Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương
100. ĐẠI THỌ
Thí như gốc cây lớn, có rễ, có cành, nhánh, lá, hoa, quả; rễ nó được trồng sâu, bền chắc, được vun đắp phân tro, dùng nước để tưới, thì cây ấy vững chắc, trọn đời không bị mục hư.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruổi, đuổi theo danh sắc; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành một khối khổ lớn như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 12, Kinh Đại Thọ, số 284)
101. ĐẠI TRƯỢNG PHU
Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên thân; tâm đạt đến ly dục, tâm đạt đến giải thoát được, dứt sạch các lậu, Ta nói người này là Đại trượng phu. Vì sao? Vì tâm giải thoát.
Nếu an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp và khi an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp rồi, mà tâm đạt đến ly dục, tâm đạt đến giải thoát được, dứt sạch các lậu, Ta nói người này là Đại trượng phu. Vì sao? Vì tâm giải thoát.
(Tạp A-hàm, Quyển 24, Kinh Đại Trượng Phu, số 614)
102. ĐẮM NHIỄM SẮC SANH SẮC VỊ LAI
Cũng vậy Tỳ-kheo, chúng sanh phàm phu ngu si, không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Không biết như thật về sắc nên thích thú đắm nhiễm sắc. Vì thích thú đắm nhiễm sắc, nên lại sanh ra các sắc vị lai. Cũng vậy, phàm phu ngu si, không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức. Không biết như thật nên thích thú đắm nhiễm thức. Thích thú đắm nhiễm thức, nên lại sanh ra các thức vị lai. Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vị lai sẽ sanh nên đối với sắc không giải thoát; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng không giải thoát. Ta nói người này không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Vô Tri, số 266)
103. ĐẲNG CHÁNH GIÁC LÀ NHẤT
Ở trong các lễ hội
Thờ lửa là hơn hết
Trong kinh điển Vi-đà
Bà-tỳ-đế trên hết.
Con người, vua là nhất
Các sông, biển là hơn
Các sao, trăng là nhất
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trong mười phương trời người
Đẳng Chánh Giác là nhất.
(Tạp A-hàm, Quyển 5, Kinh Tát-giá, số 110)
104. ĐẲNG GIÁC GỌI LÀ PHẬT
Nhiều kiếp tìm lựa chọn
Thuần khổ không chút vui
Có sanh ắt có diệt
Xa lìa dứt bụi nhơ
Nhổ gốc gai kết sử
Đẳng giác gọi là Phật.
(Tạp A-hàm, Quyển 4, Kinh Phật, số 100)
105. DÁNG NẰM SƯ TỬ
Không nhân ngươi nên ngủ
Không phải vì đời sau
Cũng không nhiều tiền của
Chỉ gom báu vô ưu.
Vì thương xót thế gian
Nên nằm nghiêng hông phải
Thức cũng không nghi hoặc
Ngủ cũng không sợ hãi.
Hoặc ngày, hoặc lại đêm
Không tăng cũng không giảm
Vì thương chúng sanh ngủ
Nên không có tổn giảm.
Dù dùng trăm mũi nhọn
Xuyên thân, luôn khuấy động
Vẫn được ngủ an ổn
Vì lìa gươm bên trong.
(Tạp A-hàm, Quyển 39, Kinh Ngủ Yên, số 1090)
106. ĐẠO LỘ DỨT BA THỌ
Bạch Thế Tôn, có đạo lộ, có hành trì nào để tu tập, khi tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba thọ lạc thọ, khổ thọ, không lạc không khổ thọ này không?
Phật bảo các Tỳ-kheo: Đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
(Tạp A-hàm, Quyển 28, Kinh Đạo Lộ Dứt Ba Thọ, số 759)
107. ĐẠT BÁT NIẾT BÀN KHI BỊ BÒ ĐÁ
Phật bảo A-chi-la Ca-diếp: Nếu thọ tức là tự cảm thọ, thì Ta mới có thể nói nói khổ do tự tạo. Nếu người khác thọ người khác tức là thọ giả, thì Ta nói là tha tạo. Nhưng nếu nói thọ, vừa tự thọ vừa cái khác cảm thọ rồi mang lại khổ, như thế thì tự làm vừa do người khác làm, nhưng Ta cũng chẳng nói như vậy. Hoặc chẳng phải nhân tự, tha, mà là vô nhân sanh ra khổ, Ta cũng chẳng nói như vậy. Như Lai thuyết pháp lìa hai bên này mà nói Trung đạo; tức là ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành,… cho đến thuần một khối khổ lớn. Nếu vô minh diệt thì hành diệt,… cho đến thuần một khối khổ lớn bị diệt.
