Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO

23/04/201320:10(Xem: 12326)
Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
Hòa Thượng Khánh Hòa Và Cuộc Vận Động Chấn Hưng Phật Giáo (1921-1933)

Trương Ngọc Tường
Nguồn: Trương Ngọc Tường


Hòa thượng (HT) Khánh Hòa, thế danh Lê Khánh Hòa, (1877-1947) người Ba Tri (Bến Tre). Năm 19 tuổi xuất gia tại chùa Long Phước (Ba Tri). Đắc pháp với HT Minh Lương, chùa Kim Cang (Long An), được pháp danh Như Trí, trụ trì chùa Tuyên Linh ở Mỏ Cày (Bến Tre).

HT Khánh Hòa là một nhà sư có học vấn uyên thâm, am tường Phật pháp, cũng là một giảng sư có tài thuyết phục người nghe. Hòa thượng là người yêu nước, thường kết giao với người nhiệt tâm, trong số có cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngài còn là người tiến bộ, con chim đầu đàn trong phong trào chấn hưng Phật giáo (PG).


I. Khi thực dân Pháp bắt đầu giày xéo đất nước, văn hóa dân tộc bị tấn công, Phật giáo nước nhà cũng cùng chung số phận. Trong giai đoạn này ở miền Nam, mặc dù có nhiều tự viện được trùng tu hoặc xây dựng quy mô tráng lệ. Số thiện tín, Tăng Ni, cao tăng cũng gia tăng; nhưng đây là dị ứng của một nền văn hóa đang bị nền văn hóa khác đe dọa. Những bộc phát này cũng là tất yếu, che bên ngoài một cỗ xe trên đà xuống dốc. Trong khi ấy, tình hình PG ở Trung Quốc cũng giống như ở nước ta. Thế nhưng sau Đại chiến thứ nhất ở đây đã xuất hiện phong trào chấn hưng PG do Thái Hư Pháp sư khởi xướng. Nhiều tài liệu sách báo của phong trào này, cụ thể là tạp chí Hải Triều Âm, đã trở thành chất kích thích cho phong trào chấn hưng PG ở nước ta.

Công việc đầu tiên là khoảng năm Canh Thân (1920), HT Khánh Hòa cùng một số bạn bè thành lập Hội Lục hòa, theo qui mô nhỏ, nhằm mục đích đào tạo đoàn kết trong Tăng già. Ngài còn đứng ra mở lớp gia giáo để đào tạo Tăng tài, hầu đảm nhiệm trọng trách hoằng dương chánh pháp, dìu dắt hậu lai. Bên cạnh đó Ngài còn cần mẫn ngồi dịch một số kinh sách chữ Hán ra chữ quốc ngữ để tiện việc phổ cập trong quần chúng.

Mùa Hạ năm Bính Dần (1926), HT Huệ Quang chùa Long Phước (Trà Vinh), đã mời HT Khánh Hòa làm giảng sư. Sau mùa an cư tại đây, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu, một Phật tử nặng lòng với đạo pháp, có nhã ý mời Ban Chức sự viếng nhà. Hôm đó, ông ta tổ chức đón tiếp long trọng. Trong bài diễn văn, ông có nhận xét rất chính xác tình hình PG đương thời và có nguyện vọng khẩn cầu chư Tăng cần phải vận động chấn chỉnh thiền môn quy củ. Lời đề nghị thống thiết của ông làm chư Tăng xúc động. Sư cụ Phổ Lý ở chùa Bửu Lâm (Cao Lãnh) khóc rống lên. Mọi người ngẩn ngơ suy nghĩ.

Cuối năm ấy, chùa Long Phước lại mở trường gia giáo rồi trùng tu tái thiết nên HT Khánh Hòa có dịp sang đó. Nhiều người nhắc lại lời đề nghị của ông Huỳnh Thái Cửu, HT Khánh Hòa nhận xét:

- PG suy đồi là do mấy cái lá phái. Tự chúng ta chia xẻ riêng chùa, riêng Phật, thầy tu lại mang râu đội mão thành thầy cúng. Đàn việt thức giả yêu cầu chấn hưng, không lẽ chúng ta là sứ giả Như Lai mà ngồi điềm nhiên?

