- Lời nói đầu
- Phần I: Hội Thảo Khoa Học
- Phần II: Lịch Sử Truyền Thừa
- Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định
- Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
- Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
- Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
- Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
- Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn
Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn Đấu Tranh Cho Tự Do Tôn Giáo (1963)
Lương Hữu Định
Nguồn: Lương Hữu Định
Nguồn: Lương Hữu Định
Năm 1963, sau khi hay tin Hòa thượng (HT) Thích Quảng Đức đã tự thiêu để bảo vệ chánh pháp, toàn thể các giới ở trong nước, nhất là giới trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh, Phật tử hay không phải Phật tử, đã sôi nổi, ồ ạt đứng lên, tham gia tích cực vào phong trào chống chế độ "gia đình trị" của ông Ngô Đình Diệm. Động cơ của sự tham gia này có nhiều, nhưng riêng đối với tôi, thì khi tham gia vào sự kiện này, qua Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn thời ấy, thì động lực duy nhất là đòi hỏi tự do tôn giáo. Tôi chỉ xin trình bày các sự kiện dưới con mắt chủ quan của tôi, còn việc đánh giá đúng sai sẽ không nói tới.
1- Sinh viên và Phật giáo:
Gia đình tôi vốn theo đạo Phật, nên thời thơ ấu của tôi đã đậm mùi khói hương, kinh kệ. Cứ mỗi buổi chiều, khoảng 5 giờ, bà ngoại tôi và bà dì tôi lại lên một thời kinh (vì mẹ tôi mất khi tôi mới 4 tuổi). Dì tôi tụng kinh gõ mõ, bà ngoại tôi ngồi lim dim lần tràng hạt. Những ngày lễ, Tết, tôi được theo bà lên chùa. Hình ảnh những ngôi chùa to, những pho tượng đẹp, những tu sĩ trang nghiêm và đáng kính, đã trở thành quen thuộc với tôi. Đến độ bây giờ, chỉ cần nghe tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, tôi lại nhớ thấy cảnh kẻ ra người vào tấp nập, miệng luôn chào nhau "A Di Đà Phật".
Khi ấy, đạo Phật đối với tôi chỉ là những nghi lễ dành cho người lớn, một cách sống của người già. Đối với tuổi trẻ thì chùa là loại thắng cảnh để rủ nhau đi chơi vào những ngày nghỉ, kiểu như "hôm nay em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương" để rồi "em không dám đi mau, sợ chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu". Còn đối với con nít như tôi hồi đó, thì đức Phật là đấng ban lộc oản chuối, xôi chè.
Cái quan niệm ấy tôi giữ cho tới thời kỳ đi vào đại học, là sinh viên. Khi ấy, đến với Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn, tôi chỉ muốn tìm được những người bạn cùng trang lứa, cùng làm việc xã hội: đi thăm các cô nhi viện, các viện dưỡng lão, các làng tình thương, và khi xảy ra thiên tai bão lụt thì đi quyên góp tiền bạc, quần áo, đi cứu trợ. Việc lễ Phật chỉ là một nghi lễ mở đầu hay chấm dứt cho một buổi sinh hoạt.
2- Sinh viên và tự do tín ngưỡng:
Dần dần, việc đi lễ mỗi sáng Chủ nhật trở thành thói quen: sáng Chủ nhật được nghỉ học, ở nhà buồn, đi lễ cho vui. Khi ấy ở chùa Xá Lợi, sau mỗi khóa lễ từ 8 giờ tới 9 giờ, là có một lớp giáo lý ở giảng đường, từ 9 giờ tới 11 giờ. Về sớm cũng chẳng có việc gì làm, tôi vào dự nghe. Từ từ, những bài giảng của Đức Thích Ca đến với tôi: Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo... Nhất là khi ấy tôi lại học Đại học Văn khoa, được giới thiệu các vấn đề triết học, tôn giáo, triết Đông, triết Tây, nên tôi càng tin tưởng hơn ở một tôn giáo đã có lịch sử 2.500 năm.
Tôi có được biết là ông Diệm theo đạo Thiên Chúa. Ông tin tưởng ở những người Công giáo hơn, người Công giáo được ưu đãi hơn. Nhưng chưa có gì lộ liễu, cho tới đầu năm 1963.
Tháng Tư năm ấy, ông Diệm tuyên bố không thừa nhận Phật Đản là ngày lễ chính thức và không cho phép treo cờ tôn giáo ngoài phạm vi cơ sở tôn giáo, đúng vào dịp sắp tới lễ Phật Đản. Cuộc tranh đấu của Phật giáo (PG) bắt đầu, đòi bình đẳng tôn giáo. Còn đối với tôi, đó là đòi tự do tín ngưỡng, một trong những quyền căn bản của con người. Tôi chỉ còn nhớ được vài sự kiện chính :
Ngày 8-5-1963, đêm trước Phật Đản, tại Huế, các đồng bào Phật tử tụ tập trước Đài Phát thanh để đợi nghe phát đi bài thuyết pháp của thầy Trí Quang đã được ghi âm từ buổi sáng. Nhưng bài ấy đã không được phát thanh, có thể là vì trong đó thầy đòi treo cờ PG. Đồng bào Phật tử tụ tập càng lúc càng đông, chính quyền Huế cho xe tăng ra đàn áp. Đồng bào không chịu giải tán, kết quả có 8 người bị xe tăng cán chết. Những tấm hình chụp được gửi đi các nơi, mọi người phẫn uất.
