- Lời nói đầu
- Phần I: Hội Thảo Khoa Học
- Phần II: Lịch Sử Truyền Thừa
- Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định
- Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
- Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
- Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
- Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
- Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
Phật Giáo Với Sự Nghiệp Giáo Dục Và Đào Tạo Tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh
Phật Giáo Với Sự Nghiệp Giáo Dục Và Đào Tạo Tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh
Hòa thượng Thích Minh Châu
Nguồn: Hòa thượng Thích Minh Châu
Nguồn: Hòa thượng Thích Minh Châu
Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đã có 300 năm lịch sử kể từ khi được thành lập. Trong gần 1.000 ngôi chùa hiện diện trên mảnh đất này, chùa Giác Lâm được coi là ngôi chùa xưa nhất đã được xây dựng trên 250 năm. Điều ấy chứng tỏ Phật giáo (PG) đã gắn bó cùng thành phố ngay từ những năm đầu tiên khi thành phố được thành lập. Trong tất cả các mặt sinh hoạt mà PG đã đóng góp cho đất nước và nhân dân, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây sự đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, và bài này tập trung ở hai ý chính:
* PG thành phố đã và đang đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
* Những nguyên lý cơ bản về giáo dục và đào tạo đã được áp dụng và cần được tiếp tục triển khai, thực hiện.
I.- SỰ ĐÓNG GÓP CỦA PG THÀNH PHỐ VÀO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Việc giáo dục và đào tạo của PG khởi sự từ những ngôi chùa. Đầu tiên, các vị cao tăng giảng Phật pháp, khuyến dạy đạo đức, gây ý thức về nếp sống hiền thiện cho quần chúng Phật tử. Mặt khác, chư vị còn giáo dục, đào tạo lớp tu sĩ kế thừa, truyền bá chánh pháp. Như thế, ý nghĩa giáo dục và đào tạo đã được thực hiện nhằm vào đối tượng tu sĩ và cư sĩ Phật giáo.
Học thuyết Tứ đế, Duyên khởi, Nhân quả, Luân hồi... đã quá phổ biến trong quần chúng nhân dân vùng đất mới được thành lập, bên cạnh những hình ảnh hiền hòa, đạo đức có tính thuyết phục của chư Tăng Ni, của những ngôi chùa trang nghiêm thanh tịnh.
Từ đầu thế kỷ 20, khi phong trào chấn hưng PG phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước, các tu sĩ và giới trí thức PG đã nhanh chóng tham gia phong trào và có những hoạt động tích cực: Thích học đường, Phật học Thư xã được hình thành tại Sài Gòn năm 1928, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và tạp chí Từ Bi Âm ra đời ngay sau đó. Suốt nhiều năm, các tạp chí Từ Bi Âm, Pháp Âm, Tiến Hóa cũng như các ấn phẩm dịch thuật, sáng tác bằng chữ quốc ngữ của giới PG thành phố đã góp công phổ biến giáo lý của đức Phật, kêu gọi một nếp sống mới hiền thiện, đồng thời với việc truyền bá chữ Quốc ngữ. Đến khi cùng với các khóa Phật học ở các trường Phật học chuyên giáo dục và đào tạo Tăng Ni, các trường Bồ Đề trung và tiểu học của Phật giáo dạy chương trình phổ thông có kèm thêm các giờ giáo lý và một số sinh hoạt PG cho thanh thiếu niên thành phố, thì PG đã chuyển sang giai đoạn mới gia tăng đóng góp vào công cuộc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
Năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, mới đầu có trụ sở tạm thời tại chùa Pháp Hội, rồi chùa Xá Lợi và sau đó dời về cơ sở khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho một đại học PG tại số 222 Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Tuy là một đại học mới thành lập, nhưng do mục đích và phương pháp đào tạo đúng đắn, phù hợp với thời đại, lại có liên hệ chặt chẽ với nhiều đại học lớn trên thế giới, Viện đã thu hút được nhiều sinh viên. Sau mười năm, số sinh viên tốt nghiệp gồm hơn 5.000 người chia đều ở các phân khoa Phật học, văn học, triết học, kinh tế, báo chí, xã hội...
Sau ngày thống nhất đất nước, do tình hình đất nước và do điều kiện chủ quan, Viện Đại học Vạn Hạnh đã ngưng hoạt động. Đến năm 1985, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh, kế đến là Trường Cơ bản Phật học, lớp Cao đẳng Phật học được hình thành, rồi các khóa đào tạo giảng sư Phật học và nhiều khóa Phật học khác được tổ chức tại thành phố nhằm đào tạo Tăng Ni đáp ứng giai đoạn phát triển mới của đất nước và của Giáo hội. Ngoài ra, các lớp học tình thương, các nhà giữ trẻ, các nhà nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, bụi đời của PG thành phố cũng góp công vào sự nghiệp giáo dục của thành phố. Các sách báo PG in ấn và phát hành phần lớn tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là những công cụ hữu hiệu nhằm giáo dục và đào tạo một lối sống lành mạnh với trí tuệ và từ bi.