Phật nói kinh này xong, A-chi-la Ca-diếp liền lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, A-chi-la Ca-diếp thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua mọi hồ nghi, không do người khác mà biết, chẳng do người khác độ thoát, đối với Chánh pháp luật, tâm được không sợ hãi.
A-chi-la Ca-diếp chắp tay bạch Phật: Thế Tôn, nay con đã được Phật hóa độ, từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời làm Ưu-bà-tắc, xin Ngài chứng tri cho con.
A-chi-la Ca-diếp sau khi từ giã Phật đi không lâu, thì bị một con nghé đực húc chết. Lúc mạng chung, các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.
Các Tỳ-kheo nghe tin A-chi-la Ca-diếp bị một con nghé đực húc chết nên lên bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay nhiều Tỳ-kheo vào thành khất thực, nghe chuyện A-chi-la Ca-diếp, sau khi được nghe pháp luật, ra về chẳng bao lâu bị tai nạn một con nghé đực húc chết. Lúc từ trần các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Bạch Thế Tôn, A-chi-la Ca-diếp sanh vào loài nào, thọ sanh nơi đâu và có sở đắc gì?
Phật bảo các Tỳ-kheo: Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và thứ pháp, không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bát-niết-bàn. Các ông nên đến cúng dường thân A-chi-la Ca-diếp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thọ ký A-chi-la Ca-diếp bậc nhất.
(Tạp A-hàm, Quyển 12, Kinh A-chi-la, số 306)
108. ĐẤT TRÊN MÓNG TAY
Bấy giờ, Thế Tôn dùng móng tay quệt một tí đất rồi bảo thôn trưởng Đao Sư Thị rằng: Thế nào thôn trưởng, đất trong móng tay Ta là nhiều hay đất đại địa nhiều?
Thôn trưởng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay rất là ít so với đất đại địa vô lượng vô số.
Phật bảo thôn trưởng: Như đất đã quệt ở trên là quá ít so với số đất đại địa vô lượng. Cũng vậy, đối với người tu tập tâm câu hữu với Từ, tu tập nhiều, các nghiệp có số lượng như đất đã quệt ở trên, không thể mang đi, không thể khiến trụ. Cũng vậy, nếu dùng tâm Bi để đối trị với trộm cắp, dùng tâm Hỷ để đối trị với tà dâm, dùng tâm Xả để đối trị với nói dối, thì sẽ không so sánh được!
(Tạp A-hàm, Quyển 32, Kinh Đạo Sư Thị III, số 916)
109. DẤU CHÂN VOI
Giống như trong tất cả dấu chân của chúng sanh, dấu chân voi là lớn hơn, vì nó có thể chứa nhiều dấu chân khác. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Kỳ Lâm, số 269)
110. ĐÃY DA THỊT CỦA THÂN THỂ
‘Thân này từ chân đến đỉnh đầu, bộ xương được trét bởi thịt, được che đậy bởi một lớp da mỏng, trong đó chứa dẫy đầy những thứ bất tịnh. Quán sát tất cả: tóc, lông, móng, răng, bụi dơ, nước dãi, da, thịt, xương trắng, gân, mạch, tim, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, ruột non, ruột già, bào, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước bọt, mỡ, tủy, đàm âm, mủ, máu, dịch não, phẩn, nước tiểu.’
(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Tân-Đầu-Lô, số 1165)
111. DÂY LEO RỪNG RẬM
Ái sanh, lớn từ thân
Như cây Ni-câu-luật
Chằng chịt câu móc nhau
Như dây leo rừng rậm.
Nếu biết những nhân kia
Sẽ khiến quỷ giác ngộ
Vượt dòng biển sanh tử
Không còn tái sanh nữa.
(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Châm Mao Quỷ, số 1324)
112. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG
Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.
Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.