Ngày 25-5, Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG được thành lập để lãnh đạo cuộc tranh đấu đòi tự do tôn giáo. Nguyên tắc tranh đấu là bất bạo động : chỉ tổ chức những buổi thuyết pháp, tuyệt thực, biểu tình, phổ biến thông tin... Đoàn Sinh viên Phật tử đặc biệt đóng góp vào việc thông tin trong giới học sinh, sinh viên, để mọi người biết rõ sự thực, vì khi ấy chính quyền miền Nam kiểm duyệt chặt chẽ báo chí, chỉ đưa ra những tin tức có lợi cho Nhà nước.
Ngày 11-6, HT Thích Quảng Đức tự thiêu. Một hình thức tranh đấu đặc biệt của Phật giáo để bảo vệ chánh pháp.
Ngày 20-8, chính quyền miền Nam bắt đầu một cuộc bắt bớ rộng khắp, đầu tiên là các Tăng Ni ở trong chùa, sau tới các Phật tử ở nhà. Nhiều đoàn viên sinh viên Phật tử đã bị bắt vào dịp này, trong đó có tôi. Đầu tiên, chúng tôi bị tạm giữ ở Tổng nha Cảnh sát đô thành để lấy lời khai. Vì chẳng có gì phải giấu diếm, nên việc lấy cung rất nhanh. Sau đó, chúng tôi được đưa qua trại Lê Văn Duyệt, gọi là để học tập, cho tới ngày 1-11. Đối với chúng tôi, những ngày tháng ở trại Lê Văn Duyệt chỉ lưu lại những kỷ niệm vui nhiều hơn là buồn.
3- Bi, Trí và Dũng:
Nhìn lại thời kỳ sinh hoạt với Đoàn Sinh viên Phật tử và nhất là qua cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo, tôi thấy rõ ba giai đoạn thể hiện ba mức độ mà tôi đến với Đoàn:
Đầu tiên chỉ là một ước muốn được đóng góp một cái gì đó cho xã hội, cho những người nghèo khổ; vì biết riêng mình chẳng làm được gì, nên tôi đã đến với Đoàn Sinh viên Phật tử để gặp những người bạn cùng ước mơ ấy. Đó là Bi.
Rồi trong thời gian học ở Đại học Văn khoa, tôi được biết về các vấn đề nhân sinh quan, vũ trụ quan, bản thể luận, cũng như các hệ thống triết học nhằm giải quyết những vấn đề căn bản ấy. Nên khi theo các lớp giáo lý PG, tôi thấy đó là cả một hệ thống triết học toàn diện, chứ không chỉ là những nghi thức trong đời sống hàng ngày. Theo Phật không chỉ là tụng kinh, gõ mõ, lễ Phật, ăn chay... dành cho ông già bà cả hay giới Tăng sĩ, mà còn là cả một quan niệm sống, một cách sống dành cho giới trẻ, giới trí thức. Càng biết nhiều càng say mê, đó là Trí.
Còn Dũng thì thật là khó khăn. Dũng không phải là khỏe mạnh để đi đánh nhau với người khác, mà Dũng là sức mạnh để tự thắng mình. Ngồi yên đó để cho bị đánh đập, bị giam cầm, nhịn đói để biểu lộ sự phản đối, tự thiêu để cảnh tỉnh. Tôi nhìn hình ảnh HT Quảng Đức ngồi giữa ngọn lửa bốc lên, tôi nhớ tới hình ảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá. Người ta nói trái tim của HT không cháy vì khi ấy tâm trí Ngài tập trung về trái tim với ước nguyện cầu cho nhà cầm quyền thức tỉnh, cầu cho PG đồ mau qua cơn pháp nạn. Tôi liên tưởng tới lời cầu xin của Chúa Giê-su trước khi tắt thở: "Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho những người này vì họ không biết việc họ đang làm".
KẾT LUẬN: KHẾ LÝ VÀ KHẾ CƠ
Thì ra, nếu chỉ hiểu PG qua các biểu hiện ở bên ngoài thì dễ hiểu lầm PG. Nếu chỉ tụng kinh và y kinh chú giải, thì dễ oan tam thế Phật lắm. Còn có vị Thiền sư chỉ giác ngộ khi ông thầy chẻ pho tượng Phật bằng gỗ, bỏ vào đống lửa để sưởi ấm một đêm giá lạnh, tuyết rơi trong hang đá. Tìm trong kinh không thấy, tìm trong ảnh tượng lại càng bị trói buộc. Vậy mà khi đi vào đời, tới với người nghèo khổ, những lúc bản thân hay gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, thì lời dạy của đức Thế Tôn lại vang lên, chỉ đường giải thoát. Người ta đã nói về đạo Phật cho giới cư sĩ, cho giới trẻ, cho ngày nay. Khi biết khế lý và khế cơ, thì PG sẽ là của mọi người, mọi thời đại.
Sau năm 1964, tôi hết là sinh viên và cũng vì bị lôi cuốn theo dòng đời, tôi đã rời Đoàn Sinh viên Phật tử, chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau, nhưng chắc chắn là ở bất cứ nơi nào, chúng tôi vẫn nhớ đến nhau vì lòng cùng hướng về một Đấng Từ Phụ.
Tháng 4-1998
Gửi ý kiến của bạn