II.- NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỦA PG ĐÃ ĐƯỢC ÁP DỤNG VÀ CẦN PHẢI ĐƯỢC PHÁT HUY
Đối với những người theo đạo Phật, đức Phật là vị thầy vĩ đại. Ngài giảng pháp, chỉ rõ con đường thoát khổ. Những nguyên tắc cơ bản về giáo dục và đào tạo được tìm thấy trong giáo lý của Ngài, và nếu được áp dụng một cách linh động theo từng hoàn cảnh thực tế thì thành quả sẽ vô cùng tốt đẹp.
Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với một số nhà giáo dục PG nổi tiếng từ nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi cũng có thời gian nghiên cứu về các nguyên tắc giáo dục PG qua kinh điển và chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm về giáo dục đào tạo trong suốt thời gian một phần tư thế kỷ giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và Học viện PG Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, chúng tôi nhận thấy công cuộc giáo dục và đào tạo của PG đòi hỏi một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
* Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người lý tưởng của PG có đủ khả năng để tiến đến giải thoát và thực hiện giải thoát. Đó là con người theo từng mức độ tu học mà biết dập tắt những đau khổ của mình và giúp người khác dập tắt đau khổ của họ. Đó là con người được trang bị bằng Giới-Định-Tuệ, loại bỏ được tham sân si, thực hiện vô ngã, sống hài hòa với mọi người, với thiên nhiên, đầy tính nhân bản, từ bi và trí tuệ.
* Nội dung của giáo dục là Giới-Định-Tuệ. Ba vô lậu học này có thể được hiểu một cách tương đối nhưng rất cụ thể là đạo đức, sự ổn định tâm linh và sự sáng suốt trong kiến thức, tư duy. Theo với thời đại, nội dung này bao gồm cả sự thực hành đạo đức đối với bản thân, với xã hội, nhân quần; sự thực hành thiền định để khơi dậy một nếp sống thanh tịnh, một cái tâm ổn cố; sự nỗ lực tu học để có trí tuệ sáng suốt, tri thức cao vời cả về đạo học và thế học. Kiến thức và kỹ năng cũng đòi hỏi sự thực hành, thực dụng, hữu hiệu trong mọi lãnh vực mà PG gọi là Ngũ minh (nội minh, ngoại minh, thanh minh, công xảo minh, y phương minh).
* Áp dụng triệt để giáo lý Duyên khởi trong tư duy giáo dục, trong phương pháp tổ chức và thực hiện. Đó là việc đặt giáo dục vào môi trường của thời đại, việc đánh giá đối tượng giáo dục theo từng hoàn cảnh, điều kiện của đối tượng. Nói chung là nhìn sự việc, đối tượng trong mối liên hệ tổng thể của tất cả các yếu tố hiện hữu.
* Phải có cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp cho môi trường giáo dục đào tạo. Đức Phật và chư A la hán giáo dục, hướng dẫn môn sinh tại các đại tinh xá lớn thời Đức Phật đã đào tạo được số đông vị nhập vào dòng Thánh; rồi các đại học lớn về sau như cổ viện Na Lan Đà do ngài Long Thọ làm Viện trưởng và cả Ban Giảng huấn gồm rất nhiều tôn túc đạt ngộ, đã đào tạo được nhiều Thánh tăng mà người đời vẫn mãi truyền tụng. Do đó, một cơ sở khang trang, đầy đủ tiện nghi, phù hợp với các sinh hoạt giảng dạy, học tập, hội họp, các ban chuyên môn v.v... là rất cần thiết. Và, cần thiết hơn nữa là một ban lãnh đạo, một ban giảng huấn gồm những vị có tài năng, đạo đức, có khả năng chuyên môn, có phương pháp sư phạm vững vàng.
* Và dĩ nhiên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đòi hỏi một sự đồng tình ủng hộ của số đông, từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan và cá nhân thân hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các vua quan và quần chúng thời Đức Phật đã ủng hộ giáo đoàn Tỳ kheo như thế nào, rồi liên hệ đến thời Lý-Trần của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy ngay việc giáo dục và đào tạo cần đến lực lượng của số đông theo nhiều thể cách khác nhau để đạt đến những thành quả tốt đẹp.
Hiện nay, PG thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tiếp tục những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Tuy đối tượng giáo dục và đào tạo hiện nay chủ yếu là Tăng Ni, nhưng hiển nhiên, một số hoạt động khác như các khóa giảng dạy cho Phật tử, các cơ sở từ thiện mang tính giáo dục, các sách báo PG vẫn là nhằm phục vụ cho việc giáo dục và đào tạo con người nói chung. Các trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được tu sửa cho tiện nghi hơn, lực lượng giảng huấn ngày càng gia tăng chất lượng và số lượng. Học viện PG Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đang được xây cất cơ sở mới với kinh phí dự trù hơn 6 tỷ đồng Việt Nam. Đây là những dấu hiệu của quyết tâm phục vụ vào sự phát triển không ngừng của PG thành phố ta trong việc đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Gửi ý kiến của bạn