(Tạp A-hàm, Quyển 13, Kinh Đệ Nhất Nghĩa Không, số 335)
113. ĐỆ TỬ CỦA NGƯỜI ĐỒ TỂ
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trả lời Tôn giả Lặc-xoa-na: Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, gân với xương liền nhau, toàn thân nhơ bẩn, hôi hám đáng tởm, bị quạ, diều, két, kên kên, dã can, chó đói theo mổ ăn, hoặc moi nội tạng từ xương sườn ra ăn; cực kỳ đau đớn, kêu la, gào thét. Tôi thấy vậy tâm liền nghĩ: Chúng sanh đã mang cái thân như vậy, lại còn chịu sự thống khổ vô ích như vậy?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Lành thay! Lành thay! trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.
Này các Tỳ-kheo, chúng sanh kia, thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là đệ tử của người đồ tể giết trâu bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục, trải qua trăm ngàn năm chịu vô lượng khổ. Vì dư báo tội giết trâu bò, nên ngày nay phải chịu cái thân này và phải tiếp tục chịu đau khổ vô ích như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 19, Kinh Đồ Ngưu Giả, số 509)
114. ĐÊM DÀI KHÔNG LO LẮNG
Nếu giết hại sân nhuế
Giấc ngủ được an ổn
Sự giết hại sân nhuế
Khiến người được hỷ lạc.
Sân nhuế là gốc độc
Ta khen người giết được
Giết sân nhuế kia rồi
Đêm dài không lo lắng.
(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Ma-già, số 1309)
115. ĐẾN BỜ KIA
Kia sẽ đến bờ kia
Như cá cắn rách lưới
Trụ thiền định đầy đủ
Tâm thường đạt hỷ lạc.
(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Nguyệt Tự Tại, số 1303)
116. ĐỊA NGỤC SÁU XÚC NHẬP XỨ
Chớ lạc, chớ khổ. Vì sao? Có địa ngục gọi là Sáu xúc nhập xứ.
Chúng sanh sanh ở trong địa ngục này, mắt chỉ thấy sắc không đáng ưa, chứ không thấy sắc đáng ưa; chỉ thấy sắc không đáng tưởng nhớ, chứ không thấy sắc đáng được tưởng nhớ; chỉ thấy sắc không lành, chứ không thấy sắc lành.
Vì những nhân duyên này nên chỉ một mực nhận lãnh buồn khổ mà thôi. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối pháp cũng chỉ thấy không đáng yêu, chứ không thấy đáng yêu; chỉ thấy việc không đáng nhớ, chứ không thấy đáng nhớ; chỉ thấy pháp không lành, chứ không thấy pháp lành. Vì những nguyên nhân này nên luôn luôn phải chịu buồn khổ.
(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Địa Ngục, số 210)
117. DIỆT TẬN CỦA HÀNH
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành?
Sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của hành.
(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Bảy Thiện Xứ, số 42)
118. DIỆT TẬN CỦA THỨC
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức?
Sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức.
(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Bảy Thiện Xứ, số 42)
119. DIỆT TẬN HỮU THÂN
Thế nào là sự diệt tận của hữu thân?
Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ.
(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Hữu Thân, số 71)
120. DIỆT TẬN HỮU THÂN VÀ KHỔ
Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân?
Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật nên đối với sắc không ưa, không khen, không đắm, không trụ. Vì không ưa, không khen, không đắm, không trụ nên ái lạc sắc kia diệt. Ái lạc diệt, thì thủ cũng diệt; thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ như vậy diệt. Cũng như sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân này cũng là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Cho nên nói là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.
(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Kỳ Đạo, số 69)
121. ĐIỀU PHỤC TRƯỢNG PHU
Ta cũng dùng ba cách để điều phục trượng phu. Những gì là ba? Một là một mực mềm dịu, hai là một mực thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.
1. Một mực mềm dịu là, như nói rằng: ‘Đây là thiện hành của thân; đây là quả báo của thân thiện hành. Đây là thiện hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý thiện hành. Đây gọi là trời. Đây gọi là người. Đây gọi là sự hóa sanh nơi cõi thiện. Đây gọi là Niết-bàn’. Đó gọi là một mực mềm dẻo.
