- Lời nói đầu
- Phần I: Hội Thảo Khoa Học
- Phần II: Lịch Sử Truyền Thừa
- Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định
- Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
- Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
- Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
- Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
- Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn
Hình Bóng Tín Ngưỡng Dân Gian Trong Các Tự Viện Ở Vùng Sài Gòn-Gia Định
Trương Ngọc Tường
Nguồn: Trương Ngọc Tường
Nguồn: Trương Ngọc Tường
Các chùa cổ ở vùng Sài Gòn-Gia Định đều thờ rất nhiều tượng Phật, Bồ tát và các vị Thiện thần. Có chùa thờ vài ba mươi tượng. Có chùa thờ năm bảy mươi tượng. Đặc biệt nhiều chùa đã hé cửa đón tín ngưỡng dân gian vào, do đó rất nhiều nơi đã xây miếu thờ các vị nữ thần trong khuôn viên chùa. Nhiều chùa trong chánh điện thờ cả Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập điện Diêm Vương..., kể cả tín ngưỡng Lão giáo. Linh quan Thổ địa vốn là thần tiếp dẫn các đền miếu được biến thành thần tiếp dẫn của các nhà chùa. Quan Thánh Đế quân, một biểu tượng trung nghĩa (1) được người Hoa tôn thờ, đã trở thành thần Già Lam, tương đương với Đức ông Cấp Cô Độc thế vị thần hộ trì ngôi Tam bảo ở miền Bắc. Trong số các vị thần, các vị Bồ tát hay các vị Phật, chúng ta chú ý đến Linh Sơn Thánh mẫu, Giám Trai sứ giả, Ngũ Hiền vì mang tính đặc thù hơn cả.
A.- Linh Sơn Thánh mẫu
Linh Sơn Thánh mẫu còn gọi là Bà Đen, nữ thần núi Một tức núi Điện Bà ở Tây Ninh. Sự tích Linh Sơn Thánh mẫu rất ly kỳ, do nhân gian gán ghép mà có bóng dáng như một nhân vật lịch sử và dính líu với hệ thống chùa chiền dòng Lâm Tế Liễu Quán. Theo Đại Nam nhất thống chí, từ xưa tại núi Một đã có một điện thờ Bà Đen nên núi này mới có tên là núi Điện Bà. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi Điện Bà được chính thức đặt tên là Linh Sơn và được ghi vào "tự điển" (2); có lẽ sau giai đoạn này, Bà Đen mới có danh hiệu Linh Sơn Thánh mẫu.
Linh Sơn Thánh mẫu là thần phù hộ xóm ấp, được nhân gian lập miếu thờ khắp vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Tân An và Mỹ Tho. Nhiều cơ sở tín ngưỡng như đền Ấn Độ (ở đường Trương Định, quận 1), chùa Linh Sơn (đường Cô Giang, quận 1) đều được xây dựng trên nền cũ miếu Linh Sơn Thánh mẫu. Hiện chùa Linh Sơn cũng lấy hiệu cũ.
Theo các nhà nghiên cứu, Linh Sơn Thánh mẫu được xem như nữ thần hộ tự có thể bắt nguồn từ Dei Khmao (tức Bà Đen) của Phật giáo Khmer, nên hai vị thần này tuy danh xưng khác nhau mà chức năng giống nhau.
B.- Giám Trai sứ giả
Giám Trai sứ giả là vị Bồ Tát quản lý việc ăn uống trong Tăng đoàn, do đó các chùa Bắc tông chỉ thờ Giám Trai như một biểu tượng. Ở miền Trung, Giám Trai sứ giả là "Đại Thánh Câu Ma La Vương" (xem lại sự tích). Riêng tại Sài Gòn-Gia Định, Giám Trai sứ giả (còn gọi là ông Giám) là một biểu tượng dân dã hơn.