Cũng có ý kiến:
- Muốn chấn hưng thì phải lập hội tập họp những người vì đạo. Sau đó thì mở trường đào tạo Tăng tài, quyên góp mua sắm đầy đủ kinh sách và dịch toàn bộ kinh sách ra tiếng quốc ngữ để dễ phổ biến.

Trong một lần khác, có người đóng góp:
- Muốn lập hội thì phải lập tại Sài Gòn vì Sài Gòn là trung tâm, dễ liên lạc nối lục tỉnh hoặc vùng ngoài.

HT Khánh Hòa than:
- Chúng ta ở ngoài biên địa thì làm sao toan. Quý thầy ở Sài Gòn có đủ điều kiện thì không hợp tác. Biết làm sao?

Lúc ấy có Giáo thọ Thiện Chiếu là tọa chủ chùa Linh Sơn, số 149 đường Doumont, Sài Gòn (nay ở Cô Giang, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), tình nguyện dâng cúng ngôi chùa này để làm trụ sở phong trào. Thầy Thiện Chiếu lúc đó rất trẻ, tư tưởng tiến bộ (năm 1929 lại hoạt động trong phong trào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội).

Mùa Hạ năm sau (tức năm 1928), HT Khánh Hòa được thỉnh giảng tại trường học Long Khánh (Qui Nhơn), do HT Phước Huệ chứng minh. Trường học này do một đại thí chủ người Bến Tre tài trợ nên có nhiều Tăng Ni chẳng những ở các tỉnh miền Trung mà còn nhiều Tăng Ni ở miền Nam. Để nắm rõ tình hình, trước một tháng, HT Khánh Hòa và Huệ Quang đã ra Trung thăm dò dư luận để rồi chính thức dẫn một phái đoàn gồm nhiều Tăng Ni Phật tử ra dự lễ. Suốt ba tháng chủ giảng, Hòa thượng Khánh Hòa luôn đưa ra vấn đề chấn hưng PG và được Tăng chúng hoan nghênh ủng hộ. Tại đây, HT Khánh Hòa có một người bạn mới là sư Bích Liên.

Khoảng tháng 5, giáo thọ Thiện Chiếu đi Hà Nội về, ghé thăm trường hạ, có mua một số tạp chí Hải Triều Âm. Nhiều Tăng sĩ đọc cảm thấy thích thú và lóe ra niềm hy vọng. Giải hạ, HT Khánh Hòa về ghé Sài Gòn và từ đó Ngài đã gặp Thiện Chiếu nhiều lần để thúc vấn đề. Giáo thọ Thiện Chiếu đề tặng HT một bản chương trình PG hội Trung Quốc để HT tham khảo.

HT Khánh Hòa, HT Huệ Quang lập một phái đoàn có thêm một số cư sĩ đến nhiều chùa Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một để tuyên truyền vận động. Nhiều cao tăng tán đồng, nhưng khi bàn vào vấn đề thì e dè, sợ sệt.

Các vị HT và cư sĩ trong Ban Vận động đưa ra ba mục tiêu:
1) Cần phải chỉnh đốn Tăng già.
2) Thành lập Phật học đường.
3) Dịch và xuất bản các loại kinh sách Việt ngữ.

Tháng Giêng năm Mậu Thìn ( 1928), một tổ chức PG đầu tiên, gọi là Ban Chức sự Phật học viện, và Thư xã thành lập gồm có:

HT Khánh Hòa - Chùa Tuyên Linh (Bến Tre).
HT Huệ Quang - Chùa Long Hòa (Trà Vinh).
Giáo thọ Thiệu Chiếu - Chùa Linh Sơn (Sài Gòn).
Giáo thọ Từ Nhẫn (Cần Giuộc).
Giáo thọ Chơn Huê - Chùa Sắc tứ Linh Thứu (Mỹ Tho).
Cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Chương.
Ông Commis Trần Nguyên Chấn.
Trụ sở Ban Trị sự đặt tại chùa Linh Sơn.