2. Một mực thô cứng là, như nói: ‘Đây là ác hành của thân; đây là quả báo của thân ác hành. Đây là ác hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý các hành. Đây gọi là địa ngục. Đây gọi là ngạ quỷ. Đây gọi là súc sanh. Đây gọi là ác thú. Đây gọi là đọa ác thú’. Đó là sự giáo hóa thô cứng của Như Lai.
3. Vừa mềm dịu vừa thô cứng là có lúc thiện hành của thân; có lúc nói quả báo của thiện hành của thân. Có lúc nói thiện hành của miệng, ý; có lúc nói quả báo thiện hành của miệng, ý. Có lúc nói ác hành của thân; có lúc nói quả báo ác hành của thân. Có lúc nói ác hành của miệng, ý; có lúc nói quả báo ác hành của miệng, ý. Như vậy gọi là trời, như vậy gọi là người, như vậy gọi là đường lành, như vậy gọi là Niết-bàn; như vậy gọi là địa ngục, như vậy gọi là súc sanh, ngạ quỷ, như vậy gọi là đường ác, như vậy gọi là đọa đường ác.’ Đó gọi là sự giáo hóa vừa mềm dịu vừa thô cứng của Như Lai.
(Tạp A-hàm, Quyển 33, Kinh Chỉ Thị, số 923)
122. DO CHẤP THỦ NÊN ĐẮM TRƯỚC
Phàm phu ngu si vô học, ở nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; thấy thức là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu thức kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn; do thủ trước vậy. Đó gọi là thủ trước.
(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Thủ Trước, số 43)
123. DO NHÂN DUYÊN GÌ MÀ GỌI LÀ NĂM ẤM?
Bốn đại là nhân, bốn đại là duyên; đó gọi là sắc ấm. Vì sao? Vì những gì thuộc về sắc ấm, tất cả những cái đó đều là bốn đại, được tác thành do duyên bốn đại. Xúc là nhân, xúc là duyên sanh ra thọ, tưởng, hành; cho nên gọi là thọ, tưởng, hành ấm. Vì sao? Vì nếu những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thì tất cả chúng đều lấy xúc làm duyên. Danh sắc là nhân, danh sắc là duyên, đó gọi là thức ấm. Vì sao? Vì nếu những gì thuộc về thức, thì tất cả chúng đều lấy danh sắc làm duyên.
(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Ấm Căn, số 58)
124. DO PHONG TRỆ MÀ KHÔNG GIẢI THOÁT
Tỳ-kheo, thức vin bám vào bốn thủ ấm mà trụ. Bốn là những gì? Thức bị phong trệ bởi sắc mà trụ. Cũng vậy, thức bị phong trệ bởi thọ, tưởng và hành mà trụ… cho đến chẳng phải là cảnh giới. Đó gọi là phong trệ nên không giải thoát.
(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Phong Trệ, số 40)
125. ĐỒ TỂ GIẾT TRÂU
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp: Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, thân to lớn như lầu các, đi giữa hư không, đang khóc lóc, kêu gào, buồn lo, đau khổ. Thấy vậy, tôi chợt nghĩ chúng sanh này mang cái thân to lớn như thế mà cũng bị buồn lo, đau khổ quá như vậy, nên tôi mỉm cười.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Thời quá khứ, chúng sanh có thân to lớn kia ở tại thành Vương xá này, làm người đồ tể giết trâu bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm. Khi ra khỏi địa ngục, vì dư báo tội giết trâu bò, nên phải chịu cái thân như vậy, thường chịu những sự buồn lo đau khổ như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 19, Kinh Đồ Ngưu Nhi, số 508)
126. ĐOẠN HỮU LẬU
Ngoại đạo hỏi La-đà: Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?
La-đà trả lời: Sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh; thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.
(Tạp A-hàm, Quyển 6, Kinh Đoạn Hữu Lậu, số 117)
127. ĐOẠN TUYỆT DÂM DỤC
Này cô, thế nào là nương ái thì dứt ái? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia, hết sạch các pháp hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Còn chúng ta sao chẳng hết hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Ngay lúc ấy có thể dứt các hữu lậu tự biết không còn tái sanh nữa Này cô, đó gọi là nương ái thì ái dứt. Này cô, người không còn việc để làm, tức là người đã cắt đứt cầu đò, đoạn tuyệt dâm dục.