Về mặt nghệ thuật tạo hình, hình tượng Giám Trai sứ giả chưa thống nhất theo một chuẩn mực, các tượng thì bằng đất sét thô hoặc bằng gỗ làm từ thế kỷ trước, hình dáng chất phác. Tượng Giám Trai ở chùa Giác Viên (quận 11) bằng đất nung là hình tượng nhân vật Sa Tăng trong truyện Tây du là tác phẩm đặc biệt. Những tượng thờ gần đây thường làm theo hình dáng của một anh nông dân lao động : đầu vấn khăn, áo phạch ngực, chân mang dép rơm theo kiểu Nhật Bản. Một điểm ai cũng có thể thấy rõ là các ông Giám vùng Biên Hòa, Thủ Đức, Thủ Dầu Một (do gần rừng) nên thường xách rựa quéo đốn cây. Còn các ông Giám vùng Sài Gòn, Mỹ Tho, đổ xuống miền Tây (ở vùng đồng bằng) nên thường xách búa bửa củi.
Giám Trai Nam Bộ thường được thờ ở nhà trù, mang chức năng của một vị thần quản tự, kiêm chức năng của Táo quân. Chỉ khi có trai đàn chẩn tế cô hồn, Giám Trai sứ giả mới trở lại chức năng truyền thống. Có câu đối thờ Giám Trai sứ giả như sau:
Phật lực vô biên, phàm thực biến thành pháp thực
Pháp môn vô lượng, hỏa trù hóa tác thiên trù
(Phật lực vô biên, phàm thực biến thành pháp thực
Pháp môn vô lượng, bếp trần chuyển hóa bếp trời)
Theo truyền thuyết Nam Bộ, Giám Trai là một nông dân làm công quả trong chùa. Anh ta ở chùa nhiều năm nhưng không biết kinh kệ, vì "dốt đặc cán mai", chỉ có sáu chữ Di Đà mà quên trước nhớ sau, quên sau nhớ trước. Nhưng anh ta vẫn thành chánh quả vì có lòng tin thể hiện qua công việc của mình. Có thể nói, đây là một Bồ tát của người dân Nam Bộ.
C.- Ngũ Hiền
Ngũ Hiền là hình tượng các vị Bồ tát Phổ Hiền cưỡi bạch tượng, Bồ tát Văn Thù cưỡi thanh sư, Bồ tát Quan Âm cưỡi kim hẩu, Bồ tát Đại Thế Chí cưỡi bạch hổ. Đây là bộ Tây phương Tam thánh kết hợp Hoa nghiêm Tam thánh, vừa thể hiện từ, bi, trí, hạnh nguyện của Phật giáo (PG), vừa thể hiện tinh thần kết hợp Thiền Tịnh của Phật giáo Nam Bộ. Như thế, tượng vị Phật đang ngồi trên mình sư tử thuyết pháp giữa bốn vị Bồ tát vừa kể là Phật Thích Ca vừa là Phật Di Đà.
Một số chùa thờ Ngũ Hiền bằng tượng, còn đa số thờ bằng sám bài (3). Thường ngày, bộ sám bài ấy thường đặt trước hương án, nhưng khi cần thiết, tháo rời chân để chuyển đến các lễ hội trai đàn theo yêu cầu của xã hội. Về mặt tạo hình, hình tượng Ngũ Hiền rất phong phú, các tượng thờ hoặc sám bài gần đây thường làm theo quy ước truyền thống, có thể nhận dạng rõ ràng. Trái lại, các tác phẩm có niên đại xưa thường là theo sự tưởng tượng của từng cá nhân. Thí dụ như ở chùa Vạn Đức (Q. Bình Thạnh), các vị Bồ Tát trên sám bài thể hiện các đạo sĩ, mình mặc đạo bào, tóc búi cao, chân đi giày cỏ. Khác lạ hơn tượng các Bồ Tát Ngũ Hiền ở chùa Phụng Sơn (Q. 11) là hình tượng các nhà sư đầu tròn áo vuông. Đặc biệt nhất ở chùa Giác Viên (Q. 11), chùa Giác Hải (Q. 6) và một số chùa ở miền Tây, cũng các vị Bồ Tát vừa kể lại thể hiện các vị võ tướng, đầu đội kim khôi, chân đi hia, mình mặc giáp, ngoài khoác chiến bào. Gặp trường hợp như thế thì không thể nào nhận diện được.