Để có chi phí hoạt động, việc đầu tiên là HT Khánh Hòa về họp bổn đạo để bán bè gỗ trùng tu chùa Tuyên Linh, và cúng hết số tiền ấy, rất nhiều Phật tử đã ủng hộ tiền bạc. Đặc biệt có 17 cư sĩ ở Trà Vinh cúng 1.300 đồng (số tiền khổng lồ thời ấy) để đặt mua bộ Đại tạng kinh (gồm 711 bộ) ở Trung Quốc về tàng trữ tại chùa Linh Sơn.

Sau đó, HT Khánh Hòa lại lặn lội đến các tự viện ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Tiên tìm chư Tăng cùng chí hướng. Ngài đến Châu Đốc, vào chùa Phi Lai gặp HT Chí Thành. HT lúc này đã già yếu lắm, nhưng lại hăng hái nhiệt tình, ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Cũng trong thời gian đó, Ngài đáp tàu sang Phnom Penh (Campuchia) để nghiên cứu tình hình PG và cách đào tạo Tăng tài của họ. Nhìn chung, HT Khánh Hòa gặp nhiều ý kiến thuận lợi. Có chuyện rất cảm động xảy ra khi Ngài đến một ngôi chùa ở vùng quê Bạc Liêu. Chùa này rất nghèo, sư cụ già yếu, nhưng khi Ngài đến, sư cụ đã giới thiệu cho Ngài gặp rất nhiều chùa quanh vùng. HT Khánh Hòa ở đây mấy hôm. Khi từ giã, vị sư này móc túi đưa cho Ngài 20 đồng. HT ngạc nhiên hỏi:
- Tôi không xin sao thầy lại cho? Tôi biết thầy không tiền.

Sư cụ thành thật nói:

- Nào phải đợi thầy xin, việc của thầy là việc chung, rất tiếc tôi quá già không còn sức để chia sẻ trách nhiệm với thầy, nên có chút ít gởi thầy làm lộ phí. Xin thầy hoan hỉ nhận cho tôi. Tôi quá nghèo, dành dụm bấy lâu nay mà chỉ có bấy nhiêu thôi.


II. Sau đó Ban Trị sự cho ra mắt tờ Pháp Âm ngày 31-8-1929. Đây là tờ tạp chí bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ra đời ở nước ta. Một điểm chúng ta cần chú ý là tờ báo này được biên tập và xuất bản tại Sài Gòn nhưng trụ sở lại đặt tạm tại chùa Sắc tứ Linh Thứu (Mỹ Tho). Đây cũng là trụ sở của báo Dân Cày, tiếng nói của những người làm cách mạng ở địa phương này.

Song song với tờ Pháp Âm do HT Khánh Hòa làm Chủ nhiệm, Giáo thọ Thiện Chiếu lại mở Phật học Tùng thư, xuất bản nhiều tạp chí Phật học chuyên đề như Phật hóa tân thanh niên, Phật học tổng yếu... để cổ động từng lớp Tăng Ni trẻ. Nhiều ý kiến mới mẻ xuất hiện trên các tạp chí này được độc giả chú ý, gây tranh luận trên báo chí, thí dụ như ý kiến: “Những kẻ giàu cái tánh chất nô lệ không biết trông cậy ở sức mình mà cứ trông đợi ở sức người, không biết họa phước đều do tự lòng tạo, mà cứ thưởng phạt ở thần quyền, thì chẳng những không bao giờ thấu được Phật lý, mà chính là một giống độc trùng sẽ phá hoại PG, có ngày phải tiêu diệt”.

Do Phật tử nhiệt tình ủng hộ nên đến tháng 12 năm ấy thì xây dựng xong Pháp bảo phường và Duyệt kinh thất bên cạnh chùa Linh Sơn. Bộ Đại tạng kinh mua ở Trung Quốc cùng một số kinh sách, báo chí, tạp chí... được sưu tầm tàng trữ để mọi thức giả có thể tới lui nghiên cứu.

