Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Nam Tông Tại Sài Gòn - Gia Định -TP Hồ Chí Minh Xưa Và Nay

23/04/201319:11(Xem: 13254)
Phật Giáo Nam Tông Tại Sài Gòn - Gia Định -TP Hồ Chí Minh Xưa Và Nay
Chua_Giac_Lam_Saigon (16)300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phật Giáo Nam Tông Tại Sài Gòn- Gia Định-TP Hồ Chí Minh Xưa Và Nay

Thượng Tọa Thích Thiện Tâm
Nguồn: Thượng Tọa Thích Thiện Tâm


Hòa với niềm hân hoan chung của nhân dân thành phố, hôm nay giới Phật giáo (PG) thành phố tổ chức buổi Hội thảo để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh, và cũng trong thời điểm kỷ niệm 23 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhân dịp này, tôi vinh dự được thay mặt giới PG Nam tông thành phố tham dự và phát biểu tham luận trong buổi Hội thảo khoa học lịch sử quan trọng này. Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng chân thành biết ơn về vinh dự cao quý mà Ban Tổ chức đã dành cho tôi và kính gởi lời hân hoan chào mừng và kính chúc an lành đến chư tôn đức giáo phẩm, chư vị khách quý và chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, quý nam nữ Phật tử hiện diện. Xin thành kính cầu nguyện hồng ân mười phương Tam bảo hộ trì cho cuộc Hội thảo của chúng ta đạt được thành quả tốt đẹp nhất.

Như chư tôn đức và quý vị đều biết, tại Việt Nam, PG Nam tông gồm có hai hệ : PG Nam tông của người Khmer đã tồn tại ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và PG Nam tông trong cộng đồng người Việt. Theo sử liệu thì PG Nam tông Việt Nam chỉ mới được du nhập vào Việt Nam từ khoảng những năm cuối thập niên 1930. Như vậy, PG Nam tông Việt Nam chỉ có mặt tại Việt Nam nói chung và tại thành phố này nói riêng, cho đến nay chỉ trên dưới 60 năm. Nếu so với bề dày lịch sử tồn tại của PG Bắc tông thì sự có mặt của PG Nam tông trong cộng đồng PG Việt Nam được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, trong 60 năm tồn tại ấy, PG Nam tông cũng đã có những đóng góp nhất định, dù là khiêm tốn, cho thành quả chung của PG Việt Nam. Vì thế ở đây, tôi xin được mạo muội nhắc lại đôi dòng vắn tắt về quá trình lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của PG Nam tông trong những thập niên qua để đóng góp tiếng nói của PG Nam tông trong buổi Hội thảo này. Qua đó, tôi cũng mong Đảng, chính quyền và Giáo hội cần quan tâm nghiên cứu thực tiễn tình hình hiện tại của PG Nam tông và có hướng giúp đỡ cụ thể cho PG Nam tông được phát huy bản sắc của mình trong sự phát triển chung của PG Việt Nam, phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước và dân tộc. Trong niềm suy nghĩ đó, ở đây một câu hỏi cụ thể cũng có thể được đặt ra để cho vấn đề thêm phần sáng tỏ là: từ khi có mặt đến nay, PG Nam tông đã tạo nên được những sắc thái đặc trưng nào, đã làm được những gì và đang tồn tại ra sao trong vận mệnh của dân tộc và PGViệt Nam, mà cụ thể là tại một số tỉnh thành phía Nam, miền Trung Việt Nam và đặc biệt là tại thành phố này? Dĩ nhiên, đây chỉ là những nét phác thảo đang tồn tại trong suy tư cá nhân và không hề có tham vọng trình bày như một bản báo cáo chi tiết khoa học của vấn đề.