Một số nhà nghiên cứu cho biết, bộ tượng Ngũ Hiền là bộ tượng theo khuynh hướng "cứu thế", đặc biệt chỉ xuất hiện ở Nam Bộ (4). Nguồn gốc bộ tượng này bắt nguồn từ bộ truyện Phong thần hồi thứ 82. Theo đoạn truyện này, Linh Quy Thánh mẫu xuống trần kéo bọn Xiển giáo lập trận Vạn Tiên để giúp Trụ chống Châu. Phe Triển giáo phải cầu thỉnh Nhiên Đăng đạo nhân (nên hiểu là Phật Thích Ca), Tiếp Dẫn đạo nhân (Phật A Di Đà), Từ Hàng đạo nhân (Bồ tát Quán Thế Âm), Phổ Hiền chân nhân (Bồ tát Phổ Hiền), Văn Thù Quảng Phát Thiên Tôn (Bồ tát Văn Thù) xuống trần phá trận, giúp chánh nghĩa diệt tà đạo. Cuối cùng, bọn Linh Nha tiên, Cù Thủ tiên, Kim Hoa tiên... đều bị thu phục, biến thành con vật cưỡi cho các vị Bồ tát. Chỉ riêng có Định Quang tiên vốn lòng chơn thiện nhưng bị đồng bọn lôi kéo, đã bỏ chạy trước khi lâm trận. Ngài tìm nơi tu hành thành chánh quả. Đại hùng đại lực của Định Quang tiên thể hiện là một vị Bồ tát chế ngự một con cọp trắng. Bộ tượng này xuất hiện trong giai đoạn bị ngoại bang đô hộ chắc có nguồn gốc của nó.
Tóm lại, ở vùng đất Sài Gòn-Gia Định tuy mới khai phá nhưng cũng có quan niệm "Tam giáo đồng nguyên" như các vùng khác. Hơn nữa, các vị Tổ sư tiền bối đã theo quan niệm "dĩ huyễn độ chân", hé cửa cho tín ngưỡng dân gian vào chùa, cho thích hợp với tâm lý những người bình dân lao động hầu dẫn dắt họ đến chánh pháp của Đức Phật. Gần đây, có một phong trào chấn chỉnh cách thờ phượng trong chùa cùng với phong trào trùng tu sơn phết bừa bãi. Suy cho cùng thì phong trào này đã làm hại đến mỹ thuật PG khá nhiều. Một số chùa chưa dám loại bỏ tín ngưỡng dân gian; nhưng tượng thờ xáo trộn vị trí, thờ sai chức năng thì càng nguy hiểm hơn nữa. Thiết nghĩ, người xưa đã "dĩ huyễn độ chơn" thì chúng ta ngày nay phải "lấy chơn độ huyễn". Việc loại trừ những khía cạnh không còn thích hợp là điều tất yếu. Nhưng trước khi loại trừ phải sàng lọc phân biệt để bảo tồn di sản của tiền nhân.«
CHÚ THÍCH
(1) Có câu đối thờ Quan Công như sau:
Hán phong hầu, Tống phong vương, Minh phong đại đế
Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên Tôn
(2) Tự điển: Sách ghi chú các sông núi danh thắng trong nước (tượng trưng sơn hà xã tắc) được triều đình cúng tế.
(3) Sám bài: Bình phong đặt trên bàn thờ (bài: bình phong nhỏ, sám: bái lạy)
(4) Chúng tôi thấy tại miền Trung chỉ có chùa Bửu Phong ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) có bộ sám bài Ngũ Thừa như các chùa ở Nam Bộ. Chùa Bửu Phong có cùng nguồn gốc với chùa Đại Giác ở Biên Hòa.
Gửi ý kiến của bạn