Ban Biên tập các tờ báo, tạp chí vừa kể, theo qui định cũng phải gom về Duyệt kinh thất. Sư Bích Liên ở Qui Nhơn hay tin có bài th�� chúc mừng:

Chúc mừng Phật học thư xã
Kín, thưa leo lét mấy thu đông,
Thơ xã nay mừng đã lập xong
Thắp tỏ bốn bên đèn trí huệ
Chất đầy ba tạng sách Tây Đông
Mở môn phương tiện theo gương sách.
Mượn bút văn minh vẽ nét lòng.
Rường cột chống ngăn trời mạt pháp,
Rồi đây biển giác rộng mênh mông.
(Pháp Âm, năm 1929)


III. Thời bấy giờ, chính quyền đô hộ Pháp kềm kẹp gắt gao, nên việc xin phép thành lập hội đoàn nếu không phải là công chức thân Pháp thì không dễ dàng. Lúc bấy giờ, Commis Trần Nguyên Chấn là công chức trong Dinh Đốc lý thành phố Sài Gòn, những người nhiệt tâm vì đạo cũng biết hậu quả, nhưng bất đắc dĩ phải nhờ đến ông. Lợi dụng tình thế, Trần Nguyên Chấn ép HT Khánh Hòa phải chấp nhận ba điều kiện:

+ Phải để con rể của ông làm Chủ nhiệm sáng lập tạp chí Từ Bi Âm và Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội.

+ Phải nhường chức đệ nhị Phó Hội trưởng vĩnh viễn cho ông, không ai được ứng cử tranh giành.

+ Phải làm giấy mượn của ông chùa Linh Sơn và đất chung quanh chùa (mặc dù chùa này được bà Nguyễn Thị Nghi xây dựng khá lâu trải qua mấy đời trụ trì và vị trụ trì cuối cùng là Sư Thiện Chiếu đã cúng cho phong trào chấn hưng PG).

Cuối cùng Thống đốc Nam Kỳ Krauthemer đã ký quyết định cho phép thành lập Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội ngày 25-8-1931. Tạp chí Từ Bi Âm được phép xuất bản ngày 30-4-1931, nhưng phải chờ đến sau khi thành lập Hội, ngày 1-1-1932 mới ra số đầu tiên. HT Từ Phong được cung thỉnh làm Hội trưởng, HT Khánh Hòa được cử làm đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Từ Bi Âm; để tình hình thuận lợi, Ban Vận động thành lập phải đưa ra một số công chức cao cấp hay quan chức người Pháp vào Ban sáng lập hoặc vào Ban hội viên danh dự...

Ông Commis Trần Nguyên Chấn là người có thế lực, nên trong giai đoạn đầu, Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội đã bênh vực một số chùa chiền bị bọn cường hào ở nông thôn húng hiếp để giành chiếm ruộng đất, tạo uy tín lớn. Thế nhưng tình hình ngày càng xấu, chính quyền đô hộ lần lượt đưa ra các biện pháp kềm kẹp như kiểm soát việc xuất bản kinh sách, kiểm tra nội dung chương trình đào tạo Tăng Ni, kiểm tra tài chính... Do đó, Từ Bi Âm chỉ xuất bản đến số 45 (1-11-1933) thì HT Khánh Hòa rút lui, lôi kéo theo nhiều người khác.


IV. Do ngân sách không dồi dào nên Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội chủ trương các Phật học đường lưu động, đến khóa ba thì bị ngăn cản phá hoại. Do đó ngày 13-8-1934, các vị HT và các cư sĩ nhiệt tình mới vận động thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, trụ sở đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh). HT Từ Phong được cử làm Chứng minh Đạo sư, HT làm hội trưởng. Năm 1935, Hội xuất bản tạp chí Duy Tâm, xây dựng Phật học đường. Phong trào tồn tại đến năm 1945.

+ Sư Thiện Chiếu tìm gặp HT Trí Thiền (chùa Sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá) cùng vận động thành lập Hội Phật học Kiêm Tế ngày 23-3-1937. HT Trí Thiền được cung thỉnh làm Chánh Tổng lý, tu sĩ Phan Thanh Hòa được cử làm Chủ bút Tạp chí Tiến Hóa. Hội chủ trương làm việc từ thiện xã hội như tổ chức cứu trợ đồng bào bị bão lụt, mở lớp học từ thiện cho trẻ con nhà nghèo... Chính do chủ trương tiến bộ như thế nên chùa Tam Bảo trở thành nơi lui tới của cán bộ cách mạng và bị đàn áp sau Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. HT Trí Thiền bị thực dân Pháp bắt đày Côn Đảo và hy sinh tại đó.