Như trên đã nói, PG Nam tông du nhập Việt Nam vào cuối thập niên 1930. Đây là thời kỳ lịch sử vô cùng quan trọng của dân tộc và PGViệt Nam, vì đây cũng chính là giai đoạn ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo. Trong giai đoạn bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam mà điểm hội tụ chính là tại thành phố này, đang liên tục diễn ra những cao trào đấu tranh cách mạng hào hùng và anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc kháng chiến kiên cường bất khuất chống thực dân để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong bối cảnh lịch sử ấy, tuyệt đại đa số Tăng Ni và Phật tử Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhất tề đứng lên cùng toàn dân toàn quân tích cực tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đầy chính nghĩa của dân tộc; mặt khác, ra sức tích cực hoạt động để đẩy mạnh công cuộc vận động thống nhất và chấn hưng PGnước nhà, nhằm thực hiện tinh thần lời dạy của đức Phật : Vì lợi lạc quần sanh, vô ngã vị tha, phát huy truyền thống yêu nước phụng đạo của lịch sử PGViệt Nam trong sự nghiệp bảo vệ đạo pháp và dân tộc, vừa khế hợp với yêu cầu vận động sức mạnh tổng hợp đoàn kết dân tộc trước thực tiễn tình hình đất nước, vừa không ngừng đưa PG Việt Nam theo kịp xu thế phát triển chung của PG các nước láng giềng và PG thế giới.

Chính sự ra đời của PG Nam tông trong bối cảnh lịch sử ấy của dân tộc và PG Việt Nam đã tạo nên cơ duyên thuận lợi cho quá trình hội nhập nhanh chóng và phát triển nhịp nhàng của PG Nam tông trong vận hội chung của đất nước và sánh vai cùng với các thành phần khác trong cộng đồng PG Việt Nam. Và cũng nhờ vậy nên trải qua biết bao biến cố đổi thay thăng trầm của lịch sử PG và dân tộc, PG Nam tông vẫn luôn sắt son gắn bó và được phát triển hài hòa cùng chung với sức sống và vận mệnh của dân tộc và cộng đồng PG Việt Nam kể từ khi du nhập đến nay, và cũng qua đó, đã cùng với các tổ chức hệ phái PG khác, có những cống hiến thiết thực nhất định trong nhiều lãnh vực hoạt động Phật sự, góp phần hoàn thành sứ mệnh phụng sự đạo pháp và phục vụ nhân dân trong sự nghiệp chung của PG Việt Nam và cùng chung sức xây dựng PG Việt Nam trở thành một thực thể vững mạnh, tồn tại hòa điệu nhịp nhàng trong mạch sống dân tộc trải qua bao cuộc thịnh suy thăng trầm của đất nước bốn ngàn năm văn hiến này.

Nói đến công đức khai sơn phá thạch để cho PG Nam tông được hiện diện trên đất nước Việt Nam là nói đến công lao của một số chư Tăng và Phật tử Việt kiều sinh sống trên đất nước Campuchia. Họ đã kết hợp với một số Phật tử nhiệt thành trong nước, ra sức xây dựng nền móng ban đầu cho PG Nam tông tại Việt Nam. Trong số các vị có công đầu ấy, đáng được nhắc đến là sự đóng góp đắc lực của các nhà sư và cư sĩ tiêu biểu như Bác sĩ thú y Lê Văn Giảng (về sau xuất gia là cố HT Hộ Tông) và ông Nguyễn Văn Hiểu cùng với một số bạn bè thân hữu của họ đã cùng với một số các bậc cao tăng khác như HT Bửu Chơn, HT Thiện Luật, HT Giới Nghiêm, HT Ấn Lâm, HT Tối Thắng... đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công cuộc hoằng dương PGNguyên thủy tại Việt Nam, và giờ đây các vị ấy đã trở thành những bậc danh tăng thạc đức tiền bối và những cư sĩ lão thành có công lớn, sáng danh trong lịch sử du nhập và xây dựng PG Nam tông tại Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu có mặt tại Việt Nam, các vị sư và cư sĩ Nam tông chỉ tập trung vào việc tu tập thiền quán, biên soạn kinh sách, thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn cho Phật tử sơ cơ tu học và thực hành giáo lý chánh truyền nguyên thủy của đức Phật, để giúp họ loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp với tín ngưỡng chánh pháp của đạo Phật, tìm địa điểm thích hợp để xây dựng cơ sở tòng lâm tự viện làm nơi tu học và hoằng pháp lợi sanh cho chư Tăng và Phật tử, đơn giản hóa trong cách thờ phượng và lễ nghi cúng kiến. Chính những sinh hoạt đặc thù nguyên thủy ấy đã thu hút nhiều người cảm kính xu hướng tin theo, và cũng vì vậy mà tuy hiện diện chưa được lâu, PG Nam tông đã càng lúc càng phát triển nhanh chóng và đáng kể về số lượng chư Tăng và tín đồ. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng tại Sài Gòn và một số tỉnh thành lân cận cũng như tại một số tỉnh miền Trung ; trong đó, ngôi Bửu Quang tự là Tổ đình đầu tiên của PG Nam tông, tọa lạc tại xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, cũng đã được xây dựng vào cuối năm 1937. Đây là những nỗ lực tập trung của chư Tăng và Phật tử Nam tông trong công cuộc đặt nền móng ban đầu cho sự hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của PG Nam tông, và được xem là những hoạt động đặc trưng của PG Nam tông tại Việt Nam từ khi vừa có mặt tại Việt Nam.