(Tạp A-hàm, Quyển 21, Kinh Tỳ-kheo-ni, số 564)
128. ĐỘC NHẤT TRỤ
Giải thoát không ưu não
Cũng không có hoan hỷ
Buồn không thể phá hoại
Nên Ta sống một mình.
(Tạp A-hàm, Quyển 22, Kinh Độc Nhất Trụ, số 585)
129. ĐỘC TRỤ
Chiếu sáng khắp tất cả
Biết khắp các thế gian
Chẳng chấp tất cả pháp
Lìa hết tất cả ái.
Người này sống an lạc
Ta nói là độc trụ.
(Tạp A-hàm, Quyển 38, Kinh Trưởng Lão, số 1071)
130. ĐỘN CĂN
Hoặc khi Thánh đệ tử đa văn mất chánh niệm, sanh ra giác ác bất thiện, nuôi lớn tham dục, sân nhuế, ngu si. Đó là Thánh đệ tử đa văn thuộc độn căn. Tuy khởi tập, diệt nhưng bị dục che đậy tâm. Giống như hòn sắt nóng đỏ rực, dùng vài giọt nước nhỏ xuống liền khô mất. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn độn căn sanh niệm cũng liền diệt mất như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Rắn Độc, số 1172)
131. DỤC
Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.
Năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư duy.
Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ được những dục này không?
Xá-lợi-phất đáp: Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
(Tạp A-hàm, Quyển 18, Kinh Diêm-Phù-Xa, số 490)
132. DỤC ÁI TRIỀN CÁI
Tham dục triền cái lấy gì làm thức ăn? Đó là tướng xúc. Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng, tham dục chưa khởi sẽ khiến khởi; tham dục đã khởi rồi thì có thể khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của dục ái triền cái.
(Tạp A-hàm, Quyển 27, Kinh Thực, số 715)
133. DỤC ÁI, SẮC ÁI, VÔ SẮC ÁI
Giống như người làm ruộng, cuối hạ đầu thu, cày đất cho sâu, làm sạch hết cỏ. Cũng vậy, Tỳ-kheo, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
Tỳ-kheo, như người cắt cỏ, tay cầm ngọn cỏ, đưa lên và giũ sạch, tất cả cỏ khô héo đều rơi rớt hết và lấy được những cọng cỏ dài. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Thọ, số 270)
134. DỤC ĐỊNH
Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu dục định đoạn hành thành tựu như ý túc. Vậy nên đoạn trừ những pháp vô thường nào? Để đoạn trừ sắc vô thường; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường; cho nên tu dục định đoạn hành thành tựu như ý túc.
(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Dục Định, số 179)
135. DỤC ĐOẠN, SẮC ĐOẠN
Hãy đoạn trừ dục tham ở nơi sắc. Dục tham đã đoạn trừ rồi thì sắc đoạn. Khi sắc đoạn rồi, thì được biến tri về đoạn. Khi được biến tri về đoạn, thì gốc rễ bị đoạn. Như chặt ngọn cây Ta-la, sau này không còn tái sanh được nữa. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, dục tham đoạn… cho đến, đời sau không tái sanh được nữa.
(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Quán, số 75)
136. DỤC NÀO HƠN CẢ
Các vị đại thần bàn luận như vầy: Trong ngũ dục, cái nào nhất?
Có người nói: Sắc là nhất.
Lại có người nói: Thanh, hương, vị, xúc là nhất.
Trong đó có người nói: Chúng ta mỗi người đều cho của mình là nhất, rốt cùng không thể phán định. Hãy cùng nhau đến Thế Tôn, hỏi về nghĩa này. Cứ theo lời dạy Thế Tôn, sẽ cùng nhau ghi nhớ thọ trì.
Phật bảo các vua: Mỗi người đều nói lên theo ý thích của mình, còn Ta thì nói khác. Vì lý do này, Ta nói về năm công năng của dục. Nhưng đối với sắc, có người tự vừa ý, chỉ yêu mến một thứ sắc, là thỏa mãn chí nguyện của mình. Giả sử có những sắc đẹp hơn, nhưng không phải sở ái của họ, thì sẽ không đụng đến, không ngó ngàng đến. Nên chỉ nói thứ sắc sở ái của mình là nhất không còn sắc nào vượt lên trên nó. Như người yêu mến sắc; thanh, hương, vị, xúc cũng đều như vậy; những gì mình sở ái, thì liền cho đó là tối thắng, rồi hoan hỷ, ưa đắm. Cho dù có thứ vượt trên thứ đó nữa, nhưng vì không phải là sở dục của họ, nên họ không đụng đến, không ngó ngàng đến. Chỉ có những gì ta yêu là tối thắng tối diệu, không gì so sánh, không gì trên được.
