Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường

23/04/201320:19(Xem: 12886)
Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phần VIII - Phụ Lục

Nhớ Chùa Khải Tường

Bùi Thụy Đào Nguyên
Nguồn: Bùi Thụy Đào Nguyên


Chùa Khải Tường được xây dựng vào thế kỷ XVIII, nằm trên gò đất cao thuộc trung tâm Bến Nghé xưa. Chùa thuộc ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thành Gia Định (khu Chợ Đũi, quận 3 ngày nay). Năm 1791, Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) ra đời nơi hậu liêu chùa khi chúa Nguyễn Ánh về đây tị nạn binh Tây Sơn. Năm 1804, Cao Hoàng (Nguyễn Ánh) nhớ chuyện cũ. Để tạ ơn đức Phật đã che chở cho ông những tháng năm bôn tẩu, nên từ Huế, vua gửi vào dâng cúng chùa một tượng Phật Thích Ca lớn, cao 2,5m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Năm 1832, Minh Mạng cho trùng tu chùa, kỷ niệm nơi sinh ra ông, vàng son tráng lệ một thời. Năm 1858, thực dân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau lại vào tấn công Gia Định, giặc chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung và các chùa: Khải Tường, Kiểng Phước, Cây Mai v.v..

Tên quan ba Pháp tên Barbé dẫn quân vào chùa Khải Tường. Hắn cho đem tượng Phật ra sân và cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập chiến tuyến Kỳ Hòa chống Pháp, và đêm 6-12-1860, binh ta phục kích giết chết được tên quan ba này. Năm 1867, chùa bị giặc Pháp tháo gỡ, tượng Phật phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được đem trưng bày tại Viện Bảo tàng Sài Gòn. Riêng tấm biển “Quốc ân Khải Tường tự” được gìn giữ tại chùa T��� Ân (số 23 đường Tân Hóa, Q.6, TP. Hồ Chí Minh). Theo ông Vương Hồng Sển, tác giả quyển “Sài Gòn năm xưa”, nền chùa ở vào vùng đất Đại học Y-Dược (khu Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quí Cáp, Lê Quí Đôn). Nơi Barbé chết phỏng đoán khúc đường Võ Văn Tần quẹo trái đi vào đường Cách Mạng Tháng Tám. Trước thiệt hại này, giặc Pháp rất căm tức, chúng ra tay cướp tấm bia đá do vua Tự Đức cho chở từ Huế về Gò Công để dựng ở một ông ngoại mình là Phạm Đăng Hưng, làm bia kỷ niệm tại mộ Barbé ở Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (cũ).

Tên tuổi của chùa Khải Tường và tên quan ba Pháp còn được loan truyền qua câu chuyện sau đây: Sau những năm ấy, ở Gia Định có một người con gái xinh đẹp, không rõ họ tên, chỉ nghe người làng thường gọi cô Hai. Nhà cô làm nghề nông cũng vào hạng đủ ăn. Trong đám trai làng cô đặt nhiều tình cảm vào Trí. Trí, tên một chàng trai nhà nghèo, học hành dang dở. Cám cảnh, lòng anh chỉ dám ước mơ...

Năm thực dân Pháp vào đánh Gia Định, quân nhà Nguyễn từ Biên Hòa kéo vào kháng giặc. Trong đó có một viên Lãnh binh lớn tuổi tên Sắc. Nhìn thấy sắc đẹp cô gái, hắn dạm cưới với một số tiền khá to và cha mẹ cô đã bằng lòng. Cô gái, cũng như bao người dân yêu nước khác, mang lòng căm thù giặc, nên vừa làm vợ vừa hết lòng giúp đỡ quân kháng chiến, cô lo thu gom lương thực cho đại đồn Phú Thọ. Phần Trí, quên nỗi đau riêng, anh cũng hăng hái gia nhập vào lực lượng nghĩa quân. Do công việc, thỉnh thoảng cô và Trí vẫn gặp nhau. Viên Lãnh binh Sắc tính tình hà khắc, không biết thương lính, yêu dân. Một lần thua trận, hắn bị quan trên khiển trách. Mang tâm trạng buồn bực, nên khi nghe quân bẩm báo việc Trí thân mật với vợ mình, hắn lồng lộn ghen tức. Hắn âm mưu cho người giả danh cô gái mời Trí tới nhà bàn công việc. Trí tới, nhà nhỏ vắng vẻ, nàng Hai đang tắm. Tên chồng từ nơi ẩn nấp bước ra tri hô, buộc tội hai người là kẻ lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông...

Quan ba Barbé, đóng chùa Khải Tường, một sáng nọ đi săn. Bất ngờ hắn gặp một bè chuối trôi, trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Tất cả đều trần truồng, bị buộc nằm sát vào nhau. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết theo bè. Hắn nổ súng, sấu sợ hãi lặn mất. Bè được vớt lên, người con trai bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Người con gái còn thoi thóp thở.

Người chết là Trí và cô gái được cứu sống là nàng Hai. Sau khi được chăm sóc thuốc thang, ăn uống đầy đủ, nhan sắc cô gái ngày càng hấp dẫn trong đôi mắt tên sĩ quan này. Cô giả vờ như yêu hắn, dùng lời ngon ngọt để xin về nhà và hứa sẽ cùng cha mẹ vào ở gần đồn. Nàng Hai về, tên Lãnh binh cảm thấy nhục nhã, xốn mắt. Nhưng hắn không dám ra tay đánh đập vì sau lần xử tội đó, cô đã không còn là vợ hắn. Tuy nhiên lòng hiểm ác vẫn còn, hắn nghĩ ra lý do bắt cô gái về tội mãi dâm với giặc. Sắc cho lột truồng cô gái, giam dưới hố sâu đầy bóng tối, cho ăn xương cá và cơm hẩm. Đêm, Trương Định đi tuần ngang, thấy bọn lính soi đuốc nhìn xuống hố, cười ầm ĩ. Quản Định cho đem cô gái lên và nghe hiểu mọi chuyện. Nàng Hai xin được ở lại tiếp tục đóng góp công sức với nghĩa quân. Nơi chùa Khải Tường, Barbé thẫn thờ uống rượu chờ đợi cô gái. Hôm đó, trời vừa sụp tối, bọn lính canh chạy vào báo tin có một bà lão và cô gái khi nọ xin vào gặp quan lớn. Hắn mừng rỡ phóng ngựa một mình ra đón. Còn cách cô gái chừng mười thước, nghĩa quân mai phục hai bên đường ào ra. Ngựa bị đâm ngã quỵ hất Barbé té xuống và một ánh gươm loáng lên, đầu hắn lìa khỏi cổ...

Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải kéo đến Sài Gòn. Sau một trận ác chiến, chiến lũy Kỳ Hòa bị hạ. Sau những ngày loạn lạc, không ai tìm thấy cô gái nơi đâu, sống hay đã chết... Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh thiếu phụ bị thả bè chuối trôi sông và đã góp công giết giặc...

Chú Tư Ấn, làm nghề giăng câu ở Ba Bần, nói: chuyện “Nàng Hai Bến Nghé” người ta đã soạn thành tuồng cải lương rồi, nhưng chú cũng xin góp thơ:

“Chuyện trăm năm cũ
Phật cũng thăng trầm (*)
Riêng lòng son đó
Ra ngoài sắc, không.

- Tài liệu tham khảo: “Gia Định xưa” của Sơn Nam.
(*) Ý nói tượng Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com