Cũng ngay từ buổi giao thời đó, PG Nam tông, trước tình hình bối cảnh đất nước đang lâm cảnh chiến tranh ly loạn, đạo Phật Việt Nam rơi vào tình cảnh phân hóa trầm trọng, trong một xã hội có chiến tranh, nhân tâm phân tán, vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân, có người yêu nước lẫn kẻ bán nước với những xu hướng chính trị, quan điểm chánh nghĩa, phi nghĩa bất đồng; tình hình xã hội, chính trị rối ren phức tạp, lại thêm tác hại nghiêm trọng của chính sách thực dân chia để trị, càng làm suy yếu sức mạnh nội bộ dân tộc Việt Nam càng dễ bề thôn tính và cai trị. Chính trong tình cảnh nước mất nhà tan, nhân tâm bất ổn ấy, người Phật tử Việt Nam vốn thừa hưởng truyền thống yêu nước từ ngàn xưa của dân tộc và Phật giáo, và những Tăng Ni Phật tử thức thời, có tâm huyết đối với vận mệnh sống còn của đất nước, của dân tộc và đạo pháp, làm sao có thể bình chân tọa thị, và cũng vì vậy nên đã có biết bao Tăng sĩ Việt Nam, trong đó có một số nhà sư Nam tông “cởi ca sa mặc chiến bào”, lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia kháng chiến chống thực dân để bảo vệ giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, tiêu biểu như các vị sư Tâm Kiên, Hữu Nghiệp... cùng với một số nhà sư và cư sĩ khác đã ra đi trong khi đang còn tu học và sinh sống trên đất nước Campuchia.

Cũng cần mở ngoặc và ghi nhận ở đây mối quan hệ thường xuyên gắn bó giữa PG Nam tông Việt Nam trong nước và PG Campuchia cũng như cộng đồng Phật tử người Việt sinh sống trên đất nước này, đã không ngừng được tăng cường củng cố, tạo nên mối quan hệ hữu nghị hợp tác ơn tình quan trọng, xuyên suốt qua bao thời kỳ lịch sử thăng trầm của dân tộc và PG hai nước Việt Nam-Campuchia càng thêm tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp đáng kể của PG Nam tông Việt Nam.

Nổi bật nhất là trong khoảng thời gian PG Việt Nam đi tiên phong trong công cuộc tranh đấu anh dũng của các tầng lớp nhân dân chống lại bạo quyền độc tài tay sai Ngô Đình Diệm, PG Nam tông đã trở thành một trong những thành viên xung kích và tích cực trong các phong trào xuống đường, tuyệt thực và biểu tình và đấu tranh trực diện ở tại nhiều địa phương, nhất là ở Huế và tại thành phố này. Biết bao chư Tăng và Phật tử Nam tông cũng đã chịu chung cảnh bị đánh đập, giam cầm, tra tấn cùng với số phận của hàng ngàn Tăng Ni Phật tử khắp nơi trên cả nước, thậm chí HT Bửu Chơn cũng không thoát khỏi cảnh ngộ bị giam cầm chung cùng với các vị tôn túc lãnh đạo PG khác. Chính sự hợp tác cùng nhau đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh, sống chết có nhau, trong công cuộc đấu tranh của PG Việt Nam cho sự tồn sinh của đạo pháp và dân tộc, là chất keo tình cảm vô cùng quan trọng, tạo điều kiện và tiền đề cho sự hình thành và phát triển nên tinh thần hòa hợp chúng, bất khả phân ly, mở đầu cho công cuộc vận động thống nhất PG nước nhà, nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, bất luận tông môn hệ phái nào, rất thiêng liêng và bền chặt.