(Tạp A-hàm, Quyển 42, Kinh Bảy Vua, số 1149)
137. ĐỨC PHẬT
Phật thấy đời quá khứ
Thấy vị lai cũng vậy
Cũng thấy đời hiện tại
Tất cả hành khởi diệt.
Trí sáng biết rõ ràng
Điều cần tu đã tu
Điều nên đoạn đã đoạn
Cho nên gọi là Phật.
(Tạp A-hàm, Quyển 4, Kinh Phật, số 100)
138. ĐỨC PHẬT CÀY RUỘNG
Tín tâm là hạt giống
Khổ hạnh mưa đúng mùa
Trí tuệ là cày, ách
Tàm quý là cán cày.
Tự gìn giữ chánh niệm
Là người giỏi chế ngự
Giữ kín nghiệp thân, miệng
Như thực phẩm trong kho.
Chân thật là xe tốt
Sống vui không biếng nhác
Tinh tấn không bỏ hoang
An ổn mà tiến nhanh.
Thẳng đến không trở lại
Đến được chỗ không lo
Người cày ruộng như vậy
Chứng đắc quả Niết-bàn.
Người cày ruộng như vậy
Không tái sinh các hữu.
(Tạp A-hàm, Quyển 4, Kinh Canh Điền, số 98)
139. DỤC THAM ĐOẠN TRỪ
Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; quán sát tất cả chúng đều là pháp đoạn tận. Đã quán sát như vậy rồi, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Dục tham đã được đoạn trừ rồi, thì Ta nói đó là tâm khéo giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 6, Kinh Đoạn Pháp, số 128)
140. DỤC THAM KẾT BUỘC
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, giống như hai con bò, một đen một trắng, cùng bị buộc vào một cái ách. Có người hỏi, ‘Bò đen buộc bò trắng hay bò trắng buộc bò đen?’ Hỏi như vậy có đúng không?
Đáp: Không, Tôn giả Xá-lợi-phất, chẳng phải bò đen buộc bò trắng, cũng chẳng phải bò trắng buộc bò đen. Nhưng ở đây, hoặc là cái ách, hay là dây buộc cổ, là cái kết buộc chúng.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói: Cũng vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết buộc chúng.
Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, nếu mắt kết buộc sắc, hay nếu sắc kết buộc mắt và cho đến, nếu ý kết buộc pháp, hay nếu pháp kết buộc ý, thì Thế Tôn đã không dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Vì chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt và cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý, nên Đức Thế Tôn dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ.
Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, Thế Tôn khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham; còn những chúng sanh khác khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu thì khởi dục tham. Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Câu-hi-la II, số 250)
141. DỤC THIÊU ĐỐT
Bấy giờ quốc vương Bà-sa, Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô: Bạch Tôn giả Tân-đầu-lô, tôi cũng như vậy, có khi không giữ gìn thân, không giữ gìn luật nghi các căn, khi vào cung không nhất niệm, thì tâm mình sanh ra tham dục hừng hực, ngu si thiêu đốt. Ngay khi đóng cửa phòng ở một mình, ba độc cũng lại thiêu đốt tâm mình, huống lại là ở trong cung.
Lại có lúc tôi khéo nhiếp hộ được các căn, nhiếp hộ được thân mình, chuyên tâm nhất niệm, thì khi vào trong cung, tham dục, nhuế, si không còn dấy khởi thiêu đốt tâm mình; khi ở trong cung nội còn không bị thiêu đốt thân tâm, huống chi là khi ở một mình.
(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Tân-Đầu-Lô, số 1165)
142. DỤC TƯỞNG
Do nhân gì sanh dục tưởng? Do duyên dục giới. Duyên dục giới nên sanh ra dục tưởng, dục dục, dục giác, dục nhiệt, dục cầu. Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên dục cầu rồi, chúng sanh này khởi lên tà vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do nhân duyên tà vạy như vậy nên hiện tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng, có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác.