+ HT Huệ Đăng (chùa Thiên Thai - Bà Rịa) kín đáo hơn, Ngài nói “Duy trì Phật pháp chính là ở chỗ mở rộng việc hoằng pháp lợi sanh, giáo dục thiện tín gieo trồng duyên lành cội phúc...“, rồi cũng theo chiều hướng chung, năm 1935, Ngài cùng Tăng Ni Phật tử thành lập Thiên Thai Thiền Giáo tông Liên hữu Hội. Có kinh nghiệm của các hội khác, chư Tăng Ni chỉ lo việc hoằng pháp lợi sanh, đào tạo kế vãng khai lai... còn công việc từ thiện... do các cư sĩ đảm trách. Hội Thiên Thai cũng xuất bản tờ Bát Nhã Âm. Nhờ quan niệm đúng hướng mà việc truyền bá giáo lý phát triển mạnh, đặc biệt là đào tạo được một thế hệ kế thừa theo con đường dân tộc và Phật pháp.


V. Tóm lại, việc chấn hưng PG không thành công trọn vẹn như những người khởi xướng. Đó là do những tồn tại của nhiều thế hệ chất chứa, trong một ngày một buổi không thể nào chuyển đổi được. Hơn nữa theo cao trào xã hội từ 1936 đến 1939, thực dân Pháp bắt buộc phải nới lỏng cho thành lập các tổ chức PG cũng như các hội đoàn quần chúng. Nhưng chánh quyền thời bấy giờ khôn khéo không cho PG thống nhất, vì thống nhất PG không có lợi cho họ. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tâm huyết của HT Khánh Hòa, HT Từ Phong, Giáo thọ Thiện Chiếu, cùng các Tăng Ni Phật tử có tâm huyết không phải vô ích:

1* Phong trào tuy không thành công trong việc thống nhất PG, nhưng đã chứng tỏ rằng việc thống nhất Giáo hội là việc rất cần thiết. Có thống nhất PG thì mới có thể chấn chỉnh thiền môn quy củ nâng PG địa phương ngang hàng với PG các nước.

2* Phong trào đã chủ trương thành lập nhiều trường Phật học, đào tạo được một thế hệ Tăng Ni có phẩm hạnh, có trình độ Phật học, trình độ văn hóa xứng đáng là sứ giả Như Lai. Đặc biệt có nhiều tông môn còn bồi dưỡng cho thế hệ sau theo đường hướng “Dân tộc - Đạo pháp” nên sau Cách mạng Tháng Tám 1945 có nhiều Tăng Ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tham gia hai thời kỳ kháng chiến, góp phần giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

3* Phong trào chấn hưng PG chủ trương dịch kinh viết bằng chữ Hán ra chữ Việt và phổ biến các tài liệu nghiên cứu PG của người nước ngoài, xuất bản các loại tạp chí PG..., đã góp phần phổ biến giáo lý của đức Phật đến từng tín đồ, biến đạo Phật thành đạo của mọi người, mọi nhà.

4* Đặc biệt, mặt thành công lớn của phong trào chấn hưng PG là đào tạo được các thế hệ Ni chúng xứng đáng và nâng Ni giới lên vị trí quan trọng như Tăng giới. Tương tự, sau phong trào chấn hưng PG, chúng ta có một đội ngũ cư sĩ am tường giáo lý nhà Phật, có nhiệt tâm vì đạo pháp. Từ đó “bốn chúng” có thể cùng nhau xây dựng một Giáo hội PG Việt Nam thật sự thống nhất như ngày nay. Điều này các thế hệ trước có thể mong muốn, nhưng chưa làm được. Hiện nay có nhiều nước mong muốn cũng chưa thực hiện được.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com