Chính vì nhận thức được sự khác biệt giữa PG Nam tông và Bắc tông là thật sự không có ranh giới đáng kể, nó chỉ mang tính chất hiện tượng tạm thời. Bản chất khách quan của sự vật - nền tảng nhận thức của PG luôn luôn hiện diện trong ý thức của Tăng Ni Phật tử, tất yếu dẫn đến nhận thức rằng nỗ lực trong cuộc vận động thống nhất PG cũng chính là cuộc đấu tranh để đưa đến sự thống nhất các điểm bất đồng dị biệt để thực hiện tính nhất thể tương đồng trong nội bộ PG, và điều này chỉ có thể thực hiện được khi hoàn cảnh chủ quan (ý chí thống nhất của Tăng Ni Phật tử cả nước) và điều kiện khách quan (sự thống nhất đất nước) cho phép; chính vì vậy nên dù có một số điểm dị biệt bất đồng về hình thức và nội dung biểu hiện trong cách thờ phượng, trong quan điểm nội dung giáo lý và trong các phương pháp hành trì trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của Tăng Ni Phật tử giữa Nam-Bắc tông, điều ấy cũng không phải là những vật cản lớn đối với hàng tứ chúng đệ tử Phật dù Nam hay Bắc tông, thật sự sống biết tôn trọng và thực hành đúng theo tinh thần Lục hòa cộng trụ và Tứ nhiếp pháp của đức Phật. Chính nhờ những quan điểm nhận thức như thế nên có thể nói từ khi du nhập Việt Nam, PG Nam tông đã biết cách thể hiện khá nhuần nhuyễn tinh thần khế lý khế cơ của PG, và nhờ vậy không lạ gì thành quả của quá trình vận động thống nhất PG nước nhà gặp rất nhiều thuận duyên, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Tăng tín đồ PG Nam tông trải qua các thời kỳ, mà đỉnh cao là Hội nghị Thống nhất PG Việt Nam được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11-1981, và PG Nam tông là một trong 11 thành viên của cuộc Hội nghị lịch sử quan trọng này. Và cũng bắt đầu từ điểm mốc lịch sử quan trọng ấy của PG Việt Nam, Tăng tín đồ PG Nam tông đang phấn đấu tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống phục vụ đạo pháp và dân tộc trong lòng Giáo hội PG Việt Nam mà các bậc tiền bối đã dày công khai sơn phá thạch và mở đường cho các thế hệ hiện tại và tương lai vững bước.

Vì thời gian không cho phép, tôi xin được kết thúc bài tham luận này với nhận định như sau:

Xác định lập trường quan điểm nhập thân phấn đấu cho lý tưởng phục vụ vì sự nghiệp chung của PG Việt Nam, nhằm phát huy ánh sáng chánh pháp của đức Phật được lưu lộ và tồn tại mãi trên quê hương Việt Nam, vì đại nghĩa dân tộc và an lạc hạnh phúc của nhân dân, chính là lý do tồn tại và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hướng cho mọi hành động lợi đạo ích đời của PG Nam tông Việt Nam.

Như vậy, sự có mặt của PG Nam tông tại Việt Nam từ trên nửa thế kỷ qua và hiện tại, nếu cho phép được ví von theo cách nói hình tượng văn học thì đó là sự góp mặt của một loài hoa trong vườn hoa PG Việt Nam, cùng với nhiều loài hoa PG khác, góp phần tô điểm làm giàu sắc hương tươi thắm cho vườn hoa văn hóa tinh thần của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]