đạo thanh tịnh
Hướng sanh, già, bệnh, chết.

Nếu thế gian thành tựu
Hai pháp tàm và quý
Đạo thanh tịnh tăng trưởng
Đóng kín cửa sanh tử.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Tàm Quý, số 1243)

449. TRÁI AM-LA RƠI RỤNG

Giống như trái Am-la bám lơ lửng trên cây; một cơn gió mạnh thổi qua cành, quả rụng xuống. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Kỳ Lâm, số 269)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]