(Tạp A-hàm, Quyển 17, Kinh Nhân, số 458)
143. ĐƯỢC GIÀU SANG
Thánh đệ tử nếu thành tựu được bốn Bất hoại tịnh, thì ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn; không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ. Những gì là bốn? Thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng, Thánh giới
(Tạp A-hàm, Quyển 30, Kinh Bất Bần, số 834)
144. ĐƯỢC MƯỜI ĐIỀU LỢI Ở CÕI NGƯỜI VÀ TRỜI
Thành tựu Phật bất hoại tịnh; thành tựu Pháp, Tăng bất hoại tịnh; thành tựu Thánh giới bất hoại tịnh. Ta thấy Thánh đệ tử này sau khi mạng chung ở đây sẽ sanh lên cõi trời, ở đó được mười thứ pháp.
Những gì là mười? Được tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, danh xưng cõi trời, khoái lạc cõi trời, tự tại cõi trời và sắc, thanh, hương, vị, xúc cõi trời. Nếu Thánh đệ tử ở trên trời mạng chung sẽ sanh vào cõi người. Ta thấy họ đầy đủ mười điều.
Những gì là mười? Được tuổi thọ cõi người, người tốt đẹp, danh xưng, khoái lạc, tự tại và sắc, thanh, hương, vị, xúc cõi người.
(Tạp A-hàm, Quyển 30, Kinh Ly-Xa, số 833)
145. DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ
Thuở xưa Đức Phật Tỳ-bà-thi khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ-đề không bao lâu thì thành Phật. Rồi đến dưới cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: ‘Do cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành… cho đến, duyên sanh nên có già chết và tụ tập thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt.
(Tạp A-hàm, Quyển 15, Kinh Thập Nhị Nhân Duyên, số 369)
146. ĐƯỜNG ĐI
Đường hiểm khó đi qua
Thánh bình an vượt qua
Phàm phu té ở đó
Chân trên, đầu chúc xuống.
Hiền thánh thẳng đường đi
Đường hiểm tự nhiên bình.
(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Ca-ma, số 1313)
147. ĐƯỜNG ĐI CỦA PHÀM PHU
Giống như người từ tối tăm vào tối tăm; từ mờ mịt vào mờ mịt; từ hầm phẩn ra rồi lại rơi vào hầm phẩn; dùng máu rửa máu; lìa bỏ các việc ác, rồi trở lại nắm lấy các việc ác. Ta nói những thí dụ này, Tỳ-kheo phàm phu cũng như vậy.
Lại giống như củi thiêu tử thi, bị ném bỏ trên gò mả, không bị tiều phu thu gom. Ta nói thí dụ này, thì đối với Tỳ-kheo phàm phu ngu si khởi lòng tham dục, sanh ra đắm nhiễm quá mức, sân nhuế hung bạo, biếng nhác yếu hèn, mất niệm không định, các căn tán loạn cũng lại như vậy.
(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Trách Chư Tưởng, số 272)
148. DỨT CÁC ĐIỀU ÁC
Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên pháp ác bất thiện đã sanh thì hãy đoạn trừ, khởi ý dục, tinh cần, nhiếp tâm khiến cho tăng trưởng. Vì để đoạn trừ những pháp vô thường nào, đối với pháp ác bất thiện đã sanh thì hãy đoạn trừ, khởi ý dục, tinh cần, nhiếp tâm khiến cho tăng trưởng? Vì để đoạn trừ sắc vô thường, đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên đối với pháp ác bất thiện đã sanh thì hãy đoạn trừ, khởi ý dục, tinh cần, nhiếp tâm khiến cho tăng trưởng.
(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Đoạn Ác Bất Thiện Pháp, số 178)
149. DỨT KIÊU MẠN
Nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn. Thế nào là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia, sạch hết các hữu lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, tự biết không còn tái sanh nữa.’ Nghe rồi liền nghĩ rằng: ‘Thánh đệ tử kia hết sạch hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Còn ta ngày nay, vì sao không hết hữu lậu, vì sao không tự biết không còn tái sanh nữa?’ Ngay lúc đó chắc chắn sẽ có thể dứt các hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Này cô, đó gọi là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn.
(Tạp A-hàm, Quyển 21, Kinh Tỳ-kheo-ni, số 564)